Vào ngày rằm tháng Bảy, cổng quỷ sẽ mở ra vào tết Trung Nguyên.
Một nữ nhân mang thai bụng lớn đã chết được ba ngày, xác bà bốc mùi hôi thối xen lẫn mùi tanh của máu.
Máu rỉ ra từ áo quan, từng giọt từng giọt thấm vào y phục tẩm liệm sạch sẽ.
Người trong thôn kể lại rằng có người từng nhìn thấy trên bụng của xác chết căng tròn in hằn một dấu tay nhỏ của trẻ sơ sinh đầy quỷ dị.
Một bà lão điên trong thôn tình cờ nhìn thấy, nửa đêm bà ta cầm dao rạch bụng xác chết ra, cười khúc khích bế một đứa trẻ từ trong vũng máu lên.
Đứa trẻ đó từ khi sinh ra chưa từng khóc một tiếng, thân phận kỳ bí doạ người, bị dân làng xem như quỷ nhi và bị vứt bỏ ở ở trên núi.
Nào ngờ, đêm đó người ta nghe thấy tiếng khóc thê lương đáng sợ của nữ nhân trong linh đường.
Sáng hôm sau, dân làng hoảng hốt quay lại tìm đứa trẻ.
Khi tìm thấy, đứa trẻ đang bò trên xác một con chó mực đã chết, toàn thân bé dính đầy máu.
Khi nhìn thấy có người xuất hiện, khuôn mặt máu me bê bết của bé lại nở một nụ cười ngây thơ, khiến những trai tráng trưởng thành trong thôn cũng không khỏi run sợ, đầu gối muốn nhũn ra.
Cuối cùng một ông thầy bói mù đặt tên cho đứa trẻ là “Dục.”
Bát tự y u ám, lại là “âm sinh tử.”
Thầy bói mù khẳng định: Đứa trẻ này vốn là hiện thân của tà niệm, một con quỷ hung ác đầy âm khí.
Cuộc đời y định sẵn là khác hẳn người thường, tham vọng vô đáy.
Cái tên “Dục” được đặt cho y giống như một dấu ấn tội phạm khắc trên mặt, là một ấn ký nhục nhã vĩnh viễn không thể xóa bỏ, để bất kỳ ai gặp phải y cũng phải đề phòng.
Những chuyện kỳ lạ này đã xảy ra hơn hai mươi năm trước, có vẻ hoang đường đến mức khó tin, nhưng điều khiến Tri Ngu càng bất ngờ hơn là trong thôn này chẳng có ai biết Thẩm Dục từng có một nhũ mẫu.
Sau khi hỏi thăm khắp nơi, Tuyết Như phát hiện ra hễ nhắc đến cái tên Thẩm Dục thì nét mặt của người trong thôn đều biến sắc.
Lúc này, Tri Ngu mới nhận ra có lẽ nàng đoán sai rồi.
Cảm giác mơ hồ khó tả lại dâng lên trong lòng, trực giác mách bảo nàng rằng Thẩm Dục không đơn giản như nàng tưởng…
Nàng an bài cho Thẩm Dục dưỡng thương ở một nơi kín đáo trong thôn quê.
Sau bao ngày bận rộn, cuối cùng Tri Ngu cũng lo liệu xong mọi việc.
Cũng may Tuyết Như rất tháo vát, chỉ cần một lời dặn là nàng ấy có thể hiểu và làm ngay.
Khi mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa, Tri Ngu giao cho Tuyết Như việc cuối cùng: Đưa Thẩm Trăn đến ngôi nhà khuất trong ngõ Mai Hoa để nàng ta trực tiếp chăm sóc Thẩm Dục.
Trong nguyên tác, Thẩm Dục đã trải qua những tháng ngày u ám, bị lũ trẻ nhổ nước bọt lên người hoặc đổ nướ© ŧıểυ vào vết thương.
Thậm chí, y còn bị những kẻ say rượu nửa đêm cầm gậy đánh gãy chân.
Dù không thể nhìn thấy gì nhưng Thẩm Dục chưa bao giờ từ bỏ cơ hội sống sót.
Ngay cả thức ăn thừa trong chén của chó, y cũng có thể nuốt xuống mà không biểu lộ bất kỳ cảm xúc nào.
Để sinh tồn, y giống như một quái vật không biết đau.
Sau này dù phong quang vô hạn, nhưng mỗi khi trời mưa, những khớp xương trên người y vẫn đau đến mức sống không bằng chết, một mắt gần như không thể nhìn thấy nữa.
Những ngày tháng đen tối đó không chỉ để lại trên người y những vết thương mà còn khiến tính cách y dần trở nên âm u lạnh lẽo.
Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác.
Y có một nơi che mưa che gió, có người dốc lòng chăm sóc, có cả đại phu tận tình chữa trị.
Quan trọng hơn là dưới sự chăm sóc của Thẩm Trăn, chắc chắn tình cảm của họ sẽ tiến triển nhanh chóng.
Hai tháng tới Tri Ngu không cần phải làm gì, chỉ cần ngồi mát hưởng bát vàng là được.
“Phu nhân yên tâm, nô tì đã tìm Thẩm Trăn và bảo nàng ta đi chăm sóc lang quân, nàng ta không hề phản đối…”
Tuyết Như mới trở về, tươi cười báo cáo tình hình.
Tri Ngu thấy nàng ấy vui vẻ như vậy, sợ Tuyết Như đã khi dễ Thẩm Trăn nên cẩn thận dặn dò: “Có phải ngươi đã quên những gì ta dặn rồi không?”
Ngoài việc bảo Tuyết Như ngừng gọi Thẩm Trăn là “tiện nhân,” Tri Ngu còn yêu cầu nàng ấy không được tuỳ tiện mạo phạm người ta.
Nếu làm Thẩm Trăn tức giận bỏ đi thì công sức của nàng trong suốt hơn một tháng qua coi như đổ sông đổ biển.