Chương 41

Jenna Spinelly, y tá phòng mổ, học trên tôi một lớp ở trường phổ thông. Đôi mắt xám điềm tĩnh của chị thoáng chút sắc xanh, và đôi tay được sinh ra để chơi piano.

Tin tức chị mang đến không xấu như tôi sợ, không tốt như tôi mong. Cảnh sát trưởng đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng không khỏe, ông mất lá lách, nhưng không có nó, ông vẫn sống được. Một lá phổi bị thủng nhưng chữa được và không có bộ phận cơ thể quan trọng nào bị hủy hoại đến mức không thể lành.

Cần tiến hành cuộc phẫu thuật phức tạp hồi phục hệ mạch và bác sĩ phụ trách ca mổ dự đoán cảnh sát trưởng còn phải ở trong đó thêm một tiếng rưỡi đến hai tiếng nữa.

“Chúng tôi chắc chắn ông ấy sẽ vượt qua được,” Jenna thông báo. “Sau đó vấn đề là ngăn chặn các biến chứng sau phẫu thuật.”

Bà Karla đi vào phòng đợi của khoa hồi sức tích cực để báo tin cho em gái cảnh sát trưởng và Jake Hulquist.

Còn lại một mình trong hành lang với Jenna, tôi lên tiếng, “Chị nói ra hết hay còn giấu điều gì?”

“Mọi chuyện chỉ như chị nói thôi, Odd à. Bọn chị không làm giảm mức độ tin xấu đối với vợ hay chồng của bệnh nhân. Bọn chị nói thẳng và nói hết một lúc.”

“Vụ này thật điếng hồn.”

“Như trận cuồng phong,” chị ấy tán đồng. “Chị biết em thân thiết với ông ấy.”

“Đúng vậy.”

“Chị nghĩ cuối cùng ông ấy sẽ qua được hết,” Jenna nói. “Không chỉ ra khỏi phòng mổ mà còn tự đi về nhà được.”

“Nhưng không gì bảo đảm.”

“Đó giờ làm gì có chuyện này? Bên trong cơ thể ông ấy rối beng. Nhưng không tệ như mức độ các bác sĩ cứ ngỡ lúc mới đặt ông lên bàn mổ, trước khi phẫu thuật. Cả ngàn người mới có một người sống sót với ba vết thương ở ngực. Ông ấy may mắn kinh khủng.”

“Nếu may mắn kiểu đó thì tốt hơn bác ấy đừng bao giờ đến Vegas.”

Lấy đầu ngón tay kéo mi mắt dưới của tôi xuống và xem xét con mắt đỏ ngầu: “Em mệt lắm rồi đó Odd.”

“Cả một ngày dài. Chị biết đấy, tại Quán Vỉ nướng, điểm tâm bắt đầu phục vụ từ sớm.”

“Mới hôm trước chị tới đó với hai người bạn. Em làm bữa trưa cho bọn chị đó.”

“Vậy sao? Đôi khi mọi việc bên vỉ nướng bù đầu quá, em không có thời gian ngó quanh xem ai vào quán.”

“Em có tài đó.”

“Cảm ơn chị, nghe vậy thấy vui thật.”

“Chị nghe nói bố em đang bán mặt trăng.”

“Dạ phải, nhưng chỗ đó không phải nơi lí tưởng để nghỉ ngơi. Chẳng chút không khí.”

“Em không giống bố em chút nào.”

“Ai lại muốn vậy?”

“Hầu hết mọi người.”

“Em nghĩ chị nhầm rồi.”

“Em biết gì không? Em nên mở lớp dạy nấu ăn.”

“Chủ yếu chỉ là món chiên nướng thôi.”

“Chị vẫn sẽ đăng kí theo học.”

“Cách chế biến đó không có lợi cho sức khỏe,” tôi nói.

“Ai rồi cũng phải chết vì một thứ gì đó. Em vẫn quen với Bronwen chứ hả?”

“Stormy. Dạ phải. Chuyện đó là định mệnh.”

“Sao em biết?”

“Bọn em có vết bớt xứng với nhau.”

“Ý em là hình xăm của con bé xứng với hình xăm của em hả?”

“Hình xăm? Không. Nó là vết bớt thiệt đó. Bọn em sắp cưới.”

“Ồ, chị chưa nghe chuyện này.”

“Tin mới mà.”

“Để coi tới lúc mà bọn con gái biết được,” Jenna nói.

“Bọn con gái nào?”

“Tất cả bọn con gái.”

Cuộc chuyện trò này không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác dễ chịu nhất, thế nên tôi bèn nói, “Chị à, người em bẩn quá, em cần tắm nhưng em không muốn rời bệnh viện cho đến khi cảnh sát trưởng Porter ra khỏi phòng mổ an toàn như chị nói. Ở đây có chỗ nào cho em tắm không?”

“Để chị nói chuyện với y tá trưởng của tầng này. Bọn chị có thể tìm cho em một chỗ.”

“Em có đồ thay để trong xe,” tôi nói.

“Đi lấy đồ đi. Sau đó hỏi thăm ở khu vực dành cho y tá. Chị sẽ thu xếp mọi thứ.”

Khi chị toan quay đi, tối cất lời, “Jenna, chị có học piano không?”

“Có, nhiều năm rồi. Nhưng sao em hỏi vậy?”

“Tay chị đẹp quá. Em cá là chị chơi hay tuyệt.”

Chị trao cho tôi ánh nhìn thật lâu mà tôi không thể lí giải: những bí ẩn trong đôi mắt xám ánh sắc xanh.

Rồi chị hỏi, “Chuyện đám cưới là thật chứ?”

“Thứ Bảy,” tôi quả quyết với chị, đầy hãnh diện rằng Stormy sẽ là của tôi. “Nếu có thể rời thị trấn, bọn em sẽ đến Vegas và kết hôn lúc bình minh.”

“Nhiều người thật may mắn,” Jenna Spinelli nói. “May hơn cả cảnh sát trưởng Porter là vẫn còn thở sau ba vết thương ở ngực.”

Cứ nghĩ chị muốn nói tôi thật may mắn khi có được Stormy, tôi lên tiếng, “Sau khi tống cho em chuyện buồn về bố mẹ thì số phận đền lại cho em một thứ lớn lao.”

Jenna cúi nhìn một cách cực kì bí hiểm, “Hãy gọi cho chị nếu em quyết định mở lớp dạy nấu ăn nhé. Chị cá là em biết rõ cách đánh trứng.”

Lúng túng, tôi hỏi, “Đánh trứng hả? À, chắc rồi, nhưng cái đó chủ yếu dành cho món trứng tráng. Với món bánh kếp và bánh quế, chị phải nặn bột và hầu như mọi thứ đều nướng, nướng và nướng.”

Chị mỉm cười, lắc đầu và bước đi, để tôi đứng lại đó với cảm giác bối rối. Cảm giác đó thi thoảng xảy đến lúc tôi là cầu thủ ghi điểm cao nhất trong đội bóng chày của trường, thực hiện động tác ném tuyệt vời và phóng đi trước, không chạm phải banh.

Tôi lao đến chỗ chiếc xe của bà Rosalia đậu trong bãi, lấy khẩu súng ra khỏi túi và nhét nó dưới ghế lái.

Khi tôi cầm túi quay lại khu vực dành cho y tá ở tầng bốn, họ đang chờ sẵn. Việc trông nom người bệnh và người hấp hối có vẻ là công việc buồn bã, nhưng cả bốn y tá làm ca đêm đều đang cười đùa và rõ ràng thích thú về chuyện gì đó.

Ngoài dãy phòng đơn và đôi thông thường, tầng bốn còn có vài căn phòng tiện nghi thoải mái có thể sánh với khách sạn. Trải thảm và trang trí theo tông màu ấm áp, các căn phòng có vật dụng mang đến cảm giác dễ chịu, những bức tranh xấu xí l*иg khung đẹp đẽ và các phòng tắm cùng tủ lạnh dưới quầy rượu.

Những bệnh nhân không phải nằm một chỗ. Họ có khả năng đóng nhiều tiền bảo hiểm để có thể đăng kí sử dụng những căn phòng cao cấp này, thoát khỏi không khí bệnh viện ảm đạm. Người ta nói làm vậy để nhanh hồi phục, tôi chắc điều đó, bất chấp sự hiện diện của các bức tranh đánh số vẽ hình du thuyền và các cô nàng õng ẹo trong vườn hoa cúc.

Nhận chồng khăn, tôi được dùng một phòng tắm trông thật xa xỉ. Các bức tranh đều theo cùng chủ đề về gánh xiếc: những chú hề cầm bong bóng, những con sư tử mắt buồn rười rượi, nghệ sĩ đi thăng bằng trên dây xinh đẹp với cây dù màu hồng. Tôi nhai hai viên thuốc giảm độ axit trong dạ dày.

Sau khi cạo râu, tắm rửa, gội đầu và thay quần áo sạch, tôi vẫn cảm giác như thể vừa từ dưới bánh xe lu bò ra, bị cán bẹp lép.

Tôi ngồi xuống trong ghế bành và xem xét những thứ trong cái ví tôi lấy từ xác Robertson. Thẻ tín dụng, bằng lái, thẻ thư viện...

Vật bất thường duy nhất là một tấm thẻ nhựa đen thui chẳng có gì ngoài hàng dấu chấm chạm nổi dành cho người mù. Tôi có thể cảm nhận nó bằng ngón tay và nhìn thấy rõ ràng dưới ánh đèn hắt ra. Hình thù chúng là thế này: các dấu chấm còn thiếu.

Những cái chấm được đυ.c lên một bên tấm thẻ, hằn lên bên kia.

Tuy nó có thể là dữ liệu đã mã hóa, cần dùng một loại thiết bị nào đó để đọc nhưng tôi lại cho rằng đây là loại chữ dùng tay sờ.

Nhưng gã đâu phải người mù. Tôi không hình dung nổi tại sao Robertson lại phải mang theo tấm thẻ có dòng chữ Braille. Tôi cũng chẳng thể tưởng tượng ra lí do gì mà một người mù giữ vật thế này trong ví.

Tôi ngồi trong ghế bành, từ từ lần ngón cái rồi tới đầu ngón trỏ qua những dấu chấm ấy. Chúng chỉ là lỗ thủng trên miếng nhựa, tôi không đọc được, nhưng càng dò tay trên đó, tôi càng bất an.

Lần dò, lần dò, tôi nhắm mắt, giá như bị mù và hi vọng giác quan thứ sáu nếu không đưa ra được ý nghĩa của những từ viết bằng dấu chấm kia thì cũng có thể gợi ý mục đích của tấm thẻ này.

Giờ đã muộn, mặt trăng khuất dạng nơi cửa sổ, bóng tối cố gắng chen lấn trong cuộc chống cự vô ích với tia bình minh đỏ sẫm.

Tôi không ngủ được và không dám ngủ, nhưng tôi lại chìm vào giấc ngủ.

Trong giấc mơ của tôi, súng nổ, đạn chuyển động chậm khoan vào không khí những đường hầm hữu hình, chó sói nhe bộ răng nhựa đen hung tợn có khắc các hình dấu chấm nhỏ bí hiểm mà tôi suýt đọc được bằng các ngón tay hoảng sợ. Trên bộ ngực bầm tím của Robertson, vết thương rỉ nước toang hoác trước mặt tôi như thể nó là lỗ đen vũ trụ còn tôi là phi hành gia ngoài không gian. Bằng lực hút không thể cưỡng lại, nó cuốn tôi vào sâu bên trong, đến chốn xa xăm.