Chương 23

Kỳ nghỉ hè từ lớp 11 lên lớp 12 vì thế mà trở nên thật khó nuốt.

Cô tốn biết bao tâm tư mới xin Lý Yến Văn đồng ý cho mình làm thêm ở tiệm trà sữa thành công, vì cô đã hứa với bà rằng sẽ làm thêm 15 đề thi mô phỏng nữa.

Tiệm trà sữa vào mùa hè làm ăn không khấm khá bằng các mùa khác.

Mùa hè ở Giang Thành quá nóng bức, đôi khi có nam nữ sinh đi học bổ túc tình cờ đi ngang qua mới ghé vào mua một ly, thời gian còn lại, bà chủ để cô trông tiệm một mình, cô vừa chờ khách đến vừa giải đề.

Thật ra trong tiệm có bàn để cô ngồi học nhưng cô muốn nhìn về phía cửa kính nơi Giang Tố đang ngồi, thế nên cô đã dùng một tấm ván che bồn rửa lại, nhoài người lên đó giải đề.

Máy điều hòa trong tiệm trà sữa không mát lắm, đã mở thêm cả quạt điện nhưng lưng vẫn đổ mồ hôi ướt nhẹp.

Tần suất Giang Tố xuất hiện ở cửa hàng băng đĩa đối diện vẫn như thường lệ.

Có nhiều khoảnh khắc thậm chí cô đã muốn sang đó hỏi anh, nếu có thời gian tại sao lại không đến trường học?

Nhưng cô không dám và cũng chẳng có tư cách để hỏi, dường như thanh xuân có rất nhiều vấn đề vốn không có câu trả lời.

Cô đã âm thầm đi cắt tóc mái, giống như những nữ sinh trong nhóm người mẫu kia vậy, thành quả tuy không quá hài lòng nhưng đúng là thăng hạng nhan sắc hơn đôi chút. Thợ cắt tóc nói với cô: “Không phải ai cũng hợp để tóc mái, nhưng trông cháu rất hợp đó.”

Ban đầu khi mới cắt, cô có phần chưa quen, dần dần mới học được cách xử lý, khiến nó ngày càng phù hợp hài hòa hơn trên trán mình. Thời điểm đó kiểu tóc mái thưa chưa được thịnh hành, thành thử tóc mái cô cắt hơi dày. Mùa hè, cô thường phải đưa tay vén mái lên khỏi trán để giải nhiệt, dù khổ cực nhưng cô chưa từng nghĩ sẽ cắt bỏ nó.

Cô vẫn bình thường như cũ, chỉ là cố gắng muốn trở nên tốt hơn mà thôi.

Ngày kết thúc công việc làm thêm ở tiệm trà sữa là một ngày trước khai giảng.

Hôm đó Giang Tố không xuất hiện, năm giờ là lúc cô tan làm, nhưng cô đã ở lại đến tám giờ.

Anh vẫn không xuất hiện.

Ngày mưa hè oi bức, ngay cả gió cũng rít vô cùng. Cô kéo cửa cuốn xuống, khóa lại, cuối cùng quay đầu liếc nhìn.

Nếu không có gì bất ngờ đây là ngày làm thêm mùa hè cuối cùng của cô ở đây.

Bà chủ đặt cho tiệm trà sữa một cái tên rất nghệ thuật, là Mùa hạ vô tận.

Trên phố chợt có tiếng của tốp ba tốp năm người, chìa khóa nằm trong lòng bàn tay cũng thật nặng nề.

Điều cô muốn kéo dài vô tận đâu chỉ là mùa hè, mà còn có tình yêu thầm kín đã định sẵn không bệnh mà chết của mình.

*

Ngày khai giảng lớp 12, quả thật cô đã ôm một tia hy vọng về sự may mắn.

Cô nghĩ nhỡ đâu những tin đồn kia là giả, nhỡ đâu anh sẽ đến trường.

Tiếc rằng hai tiết học trôi qua, vị trí của anh vẫn không có ai xuất hiện.

Anh chưa bao giờ đến trễ.

Dù anh không đến trường nhưng lớp Hỏa tiễn với sỉ số có hạn cũng không tuyển thêm học sinh có điều kiện phù hợp, vị trí thuộc về anh vẫn trống không như thế, hệt như một khoảng trắng bất thình lình trong thời kỳ thiếu nữ của cô vậy.

Thỉnh thoảng cô lại theo quán tính quay đầu sang, phải mất một khoảng thời gian dài, cô mới thuyết phục được bản thân anh đã rời đi, anh sẽ không quay lại nữa.

Thông qua những tin tức và các bài báo giải trí có thật có giả, cô biết được tình hình gần đây của anh.



Thỉnh thoảng anh sẽ phối hợp chụp một số ảnh tuyên truyền cho phim, phần lớn thời gian thì như những báo giải trí kia đưa tin, anh sợ tập trung vào phim ảnh thường xuyên sẽ không thể học hành, chậm trễ tiến độ của mình và ảnh hưởng các bạn học cùng trường, nên công ty đã mời một giáo viên chuyên môn cho anh, giúp anh chạy nước rút chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Cô theo dõi rất nhiều tài khoản giải trí, chỉ cần là tin tức có liên quan đến anh, dù là giả, cô vẫn sẽ dừng lại đọc kỹ vài lần, sau đó dựa vào sự hiểu biết hạn hẹp của mình để đoán những tin tức ấy là thật hay là giả.

Cô đã đồng ý với đề nghị của Hứa Viện, chuyển vào lớp mỹ thuật, Tiền Khương cũng vì thành tích học tập lên xuống thất thường nên cũng bắt đầu học vẽ với cô. Thời gian vẽ tranh rất khô khan, từ sáng đến trưa chỉ vẽ một bức mà vẫn không thể vẽ xong. Cô ký họa và phác thảo trên mặt giấy sần sùi, luyện tập vẽ cơ thể con người, đường nét khuôn mặt, giáo viên thường khen cô vẽ mặt người đẹp, trong kỳ thi sẽ được tăng điểm.

Khi đó cô chỉ biết lắc đầu, giáo viên lại bảo cô khiêm tốn, nhưng thật ra không có. Cô vẽ Giang Tố quá nhiều lần, mặc dù như vậy nhưng cô vẫn không vẽ ra được một phần nghìn phong thái của anh, nét vẽ thần kỳ nào mới thật sự xứng với anh đây, cô thường nghĩ như thế.

Dù đã chuyển phòng học, cách vị trí của anh xa rất xa, mà anh cũng chẳng còn xuất hiện ở chỗ ngồi ấy nữa, nhưng chỉ cần có thời gian rảnh, cô sẽ lấy lý do máy lọc nước ở tầng bốn lọc nước sạch hơn, kéo Tiền Khương đi lên đó rót nước với mình, sau đó đi ngang qua bệ cửa sổ nơi anh đã từng thò tay ra.

Nhỡ có một ngày anh sẽ xuất hiện, cô nghĩ.

Một học kỳ lớp 12 vô vị nhạt nhẽo cứ thế trôi qua, đây là học kỳ áp lực nhất.

Cô đang cố gắng hết sức để tìm điểm cân bằng giữa hội họa và việc học tập, để học toàn bộ những kiến thức mà một học sinh mỹ thuật khác học ba năm trong vòng một năm, cô chỉ có thể tiến lên chứ không được lùi bước, nhưng dù bận rộn đến độ thời gian ngủ cũng bị rút ngắn lại mà trong lòng cô vẫn cảm thấy nửa năm qua thật nhàm chán.

Khi có suy nghĩ ấy, ngay cả bản thân cô cũng kinh ngạc, hình như trước khi gặp được anh, cô luôn cảm thấy cuộc sống nhạt nhẽo như vậy, không có mong đợi, không có động lực. Nhưng sau khi anh xuất hiện, mỗi ngày thức dậy cô sẽ thấy vui vì có thể gặp được anh, lại thấy mất mát vì không thấy anh đâu, vì có anh nên cô mới cảm thấy thanh xuân của mình không quá hoài phí, cô có động lực, cô cũng muốn trở nên tỏa sáng.

Kỳ nghỉ đông lớp 12 như một cái búng tay, cảm tưởng như chưa từng có sự hiện diện của nó vậy. Tất cả mọi người đều tiến vào trạng thái tập trung cao độ, thời gian tự học buổi tối kéo dài, các nam sinh bình thường hay pha trò chọc cười thỉnh thoảng cũng hăng máu gà, phấn đấu học hành.

Cuộc sống yên bình, nhộn nhịp ấy bỗng chốc trở nên hỗn loạn vào một chiều nọ.

Ngày ấy Tiền Khương rất chật vật, đồng phục bị tàn thuốc làm lủng ba lỗ, trên mặt giàn giụa nước mắt chưa khô, Tiền Khương khom lưng quay về, bên ngoài có ai đó gọi cô ấy là quái thai.

Cô hỏi chuyện gì xảy ra nhưng Tiền Khương không chịu trả lời, cho đến một tuần sau, việc bạo lực học đường này càng lúc càng nghiêm trọng hơn, cô mới gom góp các chi tiết nhỏ từ cuộc đối thoại ngắt quãng để hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Ban đầu có vài nữ sinh lớp 10 không tuân thủ nội quy trường, dùng lửa đốt tóc một bạn nữ khác ở ngoài trường và trùng hợp bị bạn của bạn nữ kia nhìn thấy. Sự việc ấy được hiệu trưởng ra tay xử lý nghiêm khắc, ai biết chuyện chỉ cần báo cáo lại sẽ nhận được giấy khen ba tốt. Thế là họ uy hϊếp, dụ dỗ bạn của nữ sinh kia, không để cô bạn nói ra chuyện này, vừa sờ sờ, vỗ vỗ mặt đối phương vừa chụp ảnh lại khiến bạn học đó sợ đến nỗi bật khóc. Các cô ả thấy vậy thì bật cười, còn nói hay là sau này làm em gái của họ, khi ở trường, các chị sẽ bảo vệ cưng.

Người vây xung quanh hóng chuyện càng lúc càng nhiều, thỉnh thoảng chỉ có vài nữ sinh lên tiếng bảo đừng làm như vậy, cuối cùng Tiền Khương không nhịn được, lớn tiếng nói: “Không phải ai cũng muốn nhập bọn với mấy người!”

— Cô bạn đã hành động một mình.

Dường như tất cả sự tức giận đã tìm được lối ra, vì Tiền Khương “mập mạp”, vì cô ấy “có ngoại hình xấu xí”, vì cô ấy tuy giọng lớn nhất nhưng lại dễ bắt nạt nhất, thế là đám nữ sinh kia đột nhiên thay đổi mục tiêu, từ trên cao nhìn xuống hỏi: “Có người không thích bình yên cơ đấy? Quái thai à?”

Sau đó họ lại quan sát cô bạn vài lần: “Mập thế này thì đúng là quái thai rồi.”

Sau đó các cô ả bật cười lớn.

Những lần sau đó Thẩm Thính Hạ đều thấy.

Lúc đi ra sân học tiết thể dục, trong hộc bàn cô bạn sẽ bị người ta nhét đầy rác. Các nữ sinh kia quen biết rộng, thêm mắm dặm muối và lan truyền câu chuyện này đi, hình như ở lớp 12-2 có một “quái thai”.

Những nam sinh xấu xa mỗi lần thấy Tiền Khương đi vệ sinh sẽ nhìn cô bạn với ánh mắt chán ghét và khinh bỉ, còn cười hỏi cô ấy: “Chị quái thai lại đi vệ sinh đấy hả?”

Dần dà, cơn sóng gió này bắt đầu vạ lây sang bạn bè của cô ấy.

Tiền Khương đề nghị hay là khoảng thời gian này, hai người tạm thời đừng đi chung nữa nhưng Thẩm Thính Hạ biết, Tiền Khương không có bạn, nếu còn mất đi mình, cô ấy sẽ càng buồn tủi hơn.

Vì cô đã trải nghiệm cảm giác không hòa nhập nên cô không muốn Tiền Khương phải trải qua nó một lần nữa. Cô lắc đầu bảo không cần.

Thời gian sau đó, cô cũng bắt đầu bị gọi là quái thai, mặc dù hai cô gái không hề làm gì sai, mỗi một tiếng kêu, cô sẽ cúi đầu tốc họa một bức, đôi tay đang cầm bút tốc họa trên giấy cũng run rẩy không ngừng.

Đám lớp 10 gọi hai người là bộ đôi quái thai. Dường như những chuyện liên quan đến họ sẽ trở nên thật buồn cười và khó coi. Lần đầu tiên cô biết, sự phản ứng yếu ớt của những người thấp cổ bé họng trước mặt đám người áp bức tuyệt đối lại chẳng là gì cả.



Khi đó cô đang tham gia một cuộc thi hội họa, miệt mài vẽ bất kể ngày đêm, cơm trưa chỉ ăn qua loa mấy miếng rồi tranh thủ lúc mọi người chưa về lớp, cô chạy nhanh về tiếp tục vẽ.

Mãi đến buổi trưa ấy, cô về lớp sớm, trong phòng học trống trải, đám nữ sinh lớp 10 nghênh ngang ngồi trên bàn cô, dưới đất là những mảnh giấy xé vụn.

Cô nhận ra một mảnh nhỏ trong số đó, bên tai bắt đầu ù đi, âm thanh ầm ĩ, bén nhọn và nhức óc.

Họ cười nhạo cô: “Một đứa quái thai, loại gì mà đòi tham gia cuộc thi? Mày nghĩ mày sẽ thắng chắc?”

Cô khống chế được nước mắt sinh lý của mình, không phải là bị bắt nạt mà là một sự đả kích mang tính hủy diệt phức tạp hơn. Không ai biết bức tranh mà họ xé không phải là tác phẩm dự thi của cô mà là niềm mong mỏi duy nhất của cô, mong rằng ngày tốt nghiệp, Giang Tố sẽ quay lại — Nếu đó là lần cuối cùng anh quay lại, cô sẽ đặt một món quà rất đỗi bình thường nhưng đó là toàn bộ sự chân thành và là món quà vừa tinh xảo vừa vụng về vào hộp quà tặng thật lớn của anh giống như bao nữ sinh khác.

Cô nghiến răng, không nói tiếng nào mà cúi người. Khi đám nữ sinh bắt đầu cười cợt vì tưởng cô sẽ khụy xuống nhặt các mảnh giấy vụn lên, cô đã nhân lúc các cô ả lơ là cảnh giác đẩy bàn một cái.

Chiếc bàn cứ thế bị lật ngã, đám rác rưởi xã hội cao ngạo ngang tàng kia ngã rầm xuống đấy.

Sách vở của cô đè lên mặt các cô ả.

Cô rất nhát gan, nhạy cảm, tự ti và yếu ớt nhưng Giang Tố là sự ký thác tinh thần duy nhất mà cô trân quý, cô sẽ không cho phép bất cứ ai phá hỏng nó.

Cô đứng trên nền xi măng, không kìm được hít một hơi thật sâu, chỉ nghe được tiếng hít thở dữ dội của mình hệt như một người chết đuối. Cô không quan tâm mình sẽ phải đối mặt với chuyện gì, vì anh nên cô mới dũng cảm như vậy.

Đám nữ sinh kia đang định đứng lên đánh cô, đúng lúc này giáo viên chủ nhiệm vòng về lớp để lấy điện thoại để quên, bọn họ sợ hãi chạy mất dạng.

Trong lòng cô hoàn toàn bất chấp những thứ khác, cô không có nhiều thời gian để lãng phí. Cô dè dặt nhặt những mảnh giấy vụn dưới đất lên, nhặt từng mảnh từng mảnh, màu nước trên đó vẫn chưa khô, lan ra một mảng lớn.

Cô chưa từng cẩn thận như vậy, dùng khăn giấy bọc lại từng lớp từng lớp rồi cất vào hộc bàn.

Đáng tiếc thay không như những gì đám nữ sinh lớp 10 kia mong muốn, tác phẩm dự thi của cô không bị họ xé, cô giành giải nhất.

Tấm giấy khen với dòng chữ lớn được dán lên hành lang trường, những hành vi xấu xa của đám nữ sinh lớp 10 bị một nữ sinh âm thầm thu thập chứng cứ và tố cáo. Vì để không bị đuổi học, ngày nào các cô ả cũng phạt đứng trước tấm giấy khen của cô và khóc lóc ỉ ôi, ở đối diện chính là bức tranh vẽ có chữ ký lớn của Thẩm Thính Hạ.

Cuối cùng thư xin lỗi được dán bên cạnh giấy khen, trông cực kỳ nổi bật.

Những chuyện này đều do Tiền Khương kể cô nghe.

Tiền Khương hỏi cô: “Như vậy cậu có hài lòng không?”

Cô đang cúi đầu vẽ bổ sung, thở dài nói: “Tớ vẫn muốn tớ có thể vẽ lại bức tranh này hơn.”

Để vẽ bức tranh bị bọn họ xé nát, cô đã hy sinh rất nhiều thời gian ngủ của mình.

Người bên trái im lặng chốc lát, sau đó cô nghe Tiền Khương nói: “Xin lỗi cậu.”

Cô cảm thấy kỳ lạ, bèn ngẩng đầu, không hiểu nguyên nhân của lời xin lỗi này. Một lúc lâu sau, cô mới chậm rãi cất tiếng, an ủi Tiền Khương: “Tớ không vui là vì chuyện họ làm sai. Không liên quan gì đến cậu, cậu không cần nói xin lỗi.”

Nói đoạn, cô lại tiếp lời: “Cậu làm rất đúng, rất khó để can đảm, nên tớ cũng rất tự hào về cậu.”

Ánh nắng ngoài cửa sổ rọi vào, Tiền Khương nhìn cô một lúc rồi mỉm cười.

Cô phát hiện bên má trái Tiền Khương có một lúm đồng tiền.

Sau đó lúc hai người đi mua cơm đã gặp nữ sinh bị đám người kia bắt nạt và bạn của cô ấy, mới biết hai người họ là người đã tố cáo các hành vi của đám nữ sinh lớp 10. Họ nói xin lỗi Tiền Khương, xin lỗi vì đã hành động quá muộn bởi bất cẩn làm mất video, khó khăn lắm mới tìm lại được. Nhưng vì sợ đám lớp 10 đó trả thù, họ chần chừ mãi mới đủ can đảm.

Tiền Khương bảo không sao, bây giờ mọi chuyện đã qua rồi. Họ cùng nhau đến một quán ăn ở gần trường, hồi ấy khái niệm girls help girls chưa được phổ biến, nhưng trong màn sương nóng phả lên, lần đầu tiên Thẩm Thính Hạ cảm nhận được lòng tốt vô bờ giữa các cô gái.

*