Chương 1: Hồi 1: Kỉ niệm - Nhật kí

Lưu ý: Hồi 1 là những kí ức đã qua được kể lại dưới góc nhìn của Vũ Tuấn Anh khi đã trưởng thành.

***

Tuổi thơ chẳng qua chỉ là một khoảng thời gian có hạn định, thanh xuân ngắn ngủi thế, đời người cũng vậy. Nhưng vì cớ gì mà sự khoảng cách của hai ta lại trở nên vô hạn định?

...

Gió khẽ đưa, thổi vào phòng tôi sự thanh mát lâu ngày không gặp. Tôi dạo bước ra ngoài ban công, ngửa cổ tận hưởng cái vỗ về dịu dàng của gió trời.

"Ê, Tuấn, trời đẹp vậy mà không đi chơi à?" - đứa đang í ới gọi tôi khi tôi vừa mới ló mặt ra ngoài là thằng Đức, ở cùng khu trọ với tôi, cũng là bạn cùng khóa.

"Không đi." - tôi chầm chậm hồi tưởng lại hai lần trước đi chơi chung với nó. Rõ là nó nói nó bao cả cuối cùng lại để đứa nghèo rớt mồng tơi như tôi trả tiền.

"Không đi thật hở? Có mối mới đấy." - nó trưng ra dáng vẻ đáng thương nhìn tôi, cố gắng diễn vai một nhân vật vô tội trong vở kịch chẳng có tí chân thành nào.

"Không đi."

"Tao thề lần này nhất định không để mày trả tiền." - nó cười ngốc rồi lấy ví tiền ra như để chứng thực cho lời nói.

"Đừng có dụ tao, tao sắp chuyển trọ rồi, phải sắp xếp lại đồ nên bận lắm."

Nụ cười trên môi nó dần không còn tươi nữa, nó oán trách nhìn tôi như thể tôi vừa gây cho nó thiệt hại lớn lắm, mà thật sự là vậy.

"Mày không đi thì tao cũng không đi nữa." - thằng Đức tháo mũ bảo hiểm, chuẩn bị quay xe.

"Có phải mày lên cơn rồi không? Nhà tao còn sẵn thuốc này Đức, mày vì tao mà không đi chơi á hả?" - tôi cười lớn, cố ý trêu nó - "Mày tốt với tao như thế khiến tao nghĩ mày thực sự có ý với tao đấy."

Nó nghe xong, vội vã đạp chân chống xe xuống, chuẩn bị xông đến chỗ tôi thì nhận được cuộc gọi đến. Đức tắt máy xong thì lại đội mũ bảo hiểm lên cái đầu nóng đến bốc khói rồi nổ máy xe chạy đi. Trước đó vẫn không quên tặng cho tôi một cái chỉ tay cùng một câu đe dọa

"Đợi tao về thì mày không qua đêm nay đâu."

Trước câu nói không có tính sát thương của nó tôi chỉ bật cười, nói thêm một câu làm ngọn lửa trên đầu nó cháy không còn đường dập

"Mày về được đêm nay rồi tính. À còn một chuyện nữa, tuần sau thi rồi, liệu mà ôn tập."

Tôi nói xong thì xe nó cũng đi xong dãy trọ, không biết có nghe được lời tôi nói hay không. Tôi lắc đầu đi xuống dưới khu trọ, nhìn về phía cây bàng đầu ngõ. Đã là đầu hạ, bàng đã thay xong lá từ lâu, tôi đợi nó vậy mà cũng hết bốn năm ròng rồi. Gió vẫn đưa đều, mây trên trời lúc đậm đặc kéo về, lúc lại giận dỗi tách nhau ra, nhưng những thứ vô tri ấy đâu hiểu được lòng tôi đang rối bời thế nào. Nút thắt trong lòng như một thứ vũ khí lợi hại giam hãm tôi, rõ ràng tôi là người giữ đầu nút nhưng lại chỉ khiến nó càng lúc càng thắt chặt hơn. Không quá đau đớn nhưng lại là một loại dày vò. Sự chờ đợi người kia giống như là nắng ấm giữa trời đông những cũng giống như một loại cô độc từng chút nuốt chửng tôi.

Lá bàng đung đưa từng tán xào xạc, tôi ngước nhìn tán lá rộng rồi đưa tay ngắt xuống một chiếc lá non. Thằng Đức một câu gọi tôi là Tuấn, hai câu gọi tôi là Tuấn, nó đâu biết Tuấn là cái tên mà tôi mong ngóng đến mức nào. Nếu bây giờ đem tôi đi giải phẫu cũng có thể thấy trên xương tủy của tôi đều chạm lên cái tên ấy.

Tôi trở lại phòng bắt đầu công việc thu dọn. Đồ của tôi không nhiều, bình thường cũng ngăn nắp nên không cần đến hai tiếng đã dọn xong. Khi mọi thứ ổn định, tôi mới để ý đến cái vali đã bám bụi dày ở góc phòng.

Tôi kéo vali ra giữa phòng, dùng khăn phủi đi lớp bụi. Tôi đã mua vali khác từ lâu nên đối với món đồ cũ này tôi cũng chẳng nhớ mình cất gì phía trong nữa. Tôi kéo khóa sang hai bên rồi chầm chậm nâng một mặt lên, ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ chiếu thẳng vào làm hiện lên từng lớp bụi, tôi còn ngửi được thứ mùi ấy đang dần hòa tan trong khí. Tôi nhấc tấm bằng khen của trường từ năm nhất ra, bên dưới là tập hồ sơ và một số dụng cụ mĩ thuật không dùng đến, sau khi xếp hết những thứ bên trên ra ngoài tôi phát hiện phía dưới còn có quyển sổ ghi chép đã cũ lắm rồi, mép sổ bị bung ra hết cả, tấm bìa cũng đã ngả màu, ở bìa ngoài còn nguệch ngoạc mấy chữ "Nhật kí đời tôi". Tôi bật cười rồi lấy quyển sổ ra, bên dưới vẫn còn một quyển sổ nữa, tình trạng vẫn khấm khá hơn chút so với quyển kia, ở trang đầu cũng đề bốn chữ như vậy nhưng nét chữ đã chững chạc hơn nhiều.

Cuộc sống còn quá nhiều điều phải bận tâm khiến tôi dần quên hẳn việc viết nhật kí. Tôi thử lục tìm các ngách trong phòng lần nữa nhưng cũng không tìm thêm được quyển nhật kí thứ ba. Tôi ngả lưng xuống tấm đệm dày, lật mở từng trang kí ức.

Trang đầu tiên của nhật kí có dán một tấm ảnh hồi nhỏ của tôi và thằng Tuấn. Tấm ảnh đã phai màu ghi lại khoảnh khắc hai đứa trẻ nhìn nhau cười toe toét. Tôi và Tuấn có thể xem là bạn nối khố, chơi với nhau từ cái thời còn chưa biết mở miệng gọi mẹ. Nói về ngày sinh thì Tuấn sinh 2/8, còn tôi sinh 3/8. Mẹ hay nói với tôi rằng cái ngày mẹ sinh tôi bão to lắm, nhà nó chạy về, còn nhà tôi thì chạy đi, nó cũng lấy cái việc chui ra trước tôi 24 giờ mà suốt ngày xưng anh với tôi. Rồi lại cái ngày đi làm giấy khai sinh, bố tôi đi cùng bố nó, bàn bạc thế nào mà lại đặt tên tôi là Tuấn Anh, còn tên nó là Anh Tuấn. Tôi với nó chính là lấy cái cụm từ trúc mã trúc mã kia để chọc nhau, một ngày không làm đứa kia nhăn mặt tự nhiên sẽ thấy không thoải mái. Cũng là từ cái kiểu chó chê mèo lắm lông cho đến ghét của nào trời trao của đấy.

Tôi và nó cùng được sinh ra tại một vùng quê nhỏ thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nơi thanh mát và yên bình với cây đa, giếng nước, mái đình, lớn lên cùng tiếng sáo diều vi vu cuối chiều, thoải mái chạy nhảy giữa cánh đồng lúa chín óng ả. Từ lúc mặt trời ló dạng đến khi màn đêm bao phủ vẫn có thể tìm thấy hình bóng chăm chỉ của người nông dân.

Nhưng đấy đã là chuyện của mười mấy năm trước, còn giờ chỉ có thể hình dung bằng cụm từ thành thị giữa lòng nông thôn. Chỉ cần một vài năm không về quê thì không tìm được nhà mình là có thật, tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Tôi ngẩn ngơ tiếc cho những năm tháng ngày xưa, những ngày tháng có thể trầm mình dưới sông mát chứ không phải ngập rác như bây giờ, tôi tiếc cho những ngày tháng có thể chạy trên con đường đồng đầy đất chứ không phải rải kín bê tông. Tôi còn tiếc cả những đợt đi chăn bò suýt bị say nắng chứ không phải việc cấy gặt đều được tự động hóa như thế này dẫu biết rằng hiện đại hóa trong nông nghiệp là điều tất yếu.

Hồi nhỏ chỉ mong lớn thật nhanh, trưởng thành rồi mới thấy nợ tuổi thơ một lời cảm ơn chân thành. Nợ một khoảng thời gian chỉ có vui vẻ chứ không phải là lợi dụng và lừa dối. Không phải tự nhiên mà khi xem những bộ phim về tuổi thơ ngây ngô, hồn nhiên tôi lại khóc, tôi thấy nó như vẽ lên một giai đoạn cuộc đời mình chỉ là dưới góc nhìn khác. Thanh xuân ngắn ngủi, tuổi thơ cũng chẳng thể dài hơn.

_________

_Hết chương 01_