Chương 19

Khi mình hoàn thành xong kỳ học thứ 4, kết thúc năm 2 Đại học, thì Vi bắt đầu bước vào kỳ thi Đại học đầy áp lực của thời học sinh. Mình luôn cố bên em, cố an ủi động viên em vượt qua tất cả. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu bố đẻ em không tìm đến và ngỏ lời đón em về nhà nuôi nấng. Đối với mình, vốn dĩ đã bỏ rơi 1 đứa trẻ từ thời bé dại thì tốt nhất đừng có tìm lại. Hàn gắn cái thứ tình thương mong manh đó làm cái gì? Khi trong lòng đứa trẻ đó hầu như không có một chút ý niệm rằng tình thương đó có tồn tại hay không. Vi luôn tin rằng chú Tùng là bố của em và Vi cũng chỉ coi mỗi chú Tùng là bố chứ không có chỗ cho người đàn ông nào khác thay thế. Nên khi có một người bố khác đến tìm. Điều đó khiến mình, khiến em choáng váng.



Mình vẫn nhớ như in hôm đó vào ngày chủ nhật thứ 3 của tháng Năm. Một bác trung niên, mặt khá hiền hậu và trẻ, bấm chuông nhà Vi. Không đợi Vi chạy xuống mở cửa, lúc ấy mình đang xới đất cho mấy chậu cây cảnh ở sân. Mình chạy ra hỏi (hơi vô duyên). Mình bảo:

– Bác là ai? Bác tìm ai ạ?

– Cháu cho bác hỏi đây phải nhà Thi Tùng không?

– Dạ phải nhưng chú Tùng và cô Thi không có nhà.

– À không, bác tìm con bé con cơ.

– Con bé nào hả bác?

– Ừ, thế phải con gái Thi tên Vi không cháu?

– Dạ phải. Nhưng bác tìm Vi làm gì ạ? Cháu là… anh Vi ạ!

– Cháu anh em bên nhà cô Thi à.

– Vầng.

Hỏi nhiều quá nên phát bực luôn. Mình mới hơi cáu, hỏi thẳng:

– Thế cuối cùng bác tìm Vi có việc gì ạ? Cô Thi nhờ cháu trông nom Vi nên có gì bác cứ bảo cháu…

– À thế à may quá. Thế cô Thi gọi báo cho cháu là bác đến chưa?

– Rồi ạ, nhưng mà cô không nói lý do bác đến là gì. Cô bảo cháu cứ hỏi bác.

Mình biết đéo gì đâu nhưng mà chả hiểu sao lúc ý mình lại nói dối thế nữa…

– Ừ, bác đến nói chuyện rồi đón Vi về nuôi.

Trời ơi, sao lại đón Vi về nuôi là nào? Chả hiểu gì cả. Lúc ấy đầu óc mình choáng váng. Vi chạy xuống mở cửa. Mình suýt nữa lao vào đẩy em vô nhà. Giây phút ấy mình sợ bố đẻ của em còn hơn chú Tùng.

– Sao lại thế hả bác. Vi đâu phải trẻ mồ côi?

– Con đấy hả Vi?

Bác ấy không trả lời mình, mà nhìn Vi hỏi em. Vi có vẻ đã biết trước sự có mặt của người đàn ông này, nên em không sợ hãi hay bất ngờ gì. Em cứ lẳng lặng, cứ chấp nhận thôi. Còn mình thì chả hiểu gì cả. Hóa ra chuyện em sẽ bị bố đẻ đến đón đi em đã biết từ trước rồi. Mẹ em và em đã nói chuyện từ trước rồi. Nhưng em không hề cho mình biết. Mình nhớ tới hồi sinh nhật mình vào cuối tháng Tư. Em tự tay làm quà, làm bánh ngọt cho mình. Đêm sinh nhật em thủ thỉ rằng. ‘Nếu một ngày nào đó em rời xa nơi đây, thì Hoàng phải sống tốt thật tốt nhé!’. Lúc ấy mình đang lạc trong hạnh phúc và những ảo tưởng xa vời nên chẳng chú ý gì đến những tâm sự của Vi hết.

Vi xin phép mình rồi cùng người đàn ông lạ vào nhà nói chuyện. Đột nhiên mình nhận ra rằng dù có yêu một cô gái nhiều đến thế nào, mình cũng không thể hiểu hết cô ấy đến tận cùng. Sẽ có một ngày cô ấy làm những việc mà mình không thể đoán trước được. Mình ngơ ngác như một tên ngốc. Cảm giác y như lúc Vi cứ thân thiết với tên Chó Có Lát mà bơ mình. Nhưng vấn đề này hoàn toàn nghiêm túc hơn. Quyết định của em, suy nghĩ của em ra sao mình cũng không biết. Tự nhiên nhảy đâu ra một người bố đẻ đến tìm con gái. Mình có cảm giác ai đó vo tròn mình thành một viên đạn rồi kẹp vào súng chun bắn vυ"t đi. Chới với…

Mình giận Vi. Tất nhiên! Mình cư xử trẻ con quá so với tuổi 21. Nhiều khi mình cũng thấy mình suy nghĩ như thằng trẻ ranh. Nhưng mình thực sự bực. Cứ thấy mình như con rối. Vi có chuyện gì tại sao không cho mình biết? Trong khi tất tần tật những cảm xúc, những nỗi buồn nhỏ như con dĩn mình cũng kể em nghe, nghe em khuyên nhủ, nghe em an ủi. Còn em thì sao? Em không nói với mình, đành vậy. Nhưng liệu em có im lặng với tất cả mọi người xung quanh? Em có thể tâm sự với Linh, hoặc hơn nữa, tâm sự với Nhật chẳng hạn. Mình quay cuồng trong những suy nghĩ vớ vẩn, những cơn ghen tuông vô lý.



Ngày thứ nhất giận nhau, mình không tắm, không thay sịp.

Ngày thứ hai giận nhau, mình không ăn, không cạo râu, không tắm tiếp.

Sau ba ngày không đưa em đi học. Em cũng im ỉm không thèm hỏi han gì mình. Càng ức!

Tối ngày thứ tư. Nghe thấy tiếng ceng ceng của những dây chuông gió nắp chai. Mình gạt bỏ hết mọi tự ái, trèo sang nhà em. Em vẫn ngồi lọt thỏm sau khung cửa sổ, đôi mắt buồn nhìn vào khoảng thênh thang trước mắt, tay cầm bút vô thức gõ vào những dây nắp chai. Nhìn thấy mình, đôi mắt em như lóe sáng. Em nhảy cẫng lên chạy ra. Hành động tự phát ấy khiến mình bật cười. Sau rồi em nhớ ra là hai đứa đang giận nhau. Mặt em nghiêm lại hỏi:

– Hoàng sang đây làm gì?

– Sang tát cho Vi một phát!

Nói xong mình làm luôn. Tát nhẹ vào má Vi một cái. Vi ôm má nhăn nhó rồi lao vào ôm chặt mình. Em ôm chặt lắm. Hai tay thắt lấy ngực mình gần như nghẹt thở.

– Hoàng như bị điên ý, sao đυ.ng tí là Hoàng giận thế… Mà sao… Hoàng hôi thế hả?

Ừ, bốn ngày không tắm không thay sịp sao chả hôi. Vi nhăn hết cả mũi lại rồi cấu mình. Mặc kệ, hôi gì thì hôi. Ngửi hơn năm nay rồi còn chê. Mình lại kéo Vi vào lòng rồi nạt em:

– Thế sao? Giờ có định kể chuyện cho anh nghe không?

– Thì có gì đâu. Bố muốn đón em về ở cùng ông. Vậy thôi.

Bố á? Sao nghe nó xa lạ thế. Sao nghe nó dễ dàng thế. Đồ bỏ đi rồi quay về nhặt lại là sao? Mình gần như phát điên lên. Bố đã đéo giỏi kiềm chế cảm xúc mà sao có lắm chuyện khiến bố đau đầu thế. Mình muốn bóp cổ Vi lắc lắc đến khi em lè lưỡi chết tươi thì thôi. Sao em vô tâm vô tình đến như thế được?

– Vi sẽ làm gì? Vi sẽ làm gì?

– Em về sống với gia đình bố chứ làm gì?

– Trời ơi, anh không thể sống được nữa rồi. Anh đi chết đây.

– Mẹ em bắt em Hoàng ạ… Mẹ bảo về bố nuôi ăn học Đại học. Mẹ không nuôi được nữa…

Loại mẹ gì thế này? Càng ngày càng ghét. Mình làm bộ đập đầu vào tường, nhưng thực tâm muốn đập mạnh 1 phát cho tóe máu ra, để cho Vi tỉnh ngộ. Cho Vi đừng có hành động bất chấp hậu quả như thế nữa. Đã biết bố Vi là người như nào đâu. Không phải nói chứ ức chế bỏ bà ra. Tự nhiên sống một mình sung sướиɠ tự do không thích lại cứ thích sống với gia đình người khác. Tuy bố đẻ của em thật. Nhưng người ta có gia đình riêng. Có một vợ, một con gái. Mình không đồng ý, có chết cũng không đồng ý cho Vi chuyển về ở với bố đẻ. Không nói được Vi, mình thất vọng bỏ về nhà. Thôi thì mặc em. Muốn đi đâu thì đi. Kệ xác.

Bên mình những ngày buồn chán chỉ còn thằng Hưng. Nó vẫn thường vò rối hết đầu mình lên rồi chỉ cho mình những cái mình sai và đúng. Nó bảo: ‘Mày yêu Nhíp mà chẳng hiểu cho em nó tí nào. Có chắc chắn là Nhíp muốn đi không? Hay vì một lý do nào đó? Cái đéo gì chả có hai mặt. Tao nói thật chứ thấy Linh cứ lủi thủi một mình ở một cái nhà rộng như thế tao xót bục cả ruột ra ý. Ở thế chả mấy tự kỷ với tâm thần mà chết. Mày có lo được cho người mày yêu 24/24 không? Thôi chấp nhận đi. Xa nhau một thời gian xem thế nào. Bố Vi muốn đền bù cho con gái thì để ổng thể hiện.’

Ừ, thì đành nghe vậy. Cứ như một cơn ác mộng quét qua và làm mình đổ mồ hôi ướt đậm lưng áo. Mỗi ngày tan học sớm, mình bảo Hưng đèo mình qua nhà bố đẻ Vi để mình nghe ngóng tình hình. Sau vài ngày tìm hiểu thì thu thập được mấy thông tin không được hay ho. Ngôi nhà em sắp chuyển đến ở nằm trong ngõ 90 của phố Chính Kinh. Nhà có người già – ông nội Vi – 80 tuổi. Quên chưa kể, bố em tên Hà, mẹ kế tên Hảo, còn em gái cùng cha khác mẹ em tên Vân. Mất mấy chục nghìn ngồi ăn bánh khoai mí cả trà đá cho bà bán hàng mới moi móc được một lô một lốc những sự thật khủng khϊếp của gia đình này. Nào là bố chồng chửi con dâu, con dâu đánh bố chồng, vợ chửi chồng, chồng chán vợ, con cãi bố như chém chả, cãi mẹ như băm viên… Đùa chứ phát hốt luôn. Lại thêm lý do khiến mình phản đối kịch liệt chuyện Vi chuyển đến ngôi nhà ấy.

Về đến nhà, thấy cô Thi đang nói chuyện với Vi ở sân. Thái độ giữa hai người không được thân tình cho lắm. Có vẻ căng thẳng, Chán chả muốn quan tâm. Mình đi vào nhà thấy mẹ đang nằm xem Tivi. Mẹ bật volume to ầm ỹ cả nhà. Mình đang bực sẵn chuyện của Vi, bực lây sang cả chuyện dạo này mẹ hay đi chơi mà không quan tâm đến nhà cửa nên hơi sẵng giọng:

– Mẹ! Mẹ bật loa tivi to thế?

Mẹ mải ngồi tính toán sổ sách nên không nghe thấy. Trên tay mẹ có mấy con chữ số. Lạ! Mẹ mình vốn là người có trí nhớ siêu phàm. Thế mà không biết từ bao giờ mẹ đã phải ghi vội những dòng số lên tay để khỏi quên như thế kia. Mình càu nhàu về tiếng Tivi vài câu, câu thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba. Mẹ chẳng phản ứng gì. Bực quá. Mình lại gần và gắt mẹ. Mẹ giật nảy người rồi quay ra, trông mặt mẹ lúc ấy rất tội:

– Hở? Hoàng hả? Về bao giờ thế? Nãy giờ mẹ không nghe thấy!

Là MẸ KHÔNG NGHE THẤY! Mình thần người lại, run rẩy, chân tay như nhũn hết ra. Lúc ấy mới nhớ, mẹ đã quá 40 rồi! Vậy mà có ngày nào mẹ thảnh thơi chưa nhỉ? Mình chỉ thấy mẹ đi hết con đường này đến con đường khác, mệt quá thì nằm nghỉ, rồi lại đi, chưa thấy mẹ giành ra một ngày, hay một giờ nào đó thôi, để đi mua sắm những gì mình thích, hay đi chăm sóc sức khỏe. Mẹ thường bảo mình nắn chân cho mẹ, thế là mẹ được nghỉ ngơi rồi.

Mẹ mình có đôi mắt nâu và buồn! Bà ngoại bảo mắt mẹ nhiều nước, có cười tươi đến mấy thì đôi mắt ấy vẫn không chịu nghe theo, vẫn cứ buồn đến dài dặc cả đường chân trời. Mẹ hay cười, vậy nỗi buồn, cất hết vào trong mắt, nên lúc nào cũng chực rơi ra ngoài. Mình không rõ trên đời có bao nhiêu người phụ nữ khổ, nhưng chừng ấy năm tháng, mình đứng đằng sau nét mặt tươi cười hiền hậu, biết rằng, mẹ là người phụ nữ đáng thương nhất trong cuộc đời mình. Từ ngày xưa trở lại, từ ngày xa vọng về… Mỗi khi mình ngồi nắn chân cho mẹ, mẹ nằm nhớ lại thời thơ ấu, mẹ mới rùng mình vì những lần suýt mất mạng. Mình bị cái bệnh hay mưa trong lòng, mỗi lần ngồi nghe mẹ kể lại chuyện thuở mẹ còn thơ, mình cười ngặt nghẽo nhưng thực lòng đã ngập đến cổ, cái gì không biết nhưng thấy nghèn nghẹn và khó thở. Mười mấy năm đầu đời theo bà ra ruộng, đến giờ mẹ mới thừa nhận rằng mẹ rất sợ con đỉa, rất sợ. “Nhưng không làm thì chết đói con ạ”. Mình không hiểu tại sao mẹ vẫn cười được.

Mẹ cười ngay cả khi đang rơi nước mắt. Những nỗi đau ngay từ khi mẹ còn nhỏ, không hiểu bằng cách nào, mẹ giấu đi được hết, lúc nào cũng lạc quan, nhìn đời bằng con mắt tĩnh thủy nhưng không nhòe đi một li nào cả. Mẹ tự tô cho dòng thời gian của mình đủ thứ màu. Đó là màu xanh của những cánh đồng, màu vàng của mặt trời ở đằng đông, màu xám của những con đường, màu hồng trên gò má, màu đỏ của những giấy khen mà mỗi năm mình đều cố gắng nhận được… màu nào cũng vui, duy có màu đen, mẹ cho rằng đó là màu đêm khi ngủ thôi, nên không tính.

Mình đã từng có những khoảng thời gian màu xám, nhưng rồi tôi thấy mình vô lý, cuộc sống của mình so với cuộc đời của mẹ, quá khập khiễng cho một phép tính lớn hơn nhỏ hơn những buồn phiền đau khổ, vì cớ gì mình lại như vậy. Kể từ ngày hôm ấy, mình hiểu ra, mình phải cười, bằng nụ cười của mẹ…

Mình nhận ra rằng những đứa con không bao giờ yêu mẹ đủ được như lời chúng nói. Và càng thảm hại hơn, mình nhận ra mình là một đứa con tồi tệ. Mẹ đã đi được nửa đường đời, mỗi ngày lại xa mình thêm một chút, chỉ một chút đến nỗi dường như vô hình, nhưng mười, hai mươi năm, mình đã thấy nó hiện hình rõ ràng ra đấy. Mình rất sợ quay đầu nhìn lại những gì đã qua, nhưng hôm nay, bão lòng trong đã tràn ra ngoài, khi mình thấy những gì mình đã làm, và đã không làm…

Mỗi buổi sáng mẹ dậy sớm để mình được ăn cơm mẹ nấu trước khi đi học, bữa sáng có cả tình yêu của mẹ, vậy mà mình vẫn bỏ dở bát cơm khi dậy muộn, vẫn thỉnh thoảng làm cháy hay khê mặn bữa tối cuối ngày dành cho mẹ. Mẹ nếu ăn cơm nguội thì sẽ bị nghẹn, nhưng mình vẫn thường xuyên xao nhãng khi nấu, để rồi mẹ vừa ăn vừa uống nước. Nhưng mẹ vẫn cười tươi. Mẹ có thói quen từ những ngày nghèo khổ xưa kia, luôn chọn cho mình phần ngon nhất trên con cá, bỏ xương cẩn thận, vậy mà mình không nhớ nổi mình đã gắp thức ăn vào bát cho mẹ lần nào chưa.

Mỗi lần xa nhà, mẹ luôn là người gọi về cho mình trước, trở về, mình đã không biết mẹ mệt như thế nào, vẫn cười khì khì khi mẹ đặt vào tay bát cơm và nói “vắng mẹ có mấy ngày mà sắp chết đói rồi con ơi”. Mẹ vẫn canh cả đêm khi mình ốm, xoa dọc sống lưng và áp má vào trán mình. Mẹ ốm, bóp trán cho mẹ, mình thấy mồ hôi mẹ rịn ra hai bên thái dương ngay cả trong mùa đông, nhưng mẹ kêu mình ra ngoài cho mẹ ngủ, mình cũng tin và đi ra ngoài. Huhuhu…

Mình chỉ biết cằn nhằn khi mẹ bỏ quả táo ra khỏi tủ lạnh vào một ngày oi bức, mình sợ chúng bị hỏng mà không hề để ý rằng mẹ không ăn lạnh được. Mình đã không ngẩng đầu lên khi mẹ đưa cho cốc nước mỗi tối khi tôi làm bài tập. Chỉ có một lần ngoảnh lại thấy ánh mắt đầy yêu thương kỳ vọng, mình chờ mẹ ra ngoài, không hiểu vì sao trang vở mờ hết chữ. Đã hơn một lần mình gắt lên, cãi lại khi mẹ hiểu lầm, không giải thích và bỏ đi. Mình đã không nghĩ rằng cả đêm đó mẹ không ngủ được, buồn vì “Tại sao không để cho mẹ hiểu con”…

Dạo gần đây mẹ luôn mở Ti vi rất lớn, mình khó chịu và tự hỏi tại sao mẹ lại thích ồn ào như vậy. Phải đến hôm nay mình mới nhận ra, những thứ mình còn thấy rõ ràng, thì mẹ đã không còn thấy rõ. Mình chỉ biết đặt ra câu hỏi, mà không biết rằng nếu để tâm một chút thì tất cả những câu hỏi đó phải được trả lời bởi một người con. Mình luôn đòi hỏi mẹ phải hiểu mình, nhưng mình đã hiểu mẹ được mấy phần hay là không gì cả? Mình là một đứa con hư, dù mẹ luôn ở trong tâm trí, trong trái tim mình, tràn ngập cả tâm hồn, đến mức tới bây giờ mình vẫn không thể cho ai bước chân vào nơi đã giành cho mẹ.

Mẹ rất hay mắng, nhưng một lần mẹ nói “Mẹ mệt quá rồi không có sức mắng mày nữa đâu”, mình mới biết không phải nghe những lời chê trách mới chính là nỗi đau. Chỉ có mẹ có thể làm mình khóc, nhưng trước mặt mẹ, mình thậm chí không dám trùng khóe mắt.

Có một lần từ rất lâu, bố còn ở nhà, bố say rượu, bố đánh mình. Mình khóc trước mặt mẹ, và mẹ đã không ngại ngần tấn công người làm mình đau, dù có bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ sống nhân hậu, vị tha và nhẫn nhịn, nhưng vì mình, mẹ có thể thay đổi con người trong phút chốc.

Và hôm nay, mình cũng lại chạy nhanh hết mức lên phòng, dù mẹ gọi sau lưng, để mẹ không thấy được phút mình yếu lòng. Mình thấy hận bản thân mình, mình thấy mình là lý do rút ngắn hạnh phúc hiếm hoi của mẹ, thật thà trong lúc này, những nỗi buồn Vi đem lại đã nhạt nhòa đi gần hết. Nó có gì đáng để buồn không? Khi em đã lớn, đã tự quyết định được cuộc sống của chính em. Mình chỉ muốn đâm nát cái sự vô tâm đáng chết trong trái tim mình thôi. Mình lại nghĩ đến những lời của mẹ mỗi khi thấy mình ủ ê: “Đừng làm sao con nhé, mẹ chỉ sống vì con thôi”.

Mẹ sống vì mình, còn mình, sống vì mẹ được bao nhiêu phần? Phải nhìn thấy mẹ dụi đầu vào lòng bà ngoại mới biết mẹ cũng luôn cần có mẹ, phải hét lên thì mới biết mẹ đã không còn nghe rõ. Mình học hành hay thành công để mà làm gì khi mình còn chưa tốt nghiệp mẫu giáo lớp học YÊU MẸ. Bão tố trong lòng xin hãy cuốn đi những lỗi lầm, những vô tâm mà trước nay đã đồng hành cùng mình, để mình có thể yêu mẹ, như mẹ đã yêu…

Rồi sẽ đến một ngày mẹ nhờ bạn xâu kim, rồi nhờ bạn đọc cho một tờ báo, đừng cắm đầu làm cho xong lần, hãy ngẩng lên, nhìn người mẹ của mình. Ánh mắt mẹ, ôm lấy bạn, nhưng trong đó, là nỗi niềm tâm sự giản đơn, mẹ cần chăm sóc. HÃY YÊU THƯƠNG KHI CÒN CÓ THỂ!!!



Mẹ mình sinh ra ở cao nguyên Ba Vì. Hồi nhỏ mẹ vẫn thường cắt trụi đầu đi đá banh với lũ trẻ hàng xóm. Mẹ cá tính và mạnh mẽ từ lúc bé xíu. Ngoại kể có một lần đi lùa bò về chuồng, mẹ trượt chân rơi xuống hố nước sâu. Hôm trước trời mới mưa nên nước dưới hố dâng cao, ngập đến cổ. Mãi tới khi trời tối không thấy con gái về, ông ngoại mới cầm đèn pin đi tìm, thấy mẹ bì bõm dưới hố nước, ông chĩa đèn xuống hỏi:

– Làm gì dưới đó hả Út?

– Dạ con bơi oạp oạp…

Ông lấy gậy kéo mẹ lên. Về tới nhà rét run cầm cập vì đã ngâm nước hàng tiếng đồng hồ. Bà ngoại lấy khăn ủ ấm cho, vừa lau tóc bà vừa hỏi:

– Thế út làm thế nào mà không bị chìm thế?

– Con cứ bơi thế này, thế này…

Mẹ nằm lăn ra sàn nhà vẫy vẫy tay chân tả cho bà xem. Cả nhà cười rụng cả rốn, còn mẹ thì mếu máo mãi vì lạnh.

Tính cách mẹ bây giờ, và tính cách mẹ ngày còn nhỏ vẫn vậy. Vẫn mạnh mẽ và… trầm. Mẹ bảo, mẹ gặp bố khi mẹ mới 18, mẹ xuống Sài Gòn học Kế toán. Gặp nhau lần đầu là bị tình yêu sét đánh luôn. Thảo nào mà tới giờ tóc bố mình vẫn còn xoăn xoăn chỗ thái dương. Hồi ý bố hay gọi mẹ là “Cô bé chăn bò”.

Người ta nói tình yêu sét đánh dễ tan dễ vỡ cấm có sai. Bố mẹ mình đã có thời gian sống chết vì yêu. Lúc ngoại không cho cưới vì đi xem bói người ta bảo không hợp tuổi, bố mẹ còn dốc hết tiền tiết kiệm mua vé máy bay đi bụi hàng tháng trời. Thách thức ông bà được một thời gian thì ông bà đành lòng cho cưới.


Nhưng cuối cùng cũng chỉ sống bên nhau được gần 6 năm thì tan, mỗi người mỗi ngả. Kỷ niệm ngày xưa có đẹp như thiên đường, khi chia ly chỉ còn là hạt cát. Đôi khi bắt gặp mẹ ngồi lau lại ảnh cưới, ngó vào đôi mắt bần thần màu nâu ướt, mình cũng phần nào hiểu được trái tim một người phụ nữ sau một hôn nhân đổ vỡ. Mình tin đã có thời gian bố mẹ rất hạnh phúc, cùng nắm tay đi chung một hướng, nhìn về một phía, bước chung một đường. Mình không biết lý do gì khiến một tình yêu đẹp lại có một kết thúc buồn như thế. Mà rõ ràng nhìn ánh mắt của hai người, mình tin chắc trong ấy vẫn chan chứ tình yêu thương. Tình yêu, lại có nhiều mảng màu khó hiểu đến thế sao?