- 🏠 Home
- Trinh Thám
- Giải Mật
- Chương 2-6
Giải Mật
Chương 2-6
Khoa toán của Đại học N vốn rất nổi tiếng, được mệnh danh là cái nôi của các nhà toán học.
Nghe nói, mười lăm năm trước, một vị rất nổi tiếng trong giới văn nghệ
của thành phố C bị chế giễu ở vùng ven biển, đã từng đưa ra một câu nói
nổi tiếng: “Thành phố C của chúng tôi dù có kém cỏi đến đâu thì ít nhất
cũng có trường đại học N tài giỏi; cho dù đại học N kém cỏi, ít nhất
cũng có khoa toán, đấy là đỉnh cao của thế giới, lẽ nào các anh chế giễu được sao?”
Ấy là nói đùa vậy thôi, nhưng khoa toán của đại học N là một danh vọng chí tôn!
Ngày đầu tiên Kim Trân vào học, ông Lily cho cậu ta một cuốn sổ ghi, trang đầu ghi tặng câu này:
“Nếu cháu muốn trở thành một nhà toán học, vậy cháu đã bước vào một ngưỡng
cửa lớn tốt nhất; nếu cháu không muốn trở thành một nhà toán học, cháu
không cần phải bước qua ngưỡng cửa này, bởi cháu đã có tri thức toán học đủ để dùng suốt đời!”
Có thể, không ai như ông Lily thấy rõ
thiên tài toán học hiếm có và say mê được ẩn náu dưới cái vẻ bề ngoài
lành như đất của Kim Trân, cũng vì thế mà không ai như ông Lily gửi gắm
hi vọng và niềm tin Kim Trân trở thành nhà toán học trong tương lai.
Khỏi phải nói, dòng chữ ghi tặng trên cuốn sổ là một minh chứng hùng hồn nhất. Ông Lily tin tưởng sẽ có nhiều người đứng vào hàng ngũ của ông,
trông thấy cơ duyên hiếm hoi giữa Kim Trân và nhà toán học. Đồng thời
ông cũng nghĩ, có thể tạm thời còn chưa được, ít nhất phải qua một giai
đoạn nữa, có thể một năm, hai năm, đến lúc ấy không ngừng đi sâu vào
việc học hành, ánh sáng toán học của Kim Trân mới dần dần toả sáng.
Nhưng sự thật chứng minh, ông Lily có phần bảo thủ, nhà toán học nước ngoài
L. Hinsh chỉ học qua hai tuần lễ đã gia nhập hàng ngũ của ông một cách
vui vẻ, ông Hinsh nói như thế này:
“Xem ra đại học N của các ông lại xuất hiện thêm một nhà toán học, thậm chí là nhà toán học lớn, ít
nhất trong số những người ra đi từ đại học N của các ông.”
Ông ta nói đến Kim Trân.
L. Hinsh là người cùng tuổi với thế kỉ hai mươi, sinh năm 1901 trong một
gia đình quý tộc hiển hách người Ba Lan, mẹ là người Do Thái, di truyền
cho ông một khuôn mặt hệt với người Do Thái, cái đầu nhọn, mũi khoằm,
tóc xoăn. Có người nói, não thùy của ông cũng là của người Do Thái, trí
nhớ đáng kinh ngạc, có đầu óc nhạy bén, chỉ số thông minh gấp mấy lần
người bình thường. Hinsh bắt đầu chơi trò đấu trí vô cùng say mê, thuộc
hầu hết các nước cờ bí hiểm, lên sáu tuổi, không ai dám đánh cờ với
Hinsh. Đúng là một nhân tài sản sinh trong cộng đồng Do Thái, cả trăm
năm mới có một người.
Năm mười bốn tuổi, cậu ta theo cha đến dự
tiệc tại một gia đình nổi tiếng, trong bữa tiệc có mặt cả gia đình nhà
toán học Selord. Hai gia đình không hẹn mà gặp, một người về sau là Chủ
tịch Hội nghiên cứu toán học của Đại học Cambridge, cũng là kì thủ nổi
tiếng thế giới. Ông Hinsh cha nói với nhà toán học, ông rất mong con
trai ông vào đại học Cambridge, nhà toán học rất ngạo mạn trả lời: có
hai con đường, thứ nhất tham gia kì thi vào trường được tổ chức mỗi năm
một lần; thứ hai, tham gia cuộc thi toán học và vật lí Newton do Hoàng
gia Anh tổ chức hai năm một lần (năm lẻ cho toán học, năm chẵn cho vật
lí), năm học sinh đạt điểm cao nhất được miễn thi và miễn học phí vào
Đại học Cambridge. Cậu thiếu niên Hinsh nói chen vào, nghe nói bác là
đại kì thủ nghiệp dư quốc tế, cháu đề nghị bác chơi với cháu một ván,
nếu cháu được, cũng sẽ miễn thi như thế nhé? Nhà toán học cảnh cáo cậu
ta, tôi đồng ý, nhưng phải nói rõ một điều, cho dù tự cậu đặt ra cái giá lớn như vậy, tôi chấp nhận cái giá ấy, nhưng tôi cũng đưa ra cái giá
cậu phải chấp nhận, như vậy trò chơi mới công bằng nếu không tôi không
thể chấp nhận điều kiện của cậu. Hinsh con nói, vậy xin bác cứ ra điều
kiện. Nhà toán học nói: nếu cậu thua, sau này không được đến Cambriage
của tôi. Ông ta cho rằng, như thế sẽ làm cho Hinsh con phải sợ. Thật ra, người sợ lại là Hinsh cha. Hinsh con được cha khuyên khiến cậu ta cũng
phải do dự, nhưng cuối cùng cậu ta vẫn rất kiên quyết nói: được!
Hai người bày quân cờ ra trước mặt mọi người, gần nửa tiếng đồng hồ sau,
nhà toán học đứng dậy, cười nói với Hinsh cha: sang năm ông đưa con đến
Cambridge nhé.
Hinsh cha nói, ván cờ vẫn chưa kết thúc.
Nhà toán học nói, lẽ nào ông xem thường khả năng quan sát của tôi? Ông quay sang nói với Hinsh con, cháu có thấy cháu thắng bác không?
Hinsh con nói, lúc này thế cờ của cháu chỉ có ba phần thắng, bác có những bảy phần.
Nhà toán học nói, thế cờ hiện tại là thế, nhưng cháu thấy được điều ấy
chứng tỏ có khả năng lật ngược thế cờ đến sáu bảy phần, cháu giỏi lắm,
sau này đến Cambridge đánh cờ với bác.
Mười năm sau, mới hai
mươi bốn tuổi, cái tên Hinsh đã xuất hiện trên mặt báo toán học nước Áo, được xếp vào những ngôi sao toán học đang lên của thế giới. Năm sau,
cậu ta được phần thưởng cao nhất của giới toán học quốc tế, giải thưởng
Fields[3]. Giải thưởng này vốn được coi là giải Nobel toán học, thật ra
còn khó hơn cơ hội giành giải Nobel, vì giải Nobel mỗi năm một lần, giải này những bốn năm mới xét tặng một lần.
Ở Cambridge, Hinsh học
cùng với một cô gái dòng Hoàng tộc Áo, cô yêu tha thiết anh chàng trẻ
tuổi được giải thưởng Fields, nhưng Hinsh tỏ ra thờ ơ với chuyện yêu
đương. Một hôm, bố của cô gái dòng Hoàng tộc bỗng xuất hiện trước Hinsh, tất nhiên không phải ông ta đến cầu hôn cho con gái, ông chỉ nói với
chàng trai kia rằng, bản thân ông rất muốn làm một việc có ý nghĩa nhằm
chấn hưng sự nghiệp khoa học của nước Áo, hỏi anh có muốn giúp ông thực
hiện nguyện vọng ấy không. Hinsh hỏi sẽ giúp bằng cách nào. Ông ta nói,
ông sẽ bỏ tiền ra, anh phụ trách tuyển người, cùng lập một cơ quan
nghiên cứu khoa học. Hinsh nói, ông có thể chi bao nhiêu tiền? Ông ta
nói: cậu muốn bao nhiêu cũng được. Hinsh do dự trong hai tuần, dùng
phương thức toán học tính toán một cách khoa học và chính xác tiến trình tương lai của bản thân, kết quả cho đáp số đi Áo hoặc tồn tại dưới một
hình thức khác hơn là ở lại Cambridge.
Vậy là, Hinsh sang Áo.
Rất nhiều người cho rằng, anh đi Áo là để thỏa mãn hai nguyện vọng, thứ
nhất là người cha có tiền, nguyên nhân khác nữa là cô gái yêu anh. Hoặc
nói, người trẻ tuổi may mắn ở Áo có vinh dự được lập nghiệp, lại được
tiếng thơm lấy được vợ dòng Hoàng tộc. Nhưng cuối cùng Hinsh chỉ đạt
được một việc là lập nghiệp, anh ta dùng số tiền tiêu không hết để thành lập viện nghiên cứu toán học cao đẳng của Áo, tập hợp được rất nhiều
nhà toán học tài năng thời đó, đồng thời tìm được một nhà toán học thay
anh giúp cô gái Hoàng tộc thực hiện nguyện vọng tìm một tấm chồng. Theo
đó, có tin đồn anh là người đồng tính luyến ái, mà một mặt nào đấy của
anh cũng đã chứng minh sự thật lời đồn ấy, ví dụ, những người anh thu
nhận không có nữ, tin tức về anh cũng do phóng viên nam thực hiện, thật
ra nữ phóng viên phỏng vấn anh nhiều hơn nam phóng viên, không hiểu tại
sao các cô phải ra về tay không, có thể là do hứng thú bí mật của anh
chăng?
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Mùa xuân năm
1938, ông Hinsh đến Đại học N với tư cách một học giả thăm trường, không loại trừ ý đồ chiêu binh mãi mã. Nhưng không ngờ, mấy ngày hôm ấy thế
giới có những biến đổi kinh người, đài phát thanh đưa tin Hitler xuất
quân đánh chiếm nước Áo, Hinsh đành tạm thời ở lại Đại học N chờ cho
chiến sự qua đi rồi mới về nước. Thư của bạn từ Mĩ cho Hinsh hay, lịch
sử châu Âu đang có những thay đổi lớn, các nước Áo, Tiệp, Hung, Ba Lan
tràn ngập cờ phát xít Đức, người Do Thái ở những nơi ấy đang lục tục bỏ
đi chỗ khác, những người không đi đều bị đưa vào trại tập trung. Vậy là
Hinsh không còn lối thoát, đành ở lại Đại học N, vừa làm giáo sư khoa
toán, vừa tìm cơ hội để đi Mĩ. Trong thời gian đó, tình cảm (có thể là
cơ thể) của Hinsh có sự thay đổi bí ẩn và kì lạ, chừng như chỉ trong một đêm, bắt đầu có hứng thú rất lạ lùng và rất nồng hậu đối với những cô
gái xuất hiện trong khuôn viên nhà trường, điều chưa từng có ở Hinsh.
Hinsh giống như một cái cây rất đặc biệt, nở những bông hoa khác nhau
trên những mảnh đất khác nhau, kết trái kì lạ. Vậy là ý nghĩ đi Mĩ bị
tình cảm yêu đương xoá bỏ, hai năm sau, Hinsh đã bốn mươi tuổi kết hôn
với một cô giáo kém mình mười bốn tuổi, dạy khoa vật lí, kế hoạch đi Mĩ
tạm thời gác lại, gác lại mười năm.
Giới toán học chú ý, từ ngày Hinsh đến đại học N, thay đổi lớn nhất là càng ngày càng đúng với một
người đàn ông, nhưng càng ngày càng không còn là một nhà toán học. Có
thể tài năng nổi trội trước đây của Hinsh là bởi ông không giống với một người đàn ông tạo nên, sau khi giống đàn ông, những tài năng bí ẩn kia
bỏ ông mà đi. Cuối cùng là do ông đuổi đi hay Thượng đế bảo đi, sợ rằng
ngay cả ông cũng không biết. Không một nhà toán học nào không biết,
trước khi Hinsh đến Đại học N, ông đã có hai mươi bảy bài luận văn toán
học có ảnh hưởng ở cấp độ thế giới, nhưng sau đấy ông không viết nổi một bài, con thì đứa này tiếp đứa khác ra đời. Tài năng trước đây của ông
hình như bị tiêu tan trong vòng tay phụ nữ, tan chảy, biến thành những
đứa trẻ đáng yêu. Chuyện của Hinsh càng làm cho người phương Tây tin
rằng phương Đông rất thần bí, biến đổi thần kì một con người thần kì,
biến đổi tận gốc mà không thể giải thích nổi, cũng không nhận ra quá
trình biến đổi, chỉ có những kết quả không ngừng lặp lại và gia tăng.
Đương nhiên, tuy tài trí của quá khứ đã mất đi trong vòng ôm của người phụ
nữ, nhưng đứng trên bục giảng Hinsh vẫn là con người siêu phàm thoát
tục. Nói theo một ý nghĩa nào đấy, vì ngày càng không giống một nhà toán học tài giỏi, cho nên biến đổi thành một vị giáo sư đáng kính xứng với
nghề nghiệp. Hinsh dạy ở khoa toán đại học N tất cả mười một năm, không
nghi ngờ gì nữa, được làm sinh viên của ông quả là một vinh dự lớn, mà
cũng là bắt đầu tạo dựng cho mình một sự nghiệp. Nói thật, mấy vị học
giả có ảnh hưởng đối với thế giới xuất thân ở Đại học N quá nửa là sinh
viên của ông đào tạo trong mười một năm trời. Nhưng không dễ gì làm sinh viên của ông. Đầu tiên người ấy phải biết tiếng Anh (Về sau ông không
nói tiếng Đức); thứ hai, ông không cho sinh viên ghi chép ở lớp, với
lại, vấn đề ông chỉ giảng một nửa, có lúc còn cố ý giảng sai, giảng sai
cũng không cải chính, ít nhất là lúc bấy giờ không cải chính, một hôm
nào đấy nhớ lại mới cải chính, không nhớ coi như thôi. Cách giảng bài ấy của ông tưởng chừng rất ngang, khiến nhiều sinh viên trình độ bình
thường không thể không bỏ học, có sinh viên chuyển sang học ngành khác.
Quan niệm giảng dạy của ông chỉ gói gọn trong một câu: một ý nghĩ sai
còn chính xác hơn cả điểm số cao. Nói cho cùng, ông quán triệt phương
pháp giáo dục bắt sinh viên phải động não suy nghĩ, khai thác sức tưởng
tượng, sức sáng tạo của anh. Cứ đến đầu năm học, đối diện với những sinh viên mới, ông bắt đầu bài giảng đầu tiên bằng hai thứ tiếng Anh, tiếng
Trung Quốc lẫn lộn. - Tôi là một con thú hoang, không phải người thuần
dưỡng thú vật, mục đích của tôi là đuổi bắt các anh, các anh chạy nhanh, tôi đuổi nhanh, các anh chạy chậm, tôi đuổi chậm, dù sao các anh cũng
phải chạy, không thể dừng, dũng cảm chạy, bao giờ các anh dừng lại, quan hệ giữa chúng ta sẽ được giải thoát. Bao giờ các anh chạy vào rừng sâu, biến mất trước tầm mắt tôi, quan hệ giữa chúng ta cũng sẽ được giải
thoát. Nhưng câu trước là tôi giải thoát các anh, câu sau là các anh
giải thoát tôi. Bây giờ chúng ta chạy, xem ai giải thoát ai.
Tất nhiên, giải thoát ông là chuyện khó, nhưng dễ cũng thật dễ. Bắt đầu một học kì, bài giảng đầu tiên, sự kiện đầu tiên của ông là, viết lên góc
bên phải tấm bảng đen một đề toán khó có tính chất mưu mẹo, cho đến khi
có ai đó giải được, coi như học kì kết thúc mĩ mãn, sau đấy có thể đến
lớp, có thể không đến, tuỳ ý. Tức là, học kì ấy anh đã giải thoát được
ông ta. Cùng lúc ấy, ông lại viết lên chỗ cũ trên bảng đen một đề khó,
chờ người thứ hai giải đáp. Nếu một người ba lần giải được đề khó của
ông, ông sẽ cho riêng anh một đề khó hơn, sự thật thì đấy là luận văn
tốt nghiệp của anh. Nếu anh giải được trọn vẹn đề toán ấy, bất kể là lúc nào, cho dù mới khai giảng được ít ngày, coi như anh đã tốt nghiệp, coi như đã giải thoát được công việc của ông ở chương trình cơ bản. Nhưng
đã mười năm, không có ai có vinh dự ấy, có thể ngẫu nhiên giải đáp được
một vài đề cũng rất hiếm hoi. ()
Bây giờ Kim Trân xuất hiện
trong giờ học của giáo sư Hinsh, vì dáng người nhỏ bé (mười sáu tuổi),
cậu ngồi ở dãy bàn đầu, hơn ai hết cậu chú ý đến ánh sắc sảo và xảo
quyệt phát ra từ cặp mắt xanh của Hinsh. Hinsh cao lớn, đứng trên bục
giảng càng tỏ ra cao lớn hơn, ánh mắt rơi vào vị trí cuối lớp, cái mà
Kim Trân tiếp nhận được là nước bọt của Hinsh vô tư phun ra và dòng khí
lưu lúc nói. Ông ta giống như một nhà thơ cảm xúc trào dâng đứng trên
bục giảng tỏ ra thoả mãn giải thích những kí hiệu toán học khô khan trừu tượng, thỉnh thoảng lại nhún vai cao giọng, lúc lại dạo bước ngâm ngợi. Ông đứng trên bục giảng giống một nhà thơ, cũng lại giống với một vị
tướng. Giảng bài xong, ông không nói gì, cứ thế đi thẳng. Lần này, giáo
sư Hinsh vẫn theo thói quen đi thẳng, ánh mắt vô tình chạm vào bóng
người gầy bé ngồi ở hàng đầu, cậu ta đang cúi đầu trên trang giấy để làm toán, rất say sưa, tường chừng như đang làm bài thi. Hai hôm sau, giáo
sư Hinsh lại lên lớp giảng bài, vừa đứng lên bục giảng, ông hỏi:
“Ai tên là Kim Trân, giơ tay lên?”
Ông thấy người giơ tay chính là cậu sinh viên nhỏ bé ngồi ngay hàng đầu mà mỗi khi lên lớp ông đều chú ý.
Giáo sư Hinsh cầm mấy tờ bài tập trên tay, vẫy vẫy, hỏi: “Tờ giấy này em nhét vào cửa phòng tôi à?”
Kim Trân gật đầu.
Giáo sư Hinsh nói: “Tôi báo cho em biết, học kì này em không phải lên lớp nghe tôi giảng nữa.”
Cả lớp tỏ ra kinh ngạc.
Như đang thưởng thức gì đó, ông mỉm cười với mọi người, yên tĩnh trở lại.
Cả lớp đã yên tĩnh, ông quay lại, viết đề toán lần trước lên bảng đen -
không ở góc bên phải, mà là góc trên bên trái, đây là nội dung của tiết
học hôm nay.
Ông viết lời giải của Kim Trân lên bảng, giảng qua
một lần, tiếp theo ông dùng phương pháp mới để giải theo ba cách khác
nhau cùng một đề toán khiến mọi người cảm thấy kiến thức đang được mở
rộng, hiểu rõ cái bí mật có nhiều cách nhưng có chung một kết quả, nội
dung bài học mới được l*иg vào mấy cách giảng. Xong việc, ông đứng trước tấm bảng đen, viết lên góc trái của tấm bảng một đề toán khó, nói:
“Tôi mong sau khi hết giờ, sẽ có em giải được đề toán này, lúc lên lớp tôi sẽ giải, lúc hết giờ tôi lại ra đề khác.”
Nói là nói vậy, nhưng trong lòng ông Hinsh biết, cái điều may mắn đối với
lời nói của mình là rất ít, về mặt toán học được biểu thị bằng số lẻ,
hơn nữa còn bị thêm chẵn bớt lẻ. Bớt tức là bỏ đi không tính, tức là
không còn; thêm nghĩa là làm cho số lớn hơn, tức là không biến thành có, đất biến thành trời. Điều ấy muốn nói, giữa trời và đất không có một
con mương ngăn cách, chỉ thêm một li đất lập tức biến thành trời, thiếu
đi một li, trời sẽ biến thành đất. Ông Hinsh không ngờ là, cái cậu sinh
viên lành như đất và ít nói kia làm cho khái niệm về đất trời của ông
trở nên mơ hồ, ông nhìn rõ là đất, nhưng kết quả là trời. Ấy là, Kim
Trân rất nhanh chóng giải được đề toán khó của ông.
Đề toán đã
được giải, tất nhiên phải ra đề khác. Khi ông Hinsh viết đề khó thứ ba
lên góc bên phải tấm bảng đen, vừa quay lại, ông không nói với mọi người mà chỉ nói với Kim Trân:
“Nếu em giải được đề toán này, tôi sẽ ra riêng cho em một đề khác.”
Ông muốn nói đến đề cho luận văn tốt nghiệp.
Lúc ấy, Kim Trân mới học được ba buổi của ông Hinsh, chỉ một tuần lễ.
Không như hai đề trước, trước tiết tiếp theo Kim Trân đã giải được, vì vậy,
ông Hinsh giảng xong tiết thứ tư, ông từ bục giảng đi xuống, nói với Kim Trân:
“Tôi đã ra đề thi tốt nghiệp cho em, chỉ chờ em giải.”
Nói xong, ông bỏ đi ngay.
Ông Hinsh sau khi lấy vợ, thuê một căn hộ trong ngõ Tam Nguyên, gia đình ở
đấy, nhưng bình thường ông vẫn ở trong ngôi nhà dành cho các giáo sư,
trên tầng ba, căn hộ có nhà vệ sinh riêng. Ở đấy ông đọc sách, nghiên
cứu, căn nhà tựa như một thư phòng. Chiều hôm ấy, ông vừa nghỉ trưa
xong, đang nghe đài, giữa tiếng nói trong đài có lẫn tiếng chân bước lên cầu thang. Tiếng chân dừng lại, nhưng không có tiếng gõ cửa, chỉ có
tiếng động khe khẽ như tiếng rắn bò, âm thanh từ hành lang lọt qua khe
cửa. Ông Hinsh thấy có mấy tờ giấy lọt vào, một lúc sau ông nhặt lên,
nét chữ quen thuộc của Kim Trân. Ông mở ngay trang cuối để xem kết quả,
kết quả là đúng. Ông cảm thấy như mình bị quất một roi, định chạy ra gọi Kim Trân lại. Nhưng ra đến cửa, ông suy nghĩ giây lát rồi quay vào ngồi ở sofa, bắt đầu xem từ trang thứ nhất. Xem xong, ông lại cảm thấy bị
quất thêm một roi nữa, ông đến bên cửa sổ, nhìn Kim Trân đang đi, lưng
quay về phía này. Ông mở cửa sổ, gọi theo bóng người đang đi. Kim Trân
quay lại, thấy giáo sư vừa chỉ tay vừa gọi cậu lên lầu.
Kim Trân ngồi trước mặt vị giáo sư người nước ngoài.
“Anh là ai?”
“Em là Kim Trân ạ.”
“Không!” ông Hinsh cười, “Tôi hỏi em là người thế nào? Từ đâu đến? Trước đây học ở đâu? Tại sao tôi thấy em quen quen, bố em là ai?”
Kim Trân do dự, không biết phải trả lời thế nào.
Bỗng ông kêu lên: “Ôi! Tôi nhớ ra rồi, em là hậu duệ của bức tượng dựng
trước toà nhà lớn kia, hậu duệ của bà Lily, Bàn tính Dung Lily. Em có
phải là hậu duệ của bà ấy không? Là con hay là cháu?”
Kim Trân chỉ vào những trang giấy bài tập để trên sofa, không trả lời câu hỏi:
“Em làm đúng không ạ?”
Ông Hinsh nói: “Em chưa trả lời vấn đề của tôi, có phải em là hậu duệ của bà Dung bàn tính Lily?”
Kim Trân không khẳng định mà cũng không phủ nhận, chỉ ấp úng trả lời: “Thầy nên hỏi thầy Hiệu trưởng Lily, thầy ấy là người nuôi em, em không có
cha mẹ.”
Kim Trân nói nhằm mục đích không muốn nói rõ quan hệ
giữa mình và bà Dung bàn tính Lily, không ngờ ông tỏ ra nghi ngờ, nhìn
Kim Trân, nói: “Đành là thế, tôi muốn hỏi em, mấy lần giải đề toán là em tự làm hay có người chỉ dẫn?”
Kim Trân trả lời dứt khoát: “Em tự làm.”
Tối hôm ấy, giáo sư Hinsh gặp ông Lily. Kim Trân trông thấy, nghĩ rằng vị
giáo sư người nước ngoài này đã nghi ngờ cậu tự giải các bài toán. Thật
ra, giáo sư Hinsh buổi chiều đã nói ra điều nghi ngờ của mình và cũng đã không còn nghi ngờ. Vì ông nghĩ, nếu có người tham gia vào quá trình
giải bài toán, dù là ông hiệu trưởng hay con gái ông ta, thì cách giải
sẽ không phải như thế. Sau khi Kim Trân ra về, ông Hinsh xem lại mấy bài toán cậu ta giải, cảm thấy cách giải có phần li kì, thật đáng khâm
phục, để lộ nét ấu trĩ, nhưng lại lấp lánh lí trí và thông minh, ông có
cảm giác không thể nói nên lời, nhưng nói chuyện với ông Hiệu trưởng,
hình như ông đã tìm ra được những điều có thể nói ra.
Giáo sư
Hinsh nói: “Cảm giác là thế này, chúng ta bảo cậu ta xuống lấy một thứ
gì đó dưới đường hầm, đường hầm tối xoè bàn tay không thấy ngón, đường
hầm lại nhiều ngóc ngách và hầm hố, không có công cụ chiếu sáng không
dám bước chân. Ấy là nói, trước khi vào đường hầm phải chuẩn bị công cụ
chiếu sáng. Công cụ chiếu sáng có nhiều loại, có thể là đèn pin, có thể
là đèn dầu hoặc đuốc, thậm chí chỉ là một bao diêm. Nhưng cậu ta lại
không biết những thứ đó hay là biết mà không kiếm ra, tóm lại không có
những thứ ấy, mà dùng một tấm gương, tạo một góc độ vô cùng chính xác,
chiết xạ ánh sáng trên mặt đất vào đường hầm tối, ở một khúc quanh của
đường hầm, cậu ta lại lợi dụng tấm gương để phản chiếu ánh sáng. Cứ như
vậy, cậu ta đi về phía trước, dựa vào chút ánh sáng để tránh hầm hố. Bí
ẩn hơn nữa là, cứ đến mỗi khúc quanh, chừng trong sâu xa của cậu ta có
bản lĩnh linh cảm, dựa vào trực giác để lựa chọn đường đi một cách chính xác.
Suốt mười năm, ông Lily chưa thấy giáo sư Hinsh khen ai,
khó để ông không nghi ngờ một ai về toán học, bây giờ ông hết lời, thậm
chí rất nhiệt tình khen ngợi Kim Trân, khiến ông Lily cảm thấy lạ lùng
và rất ngạc nhiên. Ông nghĩ, tôi phát hiện một thằng nhỏ có tài về mặt
toán học, còn ông Hinsh là người thứ hai, chẳng qua là sự chứng minh
giúp tôi. Tất nhiên, còn có chứng minh nào đúng đắn hơn của giáo sư
Hinsh? Cả hai người càng nói càng phấn chấn.
Nhưng, nói đến sự
sắp xếp về mặt toán học cho đứa nhỏ trong tương lai, hai người tỏ ra mâu thuẫn. Hinsh cho rằng, đứa nhỏ này đã nắm vững khả năng và tài trí về
toán học, có thể bỏ bớt những chương trình cơ bản, đề nghị cho nó học
vượt cấp, có thể để nó làm luận văn tốt nghiệp.
Điều này đã làm Lily không bằng lòng.
Như ta biết, Kim Trân là đứa nhỏ quá ư lạnh nhạt, rất thích sống một mình,
là đứa trẻ rất kém về mặt xã giao. Đấy là nhược điểm của nó, và cũng là
cạm bẫy trong cuộc đời nó, ông đang cố gắng bổ sung cho nó. Theo một ý
nghĩa nào đấy, về mặt xã giao Kim Trân là một người không có khả năng và nhu nhược, thậm chí đối với người khác là một sự kình địch khó hiểu,
càng thích hợp hơn khi để nó sống chung với những đứa trẻ cùng trang
lứa, như vậy đối với nó là sự thả lỏng. Hiện tại, trong lớp nó là một
sinh viên nhỏ tuổi nhất, ông Lily cảm thấy giữa nó và bạn bè có một
khoảng cách rất xa, không thể để nó cách xa hơn, nếu không, sẽ gây sự
bất lợi trong tính cách cậu ta. Nhưng điểm này hôm nay ông Lily không
muốn nhắc đến, vì rất khó nói, quá phức tạp, hơn thế còn là chuyện đời
tư của nó. Ông chỉ có thể đề nghị đối với vị giáo sư người nước ngoài
này:
“Trung Quốc có câu luyện mãi thành thép. Kim Trân là đứa
trẻ thông minh, nhưng kiến thức tích luỹ còn ít ỏi. Vừa rồi ông cũng đã
nói, công cụ chiếu sáng thông thường có nhiều loại, có thể dùng cái nào
cũng được, nhưng nó không dùng, mà bỏ cái gần để với cái xa. Tôi không
nghĩ đấy là sự cố tình của nó, mà là vạn bất đắc dĩ, cùng đường mới nảy
ra ý nghĩ ấy. Có thể nghĩ ra dùng tấm gương dĩ nhiên là tốt nhưng từ nay về sau nó vẫn sử dụng tài năng vào những chuyện này để phát hiện những
công cụ không có giá trị thực tế, tuy trong một lúc nào đấy có thể thoả
mãn lòng hiếu kì của mọi người, nhưng ý nghĩa thực có được bao nhiêu?
Cho nên, vì con người để dạy dỗ, tôi nghĩ đối với Kim Trân học tập là
điều cần kíp không chậm trễ, cần hiểu hơn những lĩnh vực đã biết, chỉ có thể nắm vững những cơ sở đã biết mới có thể tìm ra những điều không
biết có ý nghĩa chân chính. Nghe nói, năm kia ông về nước có đưa đến đây rất nhiều sách quý, lần trước tôi đến thăm ông, định mượn vài cuốn về
đọc, nhưng thấy trên giá sách của ông có dán lời cáo thị “Xin không ngỏ
lời mượn sách”, nên đành thôi. Lúc này tôi nghĩ, nếu có ngoại lệ, ông
cũng dành cho Kim Trân một ngoại lệ, điều ấy đối với nó có thể có ích.
Trong sách có ngôi nhà vàng.”
Lại nói đến điều mà giáo sư Hinsh không muốn.
Sự thật thì nhiều người đã biết, mấy năm nay khoa toán có hai điều lạ:
điều lạ thứ nhất là chuyện nữ giáo sư Dung Nhân Dịch (Thầy Dung) coi mấy trang thư là chồng, theo lời trong thư để từ chối mọi tình yêu; điều lạ thứ hai là giáo sư Hinsh coi tủ sách của mình là vợ, ngoài ông ra không ai được đυ.ng đến. Điều ấy có nghĩa là, ông Lily nói vậy, nhưng ông
Hinsh không làm vậy, không hi vọng gì. Vì khả năng lời nói đã nhỏ càng
nhỏ hơn, về mặt toán học dùng dấu chấm để biểu thị, hơn nữa lại còn bỏ
số lẻ để làm tròn số, bỏ tức là không còn tính đến, có nghĩa là biến
thành không.
Chính vì vậy, vào một buổi tối, ngồi bên bàn ăn,
Kim Trân ngẫu nhiên nói đến chuyện mượn được của giáo sư Hinsh hai cuốn
sách, đồng thời ông cho phép từ nay về sau có thể mượn đọc bất cứ cuốn
nào. Ông Lily chợt cảm thấy trong lòng vang lên một âm thanh, có cảm
giác bản thân dẫn đầu rất xa, nhưng thật ra là ở sau giáo sư Hinsh. Điều này khiến ông Lily thấy rõ vị trí của Kim Trân trong con mắt giáo sư
Hinsh, không ai có thể so sánh nổi. Tức là, giáo sư Hinsh đã rất coi
trọng và trông chờ Kim Trân, ông ta đã đi trước rất xa ông Lily, thoát
khỏi sự tưởng tượng và nguyện vọng của ông.
- 🏠 Home
- Trinh Thám
- Giải Mật
- Chương 2-6