Hảo Nhân Nan Vi

8/10 trên tổng số 3 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Thể loại: Phúc hắc cường công vs nhược thụ??? (có nhược hem ta) Hác Hảo vi cái chết của anh trai từ nhỏ mà luôn tự trách cứ mình, cha mẹ cũng luôn vì vịêc đó mà khinh ghét hắn, từ ấy hắn khép mình lạ …
Xem Thêm

Chương 2
Định dắt xe vào bãi gửi xe, Hác Hảo phát hiện tất cả xe trong bãi chất loạn xạ bát nháo cả lên. Mặc dù chỉ cần quăng xe người khác ra, nhét đại xe của mình vào là xong nhưng Hác Hảo cho dù có nghĩ đến cũng không bao giờ dám làm. Hắn đành tỉ mỉ từ từ sắp xếp mấy chiếc xe một lượt cho ngăn nắp, đẹp mắt rồi chừa lại một chỗ nho nhỏ để cất xe hắn vào. Xong xuôi mọi việc, Hác Hảo mới hướng phòng mình đi về.

Nhìn cầu thang vừa tối vừa hẹp, Hác Hảo thở dài. Cái đèn vừa gắn là có người lập tức lấy đi, chuyện này chắc chỉ có chủ nhà không muốn lãng phí điện nên mới làm thế. Hác Hảo nhìn kỹ dưới chân, cẩn thận dò từng bước lên cầu thang. Từ tầng một lên tầng hai có tổng cộng là mười ba bậc thang, còn bắt đầu từ tầng hai là mười một bậc.

Chợt một ánh đèn pin từ trên lầu chiếu thẳng xuống, chắc có ai đang đi xuống rồi. Đèn pin chiếu thẳng vào mặt Hác Hảo làm hắn khó chịu nheo đôi mắt lại.

"Ra là a Hảo hả? Ăn cơm chưa?" Âm thanh già nua vang lên.

"A bá ..." Từ giọng nói phát ra, Hác Hảo đoán được chủ nhân của nó nên gật đầu tỏ vẻ đã ăn cơm rồi, sau đó nghiêng người tránh đường cho ông bác đi xuống lầu.

"Ôi, không biết người nào ác nhân ác đức. Mấy ngày trước có người đã gắn đèn mới nhưng chưa đến hai ngày thì ai đó lại gỡ mất. Cả sáu tầng lầu mà không có lấy một bóng đèn, chẳng biết nghĩ cho mấy lão già chúng ta. Thật là quá đáng mà!" A bá thở dài đi ngang qua Hác Hảo, trên miệng không ngừng lầm bầm lầu bầu.

Nương theo ánh đèn pin của ông bác còn sót lại, Hác Hảo bước nhanh lên lầu bốn mở cửa vào phòng.

Hô, rốt cuộc cũng về đến nhà rồi. Hác Hảo nghĩ muốn tắm một cái cho thân thể thoải mái một chút luôn tiện cũng để làm ấm người, thời tiết hôm nay quả thật rất lạnh, nhưng Hác Hảo lại muốn xem xem tình trạng vị tiên sinh kia ra sao. Không biết có đỡ chút nào không? Nếu lỡ phát sốt thì chẳng biết có nên mời bác sĩ đến khám không nữa. Nhưng quan trọng là tiền mặt trong nhà cũng không biết có đủ không?

Mở cửa, một đống chén bát hỗn độn đập vào mắt, Hác Hảo hoảng sợ. Chén đĩa này sao nhìn thấy quen quen? Nhanh chóng mở tủ lạnh, Hác Hảo ngạc nhiên: toàn bộ thức ăn để dành sử dụng trong một tuần đều biến mất không thấy tăm hơi. Đóng cửa tủ lạnh lại, quay đầu xem đống nồi niêu bát nháo trong bồn, trừ vị tiên sinh kia chắc không ai khác làm chuyện này.

Lắc đầu, Hác Hảo cảm thấy bội phục vị tiên sinh đó quá. Một mình mà có thể ăn hết toàn bộ lương thực Hác Hảo tích trữ để dành trong một tuần, thật là một người có cái bao tử quá mức lợi hại. Bội phục a~

Bốn phía vắng lặng như tờ, trừ tiếng bước chân của Hác Hảo ra thì không còn tiếng động gì khác. Anh ta ngủ rồi sao? Đi vào phòng trong, bật đèn lên thì thấy giường chiếu trống rỗng không có ai. Hả? Có một tờ giấy.

Người này thật tốt bụng, sợ mình lo lắng nên trước khi đi còn để lại lời nhắn nữa. Hác Hảo cầm tờ giấy lên đọc.

"Bóp tiền và điện thoại di động tôi không cần. Tiền trong bóp xem như là cám ơn anh đã cho tôi trú một đêm khi trời lạnh. Còn điện thoại di động thì xem như tiền cơm nước tôi trả cho anh. Mùi vị cũng được lắm.

Lão huynh, anh đừng mong lấy mấy cái thẻ tín dụng trong túi tôi mà đem đi mua đồ a. Tôi hôm nay đã vô hiệu hóa mấy cái thẻ đó rồi. Nếu anh lấy xài mà có bị bắt cũng đừng trách tôi không báo trước đó!

Quần áo và bóp da đều là hàng hiệu. Nhìn anh cũng đáng thương nên để lại cho anh dùng. Anh muốn dùng hay muốn bán gì đều được.

P/S: Khuyên anh một câu: đổi cách ăn mặc lại đi, quê mùa hết sức. Vừ

a nhìn đã biết anh đến bà già hay ông lão cũng đều chẳng thương nổi. Tôi dám cá trăm phần trăm là anh chưa có bạn gái."

Cuối cùng thay vì kí tên thì Triệu Hiểu Vĩ vẽ cái mặt quỷ chọc quê.

Hác Hảo ngây ngốc nhìn mảnh giấy trong chốc lát, rồi cười khổ đem vò nát tờ giấy lại. Nhấc chân ra ban công, lấy quần áo phơi bên ngoài đem vào. Hác Hảo sờ sờ bộ đồ hàng hiệu của vị tiên sinh đó, tuy là đồ tốt nhưng dù cho mình có khoác vào chắc cũng chẳng phù hợp.

Hác Hảo cuộn tay áo lên rồi đi vào bếp, bắt tay vào dọn dẹp đống bề bộn trong phòng.

Đúng là một người kì quái, suy nghĩ cũng kì quái. Người này chắc cũng có địa vị trong xã hội, tính tình cương ngạnh thế mà. Không biết sau này có cơ hội gặp lại người đó để giải thích chuyện bóp tiền và chuyện điện thoại di động không, còn cả chuyện bộ quần áo nữa. Nếu mình mà mặc bộ đồ đó vào chắc chẳng khác gì hầu tử mặc đồ, cảm giác thật quái dị. Tưởng tượng đến bản thân diện một bộ đồ hiệu, chân mang giày da bóng láng, dáng bộ đạo mạo, Hác Hảo thấy buồn cười. Hác Hảo biết bản thân mình không đẹp, biết mình đã lâu cũng không chú ý đến bề ngoài, quần áo cũng mặc mấy năm rồi nhưng vẫn không mua đồ mới, dù sao ở quê thì mình cũng là người lạc hậu rồi. Lần trước lúc đang làm việc trong quán, cô bé làm chung hỏi hắn thích ca sĩ nào. Hác Hảo suy tư thật lâu cuối cùng mới nói ra một câu "Niếp nhĩ" (*) làm cô bé cười gần chết.

Đang suy nghĩ miên man, chợt điện thoại reo làm Hác Hảo giật mình, vội vàng lấy khăn chùi tay thật sạch, bước nhanh về phòng nhấc điện thoại lên.

"Alo!" Hác Hảo lên tiếng.

"A Hảo hả, là mẹ nè. Dạo này mày thế nào? Ba mẹ lên nhà mày có được không?"

"Mẹ , con ... khỏe ... A? Ba mẹ ... đến ... đây?" Hác Hảo hơi khẩn trương, ở nhà ít khi nào gọi điện đến, cho dù có gọi điện thì thông thường cũng là kêu gửi tiền về. Duy nhất chỉ có em gái hắn lâu lâu hay gọi đến để tâm sự, không biết lần này mẹ hắn gọi đến là có chuyện gì. Hy vọng là ở nhà không có chuyện gì không may.

"Ba mẹ đi đây! Ôi! Không nói nữa! Là thế này, ngày mai ba mẹ sẽ lên nhà có chuyện cần nói với mày. Mai mày có nhà không?"

"Tối ... có ..."

"Đến tối mới có nhà a? Thật là rắc rối. Mấy hôm nay trời lạnh muốn chết, mày tính để tao với ba mày ở ngoài cho đến rét chết a? Mày xin phép chủ tiệm đi, ngày mai 3 giờ chúng ta tới. Mày phải ở nhà đợi sẵn đó. Cứ vậy đi ha!" Mẹ Hác Hảo không thèm quan tâm xem con mình có đồng ý hay không, tự động quyết định rồi tự động cúp máy, xem như mọi việc đã rồi.

Cầm điện thoại lặng yên hồi lâu, Hác Hảo mới từ từ đặt điện thoại về chỗ cũ. Chắc là chuyện cấp bách lắm đây. Tuy là không biết chuyện gì, nhưng hy vọng không phải là chuyện xấu.

------

Sáng sớm ngày thứ hai, Hác Hảo đến tiệm chờ chủ quán đến để xin phép được về sớm, lại bị chủ quán lằng nhằng một trận. Nào là tự nhiên xin phép nghỉ sẽ không có ai thay thế, một đống cằn nhằn bay ra đến khi Hác Hảo đồng ý bị trừ tiền lương và không tính tiền phụ trợ mới chịu đáp ứng cho hắn nghỉ phép.

Gần 3 giờ xế chiều, Hác Hảo chạy về nhà. Đồng hồ điểm 3 giờ, ba mẹ hắn gõ cửa.

Hác Hảo bưng hai chén trà nóng, cung kính mang lên mời ba mẹ dùng.

"A Hảo, ngồi đi. Chúng ta có chuyện muốn nói với con." Mẹ Hác Hảo lên tiếng.

Trong nhà không còn cái ghế nào khác, Hác Hảo không thể làm gì khác hơn là ngồi xuống giường. Xoa xoa hai bàn tay, bối rối đợi ba mẹ lên tiếng.

"Dạo gần đây, chuyện kinh doanh trong nhà không được tốt lắm cho nên ba mẹ khá khó khăn. Hác Hảo a, hiện tại thì con có khả năng xuất ra được bao nhiêu tiền?" Mẹ Hác Hảo, Vương Tú Trân nhếch môi nhìn hắn. (lúc mượn tiền thì ngọt ngào con con, lúc bình thường thì mày tao. Đúng là ...-.-)

"Khoảng ... hai vạn ..." Hác Hảo từ tốn nói ra khoản tiền tiết kiệm của mình.

"Chỉ có nhiêu đó? Mày đi làm cũng đã sáu năm rồi. Cả sáu năm trời mà chỉ để dành được có hai vạn? Chắc là mày không muốn cho ba mẹ mày phải không? Tiếc tiền hả? Đúng không?" Vương Tú Trân phát hỏa mắng.

Hác Hảo vội vàng lắc đầu. Con thật sự không có mà. Làm việc trong quán sáu năm trời, mỗi tháng tiền lương tổng cộng chỉ có 1200. Trừ tiền thuê phòng 400, điện nước 100, chi phí lặt vặt khác khoảng hơn 300, còn lại chỉ được 350 đồng được dùng làm sinh hoạt phí, đã thế mỗi tháng còn phải gửi tiền về nhà nữa ...

"Trong ... nhà ... nhà ... có chuyện ... chuyện gì ... rồi?" Hác Hảo khó khăn, cố gắng nói .

Hác Chí Quốc cùng Vương Tú Trân thầm trao nhau ánh mắt. Một lát sau, Vương Tú Trân mở miệng: "A Hảo a, con biết đó, công chuyện làm ăn của ba mẹ cũng không được dễ dàng gì. Nhưng mà con thấy ba mẹ gặp khó khăn vậy chẳng lẽ thấy chết không cứu đúng không? Ngoài trừ hai vạn đó, con nghĩ coi có thể mượn tiền ai được không? Càng nhiều càng tốt."

Mình không biết có thể vay được tiền của người nào không nữa. Hác Hảo rũ mi mắt khó khăn nghĩ.

"Chuyện là thế này, lúc trước do trong quán phát sinh chút chuyện nên không duy trì nổi, vừa rồi lại còn xuất hiện một bọn đòi "lệ phí" làm cho khách không dám đến nữa. Con nghĩ xem, vậy làm sao sống chứ. Tiền thuê nhân công trong tiệm không thể không trả, tiệm mở cửa, nguyên liệu phải mua, tiền công phải trả, cứ thế này thì lỗ cả vốn. Lần này không phải vì quá khó khăn, ba mẹ cũng không muốn mượn tiền con. Lúc đầu đã đi ra ngoài mượn tiền rồi, định là chờ tiệm làm ăn tốt lại, sẽ trả tiền cho họ. Không ngờ ... không ngờ .... Ô ô ... Đều tại ông hết đó, vay tiền mà không biết nhìn người ! ... Ô ô ..." Vừa nói Vương Tú Trân vừa che miệng khóc nấc lên.

Thấy mẹ khóc, Hác Hảo nhất thời luống cuống chân tay không biết làm gì, đành lấy một cái khăn lông cho mẹ lau sạch.

"Mẹ ... từ từ ... nói ... nói đã ..."

"Ô ... còn gì nữa đâu mà nói... Nếu muốn biết rõ chi tiết mọi chuyện thì con hãy hỏi ba con đó. Xem hắn đã làm cái chuyện ngu ngốc gì?" Lấy khăn lau nước mắt, Vương Tú Trân tức giận nói.

Hác Hảo đem mắt chuyển về phía cha hắn. Không biết ba đã mượn người ta bao nhiêu?

"Khụ, khụ, khụ, ... ba cũng không định mượn mấy người đó đâu. Định ban đầu là mượn mấy người quen biết, mấy bạn thường hay nhậu chung bàn, nhưng vừa nghe ba muốn vay tiền thì lập tức trốn trốn tránh tránh . Không còn cách nào khác, ba đành đến chỗ bọn chuyên cho vay tiền. Cái gì nói rằng chỉ cần có người dám đứng ra đảm bảo thì có thể vay được tiền, hơn nữa là có thể nhận tiền mặt ngay, cho nên ... ba mới vay ... Không ngờ bọn chúng là một lũ quỷ hút máu người." Hác Chí Quốc vừa nói vừa tức giận.

"Lão tử, ông đúng là hồ đồ mà. Vốn mượn có ba vạn thôi, không ngờ chưa tới ba tháng là thành chín vạn. Ô ô ... Trời ơi. Nhiều tiền như vậy, con nói xem biết tìm đâu ra để trả lại, nhà ta làm sao mà sống nổi đây? Ông đúng là muốn chúng ta chết mới thỏa lòng mà! Ô ô ..." Vương Tú Trân khóc lóc nói.

"Chín ... vạn?!" Hác Hảo đứng tim. Hắn đi đâu để chuẩn bị chín vạn đồng đây? Lúc này Hác Hảo không biết rằng con số mà ba mẹ hắn thật sự nợ còn nhiều gấp mấy lần cái chín vạn ấy , hơn nữa nguyên nhân vay tiền cũng là gạt hắn.

Cuộc đời Hác Hảo từ đây bắt đầu thay đổi, vận mệnh từ từ đẩy hắn đi theo một hướng mà hắn không ngờ đến.

------------

Hôm sau, Hác Hảo chạy đi ngân hàng rút ra toàn bộ tiền tiết kiệm mà hắn vất vả để dành được trong suốt sáu năm qua , tổng cộng 22200 đồng, đem về giao cho ba mẹ hắn. Cố gắng hy vọng số tiền đó có thể kéo dài thời gian hoàn nợ nhưng vợ chồng Hác Chí Quốc nói kỳ hạn chỉ còn 3 ngày nữa, yêu cầu hắn làm thế nào đó để có thể kiếm ra chín vạn đồng trong ba ngày. Hác Hảo khó khăn nghĩ, hắn đi đâu để kiếm được chín vạn đây?

Trong ba ngày, Hác Hảo đi khắp nơi kiếm người xin mượn tiền.

Những người trong quán vốn đố kị hắn là một thằng nhà quê lại có thể đứng trong đội ngũ đầu bếp chính nên luôn ước gì hắn gặp bất hạnh, bởi thế dễ dàng gì cho hắn mượn tiền.

Có vài người đối với Hác Hảo còn chút hảo cảm, nhưng vừa nghe hắn muốn vay tiền thì không phải nói trong nhà có con nhỏ đến kì đóng học phí cũng là nói đang định mua đồ gì đó nên không thể cho hắn mượn được. Ngược lại còn hướng hắn kể khổ, nói mình còn nghèo khổ hơn, hận không có ai cho hắn mượn tiền, làm gì có tiền mà cho ai mượn.

Hác Hảo đến chủ quán xin mượn tiền, chủ quán nói rằng do biểu hiện ngày thường của Hác Hảo cũng không tồi nên cùng lắm có thể ứng trước cho hắn hai tháng tiền lương. Hác Hảo nhận được hai tháng tiền lương, gom góp thêm tổng cộng được ba nghìn đồng gởi cho ba mẹ. Nhưng đến khi hắn muốn mượn thêm tiền, đến hỏi chủ quán thì người trong quán nói ông chủ cùng vợ về quê thăm nhà bên ngọai rồi, một tuần sau mới trở lên, mọi chuyện trong quán đều do quản lý phụ trách. Hác Hảo hỏi được số điện thoại di động của chủ tiệm nhưng lần nào gọi thì điện thoại cũng đều tắt máy, mười mấy lần gọi đều giống nhau. Cuối cùng cô bé làm chung trong quán thấy hắn đáng thương mới nói hắn đừng hy vọng nữa, ông chủ là không muốn cho hắn mượn tiền nên bây giờ mới trốn hắn thôi. Còn việc đồng ý cho hắn ứng trước hai tháng tiền lương cũng là bởi sợ hắn bỏ việc nhất thời không có người thay thế.

Hác Hảo thật sự không biết phải kiếm ai để mượn tiền, không thể làm gì khác đành gõ cửa hàng xóm. Mở cửa chưa đến hai phút, khi nghe hắn nói muốn vay tiền thì lập tức nói: "Không có!" rồi đóng sập cửa trước mặt hắn.

Hác Hảo không biết làm sao. Mỗi ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến tận 11 giờ đêm, mệt muốn chết, về đến nhà lại nhận được điện thoại của ba mẹ hắn hối thúc gửi tiền, làm cho tinh thần mệt mỏi thêm vạn phần không cách nào nghỉ ngơi được.

Lo lắng, lo lắng, sốt ruột, thất vọng, bị cự tuyệt lại thêm công việc mệt mỏi, thiếu ngủ, bao nhiêu áp lực hành hạ khiến trong vòng 3 ngày ngắn ngủi khiến hắn gầy đi nhanh chóng.

Chiều ngày thứ ba, hắn xin phép về sớm. Về đến nhà đem tất cả những đồ vật khả dĩ đáng giá bỏ vào bao, trừ bộ quần áo của vị tiên sinh kia, tất cả chất lên xe đạp chở ra tiệm bán. Đống đồ đạc đó cộng với chiếc xe đạp của hắn tổng cộng kiếm được ba trăm đồng liền lấy đưa cho bố mẹ hắn.

Vợ chồng Hác Chí Quốc nhìn con mình đưa tới ba trăm đồng, cười lạnh hồi lâu rồi đem cất tiền vào túi.

Vương Tú Trân không nhịn được còn mắng Hác Hảo vô dụng. Bận rộn ba ngày mà chỉ kiếm được có nhiêu đây? Mắng hắn suốt nửa giờ đồng hồ, sau đó Hác Bình, em Hác Hảo khuyên hắn đi về trước.

Trở về ngôi nhà trống rỗng, vô lực ngã đầu lên giường. Mệt mỏi quá ...

Không biết ba mẹ sẽ đối phó với bọn cho vay nặng lãi đó thế nào? Có lẽ sẽ kéo dài thêm được một khoảng thời gian, hy vọng bọn chúng chịu để trả tiền vốn trước rồi tiền lãi từ từ tính.

Không biết cha hắn rốt cuộc đã đi vay của bọn nào? Chỉ trong vòng ba tháng ngắn ngủi mà nợ từ ba vạn quay một cái đã thành chín vạn? Đây là cách tính tiền lời thế nào? Không biết là dùng luật gì để giải quyết? Nếu như ba mẹ không trả tiền, bọn chúng sẽ gây phiền toái thế nào đây? Không biết có thể nhờ những người trong quán hỗ trợ được không?

Nhớ lại mình từng nhờ những người trong quán giúp đỡ nhưng bị họ nhìn bằng ánh mắt chán ghét khiến Hác Hảo cảm thấy chán nản.

Nghĩ về chuyện xưa làm Hác Hảo dần rơi vào giấc mộng....

"A Hảo, nhanh lên một chút, sắp muộn học rồi đó!" Hác Học xách cặp, tay cầm cơm trưa chạy trước vừa chạy vừa quay đầu nhìn em trai mình hối thúc.

"Đợi em một chút, em sắp xong rồi." Hác Hảo vội vã cầm cặp rồi chạy ra khỏi phòng.

"Cứ để mẹ làm là được rồi. Em cứ làm điểm tâm vậy thì sáng nào cũng bị muộn" Ôm lấy bả vai em trai, Hác Học vừa đi vừa bất mãn nói.

"Cũng không có gì phiền toái hết, em chỉ tranh thủ thời gian để làm thôi. Mẹ ... cũng vất vả rồi." Hác Hảo nghiêng đầu cười gượng.

"Em đó! Thật quá tốt đi. Ở trường cũng vậy. Anh đã nói với em rồi, nếu ở trường có bạn nào nhờ em làm cái gì thì em cũng phải qua lớp tìm anh nói chuyện, có biết không? Không được thấy người ta mới nhờ vả chút xíu là gánh phiền toái vào người. Nếu em từ chối mà có ai đó dám nói gì thì cứ nói với anh, anh sẽ tìm hắn tính sổ, xem còn ai dám khi dễ em trai anh nữa không." Hác Học vừa nói vừa xoa bàn tay.

"Còn nữa, không được nói "mình ... mình...." phải nói "tôi", biết không?" Hác Học yêu thương xoa đầu em trai nói.

"Anh à, nhưng mà em nói quen rồi, hắc hắc!" Hác Hảo cười khúc khích. Trong nhà người hắn thích nhất là anh hai mà anh hai cũng là người hiểu rõ hắn nhất, cho dù có chuyện gì xảy ra cũng một lòng che chở cho hắn.

Hơn nữa anh hai lại là học sinh ưu tú, năm nay còn được cử đi làm đại diện cho học sinh trung học tham gia cuộc thi tóan học, đạt giải nhất toàn quốc, thời gian sắp tới sẽ được cử ra nước ngoài thi đấu. Đây là niềm vinh quang cho toàn thôn. Trường đại học Phục Quang còn cử người đến nói chuyện với gia đình là sẽ cấp học bổng miễn phí toàn bộ tiền học cho Hác Học, làm cho cha mẹ được nở mày nở mặt, mẹ đi đâu cũng khoe khoang nói mình sinh được con rồng.

Không giống như mình ... nhưng anh hai lúc nào cũng nói mình sinh ra nhất định là sẽ có một khả năng nào đó. Tuy là anh hai nói ảnh học giỏi nhưng cũng có chuyện khác anh không làm được, giống như khi đói bụng vẫn là nhờ Hác Hảo nấu cơm cho ăn. Anh hai nói Hác Hảo sau này nhất định sẽ trở thành đầu bếp nổi danh.

"Đang nghĩ gì vậy? Sao tự nhiên thất thần thế, sắp đến cầu đá (thạch kiều)

rồi. Trời mưa, đường rất trơn trợt, phải cẩn thận một chút. Nước sông hôm nay chảy rất xiết." Nhìn mặt sông, Hác Học có điểm lo lắng.

"Vậy mình đi qua chỗ cây cầu lớn (Đại kiều)

đi." Hác Hảo kéo kéo ống tay áo của anh hai.

Hác Hảo và Hác Học vốn học ở trường chuyên của huyện nhưng nhà cả hai lại ở trong nông thôn khá hẻo lánh, từ nhà đến trường phải đi khoảng một tiếng đồng hồ.

"Thôi, phiền lắm, hơn nữa cũng không đủ thời gian. Chạy qua chỗ cầu lớn ít nhất cũng mất thêm mười lăm phút, đến trường là vô học mất rồi. Thôi thì cẩn thận một chút, em nắm chặt tay anh rồi từ từ đi qua." Hác Học dắt em trai đi qua cầu đá, nước lúc này cũng mấp mé ngập qua cầu.

- Anh hai, đừng đi qua cầu đá - Hác Hảo nằm trên giường mơ màng thống khổ giãy dụa.

"Anh a, em muốn nói với anh một chuyện." Cẩn thận chú ý dưới chân, Hác Hảo mở miệng nói.

"Chuyện gì?" Hác Học quay đầu nhìn em trai mình.

"Năm nay em sẽ vào trung học, ba mẹ muốn em vào trường giống anh, nhưng là em ... không dám chắc. Em chỉ muốn ..."

"Em muốn cái gì? Nói thử xem, anh hai nhất định sẽ ủng hộ em." Hác Học cười nói với em trai.

"Em không muốn vào trung học , em chỉ muốn ... Aa hả? Anh?" Hác Hảo trượt chân, cả thân người trượt ngã vào dòng nước xiết.

"Cẩn thận!" Hác Học cố sức nắm lấy tay Hác Hảo không dám lơi lỏng "A HẢO!"

- Anh hai không cần lo cho em, không cần lo cho em! Đừng nhảy xuống! - Nắm chặt chăn bông, mặc dù trời lạnh nhưng toàn thân Hác Hảo đều ngập mồ hôi.

"A Hảo! Em chờ một chút! Anh hai sẽ xuống cứu em ngay!" Hác Học ném cặp sách trên người xuống nhảy xuống sông , bơi đến chỗ Hác Hảo.

"ANH!" Hác Hảo la lớn, mở mắt ngồi bật dậy, mồ hôi trên đầu túa ra, ngực không ngừng phập phồng thở phì phò. Một lát sau hắn mới phát hiện bản thân đã ướt đẫm mồ hôi.

Lau đi nước mắt trên mặt, Hác Hảo ôm lấy đầu đi vào nhà tắm ...

---------

Hai ngày sau, Hác Hảo nhận được một cú điện thoại.

"Cậu là Hác Hảo?"

"Vâng."

"Chúng tôi là công ty tiền tệ Phi Thiên. Cậu chắc hẳn biết chúng tôi gọi cái có việc gì?"

"Không ... rõ ..."

"Không rõ? Mày muốn đùa với tao hả? Chúng tao là muốn đòi tiền. Ông bà già nhà mày mượn tiền chúng tao, rồi dám cả gan nửa đêm chạy trốn. Con mẹ nó, ở nhà đàng hoàng chờ tao. Chúng tao đến tìm nhà mày ngay đây."

"Đêm ... trốn ...?"

"Đúng. Ông bà già nhà mày nửa đêm chạy trốn, chẳng những vậy còn mang theo bốn trăm bảy mươi vạn đồng nhân dân tệ! Khốn kiếp! May mắn còn thằng con đảm bảo, nếu không thật sự là mất luôn tiền rồi. Con mẹ nó, mày đừng mong là chạy trốn được nữa. Người của chúng tao đã bao vây toàn bộ nhà mày rồi. Tao sẽ lập tức đến đây ngay. Con bà nó, mày liệu hồn ở yên đó cho tao!"

Điện thoại bị ngắt. Tay Hác Hảo vẫn nắm chặt tai nghe điện thọai, không dám tin mình vừa nghe được cái gì?

Ba mẹ mang tiền chạy trốn? Còn không đi trả nợ ? Không nói tiếng nào liền chạy trốn?

Mới rồi bọn họ nói là nợ bao nhiêu tiền?

Không phải chín vạn sao? Làm sao ... làm sao thoắt cái biến thành bốn. trăm. bảy. mươi. vạn?! Làm sao có thể như thế được!!!

Hết chương 2

(*)Niếp nhĩ : Ông sinh ngày 14 tháng 2 năm 1912 tại Côn Minh tỉnh Vân Nam trong một gia đình đông y nghèo. Năm 1918 vào học trường tiểu học trực thuộc Trường Sư phạm Côn Minh, lúc học ở trường thành tích xuất sắc, lại thích âm nhạc, ngoài giờ học theo các nghệ sĩ âm nhạc dân gian học thổi sáo, kéo nhị.v.v., am hiểu âm nhạc truyền thống. Năm 1925 thi vào Trường Trung học Liên hợp Số 1 Vân Nam. Lúc này Niệp Nhĩ đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của sách báo tiến bộ và bài ca cách mạng như "Quốc tế ca". Năm 1927 thi vào Trường Sư phạm Số 1 Vân Nam, cùng bạn tổ chức nhóm âm nhạc mang tên "Cửu Cửu Âm nhạc xã", thường xuyên tham gia hoạt động biểu diễn âm nhạc, hý kịch trong và ngoài trường, đồng thời bắt đầu học vĩ cầm và dương cầm.

Tháng 11 năm 1930, Niếp Nhĩ tham gia "Đồng minh chống đế quốc" tại Thượng Hải. Tháng 3 năm 1931 kéo vĩ cầm trong nhóm nhạc "Minh Nguyệt Ca kịch xã", còn tự học dương cầm, hoà âm học, cách soạn nhạc. Tháng 4 năm 1932, ông quen biết nhà viết kịch kiêm nhà thơ cánh tả Điền Hán, đã có mối liên hệ với giới văn nghệ cánh tả. Tình bạn và hợp tác với Điền Hán đã ảnh hưởng sâu sắc thành tựu nghệ thuật của Niếp Nhĩ. Tháng 8 năm 1932 ông đi Bắc Bình (nay là Bắc Kinh), tích cực tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức xây dựng Liên minh nhà hý kịch cánh tả và Liên minh Nhạc sĩ Cánh tả, đồng thời theo thầy người nước ngoài tên là Tô-nốp tiếp tục học kéo vĩ cầm. Tháng 11 trở lại Thượng Hải.

Niếp Nhĩ về Thượng Hải không bao lâu thì đi làm tại Công ty Điện ảnh Liên Hoa (联华影业公司). Ông tham gia các công việc âm nhạc, hý kịch, điện ảnh của cánh tả, cũng như các hoạt động sáng tác và bình luận. Đồng thời còn tham gia nhóm âm nhạc "Liên Tô chi Hữu xã", khởi xướng tổ chức "Hội Nghiên cứu Âm nhạc mới Trung Quốc", sau đó lại tham gia nhóm âm nhạc Liên minh Nhà hý kịch Cánh tả Trung Quốc.

Năm 1933 Niếp Nhĩ bắt đầu nở rộ trong sáng tác, đã sáng tác các bài hát "Bài ca khai quặng" (开矿歌), "Bài ca bán báo" (卖报歌), mang lại điều mới mẻ cho mọi người. Tháng 4 năm 1934, Niếp Nhĩ đến Công ty đĩa hát Bách Đại, cùng Nhiệm Quang cùng chủ trì ban âm nhạc, đã tổ chức ghi một số đĩa hát bài hát tiến bộ. Năm này là "năm âm nhạc" của ông, các bài hát "Bài ca con đường lớn" (大路歌}, "Tiên phong mở đường" (开路先锋), "Bài ca tốt nghiệp" (毕业歌), "Phụ nữ mới" (新女性), "Bài ca công nhân bến cảng" (码头工人歌), "Bài ca tiến lên" (前进歌), ca kịch "Bão táp trên sông Dương Tử" (扬子江暴风雨) cũng như các tác phẩm khí nhạc dân tộc "Rắn vàng múa rộn" (金蛇狂舞), "Thúy hồ xuân hiểu" (翠湖春晓), v.v. đều hoàn thành trong năm này. Năm 1935, ông đã sáng tác các bài "Khúc hát Mai nương" (梅娘曲), "Bài ca thăm hỏi", "Thôn nữ vùng biên phía bắc" (塞外村女), "Bài ca tự vệ", "Giọng ca nữ dưới đường sắt" (铁蹄下的歌女) cùng bài "Hành khúc nghĩa dũng quân" (义勇军进行曲) sau này được định là quốc ca.

Ngày 18 tháng 4 năm 1935, Niếp Nhĩ đến Tokyo. Tại Nhật, Niếp Nhĩ đã khảo sát tình hình âm nhạc, hý kịch, điện ảnh Nhật Bản, giới thiệu với giới văn nghệ Nhật Bản diễn biến mới của âm nhạc Trung Quốc, đồng thời học ngoại ngữ và âm nhạc. Ngày 17 tháng 7 năm 1935, Niếp Nhĩ không may bị chết đuối khi bơi ở thành phố Fujisawa, huyện Kanagawa. Năm đó Niếp Nhĩ mới 23 tuổi.

Thêm Bình Luận