"Ca tẫn đào hoa, hát đến khi hoa đào tàn lụi..."
Khi nghe thấy câu thơ này, ta thực sự chỉ muốn nói: "Ta không quen nàng! Ta không quen nàng!". Bởi chẳng ai ngắt câu: "Ca tẫn, đào hoa phiến" thành "Ca tẫn đào hoa" như nàng cả!
Nhưng với nàng, mọi thứ vô lý đều có thể trở thành hợp lý, mọi lý lẽ trời ơi đất hỡi đều có thể trở thành bình thường đến mức không thể bình thường hơn, mọi quy củ truyền thống tồn tại hàng nghìn năm nàng có thể phá vỡ chỉ trong một câu nói... Nàng quả là một con người kỳ lạ!
Nhưng tại sao, ta lại cảm thấy con người kỳ lạ này đáng yêu, hồn nhiên đến như thế, lương thiện, giỏi giang đến như thế? Nàng không phải tuyệt thế giai nhân, không có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chim sa cá lặn, nhưng nàng là nữ nhân cuốn hút nhất, khiến ta không thể dời mắt, bởi, nàng khác tất cả những nữ nhân mà ta từng gặp!
"Ta không quan tâm nàng từ đâu tới, ta chỉ cần biết nàng có đi nữa không?"
Lời mở đầu này hơi dài một chút.
Tình đầu, đôi khi kết thúc bằng phương thức xuyên không.
Chuyện là thế này...
Mùa hè năm đó, tôi nghe tin từ mẹ tôi rằng Trương Tử Việt sắp lấy vợ.
Mẹ vừa xào khoai tây vừa nói: “Mân Mân này, cậu Trương Tử Việt ở tầng dưới sắp cưới rồi đấy, con biết chưa?”
Lúc đó tôi đang dùng hết sức bình sinh để ngoạm một miếng thịt bò nạm, nghe mẹ nói câu đó, vì bất ngờ quá nên cắn phải đầu lưỡi rõ mạnh, nước mắt trào ra, đau tưởng chết đi được!
Mẹ tôi vẫn thao thao bất tuyệt: “Nhà mình với nhà họ Trương là hàng xóm bao nhiêu năm nay. Khi mẹ với bố con vừa đến đây nhận công tác, Trương Tử Việt mới lên năm. Thằng bé thông minh, ngoan ngoãn từ nhỏ, lớn lên đi làm cũng tốt. Con đã nhìn thấy bạn gái nó chưa? Nghe nói là người mẫu phải không?”
Tôi lau nước mắt, lúng búng trả lời: “Không phải người mẫu, mà là làm việc cho một công ty quảng cáo.”
“Nói gì thì nói, giờ dì Vương có thể yên tâm được rồi.” Mẹ vui mừng ra mặt. “Con bảo chúng ta nên tặng quà gì? Chỉ đi mỗi phong bì thì không có ý nghĩa lắm.”
Tôi cười khẩy vẻ không mấy tử tế. “Quà cưới thì quá đơn giản. Tổ tiên dòng họ Tạ nhà ta để lại mấy quyển sách tranh Xuân Cung Đồ dạy kỹ thuật phòng the đấy thôi, chọn lấy một quyển đem đi tặng là phù hợp nhất.”
Mẹ tôi vung cao cái xẻng xào lên định đập tôi. “Mới ít tuổi ranh mà không chịu học cái tốt cái đẹp gì cả! Con gái con đứa mà nói năng thế à?”
Tôi nhếch mép cười, đầu lưỡi vẫn còn đau. “Sắp lấy chồng được rồi, còn xấu hổ nỗi gì? Nối dõi tông đường duy trì nòi giống là lẽ tự nhiên ở đời. Chẳng phải chúng ta là người nhà họ Tạ gia thế lẫy lừng trong nghề bốc thuốc đó sao!”
“Họ Tạ danh giá mấy trăm năm, giờ khéo lụng bại trong tay con mất thôi.” Mẫu thân đại nhân tức giận lườm tôi.
Trong tay tôi á? Tôi có điểm gì không tốt cơ chứ?
Đương nhiên, ngoài việc không thừa hưởng được làn da trắng sứ của mẹ và dáng người cao ráo của bố, năng khiếu học ngành y có trong máu của nhà họ Tạ di truyền đến tôi cũng không được đầy đủ. Lúc đó tôi chịu học ngành y học cổ truyền chẳng qua bởi vì điểm thi vào khoa văn thấp quá, mà tôi chẳng đặc biệt thích ngành nghề nào, nên đành nhắm mắt đưa chân vậy.
Người ngoài không hiểu sự tình, nghe vậy thì đều khen lấy khen để: “Hoài Mân nhìn xa trông rộng, muốn kế tục sự nghiệp của tổ tiên, làm rạng danh dòng họ phải không?”
Lúc đó cả nhà tôi đều chỉ cười ngây ngốc.
Trong gia tộc họ Tạ này, cùng thế hệ với tôi có cả thảy sáu đứa, ba đứa học trường danh tiếng, hai đứa đi nước ngoài, lay lắt ở lại học trường hạng hai trong nước chỉ có mỗi mình tôi. Mẹ tôi vẫn thường than thở, Tạ Hoài Mân, sao con không cho mẹ được nở mày nở mặt một chút...
Thực ra mẹ tôi không nên đặt yêu cầu cao đến thế ở con gái bà. Tuy rằng càng bị chê trách, xem thường thì càng nên cố gắng, nhưng cố quá sớm muộn cũng thành quá cố mà thôi.
Tôi học ngành y, tuân thủ đạo trung dung, giữ mọi điều ở mức trung hòa, không thái quá, việc gì chỉ cần làm tốt được đến bảy phần mười là tự thấy hài lòng rồi. Mọi người ai cũng ganh đua vị trí đầu bảng, có thiếu tôi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Cam tâm tình nguyện làm phận lá xanh để làm nền cho những bông hoa tươi thắm, tôi có tinh thần hy sinh đến thế còn gì nữa!
Nhà họ Tạ có truyền thống làm nghề bốc thuốc, truyền đến đời cha mẹ và chúng tôi thì có anh con chú con bác học y học hiện đại. Bố tôi tiếp quản phòng mạch của ông nội tôi để lại, từ năm tôi ra đời đến nay cũng đã hai mươi mốt năm.
Hai mươi mốt năm, tôi nghĩ, tôi đã yêu Trương Tử Việt khéo cũng đã được hai mươi mốt năm tròn.
Nhà họ Trương là hàng xóm lâu năm với nhà tôi, trải qua ba lần chuyển nhà mà vẫn là hàng xóm của nhau, đây không phải là duyên phận bình thường nữa rồi.
Trương Tử Việt hơn tôi sáu tuổi, từ khi tôi vẫn là một đứa con nít thò lò mũi xanh thì anh đã là đội viên đội thiếu niên tiền phong. Người lớn cứ bảo trẻ con làm sao nhớ nổi chuyện gì, nhưng tôi nhớ rõ mồn một, rằng ngay từ hồi đó Trương Tử Việt trông đã khôi ngô tuấn tú, vóc dáng cao ráo khiến ai cũng phải để ý rồi.
Nếu như lúc đó người lớn có hỏi tôi, tôi nhất định sẽ trả lời rằng, nếu có được Tử Việt thì phải cất giữ trong lâu đài bằng vàng.
Nhưng chẳng có ai hỏi tôi như vậy, mà tôi cũng không có khả năng xây một lâu đài bằng vàng để giấu một người sống sờ sờ như thế, cho nên tôi lặng lẽ yêu thầm anh từng ấy năm.
Trương Tử Việt học xong tiến sĩ thì làm nghiên cứu về vật lý hạt nhân. Mỗi khi tiếp xúc, nói chuyện với anh, những thân phận bé nhỏ của chúng sinh tầm thường như chúng ta cảm thấy tất cả đều được quyết định trong bàn tay của phần tử trí thức các anh. Lúc đó anh đã là nhân sĩ tinh anh có tên tuổi trên bảng vàng, lại khôi ngô tuấn tú, phong độ ngời ngời, các cô gái theo đuổi anh đều xinh đẹp đến mức có thể tổ chức một kỳ tranh cup thế giới. Nhưng dường như Trương công tử vẫn chưa thấy ai vừa ý, kén đông chọn tây chẳng khác nào hoàng đế tuyển phi tần.
Chứng kiến cảnh tượng này, ngay cả việc nghĩ đến thôi tôi cũng không dám.
Như tôi đã nói, tôi là người rất dễ hài lòng, ăn cơm xong chỉ cần no tám phần là dừng, làm việc thì xong bảy phần là tốt rồi. Trương Tử Việt coi tôi như cô em gái hàng xóm, thân phận đặc biệt độc nhất vô nhị này có được là nhờ mối quan hệ hàng xóm láng giềng suốt hai mươi năm qua, các cô gái khác có muốn cũng không tranh nổi. Tôi không dám đòi hỏi gì hơn.
Nhưng bỗng đâu sét đánh giữa trời quang, Trương Tử Việt bỗng nhiên quyết định cưới cô gái tên là Lý Yên. Mối tình đầu giờ đã là ông xã người ta, cô em gái nhà bên thành người xa lạ.
Tôi đã từng gặp cô gái có tên Lý Yên này, đó là một nhân tài trong ngành quảng cáo, xinh đẹp nõn nà, có thể so với người mẫu chụp ảnh quảng cáo được. Khi cô nàng sánh vai cùng Trương Tử Việt, ai ai cũng phải trầm trồ,
“Nhân tàu phối với tinh anh, sinh ra con cái chắc thành yêu tinh.” Tôi không thể nghĩ bớt ác độc đi được.
Nói tóm lại là, tôi bị thất tình. Rõ ràng đang trong kỳ nghỉ hè nhưng tôi chẳng biết đi đâu, chỉ biết rúc trong nhà, mà hằng ngày còn phải làm bộ tươi cười nữa chứ. Đến đêm, khi đã tắt đèn, nước mắt tôi chảy đầm đìa trong bóng tối.
Dư vị ngọt ngào và cay đắng của mối tình đầu chỉ có tự mình biết. Đã không biết bao nhiêu lần tôi hy vọng đột nhiên có một ngày, Trương Tử Việt gõ cửa nhà tôi, nói với tôi: “Mân Mân này, anh nghĩ kĩ rồi, người anh yêu thật ra là em.”
Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra, Trương Tử Việt chứng kiến tôi ra dời, nhìn thấy tôi mặt quần xẻ đũng, biết cả khi tôi mặc áo ngực, thậm chí còn biết ngày đến tháng của tôi. Trước mặt anh tôi không có giới tính, Tạ Hoài Mân đơn giản chỉ là Tạ Hoài Mân chứ không phải một cô gái trẻ trung đang độ xuân thì.
Dù thế nào đi nữa thì anh cũng sắp lấy vợ rồi, đang tiến thêm một bước để đến với hói đầu, bụng bia và bệnh trĩ. Còn tôi vẫn trẻ trung phơi phới, không phải thế sao?
Nhưng mà vẫn đau lòng.
Mùa hè năm nay nóng nực khác thường, thành phố nhỏ ven biển quanh năm mát mẻ bỗng chốc biến thành lò than bên sông Trường Giang. Phòng mạch của gia đình làm ăn phát đạt vì phải tiếp đón rất nhiều bệnh nhân bị cảm nắng. Bố tôi muốn làm việc thiện, bèn học các bậc hiền giả thời xưa, phát trà giải nhiệt miễn phí trước cửa phòng mạch.
Nhà chúng tôi không có con trai nên tôi phải làm việc tay chân nặng nhọc, hằng ngày đứng trước cửa nhà vừa đun nước pha trà vừa phát trà cho khách du lịch, người qua đường và cả ăn mày nữa. Công việc này tuy rất cao cả nhưng hình ảnh của tôi lại rất nhỏ bé, nhạt nhòa. Có một cậu bé con nói với mẹ mình: “Tại sao ăn mày lại cho chúng ta đồ?”
Lưng tôi ướt đẫm mồ hôi, đầu tóc bù xù, mắt vằn lửa đỏ, dọa thằng bé chạy tóe khói. Quay vào soi gương, tự thấy hoảng sợ, không biết con quỷ cái đầu bù tóc rối, lôi thôi nhếch nhác với gương mặt ai oán trong gương kia là ai.
Tôi vốc nước lạnh lên rửa mặt, buộc tóc lại, hít thở sâu. “Xốc lại tinh thần nào Tạ Hoài Mân. Mày không xấu xí, có chút năng lực, vẫn còn nhiều đàn ông phải phấn đấu để lấy được người vợ như mày. Hãy để Trương Tử Việt trở thành quá khứ.”
Tôi đẩy cửa nhà vệ sinh. Gương mặt tươi cười của Trương Tử Việt nhảy bổ vào tầm mắt tôi.
Lông tơ trên người tôi đều dựng đứng. Anh có nghe thấy hết mấy câu tôi vừa nói không? Kinh khủng quá đi mất! Đúng là trời đánh mà, đứng đâu không đứng, sao lại đứng trước cửa nhà vệ sinh chứ?
Tôi lúng búng nói: “Vừa rồi em... nóng quá, mụ mị cả đầu...”
Trương Tử Việt cười: “Mân Mân, sao em lại hốt hoảng vậy? Anh tan làm đến đây lấy ít thuốc giải cảm, tiện đường đưa em về nhà luôn.”
Anh nhẹ nhàng tao nhã, vẫn như bấy lâu nay. Tôi cẩn thận dè chừng, không phát hiện ra có điều gì bất thường mới yên tâm phần nào.
Tôi hỏi: “Nhà anh ai bị cảm vậy?”
“Bố anh.”
Tôi thành thạo bốc thuốc đâu ra đấy rồi gói lại. Trương Tử Việt nhìn tôi làm, hỏi: “Sau này tốt nghiệp, em sẽ quay về thừa kế phòng mạch này chứ?”
“Chắc là vậy.” Tôi đáp.
Thật ra, trong giấc mơ thiếu nữ của tôi thì tôi sẽ thừa kế phòng mạch này, và Trương Tử Việt sẽ trở thành chồng tôi. Ban ngày tôi khám bệnh cho bệnh nhân, buổi tối cùng anh ngắm trăng sao ở ban công, đàm đạo từ thơ ca cổ đại đến triết học nhân sinh... Cuộc sống của chúng tôi không giàu có lắm nhưng sẽ cực kỳ ấm áp, ngọt ngào.
Nhưng bây giờ Trương Tử Việt sắp làm chồng người khác rồi, giấc mộng vàng của tôi tan vỡ, tiền đồ bỗng chốc trở nên mơ hồ. Có thể tôi sẽ đi thi để học lên nghiên cứu sinh, con gái một khi cuộc đời không còn lối thoát thì chỉ có cách đi học, bể học lúc nào cũng có đường đi.
Phòng mạch gần nhà nên hai chúng tôi chậm rãi đi bộ. Đèn đường đã bật sáng, rọi xuống khiến bóng chúng tôi kéo dài thật dài. Khoảnh khắc này, tôi chỉ ước thời gian và không gian trở thành vô hạn, kéo dài mãi đến tận cùng của thế giới.
Trương Tử Việt bắt chuyện: “Gần đây em hình như có chuyện gì, lúc nào cũng thấy trầm tư suy ngẫm.”
Tôi ghét nhất con trai hỏi câu này. Nhiều khi họ chỉ cần để tâm một chút là biết ngay người ta đang đau khổ vì mình, thế mà đầu óc họ không làm sao chạm được tới điểm ấy.
Tôi hỏi anh: “Anh chị đã định ngày chưa?”
Mất một lúc anh mới phản ứng lại được, cười, trả lời: “Tiệc cưới vào ngày Mười chín tháng Chín.”
“Ngày đẹp quá, toàn số may mắn. Phòng cưới chuẩn bị đầy đủ hết rồi chứ?”
Trương Tử Việt gật đầu. “Xong hết rồi. Em sẽ đến chứ?”
Các thớ thịt trên mặt tôi cứng hết cả lại, phải một lúc lâu sau tôi mới rặn ra được một câu: “Em sắp phải đi học rồi, sợ không đến được...”
Trương Tử Việt lộ rõ vẻ thất vọng. Vẻ mặt đó của anh thật sự rất đẹp, tôi bỗng chốc cảm thấy sự vắng mặt của tôi là tổn thất lớn nhất trong hôn lễ của anh, suýt chút nữa thì quyết định dù có bão to sóng thần đi chăng nữa cũng sẽ lao đến, nhưng chút lý trí còn sót lại đã kịp thời chặn đứng miệng tôi.
Cho dù có kịp tham dự thì tôi cũng sẽ không lon ton chạy đến xem người trong mộng cưới vợ, họ ngọt ngào âu yếm nhau, tôi ngồi một xó độc ẩm rượu đắng, chẳng phải là tự làm khổ mình sao?
Chúng tôi bước vào thang máy. Trương Tử Việt ở tầng dưới nhà tôi nhưng anh chỉ ấn mỗi số tầng nhà tôi, chắc có lẽ để đưa tôi lên nhà trước. Anh vốn chu đáo, cẩn thận như vậy, tôi càng nghĩ về ưu điểm của anh thì càng ngưỡng mộ phúc phần của cái cô Lý Yên kia.
Trong thang máy chỉ có hai chúng tôi, sự im lặng ngượng ngùng bao trùm. Tôi chỉ cần nghiêng đầu là nhìn thấy cổ áo thấm đẫm mồ hôi của anh, ngực áo cũng có một mảng thẫm mồ hôi hình chữ V. Chiếc cằm vuông vức của anh có vệt xanh rì, dưới ống tay áo được xắn lên là bắp tay rắn chắc, còn bờ vai rộng vững chãi... Tất cả những thứ này rồi sẽ thuộc về một người con gái khác, họ sẽ sống ở một vườn hoa muôn sắc, còn tôi bị ngăn cách ở ngoài.
Tôi thở dài đầy bi thương.
Bỗng dưới chân tròng chành, đèn trong thang máy thoắt sáng thoắt tắt vài bận, thang máy kêu “cạch” một tiếng rồi dừng lại.
Tôi và Trương Tử Việt quay sang nhìn nhau. Thang máy gặp sự cố?
Trương Tử Việt dày dặn kinh nghiệm, lập tức ấn nút tất cả các tầng, sau đó ấn chuông cứu hộ.
“Chúng tôi ở tòa nhà sáu, đơn nguyên hai, thang máy đang lên nửa chừng thì đứng lại, xinh các anh đến nhanh giúp.”
Tôi nhẩm tính, có lẽ thang máy đang tắc ở khoảng giữa tầng mười ba và mười bốn. Nếu chạy tiếp lên trên thì hiển nhiên là bình an vô sự, còn nếu rớt xuống dưới, số mệnh của tôi và Trương Tử Việt e là không có gì bảo đảm được.
Hỡi thần linh, hình như tôi đâu có nguyện ước được cùng Trương quân chết cùng ngày cùng tháng cùng năm?
Trương Tử Việt an ủi tôi: “Đừng sợ, Mân Mân, sẽ có người đến cứu chúng ta ngay bây giờ.”
Tôi đâu có sợ, dù sao cũng có người trong mộng ở bên rồi. Anh thì không thế, sắp làm chú rể đến nơi, bức tranh về cuộc sống tươi đẹp vừa mở ra trước mắt, nay bỗng dưng khép lại, chắc chắn không tránh khỏi tiếc nuối.
Thế nên tôi liền nói đùa để xua đi bầu không khí căng thẳng lúc này: “Anh Tử Việt, người anh mong nhớ nhất bây giờ là ai?”
Trương Tử Việt không ngờ tôi lại hỏi câu này, ngẩn người, nói: “Mong nhớ à? Đó là người đến cứu chúng ta.”
Cái gì vậy? “Anh phải bảo là, người anh mong nhớ nhất là chị Lý Yên chứ!”
Trương Tử Việt cười. “Anh nhớ chị ấy thì có ích gì đối với việc chúng ta đang bị nhốt trong thang máy thế này?”
Tôi nói: “Anh thật chẳng lãng mạn gì hết, chị ấy thích gì ở anh cơ chứ?”
“Anh biết làm sao được.” Trương Tử Việt bối rối vẻ dở khóc dở cười. “Câu hỏi này chỉ có con gái mới thích hỏi.”
Tôi dồn hết dũng khí, hỏi tiếp: “Lúc đó, điều gì đã khiến anh quyết định phải cưới?”
Trương Tử Việt suy nghĩ một lát rồi nói: “Anh cũng không còn ít tuổi nữa, muốn xây dựng gia đình.”
“Chỉ vậy thôi?”
“Thế em còn muốn gì nữa?”
“Anh phải nói là anh yêu điên cuồng chị Lý Yên, nhất định phải lấy được chị ấy, nguyện kiếp này được chung sống với chị ấy, chân trời góc bể, vĩnh viễn không xa rời.”
“Em giúp anh giải quyết xong mấy câu phát biểu lúc chúc rượu trong tiệc cưới rồi đấy.” Trương Tử Việt cười nhìn tôi. Trong suy nghĩ của anh, thứ tình yêu mà tôi nói đến chỉ là những phong hoa tuyết nguyệt thiết thực tế.
Trương Tử Việt đột nhiên hỏi tôi: “Còn Mân Mân thì sao? Em sắp học năm thứ ba đại học rồi, cũng phải có bạn trai đi chứ.”
Tôi đỏ mặt, lúng túng nói: “Bây giờ vẫn chưa thích có.”
“Sao thế? Hay là cũng thích ai rồi?”
Tôi lắc đầu, nghĩ cũng không phải, lại gật đầu, rồi thấy cũng không phải, lại lắc đầu.
Trương Tử Việt cười. “Sao mà phức tạp vậy? Có là có mà không là không chứ.”
Tôi nói: “Người em thích không thích em.”
Chắc là tôi nói bé quá, Trương Tử Việt không nghe rõ nên hỏi lại: “Em bảo gì cơ?”
Tôi nghẹn ngào, cuối cùng bất chấp tất cả, gào lên: “Em thích một người, từ nhỏ đã thích anh ấy, thích rất nhiều năm rồi, nhưng anh ấy không thích em, anh ấy chỉ coi em như em gái, bây giờ anh ấy sắp cưới người khác rồi.”
Tôi gào xong, dường như tất cả sức lực đã cạn kiệt. Tôi ngồi bệt dưới sàn thang máy, gục đầu xuống. không biết nên đối diện với anh như thế nào. Bầu không khí trong thang máy nóng bức, ngột ngạt nhưng lòng tôi thật nhẹ nhõm, như thể vừa trút bỏ được tảng đá nặng ngàn cân, hơi thở, nhịp tim, tất cả đều nhẹ nhàng hơn bội phần.
Rất lâu sau vẫn không thấy Trương Tử Việt cất tiếng, sự im lặng tràn ngập khoang thang máy khiến người ta khó thở. Tất nhiên, anh hiểu rằng người tôi nói đến chính là anh, anh chỉ đang cân nhắc nên từ chối tôi thế nào để không làm tổn thương tình cảm của tôi.
Tình cảm của tôi ư? Ngay đến bản thân tôi cũng cảm thấy sự yêu mến, tôn thờ của tôi đã mạo phạm đến sự cao quý, tao nhã của anh.
“A lô! A lô!” Máy interphone bỗng phát ra giọng nói của một người đàn ông khiến hai chúng tôi giật bắn mình.
“Có mấy người đang trong đó? Đều ổn cả chứ?”
Trương Tử Việt hắng giọng rồi nói: “Trong này có hai người, đến giờ vẫn ổn.”
Tôi ở bên cạnh chêm vào: “Làm ơn đưa chúng tôi ra nhanh lên, trong này nóng chết đi được!”
“Đợi chút! Máy móc bị hỏng, đang phải sửa.”
Chết tiệt, sao lại hỏng đúng lúc thế cơ chứ!
Theo lẽ thường, con gái sau khi thổ lộ thì nên ngượng ngùng che mặt rồi chạy biến bằng tốc độ ánh sáng, để đối phương ở lại ngẫm nghĩ, suy tư. Nhưng hôm nay tôi chọn thang máy làm nơi thổ lộ, để bây giờ không có đường lên trời, không có cửa xuống đất, thật là bối rối.
Ngượng đến cực điểm lại thành chẳng ngượng nữa, cứ mặc kệ thôi. “Anh Tử Việt, bắt đầu từ khi học cấp hai em đã thích anh rồi. Em biết mình không xinh xắn, cũng không thông minh, không xứng với anh, cho nên chưa bao giờ em dám nói ra. Anh đừng cười em, dù gì anh cũng sắp lấy vợ rồi, em nói ra cũng chẳng tổn hại gì đến ai. Nói ra được khiến lòng em nhẹ nhõm, anh cũng không cần phải trả lời em gì cả, em chỉ muốn nói để anh biết thôi. Anh Tử Việt, em đã gọi anh là anh thì anh mãi mãi là anh trai của em. Em chúc cho anh có được hạnh phúc mà anh mong ước.”
Tôi dứt lời, đón nhận ánh mắt của anh, mỉm cười với anh, tất nhiên đó không phải là nụ cười rạng rỡ như nắng xuân.
Ánh mắt Trương Tử Việt lóe lên những tia sáng mà tôi không thể cắt nghĩa, không biết câu nào trong “bài diễn văn” của tôi đã khiến anh cảm động. Anh trầm ngâm hồi lầu rồi từ từ dãn đôi hàng lông mày, nói: “Mân Mân, thật ra...”
Thang máy đột nhiên hẫng một cái. Tôi lăn lông lốc dưới sàn, trong lòng tự nhủ “thôi tiêu rồi”.
“A lô! A lô...” Máy interphone kêu lên vài tiếng. Thang máy đang rơi dừng lại trong giây lát, sau đó lao thẳng xuống.
Trong lúc thang máy rơi tự do, tôi cảm nhận được Trương Tử Việt nắm tay tôi thật chặt.