Tôi không còn tâm trạng để tiếp tục nghe sách nữa, tim đập thình thịch, bình thường nửa đêm nghe xong sách, trên đường về nhà, tôi chưa bao giờ sợ hãi, mặc dù tôi còn rất nhỏ.
Nhưng đến khuya hôm đó, tôi cảm thấy sợ hãi thấu xương, rất muốn có người đưa mình về nhà, nhưng trong số bốn, năm người còn lại nghe sách này, không ai có nhà cùng hướng với tôi. Tôi không còn cách nào khác đành cắn răng về nhà một mình.
Tôi vừa bước ra khỏi cửa ngôi nhà gạch nung đó, tuyết bên ngoài đã ngừng rơi, trong đêm đông lạnh giá, một vầng trăng khuyết treo trên bầu trời cô đơn lạnh lẽo. Tuyết bên ngoài cũng đã rất dày, giẫm phải sẻ kêu sột soạt.
Một cơn gió lạnh thổi qua, tôi giật mình rùng mình một chút, đầu óc chợt tỉnh táo, bỗng nhiên nghĩ đến: Nếu vừa rồi ông lão Vương thật sự đến nghe sách thì trên tuyết chắc chắn là có dấu chân, nhưng khi tôi nhìn kỹ, thì trên mặt tuyết trắng dưới đất không hề có bất kỳ dấu chân nào!
Nhà chúng tôi gần như ở ngoài làng, may mà làng chúng tôi không lớn, cho nên tôi chạy một mạch về nhà. Dọc đường tôi còn ngã sấp mặt xuống tuyết mấy lần, nhưng tôi cũng không quan tâm đến cơn đau, đứng dậy lại chạy tiếp, đã vậy tôi còn cảm giác như có một bóng đen nào đó đang đuổi theo mình phía sau.
Ngày hôm sau, tôi kể lại cho cha tôi nghe mọi chuyện tối qua ở chỗ nghe đọc sách, ông có vẻ hơi lơ đãng, cũng giống như những người đó, cho rằng tôi chỉ đang mơ mà thôi.
Nhưng khi nghe tôi nói có bóng đen đi theo sau tôi, ông mới thấy hứng thú, nói chính ông cũng từng có trải nghiệm tương tự:
Lúc ông mười bốn, mười lăm tuổi, ông nội lúc ấy làm nghề bán thuốc, được coi là một gia đình giàu có trong làng, nên mua cho ông một chiếc xe đạp, lúc đó, xe đạp chính là một thứ tuyệt đối xa xỉ, ông rất vui mừng. Vào một buổi chiều mùa hè, ông đạp xe đến nhà một người bạn cùng lớp ở làng bên cạnh chơi.
Thường nói “trời tháng sáu, mặt trẻ con”, thời tiết luôn thay đổi thất thường, hôm đó trời đột nhiên mưa to, còn mưa liên tục cho đến khoảng mười giờ đêm. Cha tôi thấy ở nhà bạn học qua đêm cũng không tiện, hơn nữa hai làng lại rất gần nhau, thế là ông quyết định đạp xe về nhà. Đường quê toàn là đường đất, trời mưa thì càng lầy lội, đi lại khó khăn, tệ hơn nữa là trên đường còn phải đi qua một nghĩa địa rất rộng lớn. Lúc đầu cha tôi không can đảm lắm, đi đường ban đêm mà còn phải qua nghĩa địa, nên còn sợ chết khϊếp hơn.
Lúc đầu, vẫn có thể đạp xe, nhưng khi đi ngang qua nghĩa địa, việc đạp xe càng trở nên phí sức hơn, giống như phía sau có ai đó đang kéo lại. Càng sợ hãi, càng không dám nhìn lại; càng không dám nhìn lại, lại càng sợ hãi. Cha tôi sợ đến mức suýt khóc, cuối cùng không đạp được nữa, liền cắn răng, chịu đựng nỗi sợ suýt tè ra quần, cật lực đẩy đi. Đó là một chiếc xe đạp mới nên thực sự không nỡ vứt nó đi! Nếu không thì đã sớm vứt nó để chạy về nhà thật nhanh rồi!
Nhưng lực phía sau dường như càng lúc càng mạnh, cuối cùng thực sự không thể đẩy được nữa, cũng thực sự không thể chịu đựng được sự dày vò của nỗi sợ hãi nữa nên ông đã hét lớn khóc ra tiếng, vứt chiếc xe đạp đi, vừa khóc vừa chạy về phía nhà.
Sau khi ông nội tôi nghe ông khóc hu hu lẩm bẩm nói đại khái, mới dẫn ba bốn thanh niên đi tìm chiếc xe đạp bị ném trên đường.
Nghe xong câu chuyện này, tôi tò mò hỏi cha: “Có phải là có ma đã kéo xe đạp của cha từ phía sau nên cha mới không đẩy được không? Ông nội có tìm thấy chiếc xe đạp không?”
Cha tôi cười lớn: “Thằng ngốc, có ma quỷ gì đâu, bánh trước và bánh sau của xe đạp bị nhét đầy bùn, cho nên mới càng lúc càng nặng, lúc đó bởi vì cha quá sợ nên không nghĩ tới chuyện đó, chỉ nghĩ đến phương diện kia, trên thế giới làm gì có ma chứ, tất cả đều là do tưởng tượng mà thôi."
Tôi nhớ lúc đó tôi nghĩ những gì cha tôi nói đều rất có lý, nhưng sau này đã xảy ra nhiều điều kỳ lạ, cho thấy thế giới này có thể không đơn giản như những gì cha tôi nói.
Qua hai ba ngày sau trải nghiệm khủng khϊếp ở chỗ nghe đọc sách đêm đó, một sự việc cực kỳ giật gân đã xảy ra trong làng chúng tôi: Ông lão Vương qua đời - điều này chắc chắn không phải là "giật gân" - mà điều "giật gân" là thi thể của lão, ấy thế mà lại để cho con chó của lão nuôi gặm ăn!
Tôi vẫn nhớ, lúc chen chúc trong đám đông, tình cờ nhìn thấy thi thể đẫm máu của ông lão Vương vài lần, mà kỳ lạ là, quần áo trên người lão lại là áo liệm bằng vải lụa lộng lẫy và tươi sáng, đồng thời dính đầy máu.
Trước đây, áo liệm là trang phục mà những người già coi trọng nhất, bình thường họ thà bớt ăn bớt mặc, cũng muốn sau khi chết mặc một bộ quần áo tươm tất.
Sau này, tôi nghe người lớn nói, mới biết tình hình đại khái về cái chết của ông lão Vương: Ông lão Vương trước khi chết đã mặc áo liệm vào, có lẽ lão đã có linh cảm về cái chết của mình. Nhưng lão hẳn là đã quên mất, trước khi chết còn có một việc quan trọng hơn phải làm - chính là thả con chó săn bị buộc ở đầu giường ra.
Sau khi chủ chết, không có ai đến cho nó ăn, mà nó lại không thể thoát khỏi sợi dây cột, thời gian trôi qua, nó đói không chịu nổi, thế là thú tính bộc phát mạnh mẽ, cho nên chỉ có thể ăn thi thể của người chủ.
Ông lão Vương rất thích nuôi chó, đặc biệt là chó săn, nhưng lại không ngờ lại có kết cục như thế này. Tuy nhiên, sau này những hồi ức và bình luận của một số người lớn tuổi trong làng càng phủ thêm màu sắc thần bí cho vụ việc.
Theo một số người lớn tuổi nói, “cái chết bi thảm” của ông lão Vương hoàn toàn là do nghiệp báo. Điều này phải bắt đầu từ thời thơ ấu của ông lão Vương.
Gia đình ông lão Vương khi đó vốn là địa chủ trong làng, không những có nhiều đất đai tốt nhất trong làng mà còn có một vườn táo rộng lớn. Khi vườn đầy trái cây, cũng sẽ có rất nhiều người hái trộm táo, những người này có người lớn cũng có trẻ em. Vì vậy nhà họ Vương đã nghĩ ra nhiều cách để ngăn táo bị hái trộm.
Họ thuê một số người trông vườn nhưng hiệu quả không tốt lắm, hơn nữa chi phí nhân công cũng tương đối cao. Về sau, cha của ông lão Vương - Vương Tài Chủ, nảy ra một ý tưởng hay: Nuôi chó săn.
Mấy con chó săn này được Vương Tài Chủ mang về từ thành phố, nó to như một con bê. Đồng thời tính tình rất hung dữ, trong đó có một con chó săn thậm chí còn cắn chết một con dê, cũng ăn thịt con dê này hơn phân nửa, người dân trong làng đều nói, đây hoàn toàn không phải là chó săn gì cả, quả thật chính là "sói".
Những con chó săn này, ban ngày sẽ bị buộc lại, đến ban đêm mới thả ra. Ai đã từng nuôi chó đều biết, chó càng buộc thì càng hung dữ, chó càng buộc thì tính hoang dã càng lớn, tính tấn công càng mạnh.
Có một tá điền họ Cao, làm công tại nhà của Vương Tài Chủ. Bởi vì gia đình của tá điền họ Cao rất nghèo, mãi đến ba mươi tuổi mới cưới được vợ, đến hơn bốn mươi tuổi mới sinh được một đứa con trai. Khi đứa con trai lên bảy tám tuổi, vợ của tá điền Cao lên cơn sốt rồi qua đời đột ngột, thế là chỉ còn lại hai cha con sống nương tựa vào nhau.
Tá điền Cao coi đứa con trai này như hòn ngọc quý trên tay, mặc dù nghèo khó nhưng tá điền Cao vẫn tìm mọi cách để không để con trai mình bị cực khổ. Còn cho nó theo học tại một trường tư thục trong làng.
Đứa con trai duy nhất của tá điền Cao này, được sự dung túng của cha, cũng khá nghịch ngợm, suốt ngày làm những việc như trộm dưa, hái táo, ăn trộm ăn cắp tùm lum. Nhưng bình thường hầu hết mọi người đều cho rằng đứa bé này còn nhỏ, nên cũng không có ai so đo với nó.
Một ngày nọ, đến tối tá điền Cao cũng không thấy con trai về, lúc đầu còn tưởng là đến nhà ai đó chơi, cũng không để ý nhiều. Liền để cơm trong nồi cho con trai rồi tự mình ăn trước. Bởi vì ban ngày làm việc quá mệt mỏi, nên sau khi cơm nước xong, ngã đầu ở trên giường liền ngủ mất.
Không biết đã ngủ bao lâu, đến khi mắc tiểu tỉnh dậy, vậy mà phát hiện con trai mình vẫn chưa về! Cơm để trong nồi cũng không ai động tới. Lúc này ông hơi hoảng lên, lập tức đi đến nhà bạn mà con trai mình có thể đến chơi để tìm, sau khi đến từng nhà, đều nhận được kết quả như nhau: Chưa từng đến bao giờ.
Bấy giờ tá điền Cao thực sự hoảng sợ, ở trong làng kêu to tên con trai mình như phát điên. Bình thường ông rất được lòng người trong làng, nhiều người không ngủ được đã cùng tìm kiếm với tá điền Cao.
Tìm kiếm mọi ao hồ gần làng, mỗi cái giếng nhưng vẫn không có!
Mãi cho đến rạng sáng, đã tìm kiếm mọi ngóc ngách trong làng và các khu vực lân cận nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết của con trai nhà họ Cao. Chỉ có một nơi duy nhất mà người ta không tìm kiếm - vườn táo của Vương Tài Chủ.
Vương Tài Chủ bụng dạ cũng khá tốt, vừa nghe tin mọi người muốn vào vườn táo để tìm đứa con trai mất tích của nhà họ Cao, ông không nói hai lời, đã mở tất cả các lối ra của vườn táo, cho mọi người đi vào.
Người ta tìm kiếm mãi, cuối cùng ở khu vực trong cùng nhất của vườn táo, dưới bức tường cao, họ đã nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng nhất: Một con chó săn to lớn, đang nằm trên mặt đất nghỉ ngơi, dùng lưỡi liếʍ láp cái miệng dính đầy máu, mà bên cạnh nó, là một thi thể của một đứa trẻ gần như chỉ còn là một bộ xương.