Ở Huyền Không đại lục, không lâu sau cuộc chiến thì cũng có kha khá tu sĩ đến Âm Ảnh tông để kiếm vận may. Dĩ nhiên Tiên Cảnh và Thần Cảnh của các tông môn còn chưa điên rồ đến mức vì chút cơm thừa canh cặn mà làm liều, gánh chịu rủi ro va chạm với Huyết vực, bây giờ đã là Độc Tôn Tây Châu
Thế nhưng đối với các tán tu và đệ tử luôn phải chật vật kiếm tài nguyên tu luyện thì đây có thể là cơ duyên lớn giúp họ đổi đời.
Không chỉ có bọn họ, ngay cả các đệ tử tiêu biểu của tam tông, ngũ môn cũng liều mạng đến đây.
Người ta nói đúng, không thấy quỷ thì không sợ quỷ!
Ngoài những người trong cuộc ra thì không ai biết chuyện gì thật sự xảy ra trong trận chiến đó cả. Thiên Nguyên tông và Kinh Hồng môn im hơi lặng tiếng. Cổ Khôi Môn mất đi một vị thái thượng trưởng lão, Ý Linh môn mất đi một phó môn chủ, Thất Tâm môn mất đi một vị lão tổ. Bọn họ dĩ nhiên không muốn rêu rao chuyện chiến lực bị suy giảm thế nên càng im lặng.
Nhiều gia tộc và môn phái ngỏ ý muốn mua tin tức từ Nhất Vấn lâu thế nhưng lâu chủ chỉ lắc đầu từ chối, cũng chẳng màng làm bộ điều động nhân lực để điều tra.
Sự tình càng kỳ bí như thế thì lại càng có nhiều lời đồn thổi. Một đồn mười, mười đồn trăm. Tây Ngưu hóa châu chưa bao giờ có đông đúc tu sĩ đến viếng thăm như vậy.
Bởi linh khí thưa thớt và không ổn định của Tây Ngưu hóa châu mà nhiều phàm nhân có dịp nhìn thấy tiên thuyền ẩn hiện. Vài kẻ nhiều chuyện rêu rao từ thôn nhỏ đến thành thị.
…
Nhiều người liều mạng đến thì cũng có nhiều va chạm, nhưng cũng chỉ miệng lưỡi đôi câu, rất ít khi động thủ. Không phải là vì yêu hòa bình mà là không có lực lượng pháp tắc đặc thù bảo hộ, pháp thuật được thi triển ở Tây Châu luôn mang theo tỷ lệ phản phệ nhất định.
…
Màn đêm của Âm Ảnh tham lam hít lấy hít để ngọn gió Tây Bắc.
Đôi hạc trắng đem một đôi nam nữ bay ngược gió hạ xuống Âm Ảnh tông.
Nữ tử hồn nhiên năm nào bây giờ tóc đã điểm bạc, mặt hoa da phấn khó che giấu được nỗi ưu sầu trong mắt.
Đôi mắt đượm buồn chứa bóng lưng của trung niên trước mặt.
Bạch Mộ Ngôn bởi căn cơ không vững và tâm nhập ma chướng, độ kiếp Tiên Tâm cảnh lần thứ nhất thất bại, may mắn giữ được mạng nhưng tư cách làm đệ tử truyền thừa đã không còn.
Trong lúc họ Bạch điên điên dại dại ngây ngốc ở Thủy Vân Phong thì Lục Linh đã hết mực chăm sóc cho hắn, giúp hắn hồi phục.
Nàng cũng không hối tiếc, bởi nàng biết rõ thiên phú của mình. Thiên phú của nàng không cao, cố gắng mãi mới vượt qua Tụ Nguyên cảnh, bước vào Thần Thông cảnh đã là giới hạn cuối cùng.
Ban đầu, nàng giúp đỡ Bạch Mộ Ngôn có lẽ là vì Triệu Duệ. Nhưng bây giờ thì việc nàng lo lắng cho hắn đã trở thành một thói quen.
Vị phong chủ tu vi thượng thần của Thủy Vân Phong vừa bí ẩn qua đời nên không ai chú ý đến việc nàng tự tiện rời núi đi theo họ Bạch.
…
Nữ tử thân thiết kéo đạo bào của trung niên:
- Mộ Ngôn! Âm khí nơi này không thích hợp với đệ. Chúng ta mau trở về thôi.
Lục Linh cảm thấy không đắc được Tiên Tâm không phải là đường cùng. Trở thành một chấp sự nhỏ trong tông môn thì cũng không tồi, góp chút sức lực đổi lấy cơm ngon áo đẹp, cuộc sống sung túc. Cho dù là có người xem thường đi chăng nữa thì cũng chẳng ai dám nói ra khỏi miệng.
Họ Bạch đáp lời, chân vẫn không dừng lại:
- Sư tỷ, người hà tất phải cực khổ như vậy?
Nữ tử ngừng chân, tiếng nói đuổi theo:
- Câu đó phải là ta hỏi đệ mới đúng!
Bạch Mộ Ngôn quay lưng, sắc mặt phờ phạc nhưng đôi mắt vẫn sáng như gương.
- Cho dù chỉ còn một tia hi vọng thì đệ sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Kẻ từ bỏ ước mơ dù có thể sống tốt lại có ý nghĩa gì.
Nữ tử nài nỉ:
- Mộ Ngôn à! Chúng ta về đi!
Trung niên mặc kệ lời nói của nàng, bước chân hơi run rẩy chưa bao giờ chùn lại, thẳng tiến vào Âm Ảnh tông.
Mục tiêu của Bạch Mộ Ngôn là pháp môn tu luyện của Âm Ảnh tông. Hắn độ kiếp Tiên Tâm thất bại một lần, căn cơ sụp đổ. Giờ chỉ trông mong có thể tìm được một đường đi khác.
Mặc kệ là đường vòng của Âm Ảnh tông hoặc đường tắt của Huyết vực. Chỉ cần có thể bước đi tiếp trên đại Đạo thì cái giá nào hắn cũng có thể trả.
…
Những tu sĩ ở bên trong di tích của Âm Ảnh tông đang tụ năm tụ bảy cũng chỉ thoáng đánh giá thực lực của hai người vừa đến một lúc mà thôi, lại tiếp tục sự nghiệp đào bới của họ.
Vì là ở Tây Châu nên bọn họ không dám thi pháp, một phần vì sợ phản phệ, một phần vì muốn tiết kiệm linh lực cho việc chạy trốn và chiến đấu khi cần thiết.
Hầu hết đều dùng sức, huy động cuốc xẻng để đào bới. Có kẻ dùng sủng vật, có kẻ lại có hạ nhân phụ giúp. Điểm tương đồng duy nhất là đôi mắt của tất cả đều chú ý đến phần bản thân thì ít, chú ý đến phần của người khác thì nhiều
...
Trong trận chiến đó, Viêm Hỏa Xung Thiên của vị lão tổ Cổ Khôi Môn đã đoạn tuyệt tất cả sinh cơ của mảnh đất màu mỡ này. Bây giờ thì nó lại phải chịu đào bới của đám tu sĩ.
Duy chỉ có một thiếu nữ mặt che lụa trắng đang ngồi nhập định ở một góc.
Bộ áo váy vàng khiến thân hình bé nhỏ tựa đóa mai nở trong đêm đen.
Mọi người đào đất còn nàng thì đang bận rộn đào một khoảng không gian.
Vị thánh nữ này vậy lại có thể vượt ra khỏi Lãm Kính Thiên La của sư tôn để trốn đến đây, chỉ để lại một mảnh huyết kính của mình phản chiếu lại vào huyết kính của sư tôn, khiến trong mắt mọi người ở Huyết Vực, nàng đang chăm chỉ bế quan tu luyện.
Nhưng dẫu có thiên phú tốt đi nữa thì Diệp Mai cũng chỉ vừa đặt chân vào Tiên Tâm cảnh không lâu, chút công sức của nàng như muối bỏ biển.
...
Cứ như vậy, những kẻ liều mạng cứ đào ngày đào đêm.
Ở bên phía khu vực Hỏa Dung đường lúc trước có kẻ lượm được một lọ đan dược lập tức độn thổ bỏ chạy, thế nhưng vận khí không tốt, bị thần thông phản phệ. Nửa người bị chôn dưới đất nửa người trên bị cắt một đường bằng phẳng, nội tạng thòng lòng chấm đất.
Lọ đan dược rơi xuống, đổ ra mớ linh đan có dấu ấn ngọn lửa đỏ rực, đốt lên những đôi mắt tham lam.
Chém gϊếŧ bùng lên để máu hòa vào đất.
Phải bao nhiêu máu của những tu sĩ nhỏ bé này mới đủ để vực dậy sinh cơ của chốn bồng lai tiên cảnh lúc trước?