Chương 18

Sau một khoảng thời gian khá lâu của kỳ nghỉ Tết, mình và Vi lại lao đầu vào chuyện học hành, chìm trong những lo toan về một tương lai không xa. Mình vẫn thường nắm tay Vi đi bộ trên đường ra bến bus vào mỗi buổi sáng đi học. Chậm chậm thôi, đủ để em vừa đi vừa ngó nghiêng trên vỉa hè xem người ta có làm rớt nắp chai Cocacola hay Pepsi gì đó không.

Vi có sở thích sưu tầm những nắp chai như thế, đem về bắt mình lấy đinh đâm thủng một lỗ ở rìa nắp rồi lấy dây xâu thành chuỗi dài. Em lúc nào cũng có những sở thích lạ lạ vậy đó. Những chuỗi dây nắp chai được em buộc chi chít ở cửa sổ. Em gọi đó là chuông gió nắp chai. Thỉnh thoảng ngồi trong phòng, mình lại nghe thấy tiếng gió thổi tung nắp chai chạm vào nhau kêu coong coong. Hoặc là do em ngồi học buồn, em lấy thước và bút với tay lên gõ vào những sợi dây nắp chai như chơi đàn Tơ nưng. Mỗi lần như thế, mình biết em buồn!!!

Lâu lâu mình không gọi điện thăm bố. Không biết bố và cô Thi thế nào. Nhưng để ý em mình hiểu được, em bé bỏng và đáng thương biết bao. Có khi cả tháng mẹ em không gọi điện hỏi thăm em lấy một lần. Tiền sinh hoạt của em cứ được gửi vào thẻ ATM đều đặn như một nghĩa vụ của sếp trả lương cho nhân viên theo định kỳ. Thi thoảng trèo sang nhà Vi, mình ngó em lủi thủi một mình nấu cơm. Em thường chỉ nấu 2 món, rồi đơm cơm ra 2 bát tô, trộn thức ăn lung tung phèng lên, em một bát Ki một bát. Rồi em ngồi bệt xuống đất ăn cùng Ki luôn. Vừa ăn em vừa nói chuyện cùng Ki cho nhà đỡ hiu quạnh. Mỗi lần như thế, mình đứng ở cầu thang, mũi mình cay lắm. Muốn ngày nào cũng sang măm với em nhưng không được. Mình còn mẹ. Mẹ cũng chỉ có mình. Mình sang với em thì ai chăm mẹ đây?

Mình đền bù cho Vi bằng nhiều cách. Thi thoảng nghe tiếng chuông gió nắp chai, mình lại ra ban công ngó sang chọc em cười. Trong trái tim mình luôn ghi đậm hình ảnh của em những lúc ấy. Em ngồi lọt thỏm sau khung cửa sổ, mắt ngước lên nhìn vô định vào những dây nắp chai mình làm cho em, tay em cầm bút gõ vào đó vô thức, rồi em nhìn thấy mình, em cười! Nụ cười ấy mình sẵn sàng đánh đổi cả phần đời còn lại để giữ gìn nó một cách trọn vẹn. Em nhảy cẫng lên lao ra ban công nhìn mình, chúm chím chờ đợi.

Thằng Hưng quen một thằng quê trên Lào Cai gần cửa khẩu. Thằng đó hay được người nhà gửi cho bánh kẹo bên nước ngoài tuôn về. Nhiều loại kẹo hình dạng dễ thương lắm. Hưng vẫn hay cho mình vì mình bảo thích ăn kẹo kiểu thế. Nói là thích thôi, chứ mình để dành cho Vi. Em lớn rồi mà đôi khi vẫn trẻ con. Mình chìa cho em cái kẹo, em đưa hai tay xin như bé lớp Mầm nhận phiếu bé ngoan từ cô giáo. Rồi chúng mình ngồi trên thành ban công giữa nhà, dựa lưng vào nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui ở lớp.

– Em không thích học Toán chút nào Hoàng ạ!

– Thế Vi thích học gì?

– Em thích học Thể Dục, vì giờ thể dục em được chạy nhảy khắp nơi.

– Ngộ! Con gái mà chạy nhảy nhiều sẽ bị to chân đấy. Rồi chân Vi sẽ bè ra như cái nồi.

– Thật á? Vi tháo ngay dép giơ hai bàn chân xinh ra ngắm nghía.

– Có thật không vậy?

– Thật! – Mình cố nhịn cười.

– Hoàng lừa em, Hoàng đểu lắm! Hoàng đểu!!!

Những cuộc nói chuyện ngoài ban công mỗi lần chỉ một lát thôi. Rồi em lại phải vào học bài. Mình thì bận rộn với những đề cương ôn thi cho đến tận đêm. Vi luôn là người đi ngủ trước mình. Mình hay ra ban công, nhìn khung cửa sổ đã tắt đèn và đóng cửa, thầm chúc em ngủ ngon và đừng mơ ác mộng. Thương em lắm! Thiên thần bé nhỏ! Đừng thấy cô đơn giữa ngôi nhà trống trải, vì đơn giản có anh ở bên em. Chỉ cách nhau một bức tường mà thôi!

Mình cũng bắt đầu chấp nhận những thay đổi tích cực từ mẹ. Mẹ ăn diện hơn, chăm trang điểm hơn và chú ý đến kiểu tóc nhiều hơn. Vui thì có vui, nhưng vẫn cảm thấy có chút hụt hẫng khi mẹ “có việc về muộn, con ăn cơm trước” hay “trưa mẹ không về, con nhớ nấu cơm ăn”. Đôi khi mình đi học về muộn, thấy mẹ cặm cụi đứng bếp nấu cơm, mình nhẹ nhàng đặt cặp sách xuống bàn rồi đến ôm vai mẹ. Mẹ giật mình cầm đũa gõ đầu mình mấy cái. Mình luôn muốn nói cho mẹ nghe tâm sự của mình. Những mong muốn từ sâu trong trái tim. Ước gì mình có đủ dũng khí để cầm tay mẹ một lần. Bảo rằng: “Nếu có ai đó có đủ yêu thương làm bàn tay này ấm hơn, thì mẹ hãy giữ lấy người đó nha mẹ! Mẹ đừng nghĩ cho con nhiều nữa! Con đã lớn rồi!”. Nhưng không được! Có lẽ mình vẫn còn chút trẻ con, còn chút ích kỷ mà muốn giữ mẹ làm tài sản riêng.

Vì ở một mình, nên Vi rất hay kiếm trò nghịch phá. Có lần trèo sang, đi xuống cầu thang mà thấy em với Ki đang đuổi nhau quanh nhà. Em mặc quần short ngắn và áo đá bóng của mình, buộc túm lên gần ngực hở hết cả rốn, tay cầm chổi lau nhà, nhúng nhúng vào chậu nước cho tung bọt lên rồi hất khắp nơi. Chơi xà phòng với chổi chán thì em với Ki bật nhạc sàn rồi cùng nhau… múa. Cho đến khi mình cười sặc sụa ở cầu thang Vi mới giật mình quay ra hét.

– Hoàng đểu kia sang bao giờ mà em không biết thế?

– Sang từ lúc em ngoáy mông ý…

– AAAA, anh nhắm mắt lại đi.

– Nhìn thấy hết rồi, thấy cái rún lồi đầy ghét của Vi rồi.

Vi lao ra chỗ mình, đè ngay mình xuống, lột áo mình lên bắt mình cho Vi xem rún trả đũa mới chịu tha. Sau đó em bắt mình lau nhà dọn nhà cho em để em ngồi vừa xem Tivi vừa ăn táo. Hic.

Mình luôn chiều Vi hết sức. Thương em thiếu tình thương gia đình. Và cũng bởi mình tự thấy con gái vốn nhỏ bé và yếu ớt, đi ra xã hội bị xã hội đè đầu cưỡi cổ nhiều rồi, nên về nhà có cho con gái đè đầu cưỡi cổ mình một chút cho xả ức cũng không sao. Chỉ cần không hư quá là được. Vi cũng biết điều đó nên em ngoan lắm. Chẳng bao giờ em gây sự quá đáng với mình. Em có gây sự mình cũng bỏ qua mà dỗ dành, bởi ngoài mình ra, em có còn chỗ dựa nào nữa đâu.

Mật độ mẹ ra ngoài chơi buổi tối ngày càng nhiều. Mình vẫn hay nhắn tin cổ vũ mẹ cho mẹ tự tin hơn kiểu “mẹ con hôm nay xinh lắm nhé!” Hay “hôm nay mẹ mặc bộ váy đẹp đấy”, hoặc “mẹ cuốn tóc thành lọn đẹp đó nha”. Mình vẫn không quên nhắc mẹ nhớ giữ ấm và phải ăn no, không được ăn nhiều đồ có mỡ và ngọt gây hại cho người trung tuổi. Còn mình thì về nhà sớm, rẽ qua chợ mua đồ ăn tươi rồi trèo sang nấu cho Vi trước lúc em đi học về. Vi hay giở trò quậy phá, về nhà thấy mình là cầm chổi bắt mình giơ tay để em dắt lên công an vì tội đột nhập. Mỗi lần như thế mình lại giả bộ giơ tay lên trời xin xỏ.

– Cháu xin cô Vi tha cho cháu một lần trót dại. Từ lần sau mò sang ăn trộm cháu sẽ cố gắng vơ vét và tẩu thoát trước lúc cô về: V…

Em lại cười, người gì mà dễ cười không à. Chọc có một tí thôi là cứ lăn lóc ra đó. Vi cất cặp sách rồi vào tranh việc. Vi biết mình thương Vi, Vi hay nạt:

– Ứ cho Hoàng thương nhiều đâu! Hoàng thương em ít thôi!

– Ứ nghe làm gì được?

– Không nghe đuổi ra đường luôn!

Mình thích ôm Vi lúc Vi nấu ăn, nhìn bàn tay bé xíu cầm đôi đũa đảo đảo quanh chảo mà thấy buồn cười. Mình và Vi ăn cơm xong chạy ra đường chơi bóng đá với Ki chán mới về học bài. Cứ nhìn cái gốc cây xà cừ ngoài cổng là mình nhớ đến cái vụ sang nhà Vi đòi đèn tích điện rồi bị Vi đánh cho sưng mũi. Nhớ lại mà cảm giác như mọi chuyện như mới xảy ra hôm qua. Nhỏ hàng xóm mới tát mình hôm qua, mới gây chiến hôm qua, mới rút quần đùi của mình rồi nhét xuống ống nước hôm qua.

– Hoàng lại thế rồi nè!

– Sao cơ?

– Hoàng cứ nhìn gốc cây rồi đứng đờ người như thế người đi đường người ta tưởng Hoàng điên luôn á.

– Hí hí, Vi điên!

– Ơ, Hoàng bị dở à?

– Không, Vi bị điên mà. Vi không tin à?

– Hoàng bị khùng thì có, Hoàng bị thần kinh…

– Trật tự đi không người ta nói cả 2 lũ điên giờ, đứng dịch vào đây anh ôm nào.

– Không, không ôm người điên đâu!

Vi nói vậy chứ mình biết Vi cũng nhớ da diết những kỷ niệm của ngày mới quen lắm. Em cũng cứ đứng dụi đầu vào ngực mình rồi cùng nhìn vào gốc cây như mình thôi.

Buổi sáng mình và Vi vẫn thường đợi nhau đi học. Mình bảo mình chở đi bằng xe máy nhưng Vi nhất định đi bus để trên đường đi bộ Vi còn nhặt nắp chai.

Đi bus thì gặp lắm thứ kinh khủng lắm. Sáng sớm đi ít người không sao. Chiều về mới sợ. Chen chúc, móc túi. Có lần Vi bị một thằng sờ mông mà không làm gì được vì xe quá đông nên không biết chính xác thằng nào sờ em. Điên lộn cả tiết. Còn có thằng trộm láo tới mức nó móc túi sách của Vi lấy điện thoại, túm được tay nó rồi, nó quay lại nhe răng cười bảo: “Tao bị AIDS giai đoạn cuối, mày không bỏ ra tao xiên cho phát chết queo giờ”. Bó chym luôn! Lúc ấy chỉ biết thả tay cho nó chạy chứ làm được gì nữa. Ngậm ngùi trong cay đắng. Từ vụ ấy mình nhất quyết đưa em đi học bằng xe máy. Chứ ngày nào cũng đối mặt với cái lũ dê xồm bóp zú sờ mông vẹo hông vuốt má với cả trộm cắp móc túi siđa thì mình bục tim mà chết mất.

Chiều về đi qua chợ lòng vòng mấy hàng bia nhặt chục cái nắp chai đem về cho em đỡ nhõng nhẽo. Chỉ vì mấy cái nắp chai thôi mà cứ hành mình suốt. Ngày đi nhặt rồi đủ nắp thì lại lấy đinh với búa đυ.c lỗ xâu dây. Bắt tội mình đủ thứ. Mà không biết em định xâu dây nắp chai cho đến bao giờ. Nhiều lúc chỉ muốn túm đống dây đi bán sắt vụn lấy tiền mua quần đùi. Thi thoảng ngồi nghĩ thấy sợ. Mình thắc mắc không biết có phải cứ thui thủi một mình nên em mắc chứng tự kỷ không, chứ cứ nhìn cảnh em ngồi góc nhà lựa nắp chai rồi đυ.c đυ.c xâu xâu xong lấy bút gõ keng keng thấy ghê ghê. Nhiều đêm mình còn mơ thấy cảnh em đội nón, răng sún, mũi nhọn như phù thủy, ngồi gõ nắp chai mà sáng dậy toát cả mồ hôi. Nhưng nhìn những dây nắp chai em sơn đủ các màu treo cửa sổ cũng thấy hay hay.

Yêu Vi, những thói quen sinh hoạt của mình thay đổi đã đành, ngay cả những cử chỉ nhỏ cũng vì em mà thay đổi theo. Trước kia chưa có bạn gái, cũng không bạn bè tụ tập nhiều, cái điện thoại của mình chỉ để mẹ liên lạc, báo thức, xem giờ nên đi ngủ mình vẫn vứt chỏng chơ ngoài bàn học. Giờ đây yêu em, tay mình cũng nào cũng giữ điện thoại khư khư. Đi ngủ mình vẫn nắm chặt điện thoại trong tay và đặt lên ngực, chỉ lo đêm em có chuyện nhắn tin cho mình mà mình không biết.

Mọi người không biết cảm giác một người con gái sống trong một ngôi nhà ba tầng to và rộng nó có nhiều thứ đáng lo như thế nào đâu. Vi lại nhát ma nữa, nhà vệ sinh ngay trong phòng mà có đêm em nín nhịn cho tới sáng mặt trời mọc mới dám đi giải quyết, còn nếu bức quá không thể nhịn được thì em phải gọi mình sang trông phòng, bật điện tưng bừng, bắt mình phải hát bài ‘Bức thư tình đầu tiên’ cho đến khi em vệ sinh xong mới được đi về. Có đêm mình sang, vừa ngồi hát vừa ngủ gật, em bị đau bụng mãi không thấy ra, mình thì cứ nghêu ngao câu hát đến lệch lạc cả nhạc, sai cả lời: “Và anhhhhh… Sẽ là người đàn ông cụa đời emmmmm. Anh đá mơ về, ngôi nhà và những đứa trẻ. Vì yêu em, ngày mai anh sẽ vững bước trên con đường dài. Em có nghe? Mùa đông như ngọn đèn vàng… Anh nhớ emmmmm. Anh nhớ ẻm emmmmm…” Hát mãi không thấy Vi ra, mình mệt quá trèo lên giường ngủ luôn. Sáng dậy mơ màng, thấy mình đang nằm ôm em, em chui vào lòng mình ngủ ngoan như mèo con.

Cảm giác ấm áp khi yêu chẳng có ngôn từ nào miêu tả được nhiều. Em trao tặng cho mình biết bao nhiêu điều đặc biệt. Yêu thương, ấm áp, niềm tin, cố gắng, mục đích sống tốt hơn… Và nhất là mình thấy mình to lớn, mạnh mẽ và trưởng thành lên rất nhiều khi mình chăm lo che chở được cho em – thiên thần nhỏ! Khoảng thời gian ấy, những cảm xúc tinh khôi và trong trẻo ấy, mình tự hứa sẽ ghi nhớ mãi trong tim, để sau này mình sẽ thủ thỉ cho những đứa con của mình nghe, rằng mẹ yêu của con đã tặng bố những món quà đặc biệt như thế nào, rằng bố đã yêu mẹ con nhiều ra sao. Nhưng sẽ vẫn nghiêm khắc với chúng nó. “Bố chỉ kể thế thôi, chứ cấm đứa nào yêu sớm. Phải học hành cho có tương lai. Đứa nào không nghe lời bố đấm phát chết luôn!”. *MẶT NGẦU*



Khoảng thời gian êm đềm nhất của mình và Vi kéo dài gần một năm bốn tháng, chúng mình sát cánh bên nhau, chia sẻ cùng nhau mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Vi hay trèo lên tầng thượng ngồi khóc một mình mỗi khi em tủi thân. Mới đầu mình không biết điều đó. Đến một lần lên phơi quần áo, bắt gặp em ngồi khóc. Mình sợ tới mức chẳng cần biết phải làm gì, trèo sang ngay với em.

Em khóc nhè cũng không sao, nhưng nếu khóc thì phải gục vào ngực mình khóc chứ mình không cho khóc một mình. Ngày hôm ấy mình mải dỗ em nên bỏ quên quần áo trong máy giặt cho đến hai ngày sau thối um lên và bị mẹ chửi gần chết. Mình cứ nghĩ, mình và Vi sẽ hạnh phúc, sẽ yêu thương nhau như thế mãi mãi, sẽ luôn cầm tay nhau đi trên mọi ngả đường, sẽ luôn gục vào nhau những khi mỏi mệt. Nhưng trong cuộc đời chẳng mấy khi đoán trước được điều gì. Như một chiếc cốc thủy tinh đẹp đẽ người ta đặt trong hộp kính, rồi cũng có ngày nó sẽ bị lấy ra lau chùi để rồi lỡ tay đánh rơi nó. Nó vỡ! Tan vụn ra thành ngàn mảnh nhỏ. Có cố gắn lại cũng chỉ còn những vết nứt xấu xí.