Đoàn người nhanh chóng rời Kim Lăng đi dọc hướng Đông, dọc theo sông Trường Giang để đi đến An Khánh, rồi sang sông về Hoàng Sơn. Hành trình rất chậm vì các nữ nhân tranh thủ ghé thăm những thắng cảnh dọc đường và mua sắm thổ sản. Vì vậy, đến giữa tháng bảy họ mới có mặt ở Thiên Ma cốc. Trong thời gian này, Xảo Thủ Cái cùng Hồ Diện Cái đã giải quyết xong vụ việc của Cái bang.
Xảo Thủ Cái lo liên lạc các Phân đà ở phía Nam Trường Giang, còn Hồ Diện Cái đi gặp các Phân đà phía Bắc như Huy Châu, An Khánh, Nam Dương...
Anh em phía Bắc đã chán ngán cảnh phải nai lưng gom góp tiền bạc cho Tam trưởng lão Trường Tu Cái Cầu Ly Hồ, nên đều hứa sẽ giúp đỡ Tuấn Hạc, chẳng cần đến lệnh của họ Cầu!
Chính vì vậy, khi chàng về đến Hoàng Sơn đã nhận được tin rằng có hai thiếu nữ từng đi qua Hợp Phì, Tín Dương, Nam Dương. Như vậy, hành trình của họ là đi về phía hướng Tây!
Tuấn Hạc mừng rỡ, quyết định đi Trường An ngay. Một là để tìm Cổ Doanh Doanh, hai là xem thử Hoàng Thổ Chi Vương khai quật kho báu thế nào. Chàng bèn gửi một phong thư cho Giáo chủ Thiên Sư giáo, nói rõ rằng Hoàng Thổ thành đã tìm ra mộ Tần Thủy Hoàng và gọi lão đi ngay Trường An. Cuộc hành trình rất cấp bách và việc tranh giành kho báu sẽ rất khốc liệt nên Tuấn Hạc chỉ chấp thuận cho mình Vô Giới đi theo. Hồ Diện Cái đang chờ họ ở Nam Dương.
Tuấn Hạc tin rằng còn rất nhiều người của Văn gia bảo sống sót nên dùng chân diện mục xuất hiện để họ biết mà liên lạc.
Hai người mau chóng lên đường, kiêm trình ngày đêm, thay ngựa liên tục nên chỉ bẩy ngày sau đã đến thành Nam Dương.
* * * * *
Hồ Diện Cái ngồi đón ngay phía Nam, phấn khởi báo tin :
- Bẩm trưởng lão, hai nữ nhân kia đã đi về hướng Trường An, đệ tử tin rằng họ chính là thiếu phu nhân và Tưởng cô nương!
Tuấn Hạc gật gù :
- Có lẽ đúng là họ. Doanh Doanh đã từng kể rằng nàng có một người cậu ruột ở Trường An.
Ba người vào một phạn điếm gần đấy để dùng bữa trưa và nói chuyện tiếp.
Tuấn Hạc nhận thấy có nhiều toán tăng lữ và đạo sĩ đi qua, liền hỏi :
- Họ đi đâu mà đông đảo vậy?
Cù Y Thảo cười đáp :
- Đệ tử nghe lén được rằng các cao thủ đang đổ xô về thôn Tây Dương để tìm kho báu!
Vô Giới cau mày :
- Lạ thật! Ho áng Thổ Thành chủ đâu dại gì mà để lộ ra chuyện này, sao lại có nhiều người biết như vậy?
Hồ Diện Cái giải thích :
- Chẳng có gì lạ cả, Luân Hồi Đế Quân cũng đến Tây Dương tìm kho báu và chạm trán với Hoàng Thổ thành chủ. Phe Ma cung bị đánh bật khỏi nơi ấy, thương vong rất nhiều nên đã mời các phái bạch đạo đến hầu gây khó khăn cho Hoàng Thổ thành!
Tuấn Hạc giật mình :
- Chìa khóa vào thành chưa có, Đế quân đến đấy làm gì?
- Bẩn trưởng lão, nếu không có chìa khóa thì dùng hỏa dược phá cửa cũng được.
Vô Giới băn khoăn :
- Cả ba phe Ma cung, Hoàng Thổ thành và Thiên Sư giáo đều có họa đồ và đều biết sử dụng thuốc nổ. Vậy vì sao đến bây giờ họ mới nghĩ đến chuyện mở cửa kho tàng?
- Bẩm đại sư! Đệ tử cho rằng họ có họa đồ nhưng không biết được Tây Dương là điểm cần được đào bới, nghe nói việc phát hiện này rất tình cờ. Năm nay hạn hán, nên bách tính Thiểm Tây đào giếng rất sâu để tìm nước. Một người đã may mắn đào trúng một hầm đất, có nhiều cung tên bằng đồng và một số tượng người, ngựa. Những nông dân chất phác này đâu biết gì về lịch sử nên đã đem bán số vũ khí bằng đồng ấy. Tin này tới tai Hoàng Thổ thành chủ, lão ta bèn tức tốc tới nơi, trả giá rất cao, mua lại mấy trăm mẫu đất ấy và tiến hành khai quật. Luân Hồi Đế Quân biết tin trễ hơn, định dùng vũ lực chiếm đoạt, nhưng không ngờ bản lĩnh Hướng Y Xích quá cao siêu, thủ hạ lại vô cùng kiên cường nên Đế quân phải bại vong.
Tuấn Hạc tư lự hỏi :
- Nếu lực lượng Thiên Sư giáo cũng sắp kéo đến, e rằng máu sẽ chảy thành sông!
Hồ Diện Cái nói tiếp :
- Bẩm trưởng lão! Hai phái Võ Đang, Thiếu Lâm cũng đã đi qua đây. Nghe nói trong kho tàng của Tần Chính có rất nhiều bí kíp võ công và bảo kiếm. Nếu vật này lọt vào tay kẻ ác thì rất nguy hại. Vì vậy các phái bạch đạo chẳng dám đứng nhìn!
Vô Giới vỗ bụng nói :
- Việc ấy tính sau! Giờ phải đi ngay Trường An để tìm hai vị cô nương kia cái đã. Bần tăng đã quá chán gương mặt sầu héo của Văn thí chủ rồi!
Cuối tháng bảy, ba người đến Trường An, Hồ Diện Cái hỏi thăm bọn hóa tử, chúng trả lời rằng trong thành có đến ba tòa Tần gia trang.
Bọn Tuấn Hạc hỏi địa chỉ rồi tìm khách điếm tắm rửa. Họ chẳng thể đến nhà Cửu phụ của Cổ Doanh Doanh trong tình trạng dơ bẩn được.
Xong xuôi, họ chia nhau đi hỏi, hẹn gặp lại đúng vào bữa ăn chiều.
Tuấn Hạc và Vô Giới thất vọng trở về trước. Ba khắc sau, Hồ Diện Cái mới có mặt. Gã buồn rầu nói :
- Bẩm trưởng lão! Địa điểm mà đệ tử đến quả đúng là nhà của Tần Hải lão gia, nhưng nơi ấy giờ đây tràn ngập bọn đao thủ Biến Hình môn. Đệ tử dò hỏi bọn gia nhân thì được biết phu thê Cổ môn chủ đang ở nơi ấy. Nghĩa là họ đã bắt được Cổ tiểu thư và Tưởng cô nương!
Tuấn Hạc sa sầm nét mặt :
- Được lắm! Để Văn mỗ đến gặp họ một phen.
Ba người lên ngựa đi về hướng Đông vì Tần gia trang nằm ở ngoại thành.
Đến nơi, Tuấn Hạc vận công nói lớn :
- Điệt tế văn Tuấn Hạc xin được vào bái kiến Tấn cửu công!
Tiếng chàng vang rền như chuông đồng khiến bọn gia nhân tái mặt. Lát sau, phu thê họ Cổ Thiên Hòa và một lão già tướng mạo phương phi, bệ vệ bước ra.
Cổ phu nhân mừng rỡ nói :
- Không ngờ hiền tế lại tìm được nơi này.
Cổ Thiên Hòa cười nhạt :
- Bà nói gì thế? Lão phu đã gả Doanh nhi cho hắn hồi nào đâu mà xưng hô như vậy?
Tuấn Hạc bi phẫn nói :
- Lão vì tham vọng mà quên lời ước cũ đem Doanh Doanh gả bán khắp nơi. Nay nếu không chịu giao nàng ra thì đừng trách Văn mỗ không nể mặt!
Cổ lão nham hiểm nói :
- Đẻ xem bản lĩnh ngươi được bao nhiêu mà dám cuồng ngôn?
Lão bèn rút đao tấn công liền. Cổ phu nhân sợ hãi kêu khóc, bị lão già kia lôi vào trong.
Tuấn Hạc rút kiếm đỡ chiêu đao mãnh liệt kia rồi phản kích, chàng vừa đánh vừa hỏi :
- Lão có dám thừa nhận mình đã nhúng tay vào vụ hỏa thiêu Văn gia bảo hay không?
Cổ Thiên Hòa cười nhạt :
- Lão phu sợ gì mà phải chối?
Tuấn Hạc phẫn nộ gầm lên, xuất chiêu “Nộ Phát Xung Quan”, khí thế như chẻ núi. Thanh trường kiếm loang loáng phá tan màn đao quang, ập vào cơ thể đối phương.
Bỗng Vô Giới hòa thượng thét lên :
- Coi chừng phía sau!
Tuấn Hạc vội bỏ mục tiêu, nhảy sang bên tả, vừa kịp tránh lưỡi kiếm tẩm độc xanh lè của Thiên Độc bảo chủ Ôn Thiếu Bảo.
Họ Ôn đánh hụt, giận dữ nghiến răng :
- Tiểu tử đừng mong toàn mạng, chính người đã giúp Luân Hồi Đế Quân thiêu hủy cơ nghiệp của lão phu.
Lão cùng Biến Hình môn chủ giáp công chàng tới tấp. Vô Giới hòa thượng chưa kịp nhảy vào đã bị bọn đao thủ Biến Hình môn chặn lại.
Hòa thượng cười ha hả, vung thiết côn tung hoành giữa vòng vây, chỉ vài chiêu đã gϊếŧ được một tên.
Hồ Diện Cái không nhảy vào trợ chiến mà lại lẳng lặng bỏ đi.
Tuấn Hạc bị hai đại cao thủ dồn ép không thương tiếc, một kiếm, một đao lăm le gϊếŧ cho được chàng! Tuấn Hạc cắn răng đem hết sở học ra chống đỡ, tự biết hôm nay lành ít dữ nhiều.
Hai khắc sau, trên người chàng đã vướng bốn vết thương. Tuấn Hạc không còn đường nào khác, đành phải liều mạng. Chàng ôm kiếm xông vào Thiên Độc giáo chủ, xuất chiêu “Nguyệt Mê Tân Độ” (Trăng mờ bến bãi). Kiếm phong l*иg lộng chụp lấy mục tiêu.
Ôn lão ma thấy hàng ngàn kiếm ảnh mờ mịt vây quanh, hơi lạnh của kiếm khí dàn dụa tỏa ra, vội múa tít bảo kiếm điểm nhanh vào màn lưới thép ấy. Tiếng thép chạm nhau ngân dài rồi tắt lịm, nhường chỗ cho tiếng gào thảm thiết của họ Ôn. Mặt lão giờ đây rất bằng phẳng vì sống mũi và vành môi bị gọt sát xương và trên ngực trái thủng một lỗ sâu.
Nhưng Tuấn Hạc cũng chẳng lành lặn gì lưng chàng bị bảo đao của Cổ Thiên Hòa rạch một đường dài, máu tuôn như suối Chàng quay phắt lại lao vào kẻ đánh lén.
Biến Hình môn chủ không ngờ cơ thể chàng lại có luồng cương khí cản bớt lực của nhát đao. Nếu là người khác thì đã không sống nổi dưới đường đao ấy.
Lão kinh hãi lùi nhanh, không dám đón chiêu kiếm của Tuấn Hạc. Cổ lão ma gian xảo chạy quanh, cố kéo dài thời gian để đối phương kiệt lực vì mất máu. Quả thực, máu chàng rơi vãi khắp nơi, theo từng cử động của cơ thể.
Vô Giới nhìn thấy thế, giận dữ gầm vang, vung lên mở đường máu để đến giúp Tuấn Hạc. Lão gϊếŧ một hơi sáu tên nhưng cũng thọ thương ở vai và lưng.
Chẳng cần để ý đến thương tích, Vô Giới tung mình chặn Cổ lão ma lại. Lão ta căm hận xuất một chiêu tuyệt thủ. Đao quang chói lọi dưới ánh tà dương, xuyên qua lưới côn, chém vào cổ Vô Giới.
Nhưng Tuấn Hạc đã không để lão ta lấy mạng bạn già của mình, chàng đem hết tàn lực đánh chiêu “Xung Triệt Mai Hoa” (Thổi rụng hoa mai). Kiếm kình như cơn gió hung bạo cuốn vào mé hữu thân hình họ Cổ. Lão ma cả kinh, vội trở đao đón đỡ.
Chiêu kiếm của Tuấn Hạc tuy nhanh nhưng không đủ mạnh vì chàng đã mất máu quá nhiều nên bị chặn lại ngay. Nhưng Vô Giới hòa thượng đã không bỏ lỡ cơ hội, vung côn đánh liền.
Cổ Thiên Hòa vội múa đao đỡ đòn. Bảo đao sắc bén chặt gần đứt cây côn sắt, Vô Giới liền nắm hai đầu bẻ ngược lên, kẹp chặt lưỡi đao lại.
Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, thanh trường kiếm trong tay Tuấn Hạc bay ra, xuyên qua ngực Cổ Thiên Hòa. Kiếm đâm vào tim nên lão chết không kịp trối.
Bọn đao thủ kinh hãi bỏ chạy cả vào trong. Vô Giới cũng vội rút kiếm ra khỏi tử thi rồi ôm Tuấn Hạc nhảy lên ngựa đào tẩu.
Được hơn dặm, lão dừng cương, đặt Tuấn Hạc xuống vệ đường xem xét thương tích. Lão cười khà khà :
- Thiết Thạch thần công quả là lợi hại, chẳng đứt một rẻ xương nào cả. Với loại Sinh Cơ tán của gia sư, chỉ vài ngày sau là lành lặn.
Lão điểm huyệt chỉ huyết, rắc thuốc băng bó cho chàng. Bỗng có tiếng vó ngựa phi đến, thì ra là Hồ Diện Cái. Gã nhảy xuống ngựa hỏi dồn :
- Bẩm đại sư! Trưởng lão bị thương có nặng không?
Tuấn Hạc đáp thay Vô Giới :
- Ta không sao! Các hạ có vào được Tần gia trang không?
Cù Y Thảo ngượng ngừng đáp :
- Đệ tử nhân lúc hỗn loạn đã vào được khu hậu viện và thấy phu nhân cùng một cô nương nữa đang ngồi với Cổ lão thái. Nhưng vì nơi ấy có quá nhiều cao thủ nên đệ tử không dám liều mạng lên tiếng.
Tuấn Hạc thở dài :
- Được biết nàng an toàn là tốt rồi. Nay ta đã gϊếŧ cha Doanh Doanh, còn mặt mũi nào mà gặp nàng nữa.
Vô Giới gãi đầu :
- Cả hai vị nhạc phụ đại nhân đều chết dưới tay chàng rể, việc này quả là khó xử. Nhưng bần tăng tin rằng hai nữ thí chủ kia sẽ lượng thứ. Rõ ràng Văn thí chủ bị dồn vào chỗ chết, bức bách phải ra tay.
Tuấn Hạc buồn bã nghĩ đến Doanh Doanh và Tiểu Băng, Vô Giới lại bồng chàng lên ngựa, ra roi đi về khách điếm.
Vô Giới lấy rượu rửa sạch vết thương, dùng kim chỉ khâu miệng lại rồi rắc thuốc vào. Lão vừa làm vừa cà kê nói :
- Thứ thuốc Kim Sang này rất quý giá. Bần tăng phải rình mãi mới lấy trộm được một ít. Bản thân chưa được xài thi Văn thí chủ đã hưởng trước.
Hồ Diện Cái nói đùa :
- Đại sư cũng bị ba, bốn vết thương, còn ca cẩm gì nữa?
Tuấn Hạc cười bảo :
- Nếu không có đại sư thì tại hạ đã chết vì đấu pháp xảo quyệt của Cổ Thiên Hòa rồi.
Vô Giới cười khà khà :
- Thì cũng như thí chủ cứu bần tăng khỏi lưỡi đao của lão mà thôi.
Bốn ngày sau, hòa thượng cắt chỉ và băng bó vết thương lại. Nghỉ ngơi thêm ba ngày nữa, Tuấn Hạc đòi đi đến khu vực kho tàng.
Hồ Diện Cái bàn rằng :
- Hiện nay, việc trưởng lão gϊếŧ Thiên Độc giáo chủ và Biến Hình môn chủ đã lan truyền khắp Trường An, nếu lộ diện tất sẽ bị bọn Khuất gia trang và Thiên Sư giáo gây sự. Vết thương trên lưng lại chưa lành hẳn, vậy xin tạm thời đóng vai Thiên Ma đại lão Đinh Sơn Giáp!
Tuấn Hạc cũng áy náy việc mình gϊếŧ cha vợ nên đồng ý ngay. Mặt nạ giả đã có sẵn, chỉ cần nhuộm tóc cho trắng là đủ. Hồ Diện Cái là người chu đáo nên đã đem theo thuốc dịch dung của Mạn Ngọc.
Cải trang xong, ba người đi về hướng Tây. Hai hôm sau, họ mới đến được thôn Tây Dương.
Gọi là thôn vì trước đây nơi này có vài chục mái nhà tranh, nằm chơ vơ giữa khu đất gò cằn cỗi. Phía Tây của khu này chính là rặng núi Tần Lĩnh. Sau khi bán đất cho Hoàng Thổ Chi Vương, đám nông dân dời về phía Nam, định cư ở khu vực màu mỡ hơn.
Vì vậy trong phạm vi hàng chục dặm, chẳng còn mái nhà nào. Dẫu có chém gϊếŧ nhau đến long trời lở đất cũng chẳng ai biết được.
Hồ Diện Cái đã hỏi thăm trước nên mua liều trại và nhiều lương thực mang theo. Vô Giới thấy gã không quên rượu ngon, hài lòng khen :
- Cù thí chủ quả là có tài Bang chủ vậy!
Cù Y Thảo cười khanh khách :
- Chỉ có vài vò rượu mà đại sư đã nói thế không hiểu khi đệ tử làm mai cho đại sư một cô vợ đẹp thì sẽ ra sao?
Vô Giới cười hì hì :
- Bần tăng chỉ háo tửu chứ không háo sắc!
Tuy vậy, trong đáy mắt lão ẩn chứa một nỗi buồn kín đáo.
Từ ngoài quan đạo vào đến đây cũng phải hơn mười dặm, đường đi gập ghềnh, nham nhở và đầy bụi bặm.
Nay vùng Thiểm Tây bị hạn hán nên mặt đất khô cứng lại và tan thành bụi dưới vó ngựa. Mặt trời chói lọi thiêu đốt vạn vật. Ngay đoạn sông Vị chảy ngang Trường An cũng cạn kiệt nước, chỉ đủ cho thuyền con qua lại.
Còn nơi đây lại càng hãi hùng hơn nữa. Rặng Tần Lĩnh lù lù che mất ngọn gió Tây, khiến không khí càng thêm oi bức.
Trên mảnh đất ruộng có chứa kho tàng kia, Hoàng Thổ Chi Vương đã xây dựng Hoàng Thổ thành. Kiến trúc bên trong chưa ra sao nhưng bức tường dầy bắng đất và thân cây đã dựng lên sừng sững. Ngăn chặn những con mắt dòm ngó của quần hùng.
Mấy trăm cung thủ túc trực trên đầu tường để đề phòng bất cứ cuộc tấn công nào. Dưới ánh nắng chang chang này, trông chúng quả là đáng tội nghiệp.
Còn những kẻ bên ngoài thì lại đỡ khổ hơn. Họ ẩn cả trong khu rừng thưa gần đấy. Dù cây cối đã xác xơ vì thiếu nước nhưng cũng còn chút bóng mát hiếm hoi. Quần hùng căng những tấm vải lều trên những thân cây để chống cự với thái dương.
Bọn Tuấn Hạc vừa xuất hiện là có người réo gọi ngay :
- Đinh lão huynh, mau lại đây! Tiểu đệ chờ đại huynh đến mỏi cả mắt.
Người gọi chính là Trương Tỳ Vân, Giáo chủ Thiên Sư giáo. Trông lão không còn đạo mạo như lúc thường ngày. Bộ đạo bào dính đầy bụi và tóc tai da thịt cũng vậy. Ở đây nước uống còn không có nên chẳng ai được tắm cả.
Ngồi dưới những tấm vải lều trong khu vực mé hữu này còn có Chưởng môn, long đầu các phái bạch đạo, Pháp Hoa thiền sư, Phương trượng chùa Thiếu Lâm; Minh Tâm Tử, Chưởng môn phái Võ Đang; Hư Trúc chân nhân, Chưởng môn phái Hoa Sơn,;Hoàng Hạc chân quân, Chưởng giáo Toàn Chân; Huệ Hà sư thái, Chưởng môn phái Hằng Sơn.
Họ nhất tề đứng lên chào đón Trấn Vũ Thái Bảo Đinh Sơn Giáp. Lão vái trả rồi hỏi :
- Tình hình mấy hôm nay thế nào rồi?
Trương Thiên Sư đáp :
- Hoàng Thổ thành chủ nhất quyết không cho các phái Trung Thổ cùng tham gia khai quật kho tàng. Hai bên đã đánh nhau sáu trận. Thương vong khá nhiều. Bản lãnh Hướng Y Xích quả là đáng sợ, bị bọn lão phu liên thủ giáp công mà lão vẫn thoát về thành dễ dàng.
Pháp Hoa thiền sư tiếp lời :
- A Di Đà Phật! Nếu còn tiếp tục tương sát tất sẽ chết rất nhiều người. Nghe Trương thí chủ đây nói rằng Đinh thí chủ đây có Kim bài của Thiên tử và lại có cả chìa khóa thạch môn, bọn bần tăng quyết định lưu chiến để chờ đợi. Nếu Đinh lão thí chủ uy hϊếp được Hướng thành chủ thì hay quá!
Tuấn Hạc mỉm cười :
- Việc ấy không khó, nhưng khi đã tìm thấy kho báu, biết phân chia thế nào đây? Nếu không giao ước trước, chỉ sợ máu sẽ chảy thành sông. Nhưng lão phu xin nói trước rằng một nửa số tài sản trong ấy sẽ dùng để chẩn tế tai dân bị hạn hán vùng này! Số còn lại tùy ý chư vị.
Hư Trúc chân nhân tán thành :
- Đinh đàn việt nói rất phải! Hàng trăm vạn lê dân các phủ Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ đang chết dần vì không có gạo ăn! Số tài sản còn lại và các cổ vật, bí kíp, chúng ta bắt thăm và chia nhau.
Minh Tâm Tử cười bảo :
- Chắc gì Hướng thành chủ và Luân Hồi Đế Quân đã chịu điều kiện này? Cứ gọi lão ra thương lượng rồi sẽ tính sau.
Lúc này vầng dương đã khuất sau đỉnh Đại Ba sơn nên trời dịu lại. Phe bạch đạo cùng Tuấn Hạc bước ra ngoài, tiến đến gần cửa thành.
Luân Hồi Đế Quân, Ngọc Diện Quan Âm, Khuất Bạch Thành cùng một số cao thủ Ma cung cũng ra theo. Tuấn Hạc giật mình nhận ra Giang Lăng Thần Nữ đang yểu điệu nép bên Luân Hồi Đế Quân.
Tuấn Hạc vận công cao giọng :
- Hướng thành chủ! Lão phu là Đinh Sơn Giáp, đặc sứ của Thánh thượng, có việc muốn bàn với Thành chủ!
Chắc Phó thành chủ Trường Xuân chân nhân đã về báo lại vai trò của Thiên Ma đại lão nên Hướng Y Xích không dám coi thường.
Hai cánh cổng dầy mở rộng và phái đoàn Hoàng Thổ thành bước ra.
Hướng Y Xích tuổi chỉ mới hơn năm mươi, thân thể khôi vỉ, mày rậm mắt sâu, mũi cao, râu bó cằm trông rất oai vệ. Nhìn dung mạo cũng biết lão không phải người Hán.
Họ Hướng vòng tay nói :
- Bổn tòa từ lâu vẫn ngưỡng mộ uy danh của Thái Bảo, xin mời vào trong để bổn tòa được trọn tình địa chủ.
Đinh Sơn Giáp cười bảo :
- Lão phu được đồng đạo ủy thác cho nhiệm vụ giải quyết cuộc tương tranh này, khi xong việc sẽ quấy nhiễu Thành chủ một chuyến!
Hướng Y Xích thản nhiên bảo :
- Thái Bảo có cao kiến gì xin cứ nói!
Đinh lão đại vuốt râu từ tốn nói :
- Tài sản trong ngôi mộ Tần Thủy Hoàng chính thực là tài sản của quốc gia, của bách tính Trung Hoa. Lão phu thay mặt triều đình đề nghị nộp một nửa vào quốc khố để cứu tế tai dân các vùng bị hạn hán. Nửa còn lại sẽ chia làm hai, Thành chủ hưởng một phần, phần kia chia cho các phái. Còn bí kíp và thần binh sẽ bốc thăm ai may nấy hưởng!
Hướng Y Xích quắc mắt :
- Thái Bảo không thấy là đã xử ép Hoàng Thổ thành hay sao? Vùng đất này là do bổn thành khám phá ra và mua lại. Sao lại phải chia cho người khác?
Đinh lão đại hòa nhã phân tích :
- Thứ nhất là túc hạ chỉ có quyền trên mặt đất, còn tài sản ở dưới sâu thuộc về triều đình. Thứ hai là phái Trung Nguyên cũng có họa đồ và cả chìa khóa nữa, nếu túc hạ không nhờ ở gần mà nhanh chân hơn thì Thiên Sư giáo và Luân Hồi ma cung đã lấy được và và nộp cả vào quốc khố vì họ đều là những công thần của Minh Thái Tổ! Thứ ba, khi các hạ dùng hỏa dược phá cửa, liệu toàn bộ tài sản trong ấy có còn nguyên vẹn hay không? Lão phu xin góp phần bằng chiếc chìa khóa này, mong Thành chủ nghĩ lại cho. Theo lão phu tìm hiểu trong cổ thư thì số vàng bạc này trị giá đến sáu trăm vạn lượng vàng, túc hạ được chia một trăm năm mươi vạn cũng không phải là ít đâu!
Hướng Y Xích hỏi lại rằng :
- Nếu số vàng không lớn như vậy thì Thái Bảo tính sao?
Đinh lão quả quyết :
- Giả như lão phu đoán sai, Thành chủ cứ lấy đủ số trăm rưỡi vạn của mình.
Trường Xuân chân nhân ghé tai họ Hướng thì thầm. Thành chủ nghe xong tươi cười bảo :
- Nhất ngôn cửu đỉnh! Chúng ta cắt máu ăn thề rồi cùng hợp lực khai quật kho tàng.
Truy Mệnh Kiếm Sứ Hoắc Cừu chạy vào trong lấy ra một chiếc chậu bằng vàng, dưới đáy có ba chân nên khi đặt đứng trên mặt đất thì cao đến thắt lưng người!
Vô Giới truyền âm nhắc nhở Tuấn Hạc :
- Thí chủ hỏi họ Hoắc xem trong thau có bôi chất độc hay không?
Tuấn Hạc hiểu ý, vận công nói với Hoắc Cừu :
- Hoắc huynh! Tại hạ là Văn Tuấn Hạc đây! Xin hỏi trong chậu có quái sự gì không?
Hoắc Cừu mừng rỡ đáp ngay :
- Té ra là công tử đấy ư? Thế mà ta cứ mong mãi! Yên tâm đi, trong chậu không có độc. Thành chủ là người biết tiến thoái nên đã thực tâm hợp tác. Nếu lão có âm mưu gì, tại hạ sẽ thông báo ngay!
Hướng vương gia cười ha hả, bước đến rút kiếm cắt đầu ngón tay, nhỏ ba giọt máu vào chậu.
Những người khác lần lượt làm theo. Đương nhiên toàn là những tay đầu não.
Vô Giới nhanh tay đổ bầu rượu bên hông mình vào chậu. Luân Hồi Đế Quân cười nhạt :
- Cẩn thận cũng vô ích, biết đâu đáy chậu không bôi sẵn chất kỳ độc?
Hướng Y Xích biến sắc định phát tác. Tuấn Hạc cười ha hả :
- Hướng thành chủ đây là bậc anh hùng cái thế, tâm địa quang minh thác lạc đâu thèm giở trò hạ lưu ấy? Đế quân không dám uống rượu thề thì cứ rút lui!
Dứt lời, lão nhận chiếc chung trong tay Hoắc Cừu múc đầy rồi uống cạn. Đế quân giận tím mặt nhưng Hướng Y Xích thì khoan khoái nói :
- Thái Bảo đã coi trọng, Hướng mỗ vô cùng cảm kích. Không ngờ trên đời lại có người mới gặp đã hiểu thấu ruột gan ta!
Lão múc rượu thề uống cạn, chép miệng khen ngon. Bỗng có tiếng vó ngựa khua vang và tiếng người oang oang :
- Khoan đã! Còn bọn lão phu nữa!
Bọn người mới đến chính là Nam Tà Khúc Phụng Sứ, Trại Phương Sồ Hạng Tiêu Tâm và bốn người nữa. Dáng vóc của gã võ sĩ áo đen kia gợi cho chàng cảm giác ngờ ngợ, nhưng không có thời giờ để nhớ ra.
Hướng Y Xích cau mày bảo :
- Chư vị là ai mà dám đến đây đòi chia phần?
Nam Tà cười ha hả đáp :
- Nay Thiên Độc giáo chủ đã bị Văn nhị công tử gϊếŧ chết, lão phu Nam Tà là người duy nhất có thể giải được những chất kỳ độc trong hầm mộ Tần Thủy Hoàng. Như vậy, liệu có đủ tư cách hay không?
Trại Phương Sồ tươi cười tiếp lời :
- Tại hạ là Trại Phương Sồ Hạng Tiêu Tâm, truyền nhân của Vạn Tỏa Xảo Tượng, xin đem chút tài môn giúp chư vị giải phá những cơ quan, ám khí!
Tuấn Hạc vui vẻ nói :
- Kho tàng rất lớn, thêm một phần chia cũng chẳng sao. Có nhị vị bọn lão phu yên tâm hơn. Xin mời cắt máu ăn thề!
Nam Tà mừng rỡ, làm ngay! Uống rượu máu xong,Trương Tỳ Vân giới thiệu mọi người với nhau rồi kể lại lời giao ước phân chia. Phe Tàng Long trang nhất nhất tán thành. Tuấn Hạc hòa nhã hỏi họ Hướng :
- Nay đã đồng tâm hiệp lực, mong Thành chủ cho biết đã tìm được phần mộ hay chưa?
Hướng Y Xích cười khổ :
- Bổn tòa không biết gì về địa chất nên chỉ đào được toàn những công trình phụ của lăng tẩm và vài giếng nước trong veo.
Trương giáo chủ cười khanh khách :
- Té ra nhờ có nước nên trông Thành chủ sạch sẽ và tươm tất hơn bọn lão phu rất nhiều. Sáu ngày không tắm, lão phu muốn phát điên lên được!
Hướng Y Xích vui vẻ mời mọc :
- Xin chư vị cứ vào cả trong thành mà tắm rửa tùy thích.
Mọi người kéo cả vào trong, ngạc nhiên nhận ra bức tường thành được đắp dầy đến hai trượng và được khoét thành chỗ ở rất thuận tiện. Trường Xuân chân nhân giải thích :
- Nhà cửa ở vùng cao nguyên Hoàng Thổ đều như thế này cả!
Sáng hôm sau, hai phe kiểm điểm quân số phân chia người bảo vệ vòng thành và người đào bới.
Nhờ nhân số đông đến hơn ngàn nên công việc tiến triển rất nhanh. Trại Phương Sồ cùng gã võ sĩ nhỏ bé đi khắp nơi quan sát, đo đạc và tính toán rồi chỉ ra những chỗ cần tập trung đào.
Sau ba ngày, họ đào được hơn trăm pho tượng tướng sĩ bằng đất nung, hai bộ chiến xa bằng gỗ, sáu tượng ngựa và hàng trăm binh khí bằng đồng!
Tối hôm ấy, các tay đầu não tụ họp bên đống lửa bàn bạc.
Trại Phương Sồ cau mày nói :
- Tại hạ cho ràng nơi này không phải là lăng tẩm của Tần Thủy Hoàng mà chỉ là nơi chôn đạo quân bồi táng của ông ta mà thôi!
Tuấn Hạc gật đầu tán thành :
- Lão phu cũng nghĩ như vậy! Vì nếu là mộ thực thì chẳng bao giờ lưu lại đến ba bản họa đồ như vậy. Chư vị thử đem ba bản ấy so sánh thử xem?
Thiên Sư giáo chủ, Hướng vương gia và Luân Hồi Đế Quân lấy họa đồ của mình đặt xuống chiếu. Ba bản đều giống hệt nhau, chỉ có điều là ở góc phải phía trên, tên người vẽ không giống.
Trại Phương Sồ kêu lên :
- Thôi chết rồi! Tên của họ chẳng được khắc sau lưng những pho tượng đất nung. Như vậy họ chính là những người chế tác chúng. Bọn nghệ nhân này coi trọng tác phẩm của mình, không muốn để mai một nên đã lén vẽ họa đồ cho đời sau.
Lão chạy vào sai bọn thủ hạ ôm ra ba bức tượng. Quả thực sau lưng chúng đều có tên trùng với họa đồ.
Tuấn Hạc cau mày nói :
- Ngày mai tiên sinh cho đào song song với trụ cửa hầm mộ có sẵn nhưng cách quãng khá xa, cố tìm cho ra lăng tẩm, nếu phát hiện tượng đất là bỏ ngay. Chúng hoàn toàn vô dụng đối với chúng ta.
Mọi người khen phải và sáng hôm sau, mọi người làm theo ý Tuấn Hạc. Mười người một hố, đào rải rác thành một đường thẳng.
Cuối cùng, vào đúng xế trưa ngày mười sáu tháng tám. Bọn công nhân đào trúng một tảng đá bằng phẳng. Tiếng reo hò vang dậy khắp nơi, họ xúm lại phá rộng ra về hướng Nam để tìm cửa vào. Lăng tẩm vua chúa luôn quay mặt về hướng Nam, y như hồi còn sống vậy!
Đến chiều thì cạnh trước lộ ra, đào sâu xuống thì phát hiện một khung cửa đá rất dầy. Quả nhiên trên cửa có một lỗ khóa.
Trại Phương Sồ cười bảo :
- Đêm nay trăng sáng, chúng ta cứ ăn no rồi hãy vào. Lão phu cho rằng kích thước ngôi mộ không lớn, tất bên trong sẽ có tầng ngầm. Cơ quan, ám khí đầy dẫy, đói bụng làm sao đối phó được!
Mọi người tán thành, trở về tắm rửa và dùng bữa. Họ cũng bàn bạc luôn ai sẽ vào lăng tẩm.
Cuối cùng thì chỉ có bảy người được cử đi :
- Hoàng Thổ thành chủ.
- Luân Hồi Đế Quân.
- Trương giáo chủ.
- Thiên Ma đại lão.
- Nam Tà.
- Trại Phương Sồ.
- Khuất Bạch Thành.
Chưởng môn các phái bạch đạo đều là kẻ tu hành nên không muốn mạo phạm nơi an nghỉ của người chết, họ tình nguyện ở lại.