Đứa con trai của Voócki
Ngồi trên mép một kiện hàng, Vêrôních quay sang cười với Honorin. Nụ cười còn phảng phất lo âu, nụ cười phân vân rụt rè như tia nắng yếu ớt cố xuyên qua những lớp mây cuối cùng sau cơn dông tố. Dù sao nụ cười vẫn là biểu hiện của những điều tốt lành.
Một con người như Vêrôních đáng lẽ phải là hiện thân của sung sướиɠ và hạnh phúc. Nàng có khuôn mặt đẹp tuyệt trần, khuôn mặt mang dấu ấn của sự thanh cao với vẻ e ấp đặc biệt thường thấy ở những thiếu phụ gặp cảnh ngộ éo le, tình duyên ngang trái hoặc đau khổ quá mức, trễ nải việc trang điểm mà nét mặt trở thành nghiêm nghị.
Mái tóc huyền hơi ngả xám ở hai bên thái dương được buộc thắt lại chỗ ngang gáy. Nàng có nước da bánh mật, nước da của phụ nữ miền Nam, đôi mắt to rất trong sáng, toàn bộ nhãn cầu đều có một màu xanh phơn phớt, màu xanh của bầu trời mùa đông. Thân hình nàng cao lớn, vai nở, cân đối. Tiếng nói dịu dàng, hơi trầm càng trở nên vui vẻ ấm áp khi nói về đứa con trai của nàng. Honorin vừa cho biết nó còn sống.
Honorin không sao lái được Vêrôních vào những chuyện đang làm đầu óc chị quay cuồng. Thỉnh thoảng chị lại gợi.
- Này, có hai việc tôi nghĩ mãi không ra. Ai đã viết những dấu chỉ đường cho bà từ Phaouê đến đây, tận chỗ tôi dùng làm bến lên xuống này? Tôi cho rằng nhất định phải có một người nào đó đã từ Phaouê ra đảo Xarếch trước bà! Và còn việc này nữa: Việc cụ Magơnốc bỗng dưng đi khỏi đảo? Cụ ấy tự đi hay người ta gϊếŧ rồi đem xác cụ ấy đi? Đem bằng cách nào?
- Thôi? Chị thắc mắc những cái đó làm gì! - Vêrôních gạt đi.
- Thật đấy. Bà thử nghĩ xem, ngoài chiếc xuồng của tôi dùng để chở thực phẩm từ Bếchmây hay Pônglabê ra đảo mỗi tháng hai chuyến, chỉ còn hai thuyền đánh cá thường xuyên ra khơi và đến tận Ôđiéc bán cá. Thế thì bà bảo Magơnốc đi khỏi đảo bằng cách nào? Rốt cuộc liệu có phải cụ ấy tự sát không? Nhưng nếu thế tại sao xác cụ ấy lại biến mất?
Vêrôních nói như van lơn.
- Thôi chị ơi... Lúc này, những chuyện ấy không quan trọng. Tất cả rồi sẽ sáng tỏ. Bây giờ, chị hãy nói về Phơrăngxoa. Có phải chị vừa nói Phơrăngxoa đã ra ngoài đảo phải không?
Honorin đành chiều theo lời khẩn khoản của người thiếu phụ trẻ.
- Ờ, Phơrăngxoa ra đảo trong cánh tay bồng bế của ông già Magơrnôc bất hạnh một vài ngày sau khi người ta đánh cắp nó. Cụ Magơnốc được ông Đecgơmông dặn trước nên đã nói với mọi người rằng có một bà ngoại quốc gửi đứa bé cho cụ và cụ giao nó cho người con gái cụ nuôi. Người con gái cụ chết từ dạo ấy. Còn tôi thì mới mười bốn tuổi đã sống với người Paris. Khi tôi trở về, đứa trẻ đã trở thành một cậu bé rắn rỏi chạy lăng xăng khắp bãi biển trên các bờ vực thẳng đứng. Đó chính là lúc bố bà đến Xarếch và cũng là lúc tôi nhận giúp việc cho ông ấy. Khi người con gái cụ Magơnốc qua đời, người ta mang đứa trẻ về chỗ chúng tôi. Ông Đecgơmông người ta gọi là ông Ăngtoan. Đứa trẻ gọi ông bằng ông ngoại. Mọi người chẳng ai thắc mắc.
- Tính tình cháu thế nào?
- Cái đó, ồ, khỏi phải nói, thật là ơn phước Chúa ban. - Honorin đáp, - Tính nó không giống bố, cũng chẳng giống ông ngoại. Chính ông Đecgơmông đã thú nhận như vậy. Một thằng bé dễ thương, biết vâng lời, dịu dàng, không bao giờ nổi giận, nét mặt lúc nào cũng tươi tắn. Chính vì vậy nó đã chinh phục được ông ngoại đến mức làm ông phải chạnh nghĩ đến bà, người con gái ông đã ruồng bỏ. “Nó là tất cả hình ảnh của mẹ nó: Vêrôních dịu dàng, thắm thiết, đôn hậu và giàu lòng nhân ái.” Ông Đecgơmông nói như vậy và ông bắt đầu để ý tìm bà. Sau dần dần tin tôi, ông giao việc ấy cho tôi.
Mắt Vêrôních long lanh vui sướиɠ. Những lúc như thế trông nàng càng giống con trai nàng. Thật là một đứa trẻ tươi tắn tốt bụng.
- Nhưng liệu cháu có nhận ra tôi không? Nó có biết mẹ nó còn sống không?
- Nếu biết thì còn nói gì nữa! Trước hết vì ông Đecgơmông muốn giữ bí mật. Nhưng tôi đã nói hết với nó rồi.
- Chị nói hết cho cháu nghe rồi hả?
- Không, nó vẫn đinh ninh bố nó chết, mẹ thì tu ở một tu viện nào đó không thể tìm ra. Trời, nó thèm khát tin tức mẹ nó biết chừng nào! Mỗi lần tôi đi tìm bà trở về là một lần nó hi vọng, nó khắc khoải. Niềm hi vọng duy nhất của nó là được gặp mẹ. Nó yêu mẹ vô vàn. Lúc nào cũng nghêu ngao bài hát tôi vừa hát lúc nãy, bài hát ông ngoại nó dạy.
- Ôi, Phơrăngxoa của mẹ! Phơrăngxoa yêu quý của mẹ!
- Phải, nó yêu bà lắm. - Honorin nói tiếp, - Tôi tuy là “Má Honorin” của nó, nhưng bà mới thực đẻ ra nó. Và chính vì nhớ mẹ, lúc nào cũng chỉ muốn gặp mẹ, nó đã thôi học và trưởng thành trước tuổi.
- Thôi học... Cháu đi làm hả chị?
- Làm việc cùng với ông ngoại và trong khoảng hai năm gần đây cùng với một thanh niên con nhà tử tế tôi đưa từ Pari về, tên là Xtêphan Maru, một thương binh khắp người đầy những vết mổ xẻ. Thằng Phơrăngxoa dính với anh ta như hình với bóng.
Chiếc xuồng lướt nhanh trên mặt biển yên tĩnh để lại đằng sau một giải bọt trắng xoá. Những đám mây đen phía chân trời tan dần, báo hiệu một ngày yên tĩnh và thanh bình sắp kết thúc.
- A, còn cái này, quần áo của cháu thế nào hả chị?
- Nó mặc quần soóc, áo sơ mi rộng cúc mạ vàng, đội mũ nồi giống như ông Xtêphan người bạn lớn tuổi của nó, chỉ khác mũ của nó màu đỏ, vì nó thích loại mũ ấy.
- Ngoài ra, cháu có chơi với ai nữa không?
- Trước kia, nó chơi với tất cả thanh niên trên đảo, nhưng từ khi những người bố phải ra mặt trận, hầu hết thanh thiếu niên phải theo mẹ đi làm việc mãi tận bờ biển Côngcácnô hoặc Loriăng. Giờ thì chỉ còn toàn cụ già với ba đứa trẻ. Tất cả không quá ba mươi người.
- Thế thì chả còn ai cùng lứa tuổi để cháu kết bạn nữa chị nhỉ.
- Ô, vậy mà nó còn một người bạn rất tốt đấy?
- Ai vậy?
- Một con chó xấu xí nhất nhưng cũng ngộ nghĩnh nhất. Trông rất buồn cười, nửa giống chó xù, nửa như chó săn chuột. Nhưng nom thật nhộn và thật kì cục. Nó còn là một mẫu nhân vật luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan nữa kia đấy!
- Thế là thế nào hả chị?
- Phơrăngxoa đặt tên cho con chó là Vạn Sự Tốt Lành, kể ra cũng chẳng có cái tên nào hợp với con chó hơn cái tên đó. Lúc nào nó cũng hớn hở có vẻ bằng lòng với cuộc sống. Nhưng cũng có lúc thích sống biệt lập, thỉnh thoảng lại biến đâu mất hàng giờ, thậm chí cả ngày. Tuy nhiên, nếu ai có điều gì phiền muộn hoặc gặp lúc công việc không được trôi chảy như ý muốn, lập tức nó có mặt ngay! Vạn Sự Tốt Lành ghét nước mắt và không thích những cuộc cãi lộn, những tiếng quát tháo. Nếu thấy ai khóc (hoặc giả vờ khóc cũng thế) nó liền ngồi lên hai chân sau ngay trước mặt người ta, nhắm một mắt lại, một mất mở ti hí, nhe răng ra làm như đang cười toe toét, làm cho ai cũng phải bật cười. Những lúc như thế, Phơrăngxoa nói với con chó: “Này, anh bạn, kể ra anh có lí đấy. Nếu mọi việc đều tốt, tội gì chẳng làm phải không anh.” Thấy người ta hết buồn phiền, Vạn Sự Tốt Lành lon ton bỏ đi. Thế là nó đã làm xong nhiệm vụ.
Nghe câu chuyện Honorin kể, Vêrôních vừa cười, vừa khóc. Nàng ngồi im mơ màng hồi lâu, nét mặt dần dần trở nên ảm đạm: Một nỗi tuyệt vọng từ đâu kéo đến xâm chiếm tâm hồn, nhận chìm tất cả những niềm vui vừa nhen nhóm trong lòng. Nàng chợt nghĩ đến những gì gọi là hạnh phúc bị mất mát trong mười bốn năm qua, mười bốn năm làm mẹ không con, mười bốn năm nàng mang nặng tang tóc một đứa con còn sống! Tất cả việc ấp ủ chăm sóc của người mẹ đối với đứa con, tất cả sự trìu mến người mẹ dành cho con và cũng nhận lại từ nó, tất cả lòng kiêu hãnh của người mẹ khi nhìn con mình lớn lên, nghe nó bi bô tập nói, tất cả những gì làm rạng rỡ tâm hồn, nâng cao địa vị người mẹ làm tràn ngập trái tim người mẹ một tình yêu đằm thắm đổi mới từng ngày... tất cả, tất cả nàng chưa hề được biết đến!
- Chúng ta đã đi được một nửa đường rồi đấy. - Honorin nói với Vêrôních.
Xuồng của họ đi ngang qua các hòn đảo Gơlênan, bên phải là mũi Penmắc, cách mười lăm hải lí song song với bờ biển. Bờ biển vẽ thành một vệt mờ tối lẫn với đường chân trời.
Vêrôních nghĩ đến dĩ vãng buồn thảm, nghĩ đến mẹ. Phải khó khăn lắm nàng mới hình dung được nét mặt của mẹ. Nghĩ đến thời thơ ấu dài lê thê bên cạnh người cha ích kỉ và bẩn tính, nghĩ đến cuộc hôn nhân, chà, nhất là cuộc hôn nhân! Nàng hình dung những lần gặp gỡ đầu tiên với Voócki. Lúc ấy nàng vừa mười bảy tuổi. Hình như ngay từ đầu Vêrôních đã cảm thấy e sợ con người kì lạ đó, rất sợ là đằng khác. Nhưng không hiểu tại sao nàng lại chịu ảnh hưởng của anh ta cứ như cái tuổi mười bảy của nàng nhất thiết phải thuộc về một cái gì đó thật bí ẩn và khó hiểu.
Rồi đến cái ngày sinh nở đáng ghét và những ngày tiếp theo còn đáng ghét hơn nữa, những tuần lễ nàng bị Voócki giam lỏng, dọa dẫm và trấn áp bằng tất cả sức mạnh cường bạo của anh ta. Đầu óc Vêrôních cứ quay cuồng mãi với những kỉ niệm năm tháng thành lập gia đình. Đó là lời hứa hôn, bản giao kèo chống lại tất cả những gì là bản năng và lí trí trong con người nàng mà anh ta có được bằng thủ đoạn cướp giật, bằng cách gây ra vụ tai tiếng buộc cha nàng phải đồng ý, buộc nàng phải chấp nhận cuộc hôn nhân... Cái đó, ồ, không bao giờ, ngay cả những phút xấu nhất mà cơn ác mộng dĩ vãng đến ám ảnh ta như những bóng ma, không bao giờ ta còn để nó sống lại, kể cả trong cõi sâu thẳm và bí ẩn của tâm hồn. Cái thời kì đầy rẫy tai họa cay đắng và thất vọng, những vết bầm tím, sự phản bội, cuộc sống đáng hổ thẹn của chồng nàng, một con người vô liêm sỉ, ngông cuồng chó má, ngày càng lộ rõ bản chất của hắn, say khướt, cờ bạc, ăn cắp, lừa đảo, trùm con hát, đã cho vợ hắn cái cảm giác ghê tởm mà mỗi khi nghĩ đến, nàng không khỏi rùng mình! Thật là một loại quỷ sứ chuyên gieo rắc sự bất hạnh, một thứ hung thần phản trắc điên khùng!
- Thôi, đừng mơ mộng nữa bà Vêrôních. - Honorin nói.
- Không, tôi không mơ mộng, tôi đang hối tiếc. - Vêrôních trả lời.
- Bà hối tiếc gì bà Vêrôních. Bà cho cuộc đời chỉ là một chuỗi thống khổ hay sao?
- Vâng, thông khổ là sự trừng phạt.
- Nhưng tất cả rồi sẽ phải chấm dứt vì bà sắp nhìn thấy bố và con trai của bà. Thôi, chỉ nên nghĩ đến những điều làm chúng ta vui thích, bà Vêrôních ạ!
- Vui thích! Liệu tôi có còn được như thế không?
- Có chứ. Sắp rồi đấy, không lâu đâu. Xarếch kia rồi!
Honorin lấy trong chiếc hòm đặt dưới ghế ngồi của chị một cái vỏ ốc to chị vẫn dùng làm tù và theo cách thức của những thủy thủ ngày xưa. Chị đưa tù và lên miệng phồng má thổi mấy tiếng ô ô như bò rống vang khắp không gian.
Vêrôních nhìn chị, không hiểu.
Honorin giải thích:
- Tôi gọi thằng bé đấy.
- Gọi Phơrăngxoa? Chị gọi Phơrăngxoa à?
- Ừ, lần nào tôi trở về, nó cũng chạy như bay từ trên bờ biển cao ngất nơi chúng tôi ở xuống tận chỗ cái đập trước bến kia kìa!
- Ôi! Thế là tôi sắp được nhìn thấy con tôi rồi! - Mặt Vêrôních tái nhợt vì xúc động.
- Phải, bà sẽ được trông thấy nó. Nó cũng đã được nhìn ảnh bà. Bà hãy gập khăn voan che kín mặt để nó không nhận ra. Tôi sẽ nói với bà như một người khách lạ đến viếng thăm đảo Xarếch.
Ngồi ở dưới xuồng, Vêrôních đã nhìn thấy hòn đảo. Tuy nhiên dưới chân các bờ vực có rất nhiều tảng đá che khuất.
- A, à! Những tảng đá ngầm, ở đây, những thứ này không thiếu, lúc nhúc như một đàn cá mòi. - Honorin nói to. Chị tắt máy và sử dụng hai chiếc bơi chèo ngắn ngủn. - Thế đấy! Tí nữa mặt biển mới yên tĩnh. Còn ở chỗ này chả lúc nào yên!
Hàng ngàn, hàng ngàn đợt sóng xô đẩy chen lấn dồn dập xô vào những mỏm đá, tan ra thành từng mảng trắng xoá: Cuộc chiến đấu không bao giờ nguôi của biển cả! Chiếc xuồng như đang ngoi ngóp giữa một dòng thác lũ. Ở đây, giữa vùng biển sục sôi và ngầu bọt, người ta không thể tìm được, dù chỉ một khoảng nhỏ mặt nước màu xanh da trời hay xanh lục mà chỉ toàn bọt trắng. Hình như những sức mạnh không biết mệt mỏi đang điên cuồng chống chọi với những tảng đá từ dưới nước nhe ra như những cái răng nanh nhọn hoắt.
Honorin nói tiếp:
- Xung quanh đảo đều thế này cả. Ở Xarếch khó mà tìm được một chỗ yên ổn để ghé thuyền vào bờ, vì thế, người Đức đã không thể đặt căn cứ tàu ngầm của họ ở đây. Trước kia, với mục đích phòng thủ, những người sĩ quan rất khôn ngoan ở căn cứ quân sự Loriăng đã phải mất ròng rã hai năm trời để tìm và đến được một vài cái hang phía tây hòn đảo. Nhưng những hang động ấy chỉ có thể vào được lúc nước thủy triều xuống kiệt. Việc làm của họ chỉ là uổng phí. Chỗ chúng tôi chả làm được cái gì cho ra hồn. Bà thấy đấy, khắp xung quanh toàn những đá tảng và đá ngầm nhiều như một bãi đá cuội. Những tảng đá nhọn hoắt ở dưới nước lúc nào cũng nhăm nhăm chỉ chực nhô lên đớp trộm người ta như những con rắn độc. Thật chẳng còn biết mỏm đá nào nguy hiểm hơn mỏm đá nào. Có thể nhiều hòn khác còn đáng sợ hơn những hòn đá đồ sộ bà trông thấy kia. Chúng đều có tên và có lịch sử tội ác nhận chìm tàu thuyền của chúng cả.
- A! Mỏm đá kia! - Tiếng Honorin nghe chói tai.
Chị giơ tay rụt rè phác một cử chỉ, ngón tay chỉ vào một vài tảng đá đồ sộ sừng sững với những hình thù quái dị: hình những con vật ngồi chồm hổm, hình vọng gác có lỗ châu mai, hình chiếc kim khâu khổng lồ, hình quái thần Xphanh mặt đàn bà, mình sư tử, hình kim tự tháp thô kệch, tất cả đều là đá hoa cương đen nhuộm sắc đỏ y như đã được nhúng vào máu.
Chị lại thì thầm.
- Ôi! Những tảng đá trung thành bảo vệ hòn đảo này qua nhiều thế kỉ như những con vật hung tàn chỉ biết gieo rắc đau thương và tang tóc. Những hòn đá này... những hòn này nữa... Nhưng thôi tốt hơn hết không nên nhắc đến nó nữa, thậm chí cũng không nên nghĩ đến chúng làm gì. Chúng là ba mươi con dã thú... Phải, ba mươi con, bà Vêrôních ạ... Có ba chục...
Honorin lặng lẽ làm dấu thánh và nói tiếp:
- ... Có ba mươi tất cả. Bố bà bảo sở dĩ người ta gọi đảo Xarếch là đảo Ba Mươi Quan Tài bởi vì theo bản năng, dân chúng ở đây đã nhập hai chữ “Êcơi và Xéccơi” vào với nhau. Có thể... dĩ nhiên... nhưng dù sao đó cũng là những chiếc quan tài thực sự, bà Vêrôních ạ. Nếu có cách gì mở được nó ra, chắc chắn người ta sẽ thấy từng đống xương chồng chất. Ông Đecgơmông nói Xarếch là từ chữ “Xacôpha” mà ra. Theo ông đó là một loại hình từ ngữ bác học của chữ quan tài và rồi... tốt hơn hết là...
Honorin ngừng nói. Hình như chị lại đang nghĩ đến những chuyện khác. Chị chỉ tay vào một mỏm núi đá.
- Bà Vêrôních ạ, đi hết mỏm núi chắn ngang trước mặt kia, bà sẽ trông thấy cái bến nhỏ của chúng tôi nằm giữa một khoảng trống trải và bà còn trông thấy cả chiếc mũ nồi đỏ của cậu Phơrăngxoa nữa đây.
Từ nãy Vêrôních nghe Honorin nói một cách lơ đãng, giờ đây nàng chăm chú và nhoài hẳn người ra để lát nữa nhìn cho rõ bóng dáng đứa con mình. Honorin thì chẳng để ý đến cử chỉ thay đổi của Vêrôních. Đầu óc chị vẫn còn bị ám ảnh bởi những chuyện về đảo Xarếch. Chị lại nói.
- Cũng còn cái khá hơn, ở đảo Xarếch ấy. Mà cũng chính vì cái chỗ khá hơn ấy, ông thân sinh bà mới chọn Xarếch làm chỗ ở. Trên đảo có hàng chục chiếc bàn đá cổ đại nom chẳng có gì hấp dẫn nhưng đặc biệt đều từa tựa như nhau... Ngoài ra bà biết có bao nhiêu bàn đá không? Ba mươi... ba mươi bàn thạch trùng với ba mươi mỏm đá ngầm chủ yếu. Ba mươi bàn thạch nằm rải rác quanh đảo trên các bờ vực thẳng đứng cao vυ"t, đối diện rất chính xác với ba mươi mỏm đá ngầm. Một số bàn thạch có tên gọi giống những mỏm đá ngầm tương ứng: Đôn-e-H’rôéc, Đôn-Ke-litu... Như vậy là thế nào hở bà?
Honorin đọc tên những bàn thạch với giọng sợ sệt hệt như khi chị nói về tất cả những thứ khác trên đảo, hình như tai chị không dám nghe những tiếng đó, những tiếng mà một con người luôn luôn sợ sệt và lệ thuộc giáo lí như chị, đã làm chúng thêm sinh động.
- Như vậy là thế nào hở bà Vêrôních. Ôi tất cả những cái đó nhất định phải chứa đựng một cái gì bí ẩn. Nhưng tốt hơn hết tôi nhắc lại chúng ta nên im lặng. Tôi sẽ kể hết cho bà nghe khi mọi người đã rời khỏi đảo này và chú bé Phơrăngxoa đã nằm gọn trong vòng tay của bà, giữa bà với ông ngoại nó...
Vêrôních không nói gì, mắt đăm đăm nhìn về phía Honorin vừa chỉ. Nàng ngồi xoay lưng lại, hai bàn tay nắm chặt vào mép xuồng, lòng dạ bồn chồn. Đằng kia, chỗ khoảng trống hẹp trên bờ biển, nàng sắp được trông thấy đứa con trai bị mất tích của mình và nàng không muốn bỏ phí một giây nào ngay từ lúc Phơrăngxoa bắt đầu xuất hiện trước mắt nàng.
Xuồng đã vào gần mỏm đá. Chiếc bơi chèo của Honorin lướt qua vách đá. Chị cho xuồng men theo bờ đến tận đầu đằng kia.
- Ôi! - Tiếng nói của Vêrôních bật lên đau khổ. - Sao tôi không trông thấy gì cả?
- Sao lại không thấy nhỉ? Vô lí quá, không thể như thế được! - Honorin kêu lên.
Nhưng đến lượt chị nhìn về phía những tảng đá to dùng làm đê chắn sóng, cách độ ba bốn trăm mét trước mặt cũng chỉ thấy ba người đàn bà, một cô bé và những thủy thủ già đang đứng đợi chiếc xuồng đi tới. Không có đứa bé nào. Không thấy bóng dáng chiếc mũ nồi đỏ!
- Lạ thật. - Honorin hạ thấp giọng, - Chưa lần nào tôi thổi tín hiệu mà nó không ra đón.
- Có thế cháu bị ốm? - Vêrôních lựa lời hỏi.
- Không, nó không ốm bao giờ.
- Nếu vậy thì tại sao?
- Tôi cũng chẳng biết nữa.
- Nhưng chị không thấy có gì đáng lo ngại chứ! - Vêrôních chột dạ hỏi.
- Lo cho nó thì không... Nhưng tôi lo cho ông thân sinh của bà. Magơnốc đã dặn cẩn thận là đừng có rời ông ấy ra... Tính mạng ông ấy đang bị đe dọa.
- Nhưng đã có Phơrăngxoa bên cạnh bảo vệ ông ngoại nó. Nào chị nói đi... Chị thử đoán xem, liệu có chuyện gì xảy ra không?
Sau một lát im lặng, Honorin nhún vai.
- Hàng đống sự việc rồ dại vô ý thức. Tôi có những ý nghĩ vô lí, phải, rất vô lí, bà đừng trách tôi. Dẫu sao con người của xứ Brơtanhơ đã tái hiện trong tôi... Trừ một vài năm ra, tôi đã sống gần hết cuộc đời mình trong bầu không khí của xứ sở này, một bầu không khí đầy rẫy huyền thoại và những chuyện thần thánh... Nhưng thôi, chúng ta không nên nói đến nữa...
Đảo Xarếch hiện ra dưới hình thù một quả đồi dài, hơi gồ ghề với rừng cây cổ thụ bao phủ, có các bờ vực tương đối cao chống đỡ. Từ xa người ta có thể nom thấy hòn đảo nổi lên rõ rệt nhờ các bờ vực cao và thẳng đứng đó. Nó bao quanh hòn đảo như một vành đăng ten không đồng đều và đa dạng được tạo nên từ thế kỉ này sang thế kỉ khác do mưa gió, mặt trời băng tuyết, sương giá mây mù, do tất cả các nguồn nước từ trên không dội xuống, những nguồn nước không ngừng gặm nhấm xói mòn đất đá.
Chỗ duy nhất gọi là bếp có thể ghé thuyền vào nằm ở phía đông hòn đảo. Trên khoảng đất trùng lác đác một vài nóc nhà cửa dân chài, phần lớn bỏ trống từ dạo xảy ra chiến tranh. Những ngôi nhà côi cút ấy họp lại thành làng. Đây là một khoảng đất cong vành thúng phía trước có đê nhỏ chắn sóng. Mặt biển chỗ này hoàn toàn yên tĩnh. Hai chiếc thuyền neo ở bến...
Honorin cho xuồng ghé vào bờ. Chị cố dằn lòng.
- Chúng ta đến nơi rồi bà Vêrôních ạ. Bà thấy không? À, bà cần gì phải lên bờ nhỉ. Bà cứ ngồi ở đây đợi tôi. Hai giờ nữa tôi sẽ đưa bố và con trai bà ra bến, rồi chúng ta cùng đi Bêchmây hoặc Pônglabê và ăn cơm trưa ở đây. Bà bằng lòng chứ?
Vêrôních chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy nhảy phắt lên bờ đập ngăn sóng.
Honorin hỏi mấy đứa trẻ đang đi lại.
- Các cháu có thấy Phơrăngxoa ra đây không?
Một người trong nhóm phụ nữ nhanh nhẩu trả lời.
- Ở đằng kia, đang ngủ trưa. Chắc cậu ấy đoán sáng mai bà mới về nên không ra đón.
- Đúng thế... Nhưng nó phải nghe thấy tiếng tù và tôi thổi chứ. Mà thôi... để xem.
Trong khi mọi người đưa giúp các thứ trên xuồng lên bờ, Honorin nói với họ.
- Những cái này không phải đem lên Pơriơrê, cả những chiếc va li nữa... trừ phi... này, nếu năm giờ không thấy tôi ra thì cho một đứa bé mang hộ những chiếc va li về Pơriơrê nhá.
Một người trong số cắc thủy thủ đáp.
- Việc ấy để tôi làm cho.
- Cũng được, anh Corêgiu ạ. Thế nào, anh không nói gì với tôi về cụ Magơnốc à?
- Cụ Magơnốc đi rồi. Chính tôi chở thuyền cho cụ ấy đến tận Pônglabê đấy.
- Từ bao giờ, Corêgiu?
- Sau khi bà đi được hai hôm, bà Honorin ạ.
- Cụ ấy đến đây làm gì?
- Cụ ấy bảo... đi... không biết đi đâu ấy... à liên quan đến bàn tay bị chặt cụt... đi lễ...
- Đi lễ à? Ở Phaouê phải không? Nhà thờ Xanh Bác à?
- Đúng rồi... thế đấy... nhà thờ Xanh Bác, đúng tên cái nhà thờ cụ ấy nói với tôi ấy!