- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Việt Nam
- Giống Rồng
- Chương 19-3: Thảm sát, bỏ đi và kẻ lãnh tội 3
Giống Rồng
Chương 19-3: Thảm sát, bỏ đi và kẻ lãnh tội 3
Mấy ngày sau, Định Hòa cho người kiếm tìm Thi Nguyên và tung tích của Quách Thôi mà không thấy. Quân châu Phong lại ráo riết phản công từ phía bờ tây sông Tam Đái khiến quân Hàn không dám tiến mà cũng chẳng dám lui.
Chán nản, Hòa đi lạc lên chùa Thiên Ân núi Tam Đảo phải ghé lại một đêm. Nghe kể quân Lý Toàn ở trên núi suốt mấy tháng nằm trực nằm chờ trong chùa nên Định Hòa giận lắm định rút kiếm gϊếŧ vị chủ trì ở chùa ấy mà nghĩ đến Phật, Hòa lại rút gươm lại. Họ Định đang đêm nằm mộng tự dẫn ngựa xuống phía núi rồi ngã vật ở đấy.
Người ở Khương gia trang phía chân núi gặp được họ Định thì cưu mang họ Định về cứu chữa. Sáng tinh mơ, Định Hòa tỉnh giấc, thấy trong người nhức mỏi, miệng cử động mà đau như ngàn búa đập, hàm răng rụng rời, Hòa lí nhí hỏi bà lão đang ngồi xâu kim may áo. Bà lão hiền từ nói với Hòa:
- Vị quan gia này giữa đêm cưỡi ngựa từ trên núi xuống đây, không đèn đuốc thật là liều mạng.
Định Hòa ôm lấy vai ê buốt, người run run càng khiến mình mảy đau nhừ. Hòa hỏi bà lão:
- Lão ơi. Chỗ này ở đâu? Sao ta lại ở nhà lão mà người sứt sát thế này?
Bà lão móm mém cười, rồi từ phía ngoài có một người đàn ông tuổi tứ tuần, mắt đen trọn đẫy như chim quạ, râu ria lởm khởm hai màu trắng đen nói:
- Ta là Khương Nhạc, mọi người gọi ta là Nhạc Trưởng gia trang. Đêm qua, người của Khương gia trang có gặp quan gia ngã ngựa ở chân núi nên mang về đây để bà Lăng Lang cứu chữa. Ấy thế mà thuốc của Lão Lăng hiệu nghiệm thật, mới đó mà vị quan gia này đã tỉnh rồi.
Hàn huyên hồi lâu, Định Hòa biết được Quách Thôi đã chết, đầu bị lìa khỏi cổ và viên phó tướng họ Thẩm cũng được chôn cùng. Người trong trang có kẻ trông thấy một người múa thương nhanh thoăn thoắn lấy mạng cả chục người nhanh trong nháy mắt rồi đi về phía bắc.
Đến trưa, quân lính tìm thấy Định Hòa ở Khương gia trang. Một tên mật thám thì thầm báo lại cho Hòa:
- Bẩm đại nhân. Khương gia trang này mấy tháng qua buôn bán với bọn Lý Toàn ở trên núi Tam Đảo, cấp lương cho bọn chúng. Mụ Lăng Lang ấy chính là kẻ trị thương cho bọn giặc ấy nên chúng mới nhanh hồi sức phá quân ta ở Mê Linh.
Định Hòa hỏi khéo đám dân Khương gia trang. Lão Lăng lắc đầu rồi cười:
- Ý trời đã tỏ, chẳng thể tránh được. Đêm qua, lão thấy sao phía nam đi ngược về bắc, sau đó một dàn lân tinh đi từ phía bắc xuôi về nam thì tắt lịm. Không tránh được, không tránh được.
Viên mật thám giương kiếm chỉ về phía Lăng lang:
- Ý mụ ta là quân ta sẽ bại bởi bọn giặc người nam. Ta còn nghe các người cấu kết với giặc man, nuôi bọn chúng suốt mấy tháng ròng, trận vừa qua lại còn cả gan gϊếŧ chết đám binh tàn của tướng quân Quách Thôi. Ra là bọn mụ muốn chết cả rồi.
Lão Nhạc trưởng gia trang xua tay nói:
- Không phải, không phải đâu các quan gia. Lão Lăng không có ý đó.
Định Hòa ra dấu, tất cả quân lính ập vào dùng dao nhỏ, đao lớn chém gϊếŧ thỏa thuê, chẳng mấy chốc cả gia trang không còn một con chó, con gà nào sống sót. Máu đỏ lênh láng thành suối đổ xuống chân núi suốt cả nửa năm trời không hết mùi tanh.
Lý Toàn hay tin liền tức tốc mang quân từ châu Phong vượt sông Tam Đái hòng hỏi tội họ Định. Hòa bấy giờ lại được họ Trần sai mang đám bộ hạ của Thi Nguyên đi Quỳnh Châu. Khi đó, Bạch Quỷ Đào được lãnh toàn bộ binh mã phía bắc huyện Tống Bình bao gồm các cánh quân từ Cổ Loa, Mê Linh đến phía đông hồ Điển Triệt.
Lý Toàn đánh không được viên tướng họ Giản lại bày kế bắt Tâm. Chẳng là Lý Toàn trong đêm vượt sông đánh vào căn cứ hồ Điển Triệt của quân Hàn hòng dụ binh mã chỗ ấy rời đi. Mặt khác Lý Toàn cho rất nhiều quân mai phục dọc đường đi từ Mê Linh đến hồ Điển Triệt.
Kế hoạch tưởng như sẽ thành, Lý Toàn vây bắt được hết trại lính của Bạch Quỷ Đào ở Điển Triệt. Hai bên giao chiến trong vòng hơn một canh giờ, Lý Toàn vờ thua chạy dọc theo bờ sông Tam Đái về phía nam.
Nga Tú Du Thủy chạy được hơn hai mươi dặm thì không thấy quân lính của Tâm đuổi theo nữa lấy làm lạ liền quay lại thám thính quân địch. Bất ngờ từ phía đông quân Tống Bình đến năm sáu nghìn người xông ra hô hào lấy đầu họ Lý. Toàn cho quân chạy theo đường có quân mai phục, Toàn thổi sáo báo hiệu cho quân mai phục xông ra. Do quân Tống Bình được tăng viện khiến kế hoạch mai phục của họ Lý không còn tác dụng. Hai bên giao chiến giằng co suốt hai canh giờ không phân thắng bại.
Lý Toàn e ngại việc dụng quân ở đất của địch kéo dài sẽ không hay nên thúc quân chạy về phía bờ sông. Đúng như Toàn nghĩ, từ phía Mê Linh tới, một đội quân giáo mác đến ba nghìn người kéo tới. Toàn buộc thổi sáo để Liêu Đức Thinh, Lâm Choắt, Hỏa Cước Tốc cho thuyền sang tiếp ứng lui về Bạch Hạc.
Sau trận Điển Triệt, khí thế quân Tống Bình lại lên cao. Về phía quân châu Phong, phần nào cảm thấy lo lắng với Giản Tâm kia hơn. Triệu Cường lệnh thủ chắc từ bờ sông Tam Đái dọc theo Sông Lô đến tận huyện Để Định, châu Bình Nguyên.
Trận Mê Linh – Điển Triệt thắng lợi, Giản Tâm không phụ lòng họ Hàn. Ước thở phào nhẹ nhõm sau nhiều ngày nghe những tin rất xấu từ mặt trận phía bắc. Trần Khôn sợ uy danh của họ Giản sẽ lấn át mình mấy lần bày kế cho họ Hàn quyết tâm hạ thành Thái Bình giành lại thế cục như mặt trận phía bắc.
Bấy giờ, Trình Mậu nghe lời Trần Khôn vờ kéo binh đi về phía bắc huyện Thái Bình. Trình Mậu cố tỏ ra cho Đặng Hoài thấy rằng chúng quyết phá quân họ Dương ở phía núi Tản, đất Đường Lâm và châu Nam Từ.
Cánh quân của Trình Mậu dời đi được một ngày, Đặng Hoài lập tức xuất kích đánh từ phía sau quân của Trình Mậu. Họ Trình nghĩ rằng họ Đặng đã trúng kế liền sai lính quay lại giao chiến với Đặng Hoài ở các trang ấp thuộc đất Ma Lung.
Mậu cứ ngỡ sẽ thắng được họ Đặng nên một mình đứng trên đồi trông xuống cười ngạo nghễ:
- Đúng là một tên nho văn chỉ giỏi khua môi múa mép như lão già Đặng Khả cha ngươi. Chứ thực ra có tài cán gì? Trận Thái Bình không phải họ Phạm kia thì chẳng phải đã nằm dưới đao kiếm của Đồ Tre. Tiếc thay cho Thảo Cứu!
Phía tây bắc, rầm rầm như thác đổ, một cánh quân từ châu Nam Từ đi tới như biết trước được ở phía đó là Trình Mậu hò hét:
- Gϊếŧ chết Trình Mậu. Họ Trình, Thảo Cứu mất tay, Mậu kia nằm xuống đất này không dung! Quyết bắt sống chặt tay họ Trình.
Mậu cố rướn cố nhìn về phía xa, một đội binh mình trần đóng khố mang theo nỏ cung, dao quắm, liềm dài đi đầu là một tên dị hợm đeo mặt nạ da dê, phía sau là một tên lờm sờm toàn râu với tóc. Hai người ấy trông thấy Mậu mà nhìn nhau cười hả hê. Gã Quỷ quát tháo:
- Họ Trình kia. Nhà ngươi còn ở đấy khoác lác. Hai tên họ Trình các người đều ngu muội như nhau cả thôi. Ta nghe cái tên Đồ Đồ gì đó cũng hênh hoang mà bị thiêu rụi cả một đoàn quân, mất một cánh tay mà nay không thấy xác. Đến lượt Trình Mậu nhà ngươi, ta với Văn Trác quyết sẽ lấy cánh tay của nhà ngươi.
Nói rồi Cao Văn Trác giọng ầm ầm như sấm hét vang quân lính đuổi gϊếŧ Trình Mậu. Đặng Hoài ra hiệu cho quân lính hợp sức với cánh quân từ phía tây bắc tới khiến Mậu không còn đường lui buộc phải liều mình giao chiến.
Trình Mậu tháo chạy thì bị Gã Quỷ dùng sức nhổ cây xoan lao trúng chân ngựa khiến họ Trình ngã nhào xuống một con đầm. Đầm đầy bùn và bèo tấm, Trình Mậu ngoi ngóp vào bờ thì thấy tay bên phải có con gì cắn phải, nhức buốt đến thấu xương. Mậu nhấc tay lên khỏi lớp bèo dày thì dính chặt vào ngón tay cái là miệng con rắn hổ mang bành.
Mậu vội rút dao nhỏ cắt đi ngón tay cái và đầu con rắn bay xa đến cả trăm thước. Bàn tay bắt đầu tím tái, Mậu cố bóp chặt cho độc rắn không lên tới cánh tay nhưng không thể chịu được. Mậu hò hét quân lính chặt đi cánh tay của mình nhưng cũng chẳng có đứa nào dám chặt. Gã Quỷ phi ngựa tới kéo cương ngựa rồi tung dao xuống toan chém cánh tay của họ Trình cười hề hề như đứa trẻ:
- Để Gã Quỷ ta cho họ Trình ngươi toại nguyện.
"Choang" một tiếng lớn, mũi xà mâu đòn thép vun vυ"t lao tới vụt trúng dao quắm của Gã Quỷ. Trình Mậu quỳ xuống, cánh tay rời ra, máu từ cánh tay ấy òng ọc chảy ra rồi thâm xì ở vết chém. Quân lính của Đặng Hoài bắt được Trình Mậu, quân Tống Bình nháo nhác bỏ chạy, đầu hàng phân nửa.
Lúc cánh tay của Trình Mậu rơi xuống, Cao Văn Trác vuốt râu ngả người sau lưng cười khoái trá:
- Cái cánh tay ấy là công của ta rồi nhé, Gã Quỷ.
Gã Quỷ gạt lời, máu vung từ lưỡi dao quắm, gào thét:
- Tên họ Cao khốn nạn tranh công của Gã Quỷ ta. Nhìn đây, máu còn dính trên dao quắm của ta, công ấy là của ta.
Cao Văn Trác bợm trợn nhìn Gã Quỷ nói trước toàn quân:
- Mọi người trông thấy cả rồi đấy. Tên di hợm này mới đánh trúng ngựa họ Trình, hắn xông tới nhưng ngựa lại né họ Trình ấy mà vung dao quắm lên. Ta vung mâu tới thì dao ấy mới trúng tay họ Trình. Nếu không có dao quắm thì tay ấy cũng đã đứt lìa rồi. Công phải là của ta.
Đặng Hoài bước ngựa xông tới cầm roi ngựa chỉ vào phía hai người đó:
- Uy dũng của hai người ta đều có thấy. Lần này công ấy của Gã Quỷ rồi. Phần của Văn Trác ta vẫn ghi thưởng.
Văn Trác vỗ ngực, mắt lườm Gã Quỷ chỉ mâu nói:
- Thôi được. Nể lời của anh Hoài, ta chẳng thèm tranh công với tên dị hợm nhà ngươi. Chỉ cần tối nay tên quỷ nhà ngươi mang cho ta vò rượu ta sẽ không tính chuyện này nữa.
Gã Quỷ vung dao quắm lên rồi nói như thét vào tai họ Cao:
- Rượu hả? Ta có cả mấy chum đang giấu ở phía sau núi Viễn Sơn kia. Tối nay ta đãi ngươi mấy chum luôn.
Đặng Hoài cúi mặt lườm họ Đỗ:
- Ra là Gã Quỷ ngươi lén lút mang theo rượu. Ta phải phạt các ngươi.
Gã Quỷ mặt hớn hở, ngây ngô như đứa trẻ trong cái thân xác dị hợm, xù xì của gã nói giọng nũng nịu:
- Ta chỉ bảo bọn lính tốt nó chở theo thôi chứ đâu có ý định uống. Anh Hoài xí xóa chuyện này, coi như Gã Quỷ ta không có nói lời khi nãy.
Hoài chỉ vào mặt Gã Quỷ:
- Quân lệnh như sơn. Nhà ngươi làm vậy quân sĩ theo gương đó sẽ báo hại quân ta.
Cao Văn Trác lầm lũi tới nhận lỗi:
- Lỗi của Văn Trác, xin anh Hoài tha cho Gã Quỷ.
Hoài nói:
- Vậy hai ngươi cùng chịu phạt.
Hai gã hung tợn quắc mắt hỏi:
- Phạt thế nào? Dũng tướng không sợ đòn roi.
Họ Đặng suy nghĩ rồi trầm ngâm một lúc, sau đó quay ra nói:
- Phạt các người mỗi tên phải uống ba chum rượu. Uống không hết ta phạt uống cho bằng hết chum rượu mà Gã Quỷ giấu ở Viễn Sơn.
Gã Quỷ nghe ngờ ngợ chưa hiểu chuyện gì, Cao Văn Trác hả giọng cười vang. Đặng Hoài hô vang lấy lại khí dũng cho quân Nam. Ba quân đồng thanh như một:
"Ma Lung đất chôn vùi quân giặc
Núi Viễn Sơn đắc thắng hoan ca
Bao năm nợ nước thù nhà
Quyết tâm đuổi lũ săn gà bắt dê
Hai dũng tướng thỏa thuê khoe võ
Dùng mũi mâu rẽ gió giương oai
Đặng toan mưu trí anh tài
Bao năm nếm mật nằm gai chí hùng"
Đêm ấy, Đặng Hoài cho người báo tin cho Dương Chí Liệt. Mặt trận phía tây liên tiếp thắng lớn, họ Dương thấy mừng lệnh cho Sĩ Giao từ Tạc Khẩu chuyển từ đánh theo từng nhóm nhỏ sang đối đầu trực diện. Chẳng mấy ngày sau, Sĩ Giao chiếm được hơn nửa đất vùng châu thổ phía đông nam khoảng giữa sông Hồng và sông Đáy.
Phía quân Tống Bình, sau những chiến bại trên nhiều mặt trận bắt đầu lung lạc ý chí. Dân chúng quanh vùng Tống Bình, Chu Diên, Bình Đạo hết thảy đều trốn khỏi chốn ấy tìm nới lánh nạn. Họ Hàn khinh quân nam mà bấy giờ mới bắt đầu xin tăng viện.
An Nam đô hộ phủ chỉ còn mỗi Giao Châu thuộc kiểm soát của triều đình. Phía tây Giao Châu, cửa ngõ từ Man Hoàng và phía Trường Châu tới Tống Bình là huyện Vũ Bình, thành Đỗ Động kẹp giữa ba phía là quân của họ Dương và Man Hoàng khiến Hàn Ước không khỏi lo lắng.
Trần Khôn sau khi nếm mùi, trải nghiệm những món đòn của nghĩa quân Nam mà thấm thía lời Đặng Khả nói bóng gió họ Trần trước điện phủ có Hàn Ước ở đấy rằng "Một thằng tướng dốt với sự nhiệt tình của nó là sự lụi bại trong quân, một thằng như thế cộng với sự ích kỷ của nó sẽ làm hỏng đại sự của cả một dân tộc, một quốc gia". Khôn lấy trầm tư u uất lắm mà cũng giận nghĩa quân người Nam lắm mưu mô.
Đương lúc rối ren, Cao Sâm và Hạ Trung Hùng hai tướng dưới trướng Hàn Lâm được lệnh trở về La Thành tiếp quản Tống Bình. Hai người ấy có tới phủ Liễu tá hỏi họ Trần về kế sách tiếp theo để đối phó với nghĩa quân họ Dương. Họ Trần sợ rằng đó là dụng ý của họ Hàn mà từ chối không dám bàn đến.
Xẩm tối mưa phùn, họ Trần mới mời hai người đó tới một quán rượu trong thành. Ba người ăn mặc giản dị tránh kẻ nhòm người ngó nhưng đám nô tài trong quán chúng nhận ra ngay lẻo mép đon đả hậu tình.
Chỗ này xưa là quán của Đồ Tre Thảo Cứu, cũng là chỗ mà Trần Khôn hay tiếp đãi bọn cận hầu Hàn Ước. Ở nơi quen chỗ, gặp người quen giọng, uống rượu quen chung, ăn gà quen vị mà họ Trần uống với hai người đó đến say khướt chẳng biết gì.
Trong cơn say, Khôn lại giãi bày rồi ngâm thơ, tấu nhạc miệng. Họ Trần còn sai bọn nô tài cầm giấy bút nghiên mực mà ngoằn ngoèo vài chữ
"Giặc Dương tại thổ…"
Đương ngẫm nghĩ Khôn lăn đùng ra sàn, mực vấy lên khuôn mặt của Trung Hùng, chiếc bút rơi lên tay Cao Sâm đang ngáy khồng khộc dựa lưng vào chiếc ghế.
Lúc cả ba người ngà ngà, chếnh choáng cũng là lúc La Thành giới nghiêm. Bọn lính lệ, sai nha lùng sục khắp thành bắt bớ đám dân bờ dân bụi, xin chút lộc của đám tửu lầu, thanh lâu. Mấy tháng nay chiến sự liên miên, trong thành ít kẻ chơi bời, có chăng cũng chỉ là đám dân nghèo chẳng bõ bọn này dọa nạt xin xỏ. Ấy thế nên nay lại có quán rượu đãi khách lúc canh ba, thật là một dịp hiếm có.
Bọn lính lệ xông vào trong quán, thấy một góc nhỏ có rượu thịt ú ụ, lăn lông lốc là những hũ rượu cạn đáy. Hai vị tướng quân nằm ngả nằm nghiêng, miệng lề dề nhớm nháp, đầu tóc bù xù người mềm nhũn như sợi bún. Trông thấy khách say, tay sai nha cầm roi mây vụt lên bàn, bọn gia nô lắp ba lắp bắp:
- Bẩm các quan gia! Xin các ngài thứ tội!
- Tội gì? Thằng chủ quán ở đâu?
Một anh chàng lén la lén lút, mặc áo nâu, người mảnh khảnh rón rén cầm túi bạc đi ra. Giọng người này nào khác con chim khiếu, chọ chà chọ chẹ nói thật khó nghe:
- Bẩm các quan gia. Chúng con đây có chút gọi là… Dạo gần đây quán khách vắng teo.
- Ý mày là lỗi của bọn tao.
Anh chàng vội quỳ sụp xuống van nài:
- Bẩm quan gia, con nào đâu dám có ý vậy.
Túi bạc trao tay, bọn lính lệ sai nha liền bước ngay ra khỏi quán, mặt hớn hở chỉ trỏ tên anh chàng loắt choắt đó:
- Quá canh ba rồi, tắt đèn đi.
Anh chàng dạ dạ vâng vâng nghe theo lời đám sai nha. Đèn dầu phụng tắt ngủm, ba vị khách ngồi đó còn hai. Hạ Trung Hùng mở con mắt tối om, liền í ới gọi đám lâu la:
- Cái bọn này ô sao hay thật. Anh em ta còn đang ngồi uống rượu, hà cớ gì lại hết đèn đi?
Tống Bình sẽ loạn? Lời Đặng Khả nói trước khi Trần Khôn đẩy lão cựu Liễu tá khỏi Tống Bình sẽ thành sự thật? Mời các bạn cùng đón đọc chương tiếp theo của Giống Rồng để sáng tỏ.
- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Việt Nam
- Giống Rồng
- Chương 19-3: Thảm sát, bỏ đi và kẻ lãnh tội 3