Chương 44: Mừng thọ (thượng)

Tác giả: Giải Ngữ

Edit: Ớt Hiểm

Dận Tường tiếp nhận hộp gấm từ tay tùy tùng, đứng dậy nói: “Nương nương cũng biết trong số các vị A ca, con là người nghèo nhất, nên không có gì tốt, chỉ tìm được một cặp chén ngọc Bách Tử Thọ dâng tặng nương nương, chúc nương nương thọ tỷ Nam sơn bất lão tùng, phúc như Đông hải trường lưu thủy*.”

(*Tuổi Thọ như cây tùng không bao giờ già trên núi Nam Sơn, phúc tựa biển Đông với dòng nước dài chảy mãi không có điểm dừng.)

Đức phi nhận hộp gấm mở ra, bên trong là hai cái chén bằng ngọc xanh biếc, trên thân chén khắc một trăm hài tử đang chúc thọ rất tỉ mỉ, chạm trổ tinh tế sinh động, trên một phạm vi nhỏ như vậy mà có thể nhìn rõ từng biểu hiện khác nhau trên mặt của cả trăm hài tử, có thể thấy rõ công phu tuyệt đỉnh của người khắc. Dù Đức phi ở trong cung đã nhiều năm, thấy rất nhiều kỳ trân dị bảo, nhưng vẫn kinh ngạc tấm tắc không ngừng.

“Nghe đồn Tôn Tử Tấn là đệ nhất thiên hạ về điêu khắc hình người, có thể khắc người rất nhỏ trên hạt gạo, những hài tử trên chén ngọc của Thập Tam đệ được vẽ phong phú sống động như thật, có phải là được tạo ra từ tay nghề của hắn hay không?” Na Lạp thị tò mò hỏi.

“Nhãn lực của Tứ tẩu thật tốt, mặc dù không chính xác nhưng cũng gần đúng rồi.” Nhắc tới chuyện này Dận Tường có chút tiếc nuối: “Mấy năm trước Tôn Tử Tấn đã phong dao quy ẩn, không điêu khắc nữa, đệ tới cầu khẩn hắn rất nhiều lần hắn cũng không đồng ý, cuối cùng chỉ chịu cho đồ đệ của hắn giúp đệ điêu khắc một trăm hài tử chúc thọ lên cặp chén ngọc này.”

Đức phi cực kỳ thích cặp chén ngọc đó, lại cười nói: “Trong cung cũng có vài món đồ là tác phẩm của Tôn Tử Tấn, bổn cung đã từng thấy qua, cặp chén ngọc này, luận về điêu khắc thì cũng có thể so được, chỉ thiếu một chút hồn, xem ra đồ đệ này của hắn cũng chân truyền được bảy tám phần rồi. Thập Tam có tâm, chén ngọc rất đẹp, bổn cung thích vô cùng.”

Nói xong, nàng giao chén ngọc cho cung nhân cất đi.

Dận Chân mở hộp gấm dài vẫn ở trên tay của Cẩu Nhi nãy giờ, lấy ra một cuộn tranh, từ mình dâng cho Đức phi: “Nhi thần giữ giới mười ngày, đích thân viết chữ ‘Thọ’ này, mong ước ngạch nương phúc thọ an khang, trường mệnh thiên tuế.” Khi nói câu này, trong mắt Dận Chân hiện lên một loại tình cảm ngưỡng mộ thương yêu.

“Trường mệnh thiên tuế? Nếu sống được trăm tuổi bổn cung cũng thật mãn nguyện.” Đức phi phi cười tò mò hỏi: “Chữ ‘Thọ’ ra sao mà viết tới tận mười ngày?”

Không chỉ có mình Đức phi tò mò, ngay cả mấy người Na Lạp thị kia cũng vậy, các nàng ai ai cũng chưa từng thấy qua lễ vật mừng thọ mà Dận Chân chuẩn bị, chỉ có Lăng Nhã hay đến thư phòng hầu hạ thì còn biết sơ sơ.

Nàng vừa nói vừa mở bức tranh chữ ra, thấy nổi lên trên lớp nền đỏ thắm là chữ ‘Thọ’ màu vàng rất lớn, chữ ‘Thọ’ này tập hợp Chính, Triện, Lệ, Hành* thành một thể, tứ pháp giao hòa, không tương không khắc, vừa độc đáo khéo léo lại vừa sảng khoái tự nhiên, lại trang nghiêm trọng đãi, cổ kính mượt mà. Tuy Dận Chân là cao thủ viết thư pháp, nhưng để viết được chữ ‘Thọ’ như thế này tuyệt không phải là chuyện dễ dàng.

(*Các kiểu viết chữ trong thư pháp.)

Nhưng đây chưa phải là điều khó nhất, mà điều khó nhất chính là khảm trong chữ ‘Thọ’ lớn này là một trăm chữ ‘Thọ’ nhỏ khác, châu ngọc song song, tia sáng kỳ ảo phát ra, có chữ Tiểu triện, chữ Giáp cốt, chữ Kim văn, mỗi chữ một thể, không chữ nào giống với chữ nào. Thậm chí trong đó còn có Hỏa văn, nét chữ như ngọn lửa, khúc chiết quanh co; còn có Thụ văn, nét chữ như rừng rậm; lại có Phượng thư, nét bút như phượng hoàng sải cánh. Đầy đủ mọi thể mọi hình, cực kỳ sinh động.

Đây không chỉ là một bức tranh chữ ‘Thọ’, mà chính xác là bức ‘Bách thọ đồ’, tuy trên đó không khảm vàng bạc châu báu, nhưng luận về tâm tư và hiếu ý thì quý hơn thiên kim gấp trăm lần.

Vì vậy mà Đức phi vô cùng cảm động, bức ‘Bách thọ đồ’ này khiến nàng nhớ tới chuyện cũ, anh mắt nhìn Dận Chân bỗng dịu dàng hơn rất nhiều: “Năm đó, vào sinh thần của Vinh Quý phi, Tam A ca Dận Chỉ từng dùng hai tay cùng viết một chữ ‘Thọ’ tặng cho Vinh Quý phi, bổn cung nhớ khi đó con cũng có mặt ở, đúng không?”

“Dạ phải, lúc đó tuy ngạch nương không nói, nhưng nhi thần có thể thấy được ngạch nương rất thích chữ ‘Thọ’ kia, chỉ tiếc là luận về thư pháp, nhi thần không thể nào bì kịp Tam ca, không viết được một chữ ‘Thọ’ như vậy, nên đành phải tìm cách khác, dùng chút lòng thành hi vọng ngạch nương không chê.”

Đức phi vẫy tay ý bảo Dận Chân tới gần mình, nàng nhìn thật kỹ nhi tử đầu lòng do chính mình sinh ra, nàng còn nhớ khi sinh Dận Chân, nàng đã vui mừng đến mức nào, đây là nhi tử đầu tiên của nàng mà, tiếc rằng lúc đó nàng chỉ là một Quý nhân, theo quy định thì không được phép nuôi dưỡng hài tử, đã vậy lúc đó Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu còn là Quý phi vừa mới mất đi hài tử, Khang Hi vì muốn vỗ về nàng ta nên đưa Dận Chân tới cho nàng ta nuôi dưỡng, đến tận khi Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu qua đời, nàng được tấn phong làm Đức phi thì mới đưa Dận Chân trở về bên cạnh mình, lúc đó, Dận Chân đã chính tuổi. Mà thời gian đó nàng lại bận chăm sóc Dận Trinh vừa mới chào đời, nên hơi lơ là với Dận Chân, vì vậy nên Dận Chân và Dận Trinh không có được thân tình ruột thịt, còn nàng và Dận Chân, trừ những câu thỉnh an bình thường ra thì cũng không nói chuyện quá nhiều. Vốn nghĩ rằng trong lòng Dận Chân, Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu mới là ngạch nương ruột của hắn, chưa từng nghĩ hắn cũng rất quan tâm tới mình.

“Không ngờ lâu vậy rồi mà con vẫn nhớ như in, còn bổn cung thì đã quên mất rồi.” Nàng đứng lên, ngón tay mang hộ giáp khảm hoa châu báu đồi mồi vuốt ve khuôn mặt của Dận Chân, nàng ngạc nhiên khi thấy thân mình của Dận Chân run nhẹ, đáy mắt hiện lên thứ tình cảm quyến luyến ruột rà…

Phải, suýt nữa thì nàng quên mất, đây chính là nhi tử mà nàng rứt ruột sinh ra, cũng giống như Dận Trinh, là giọt máu từ trong cơ thể của nàng.

Nhìn kỹ, Dận Chân và Dận Trinh rất giống nhau, mày mắt sáng sủa, chỉ khác mí mắt Dận Chân thon dài hơn, môi hơi mỏng hơn, nhưng chính điều này lại khiến khí chất của hắn trở nên lạnh lùng nghiêm nghị.

“Nhanh thật, chỉ chớp mắt thôi mà nhi tử của bổn cung đã lớn như vầy, còn cao hơn bổn cung tới nửa cái đầu.” Đức phi nuốt nghẹn ngào vào cổ họng, gật đầu nói: “Con rất có lòng, bức ‘Bách thọ đồ’ này là lễ vậy quý giá nhất mà bổn cung nhận được trong sinh thần của mình.”

Niên thị dịu dàng nói: “Bối lặc gia lúc nào cũng yêu thương ngạch nương, bình thường có gì tốt đều nghĩ tới ngạch nương trước tiên, cũng không quên cho người đưa vào cung hiếu kính với người.” Nàng là trắc phúc tấn, vì vậy nên có thể gọi Đức phi một tiếng ‘Ngạch nương’.

Đức phi gật đầu, giao bức ‘Bách thọ đồ’ cho cung nhân đứng bên cạnh, nói: “Treo bức tranh chữ này ở nội đường cho bổn cung.” Đợi cung nhân đi rồi, nàng quay qua nói với Dận Chân: “Về sau mỗi khi rãnh rỗi, con hãy vào cung trò chuyện với ngạch nương nhiều một chút, lão Thập Tam cũng vậy, bổn cung cũng xem con là một nửa nhi tử của mình.”

“Nhi thần tuân mệnh.” Dận Chân đè nén xúc động trong lòng, khom người đáp, cuối cùng cũng nghe được những lời này, vậy là tâm huyết của mình cũng không uổng phí.

Đợi Dận Chân ngồi xuống, Na Lạp thị mới ho nhẹ một tiếng, đứng dậy nói: “Nhi thần hổ thẹn, không có tâm tư như Bối lặc gia và Thập Tam A ca, nhi thần biết ngạch nương tin Phật nên đã tự tay chép lại Quan Âm kinh, Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Hoa Nghiêm kinh, Kim Cương kinh, Dược Sư kinh, mỗi cuốn một bộ dâng tặng ngạch nương, nguyện ngạch nương nhật nguyệt hưng thịnh, hậu phúc vô cương.”

“Tốt, rất tốt.” Đức phi nhìn mấy cuốn kinh Phật, chữ nào chữ nấy nắn nót cẩn trọng, nàng liên tục gật đầu: “Tuổi của con mà có thể tĩnh tâm chép lại từng câu từng chữ của cả bộ kinh Phật này quả không phải là một chuyện dễ dàng, phần lễ vật này bổn cung cũng rất thích.” Nàng ngẩng đầu lên, mỉm cười nói tiếp: “Sao rồi, sức khỏe con đã tốt hơn chưa?”

Na Lạp thị vội trả lời: “Đa tạ ngạch nương quan tâm, nhi thần đã đỡ nhiều rồi, ngoài việc lâu lâu ho vài tiếng ra thì cũng không có gì đáng ngại, chỉ e là bệnh này trị không dứt được.”

“Haizz, khổ thân con.” Đức phi biết rõ chân tướng chuyện này, năm đó sinh hạ Hoằng Huy khiến Na Lạp thị chịu thương tổn, bây giờ Hoằng Huy lại mất đi, đó là một đả kích không nhỏ đối với nàng ta, hôm nay còn có thể đứng đây đã là tốt lắm rồi, bệnh còn lại trong người cũng có một nửa là tâm bệnh, trừ phi Hoằng Huy sống lại, nếu không thì dù chữa trị cách nào cũng khó mà khỏi hẳn.

Lư hương Bác Sơn đang đốt Bách hợp hương, làn khói mờ ảo mang theo hương thơm phảng phất, hòa vào không khí trong chính điện, mùi thơm nhẹ nhàng tĩnh lặng, hệt như con người của Đức phi.

Hộ giáp khảm hoa châu báu đồi mồi gõ nhẹ lên viền chén sứ tráng men màu xanh, phát ra tiếng vang rất nhỏ, Đức phi nhướn mắt lên, dịu dàng nói: “Đại phu bên ngoài cũng không giỏi lắm, để bổn cung gọi thái y tới bắt mạch cho con. Gần đây trong cung có một vị thái y mới, tuy tuổi không lớn nhưng y thuật rất giỏi, chứng bệnh đau đầu của bổn cung nhờ hắn châm cứu mà đỡ rất nhiều; để ngày mai bổn cung báo với Hoàng thượng rồi lệnh cho hắn tới phủ của con.”

“Đa tạ ngạch nương.” Na Lạp thị tạ ơn xong thì vịn ghế ngồi xuống, đứng lâu như vậy nên nhịp thở của nàng có hơi gấp, Phỉ Thúy đứng phía sau nhẹ nhàng vỗ lưng cho nàng.

Đức phi nhìn thấy cảnh đó thì thầm chép miệng tiếc thương, ánh mắt chuyển đến Niên thị xinh tươi mềm mại, vị trắc phúc tấn mới nạp này của Dận Chân cũng không quá xa lạ với nàng, nàng cười nhẹ hỏi: “Tố Ngôn, con thì sao, con có gì hay muốn tặng cho bổn cung?”

Niên thị cười rất tươi, nũng nịu nói: “Bối lặc gia và mọi người dâng lễ vật món nào cũng độc đáo mới lạ, nên lễ vật của nhi thần thành ra dung tục quá, ngạch nương nhìn thấy nhất định nói nhi thần là một kẻ tầm thường, nhi thần không dám lấy ra đâu.”