Lại một tháng nữa trôi qua, cuối cùng đã đến ngày khởi binh diệt Thục. Yên Nhiên tướng quân, Chu Hoài tướng quân, Thanh Từ tướng quân và sáu vị phó tướng tiến vào đại điện ra mắt Hoàng đế. Đến vị đế vương cũng phải cảm thán về sự trưởng thành của thanh niên trẻ tuổi lúc bấy giờ.
Khi đất nước kêu họ đi làm lúa, họ đi làm lúa. Con dân của họ nghèo khổ, bị đói kém, bị bóc lột bởi bọn tham quan không đáy thì họ cướp của người giàu chia cho người nghèo. Anh linh kêu gọi họ đứng lên vì đất nước lâm nguy, họ vứt bỏ chân đất áo vải, kiếm trong tay, giáp lên người mà ra trận. Họ chẳng sợ điều chi, họ là những người trẻ tuổi, sẽ gầy dựng lại giang sơn địa hải!
“Tốt, tốt lắm. Chúc các ngươi lên đường bình an. Bách chiến bách thắng. Thiên ngôn vạn ngữ (1) cùng không bằng một câu: ‘Thiên quan tứ phúc - Bách vô cấm kỵ!’ (2)”
Dứt lời, vị Hoàng đế anh minh kia tự tay rót cho mỗi vị tướng trẻ một chén rượu. Sau đó, quân và thần cùng nâng ly dốc cạn. Đột nhiên Vân Yên nàng thấy hiểu lý do vì sao ở thời đại mà vị đế vương này trị vì, chẳng thấy dân bạo loạn, lầm than, chẳng thấy tướng lĩnh bất mãn mà vùng dậy phản loạn. Một người như ngài, nắm được lòng thần tử, đặt an nguy bách tính làm cơ sở mà xây dựng non sông. Chẳng có lý do gì để những kẻ sĩ trẻ tuổi như ta, Chu Hoài, Thanh Từ, cùng sáu vị phó tướng sĩ không tuân lệnh. Khi ngài nhường lại ngai vàng cho hậu duệ của ngài, chúng ta cũng tin tưởng đức trí của Thái tử điện hạ mà không phụng mệnh ngài, phò tá vị trữ quân ấy lên ngôi.
Ngay đêm đó, Mùng Một Tết âm lịch.
Yên Nhiên tướng quân cùng Chu Hoài và ba vị phó tướng Bảo Lâm, Hạ - Trung, dẫn ba vạn binh lính tinh nhuệ cùng ba vạn ngựa chiến được trang bị thiết kỵ cứng cáp âm thầm hành quân đến doanh trại của địch. Nàng tin tưởng sự cẩn thận của Thanh Từ và Thảo Na, để lại hai vạn binh lính cho hai người cùng ba vị phó tướng còn lại. Một nhánh ở Khánh Nam, một nhánh ở thành đô. Còn nàng, cùng Chu Hoài sẽ dẫn binh đánh Đông Bắc.
Để tiến đánh Đông Bắc, trước hết phải qua được ải Đông Quan. Ở đây là nơi phó tướng của Thục Á trông coi với một vạn binh lính tinh thông ám sát. Song, so với sự huấn luyện kỳ nhuệ của Vân Nam tướng quân lừng lẫy năm châu và Vân Kỵ tướng quân chiến tích trải dài khắp bốn bể, binh Thục ở Đông Quan cũng tính là nổi bật, nhưng không đáng để cất nhắc. Yên Nhiên tướng quân ra lệnh:
“Hiện giờ là giờ Tý, giờ Sửu phải chiếm được Đông quan. Chu Hoài, Bảo Lâm hai người làm việc kỹ càng, mang tin thắng trận về cho ta. Các ngươi chỉ có một canh giờ cùng sáu ngàn binh lính. Khai trận!”
Nghe xong hiệu lệnh, Chu Hoài dẫn sáu ngàn binh lính vào đánh Đông Quan. Cùng lúc đó, nữ chủ soái dẫn hai ngàn binh lính bao vây thành Đông Quan, ngăn cho bất kỳ tin tức nào bị tuồn ra ngoài, gửi đến thẳng Đông Bắc. Yên Nhiên tướng quân dẫn theo năm con đại bàng chiến để cắn chết bất kỳ con ưng đưa thư nào bay ra ngoài. Đúng ba khắc, Chu Hoài cùng Bảo Lâm đã chiếm được Đông Quan. Giao phó lại Đông Quan cho hai vị tướng lĩnh cùng một vạn binh lính. Nữ tướng quân tóc búi cao, giáp bạc cùng chiếc khăn đỏ cột ở cổ tay dẫn số binh lính còn lại tiến đánh Đông Bắc.
Đầu giờ Dần một khắc, tới được Đông Bắc. Trước hết, nàng cho đại bàng gửi chiến báo cho Chu Hoài: “Chuẩn bị, cuối giờ Tỵ khai đao.” Nàng sử dụng đội hình vừa công vừa thủ. Nhánh chính công, hai cánh trái - cánh phải vừa công vừa thủ. Nàng biết tính cách của Thục Á: cẩn thận như hắn sẽ chẳng bao giờ để toàn bộ bảy vạn binh lính ở Thục thành. Chắc chắn quanh thành đã có ám vệ thông thạo cung thủ. Áng chừng sáu ngàn binh hoặc hơn mai phục vòng tròn. Đã thế nàng để lại Hạ phó tướng và một vạn quân bao vây bên ngoài, chia ra làm hai nửa mai phục xa hơn quân địch ở hai bên. Còn lại hai vạn binh, nàng để một vạn người dọc đường từ Đông Quan đến Đông Bắc. Cánh này sẽ do Trung phó tướng chỉ huy. Một mình nàng cùng một vạn binh, tiến vào lòng chảo sôi lửa bỏng - Thục Thành phủ, phủ chủ Thục Á cầm đầu.
Chú thích:(1) “Thiên ngôn vạn ngữ”: Ngàn lời vạn chữ
(2) “Thiên quan tứ phúc – Bách vô cấm kỵ”: “Quan trời ban phúc – Chẳng ngại điều chi”, mượn hai câu bất diệt trong bộ truyện “Thiên quan tứ phúc”. Ý của Hoàng thượng trong câu nói với các vị tướng lĩnh là “dẫu có nghìn câu chúc cũng chẳng bằng một câu ‘Quan trời ban phúc – Chẳng ngại điều chi’”