Kết thúc cũng là bắt đầu.
Tôi muốn giải thích thêm những sự việc ngoài cuộc đời Kim Trân và tin tức tìm kiếm, đấy là chương năm, chương cuối cùng.
Tôi cảm thấy chương này như hai cánh tay mọc trên thân thể của bốn chương trước, một cánh tay tìm kiếm thời gian trước câu chuyện, một cánh tay nữa thăm dò thời gian sau khi câu chuyện xảy ra. Hai cánh tay rất cố gắng vươn thật xa, dang thật rộng, hơn thế cũng rất may mắn đυ.ng vào những sự thật, có cái như đáp án xa vời và rất hưng phấn. Sự thật, mọi chuyện thần bí và bí mật trong bốn chương trước, thậm chí những gì đặc sắc còn thiếu sẽ lần lượt xuất hiện trong chương này.
Ngoài ra, so với bốn chương trước, dù là nội dung hay ngôn ngữ tự thuật, tôi cố tình không tìm kiếm sự thống nhất về tình cảm, thậm chí cố ý làm nghiêng lệch và biến hoá. Hình như tôi thách thức tiểu thuyết truyền thống thông thường, nhưng kì thật tôi đầu hàng Kim Trân và câu chuyện về anh. Điều kì lạ là, sau khi quyết định đầu hàng, trong lòng tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhàng, rất thỏa mãn, cảm giác như đã chiến thắng.
Đầu hàng không có nghĩa là từ bỏ. Khi đọc xong toàn văn các bạn sẽ biết, đấy là do người tạo lập hắc mật đã gợi ý cho tôi. Ôi, tôi đi quá xa mất rồi! Nhưng nói thật, chương này là thế, nói đi nói lại hình như thấy Kim Trân điên tôi cũng phát điên.
Hãy trở lại với câu chuyện.
Có người nghi ngờ hỏi tôi về tính chân thật của câu chuyện, đấy là ngọn roi thứ nhất kí©h thí©ɧ tôi viết chương này.
Tôi đã từng nghĩ, để mọi người tin vào câu chuyện, tin là thật, là mục đích không thể bỏ qua. Nhưng câu chuyện này có một yêu cầu đặc biệt, vì nó là thật, không dễ nghi ngờ. Để giữ khuôn mặt vốn có của nó, tưởng như tôi phải mạo hiểm, ví dụ có hai chi tiết tôi có thể hoàn toàn dựa vào tưởng tượng nhưng phải xây dựng thật khéo, thật hợp tình hợp lí, hơn nữa còn có được sự hậu thuẫn của lối tự thuật. Nhưng, mong muốn và nhiệt tình muốn giữ nguyên bản không cho tôi làm như thế. Sở dĩ nói, nếu câu chuyện có khiếm khuyết nào đó thì nguyên nhân không ở người viết, mà tại nhân vật hoặc bản thân cơ chế cuộc sống. Không thể không như thế, ở mỗi con người đều có những điều không hợp logic hoặc có thể nói chưa đủ kinh nghiệm. Đấy là điều không còn cách nào khác.
Tôi cần nhấn mạnh, đây là câu chuyện lịch sử, không phải tưởng tượng, tôi ghi lại những hồi âm từ quá khứ. Có thể hiểu (vì thế có thể tha thứ) một số câu chữ được sửa chữa và có những hư cấu cần thiết, ví dụ tên người, địa điểm, thậm chí tưởng tượng màu sắc của bầu trời lúc bấy giờ. Một số thời gian cụ thể cũng có thể có sự sai lệch, những gì đến nay còn cần giữ bí mật tất nhiên tôi phải tước bỏ, có những miêu tả tâm lí có thể còn vẽ rắn thêm chân. Nhưng không còn cách nào khác, vì Dung Kim Trân là con người chìm đắm vào ảo tưởng, cả đời không có nổi một động tác, động tác duy nhất là phá khoá mật mã, nhưng vì bí mật, nên không có cách nào biểu hiện. Chỉ vậy thôi.
Ngoài ra, tìm thấy Kim Trân ở xưởng sản xuất giấy hay xưởng in huyện M, chuyện này không ai nói chính xác, hơn nữa hôm ấy đưa Kim Trân về không phải là Vasili, mà là nhân vật đứng đầu đơn vị 701, đích thân ông Cục trưởng đi đón. Mấy hôm ấy Vasili vì quá sợ hãi, quá mệt mỏi, nên bị ốm, không thể đi nổi. Vị Cục trưởng này mười năm trước đã xa chúng ta, hơn nữa lúc ông còn sống, ông không nhắc gì đến chuyện hôm ấy, hình như nhắc đến lại cảm thấy không phải với Kim Trân. Có người nói, ông Cục trưởng rất đau lòng về chuyện Kim Trân phát điên, trước lúc chết ông còn tự trách mình. Tôi không biết có nên tự trách mình hay không, chỉ cảm thấy ông tự trách mình khiến tôi càng tiếc cho kết cục của Kim Trân.
Trở lại câu chuyện.
Hôm ấy cùng với ông Cục trưởng đi đón Kim Trân ở huyện M về còn có người lái xe cho Cục trưởng, nghe nói người này lái xe rất giỏi nhưng lại mù chữ, vì thế mới có sự mơ hồ không biết đây là xưởng in hay xưởng làm giấy. Xưởng in và xưởng làm giấy bề ngoài cũng hơi giống nhau, đối với người không biết chữ, với lại lúc nhìn cũng không chú ý, lẫn lộn cũng là chuyện bình thường.
Tôi đã hỏi chuyện người lái xe này, muốn để ông ta phân biệt xưởng in và xưởng làm giấy, ví dụ xưởng làm giấy có ống khói cao, xưởng in thì không có, xưởng in có mùi mực in, xưởng làm giấy có nhiều nước bẩn chảy ra ngoài, nhưng không có mùi. Tuy vậy người lái xe vẫn không thể xác định nổi, lời lẽ hàm hồ, không chắc chắn.
Có lúc tôi nghĩ, có thể đấy là sự phân biệt giữa người có văn hoá và người không có văn hoá. Người không có văn hoá thường khó khăn trong việc phán đoán sự việc đúng sai phải trái, với lại cũng đã mấy chục năm rồi, người lái xe bây giờ là một ông già lẫm cẫm, rượu thuốc quá độ khiến trí nhớ của ông cũng bị thoái hoá nghiêm trọng. Ông nói một cách chắc chắn với tôi, sự việc xảy ra hồi năm 1967, không phải năm 1969. Sai lầm ấy khiến tôi mất tin tưởng vào những tư liệu ông cung cấp. Cho nên cuối câu chuyện thiếu hẳn một người xuất hiện, tôi cứ để nó sai, cho Vasili thay ông Cục trưởng đến huyện M.
Điều ấy phải nói rõ.
Đấy cũng là chỗ sai sự thật lớn nhất trong câu chuyện.
Về việc này tôi luôn cảm thấy đáng tiếc.
Có người tỏ ra quan tâm đến cuộc sống sau đấy của Kim Trân, đấy là ngọn roi thứ hai cổ vũ tôi viết chương này.
Có nghĩa là bảo tôi hãy nói với mọi người rằng, tôi đã hiểu câu chuyện này thế nào.
Tôi rất đồng ý nói.
Thật ra, tôi có thể tiếp xúc với câu chuyện này là do một lần cha tôi gặp hoạ. Mùa xuân năm 1990, cha tôi bảy mươi lăm tuổi vì trúng phong bị liệt, phải nằm viện, sau khi chữa trị không khỏi, phải chuyển sang viện điều dưỡng Linh Sơn. Có thể đây là bệnh viện người chết, nhiệm vụ duy nhất của bệnh nhân ở đấy là nằm yên chờ chết.
Sang đông, tôi đến viện điều dưỡng thăm cha, tôi phát hiện cha tôi sau một năm ốm nặng, trở nên hiền từ, thân ái đối với tôi, đồng thời trở nên thích nói chuyện. Có thể thấy, ông muốn lải nhải biểu thị nhiệt tình và tình yêu thương đối với tôi. Thật ra đấy là điều không cần thiết, vì tôi và ông đều biết, lúc tôi cần ông yêu thương nhất, hoặc do nguyên nhân nào đó, ông đã không yêu thương tôi đúng mức, có thể ông không ngờ gặp khó khăn như ngày hôm nay. Nhưng không có nghĩa là hôm nay ông phải yêu thương bổ sung. Không có chuyện ấy. Dù sao đi nữa, tôi tin mình không có ý nghĩ hoặc tình cảm nào khác đối với những gì không đúng của ông trong quá khứ, để ảnh hưởng đến tình thương yêu và lòng hiếu thảo của tôi đối với ông.
Nói thật, hồi đầu tôi cực lực phản đối cái viện điều dưỡng này, chỉ vì cha tôi yêu cầu, tôi đành chấp nhận. Tôi biết tại sao cha tôi đòi vào đây, không phải ông lo vợ chồng tôi không tận tình chăm sóc, khiến ông phải khó xử. Cũng có thể lo con cái bất hiếu với người ốm lâu. Nhưng tôi nghĩ còn có một khả năng khác, trông thấy ông đau ốm có thể chúng tôi đồng tình, thông cảm và càng có hiếu hơn.
Nói thật, thấy cha tôi cứ lải nhải những chuyện xấu hổ và đáng tiếc trong quá khứ, tôi cảm thấy khó chịu. Nhưng khi ông nói chuyện trong viện điều dưỡng, đủ chuyện li kì của bệnh nhân tại đây, tôi nghe rất vào, nhất là nói đến chuyện Dung Kim Trần. Lúc ấy cha tôi biết nhiều chuyện về Kim Trân, vì họ đều là bệnh nhân với nhau, gần nhau, như láng giềng.
Cha tôi nói, Kim Trân ở đây đã hơn chục năm, không ai không biết anh ta, hiểu anh ta. Mỗi bệnh nhân mới vào đều được nhận một món quà đặc biệt, đấy là chuyện của Kim Trân, mọi người truyền nhau câu chuyện về vinh quang và vất vả của Kim Trân trở thành trào lưu. Mọi người thích bàn luận là bởi Kim Trân rất đặc biệt, rất đáng kính. Tôi nhận ra rằng, ở đây ai cũng kính trọng Kim Trân, dù anh xuất hiện ở đâu, hễ trông thấy anh mọi người liền chủ động đứng lại, đưa mắt chào anh, nhường lối cho anh đi, mỉm cười với anh, tuy có thể anh không cảm nhận nổi. Lúc bác sĩ, y tá đến với anh, anh luôn luôn mỉm cười, khẽ nói chuyện, lúc lên xuống bậc thềm, họ rất cẩn thận đỡ anh, không để mọi người nghĩ anh là ông già hay trẻ con hoặc vị thủ trưởng nào đó.
Trong đời tôi chưa bao giờ thấy một người ốm đau được tôn kính như vậy, trên truyền hình đã trông thấy một lần, đấy là nhà khoa học ngồi trên xe lăn người Anh Stephen Hawking.
Tôi ở lại viện điều dưỡng một ngày, phát hiện bệnh nhân ban ngày đều có cách gϊếŧ thời gian, họ tụ tập dăm ba người, hoặc đánh cờ, hoặc đánh bài, hoặc đi dạo, hoặc nói chuyện, bác sĩ y tá đến phòng bệnh kiểm tra hoặc phát thuốc đều phải thổi sáo gọi họ mới về. Chỉ có Kim Trân một mình lặng lẽ ngồi trong phòng, ăn cơm hoặc đi dạo bộ cũng phải có người gọi, nếu không anh không chịu rời buồng bệnh, giống như hồi xưa ở trong phòng giải mã. Vì vậy, viện phải cử một hộ lí chuyên trách, mỗi ngày ba lần đưa Kim Trân đến nhà ăn ăn cơm, cơm xong cùng anh đi dạo bộ nửa tiếng đồng hồ. Cha tôi nói, lúc đầu không ai biết quá khứ của Kim Trân, có những hộ lí cảm thấy phiền hà, không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bỏ đói anh. Về sau, có một vị thủ trưởng cỡ lớn đến đây, ngẫu nhiên phát hiện, vậy là ông triệu tập bác sĩ y tá toàn viện để nói chuyện. Ông nói:
“Nếu gia đình các anh chị có người già cả, các anh chị đối xử thế nào với người già cũng phải đối xử với anh ấy như thế; nếu gia đình các anh các chị chỉ có trẻ con không có người già, các anh các chị đối với trẻ con như thế nào thì phải đối xử với anh ấy như thế, nếu gia đình các anh các chị không có người già và trẻ con, các anh các chị đối với bản thân thế nào thì phải đối xử với anh ấy như thế.”
Từ đấy về sau, những chuyện vinh quang và bất hạnh của Kim Trân lan truyền rộng rãi trong viện, đồng thời anh trở thành bảo bối của viện, không ai dám không chu đáo với anh, tỏ ra tận tình hơn với anh. Cha nói, nếu không phải do tính chất công tác quyết định, hoặc anh đã trở thành nhân vật anh hùng, mọi người mọi nhà sẽ biết, sự tích thần kì và vinh quang của anh sẽ được đời đời truyền tụng.
Tôi nói: “Tại sao không cử một người chuyên chăm sóc? Anh ấy rất xứng đáng được đãi ngộ như thế.”
“Đã có.” Cha nói, “nhưng vì thành tích của anh ấy được mọi người biết, mọi người đều tỏ ra tôn kính, muốn dành cho anh chút yêu thương, cho nên người chăm sóc chuyên trách trở nên thừa, phải bỏ đi.”
Cho dù mọi người tận tình quan tâm, chăm sóc đến anh, nhưng tôi thấy anh sống rất khó khăn, vài ba lần qua cửa sổ thấy anh ngồi ngơ ngác ở sofa, có mắt nhưng không thấy, ngồi bất động, giống như một pho tượng, nhưng hai tay như bị kí©h thí©ɧ, cứ run lẩy bẩy. Buổi tối, qua bức tường trắng của bệnh viện, tôi vẫn nghe thấy tiếng ho già nua, có cảm giác như có vật gì đánh vào anh. Vào lúc đêm khuya thanh vắng, phòng bên vang lên tiếng kêu nghe như tiếng kèn đồng. Cha nói, đấy là tiếng khóc của anh trong lúc mơ.
Một buổi tối, trong nhà ăn của viện, tôi bất ngờ gặp Kim Trân, anh ngồi đối diện với tôi, ngồi co ro, cúi đầu, bất động, trông như một vật gì đó hoặc như một đống áo quần. Trông anh rất đáng thương, những biểu hiện trên nét mặt đều là dấu tích đáng ghét của thời gian đã mất. Tôi vừa lặng lẽ lén nhìn anh vừa nhớ đến lời cha nói. Tôi nghĩ, con người này đã có một thời trai trẻ, hăng say tài giỏi, là công thần của đơn vị 701 đặc biệt, có cống hiến to lớn cho sự nghiệp của đơn vị 701. Nhưng bây giờ đã già, lại mang bệnh thần kinh khá nặng, thời gian vô tình đã dồn ép anh, chỉ còn lại bộ xương (anh gầy giơ xương), giống như nước chảy chỉ còn trơ đá, ngàn đời nhân loại để lại câu thành ngữ càng ngày càng hay. Trong bóng tối, tôi thấy Kim Trân rất già, già đến kinh người, người già rất có thể xa người đời bất cứ lúc nào.
Anh cúi đầu, không phát hiện tôi nhìn lén, anh ăn xong, đứng dậy đang chuẩn bị đi, vô tình chạm vào ánh mắt tôi. Tôi phát hiện ánh mắt anh rất sáng, tưởng như sống lại, chậm bước về phía tôi, giống như người máy, nỗi đau và bóng tối hiện lên khuôn mặt, giống như một người ăn xin. Đến trước mặt tôi, anh nhìn tôi bằng cặp mắt cá vàng, đồng thời đưa hai tay ra cho tôi, giống như muốn xin gì, đôi môi mấp máy, khó lòng lắm mới nói nổi một câu:
“Sổ tay, sổ tay, sổ tay...”
Tôi giật mình hốt hoảng vì cử chỉ bất ngờ của anh, rất may cô y tá trực ban đến giải thích cho tôi. Cô khuyên giải và dìu anh, anh ngước lên nhìn cô y tá, lại quay đầu nhìn tôi, rồi đi một bước lại dừng, cứ thế ra cửa, biến mất trong bóng tối.
Sau đấy cha tôi nói, bất kể là ai, nếu anh ta trông thấy đều đi tới, hỏi cuốn sổ tay, hình như trong ánh mắt khách có giấu cuốn sổ. Tôi hỏi: “Anh ấy vẫn tìm sổ tay cơ à?”
Cha nói: “Đúng, anh ấy vẫn tìm sổ tay.”
Tôi hỏi: “Cha bảo tìm thấy rồi cơ mà?”
“Đúng là đã tìm thấy. Nhưng anh ấy làm sao biết được?”
Hôm ấy tôi thật sự ngạc nhiên.
Tôi nghĩ, một người bình thường sẽ không nghi ngờ người bị bệnh tâm thần đã mất hẳn trí nhớ, nhưng kì lạ là, mất cuốn sổ tay mà anh vẫn nhớ, vẫn ghi nhớ trong lòng. Anh không biết đã tìm thấy cuốn sổ, không biết thời gian vô tình trôi bên anh. Bây giờ Kim Trân không còn gì, chỉ còn bộ xương, với lòng kiên nhẫn vốn có, vẫn kiên nhẫn đi tìm cuốn sổ tay suốt hai mươi năm.
Đấy là hiện tại và tương lai của Kim Trân.
Sau này sẽ thế nào?
Liệu có xuất hiện kì tích không?
Tôi buồn rầu nghĩ, có thể, có thể.
Tôi biết, nếu bạn là người theo chủ nghĩa thần bí theo đuổi mục tiêu cao xa, nhất định còn hi vọng, thậm chí yêu cầu tôi treo bút. Vấn đề ở chỗ còn nhiều người, họ đều là những người thích hỏi đến tận cùng, thích rõ ràng, không quên số phận hắc mật sau đó, vẫn chưa thoả mãn, khiến tôi phải viết chương này.
Vậy là mùa hè năm thứ hai, tôi tìm đến đơn vị 701 tại thành phố A.