Hạng Vũ nghe nói lập tức dẫn Hoàn Sở cùng bọn tùy tướng đến bên vực.
Thần mã thấy có người đến, nhảy xổ tới, cắn đá rất hăng. Hạng Vũ xăn áo, túm lấy bờm ngựa ghì xuống, con ngựa không cử động nổi. Hạng Vũ lấy dây cương tròng vào, rồi cưỡi mươi vòng quanh bờ vực, thần mã toát mồ hôi, đứng rũ chân không còn dám hung hăng như trước.
Dân chúng thấy vậy đều sụp lạy, hoan hô, và xin cho biết danh tính.
Hạng Vũ nói:
- Tôi là Hạng Vũ, cháu Hạng Yên, quan Ðại tướng nước Sở thời xưa, nhân đi mộ quân đánh Tần mới qua đây.
Trong đám dân chúng có một ông lão đến gần nói:
- Tôi nghe danh tướng quân đã lâu nay mới gặp mặt, xin mời tướng quân quá bộ đến thảo trang, cùng xơi với lão một chén trà.
Hạng Vũ nhận lời, kéo cả đoàn quân đến nơi.
Ông lão đặt tiệc thiết đãi rất ân cần.
Hạng Vũ hỏi:
- Thưa lão trượng, chẳng hay lão trượng phương danh là chi, cớ sao có thịnh tình này?
Ông lão đáp.
- Tôi họ Ngu, người ta thường gọi tôi là Ngu Công, vì trọng tài tướng quân nên đem lòng quyến luyến. Chẳng hay tướng quân niên kỷ được bao nhiêu?
Hạng Vũ thưa:
- Tôi năm nay 24 tuổi.
Ngu Công hỏi:
- Và, đã có người nội trợ để nâng khăn sửa túi chưa?
Hạng Vũ đáp:
- Chí cả chưa thành, tôi chưa nghĩ đến chuyện đó.
Ngu Công ngập ngừng đáp:
- Lão hiếm hoi, chỉ có một gái tên Ngu Cơ, tư chất thông minh, tánh tình trang nhã. Khi tiện thê gần sinh cháu, mơ thấy năm con phượng đến múa trước nhà, lão chắc con gái lão sau này có số giàu sang, vì vậy lâu nay có ý chọn mặt gởi vàng. Nếu tướng quân không câu nệ nghèo hèn, lão xin đem tiện nữ dâng hầu tướng quân làm bầu bạn.
Hạng Vũ thấy lòng quyến luyến của Ngu Công, rất hân hoan, đứng dậy xin cảm ơn.
Ngu Công gọi Ngu Cơ ra chào. Thực là một đóa hoa tuyệt mỹ, giá đáng nghìn vàng.
Hạng Vũ cởi thanh kiếm đeo bên mình dâng cho Ngu Công làm lễ hứa hôn, rồi bái từ trở về Cối Kê, dẫn Hoàn Sở và Vũ Anh vào yết kiến Hạng Lương.
Hạng Lương thấy hai tướng hình dung vạm vỡ, khí phách kiêu hùng, lại dẫn theo hơn tám ngàn tinh binh đến đầu phục, lờng mừng rỡ vô cùng.
Hạng Vũ dắt con thần mã đến trình Hạng Lương.
Hạng Lương trông thấy con ngựa mình cao bảy thước, dài hơn một trượng, liền đặt tên là ô Truy, và nói:
- Từ ta khởi binh đến nay gặp nhiều may mắn, có lẽ trời khiến nhà Tần phải diệt vong.
Cách mấy hôm, Hạng Lương cho đón Ngu Cơ về Cối Kê kết hôn với Hạng Vũ.
Ngu Cơ lại đem theo một người em họ là Ngu Tử Kỳ để dùng.
Từ đó, thanh thế Hạng Lương mỗi ngày một mạnh, các binh sĩ đào vong bốn phương nghe tiếng tìm đến hơn mười vạn.
Hạng Lương thấy binh hùng, tướng mạnh, lương thực đầy đủ, liền định ngày xuất quân đánh Tần.
Ngày khởi binh đến, các bô lão nơi thành Cối Kê ra đứng cả hai bên vệ đường, nói:
- Tướng quân ra đi, chúng tôi còn biết lấy ai trông coi chúng tôi.
Hạng Lương xuống ngựa, kính cẩn nói:
- Khi trước tôi lấy thành Cối Kê là tạm mượn chỗ để lưun đồn nhân mã. Nay đại quân đóng lâu ngày sợ nhiễu loạn nhân dân chăng? Tôi vì sanh linh trừ hôn quân vô đạo. Nếu nghiệp cả được thành, quyết chẳng bao quên ơn nơi đã giúp tôi khởi nghĩa.
Các bô lão đều cảm động, phục xuống đất, quyến luyến không nở rời.
Hạng Lương bùi ngùi ra lệnh ba quân tiến phát.
Ðại binh theo đường lớn, kéo thẳng qua sông Giang, đến sông Hoài.
Bỗng đạo tiền quân dừng lại, và có thám mã chạy đến báo:
- Phía trước có một toán quân ngăn đường.
Hạng Vũ vội vã giục ngựa tới trước, thấy trong toán quân đó có một tướng mặt mày vạm vỡ, khí thế uy nghi liền hỏi:
- Tướng kia là ai? Cớ sao lại cản đường quân ta?
Tướng ấy đáp:
- Ta là người đất Lục An, tên Anh Bố, lâu nay chiêu tập nghĩa binh để trừ gian, cứu thiên hạ. Các ngươi là toán quân vô danh ở đâu đến đây, ta quyết chẳng cho đi.
Hạng Vũ đáp:
- Tướng quân lầm rồi! Ta đây là Hạng Vũ, con cháu Hạng Yên nước Sở, bởi vua Nhị Thế bạo tàn nên dấy binh khởi nghĩa, trả thù cho sáu nước chư hầu, sao lại gọi là vô danh?
Hai người còn đang tranh phải trái, Hoàn Sở nghe tên Anh Bố, vội thúc ngựa ra trước quân, gọi lớn:
- Hiền huynh ơi! Hãy xuống ngựa quy hàng. Tiểu đệ đã tùng phục theo nước Sở rồi, xin hiền huynh giữ lời hứa cũ.
Hạng Vũ ngạc nhiên hỏi Hoàn Sở:
- Có lẽ hai người quen thân với nhau sao?
Hoàn Sở nói:
- Thưa phải. Anh tướng quân vũ dũng siêu quần, ít người sánh kịp. Trước kia phải đi làm phu dịch ở Li Sơn, bỏ trốn đến nhà tôi tá túc. Hai tôi có hẹn nhau, lúc nào gặp được anh quân sẽ cùng nhau đem thân giúp nước. Vừa rồi, tôi có nghe Anh Bố chiêu tụ nghĩa quân, nhưng chẳng rõ thực hư. Nay gặp mặt, thật may mắn.
Anh Bố xuống ngựa nói:
- Nếu ngài đã vì đại nghĩa dấy binh, tôi xin tình nguyện đem thân giúp sức.
Hạng Vũ mừng rỡ, dẫn Anh Bố đến yết kiến Hạng Lương.
Hạng Lương tiếp đón niềm nở và nói:
- Muôn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Ðược tướng quân cộng tác, chẳng khác nào như hùm thêm vây.
Nói xong truyền thống hợp binh mã, tiếp tục lên đường.
Một hôm, Hạng Lương bàn với chư tướng:
- Quân mạnh, tướng hùng là điều kiện tất yếu trong quân, song trí dũng lúc nào cũng phải đi đôi với nhau mới có lợi. Quân ta sức mạnh đủ đánh Tần, chỉ thiếu một người mưu sĩ.
Quý Bố nói:
- Tôi nghe thôn Cư Sào, hạt Hoài Dương có một người họ Phạm tên Tăng, tuồi đã bảy mươi mà mưu trí còn thừa, dẫu Tôn, Ngô ngày xưa cũng khó bì kịp. Nếu Minh Công muốn dùng, tôi xin đi rước.
Hạng Lương mừng rỡ, sai Quý Bố đem lễ vật đến mời Phạm Tăng.
Quý Bố đến Cư Sào tììm nhà trọ nghỉ ngơi, dò hỏi tông tích Phạm Tăng.
Người chủ trọ nói:
- Ông ấy tuy ở gần thành thị, song không thích cảnh phố phường, lâu nay mai danh ẩn tích, chẳng chịu tiếp kiến ai bao giờ.
Quý Bố nghĩ thầm:
- Nếu không được giáp mặt Phạm Tăng làm sao bày tỏ cạn lời.
Nghĩ rồi hỏi chủ trọ:
- Ông có biết nhà Phạm Tăng hiện ở đâu chăng?
Chủ trọ đáp:
- Cách đây ba dặm, nơi chân núi Kỳ Cổ có ngôi nhà lá đó là nhà Phạm Tăng.
Quý Bố nghĩ ra môt kế, sai đứa tùy tùng giả làm khách buôn đến nói với người nhà Phạm Tăng:
- Chúng tôi người xứ lạ, đến Cư Sào buôn bán, chẳng may gặp vận rủi, hàng hóa lỗ lã nghe đồn tiên sinh đây là bậc kỳ mưu, đến xin yết kiến để lãnh vài lời chỉ giáo.
Phạm Tăng nình nhật vốn thích việc bày mưu, lập kế, nghe người nhà nói có khách buôn từ phương xa lại, liền cho vào.
Quý Bố lập tức cùng với tên tùy tùng vào yết kiến.
Thấy Phạm Tăng tóc bạc da mồi, khăn nâu áo vải, mà khí tượng đường bệ, ra vẻ tiên phong, đạo cốt, vội vã cúi chào.
Phạm Tăng hỏi:
- Khách từ đâu đến? Nghề nghiệp gì?
Quý Bố lập tức dâng lễ vật, quỳ mọp xuống đất thưa:
- Tiện nhân không phải khách xa lạ, cũng chưa từng buôn bán ở Cư Sào, vì sợ không được yết kiến Tiên sinh nên mượn lời nói vậy. Nay vua Nhị Thế vô đạo, lòng dân oán vọng, hào kiệt nỗi lên chiếm đất giành dân, mưu đường tiến thủ. Hạng tướng quân tôi vốn dòng dõi Hạng Yên nước Sở, tài kiêm văn vũ, lòng sẵn hiếu trung, vừa phất cờ khởi nghĩa ở Cối Kê, muôn dân hưởng ứng. Trộm nghe Tiên sinh mưu trí, hơn người, Tôn, Ngô, không sánh kịp, nên sai tôi đem lễ vật đến dâng, nếu được Tiên sinh giúp sức thì việc đại nghĩa ắt thành, xin tiên sinh vì cảng lầm than của thiên hạ, ra cứu dân độ thế.
Pham Tăng bảo Quý Bố đứng dậy chỉ ghế mời ngồi và nói:
- Việc đồ vương định bá không thể quyết định trong chốc lát được. Túc hạ đã đến đây, xin tạm trú nơi tệ xá, ngày mai sẽ bàn.
Quý Bố cứ quỳ mãi dưới đất năn nỉ:
- Hạng tướng quân tôi mong được Tiên sinh chẳng khác nắng hạn trông mưa, lòng nóng như đốt, xin Tiên sinh vì cảnh điêu linh của muôn dân, đem tài cứu vớt, thiên hạ sẽ mang ơn Tiên sinh không nhỏ.
Phạm Tăng thấy Quý Bố năn nỉ quá, bất đắc dĩ phải nhận lời.
Tối hôm ấy Phạm Tăng bấm độn xem vận mệnh nước Sở, bỗng thở dài lẩm bẩm:
- Thôi! Ta lầm rồi! Sở không phải chân mệnh, khó lòng giúp nên công. Nhưng kẻ trượng phu đã nói một lời không thể thay đổi.
Hôm sau, Phạm Tăng thu dọn hành lý, cùng đi với Quý Bố đến giúp Hạng Lương.
Hạng Lương hay tin sửa sang áo mão, ra ngoài năm dặm đón rước vào đại trại, và nói:
- Lương tôi nghe tiếng Tiên sinh đã lâu, lòng khao khát, ngặt bận rộn việc quân, chưa đến bái yết được. Nay Tiên sinh không nỡ bỏ kẻ ngu hèn này đến đây dạy bảo, thật Lương tôi thỏa chí bình sinh.
Phạm Tăng đứng lên nói:
- Dòng dõi tướng quân mấy đời thờ nước Sở, nay vì dân khởi nghĩa, thiên hạ ai chẳng nức lòng. Tăng này dẫu tuổi già trí cạn, được tướng quân đoái tưởng, quyết tận tâm mưu tính nghiệp vương, để đền ơn tri ngộ.
Từ đó Hạng Lương cùng Phạm Tăng ngày đêm bàn tính việc quân cơ, rất tương đắc.
Một hôm Hạng Lương sai người đi dò thám tin tức Trần Thắng.
Quân thám thính về báo:
- Trần Thắng bị tướng Tần là Trương Hàm đánh bại, chạy về đất Nhữ Âm, bị tên Trang Giả gϊếŧ chết. Chư hầu đều giải tán cả. Quân Trương Hàm hiện còn đóng ở Nam Dương.
Hạng Lương thất kinh, nói:
- Ta họp chư hầu cốt để giúp Trần Thắng đánh Tần, ngờ đâu Trần Thắng lại tử trận rồi. Quân ta không nên khinh thường kinh động.
Ðoạn, mời Phạm Tăng đến thương nghị.
Phạm Tăng nói:
- Trần Thắng là hạng tầm thường, chỉ tham lợi nhỏ mà không thấy được đại cuộc. Dẫu sống cũng chẳng làm được trò gì.
Hạng Lương hỏi:
- Thế nào là lợi nhỏ, thế nào là đại cuộc?
Phạm Tăng nói:
- Phàm kẻ mưu đại cuộc trước hết phải chinh phục lòng dân. Trong lúc muôn dân ly tán, không phân tính được chân, thiện, ác, lẽ ra Trần Thắng phải tìm dòng dõi vua Sở trước kia lập lên để tỏ ra mình vì đại nghĩa, đàng này Trần Thắng tự lập mình, cho mọi người nghi ngờ hành động của mình, rõ là kẻ bất trí.
Hạng Lương nghe Phạm Tăng nói, ngẩn người một lúc, rồi hỏi:
- Việc thất bại của Trần Thắng có ảnh hưởng gì đến đường tiến thủ của chúng ta chăng?
Phạm Tăng đáp:
- Dĩ nhiên đó là một bài học. Cứ như tướng quân khởi nghĩa chuyến này, dân chúng đâu đâu cũng hưởng ứng, vì tin chắc rằng tướng quân dòng dõi tôi thần nước Sở, tất sẳn lòng lập con cháu vua Sở lên làm vua. Mà như thế là chính nghĩa. Danh chánh ngôn thuận là một sức mạnh tuyệt đối, thắng bạo lực.
Hạng Lương cho là phải, liền dùng Phạm Tăng làm quân sư, sai người đi tìm con cháu vua Sở đem về lập lên ngôi.
Bọn thủ hạ đi tìm mãi không thấy tông tích con cháu vua Sở đâu cả.
Hạng Lương tức giận sai Chung Ly Muội dẫn một đám thủ hạ đi tìm.
Chung Ly Muội nói với bọn thủ hạ:
- Nước Sở từ khi bị nhà Tần diệt, con cháu ly tán, nếu còn thì nay cũng đổi họ tên, lẩn trốn nơi hoang dã, khó mà tìm được.
Ðoạn, cùng với bọn tùy tùng cất bước, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm mà vẫn chưa tìm ra tông tích.
Một hôm, đi đến địa phận Nam Hoài, thấy một lũ chăn dê đang đuổi đánh một đứa trẽ đồng bọn.
Ðứa trẽ bị đánh ấy mặt mũi khôi ngô, trán cao, vai rộng, không phải như những đứa trẻ tầm thường, Chung Ly Muội gọi đứa trẻ ấy lại, hỏi:
- Tại sao chúng lại xúm nhau đánh mày như thế?
Ðứa trẻ đáp:
- Tôi vốn không nhà cửa.., mẹ cha, ở làm con nuôi cho nhà Vương Xã trưởng, vì vậy chúng nó khi dễ. Vừa rồi tôi nói với chúng nó rằng: "Chúng bây dẫu có mẹ cha, nhà cửa, nhưng là con nhà tầm thường, ta đây tuy không nhà cửa, mẹ cha, nhưng là dòng dõi nhà vua. Chúng cho tôi nói láo, xúm nhau đuổi đánh.
Chung Ly Muội nghe nói, có ý mừng thầm, hỏi vội:
- Em nói em là con cháu nhà vua, vậy quê quán em ở đâu?
Ðứa bé ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi từ nhỏ lưu lạc đó đây, nay cũng không nhớ đâu là quê quán.
Muội hỏi vặn mãi, đứa bé sợ hãi bỏ chạy, Muội nắm áo kéo lại nói:
- Ðừng sợ! Ta muốn hỏi để biết rõ mà giúp đỡ em đó thôi.
Ðứa bé đứng trù trừ một lúc, rồi mới nói:
- Tôi năm nay mười ba tuổi, đến đây đã tám năm rồi. Mẹ tôi nói tôi là cháu đích tôn vua Hoài Vương nước Sở.
Ðứa bé nói chưa cạn lời, Chung Ly Muội đã truyền bọn tùy tùng bế đứa bé bỏ lên lưng ngựa thẳng đến nhà Vương Xã trưởng.
Vương Xã trưởng thấy quân lính đến nhà ồ ạt, sợ liền quỳ trước cửa rên rĩ:
- Tôi là kẻ tiều phu thảo dã, không rõ phép nước chẳng hay có điều gì lầm lổi xin các ngài dung thứ!
Chung Ly Muội đặt đứa bé lên giường cao ngồi rồi nói:
- Hay mời người mẹ đứa trẻ này ra đây cho ta nói chuyện.
Xã trưởng vâng lời chạy xuống bếp thay quần áo cho bà lão rồi dắt lên yết kiến Chung Ly Muội.
Chung Ly Muội hỏi lai lịch, bà lão ban đầu sợ sệt tìm lời chối quanh, nhưng sau thấy Chung Ly Muội một mực kính cẩn, liền lấy ra một chiếc áσ ɭóŧ mình đã cũ, đưa cho Chung Ly Muội xem.
Chung Ly Muội thấy trên áo có nét chữ, nhưng không rõ là chữ gì, bèn giơ lên trời xem, mới đọc được. Dòng chữ viết:
" Cháu đích tôn vua Hoài Vương nước Sở tên Mễ Tâm, Phu nhân Thái tử nước Sở là Vệ Thị ".
Dưới dòng chữ có đóng dấu quốc bảo của nước Sở.
Chung Ly Muội xem xong mừng rỡ, gọi Xã trưởng nói:
- Ông hãy thay áo quần sạch sẽ cho đức Ðiện hạ, rồi cùng tôi đưa đức Ðiện hạ đến hội kiến Hạng tướng quân, ông sẽ được trọng thưởng.
Vương Xã trưỏng mừng rỡ, lấy quần áo cho Mễ Tâm thay rồi theo Chung Ly Muội đến Hoài Tây.
Hạng Lương hay tin, hội cả văn võ ra ngoài ba dặm tiếp đón, rồi tôn Mễ Tâm lên làm vua hiệu là Hoài Vương, Vệ Thị làm Vương Thái hậu.
Hoài Vương phong Hạng Lương làm Võ Tín Quân, Hạng Vũ làm Ðại Tư Mã phó tướng quân, Phạm Tăng làm quân sư, Quý Bố và Chung Ly Muội làm Ðô Kỵ, Anh Bố làm Thiên Tướng quân, Hoàn Sở, Vũ Anh làm Tán Ky.
Bá quan văn võ thảy đều được hưởng hàm ân.
Còn Vương Xả trưởng được thưởng năm mươi lạng vàng, cho về quê quán.
Ngày hôm sau, có tướng nước Sở tên Tống Nghĩa đang mộ quân ở Giang Hạ, hay tin Hạng Lương lập con cháu nước Sở, liền dẫn ba vạn quân đến quy phục.
Hoài Vương phong Tống Nghĩa làm Khanh Tử Quán Quân, cùng với Hạng Vũ thống lãnh binh mã đi đánh Tần.
Tống Nghĩa bàn với Hạng Vũ:
- Hoài Tây tuy là đất Sở, nhưng đóng đô không tiện. Nay Trần Anh hiện đang đồn quân ở Vu Thai, nơi đó địa thế hiểm trở, lúc tiến có thể đánh, lúc lui có thể giữ, ta nên đến đó chiêu dụ Trần Anh lấy Vu Thai làm căn bản để xử sự.
Hạng Vũ khen phải, liền vào tâu với Hoài Vương, rồi chỉnh đốn ba đội quân, chia làm ba đạo, kéo thẳng đến Vu Thai.
Ðạo tiên phong vừa kéo đến sông Hoài, thấy phía trước có bụi cát bay mịt mù, rồi một toán quân ồ ạt kéo đến.
Hạng Lương và Phạm Tăng cùng dừng ngựa lại xem, thấy tinh kỳ tề chỉnh, kiếm kích huy hoàng.
Phạm Tăng giật mình, lẩm bẩm:
- Chao ôi! Toán quân uy nghi như thế, kẻ cầm đầu phải là bậc siêu quần.
Vừa nói dứt lời, chợt thấy một tướng cỡi ngựa vọt tới trước đầu quân, mũi phụng, mặt rồng hào quang sáng chói.
Phạm Tăng thở dài, than:
- Ta lầm rồi! Chính người này mới là vị chơn chúa.