Cách đây ít lâu, Thìn cũng đứng đợi ở sảnh đón quốc tế này, đó là lần cùng hai đứa “con” đi đón “mẹ” Thục Trinh từ Singapore trở về. Lần này cậu không có ngóng trông giống lần trước mà hờ hững ngồi ở ghế đợi, mặc kệ cô Hoa đứng nép sát vào hàng rào bảo vệ ngóng trông đứa con trai của mình. Mạnh thấy cô nhốn nháo, ngó hết người này người nọ khi thấy lác đác có người từ bên trong bước ra. Nghe cô bảo, từ lúc con cô đi du học đến nay cũng tròn 3 năm, cô chưa được gặp con lần nào, cũng rất hiếm biết thông tin của nó, chỉ thỉnh thoảng nó gửi về cho một lá thư báo vẫn khỏe. Kể cũng phải, điều kiện về kinh tế hai mẹ con cô Hoa phải nói là không có, việc đi du học nếu không phải săn được học bổng thì chắc cô cũng chẳng đủ khả năng mà cho con đi. Nhưng ơn giời, mọi thứ rồi cũng qua, cũng đến cái ngày con trai cô vinh quy bái tổ. Cô chỉ còn chờ một việc nữa là con trai cô tìm được công ăn việc làm ổn định ở Hà Nội nữa là cô sẽ về quê.
Mạnh thấy cô Hoa như một đứa trẻ nhẩy cẫng lên, tay khua khua vào không khí vì nhìn thấy bóng thằng con trai ở phía trong, Mạnh cũng chửa biết con trai cô là ai trong đám đông từ phía trong bước ra. Giữa muôn vàn tiếng ồn ào náo nhiệt của sảnh sân bay, Mạnh nghe rất rõ tiếng cô Hoa nói lớn:
– Quang ơi! Quang ơi! Mẹ đây! Mẹ đây!
Hình như cậu thanh niên cao ráo, chưa nhìn kỹ nhưng thoáng cũng có vẻ đẹp trai giống mình cùng một nhóm bạn khoảng 5 người nữa đẩy xe hành lý bước ra là Quang, người mà cô Hoa đang ngày đêm trông ngóng.
Nhưng có một sự bất thường, hoặc không phải người mà Mạnh nghĩ đấy là Quang, bởi cậu thanh niên này hình như không có phản ứng gì với lời gọi của mẹ mình. Cậu ta cùng nhóm bạn rẽ trái, lướt qua mặt cô Hoa như người không quen biết, vừa đi vừa nói chuyện rất rôm rả với nhóm bạn của mình.
Ô kìa! Sao cô Hoa đứng như trời trồng nhưng khuôn mặt thì quay theo hướng đi của cậu thanh niên ấy, miệng cô vẫn cố nói thật to: “Quang ơi! Quang ơi! Mẹ đây, mẹ đây!” đến giọng khàn đặc cả đi. Không lẽ cô Hoa nhầm người, quái lạ, có người mẹ nào lại nhầm khuôn mặt con trai mình được cơ chứ. Quang đi mới có 3 năm chứ có phải ba mươi năm đâu mà thay đổi đến nỗi mẹ không nhận ra được.
Mạnh vẫn ngồi im trên ghế quan sát, cậu không biết mặt cái cậu Quang này nên cũng không thể nói là cô Hoa nhận nhầm người hay là còn vì một lý do nào khác.
Mạnh tiếp tục quan sát cậu thanh niên mà cô Hoa vừa gọi là Quang. Cậu ta đi cùng nhóm bạn đến một góc phía xa ở sảnh, đám người nói với nhau cái gì đó rất vui vẻ, vỗ vai nhau, thậm chí làm ôm nhau như chuẩn bị cách xa hẹn ngày tái ngộ. Khi đám bạn ấy đi hẳn ra phía ngoài thì cậu thanh niên mới kéo xe hành lý của mình trở lại phía cô Hoa.
Cô Hoa đứng cách không xa Mạnh lắm, khi cậu thanh niên trở lại đứng trước mặt cô Hoa, cô vẫn lẩm bẩm:
– Quang, Quang phải không con?
Đến chính cô Hoa còn bợ ngợ hỏi lại vì không tin tưởng vào mắt mình nhìn. Rõ ràng cậu thanh niên mà đi lướt qua mặt cô vừa nãy, cô gọi thì lặng thinh không trả lời, giờ lại quay lại đây nhìn cô.
Đến khi tiếng nói của người đó cất lên, cô Hoa mới òa lên mừng rỡ vì không thể nhầm lẫn được nữa:
– Mẹ! Con nói là mẹ không cần ra đón con rồi mà.
Cô Hoa vồ lấy ôm chầm đứa con xa nhớ, chiếc áo hoa quần vải quê mùa của cô làm cô trở nên lạc lõng giữa chốn đông người:
– Quang của mẹ. Cuối cùng con cũng về rồi.
Tại sao nhỉ? Tại sao cái cậu Quang đi xa trở về, gặp mẹ lại không có thái độ gì mừng rỡ lắm nhỉ. Trông cậu ta mặt mũi cũng sáng sủa, ăn mặc cũng đèm đẹp. Không lẽ cậu ta sợ người khác nhìn thấy một người đàn bà quê mùa thân mật với mình hay sao? Người đó là mẹ cậu ta cơ mà. Mạnh thấy thật là lạ.
Quang khẽ đẩy mẹ ra khỏi người mình, cậu ta nói:
– Mẹ khỏe không ạ? Con lo mẹ vất vả nên bảo mẹ không phải ra đón. Con tự về được mà.
Cô Hoa rơm rớm nước mắt vì con trai lo cho mẹ. Cô khẽ quệt ống tay áo hoa mình lên ngang mắt:
– Mấy năm rồi mẹ không được gặp con. Mẹ nhớ. Gặp con sớm lúc nào hay lúc đấy.
– Vâng, thế mẹ con mình về đi. Mẹ đi đến đây bằng xe buyt à?
Lúc này cô Hoa hình như mới nhớ ra Mạnh, người đã đưa cô đi đến đây:
– Không, mẹ được cậu Mạnh, người cùng cơ quan mẹ đưa ra đây. Nào để mẹ dẫn con gặp cậu ấy. Mạnh bằng tuổi với con.
Hai mẹ con cô Hoa song song bước tới chỗ Mạnh. Khi đến gần, Mạnh chủ động giơ tay ra phía Quang bắt:
– Chào cậu, tôi là Mạnh, tôi làm cùng cơ quan với cô Hoa. Hôm nay tôi đưa cô Hoa ra đón cậu.
Quang không quan tâm nhiều lắm tới Mạnh, bởi Quang phán đoán người cùng cơ quan mẹ đưa ra đây thì chắc là lái xe rồi. Nhưng khi cánh tay của Mạnh chìa ra, chiếc nhẫn kim cương nhiều kara tỏa ra ánh sáng, chưa hết, ở cổ tay đeo nhẫn, khi Mạnh chìa ra thì cổ áo bị vén lên trên, là chiếc đồng hồ Patex Philip. Quang chợt ngớ người nhìn bộ quần áo và đôi giầy mà Mạnh đang đi. Toàn độ hiệu top thế giới. Trong đám bạn của Quang đi du học, chỉ có Quang là theo dạng học bổng, còn lại đều là dạng tự túc. Hay nói đúng hơn, chỉ có Quang là con nhà nghèo, còn lại đều là dạng danh gia vọng tộc. Chính vì vậy, Quang biết Mạnh không đơn giản chút nào. Hay nói chính xác không phải là lái xe như phán đoán ban đầu.
Thôi ngay cái thái độ hờ hững, Quang khẽ cúi đầu giọng cầu thị:
– Xin chào Mạnh, rất vui được làm quen với cậu. Tôi là con của mẹ Hoa. Thật là cảm ơn cậu đã đưa mẹ tôi ra đây. Cậu vất vả quá.
Cô Hoa ở ngoài giải thích thêm vì vừa rồi Mạnh giới thiệu làm cùng công ty, nói là làm cùng như cô ở đáy còn Mạnh ở ngọn:
– Cậu Mạnh đây là một Giám đốc ở công ty chỗ mẹ làm lao công. Hôm nay mẹ định bắt xe buyt nhưng lại gặp cậu Mạnh nên mẹ nhờ cậu ấy đưa ra đây.
Quang có ý trách mẹ:
– Mẹ này, lần sau đừng phiền cậu Mạnh những việc nhỏ như thế này nữa.
Mạnh xua tay vì coi việc mình đưa cô Hoa ra đây như một cuộc dạo chơi, không đáng kể gì:
– Chuyện nhỏ ấy mà, sau có việc gì cô cứ nói với cháu. Thôi, giờ mình về thôi nhỉ?
Thế là 3 người cùng ra rời khỏi sảnh đón, bước ra phía bên ngoài. Chiếc xe Range Rover láng cóng đậu trong bãi đỗ xe phát tiếng kêu “chíu chíu” khi Mạnh bấm chìa khóa mở từ xa. Quang một lần nữa trầm trồ, phán đoán của Quang quả không sai tẹo nào. Trong đầu Quang suy nghĩ nhiều thứ vô cùng, trong đó suy nghĩ lớn nhất chính là gã tên Mạnh này là ai? Chiểu theo tuổi ngang mình, vậy mà nhìn những đồ vật trên người cậu ta, chiếc xe cậu ta đi thì không mười thì cũng phải chín phảy chín phần là con một người nào đó có thế lực, không thuộc lĩnh vực chính trị thì cũng thuộc lĩnh vực kinh tế.
Quang tót lên ghế trước ngồi, để mẹ ngồi sau. Quang tính là trong khi lái xe, hắn muốn qua câu chuyện dò la được điều gì thì dò.
Trên đường trở về nội thành, Mạnh bắt chuyện:
– Quang du học ngành gì bên Trung Quốc vậy?
Thấy Mạnh bắt sóng trước, Quang lại càng mừng, hắn đỡ phải mặt mo mà mở lời, kẻo người ta lại nghĩ hắn thấy sang bắc quàng làm họ:
– Tôi á, tôi học cao học chuyên ngành Quản Trị Kinh doanh ở Đại học Bắc Kinh. Tôi vừa tốt nghiệp xong. Nhà trường cũng định giữ lại học lên cao hơn nhưng tôi về nước vì còn phải chăm sóc mẹ, với lại ……… điều kiện kinh tế cũng không cho phép tôi học cao hơn.
Quang thật là khôn khéo, hắn vừa tế nhị khoe trình độ của mình nhưng cũng không quên nói cái cảnh khó khăn, đặng ai mủi lòng muốn giúp thì giúp.
Cô Hoa rơm rớm nước mắt nghe lỏm câu chuyện của con trai và Mạnh, cô cảm động vì thằng con vì cô mà về nước, phải bỏ dở chuyện học hành. Cô cũng tự trách bản thân mình không kiếm ra nhiều tiền để con tiếp tục việc học. Cả đời cô chỉ tâm niệm một điều làm sao mà lo cho thằng Quang được học hành thành tài, cô sẵn sàng hi sinh, chịu đựng muôn vàn cực khổ đắng cay ở cái đất Thủ đô này cũng chỉ vì mục đích đó. Ngoài làm lao công toàn thời gian cho Công ty Đẹp +, cứ mỗi khi đêm về, cô nhận thêm việc quét rác ngoài đường để kiếm thêm thu nhập. Ngày nào cũng thế, cô quét rác trên các con phố từ 23h đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau. Bao nhiêu năm vẫn thế.
Mạnh suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nói, cậu đang nghĩ tới cô Hoa nhiều hơn là cái cậu thanh niên ngồi cạnh mình. Chẳng phải cô Hoa vẫn có mong ước đợi con của cô du học về, xin được việc làm ổn định là sẽ về lại quê hương hay sao. Mạnh biết, đối với người như cô Hoa, việc sống ở trên đây là điều bất đắc dĩ, nơi cô mong muốn sống nhất không phải là chốn phồn hoa đô hội, mà là nơi thôn quê với cánh đồng mảnh ruộng, với họ hàng làng mạc. Với suy nghĩ đó, Mạnh thực tâm muốn giúp Quang, con trai của cô có được một việc làm, tất nhiên là nếu hắn cần:
– Vậy tới này Quang có dự định làm việc ở đâu chưa? Người du học về như Quang thì không khó để xin được một công việc tốt đâu.