Chương 2: Chạy

Đêm càng về khuya, sương trắng càng dày, khí trời càng lạnh. Cẩm Hoa gò lưng giữ chặt lấy Miêu Miêu, tay vỗ nhẹ bên trái dẫn đường cho con báo đen. Miêu Miêu là linh vật của núi rừng Tây Vu, từ nhỏ đã sống bên cạnh nàng, cực kỳ hiểu ý chủ nhân. Đường từ Chu Diên về Cổ Loa không xa, ngựa thường chạy chừng hơn giờ là tới, nhưng nàng phải dùng Miêu Miêu để trở về. Bởi vì nàng biết trong trang Thụy Khuê cũng đầy rẫy tai mắt của các phe phái khác, muốn bắt được người tù sau lưng nàng. Hai thiếu niên ngờ nghệch nàng gặp ở trong vườn Tịch Lâm không có gì đáng sợ, đáng sợ là những kẻ nấp trong bóng tối, lúc nào cũng có thể xông ra xỉa một kiếm vào ngực nàng để cướp người. Chỉ có tốc độ của Miêu Miêu mới có thể vượt xa những con ngựa tốt ở thành Long Biên, kịp thời gặp được Trường Nghĩa trước khi bọn chúng đuổi kịp.

“Miêu Miêu, cố lên chút nữa.”

Nàng vuốt nhẹ lưng con báo đen, nhẹ giọng thủ thỉ bên tai nó. Con báo như hiểu lời chủ nhân, ra sức phóng nhanh hơn nữa. Cảnh vật xung quanh tựa như nhòa đi trong mắt nàng.

“Con ngoan, sắp đến rồi.”

Cẩm Hoa lại thì thầm, chẳng biết có phải do đang ở trên lưng báo hay không mà nàng chợt thấy thanh âm của mình có chút run rẩy. Con Miêu Miêu đang gồng sức chạy hết tốc lực bỗng nhiên chúi đầu ghìm lại. Cẩm Hoa phải ghì thật chặt Miêu Miêu để không bị bắn khỏi lưng con báo đen.

Soạt soạt.

Hai mũi tên vừa vặn lướt qua trên đầu nàng, cắm phập vào cây tre già phía sau. Miêu Miêu dùn mình thủ thế, nhe răng gầm gừ, mắt nhìn vào màn đêm đen phía trước. Cẩm Hoa cũng gập mình sát lưng Miêu Miêu, mắt cảnh giác đảo xung quanh, một tay án lên ngọn roi dài bên hông.

Đêm đen như mực. Những vì sao lấp lánh đầy trời không gom đủ ánh sáng để soi rọi vạn vật. Gió vi vυ"t trên cao, lá tre lao xao lay động, kéo thân tre kẽo kẹt đu đưa. Tiếng chim bắt cô trói cột rơi lạc lõng giữa đêm hè, khi gần khi xa. Mỗi tiếng kẽo kẹt truyền vào tai Cẩm Hoa là một sự đe dọa đáng sợ, mỗi tiếng chim rơi xuống là thêm một mối nguy hiểm đến gần.

Miêu Miêu lay động mấy sợi ria, tai phải chậm rãi ép sát đầu. Cẩm Hoa vuốt vuốt lưng nó, nhẹ nhàng không một tiếng động áp chặt vào lưng con báo. Nàng nói thành tiếng:

“Từ từ thôi con.”

Thình lình, Cẩm Hoa thét lên một tiếng lanh lảnh, vỗ lên đầu Miêu Miêu. Nó nhảy vọt lên rồi lao mình như tên bắn về phía trước.

“Hừ.”

Một người mặc y phục đen từ trong bụi tre hoảng hốt xông ra, phóng theo con báo đen. Đột nhiên y thấy có vật gì quấn lấy cổ họng mình, thít chặt không cho y hít thở. Vật ấy giật mạnh một cái, y chỉ kịp cảm thấy đau trong thoáng chốc rồi không còn biết gì nữa. Cẩm Hoa nhảy xuống đất, thu roi. Nàng huýt sáo một tiếng, con báo đen đã mang người tù trở lại.

“Miêu Miêu, đi thôi.”

Nàng nhảy lên lưng Miêu Miêu, dịu dàng xoa đầu nó. Con báo đen lại ra sức phóng thật nhanh, lao ra khỏi rừng tre, tiến đến con đường mòn băng qua ruộng lúa đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Cánh đồng khô nẻ không có chỗ cho nàng ẩn nấp nhưng cũng không che giấu kẻ thù, trong hoàn cảnh này thì có vẻ ít nguy hiểm hơn nhiều so với rừng tre phía sau. Chỉ có điều, cánh đồng cũng giống rừng tre, sẽ đến lúc đi hết. Miêu Miêu vẫn phóng hết tốc lực, nhưng cổ họng gầm gừ không yên, mắt dán vào vùng tối phía trước.

Đó là một cây đa lớn trước cổng vào làng Đại Vân, Cẩm Hoa nhớ như vậy. Nơi này cách Cổ Loa không xa nữa. Nàng đã từng đi ngang qua đây không biết bao nhiêu lần, nhưng cảm giác lần này hoàn toàn bất đồng. Mỗi bước chân của Miêu Miêu tới gần cây đa, sát khi càng nồng đậm, áp lực đè lên vai Cẩm Hoa càng nặng nề. Dưới tán cây xào xạc, sát cơ giăng mắc khắp nơi. Trong bóng đêm thăm thẳm, nguy cơ ẩn giấu trùng trùng.

Miêu Miêu đã dừng lại, dùn mình thủ thế, cổ họng không ngừng gầm gừ. Cẩm Hoa nhảy xuống đất, giáp lưng với Miêu Miêu, chia nhau quan sát hai phía. Đêm hè thật ngắn ngủi, bầu trời phía đông đã chuyển màu, không gian nhờ đó cũng bớt đi phần tăm tối. Cẩm Hoa lờ mờ nhìn thấy ba bóng người đứng chắn trước đường đi của nàng.

“Để người lại, chúng tôi sẽ để cô đi.” Người đàn ông ở giữa cất giọng trầm trầm.

“Thật các vị sẽ để tôi đi?” Cẩm Hoa nghi ngờ hỏi lại.

“Tôi cam đoan như vậy.”

“Làm sao tôi tin được lời của ông?”

“Tôi chưa bao giờ nói sai lời.” Người đàn ông quả quyết nói.

“Vậy ông là ai?”

“Điều đó có quan trọng không?”



Cẩm Hoa bật cười, nói:

“Ông không cho tôi biết ông là ai, lại đi đảm bảo với tôi là ông chưa bao giờ sai lời. Ông nói xem, điều đó có quan trọng hay không?”

Người nọ chừng như hơi lúng túng, không biết phải nói gì. Người đứng bên phải lên tiếng:

“Anh cả, em xem chừng dù ả có biết chúng ta là ai đi nữa thì ả cũng tuyệt đối không để người lại đâu. Chúng ta không phải người hay lý hay lẽ, tranh cãi với ả cũng không ích gì. Việc cần kíp, chỉ có thể dùng võ công thắng ả mới giải quyết được vấn đề thôi.”

Người bên trái cũng phụ họa:

“Chị hai nói phải. Chúng ta bất tất phải nói nhiều với ả làm gì. Mau khống chế ả để đưa người đi. Chậm một chút để người của ả đến thì không hay đâu.”

Người đàn ông đứng giữa giọng khó xử nói với Cẩm Hoa:

“Chúng tôi không thể để cô mang người này đi được, mong cô hiểu cho. Chỉ cần cô để người lại, tôi cam đoan sẽ không động tới một sợi tóc của cô, như vậy có được không? Bất đắc dĩ lắm mới phải động võ, đao kiếm không có mắt, lỡ như làm cô bị thương thì không tốt chút nào. Cô cũng biết không thể nào mang người toàn vẹn vượt qua ải này được, phải không?”

Cẩm Hoa thở dài, đáp:

“Cảm ơn ý tốt của ông. Không phải tôi không hiểu mà là tôi không thể rời đi nếu thiếu y. Hơn nữa, tôi nghĩ ông cũng nên cố gắng gϊếŧ tôi đi là tốt nhất. Nếu không…”

Cẩm Hoa bỏ dở câu nói, lắc đầu thở dài. Người đàn ông thấy thái độ của nàng, vội hỏi:

“Nếu không thì sao?”

Cẩm Hoa trầm giọng gằn từng tiếng:

“Nếu không, thiên hạ sẽ biết Cối Giang tam anh danh tiếng lẫy lừng đi làm chó săn cho giặc.”

Cối Giang tam anh là danh hiệu người ta dùng để gọi ba anh em Nguyễn Trực Thanh, Nguyễn Hồng Thanh, Nguyễn Vũ Thanh, ba cao thủ kiếm pháp xuất thân phái Long Biên, thường lấy võ công để trừ cường hào, giúp kẻ yếu, danh tiếng lẫy lừng khắp vùng Giao Chỉ Tân Xương. Chẳng ngờ, hôm nay ba người lại ở đây chặn đường Cẩm Hoa, muốn dùng vũ lực cướp tù nhân.

“Chó săn?” Cả ba người đồng thanh kêu lên, giọng tràn đầy vẻ phẫn nộ.

Nguyễn Hồng Thanh hừ một tiếng, khinh bỉ hỏi lại:

“Nếu chúng tôi là chó săn cho giặc, vậy cô là thứ chó gì?”

Nguyễn Vũ Thanh tức giận quát lớn:

“Hay! Hay lắm! Hôm nay lại có kẻ lớn giọng gọi chúng ta là chó săn cho giặc. Chó săn, chó săn à? Chó săn….”

Trong tiếng gầm cuồng nộ, Vũ Thanh đã xông tới, khoa kiếm tấn công Cẩm Hoa. Nàng thúc Miêu Miêu lùi lại, vung roi lên phòng thủ, hòng quấn lấy kiếm của Vũ Thanh. Người và báo phối hợp tiến lui nhịp nhàng, trước sau vẫn giữ khoảng cách nửa trượng với Nguyễn Vũ Thanh.

Kiếm pháp Long Biên vừa nhanh vừa hiểm, biến hóa vô cùng. Ngọn roi của Cẩm Hoa lại uyển chuyển như nước chảy mây trôi, khi nhanh khi chậm, lúc nhu lúc cương, đan cài nghiêm mật tạo thành một bước tường kín đáo, không cho mũi kiếm của Nguyễn Vũ Thanh phạm vào nửa tấc đôi phân nào cả. Phút chốc, hai người đã qua lại hơn trăm chiêu mà thanh kiếm của Nguyễn Vũ Thanh vẫn chưa chạm được tới chéo áo của Cẩm Hoa, ngược lại còn bị ép tới thở không nổi.

“Phải ba người xông vào thôi. Cứu người là việc gấp, đợi đồng bọn của ả tới e chúng ta khó địch lại. Nếu địch lại cũng khó tránh thương vong. Anh cả, giờ không phải lúc nói chuyện luật lệ võ lâm. Em biết anh khó xử, nhưng lúc này phải đặt sự an nguy của người lên hàng đầu.”

Nguyễn Hồng Thanh thấp giọng nói với Nguyễn Trực Thanh, tuốt kiếm xông vào trận chiến. Miêu Miêu thấy chủ nhân bị tập kích, gào lên một tiếng phẫn nộ, nhảy chồm lên cảnh báo cho Cẩm Hoa rồi trầm mình thủ thế, xòe vuốt nhe nanh đe dọa kẻ địch.

“Để bọn họ tới hết đi!”



Cẩm Hoa vung roi ép Nguyễn Vũ Thanh lùi lại, thuận thế xoay roi cản thế tới của Nguyễn Hồng Thanh. Ngọn roi của nàng thoắt trái thoắt phải, chợt đông chợt tây, vừa công vừa thủ, tuy vẫn không rơi vào thế hạ phong nhưng phòng tuyến đã bắt đầu yếu dần, khoảng cách giữa Cẩm Hoa và Hồng Thanh, Vũ Thanh ngày càng ngắn lại.

Bất chợt, Hồng Thanh quát lên một tiếng lanh lảnh, kiếm chiêu biến ảo khác thường, tựa nhanh mà chậm, tựa chậm mà nhanh, phương vị biến đổi khó lường. Kiếm của Vũ Thanh cũng theo đó mà biến đổi, vụt nhanh vụt chậm, phối hợp nhịp nhàng với Hồng Thanh, tạo thành trận thế áp đảo Cẩm Hoa vào giữa. Nguyễn Trực Thanh muốn nhân cơ hội Cẩm Hoa bị bao vây để xông tới cướp người, nhưng Miêu Miêu luôn cảnh giác, mỗi khi Trực Thanh di chuyển đều nhe nanh gầm gừ cảnh báo cho chủ nhân. Bởi vậy, cuộc đối đầu giữa Hồng Thanh Vũ Thanh và Cẩm Hoa vẫn tiếp diễn, Trực Thanh và Miêu Miêu vẫn vờn nhau, quan sát nhau, chờ đợi một sơ hở của đối phương.

Soạt.

Mũi kiếm của Hồng Thanh sớt qua vai trái Cẩm Hoa, nếu nàng không kịp thời trầm mình xuống tránh thì có lẽ giờ đã bị tiện đứt cánh tay rồi. Tuy vậy, vai của nàng cũng bị cắt một vệt tương đối, máu tươi giọt giọt chảy xuống.

Máu một khi đã đổ, sẽ không chịu ngừng lại, cho đến khi một trong hai phe ngã xuống. Vầng dương phía đông háo hức chuẩn bị chui lên, bầu trời chuyển dần sang màu trứng sáo, không gian sáng dần lên, soi rõ từng vệt máu loang lổ trên y phục của ba người. Cẩm Hoa đã thấm mệt, bị thương bảy tám chỗ, máu tươi đầm đìa. Nhưng Hồng Thanh và Vũ Thanh cũng không hơn gì nàng, đều bị trúng năm sáu trọng chiêu mỗi người, vệt roi da tẩm dầu đánh rách vải tét thịt vằn vện khắp toàn thân. Ba người say máu, càng đánh càng dữ, chiêu thức càng lúc càng hung hãn nhưng cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại.

Đêm sắp qua và ngày sắp đến. Có tiếng chim sâu lích rích trong tán lá, tiếng gà gáy sáng từ trong làng vọng ra, khởi đầu cho một ngày mới nhiều nắng. Trên bầu trời cao, một đôi chim đang sải rộng cánh, kêu lên những tiếng ngân vang. Cẩm Hoa mỉm cười, áp sát vào thân Miêu Miêu, tay vẫn múa roi tự bảo vệ.

Đột nhiên, ngọn roi trong tay nàng xoay chuyển nhanh hơn, tấn công dồn dập vào Hồng Thanh, đồng thời vỗ mạnh vào lưng Miêu Miêu. Con báo đang thủ thế thình lình tung mình lao đi theo con đường phía trước. Nguyễn Trực Thanh vẫn luôn theo dõi từng cử động của con báo, cũng phi thân đuổi theo. Nhưng Cẩm Hoa đã biết trước, xoay roi quấn chân ông ta giật mạnh trở lại. Vốn dĩ với võ công của Nguyễn Trực Thanh, không dễ gì Cẩm Hoa có thể tung roi quấn chân ông ta dễ dàng như vậy, nhưng Trực Thanh cho rằng Cẩm Hoa đang bị Hồng Thanh, Vũ Thanh trói tay trói chân, không ngờ được nàng bất chấp tính mạng quay sang giữ chân mình, bởi vậy mới để nàng đắc thủ.

Nhưng để giữ chân được Nguyễn Trực Thanh, Cẩm Hoa cũng phải trả một cái giá rất đắt. Không có ngọn roi cản bước Hồng Thanh, Vũ Thanh, Cẩm Hoa lập tức trúng phải một chưởng vào lưng, một kiếm vào vai, ngập đến hơn hai tấc.

Cẩm Hoa khuỵu xuống quỳ trên một chân, máu tuôn như xối, nhưng nàng vẫn mỉm cười, gương mặt sáng bừng lên với nụ cười của người chiến thắng. Hồng Thanh và Vũ Thanh lạnh lùng kề kiếm vào cổ nàng. Cẩm Hoa không để ý đến, chỉ nhìn Trực Thanh, nói:

“Bây giờ ông có đuổi cũng không kịp nữa. Ông có thấy đôi chim ưng đang lượn trên kia không? Có nghĩa là người của tôi đã ở rất gần, với tốc độ của Miêu Miêu thì giờ này đã mang tên tù đó đến chỗ người của chúng tôi rồi. Ông thua rồi! Các ông thua rồi! Ha ha…”

Hồng Thanh túm lấy cổ áo Cẩm Hoa nhấc lên, gằn giọng hỏi:

“Nói. Các ngươi mang sư phụ ta đi đâu?”

“Sư phụ?”

Cẩm Hoa ngạc nhiên hỏi lại, sau đó nàng chợt hiểu ra điều gì, bật cười sằng sặc, đầy vẻ mỉa mai châm biếm. Trực Thanh nhìn nàng cười, ngạc nhiên hỏi:

“Chúng tôi tìm sư phụ, có gì đáng cười sao?”

Cẩm Hoa khạc ra một búng máu tươi, hít một hơi lấy lại khí lực rồi mới đáp:

“Người tù đó… không phải sư phụ của các vị.”

“Ủa?” Ba anh em họ Nguyễn đều bật lên tiếng kinh ngạc.

Cẩm Hoa kiệt sức ngồi phịch xuống đất, mệt mỏi nói trong hơi thở ngắt quãng:

“Tôi không biết… ai cung cấp thông tin… cho các vị, nhưng rõ ràng… các vị phí công vô ích rồi… Người đó không phải… Nguyễn Phùng tiên sinh. Các vị… nhầm… rồi… Y là…”

Cẩm Hoa nói đến đó, dường như đã kiệt lực tàn hơi, đổ gục xuống đất, không biết gì nữa.

Ba anh em họ Nguyễn ngơ ngác nhìn nhau.

Vậy sư phụ ở đâu? Người tù ấy là ai?

Chuyện này rốt cuộc là sao đây?