Tôi ngẩng đầu, ở góc tường có một bóng người quen thuộc đang đứng, đầu tóc rối bù, áo quần te tua nhưng ánh mắt sắc sảo, lạnh lùng thì không thể giấu được. Góc vườn rất tối, không nhìn rõ vẻ mặt nhưng có thể nghe rõ tiếng thở nặng nhọc của anh ta.
Trong ánh trăng và hương hoa, tôi rất nhạy bén ngửi được một luồng khí mang mùi tanh của máu.
“Nhị ca?!”
Dáng người cao lớn đó run rẩy ngã xuống, tôi thảng thốt chạy lại đỡ, anh ta ngã vật xuống vai tôi. Một thứ mùi hỗn hợp giữa máu tanh nồng nặc và hương thơm ngọt kỳ quặc xộc vào mũi tôi.
“Vân Hương! Vân Hương!” Tôi gọi to.
Vân Hương áo quần xộc xệch chạy ra, sợ hãi nói: “Đây…đây là… nhị thiếu gia?”
“Nhanh giúp ta một tay, đỡ nhị ca vào nhà!” Tôi ra lệnh. “Sau đó đi đun nước sôi, lấy hết cả bộ kéo và dao nhỏ ra đây cho ta. Nhớ không được để kinh động đến người khác!”
Chúng tôi đặt Tạ Chiêu Anh lên giường. Dưới ánh nến, gương mặt tuấn tú của anh ta không còn chút sắc hồng, môi thâm tím, người nóng hầm hập, hơi thở yếu ớt.
Một cảm giác thân tình mãnh liệt trào lên trong tôi, tôi nắm tay anh ta thật chặt.
“Nhị ca, có muội ở đây, ca sẽ ổn thôi.”
Trên người Tạ Chiêu Anh chỉ có một vết thương, ở mé lườn trái, dài ba thốn, do đao kiếm gây ra, miệng vết thương chém ngọt gọn gàng. Anh ta vẫn còn may, nếu như nhát kiếm sâu hơn hai milimet nữa thì sẽ cắt vào động mạch chủ, lúc đó thì đến lượt anh ta xuyên không rồi.
Toàn thân anh ta là máu, nhìn thấy mà hết hồn. Tôi cuống quýt cầm máu cho anh ta nhưng mãi không cầm được, chảy ra dưới tay tôi đang khâu. Lòng dạ tôi co thắt cuộn trào, một nỗi sợ hãi khủng khϊếp chiếm lĩnh và cuốn đi hết thảy thần trí của tôi.
Lúc đầu Tạ Chiêu Anh vẫn còn chút ý thức, bỗng nhiên giơ tay chạm vào mặt tôi, nói: “Không sao đâu. Đừng khóc, đừng khóc.”
Tối mắng: “Nằm yên ngay ngắn nào! Ai khóc mà khóc!”
Nói rồi tôi quay mặt đi lau nước mắt. Đến khi tôi xử lý xong vết thương, Tạ Chiêu Anh đã hôn mê.
Anh ta hỏi tôi định tặng ánh trăng cho ai, còn tôi lúc này chỉ hy vọng có người tặng tôi một ít thuốc kháng sinh mà thôi.
Điều kỳ lạ là những vệt máu khô xung quanh vết thương của anh ta phát ra ánh sáng màu da cam, giống như nhiễm bột phốt pho. Tôi vứt mảnh khăn lau máu của anh ta vào lửa, ngọn lửa lụi đi trong chốc lát rồi có tiếng kêu lách tách, như thể châm ngòi pháo hoa.
Tôi có nhớ hiện tượng này. Tôi lập tức tìm bút lục của Thu Dương, lật giở chương Độc kinh: “Dị nhân người Nam Lĩnh có độc, tên gọi là “Yên hoa tam nguyệt”, lấy đan cức, linh lan, điên gia, câu vẫn… trộn lẫn với sương đêm, máu cháy rận… dược độc phát chậm, thường là nửa năm đến ba năm tùy trường hợp, thời gian đầu độc phát, sắc mặt rạng rỡ, thổ huyết liên tục, hay quên…Độc phát ba tháng, tắt dần như ngọn đèn hết dầu. Độc này có thể kéo dài thời gian phát, phương pháp là…phương pháp giải tận gốc, xem Thiên văn tâm ký…
Tôi tức mình văng tục, giới thiệu về độc thì rõ lắm mà không viết cách giải độc! Một nội dung mà chia làm hai phần, giống hệt như phát quảng cáo giữa bản tin thời sự.
May mà loại độc này không phải loại trúng độc chết ngay, mạng Tạ Chiêu Anh tạm thời vẫn không đứt được. Nhưng mạch của anh ta đập nhanh quá mức, lão già Trương nói đây là hiện tượng trúng độc giai đoạn đầu, châm cứu có thể giảm bớt. Tuy kĩ năng châm cứu của tôi rất tệ hại nhưng cứ với tình trạng này, tôi lo anh ta sẽ bị xuất huyết nội, xuất huyết não gì đó, lúc đó thì trời cứu, cho nên tôi chỉ còn cách liều mình ra trận.
Trên người Tạ Chiêu Anh có rất nhiều những vết sẹo cũ, cái thì do vũ khí sắc gây ra, cái thì như thể do bị trúng tên… Mà trông những vết sẹo này có vẻ có từ lâu lắm rồi, rất nhiều vết chỉ còn lại chút vệt trắng. Duy có vết sẹo trên vai kéo dài chéo qua xương quai xanh, tuy đã lành từ lâu nhưng da thịt đến giờ vẫn nhăn nhúm, nhìn trông rất đáng sợ.
Tôi bị chấn động mạnh nhưng không có thời gian nghĩ nhiều, gấp rút chiếu theo y thư đã viết, bắt tay vào châm cứu cho anh ta. Những huyệt vị này vô cùng hiểm hóc, có rất nhiều huyệt tôi chưa bao giờ nghe tên. Tay tôi ướt đẫm mồ hôi, cầm kim mà cứ run lên bần bật, chỉ sợ châm sai thì sẽ đưa thẳng anh ta đến Tây Thiên.
Vân Hương lo lắng hỏi tôi: “Tiểu thư, không sao chứ?”
Tôi hít thở thật sâu. Bình tĩnh! Bình tĩnh! Không phải chưa bao giờ thực tập lâm sàng.
Châm hết kim, mồ hôi trên người tôi vã ra như tắm. Bắt mạch lại xem, có vẻ đã ổn định hơn nhiều. Tôi thở phào, nghĩ bụng: Con à, Thượng đế đã che chở con!
Tôi vẫn chưa thể nào đi ngủ, mà trực ở bên giường anh ta. Kinh nghiệm lâm sàng của tôi vốn ít, lại chưa bao giờ gặp loại độc này, sợ có thể có biến, sợ cả việc vết thương nếu bị nhiễm trùng sẽ gây sốt cao.
Tạ Chiêu Anh hình như nói mê, tôi ghé sát lại, nghe anh ta lẩm bẩm: “…Hoa…”
Tôi xùy xùy: “Nếu không muốn để Phỉ Hoa tỷ tỷ lo lắng thì từ giờ trở đi, ca phải ngoan ngoãn, tử tế vào.”
Tạ Chiêu Anh lại ậm ừ gì đó, tôi lại nghe: “…vịt bát bảo…” Tôi toát mồ hôi lạnh.
Quả nhiên đến nửa đêm, Tạ Chiêu Anh bắt đầu lên cơn sốt. Tôi lấy khăn ướt lau trán cho anh ta nhưng dường như không có tác dụng gì, Anh ta sốt cao, mặt đỏ lựng, không ngừng nói mê, vết thương đã khâu kín bắt đầu rỉ máu, tứ chi khẽ co giật. Hệ thống miễn dịch và độc tố trong cơ thể đang tiến hành cuộc chiến tranh phản kích giữa xâm lược và bảo vệ.
Tôi túm lấy Vân Hương hỏi dồn: “Trong nhà có rượu trắng không? Mau lấy ra đây!”
Tôi vừa nói dứt lời thì có tiếng gõ cửa.
Tôi hoảng hốt hỏi: “Ai vậy?”
“Tôi đây.” Giọng Tống Tử Kính cất lên.
Tôi chưa kịp nghĩ tại sao anh ta lại đến thì đã chạy ra mở cửa. Ánh trăng bên ngoài chiếu rõ những vệt máu trên áo tôi, Tống Tử Kính tỏ ra sợ hãi.
Giọng tôi nghẹn nghẹn: “Tiên sinh, nhị ca của tôi…”
Tống Tử Kính vội vàng đi đến bên giường, bắt mạch, dáng vẻ lo âu, ẩn chứa vẻ hoảng hốt.
Tôi nói: “Tôi đi tìm rượu trắng.”
Tống Tử Kính giữ tôi lại. “Tôi đi, tiểu thư trông huynh ấy”. Tôi rối trí gật đầu.
Tống Tử Kính nhìn vào mắt tôi, đặt tay lên vai tôi, nói từng chữ một: “Đừng sợ, không sao đâu, phải bình tĩnh.”
Tôi đờ đẫn gật đầu. Y bỏ tôi ra, thoắt cái đã biến mất trong màn đêm.
Mấy phút sau, Tống Tử Kính xách hai vại lớn về, mỗi vại ít nhất phải nặng mười lăm, hai mươi cân mà y xách như thể cầm hai con cá vậy, chân bước nhẹ nhàng, dáng vẻ uyển chuyển, động tác nhanh nhạy, nháy mắt đã bước vào phòng.
Tôi giật mình, vội vàng rót rượu ra rồi pha loãng, Vân Hương vẫn chỉ là một tiểu nha đầu, bị tôi chỉ đạo đừng bên cạnh trợ giúp. Tôi và Tống Tử Kính luôn tay lau người cho Tạ Chiêu Anh.
Tống Tử Kính vừa lau vừa hỏi tôi: “Biết ai làm việc này không?”
“Không biết.” Tôi đáp, “Nhị ca về đến nhà đã thế này rồi, chẳng nói năng gì đã gục, còn bị trúng độc nữa.”
“Cái gì?” Tống Tử Kính thất sắc vì hoảng sợ.
Tôi chỉ vào vết thương của Tạ Chiêu Anh. “Là Yên hoa tam nguyệt. Trong Thu Dương bút lục không ghi cách giải độc. Tôi chỉ biết châm cứu để tạm thời kìm hãm.”
Tống Tử Kính đăm chiêu mặt mày. “Được lắm, Yên hoa tam nguyệt cơ đấy!”
Tôi định hỏi xem có phải là nhà họ Tần làm không, nhưng lại thấy lúc này không nên bàn luận về chuyện đó, bèn tập trung lau người cho Tạ Chiêu Anh, rồi đắp chăn thật kĩ cho anh ta.
Vật vã chiến đấu lẫn lo lắng hồi lâu, cuối cùng nhiệt độ cơ thể của Tạ Chiêu Anh cũng bắt đầu hạ. Tôi nhẹ cả người, trong lòng nghĩ không phải châm thêm kim biến anh ta thành con nhím nữa. Phương pháp hạ nhiệt vật lý mà tôi có là, sốt đến bốn mươi độ thì tiếp nước muối vào người anh ta từ đường trực tràng. Bạn Tạ nhị rõ may, mà tôi cũng khỏi phải quan sát toàn diện “ngọc thể” của anh ta.
Sau đó tôi ngủ thϊếp đi từ lúc nào không biết nữa, khi tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn rồi. Tôi mặc áo dính đầy máu ngủ trên giường, Vân Hương ngồi bên cạnh ngủ gật.
Tôi gọi cô ấy dậy, hỏi: “Người đâu?”
Vân Hương dụi mắt, nói: “Lúc trời còn nhá nhem, Tống tiên sinh đã đưa nhị thiếu gia đi rồi, nói là ở chỗ tiểu thư không tiện, nên về thư viện. Còn nhắn khi nào tiểu thư thức dậy thì có thể sang thăm.”
Tôi đi tắm rửa, dặn dò Vân Hương mang toàn bộ quần áo dính máu đem đốt sạch đi, sau đó đi thăm Tạ Chiêu Anh.
Tống Tử Kính ở một tiểu viện phía sau thư viện, rất đơn sơ, cực kỳ phù hợp với hình tượng thanh bần phong nhã của một văn nhân như y. Tuy nhiên lúc này tôi lại hoài nghi về việc y có thực sự là một văn nhân thông thường không.
Tống Tử Kính có một tiểu đệ để chăm lo việc dọn phòng tên là Tống Tam. Nhìn thấy tôi, cậu làm động tác ra hiệu: “Tiên sinh ra ngoài rồi, nói tứ tiểu thư đến thì cứ vào thẳng trong phòng.”
Tôi hỏi: “Nhị thiếu gia thế nào rồi?”
“Đã tỉnh lại, ăn một chút lại ngủ rồi. Tiên sinh dặn tứ tiểu thư đừng lo lắng, người trong Tạ phủ đều không biết gì hết.”
Tôi đi vào phòng. Ánh nắng ngày xuân đang chiếu chênh chếch vào. Tạ Chiêu Anh mệt mỏi, tiều tụy ngồi tựa đầu giường, gương mặt tuấn tú xanh xao khiến người ta đau lòng, nhưng đôi mắt anh ta vẫn sáng như thường lệ, khóe môi vẫn cười, cất giọng nhẹ nhàng chào tôi: “Muội đến đấy à!”
Tôi thẫn thờ nhìn anh ta, trước mắt hiện ra cảnh tượng đêm qua. Một cảm giác xao động bỗng cuộn trào khiến lòng tôi mênh mang. Tôi hít sâu một hơi, nói: “Ha ha ha…ca mặc quần sịp đỏ…”
Mặt Tạ Chiêu Anh đen sì.
Tôi vẫn cười to, rồi kết hợp với tình huống thực tế đêm qua: “Quần sịp đỏ a quần sịp đỏ! Phong cách rất chi là máu me!”
Tạ Chiêu Anh bực bội. “Muội có dừng lại ngay không?”
Tôi hát: “Nếu có là như vậy, xin đừng đau buồn…” Sau đó trúng một cái gối bay tới.
Tống Tam mang trà và đồ điểm tâm lại, lúc này hai chúng tôi mới ngồi xuống chuyện trò tử tế.
Tôi hỏi: “Ca biết chuyện Yên hoa tam nguyệt rồi chứ?”
Tạ Chiêu Anh gật đầu, cười cay đắng. “Là do ca quá sơ ý.’
Tôi nói: “Dù sao cũng không chết ngay lập tức được, còn thời gian để nghĩ cách. Nhưng mà ca có biết Thiên văn tâm ký ở đâu không?”
Tạ Chiêu Anh lắc đầu. “Chắc là trong tay đệ tử của ông ta. Ông ta có hai đệ tử, đều hành tung bất định.”
Tôi trề môi, Thiên văn tâm ký ư? Hy vọng Trương lão gia trước khi trình diện Diêm Vương vẫn có đủ thời gian để miêu tả chi tiết cách giải độc Yên hoa tam nguyệt.
Tôi nói: “Người nào mà hiểm ác vậy, giáng loại độc này, khiến ca nếu chết sẽ trông như vì hoang đàn quá sức, hết tinh mà chết.”
Mặt mũi Tạ Chiêu Anh nhăn nhó. “Cảm ơn muội đã miêu tả chi tiết.”
Tôi phủi vụn bánh trong tay. “Tóm lại, mấy ngày nay ca chỉ nằm trên giường nghỉ ngơi, muội đã kê đơn thuốc bổ máu, xong sẽ gọi Tiểu Tam sắc lên cho ca uống. Nói mới nhớ, ca không xuất hiện trong nhà mấy ngày liền, sao cha mẹ không quản?”
Tạ Chiêu Anh nói: “Việc của cha mẹ, muội không phải không biết. Cha đang bận biên sách, mẹ đang bận gả muội đi.”
Nghe anh ta nói vậy tôi mới sực nhớ ra, liền nói: “Muội không muốn vào cung, nhị ca, ca phải giúp muội!”
Tạ Chiêu Anh chìa tay véo má tôi. “Ca biết. Ca cũng không muốn muội gả vào cái nơi ăn thịt người đó. Muội là tiểu muội muội của ca cơ mà.”
Tôi xúc động nắm lấy tay anh ta lắc lắc. Tạ Chiêu Anh nói như thề thốt: “Ca sẽ không để muội phải sống cuộc sống mà muội không mong muốn.”
Tôi thấy ấm áp trong lòng, đang định mở miệng nói thì bỗng nhiên nghe thấy giọng Tạ Chiêu Kha vang lên bên ngoài: “Tam Nhi, tiên sinh của ngươi đâu?”
Tống Tam đáp: “Tiên sinh ra ngoài rồi. Tam tiểu thư có việc gì cứ chỉ bảo, đợi khi nào tiên sinh quay về, tiểu đệ sẽ chuyển lời.”
Tạ Chiêu Kha có vẻ không vui. “Sao lại ra ngoài rồi?”
Nha hoàn Bảo Bình của nàng nhanh nhảu tiếp lời: “Thật vậy, đến mười bận thì tám bận là không có nhà. Tôi thấy người khác tìm Tống tiên sinh, chẳng có ai là không gặp được. Hay là muốn trốn tiểu thư của chúng tôi đấy?”
Tôi và Tạ Chiêu Anh ở trong phòng không dám thở mạnh. Lại nghe tiếng Tạ Chiêu Kha trách móc: “Nếu như tiên sinh thấy chán ghét tôi thì chỉ cần nói một tiếng, tôi sẽ không đến nữa.” Xin người, Tống Tử Kính có chết mới thấy hết phiền. Thế rồi Tạ Chiêu Kha lại nói tiếp: “Hôm nay tôi ở đây đợi tiên sinh, đợi đến khi nào tiên sinh quay lại mới thôi.” Xem ra nàng quyết tâm sẽ làm thế thật.
Tạ Chiêu Anh ghé lại nói thầm: “Làm thế nào bây giờ?”
Tôi nói: “Ở đây có cửa sau không?”
“Có tường vây quanh, bên kia tường là nhà Vương tri phủ của kinh đô. Vương đại nhân không có thú vui gì, chỉ có mỗi thú nuôi chó, chó săn ấy.”
Tôi rụt đầu rụt cổ. “Thế thì chúng ta cứ náu ở đây thôi.”
Tạ Chiêu Anh lại bảo: “Nhưng ca muốn giải quyết.”
Tôi cáu: “Nhịn đi!”
“Tiếng gì vậy?” Tai của Bảo Bình còn thính hơn cả chó nhà Vương tri phủ.
Tôi và Tạ Chiêu Anh nhìn nhau trân trối, tôi dùng khẩu hình: “Ca mau trốn đi!”
“Trốn vào đâu?” Anh ta ra hiệu.
Chỗ ở của Tống Tử Kính có thể miêu tả là chỉ có bốn bức tường trống.
Bên ngoài lại có tiếng Tạ Chiêu Kha hỏi: “Trong phòng có ai không?”
Tống Tam vội vàng đáp: “Không có ai. Tống tiên sinh ra ngoài thật mà.”
“Không đúng, rõ ràng ta nghe thấy có tiếng người vọng ra.”
“Sao thế được? Tam tiểu thư nghe nhầm rồi…”
Tôi lo lắng đến mụ mị đầu óc, rồi chỉ xuống gầm giường ra hiệu: “Mau chui vào!”
“Gầm giường?” Tạ Chiêu Anh không thể tin nổi.
Tôi nghe thấy tiếng bước chân Tạ Chiêu Kha hình như đang đến gần, không thể đợi thêm được nữa, đẩy vội Tạ Chiêu Anh vào gầm giường. Cửa kêu “cách” một tiếng đúng lúc tôi kịp đá anh ta chui tọt vào trong. “Tiểu Hoa?” Tạ Chiêu Kha tròn mắt ngạc nhiên.
Tôi nở nụ cười thật thân thiện với Tạ Chiêu Kha. “Tam tỷ, tình cờ quá.”
Tạ Chiêu Kha lại không thân thiện chút nào, hoài nghi hỏi: “Tại sao muội lại ở đây?”
“Muội …” Mắt tôi liếc đúng vào đĩa điểm tâm dặt trên bàn, lên cơn thông minh đột xuất. “Muội đến đưa điểm tâm cho Tống tiên sinh.”
Ba giây sau, tôi đã hối hận vì câu trả lời này, bởi vì tôi nhìn thấy trong mắt tỷ tỷ vô cùng yêu thương của tôi phát ra ánh nhìn lạnh lùng thấu xương mà chỉ có ở đàn bà khi nhìn thấy tình địch.
“Muội đến đưa điểm tâm cho Tống tiên sinh?”
Chắc tôi bị ánh mắt đó làm cho cuống lên vì sợ, không còn biết trời đất, sống chết gì nữa mà thêm một câu: “Chẳng phải tỷ cũng thường xuyên đưa điểm tâm cho tiên sinh đấy thôi?”
Bảo Bình và Tống Tam nhìn tôi, lại nhìn Tạ Chiêu Kha, rồi khôn ngoan lui ra ngoài phòng.
Tạ Chiêu Kha cố nặn ra nụ cười. “Hóa ra là như vậy.”
Cuối cùng tôi cũng nhớ ra câu nói mà mọi người thường hay dùng: “Không phải như tỷ nghĩ đâu.”
Tạ Chiêu Kha vẫn nhìn tôi đăm đăm, nở nụ cười khuynh quốc khuynh thành. “Tỷ biết, muội muội chỉ đến cảm tạ Tống tiên sinh dã dạy dỗ bao ngày.”
Tôi thuận nước đẩy thuyền, vội vàng gật đầu. “Đúng vậy, chuyện chỉ có vậy thôi. “Tạ Chiêu Kha cười không nói gì, trông rất nguy hiểm, tôi bỗng thông minh ra, làm bộ như sực tỉnh. “Thế thôi, muội phải đi đây. Không làm phiền tỷ nữa.” Tạ Chiêu Kha hài lòng cười. Tôi chạy biến ra ngoài, rút khăn tay lau mồ hôi. Nguy hiểm quá, nguy hiểm quá!
Tôi chưa bao giờ coi Tạ Chiêu Kha là bình hoa. Thực ra con gái quý tộc được giáo dục theo truyền thống như nàng đều có những thủ đoạn chính trị vừa mạnh mẽ lại vừa uyển chuyển. Những gì nàng học trước đây đều là để thích ứng với cuộc sống cung đình, mà làm vợ hoàng đế chính là một nghề có chỉ số nguy hiểm cực kỳ cao. Người sắp tới sẽ làm Tề sử như tôi, cũng không được lấy Nữ kinh để đập ruồi. Đấu tranh giữa đàn bà với đàn bà chính là môn học mà nàng phải nghiên cứu cả đời, với sự cần cù và trí tuệ của nàng, nàng hẳn là một học giả và thực tiễn giả ưu tú.
Hơn nữa trong gia đình này, chúng tôi tuy là tỷ muội nhưng địa vị của nàng kỳ thực cao hơn tôi rất nhiều, đây cũng là lý do tôi hữu hảo nhưng không thân thiết với nàng. Một vị tỷ tỷ được trời ban cho nhiều ưu ái như thế, nếu có xung đột với tôi thì ai sẽ là người phải chịu thiệt thòi đây?
Tôi tiếp tục lau mồ hôi, đồng thời cầu chúc cho đồng chí Tạ Chiêu Anh sớm được giải thoát khỏi gầm giường.
Quan Âm Bồ Tát, Chúa ơi, Trời ơi, hãy cho tôi về nhà đi!