Giếng thở than là tập truyện ngắn kinh dị của M.R James bao gồm 30 tác phẩm. Các tác phẩm này được chọn lọc từ nhiều tập truyện khác nhau của nhà văn như Những truyện ma của những nhà khảo cổ, Thêm truyện ma nữa, Một con ma gầy và những truyện khác... Những câu chuyện kì bí, rùng rợn và hấp dẫn trong bối cảnh cuộc sống đời thường chủ yếu được một nhân vật xưng “tôi” kể lại bằng giọng điệu khách quan và không có lời bình luận. Các tác phẩm như “Còi ơi, ta sẽ đến với mi, chú bé của ta”, Quăng các chữ Runes, Phòng số mười ba, Vườn hồng… là những truyện ngắn nổi tiếng của tác giả.
Đó là cái giếng hoang nằm giữa cánh đồng cỏ suốt hơn 10 năm chẳng có bóng người hoặc con vật nào dám tới gần. Vì dưới giếng thường có tiếng than thở nỉ non vọng lên vào đêm đêm. Ngay ban ngày, thỉnh thoảng, những người chăn cừu bạo gan thấy bóng của bốn người: một đàn ông và ba phụ nữ, khi ẩn khi hiện, lảng vảng quanh giếng. Họ xuất hiện thường sau bốn giờ chiều và theo bốn con đường mòn uốn lượn quanh các bụi cây gai dẫn đến một vài gò nho nhỏ có lùm cây cao phủ lên miệng giếng. Gió rì rào như đưa họ là đà hổng đất đến gặp nhau. Họ nói gì chẳng ai nghe ai hiểu. Xa xa văng vẳng lại tiếng khóc, mà có lẽ, vọng lên cùng lúc với nước mắt của họ. Họ khóc vì những chuyện không may gặp phải ngày còn sống? Nơi họ đứng được cậu Stanley quan sát từ trên đỉnh đồi cao, lúc cậu đang nghỉ hè, cắm trại và tắm nắng; nhưng cậu chỉ thấy cái gò ở xa xa chứ không thấy họ. Cậu càng tò mò hơn khi các hướng đạo sinh trong đoàn của cậu được cảnh báo phải tuyệt đối không đến khu vực giếng và cậu lén đi một mình để thử gặp bốn linh hồn kia. Sự vắng mặt của Stanley đã khiến Hope Jones, Wilfred, Algernon, Wilcox phải lặn lội đến "vùng cấm" để tìm và tất cả đã thấy các bóng ma ban ngày. Một cuộc đối mặt với những người của thế giới bên kia diễn ra bất ngờ. Cuối cùng chuyện gì xảy đến? Stanley đã gia nhập hẳn vào thế giới của "những linh hồn chết"? Và "tôi nghe nói hiện dân ở giếng thở than gồm ba phụ nữ, một đàn ông và thêm một cậu bé".
Montague Rhodes James (1862-1936), hiệu trưởng Đại học Hoàng gia ở Cambridge, là một học giả nổi tiếng về thời Trung cổ, ông cũng là nhà khảo cổ và là một chuyên gia về các tác phẩm ngụy tác Kinh thánh. M.R.James cũng là tác giả của những tập truyện ma kinh điển nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất trong văn học viết bằng tiếng Anh. Về những truyện ma, M.R.James viết chừng bốn mươi truyện (trong đó có nhiều truyện chưa hoàn chỉnh) và in trong các tập như: Những truyện ma của một nhà khảo cổ (1904), Thêm truyện ma nữa (1911), Một con ma gày và những kẻ khác (1919), Cảnh cáo cho kẻ tò mò (1925) và Tuyển tập truyện ma của M.R.James (1931). Trong số đó có những truyện rất nổi tiếng như Quãng các chữ Runes và Còi ơi, ta sẽ đến với mi, Chú bé của ta. James cũng víết các truyện thần tiên cho trẻ em, như cuốn Năm cái bình (1922).
M.R.James sinh tại Goodnestone Parsonage ở Kent năm 1862, địa phận mà cha của ông làm phó giám mục. Từ khi còn nhỏ tuổi, James đã có thiên hướng mê thích sách vở và thường miệt mài nghiền ngẫm những tập sách cổ trên giá thư viện hơn là chơi đùa với những lũ trẻ khác. Khi lên sáu, James ốm nặng vì bị viêm phế quản và, trong khi dưỡng bệnh, cậu đã mong ước được xem cuốn kinh thánh thế kỷ mười bảy bằng tiếng Đức của một người bạn cha cậu, giám mục Ryle. Cuốn sách đã được gửi đến cho cậu và cậu, như được kể lại, đã nhỏm dậy trên giường bệnh, say mê lật giở hết trang này đến trang khác.
Mặc dù là một học giả rất lớn của thời bấy giờ, song hiện nay chính nhờ những truyện ma mà M.R.James được nhớ đến nhiều nhất.
M.R.James được đánh giá là cha đẻ của các thể loại Truyện ma hiện đại, ngay cả những tên tuổi lừng lẫy như J.Sheridan Lefanu hay L.P.Hartley cũng phải xếp đàng sau. Đã có hẳn những tạp chí như Ghosts & Scholars Magazine (Tạp chí Ma và Học giả) chuyên đăng truyện và khuyến khích các học giả nghiên cứu về những tác phẩm của M.R.James.