Quyển 7 - Chương 3: Bóng của con tôi đâu?

Lúc đó cô út mới lên mười bẩy tuổi, một cái độ tuổi lãng mạn, hay nói đúng hơn là cặp kè. Thời đó bên chùa Tầu, có mở một lớp dạy tiếng Trung miễn phí cho những ai muốn học. Nói về cô út, có thể nói là cô có sắc đẹp tuyệt trần, thêm vào đó lại thông minh, học giỏi, cho nên việc cô sang chùa Tầu học thêm tiếng Trung cũng là một điều dễ hiểu, vì cô út ham học lắm mà. Có lẽ trong tất cả bảy người con, bà ngoại thương cô út nhất vì bà luôn tin rằng cô út sau này sẽ có tương lai sự nghiệp, sẽ là niềm vinh hạnh lớn lao nhất của cuộc đời bà. Và có lẽ cái niềm kiêu hãnh của bà ngoại lại cầng được dâng cao hơn nữa khi mà cô út đang trong thời gian tìm hiểu, hay có cách khác là cặp kè với một anh bác sĩ trẻ tên là Quân. Hai người hơn nhau gần mười tuổi, nhưng đối với bà ngoại Linh thì đó chỉ là chuyện nhỏ, khi mà anh chàng này cũng là người có học thức, công ăn việc làm ổn định, và hơn nữa là cô út rất hạnh phúc khi ở bên người này thì hỏi bà ngoại Linh còn mong muốn gì hơn cơ chứ.

Nhưng cái trò đời, đâu phải lúc nào nó cũng được đẹp như ý người ta mong muốn cơ chứ. Đôi tình nhân trẻ này có thoi quén đó là thường ra cái gốc cây khế um tùm đầu đường ngồi đó ôn bài vở, hàn huyên tâm sự, và có thể chỉ là để được ở bên nhau mà thôi. Người xưa đã có quan niệm, những cây nào mà rợp bóng, thì đó chính là những mái nhà hoàn hảo cho những vong hồn không nơi nương tựa. Vào những dịp lễ tết, người ta thường kiêng bẻ cành cây mang về nhà vì như thế sẽ không khác gì rước vong về nhà cả. Vậy mà không hiểu sao ngày nay, người ta có lẽ đã quên đi, hoặc cũng có thể là coi thường cái quan niệm đó, họ mặc sức bẻ các cành cây đẹp mà họ coi là "cành lộc" mang về nhà chỉ để mấy ngày rồi vứt. Việc làm đó nói về nghĩa đen thì sẽ là tàn phá môi trường, hủy hoại cây xanh, hơn nữa là làm mất mĩ quan đô thị thành phố. Còn nói về nghĩa bóng, các bạn đã sẵn sàng nghe tôi nói chưa? Tôi tin là những người đang đọc ở đây chắc chắn có người đã làm những việc như bẻ cây mang lộc về nhà. Các bạn không việc gì phải lo sợ cả, vi tôi chẳng là ai mà buộc tội hay xử lý được các bạn, nhưng mong các bạn lưu ý và cẩn thận cho, vì cái cành cây mà bạn mang về nhà có lẽ sẽ không phải là cái cành lộc đâu, mà các bạn đang rước vong dữ về nhà đó, và rất có thể cái vong đó nó hợp tuổi, hợp số với bạn, biết đâu tết đó bạn sẽ được sang bên kia sự sống mà ăn tết với nó?

Các bạn cần chứng minh hả? Bố tôi ngày xưa từng đóng quân trên rừng, và ông có một người bạn cùng đóng quân và rất thích chơi mai rừng. Nhớ bố tôi kể, có một tết người bạn này lên lại nơi xưa đóng quân, anh ta kiếm được một cành mai đẹp lắm, thế là chặt mang về bầy, và ai đến chơi nhà cũng khoe cái cành mai đó. Đích thân bố tôi cũng là người đã đến chơi và nhìn thấy cái cây mai rừng đó, phải nói là cái cành mai đó đẹp trên cả tuyệt vời, nó mang hình dáng như một cô gái đẹp tuyệt sắc đang cong mình nhảy múa vậy. Có lẽ người bạn đó nghĩ rằng năm nay sẽ may mắn vì có một cành mai đẹp, nhưng chưa hết tết, thì cô con gái học cấp ba của anh ta bị tai nạn giao thông, và nằm hôn mê bất tỉnh trong viện bố tôi. Chính ông bô tôi là người quan tâm, và theo dõi đứa con gái của thằng bạn đồng đội ngày xưa này. Thời gian thấm thoát trôi qua, nhưng cô con gái đó không có dấu hiệu gì là tỉnh dậy cả, vẫn cứ nằm yên một chỗ hôn mê bất tỉnh. Cuối cùng người bạn chiến đấu ngày xưa này đã phải mời một vị thầy bói về coi lại phong thủy trong nhà. Vị thầy bói này ngay khi vừa mới bước vô nhà, nhìn lên cây mai, đã chỉ tay vào đó mà nói rằng cây mai này có vòng nữ ẩn nấp, chính cái vong này đã ám vào con gái của họ, việc cần làm là đem đốt cây mai này ngay. Người cha lúc đầu còn lưỡng lự bởi tiếc cái cây mai đẹp đẽ này, nhưng nghĩ đến sự an nguy của đứa con gái mình, nên ông ta đã làm theo lời người thấy bói đó. Quả nhiên khi cây mai vừa bị đốt đi, mấy ngày sau con gái ông đã tỉnh lại. Chỉ đáng tiếc rằng cô nhỏ này đã bị liệt hai chân, kể từ đó không bao giờ đi lại được. Nhiều người thân bàn tán sở dĩ cô gái này bị liệt hai chân là vì ngày xưa cha cô ta đã chặt ngang thân cây mai mà mang về, chứ không mang cả gốc về.

Quay trở lại câu chuyện về cô út nhà bà ngoại Linh, nếu nói cây nào có bóng cây rậm rạp thì chắc hẳn nơi đó có vong hồn ẩn nấp, vậy thì cái cây khế um tùm bóng mát ở khu này cũng không phải là ngoại lệ. Và rồi cứ thế, đôi trai gái say đắm tình tứ bên nhau dưới gốc cây khế cho đến một ngày Quân phải đi công tác ở nơi khác. Vào thời bấy giờ chiến tranh mới chấm dứt, cuộc sống còn khó khắn, nên Quân nghĩ rằng chia tay là việc thích hợp nhất. Chỉ buồn cho cô út, đây là mối tình đâu, mà nó lại còn đang diễn ra êm đẹp, tự nhiên chia tay giữa chừng thì thử hỏi ai mà cầm lòng được cơ chứ? Cô út buồn lắm, ngày nào cô cũng khóc, và mỗi lúc cảm thấy cô đơn tột độ, cô thường ngồi bên cây khế một mình, nơi mà hai người thường hay hẹn hò, nơi còn giữ lại bao nhiêu kỉ niệm yêu thương ngày nào. Bà ngoại Linh biết chuyện cũng thương cô út lắm, bà đã hết lời khuyên can cô út, nhưng coi bộ cái vệt thương lòng của cô con gái út này khó mà hàn gắn lại được. Đối với những người sống thiên về tình cảm như cô út thì họ có một điều cấm kị nhất, đó là để cho cái cảm súc của mình vượt quá khỏi sự khống chế. Tại sao lại nói vậy? sở dĩ nói về một người sống thiên về tình cảm, tức là những người đó họ rất trọng tình cảm, thêm vào đó chỉ cần một chút tác động về mặt tâm lý, thì tình cảm của họ sẽ dâng trào, vượt ra ngoài vòng kiểm soát mà trở nên điên loạn hay như mắc phải chứng bệnh tâm thần.

Thương thay cho cô út, không lâu sau cô đã mắc chứng bệnh tâm thần, suốt ngày cứ hết cười lại khóc, nhiều khi còn hát và nói chuyện một mình. Về phía bà ngoại Linh thì bà cũng đau buồn không kém, làm sao mà không đau buồn được cơ chứ? Khi mà chính mắt bà phải nhìn thấy cái niềm tự hào trong tương lai của bà, đứa con gái út mà bao yêu quý nhất phát điên. Bà ngoại Linh đã tìm mọi cách để chưa trị cho cô con gái, nhưng thời đó y học còn kém, việc chữa chạy bệnh tâm thần chỉ là một điều viển vong, không tưởng. Nhưng có lẽ ông trời cũng thương cho hoàn cảnh của bà ngoại Linh, trong một cuộc nói chuyện với mấy bà hàng xóm, có lẽ bà ngoại Linh đã phần nào biết đươc chuyện gì đang xảy ra với đứa con gái út yêu dấu của mình.

Có người nói với bà ngoại Linh rằng ngày trước hồi thằng Quân còn ở đây, cô út và nó thường cùng nhau ngồi dưới cái gốc cây khế mà tâm tình. Nhưng điều đáng sợ hơn nữa là ngay tại chính dưới cái gốc cây khê đó, dưới cái mái lá um tùm đó, đã có một đôi uyên ương tự tử. Điều đáng nói là hai người tự tử lại là hai người trong khu phố này. Thế rồi câu chuyện dường như hiện rõ ra trước mắt bà ngoại Linh, khi mà trước đây đôi nam nữ này yêu nhau, nhưng vì hai gia đình ngắn cản, nên đôi tình nhân đã tìm đến cái chết để được muôn đời ở bên nhau. "Thôi chết rồi..." bà ngoại Linh thầm nghĩ trong đầu "không lẽ nào đứa con gái út của mình đang bị vong theo?". Điều đó khiến bà ngoại Linh rùng mình sợ hãi, bà lại nghĩ đến những chuyện trước kia, những chuyện kì lạ đã xảy ra với mẹ Linh và nhiều điều khác nữa với gia đình bà.

Cuối cùng bà ngoại Linh đã có được câu trả lời cho cái câu hỏi liệu có đúng là cô con gái út của bà bị vong theo hay không? Tối hôm đó, cô út đang ngồi trên tầng hai soi gương trải tóc, bà ngoại Linh từ dưới nhà đi lên khe khẽ, lúc bà nhìn về phía phòng cô út thì thấy cửa mở và đèn vẫn sáng, bà từ từ tiến lại và hé mặt vào nhìn coi cô út đang làm gì. Nhưng vừa nhìn về phía con mình đang ngồi trải tóc trước bàn phấn, bà ngoại Linh kinh hãi lấy tay bịt miệng. Trước cái gương kia, là hình ảnh phản chiếu đồ vật trong phòng, chỉ trừ có hình ảnh của cô con gái út đang ngồi trải tóc. Bà ngoại Linh còn đang đứng đó rùng mình sợ hãi, thì cô út có cảm giác như có ai đó nhìn mình, cô út quay ra của thì thấy mẹ mình đứng đó, mặt tái mét, cô út cười và nói:

- Mẹ ra đây con chải tóc cho.

Bà ngoại Linh từ từ tiến lại bên cạnh cái gương, hình ảnh bà hiện rõ lên tấm gương, nhưng hình ảnh cô con gái út thì vẫn không thấy đâu.