Chương 14
Hôm đó trời nắng đẹp, chúng tôi rời nước Khương, vượt qua dãy núi Thương Lan vào biên giới nước Trịnh.
Mộ Ngôn định hôm sau sẽ đi, chàng nói nhà có việc gấp gọi về, ân tình nợ tôi ngày sau chàng sẽ trả.
Thực ra, Mộ Ngôn không nợ nần gì tôi, nếu còn nhớ, chàng sẽ hiểu ra món nợ giữa chúng tôi là như thế này: Tôi nợ chàng trước, nợ hai tính mạng, vừa rồi cứu mạng chàng một lần, coi như đã đền được một tính mạng, vẫn còn nợ chàng một mạng nữa, là tôi phải trả chàng, chứ không phải chàng phải trả tôi, nhưng rõ ràng chàng không nhớ. Thực ra điều đó cũng chẳng có gì, nữ nhi mười tám biến, tôi hôm nay khác hẳn ba năm trước, lại luôn đeo mặt nạ, chàng không nhận ra cũng là chuyện thường.
Tôi nghĩ, tôi yêu chàng ba năm, không ngờ đời này lại được gặp chàng lần nữa, ông trời đã cho chúng tôi cơ hội trùng phùng, nhưng lại ở hai đầu sinh tử, thật quá đau lòng. Nhưng như thế cũng tốt, đối với chàng coi như không có chuyện gì xảy ra, cũng không có gì kết thúc, đối với tôi, tất cả đã xảy ra, tất cả đã kết thúc. Chút tình giữ trong lòng hôm nay chẳng qua là hoài niệm của vong hồn, không phải là thứ hiện hữu trên đời, lưu luyến mấy cũng chẳng ý nghĩa gì.
Chỉ có điều vẫn không thể nào quên, vừa nhắm mắt lại hiện ra trong đầu, chỉ toàn hình ảnh chàng cúi đầu ôm cây đàn trong hang núi Nhạn Hồi, mặt nạ màu bạc, áo dài đen, tay bấm dây tơ, tiếng đàn tuôn chảy dưới ánh trăng, nhặt khoan như tiếng suối lúc êm đềm lặng trôi, lúc ào ạt trút đổ.
Tôi nghĩ, tôi phải để chàng lưu lại gì đó cho tôi, gì cũng được, coi như là kỷ niệm.
Mùa hè ngày dài, mãi mới vào đêm. Tôi cầm một bình rượu, bồi hồi đi tìm chàng giả bộ chẳng có gì suy nghĩ vẩn vơ, đi tìm chàng là do muốn uống rượu ngắm trăng, còn chàng được lựa chọn, thuần túy là vì có lẽ đêm nay chúng tôi tương đối có duyên.
Chàng ngồi hóng mát trong sân quán trọ, trên ghế đá có bình rượu, tự rót uống một mình. Tôi đi đến, để bình rượu trong tay sang một bên, nhìn chàng: "Uống một mình thật vô vị".
Chàng ngẩng đầu: "Cô muốn uống cùng tôi?".
Tôi nhìn chung rượu bằng gốm trắng trong tay chàng: "Mộ Ngôn, trước khi chia tay, huynh gảy một khúc đàn cho tôi nghe đi".
Chàng ngạc nhiên nhìn tôi, không nói gì, để chung rượu xuống hỏi: "Muốn nghe khúc gì?".
Tôi nghĩ một lát: "Cũng không có khúc nào đặc biệt muốn nghe".
Chàng giơ tay vẫy Chấp Túc đứng phía xa, ngoái đầu nói với tôi: "Vậy thì...".
Tôi ngồi xuống, ngắt lời: "Vậy thì cứ chơi khúc nào huynh biết".
"...".
Chấp Túc nhanh chóng mang đàn đến, để trong đình hóng mát.
Xung quanh đình, bà chủ quán trọ trồng đầy hoa thiên ngưu, từng đám lớn tắm ánh trăng, từ màu trắng chuyển sang hồng, lan tràn như mây trắng nhuốm ánh hồng. Tôi cúi nhìn Mộ Ngôn, chàng ngồi giữa áng mây hồng đó, khuôn mặt không đeo mặt nạ đẹp như thiên thần, ngón tay dài mảnh, nhàn tản đặt trên dây đàn, đầu hơi ngẩng lên nhìn tôi mỉm cười: "Nếu chơi hết các khúc tôi biết, e là đêm nay cô không ngủ được".
Tôi không nói gì, lòng thầm nghĩ, em có thể suốt đời ngồi nghe chàng đàn.
Tiếng đàn vang lên, là một khúc tôi chưa từng nghe, tôi gục đầu trên chiếc bàn tròn ba chân bên cạnh, tay chống cằm hỏi: "Mộ Ngôn, huynh chưa lập gia thất chứ?".
Khúc nhạc hơi ngừng, chàng khẽ nghiêng đầu, ậm ừ một tiếng, "Chưa".
Tôi nói: "Huynh có muốn lấy một người đã chết làm vợ không?".
Chàng dừng tay đàn, ánh trăng mờ tỏ chiếu lên khuôn mặt thiên thần, đẹp đến sững sờ.
Tôi lấy hết can đảm nói với chàng: "Cô gái đó cũng khá đẹp, tính tình cũng được, các vị trưởng bối đều thích cô ấy, cưới về nhà tuyệt đối không có chuyện bất hòa mẹ chồng nàng dâu, hơn nữa, cầm kỳ thi họa cũng biết ít nhiều, tuyệt đối không để huynh mất thể diện trước thiên hạ. Ngoài ra, nấu ăn tuy không giỏi lắm nhưng cũng biết làm vài món, chỉ có điều... chỉ có điều... đã chết...".
Tôi tự khoe mình một hồi, thầm nghĩ sao mình có thể mặt dày như vậy, càng tự khen càng thấy không ổn, chàng chống cằm nhẫn nại ngồi nghe, một hồi lâu sau, dở khóc dở cười hỏi: "Cô định nói tới âm hôn(*) sao?".
Tôi không biết, giả sử tôi và chàng thành hôn liệu có gọi là âm hôn, nhưng cũng không có định nghĩa nào chính xác hơn, đành ậm ừ gật đầu.
Chàng nhẫn nại nhìn tôi một lát, giơ tay đàn tiếp, lắc đầu nói: "Không hiểu cô nghĩ gì, không phải cô định mai mối tôi cho một cô gái đã chết nào đó chứ?".
Tôi sáng mắt nói: "Chính là thế!".
Dây tơ đàn phát ra thanh âm run run, chàng cười: "Đúng là giống chuyện cô thường làm, nhưng Mộ gia chúng tôi không thể tuyệt hậu, cảm ơn thịnh tình của cô".
Tôi lại gục trên bàn, nhắm mắt lại, gió đêm ấm áp là vậy, lại cảm thấy toàn thân lạnh toát. Mặc dù rất hiểu sinh tử khác nhau, âm dương cách biệt, hôn nhân là không thể, nhưng bất chợt có lúc không tránh khỏi hy vọng mong manh vào may mắn ngẫu nhiên nào đó, muốn thử một lần, biết đâu sẽ khác, nhưng cuối cùng chỉ khiến mình càng thêm thất vọng.
Tôi rất muốn nói với chàng, cô gái đeo mặt nạ chàng đi theo để trả ơn chính là cô bé suýt bị rắn độc cắn chết ở núi Nhạn Hồi năm xưa, bây giờ đã lớn thế này, luôn ước ao muốn lấy chàng, trên trời dưới đất tìm chàng, tìm suốt ba năm. Nhưng sao có thể nói ra, cô gái đeo mặt nạ này quả thực là đã chết.
Đêm đó tôi gục trên chiếc bàn ba chân, ngủ thϊếp từ lúc nào trong tiếng đàn của Mộ Ngôn. Nghe Quân Vỹ nói, lúc canh tư, Mộ Ngôn bế tôi vào phòng. Nhưng khi tôi tỉnh dậy, chàng đã rời đi. Giống như cái đêm ở núi Nhạn Hồi ba năm trước, chúng tôi luôn chia tay trong lặng lẽ, bất ngờ. Nhưng cũng không có tình cảm đặc biệt gì, chỉ có nơi đặt viên giao châu dường như trở nên trống rỗng.
Nơi tôi định đến là thành Tứ Phương, quốc đô nước Trịnh.
Thoạt nghe tên đó, cứ nghĩ thành này có lẽ được xây dựng theo nguyên lý hình học không gian tinh thâm. Thực ra không phải tên thành là Tứ Phương, chỉ là do dân chúng trong thành đa phần rất thích chơi mạt chược. Bầu đoàn ba thành viên, tôi, Quân Vỹ và Tiểu Hoàng hân hoan nhằm thành Tứ Phương thẳng tiến, bởi vì Quân sư phụ cho chim đưa thư báo, đã tìm được một vụ làm ăn cho tôi ở trong thành, khách lần này nhân thân tương đối đặc biệt, là một quý phụ sống trong vương cung Trịnh quốc.
Nội địa Trịnh quốc nhiều sông nhiều núi, có nghĩa phần lớn hành trình chúng tôi đều đi bằng thuyền, nhưng sự có mặt của Tiểu Hoàng khiến chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối, ngày càng ít chủ đò đồng ý chở chúng tôi, họa hoằn mới tìm được một chủ đò hám tiền, nhưng thường đòi tiền công rất cao mới được bước lên con thuyền rách của họ. Nghĩ đến chuyện không thể làm thịt Tiểu Hoàng nướng ăn như đối với con ngựa, đành nghiến răng không còn cách nào khác.
Nhưng tiền mang theo mỗi ngày cạn một nhanh, như thế này khó lòng đến được thành Tứ Phương theo dự kiến. Vạn bất đắc dĩ, tôi và Quân Vỹ đành phải ép chủ đò: "Tiền không có, nhưng mạng thì có, nếu ông không chở, chúng tôi sẽ thả con hổ, nó sẽ cắn ông chết tươi".
Không ngờ biện pháp đó lại rất hiệu quả. Chúng tôi đi hoàn toàn thuận lợi, chỉ có điều, lúc gần đến thành có người báo quan, bị quan phủ địa phương phạt món tiền lớn, đó lại là khoản tiền lộ phí cuối cùng của chúng tôi.
Lúc này còn cách thành Tứ Phương năm mươi dặm, nhanh nhất cũng phải ba ngày mới tới, nhưng trong người chúng tôi đã không còn một cắc bạc. Quân Vỹ nói trên đường đi vừa rồi anh ta đã sáng tác xong một cuốn tiểu thuyết mới, nói về sự bạc tình đang rất ăn khách, có lẽ sẽ bán chạy, có thể thử bán cuốn tiểu thuyết này lấy ít tiền lộ phí. Tôi và Tiểu Hoàng đều rất vui, cảm thấy hết mưa là nắng, phấn khởi bày sách bên đường rao bán, lòng đầy hy vọng.
TruyenHDKết quả không bán được.
Về sau phân tích mới thấy, nguyên nhân chính là trong sách không có những chỗ mô tả chuyện gối chăn. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa nhận ra điều ấy, chỉ thấy rất bế tắc. Suy nghĩ rất lung, cảm thấy biện pháp duy nhất... chỉ có để Tiểu Hoàng biểu diễn tài ăn cỏ, trái với bản tính của loài hổ.
Chính trong quá trình ép Tiểu Hoàng biểu diễn tài ăn cỏ, chúng tôi gặp được Bách Lý Tấn lên núi hái thuốc trở về, đây là nhân vật vô cùng quan trọng, mà lúc đó và rất lâu về sau, chúng tôi đều không biết anh ta thực ra xuất thân từ một gia tộc thánh dược, là cháu ngoại duy nhất của thánh dược Bách Lý Việt. Đương nhiên cũng có nguyên do, bởi vì anh ta xuất hiện với bộ dạng hoàn toàn không xứng với họ tộc trứ danh của mình, trên tay không phe phảy chiếc quạt quý, thắt lưng cũng không đeo kiếm báu, chiếc áo dài trắng mặc trên người lại loang lổ chỗ đen chỗ trắng, lưng lại khoác chiếc gùi cũ, không hề có dáng một công tử thế gia, khiến người ta vừa nhìn đã nhận ra là bậc cao nhân, hoặc là hậu duệ của bậc cao nhân.
Cảnh đó diễn ra vào đúng lúc mặt trời lặn, chim đang về tổ. Chúng tôi chuẩn bị địa bàn mãi nghệ, hái một bó lớn rau dại và cỏ để bên đường, Tiểu Hoàng đã được ý tứ buộc chặt vào chiếc cọc tre.
Nông dân đang lục tục vác nông cụ về nhà, đi qua nhìn thấy cảnh đó tò mò đứng lại, chẳng mấy chốc đã quây kín một vòng.
Mọi người chứng kiến Tiểu Hoàng dáng điệu khổ sở lép bép nhai một củ cà rốt, nông dân chặc lưỡi khen lạ.
Lúc đó Bách Lý Tấn vất vả chen vào trong, cúi xuống rất tự nhiên lấy một củ cải trắng to đùng trong đống rau cỏ, ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ: "Này, củ cải bán thế nào?".
Quân Vỹ ngây người.
Bách Lý Tấn ngắm nghía một hồi, không biết lý giải thế nào biểu hiện đó của Quân Vỹ, lại cúi đầu lựa chọn một hồi, lấy ra một củ cà rốt: "Này, tôi mua hai củ cải, anh có thể tặng thêm một củ cà rốt không?".
Tôi giương mắt nhìn Quân Vỹ nhướn mày hai cái, sau đó thản nhiên chỉ vào Tiểu Hoàng đang gặm cà rốt bên cạnh, tỏ ý chúng tôi đang biểu diễn, không phải bán củ cải.
Bách Lý Tấn nhìn Tiểu Hoàng, nhảy dựng lên: "Chao, mua củ cải còn được tặng hổ ư?".
Tôi giương mắt nhìn Quân Vỹ lại nhướn mày hai cái, nhếch mép: "Không tặng hổ, không tặng hổ".
Bách Lý Tấn hiểu ý giơ củ cà rốt ở tay phải, "Ồ, không sao, không tặng hổ thì tặng tôi một củ cà rốt vậy".
Quân Vỹ lại nhếch mép: "Cà rốt cũng không tặng!".
Bách Lý Tấn ngạc nhiên giơ củ cải ở tay trái: "Tôi không để anh cho không đâu, tôi trả tiền, tôi mua nhiều không phải để anh kiếm tiền, mà là muốn anh cho thêm một củ cà rốt nhỏ...".
Tôi đoán Quân Vỹ sắp không chịu nổi rồi, còn chưa nghĩ xong thì đã thấy một bóng trắng xám xám bay ra khỏi vòng người, Quân Vỹ nghiêm nghị nhìn Bách Lý Tấn vừa bị ném đi, phủi tay vài cái rồi lau lên áo tôi.
Đó là cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi với người cháu trẻ nhất trong gia tộc Bách Lý, Quân Vỹ lần đầu tiên thể hiện rõ nhất dũng khí nam nhi.
Hai ngày sau, chúng tôi tích đủ lộ phí đến thành Tứ Phương, tạm đủ tiền ăn ở dè sẻn. Tôi nghĩ, lúc này bất đắc dĩ phải kiếm ít tiền còn được, không nên để Tiểu Hoàng mệt mỏi quá, chỉ cần đến thành phố là chỗ nào cũng đầy cơ hội kiếm tiền, chẳng hạn có thể để Quân Vỹ bán thân, nhưng lại một nữa bị báo quan.
Quan phủ sau khi tra xét thấy đúng, bởi chúng tôi hoàn toàn chẳng làm gì trái pháp luật, nên không thể ra tay, nhưng họ cũng không chịu tay trắng ra về, cuối cùng phạt tiền chúng tôi với tội danh bắt hổ mãi nghệ, ngược đãi động vật, số tiền phạt coi như vẫn còn nhân tính, vẫn để lại cho chúng tôi một ít bạc lẻ làm lộ phí.
Quân Vỹ nói: "Đây nhất định là việc hay ho do gã tiểu tử nói giọng đàn bà đó làm". Anh ta đang nói tới Bách Lý Tấn, nhưng tôi thấy chuyện này chẳng liên quan tới anh chàng đó, bởi tôi thật sự cho rằng, thực ra anh chàng đó có thể cũng không biết hổ là loài thú hoang ăn thịt hay ăn cỏ, chưa biết chừng anh ta lại tưởng thiên tính của hổ là ăn củ cải.
Vốn tưởng Bách Lý Tấn chẳng qua là người qua đường, tôi và Quân Vỹ đều không chú ý, ai ngờ chập tối ngày thứ tư lại gặp nhau trong một quán trọ duy nhất ở ngoại ô thành Tứ Phương, hơn nữa Quân Vỹ lại nằm cùng giường với anh ta.
Có duyên như vậy kể cũng hiếm, bởi vì quán trọ đó quả thật rất nhỏ, khi chúng tôi đến chỉ còn một phòng trống duy nhất. Vì thanh danh của tôi, đương nhiên tôi và Quân Vỹ không thể ở cùng phòng, nhưng để anh ta nằm trong kho củi hoặc dưới gốc liễu bên ngoài cũng thật tàn nhẫn.
Nghĩ đến nếu hủy hoại danh dự của tôi nhất định sẽ bị Quân sư phụ đánh chết, Quân Vỹ mặc dù lòng vô cùng ấm ức cũng đành ôm chăn chiếu xuống kho củi ngủ tạm một đêm. Tôi và Tiểu Hoàng nhìn anh ta với con mắt cảm thông. Không ngờ vừa ôm chiếu đi qua cầu thang, một cái bóng trắng đột nhiên sấn đến: "Này? Cô không phải là người bán củ cải mấy hôm trước ư? Các người sao vậy?". Chúng tôi nhìn kỹ, thì ra là Bách Lý Tấn.
Chủ quán trọ nép vào một góc tủ quầy, vừa chú ý động tĩnh của Tiểu Hoàng vừa giải thích với anh ta. Bách Lý Tấn ngoái nhìn kỹ một hồi, vòng qua Quân Vỹ đến trước mặt tôi: "Thì ra là thiếu phòng? Phòng của tôi rất rộng, hay là cô ở tạm cùng tôi một đêm, tiền phòng chúng ta chia đôi, hi hi hi". Tôi không kịp cười, Quân Vỹ không biết dùng thân pháp gì, đã lặng lẽ đứng chen giữa chúng tôi, hiền hậu mỉm cười với Bách Lý Tấn đang nhăn nhở: "Được, chúng ta chung phòng".
Bách Lý Tấn thôi nhăn nhở.
Mọi người cùng ăn chung bữa cơm, vậy là quen nhau.
Ăn xong từng đôi về phòng.
Trước lúc ngủ, mí mắt tôi nháy liên tục, cảm thấy sẽ xảy ra chuyện gì. Từ nhỏ đến giờ linh cảm của tôi luôn rất hiệu nghiệm, nếu dự cảm có chuyện xấu xảy ra, bất luận thế nào cũng xảy ra chuyện gì đó thật.
Lòng tôi thấp thỏm, không thể ngủ được, mắt trừng trừng thức đến tận bình minh ngày hôm sau, nhưng cả đêm yên tĩnh, không hề xảy ra bất cứ chuyện gì đặc biệt, chỉ là khi dẫn Tiểu Hoàng xuống lầu ăn sáng, nhìn thấy Quân Vỹ và Bách Lý Tấn ngồi bên cửa sổ, cảm giác thần thái hai người hơi kỳ quái. Bách Lý tiểu đệ húp một miếng cháo ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ mỉm cười, húp miếng nữa lại ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ mỉm cười, còn Quân Vỹ ngoài sắc mặt hơi trầm, không có biểu hiện gì khác lạ.