Dưới cơn tức giận và uy thế của cậu ba, đám tôi tớ trong nhà chỉ biết rụt cổ thút thít, không đứa nào dám đứng ra làm con đầu đàn, bởi chúng còn nhớ như in cái lần mợ ba suýt chết đuối trước đó, một nửa người ăn kẻ ở trong nhà đều đã bị đuổi ra ngoài.
Lúc đó là ông bà nhân từ, chỉ đánh gậy rồi đuổi đi. Nhưng bây giờ thì không giống vậy, cậu ba Hưởng tính tình nóng nảy như mặt trời ngày hè, cậu không quản thì thôi, một khi đứng ra giải quyết thì bọn nó chỉ có kết cục thảm và thảm hơn.
Đâu ai muốn làm con thiêu thân lao vào chỗ chết.
Ba Hưởng lại đổi khăn nóng đắp cho Trúc, sau đó nhìn ra ngoài cửa, cất tiếng: “Quỳ tới câm luôn rồi hả? Nếu bọn mày không muốn nói chuyện, vậy thì... thằng Đực, mày ra ngoài đó cắt lưỡi chúng hết cho tao! Không nói được lời nào có ích thì giữ lại làm gì!”
Thằng Đực theo hầu cậu ba từ nhỏ, cậu ba sai đâu đánh đó, trước giờ đều không dám chậm trễ giây nào. Nó lập tức đứng dậy chạy xồng xộc ra ngoài, nhìn một đám đang quỳ đó khóc la mà gãi đầu, hỏi với vào bên trong: “Cậu ơi, xử đứa nào trước đây cậu?”
“Mày ghét đứa nào thì xử đứa đó trước!”
“Dạ cậu, nhưng con không ghét đứa nào hết á?”
“Vậy mày tự cắt lưỡi mình đem tới đây cho tao!”
Thằng Đực nhe răng, không dám đôi co với cậu ba nữa. Nó đi một vòng quanh đám đày tớ, suy nghĩ một lúc rốt cuộc quyết định sàn lọc những đứa có tội lớn nhất: “Hôm nay đứa nào phụ trách dọn dẹp bên hồ?”
Hai đứa trong đó - gồm một nam một nữ run sợ ngẩng đầu. Thằng Đực vừa nhìn liền hiểu ngay, lập tức tập trung vào hai đứa này, bắt đầu hỏi: “Công việc ngày thường của con Súng là lau chùi, quét dọn mái hiên bên hồ đúng không? Còn thằng Tí là tưới cây, chăm sóc cây kiểng bên hồ, quan trọng nhất là vớt lá rụng dưới hồ. Lúc chiều mợ ba ngồi ngoài đó, hai đứa bây đã đi đâu?”
Con Súng nức nở níu ống quần thằng Đực, khóc nói: “Anh Đực ơi, anh xin cậu ba tha cho bọn em đi mà. Bọn em không biết gì hết ạ.”
Thằng Tí cũng thảm thương cầu xin: “Đúng rồi... Đực ơi, mày xin cậu ba tha cho bọn tao với... Cậu ba coi trọng mày như thế cơ mà.”
Thằng Đực còn lạ gì mấy đứa ở trong nhà này nữa, lập tức vạch trần chúng nó: “Có phải chúng mày thấy mợ ba ngồi đó, không muốn đến hầu hạ nên mới lẻn trốn đi chỗ khác đúng không? Tao nói cho hai đứa bây biết, lần này không ai cứu nổi hai bây đâu, trừ phi chúng mày lấy công chuộc tội, bằng không cứ chịu cảnh cắt lưỡi rồi bị bán ra ngoài đi.”
Con Súng nghe xong xụi lơ dưới đất, khóc càng thêm dữ dội. Lúc này giọng cậu ba từ bên vọng ra khiến nó giật mình: “Thằng Đực, mày chết ở đó luôn rồi à! Còn không giải quyết lẹ lên cho tao!”
Thằng Đực thở dài, rồi “rống” lại: “Dạ, con đang mài dao đây cậu! Sắp xong rồi!”
Thằng Tí thấy thằng Đực rút dao ra lắc lắc trên tay, hoảng hồn bật thốt: “Đực, mày làm thiệt hả? Đừng... tao không muốn...”
Con Súng đưa tay che miệng, nước mắt giàn giụa trốn ra sau.
Thằng Đực ngồi xổm xuống nhìn hai đứa nó, than thở: “Tao giúp tụi mày, rồi ai giúp tao đây. Mày cũng nghe cậu ba nói đó, không cắt lưỡi chúng mày thì tao phải đem lưỡi của mình thay vào. Mà tao có làm gì nên tội đâu, kẻ làm sai là chúng mày cơ mà.”
Cằm thằng Tí bị thằng Đực bóp chặt lấy, nó nhìn con dao sáng loáng đã đến gần khoé miệng mình, tay chân nó lập tức mềm nhũn, một mùi khai nồng lan toả trong không khí.
Thằng Đực nhìn dòng nước màu vàng chảy ra dưới đủng quần thằng Tí, lập tức bịt mũi đẩy nó ra, mắng: “Đàn ông đàn ang gì mà nhát như cáy vậy. Chết dở thật chứ, không lẽ tao cắt luôn cái dưới của mày cho đỡ việc.”
Giữ được mạng mới là quan trọng nhất, thằng Tí chẳng màn đến xấu hổ, lập tức bò tới một gốc cách xa thằng Đực.
Một đứa trốn, thì vẫn còn một đứa khác. Con Súng hai mắt sưng húp vì khóc nhiều, nước mũi tèm lem như con đê vỡ bờ không ngừng trào qua. Nó vừa lau vừa nấc cục, nhưng nó không nói mấy lời cầu xin vô nghĩa như thằng Tí, mà tự tìm cách cứu lấy bản thân mình: “Em... em nhớ ra rồi. Em có chuyện muốn nói với cậu ba...”
Hù doạ một hồi rốt cuộc cũng có đứa khôn ra rồi! Cậu ba hỏi gì cứ đáp, mắc gì câm như hến chọc điên cậu làm chi? Thằng Đực cất dao, ngoắc tay với con Súng: “Hỏi đàng hoàng thì bây không muốn, cứ phải đòi đánh đòi gϊếŧ bây mới chịu nghe lời. Riết tao không biết tụi mày nghỉ cái gì trong đầu luôn đấy.”
Quỳ đã lâu, con Súng phải vất vả lắm mới đứng lên nổi. Nó cà nhấc đi theo thằng Đực vào phòng gặp cậu ba. Mấy đứa còn lại... thì vẫn cứ quỳ ở đó.
Ba Hưởng thấy tụi nó đi vào, không quên cằn nhằn thằng Đực mấy câu: “Mày làm việc càng lúc càng chậm chạp, có chuyện bé tí mà cũng lâu lắc.”
Thằng Đực cuối đầu vâng dạ nhận lỗi, trong lòng lại âm thầm lên án cậu ba quá tệ. Nó vì phối hợp với cậu mà diễn vai ác ơi là ác, qua hôm nay đám tôi tớ trong nhà nhất định sẽ xa lánh nó cho mà xem.
Lúc này ba Hưởng mới nhìn qua con hầu đang run rẩy quỳ đó, lạnh giọng hỏi: “Mợ ba tại sao lại té?”
Con Súng đỏ mắt, thưa: “Dạ thưa cậu, con không biết vì sao mợ té, cũng không rõ mợ té xuống ao từ khi nào. Lúc không thấy mợ ba ở đó nữa, con cứ nghĩ mợ đã vào nhà nghỉ ngơi rồi ạ, nên không để ý thêm nữa. Nhưng... nhưng không lâu sau thì con có thấy cậu tư đang đi loanh quanh ở gần bên hồ ạ.”
Chân mày ba Hưởng giật lên, hỏi lại: “Mày thấy thằng tư Rìa lảng vảng ngoài đó? Nó làm cái gì ở đó?”
Con Súng lắc đầu lia lịa, khóc: “Con không biết. Con chỉ thấy cậu tư vòng tới vòng lui ở gần đó thôi ạ. Nhưng cậu tư rất nhanh đã trở về phòng mình, nên con không suy nghĩ nhiều ạ.”
Ba Hưởng nhìn chằm chằm vào nó, nghiêm túc nói: “Lời mày nói là thật chứ hả? Nếu dám có nửa câu dối trá, thì hậu quả thế nào mày biết rồi đó.”
Con Súng quỳ bò ra đất, dập đầu: “Cậu ơi, con nói thật ạ. Con chỉ nhìn thấy cậu tư ở gần đó thôi, chứ con không biết gì hết ạ!”
Bỏ qua lời van xin nỉ non của con Súng, ba Hưởng hất cằm bảo thằng Đực: “Mày đi gọi cậu tư tới đây cho tao. Nó không chịu tới thì cứ ôm con chó của nó mà chạy.”
Thằng Đực vâng lời, lập tức chạy đi.
Bà Kim và cô hai Hoa ngồi bên cạnh lắng nghe nãy giờ, rốt cuộc nhịn không được mới lên tiếng nói: “Khi không sau lại dính líu đến thằng tư rồi?”
Ba Hưởng lấy tay dán lên trán Trúc, thấy đã bớt nóng mới âm thầm thở ra, đáp: “Thì phải hỏi nó mới biết được chứ. Con cũng có nghi ngờ gì nó đâu, má tưởng con giận đến ngu người luôn rồi à.”
Bà Kim nghĩ lại cũng đúng, mấy chị em trong nhà trước giờ đều rất thương yêu lẫn nhau, mà hễ thương ai thì thương cả đường đi lối về, bọn nó sao có thể làm hại vợ thằng ba được.
Đúng lúc này cô Duyên bưng thuốc đi vào, nói với ba Hưởng đang ngồi cạnh giường trông Trúc: “Phiền cậu ba tránh qua một bên để tôi cho mợ uống thuốc.”
Ba Hương không những không tránh, còn đưa tay về phía cô Duyên: “Không dám làm phiền cô, cứ để tôi làm là được.”
Cô Duyên cũng không khư khư giành việc, chuyển chén thuốc màu nâu đặc sánh vào tay ba Hưởng, dặn dò: “Cậu cho mợ uống nhanh đi, thuốc này có thể giúp mợ tránh được cơn sốt đêm nay.”
Chén thuốc trong tay vẫn còn nghi ngút khói, ba Hưởng cầm muỗng vừa đảo vừa thổi, rồi lại nhìn cô vợ đang nằm trên giường.
Cô hai Hoa vội đi đến đỡ Trúc ngồi dựa vào người mình cho em trai tiện đút thuốc. Ba Hưởng thổi nguội muỗng thuốc, sau đó đưa đến miệng Trúc.
Nước thuốc chảy vào khoang miệng Trúc, cảm giác đắng chát làm tê liệt đầu lưỡi, đúng lúc này, người vốn đang hôn mê bỗng dưng nhảy mũi hắc xì một cái thật to, bao nhiêu nước thuốc trong miệng đều phun hết vào mặt cậu ba Hưởng đang dịu dàng thổi thuốc ở đối diện.
Trán ba Hưởng lập tức nổi gân xanh.
Dịu dàng, lãng mạn gì đó đều là mây bay!
Thực tế luôn tàn khốc như vậy đó!