Sau khi trở về doanh trại, Nguyên Hãng cố gắng nhớ lại những gì diễn ra trong sử sách, Diễn Châu lần này cấp báo e không phải là chuyện nhỏ.
Sau khi suy nghĩ một hồi, Nguyên Hãng cũng đã nhớ được phần nào, nếu cậu không nhầm thì lần này Đại Việt sẽ mất cả phủ lộ Nghệ An và trấn Diễn Châu vào tay Chiêm Thành.
Nói qua một chút về tình hình hiện nay của Đại Việt, có thể nói là bi đát vô cùng. Toàn bộ phần đất phía Nam trước đây đã giành được hiện đều bị cướp hết.
Hai châu Ô, Rí và các phần lãnh thổ mà các vị vua trước lấy được đều đã bị mất, cũng chính là hai trấn Tây Bình và Thuận Hóa ( hay vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa- Thiên Huế ngày nay)
Đại Việt chỉ còn kiểm soát vùng đất từ phía bắc sông Gianh trở ra,nhưng cũng thường xuyên bị quân Chiêm Thành quấy phá, cướp bóc.
Triều đình vẫn duy trì quân phòng bị ở biên giới phía Nam, nhưng do lực lượng suy yếu quá nhiều nên không đủ quân số để phòng thủ trên toàn tuyến, chỉ có một số doanh lũy ở các vị trí trọng yếu.
Phủ Nghệ An ( bao gồm cả tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) là phủ lộ lớn nhất của Đại Việt. Thủ phủ là phủ lộ Nghệ An trực tiếp quản lý tám huyện và bốn châu khác.
Theo biên chế lưu giữ ở binh bộ, ở đây có hai vệ quân chính quy của triều đình với quân số xấp xỉ năm ngàn người, chia nhau trấn thủ ở phủ lộ và châu Nhật Nam ( vị trí đại khái với thành phố Vinh và thành phố Hà Tĩnh ngày nay).
Tiếp đến là quân biên phòng với quân số khoảng hai ngàn người, chia nhau đóng giữ ở hai mươi đồn lũy lớn nhỏ dọc bờ sông Gianh.
Mỗi huyện lại có một đô lính lộ quân, làm nhiệm vụ duy trì trị an, bắt trộm cướp.
Ngoài ra còn có dân binh của các làng xã, có từ năm đến mười người mỗi xã.
Do tình hình đặc thù nên được bổ sung thêm quân tiếp viện từ các phủ trấn khác như Diễn Châu, Thanh Đô.
Nếu tính theo con số trên sổ sách toàn phủ lộ Nghệ An có khoảng mười hai ngàn quân, trong đó quân tinh nhuệ chiếm một nửa, có thể nói là lực lượng khá mạnh.
Nhưng vì là phủ lộ lớn nhất, diện tích vừa dài vừa rộng nên con số mười ngàn quân tưởng nhiều nhưng lại hoàn toàn không đủ để phòng ngự hiệu quả.
Trong sồ mười hai ngàn quân, chỉ có sáu ngàn là quân chính quy, được trang bị khá tốt nên có sức chiến đấu tương đối, nhưng chỉ đủ để bảo vệ hai trấn quan trọng nhất và một số yếu đạo.
Số còn lại là biên quân, lộ quân và dân binh, trang bị nghèo nàn, thiếu huấn luyện, đối phó với trộm cướp nhỏ thì còn được, khi gặp toán cướp lớn đã có chút quá sức càng không nói đến quân chính quy của Chiêm Thành.
Đó là còn chưa tính đến con số mười ngàn chỉ là trên sổ sách,thực tế có bao nhiêu thì chỉ có trời mới biết.
Mà trấn Diễn Châu thì nằm giữa phủ Nghệ An và trấn Thanh Đô; trấn Diễn Châu gồm bốn huyện : Thiên Đông (Yên Thành hiện nay), Phù Dung (Quỳnh Lưu hiện nay), Phù Lưu (một phần Quỳnh Lưu hiện nay), Quỳnh Lâm (một phần Quỳnh Lưu hiện nay), trị sở nằm ở Thiên Đông ( thị trấn Diễn Châu ngày nay).
Mấy lần trước quân Chiêm đều đánh qua Nghệ An, đánh lên trấn Diễn Châu, rồi lại đánh qua trấn Thanh Đô ( Thanh Hóa ) rồi tiến ra bắc.
Lần này quân báo nói Diễn Châu cấp báo, không lẽ phủ Nghệ An đã hoàn toàn bị đánh chiếm. Nhưng nghĩ kỹ lại thì không đúng, nếu phủ Nghệ An bị đánh trước thì phải có tin báo về mới đúng.
Tùng..tùng..tùng..
Loạt trống điểm tướng vang lên đánh tan suy nghĩ mông lung của Nguyên Hãng, cậu vội vã đội mũ, đi nhanh đến lều chỉ huy.
Đến nơi Nguyên Hãng đã thấy toàn bộ quan quân từ đô phó đã có mặt đông đủ, gương mặt đều không giấu được sự lo lắng, xem ra tin tức đã lan truyền khắp nơi.
Lúc này, chỉ huy cao nhất của quân Thần Vũ bắt đầu tóm lược tình hình và phổ biến kế hoạch tác chiến cho mọi người.
Nguyên Hãng cuối cùng cũng hiểu tại sao cấp báo lại về từ Diễn Châu.
Đêm hôm kia, rạng sáng hôm qua, quân Chiêm Thành men theo cửa Lạch Vạn, bất ngờ đổ bộ tấn công trực diện vào trị sở của trấn Diễn Châu.
Quân phòng thủ ở đây chỉ có chưa tới ngàn người, hoàn toàn bị áp đảo về số lượng, hơn nưã lại bị tập kích bất ngờ nên chưa đầy một tiếng đã bị đánh tan. Quân Chiêm Thành sau đó tràn vào cướp phá thị trấn và các làng xã xung quanh rồi mau chóng theo quan đạo tấn công ra bắc.
Quân Chiêm Thành lần này hành động khác với lẽ thường, không ngờ dùng thuyền biển, vòng qua Nghệ An đánh thẳng vào Diễn Châu.
Trước đó do điều chuyển lực lượng tiếp viện cho Nghệ An nên quân số ở Diễn Châu giảm mạnh từ hai ngàn xuống chỉ còn tám trăm nên mới bị đánh cho không kịp trở tay.
Quan trấn thủ Diễn Châu sau đó đã tập hợp được khoảng hai ngàn quân, lập tuyến phòng thủ ở Quỳnh Lâm, là nơi quan đạo chạy thẳng ra kinh đô.
Quan trấn thủ cũng là người có kinh nghiệm chinh chiến nên ít nhất còn có thể tập trung lại quân binh để chống giữ, cầm chân địch, không đến mức tan tác hàon toàn.
Hai bên kịch chiến đến tận đêm hôm qua, tuy tạm thời quân địch chưa đánh tan được tuyến phòng thủ nhưng tình hình cũng không hề tốt.
Trong hai ngàn quân binh, chỉ có vài trăm lính chính quy, còn lại đều là lộ quân, dân binh, dựa vào đồn lũy mới giữ được chân địch.
Quan trấn thủ một mặt chống địch, một mặt cho ngựa hỏa tốc báo tin về kinh.
Thượng hoàng sau khi nhận được tin tức đã mau chóng điều cấm quân chi viện cho Diễn Châu. Lần này quan chỉ huy lại là Lê Quý Ly, phó tướng là Đỗ Tử Bình.
Quân chi viện bao gồm năm vệ : Thần Dực, Thần Vũ, Thiên Uy, Thiên Thương, Long Tiệp ; cùng với đó là vương hầu quân của các vị vương hầu, tổng cộng khoảng ba vạn quân.
Các quân chỉ có hai canh giờ ( một canh giờ bằng hai giờ ) để chuẩn bị, sau đó lập tức xuất phát.
Nhận được mệnh lệnh, toàn bộ doanh trại quân Thần Vũ trở lên tất bật.
Các quan thuộc công bộ lục sở xứ mau chóng điều tập lương thảo, quân giới, lều trại. Những thứ này đều là cái đầu tiên cần chuẩn bị cho chiến trận.
Các quan quân khác thì mau chóng trở về doanh của mình mệnh lệnh binh lính chuẩn bị lên đường.
Thời này đồ tư trang của binh lính không có nhiều nên chỉ cần thu dọn một chút là xong, toàn bộ quân binh mang theo vũ khí tập trung ngoài giáo trường.
Chưa đến hai giờ đồng hồ, toàn bộ quân binh đã tập hợp xong, tiếng trống vang lên, từng đội binh lính xếp thành hàng bốn lần lượt dời doanh, theo sau là mấy chục xe trâu trở lương thực, khí giới.
Đi theo quan đạo khoảng một giờ, lúc này xuất hiện trước mắt Nguyên Hãng là một bến tàu lớn, đây là bến tàu phía Nam kinh thành của triều đình ( Vị trí đại khái gần với đền thờ Chử Đồng Tử thuộc xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội ngày nay)
Bến tàu được xây dựng trên một bãi bồi lớn nhô ra phía sông, một dải đất dài vài trăm mét, rộng vài chục mét chạy song song với bãi bồi tạo thành một luồng ra vào cho tàu thuyền.
Quy mô của bến tàu chừng vài cây số vuông, có hàng rào gỗ bao quanh, cổng vào bến có tháp canh gác.
Lúc này bến tàu đang vô cùng náo nhiệt, từng toán quân binh của các vệ quân tập kết tại bãi sông.
Phía dưới lòng sông, từng chiếc thuyền đáy bằng đậu san sát, từng chiếc ván gỗ lớn được bắc làm cầu cho người ngựa lên thuyền.
Do địa hình nước ta có nhiều sông lớn nên hệ thống giao thông đường thủy rất phát triển, vương triều nhà Trần lại phát tích từ nghề chài lưới nên càng chú trọng đến thủy quân.
Tuy hiện nay thế nước đã suy yếu nhưng thủy quân Đại Việt vẫn duy trì được vị thế của mình, số lượng tàu chiến, tàu vận tải vẫn khá hùng hậu.
Lần này huy động tới năm mươi thuyền vận tải, hơn trăm chiến thuyền, nhìn tàu thuyền nối đuôi nhau đen kịt cả một vùng nước mà Nguyên Hãng cảm khái không ngừng.
Hạ lệnh cho quân lính của mình lên một chiếc thuyền vận tải, đội ngũ binh lính mau chóng ổn định, có thể thấy hiệu xuất làm việc của quân đội nhà Trần vẫn rất nhanh.
Giờ Ngọ ( khoảng 13h chiều) đoàn thuyền bắt đầu rời bến, đi đầu là năm mươi chiến thuyền, tiếp đến là năm mươi thuyền vận tải, cuối cùng là năm mươi chiến thuyền áp hậu.
Lần này quân chi viện được chia thành hai đường, một đường di chuyển theo dường bộ, một đường theo đường thủy.
Đường bộ do Lê Quý Ly trực tiếp chỉ huy, gồm ba vệ Thiên Uy, Thiên Thương, Long Tiệp và quân của vương hầu, số lượng khoảng hai vạn.
Đạo quân này sẽ di chuyển theo quan đạo, hợp quân với lực lượng ở trấn Thanh Đô, tạo thành phòng tuyến ngăn địch tiến về kinh thành.
Mà đạo quân đường thủy do Đỗ Tử Bình thống lĩnh, gồm hai vệ Thần Dực, Thần Vũ và một số ít quân vương hầu, lực lượng khoảng một vạn.
Đạo quân này sẽ có nhiệm vụ kết hợp với quân trấn thủ ở Nghệ An bảo vệ phủ này, đồng thời đánh vu hồi phía sau quân Chiêm Thành.
Hai đạo quân trước sau cùng tiến, trận địa chiến chậm rãi mở màn.