Sau khi Trương Lương từ biệt Hán vương, một mặt viết biểu sai người đem về Bành Thành dâng cho Hạng Vương, một mặt đem mấy tên đầy tớ đắc lực lẻn đến hai xứ Bình Dương và Lạc Dương.
Nhắc lại, Hạng Vũ ở Bành Thành, một hôm thiết triều đàm đạo việc nước, bỗng có thủ quan ở Hàm Dương sai người về cầu cứu.
Cứu binh chưa phát, thì lại được tin Hàm Dương thất thủ, Hán vương chiếm đóng rồi, các quận, huyện đều hàng phục.
Hạng vương nổi giận vỗ án hét:
- Ðứa thất phu ấy tài cán gì mà dám phá Tam Tần, lấy Hàm Dương. Nếu ta không bắt sống được Lưu Bang và Hàn Tín thề không trở về đây nữa.
Phạm Tăng nói:
- Trước kia tôi đã tỏ ý một là dùng Hàn Tín, hai là gϊếŧ đi để trừ hậu hoạn, Ðại vương không nghe, bây giờ thì đã muộn.
Hạng vương nói:
- Chương Hàm già yếu, còn lũ Tư Mã Hân, Ðổng Ể là lũ bất tài, nên mới bị Hàn Tín mưu lừa. Nếu quân ta kéo đến, Lưu Bang và Hàn Tín trốn đi đâu cho thoát.
Hạng vương nói vừa dứt lời thì có tin Trương Lương ở nước Hàn, sai người dâng mật biểu, và đem cả bức phản thư của nước Tề đến trình.
Hạng vương truyền chỉ cho vào.
Sứ giả vào bệ kiến, Hạng vương mở mật biểu ra xem.
Biểu rằng:
" Tư đồ nước Hàn là Trương Lương, cúi đầu thành khẩn Tây Sở Bá vương khán hạ.
Lương tôi đội ơn không gϊếŧ, được về bản quốc mai táng vong quân. Từ ấy đến nay tiêu dao non nước, khi vào núi hái cỏ chi, lúc đến khe xem nước biếc, cốt lánh mùi phú quí, vinh hoa. Tuy nhiên, dẫu không màng danh lợi ơn vua cũng chẳng hề quên. Vừa rồi, Hán vương cho mời, nhưng tôi đã từ thác, không ham địa vị, công hầu. Hai nước Tề, Lương lại cho người đến triệu tôi luôn, tôi lấy cớ bệnh hoạn từ chối. Vua hai nước ấy biết không dùng tôi được, nên sau có truyền hích đến bản quốc, rủ cùng phản Sở, nói lắm điều ngông cuồng. Tôi đội ơn Ðại vương lẽ nào lân quốc manh tâm làm loạn mà không mật báo? Tôi liệu kiến thức Hán vương chẳng qua chỉ cầu được Hàm Dương, như lời ước trước kia là đã mãn nguyệt rồi, không bao giờ dám cả gan đánh Sở. Duy có Tề và Lương hai nước ấy âm mưu thôn tính thiên hạ, chí không phải nhỏ. Xin Ðại vương, trước phát binh vấn tội Tề, Lương, trừ mầm phản loạn, sau sẽ xem Hán vương có hành động gì khác chăng. Nếu Hán vương có nuôi mầm phản Sở thì chừng ấy ra uy trừ khử cũng chưa muộn. Cái nguy của Ðại vương là Tề và Lương, xin Ðại vương suy xét. "
Hạng vương xem tờ biểu xong đại mở bức hịch của Tề vương ra xem.
Hịch rằng:
" Chúng tôi thiết nghĩ, ngôi trời dành cho người có đức kẻ thất đức không thể trị thiên hạ được. Xét như Hạng vương vào Quan Trung bội ước với Hán vương chôn sống mấy vạn người vô tội, gϊếŧ vua Hoài vương chiếm đoạt thiên hạ, hành động ấy trái với nhân đạo, trái với lòng người. Chẳng những chư hầu chúng ta có trách nhiệm diệt ác sùng thiện, mà khắp trong dân chúng ai cũng muốn trừ Hạng vương để cứu sinh linh. Nay xin kính đệ hịch văn thông đạt chư hầu, quí quốc nên vì nhiệm vụ chung phát binh cùng gϊếŧ đứa vô đạo là Hạng Tịch để đem lại ngôi trời cho người biết trọng nhân nghĩa. Muôn dân sẽ cảm phục."
Hạng Vũ đọc Xong, mặt giận hầm hầm, vỗ án hét:
- Hai đứa thất phu sao dám vô lễ dường ấy. Ta thề diệt Tề, Lương trước, rồi sẽ trừ Hán sau.
Phạm Tăng vội vã can:
- Xin Ðại vương nguôi giận. Ðó là kế Trương Lương sợ quân ta đánh Hán, nên giả hịch văn khích Ðại vương, khiến quân ta lo đánh Tề, Lương mà không động gì đến Hán.
Hạng vương nói:
- Thật ra Tề và Lương đang mạnh hơn Hán, nếu hai nước ấy có ý phản loạn mà không lo trừ trước thì làm thế nào được?
Phạm Tăng nói:
- Nếu Ðại vương muốn phạt Tề, Lương trước thì phải truyền hịch cho hai xứ Lạc Dương và Bình Dương phòng bị cẩn mật đừng để cho quân Hán tràn xuống mặt Ðông mới xong.
Hạng vương theo lời, truyền hịch phát binh đánh. Giữa lúc đó, Trương Lương đến Bình Dương, vào nội thành xem phong cảnh, non sông tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, rõ là nơi vua Nghiêu trước kia lập nghiệp, nay thuộc về Tây Ngụy, người, vật phồn thịnh, sông núi xây nên thành quách thiên nhiên, tạo thành chốn thủy tú sơn kỳ, khiến cho khách hậu sanh chạnh lòng hoài cổ.
Trương Lương đến trước Ngụy vương cung, sai tả hữu vào báo với Ngụy vương.
Ngụy Báo (tức Ngụy vương) phán hỏi quần thần:
- Trương Lương đột nhiên đến đây khẳn có điều gì khác các ngươi có biết chăng?
Quan Ðại phu Chu Thúc tâu:
- Trương Lương là một tay thuyết khách lợi hại không kém Tô Tần, Trương Nghi. Nay đến đây tất dùng lời dẫn dụ, Ðại vương nên để ý mới được.
Ngụy Báo gật đầu nói:
- Không ngại gì! Nếu hắn dụng lời thuyết khách ta đã sẵn có thanh bảo kiếm đây.
Chu Thúc can:
- Ấy chết! Trương Lương được tiếng là người hiền, ai nấy đều khâm phục. Ðến như Bá vương còn chưa nỡ gϊếŧ ; xin Ðại vương dùng lời tiếp đãi, chớ nên dụng uy. Chỉ cần không nghe lời hắn là đủ.
Ngụy Báo liền truyền tả hữu an tọa, và đòi Trương Lương vào chầu.
Trương Lương bước vào thi lễ, Ngụy Báo hỏi:
- Nghe nói tiên sinh đang ở dưới cờ Hán vương, nay nhục lâm đến tệ bang hẳn có điều chỉ giáo?
Trương Lương nói:
- Khi trước Hán vương qua tệ quốc, mượn tôi đem đi đánh Tần. Việc xong, tôi đã trở về nước Hàn rồi. Mới đây Hán vương phá Tam Tần, định Hàm Dương, lại cho người đến mời tôi nữa. Từ ngày tôi trở về nước đã có ý rời bỏ phú quí công danh, không nghĩ đến cuộc đời trần thế, lấy cảnh vật tiêu dao. Tuy nhiên, Hán vương là bậc anh quân, đầy lòng nhân nghĩa, không đến e vô lễ. Vì vậy tôi phải đến yết kiến. Nay nhân đường về, ghé ngang qua đây tiện dịp vào thăm Ðại vương.
Ngụy Báo nghe nói mừng rỡ, đặt tiệc khoản đãi.
Trong lúc uống rượu, Ngụy Báo hỏi:
- Hiện nay sáu nước tung hoành, Hán, Sở giao chiến, theo cao ý của Tiên sinh thi việc hưng thịnh, tồn vong như thế nào, xin nói cho ta nghe thử?
Trương Lương nói:
- Nếu luận về thế sự thì xưa nay đạo đức bao giờ cũng tồn tại. Hán, Sở đang tranh nhau, mặc đầu Hán còn đang yếu, nhưng có ngày thành đạt. Sở tuy mạnh, nhưng có lúc phải diệt vong. Bằng chứng là chỉ trong vòng hai tháng. Hán vương phá Tam Tần, định Hàm Dương đến đâu dân chúng đều ngưỡng mộ. Yếu tố ấy quyết định cho tương lai. Vì, đã nói đến việc thiên hạ phải lấy lòng dân làm gốc. Hiện nay lòng dân không ai không hướng về Hán vương. Ðến như tôi, một kẻ không màng công danh phú quí việc đời gạt bỏ ngoài tai, thế mà được lời mời, không nỡ bỏ qua, phải đến tận nơi yết kiến. Còn như chư hầu hai nước lớn nhất là Yên, Tề vừa rồi cũng nạp cống xưng thần với Hán. Như thế đủ biết sự nghiệp nhà Hán sau này tất thịnh.
Ngụy Báo nghiêng mình, bưng chén rượu trao cho Trương Lương, và hỏi tiếp:
- Cứ như ý của Tiên sinh thì Hán vương sau này tất đoạt thiên hạ, lên ngôi thiên tử. Tôi tự nghĩ, tôi được thụ phong nơi đây nhưng khó giữ vững địa vị lâu dài. Nghe lời nói của Tiên sinh tôi muốn thuộc ý với Hán, chẳng hay Tiên sinh có vui lòng tiến cử chăng?
Trương Lương nói:
- Lương tôi vốn hâm mộ Ðại vương là người hiền, vì vậy đi qua đây phải vào yết kiến. Nếu Ðại vương muốn về Hán cũng không khó khăn gì. Hán vương là bậc đạo đức, khoan hậu, Ðại vương về Hán sẽ không mất vương vị mà còn được hưởng nhiều phú quý.
Chu Thúc đứng sau bình phong, thấy Trương Lương thu phục được Ngụy Báo, liền bước ra tâu:
- Xin Ðại vương chớ nghe lời Trương Lương, lỡ Bá vương hay được phát binh phạt Ngụy thì làm sao chống nổi? Tương lai chưa thấy, nhưng thực tại Sở mạnh hơn Hán nhiều.
Trương Lương nhìn Chu Thúc cười khanh khách, không nói.
Chu Thúc lấy làm lạ hỏi:
Trương Lương nói:
- Tôi cười Ðại phu là kẻ nông cạn, chỉ thấy được việc trước mắt mà không hình dung nổi việc tương lai. Vả chăng cái thế yếu mạnh không phải ở chỗ nhiều quân nhiều tướng, mà là ở chỗ có thắng hay là không thắng.
Chu Thúc đưa mắt nhìn Trương Lương, ngơ ngác hỏi:
- Tiên sinh muốn nói cái mạnh cái yếu như thế nào?
Trương Lương nói:
- Chương Hàm trấn thủ nơi Thượng Tần, quân hai mươi vạn, so với quân Hán thì quân Chương Hàm đông gấp năm lần, thế mà Hàn Tín chỉ dùng một trận thủy chiến, Chương Hàm phải tự sát. Như thế việc yếu mạnh không phải ở quân lực mà là ở chỗ biết thời thế.
Chu Thúc hỏi:
- Thế nào là biết thời thế?
Trương Lương nói:
- Trong thế chiến có ba điều lợi: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về thiên thời, Hán vương trảm xà khởi nghĩa, ứng theo lòng trời, mặt rồng mũi cao, đi đứng có tường vân hiện thực là chân mệnh đế vương. Về địa lợi, Hán vương lui vào Ba Thục chỉnh đốn quân binh, chiếm Quan Trung là nơi đế đô quan trọng, lợi khí bừng bừng. Về nhân hòa Hán vương đem đạo đức đãi mọi người, bốn phương tùng phục, chư hầu mến yêu. So với Bá vương điều đó thật không có. Trước vào Quan Trung bội ước, gϊếŧ Hoài vương, chôn sống mấy vạn dân, đem uy vũ trấn áp nhân tình, tuy bên ngoài bá tánh tùng phục, nhưng bên trong chan chứa oán hờn. Thời thế như vậy mà quan Ðại phu không thấy sao?
Chu Thúc bị Trương Lương nói một hồi, tinh thần rối loạn, không còn biết đường nào cãi lại.
Ngụy Báo đứng phắt dậy nói:
- Trương Tiên sinh luận rất cao kiến, nhà ngươi mau mang tả hàng biểu, chuẩn bị lễ vật để sang đầu Hán. Nếu sau này Hạng vương có đem binh phạt Ngụy, sẽ cùng Hán vương đồng tâm chống Sở đó mới thật la kế vạn toàn.
Trương Lương ung dung nói tiếp:
- Ðại vương muốn hàng Hán thì cứ sai người đem biểu đến dâng, không cần phái nhờ đến Lương tôi làm chi.
Vì nếu Lương tôi dự vào việc này e mang tiếng là thuyết khách mà Ðại vương vốn không ưa kẻ thuyết khách, chực thanh bảo kiếm để xử tội kẻ ấy kia mà.
Ngụy Báo và Chu Thác nghe Trương Lương nói, cả hai đều thẹn đỏ mặt nghĩ thầm:
- Quái lạ! Trương Lương có phép gì mà lại hiểu thấu được lòng kẻ khác?
Ngụy Báo đỡ lời:
- Xin Tiên sinh chớ nghĩ thế? Ta đâu dám nghi Tiên sinh là thuyết khách, và đâu có ý xâm phạm đến Tiên sinh. Tiên sinh là bậc siêu nhân ở đời này ai mà chẳng biết. Xin Tiên sinh vui lòng tiến cử cho.
Bấy giờ Trương Lương mới nhận lời đảm đương việc tiến dẫn.
Hôm sau, Trương Lương cùng Chu Thúc đến Hàm Dương, Hán vương hay tin mừng rỡ triệu vào yết kiến.
Chu Thúc bước vào quỳ lạy dâng biểu và các đồ cống lễ.
Hán vương sai mở biểu tuyên đọc.
Biểu rằng:
" Tây vương ngụy Báo cúi đầu trình tấu.
Trộm nghe, sông ngòi trăm nẻo, chung qui tụ về biển sâu, chim chóc ngàn nơi, cuối cùng tìm về cây rậm. Nước Ngụy tôi ở về phía Tây, ít chiêm Vương Hóa. Mới đây nghe Bệ hạ chế phục Tam Tần, Chương Hàm nộp mạng phú an Bách việt, Tề, Sở sợ uy. Thiên hạ qui tâm, chư hầu ngưỡng mộ, ấy vậy mệnh trời đã định, Bệ hạ là chủ muôn người, tôi xin tuân theo lẽ trời xưng thần nộp cống, ngữa mong soi xét, được hầu hạ long nhan "
.
Hán vương nghe lời biểu, lòng rất hân hoan, truyền mở tiệc khoản đãi Chu Thúc rất hậu.
Chu Thúc mừng rỡ, nghĩ thầm:
- Trung Lương khen Hán vương là bậc nhân đức, lời ấy quả không sai.
Hôm sau, Chu Thúc xin về, Hán vương truyền Trương Lương thảo phúc thư trao Chu Thúc đem về nước, lại ban ân tứ rất hậu.
Chu Thúc về đến nơi, ca tụng đạo đức của Hán vương với Ngụy Báo.
Ngụy Báo mừng rỡ mở thư ra xem.
Thư rằng:
" Hán vương kính trao Ngụy vương túc hạ.
Bang tôi nghe tiếng tức hạ đã lâu! Túc hạ là dòng dõi Tất Công nhà Châu, trót lầm theo phiên thần nước Sở, Bang tôi vẫn lấy làm tiếc. Nay túc hạ kết hiếu với tệ bang, hiệp lực đồng tâm, an bang tế thế, Bang tôi rất vui mừng, từ nay an nguy có nhau, lấy nhiệt tâm tương trợ. Túc hạ có lòng, Bang tôi lấy làm may mắn ".
Ngụy Báo đọc thư xong, sai tả hữu đem cất vào thủ viện, đoạn mở tiệc ăn mừng.
Thế là Tây Ngụy đã bội Sở về Hán rồi.
Trương Lương du thuyết Tây Ngụy đã thành công, liền đến Lạc Dương, đem theo Phàn Khoái, Quán Anh và một nghìn nhân mã. Lúc đi đường, Trương Lương dặn hai tướng cứ y kế mà làm. Hai tướng tuân lệnh.
Vua Lạc Dương là Thân Dương từ khi được Lục Giả trở về, chọn ngày họp mặt bàn quốc sự.
Một hôm, đang bàn bạc, bỗng có quân báo:
- Trương Lương từ Hàm Dương sang đây, và xin vào yết kiến.
Thân vương hỏi Lục Giả:
- Trương Lương thân hành đến đây chắc có điều quan trọng?
Lục Giả nói:
- Trương Lương đến tất vì Hán vương mà thuyết khách. Ðại vương đã có lòng về Hán, cũng nên mời Trương Lương vào tiếp đãi tử tế. Còn nếu Ðại vương một đòng phò Sở thì bắt quách Trương Lương giải về Bành Thành lãnh thưởng. Phạm Tăng vốn ghét Trương Lương, nếu Ðại vương bắt Trương Lương đem nạp thế nào cũng được Phạm Tăng tán tụng công đức Ðại vương trước mặt Bá vương. Như thế là nghiệp lớn của Ðại vương thêm vững bền.
Thân vương nói:
- Ta đã thụ phong với Sở lẻ nào bỏ Sở về Hán.
Lục Giả nói:
- Nếu vậy tôi xin lánh mặt. Lúc Trương Lương vào, Ðại vương không cần hỏi lời nào cả, chỉ truyền bắt Trương Lương là đủ.
Vua tôi bàn định xong, sai môn hạ ra gọi Trương Lương vào.
Trương Lương nghĩ thầm:
- Thân Dương bàn định một lúc lâu mới gọi ta, tất Lục Giả bày kế gì đây. Tuy nhiên, ta đã phòng bị trước thì còn lo gì nữa.
Nghĩ rồi, thong dong bước vào. Nhưng chưa kịp thi lễ Thân Vương đã chống gươm đứng lên trên thềm quát lớn:
- Trương Lương, ngươi đến đây tất du thuyết cho Hán vương. Trước đây Bá vương có chiếu chỉ, hễ gặp Trương Lương thì phải bắt giải nạp. Nay ngươi đến nước ta thực là hợp lúc.
Nói xong hô vũ sĩ bắt trói. Vũ Sĩ ra tay, bắt Trương Lương trói lập tức, không cho nói nửa lời.
Trói xong, Thân Vương truyền Quách My lãnh một ngàn quân, áp giải Trương Lương về Bành Thành.
Quách My vừa giải Trương Lương ra khỏi điện, Lục Giả bước ra nói với Thân vương:
- Quách My đến yết kiến Bá vương sợ không đủ trí khôn để ứng đối. Vậy tôi xin theo về Bành Thành, trước là để dò xem Bá vương đánh Tề, Lương như thế nào, sau là thông hiếu với Phạm Tăng, để Phạm Tăng rõ được thiện ý của Ðại vương.
Thân vương nghe nói rất vừa lòng, lập tức sai sắm sửa lễ vật để Lục Giả sang Bành Thành.
Lục Giả bái tạ, thẳng tiến lên đường, lòng riêng khấp khởi tự hào mình đã làm được một việc kỳ tuyệt.
Ngờ đâu Quách My giải Trương Lương đi chưa đầy hai mươi dặm, bỗng nghe trước mặt, trong khu rừng, có tiếng chiêng trống vang rền, rồi từ bên trong xông ra một tướng, hùng hổ quát lớn:
- Quân mã nào? Áp giải ai? Ðịnh đi đâu? Muốn sống phải nạp ba trăm cân vàng thì mới qua được.
Quách My vỗ ngựa đến nói:
- Ta là Ðại tướng ở Lạc Dương, phụng mệnh vua giải phạm nhân đến Bành Thành dâng nộp Bá vương. Nhà ngươi có mắt, có tai tất biết oai vũ của Bá vương rồi. Vậy nên nhường lối ta đi, kẻo mất đầu đó.
Viên tướng ấy nổi giận nói:
- Bá vương và Thân vương của bây ta coi như đứa con nít, đừng đem ra dọa vô ích.
Nói xong, tướng ấy cầm kích nhảy đến đánh. Quách My vội vàng nghênh chiến.
Chưa đầy hai hiệp đã bị tướng ấy phóng cho một kích, Quách My nhào xuống ngựa chết tươi.
Quân sĩ thấy vậy, vội vã điệu Trương Lương vào rừng lẩn trốn.
Tuy nhiên, tướng ấy đuổi theo rất gấp.
Vừa được ba bốn dặm thì gặp Lục Giả dẫn ba, bốn tên tùy tùng từ Lạc Dương đi đến.
Tướng ấy hét:
- Hãy xuống ngựa chịu trói cho rồi.
Lục Giả thất kinh, nhìn kỹ té ra tướng ấy là Phàn Khoái.
Phàn Khoái hối quân trói Lục Giả lại, rồi chạy thẳng vào rừng giải cứu cho Trương Lương.
Khi Trương Lương được mở trói, trông thấy Lục Giả bị trói gô bên gốc cây, mỉm cười trách:
- Ngươi đã theo Hán vào Bao Trung ba năm rồi, Hán vương đối đãi với ngươi không bạc, cớ sao ngươi lại nỡ phản phúc?
Lục Giả nói:
- Tôi đi theo Hán vương cũng như Tiên sinh bỏ Hàn phò Hán vậy. Tiên sinh không quên được Hàn thì làm sao tôi quên được Ngụy?
Trương Lương cười lớn nói:
- Ngươi dẫu biện bác thế nào cũng không che được tội lỗi! Ðã đành rằng ngươi không nở quên Ngụy. Tuy nhiên, lấy cái cớ không quên ấy để phản phúc thật là kẻ tầm thường. Ngươi thấy ta có bao giờ phản Hán không?
Ngươi đem ta so sánh với ngươi là việc ngu xuẩn.
Lục Giả nói:
- Tôi đã hỏi vua Ngụy thờ Sở hay thờ Hán, vua Ngụy nhất định thờ Sở, vì vậy tôi mới hiến kế bắt Tiên Sinh để vua Ngụy trọn bổn phận làm Sở thần.
Phàn Khoái nghe nói nổi giận hét:
- Lục Giả bắt Tiên sinh nộp Sở để tỏ lòng trung của Thân vương ; vậy thì ta bắt Lục Giả về nạp cho Hán để tỏ lòng trung của ta, nói làm chi cho nhiều.
Dứt lời, bắt Lục Giả bỏ vào tù xa, giải về hướng Tây.
Quân của Thân vương theo giải Trương Lương thấy vậy bỏ chạy về Lạc Vương cấp báo.
Thân vương được tin, vội vã điểm một nghìn quân cấp tốc đến nơi. Nhưng chỉ thấy núi rừng hiu quạnh, không có một bóng người nào..
Còn đang do dự, bỗng gặp ba bốn hành khách, vác hành lý từ con đường lớn đi vào.
Thân vương sai quân hỏi thăm, khách đáp:
- Chúng tôi vừa ở con đường ấy đến đây, không gặp một nhân mã nào cả.
Thân vương sợ bọn Phàn Khoái gϊếŧ mất Lục Giả, vội thúc quân truy cản.
Ðang cơn sốt ruột, bỗng nơi ven rừng có một tiếng pháo lệnh, Phàn Khoái vung kích ra chặn giữa đường hét lớn:
- Ta tha chết cho đó, nhà ngươi hãy mau xuống ngựa quy hàng.
Thân vương đánh vài hiệp, thấy Phàn Khoái mạnh quá, liệu bề cự không lại, thúc ngựa chạy vào mé rừng.
Trời tối mịt, Thân vương chạy được một lúc, bỗng vấp vào một dây giăng ngang, cả người ngựa đều té xỉu.
Quân Hán bắt Thân Vương trói lại.
Phàn Khoái ra lệnh thâu quân, dẫn Thân Vương đem nạp cho Trương Lương.
Trương Lương trông thấy Thân vương vội bước đến mở trói mời ngồi, và nói:
- Lương tôi phụng mệnh đến mời Ðại vương họp binh đánh Sở, chẳng ngờ Ðại vương chưa đợi Lương tôi thưa, đã bắt ngay nộp Sở. Lương tôi buộc lòng phải bày mưu như vậy. Xin Ðại vương nghĩ kỹ hàng phục Hán đi.
Thân vương nói:
- Việc đã đến thế này tôi còn cưỡng lại được sao?
Vậy tôi xin mời Tiên sinh đến Lạc Dương để tôi thu xếp công việc rồi sẽ theo về Hán.
Trương Lương bằng lòng, cùng với Phàn Khoái kẻo về Lạc Dương.
Khi đến dưới thành, Thân vương đã thấy trên thành cắm cờ Hán. Một viên tướng chỉ xuống nói lớn:
- Ta là Hán tướng Quán Anh, phụng mệnh quân sư đến đây lấy thành. Nhà ngươi còn chỗ đâu mà trở về đây nữa.
Thân vương hoảng sợ, nghĩ thầm:
- Trương Lương là bậc thần nhân.
Lúc đó, Trương Lương thúc ngựa đến, gọi Quán Anh nói:
- Hãy mở cửa thành cho vào.
Cửa thành mở, Trương Lương dắt Thân vương vào.
Ðược một lúc lại có quân báo:
- Một toán quân Hán tiếp ứng, cầm quân là Chu Bột và Sài Vũ, hiện ở ngoài thành, muốn vào yết kiến Quân sư.
Trương Lương truyền hai tướng vào, hỏi ra mới biết, sau khi Trương Lương ra khỏi Hàm Dương, Hàn Tin sợ Trương Lương thiếu binh lực, nên cắt hai tướng ấy dẫn ba ngàn tinh binh theo sau đề phòng tiếp cứu. Nhưng hai tướng đến nơi thì đã được tin Trương Lương lấy Lạc Dương rồi.
Thân vương ngơ ngác nghĩ thầm:
- Hán vương có bầy tôi trí dũng như vậy, cơ nghiệp thế nào cũng thành. Nay mình về Hán là phải lắm rồi.
Hôm sau, Trương Lương đem Thân Vương, Lục Giả cùng các tướng trở về Hàm Dương phục lệnh.
Hán vương mừng rỡ, tiếp đón Thân Vương rất hậu, lại tha tội cho Lục Giả, sung vào làm tùy phái nơi dinh Nguyên soái.
Một hôm Hàn Tín bàn với các mưu sĩ:
- Nay nơi Lạc Dương và Tây Ngụy đã bình xong, Chúa thượng hằng mong việc Ðông Chinh, ngặt vì đức Thái công hiện nay còn ở Phong Bái, nằm trong tay của Hạng vương, các ngài có kế gì hay chăng?
Ðại tướng Vương Lăng đứng dậy nói:
- Tôi có hai người bạn thân tên Chu Cát và Chu Lợi, hiện đóng ở Nam Dương, quân sĩ hơn ba vạn. Tôi xin đưa tin cho hai người ấy mật đưa đức Thái công và hộ tống gia quyến đến đây.
Hàn Tín nghe nói mừng rỡ, liền tâu với Hán vương sai Vương Lăng đi đón Thái công.