Chương 82.2: Cuộc đào vong truyền kỳ nhất

Ngay khi Kiến Văn Đế đang an tâm ở lại nhà của Sử Bân, chú họ của Sử Bân là Sử Hoằng đột nhiên từ Gia Hưng đến, mà không hề báo trước. Khi bước vào nhà cháu trai Sử Bân, ông ấy thấy một vị lão hòa thượng đang ngồi trong đại đường (sảnh chính) của ngôi nhà, hơn nữa vị lão hòa thượng này có vẻ rất quen.

Cho nên đã hỏi Sử Bân đứng gần đó đang có chút hoảng hốt: “Đại sư này từ đâu tới?”

Sử Bân hoảng hốt, nhất thời không biết trả lời thế nào. Sử Hoằng cũng không hỏi nữa mà kéo Sử Bân ra ngoài, sau đó lặng lẽ nói một câu, khiến Sử Bân sợ đến hồn phi phách tán: “Đây là Kiến Văn Đế.” Sử Bân nhanh chóng lắp bắp thề thốt phủ nhận, nhưng Sử Hoằng kiên quyết nói, mình đã từng tận mắt nhìn thấy Kiến Văn Đế ở Đông Cung, hơn nữa Kiến Văn Đế đã cứu mạng ông ấy, xem như là ân nhân của ông ấy.

Sử Bân thấy không thể giấu được, nên đành phải nói ra sự thật. Nhưng ông ấy biết, mình chứa chấp Kiến Văn Đế, chính là tội tru di chín họ, nếu như vị chú họ này của mình đi tố giác, hậu quả không dám tưởng tượng. Không ngờ, Sử Hoằng này cũng là một người có tình có nghĩa, chính nhân quân tử, còn là một trung thần, sau khi nghe được lời này, nhanh chóng đến trước mặt Kiến Văn Đế, cúi đầu quỳ lạy, vừa khóc vừa hỏi tình hình hiện tại của Kiến Văn Đế. Kiến Văn Đế nói với tấm lòng bình thản như chết: “Nhờ có sự quan tâm, cơm ăn, áo mặc của những vị đại thần cùng nhau lưu vong, cho nên ta mới có thể đương đầu với nguy hiểm. Hai mươi năm ta đã nơm nớp lo sợ, hôm nay nghĩ đến, có thể sống quãng đời còn lại là được rồi!" Sau đó, ông đi chung với Sử Hoằng, đi du lãm Thiên Đài Sơn, và đến Liên Hoa Dương ở Ninh Ba Độ.

Thời gian trôi rất nhanh, chớp mắt đã mấy chục năm trôi qua. Trong những thập kỷ này, Thành tổ Chu Đệ chết, Nhân Tông lên ngôi, không đến một năm, Nhân Tông qua đời và Huyền Tông lên ngôi. Mười năm sau, Anh Tông lên ngôi. Hoàng đế đã thay đổi vài người, đối với Kiến Văn Đế mà nói, môi trường chính trị ngày càng trở nên thoải mái hơn, đã đến lúc ông phải tái hiện chân thân của mình rồi. Vào năm Chính Thống thứ năm (1430), Kiến Văn Đế ở Quảng Tây nói với Trình Tế rằng, ta quyết tâm đi về phía đông.

Bởi vì Kiến Văn Đế xuất thân hoàng gia, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cũng rất coi trọng việc giáo dục đứa hoàng tôn này, cho nên đã tìm những đại nho nhất lưu lúc bấy giờ để dạy dỗ cho ông. Bản thân Kiến Văn Đế cũng thích đọc sách, còn có tài năng văn chương xuất chúng. Tuy nhiên, từ vị trí hoàng đế chí tôn trong thiên hạ, trở thành kẻ chạy trốn, sự chênh lệch và nỗi khổ trong quá trình này là điều mà người thường không thể tưởng tượng được. Sự trải qua đặc biệt này, cũng thường khiến Kiến Văn Đế phải chịu đựng nỗi dày vò tâm lý rất lớn, mà thơ là một trong những cách phổ biến nhất để ông thể hiện nỗi đau cùng cực này, vì vậy ông có rất nhiều bài thơ, một trong số đó là:

Lưu lạc Tây Nam bốn mươi thu, tóc bạc rền vang đã phủ đầy.

Càn khôn có hận nhà đâu ở? GIang Hán vô tình nước tự trôi.

Trong Trường Lạc Cung mây trôi tán, trên Triêu Nguyên Các tiếng mưa thu.

Hàng liễu Tân Bồ luôn xanh thẳm, cây già hoang dã khóc không ngưng.

*Hán Việt

Lưu lạc Tây Nam tứ thập thu, tiêu tiêu bạch phát dĩ doanh đầu

Càn Khôn hữu hận gia hà tại ? Giang Hán vô tình thủy tự lưu

Trường Nhạc Cung trung vân khí tán, Triêu Nguyên Các thượng vũ thanh thu.

Tân Bồ tế liễu niên niên lục, dã lão thôn thanh khốc vị hưu

*Tiếng Trung

流落西南四十秋,萧萧白发已盈头。

乾坤有恨家何在?江汉无情水自流。

长乐宫中云气散,朝元阁上雨声收。

新蒲细柳年年绿,野老吞声哭未休。

Sự thê lương bất đắc dĩ của sự đào vong, nỗi khốn cùng bất lực của cuộc đời, những thăng trầm của số phận đều được thể hiện một cách sống động trong bài thơ. Nhưng không ngờ, chính những bài thơ này đã gây ra một bước ngoặt lớn khác cho vận mệnh của ông.

Có một lão hòa thượng đã ngoài chín mươi, sống cùng Kiến Văn Đế, tuy lão hòa thượng này đã ngoài chín mươi, nhưng ông ta vẫn còn sức khỏe tốt, hơn nữa còn có một ít học vấn. Không biết vì lý do gì, lão hòa thượng này sau khi trộm thơ của Kiến Văn Đế, lại chạy đến gặp quan Tri Châu Tư n Sầm Anh, trơ tráo nói rằng ông ta là Hoàng đế Kiến Văn!

Đây chính là một chuyện chấn động, Sầm Anh vô cùng kinh hãi, nào dám trì hoãn, lập tức báo cáo Phiên Ti. Phiên Ti hạ lệnh bắt lấy lão hòa thượng, đồng thời bắt luôn cả Kiến Văn Đế đang sống cùng ông ta, dùng khoái mã cấp báo triều đình. Đương triều hoàng đế rất nhanh đã hạ chiếu: “Áp giải hồi Bắc Kinh”.

Hoàng đế ra lệnh cho Ngự Sử tiến hành thẩm vấn trong hoàng cung, hòa thượng đó nói rằng mình đã hơn chín mươi tuổi, chỉ muốn chết nhanh chóng, chỉ có một yêu cầu, sau khi ông ta chết được chôn cất bên cạnh lăng mộ của tỏi phụ Chu Nguyên Chương. Có vẻ như lão hòa thượng 90 tuổi này, đang theo đuổi sự vinh quang sau khi chết, có thể cảm thấy mình đã hơn chín mươi tuổi, sẽ không sống được bao lâu nữa, vì thế muốn sau khi chết được hưởng hư vinh một chút, muốn được chôn cất như Kiến Văn Đế để thỏa mãn chút lòng hư vinh dị dạng như vậy.

Nhưng lão hòa thượng này hiển nhiên là do tuổi đã cao nên có chút hồ đồ, ông ta đã đánh giá thấp chỉ số thông minh của Ngự Sử.

Ngự Sử nói: "Kiến Văn Quân sinh vào năm Hồng Vũ thứ mười, hiện tại là năm Chính Thống thứ năm, phải là sáu mươi bốn tuổi, làm sao có thể đến chín mươi tuổi?" Câu hỏi lập tức khiến lão hòa thượng nghẹn lời không trả lời được. Sau đó, trải qua thẩm vấn mới biết được, tên của lão hòa thượng này là Dương Ứng Tường, người Bạch Sa, Quân Châu. Sau khi bẩm báo hoàng đế, hòa thượng bị phán xử chặt đầu, giam giữ trong ngục giam của Cẩm Y Vệ. Đây được coi là một bước đi thông minh, nhưng sự thông minh của ông ta đã nhầm lẫn và kết cục là một kết cục tồi tệ.

Mà Kiến Văn Đế thực sự, người cũng bị bắt, lúc này cũng đã nói ra sự thật với Ngự Sử, Ngự Sử ngay lập tức mật tấu hoàng đế, hoàng đế phái Ngô Lượng, một thái giám già từng hầu hạ Kiến Văn Đế, tới dò hư thật, nhìn xem Kiến Văn Đế này rốt cuộc là thật hay giả.

Kiến Văn Đế vừa nhìn thấy Ngô Lượng, liền buột miệng thốt ra: "Ngươi không phải là Ngô Lượng đã từng hầu hạ ta sao?"

Ngô Lượng vội vàng cố ý trả lời: "Không phải."

Kiến Văn Đế vô cùng chắc chắn nói: “Ta nhớ rõ có một ngày khi ta đang dùng bữa trong biệt điện, ăn ngỗng, một miếng thịt rơi xuống đất, ngươi cầm lấy cái nồi trong tay, quỳ mọp xuống đất ăn luôn nó. Chẳng lẽ ngươi đã quên rồi sao? Còn dám nói không phải là ngươi!”

Ngô Lượng sau khi nghe xong, đã quỳ mọp xuống đất, khóc lớn. Ông ấy phán đoán đây hẳn là Kiến Văn Đế, nhưng dù sao trong mấy chục năm qua, sau bao nhiêu năm sống trốn chạy, dung mạo của Kiến Văn Đế đã rất khác so với khi ông còn là hoàng đế. Để xác nhận thêm, ông ấy yêu cầu được xem bàn chân trái của Kiến Văn Đế, bởi vì với tư cách là thái giám thân cận, ông ấy biết rằng Kiến Văn Đế có một nốt ruồi đen ở ngón chân trái, sau khi kiểm tra thì quả thực có một nốt ruồi, điều này đã xác định đây chính là Kiến Văn Đế không thể nghi ngờ. Ngô Lượng nằm mơ cũng không thể ngờ rằng, mấy chục năm sau, ông ấy có thể gặp lại vị hoàng đế ngày xưa này bằng cách như vậy, cứ thế mà bật khóc, không thể ngước mặt lên.

Sau khi xác nhận thân phận của ông, hoàng đế ra lệnh đón Kiến Văn Đế vào trong cung để dưỡng lão. Người trong cung đều gọi ông là "Lão Phật". Sau khi Kiến Văn Đế qua đời, ông được chôn cất ở Tây Sơn mà không có phong hào hay được hưởng gì. Vì rất khó cho ông một danh phận, cho nên lăng mộ của Kiến Văn Đế trở thành một ngôi mộ vô danh.

Tuy nhiên, trong quá trình chạy trốn của Kiến Văn Đế, có một số trải nghiệm đặc biệt mà người ta chưa biết đến.