Bắt đầu nghiên cứu hắc mật.
Hắc mật, nghe cái tên không thôi cũng đã hiểu ý nghĩa, là mật mã chị em với tử mật, nhưng tiên tiến hơn, cao cấp hơn tử mật, nặng nề, sâu sắc như hai màu đen (hắc) và tím (tử) so với nhau. Ba năm trước, Kim Trân nhớ mãi cái ngày đáng sợ, ấy là ngày mồng một tháng chín năm 1966 (ít lâu sau ngày về trường N cứu thầy Dung), bóng ma hắc mật lần đầu tiên xuất hiện trên tử mật. Giống như cánh chim trong gió bỗng nhận ra tuyết trắng đã phong kín núi đồi, Kim Trân nhận ra dấu vết mỏng manh như tơ nhện của hắc mật, dự cảm ngọn núi cao mình chinh phục đang có nguy cơ bị che phủ.
Quả nhiên sự thật sau đấy đúng như thế, dấu tích hắc mật không ngừng bao phủ đỉnh núi tử mật, giống như bóng tối tràn lan xoá sạch ánh sáng lúc mặt trời lặn. Từ đây, đối với đơn vị 701, những ngày tháng đen tối của mười năm trước lại tái hiện, bất giác mọi người lại gửi gắm hi vọng vào ngôi sao Kim Trân sẽ tìm ra ánh sáng. Suốt ba năm nay, ngày cũng như đêm anh chuyên chú đi tìm ánh sáng, nhưng ánh sáng lai luôn ẩn mình trong bóng tối tận bên kia núi. Trong tình hình đó, đơn vị 701 và Tổng cục cùng tổ chức hội nghị nghiên cứu hắc mật - một hội nghị long trọng trong sự im lặng.
Hội nghị được tổ chức ngay tại Tổng cục.
Giống như các Tổng cục, cơ quan Tổng cục của đơn vị 701 đặt tại Bắc Kinh, xuất phát từ thành phố A ngồi tàu hoả phải mất ba ngày hai đêm. Cũng có máy bay, nhưng không được đi máy bay, vì sợ bị cướp máy bay. Thực tế, khả năng cướp máy bay là rất ít, nhưng nếu trên máy bay có một nhân viên phá mã của đơn vị 701 thì khả năng cướp máy bay sẽ tăng lên chục lần, thậm chí trăm lần. Nếu như đấy là Kim Trân, người đã phá khóa mã tử mật nay đang phá khóa hắc mật, thì khả năng bị cướp máy bay sẽ là vô cùng. Nếu tình báo nước X biết chuyến bay nào có Kim Trân, tốt nhất chuyến bay ấy đừng cất cánh. Vì trên máy bay rất có thể có đặc công của nước X, chúng nóng lòng chờ cho máy bay cất cánh, chúng sẽ thực thi hành động xấu xa điên cuồng. Đấy không chỉ là chuyện đùa mà đã từng có bài học thất bại. Người của đơn vị 701 đều biết, mùa xuân năm 1958, sau khi Kim Trân phá khóa tử mật không lâu, một nhân vật trẻ tuổi của bộ phận phá khóa mật mã nước Y bị đặc công nước X bắt cóc, thời gian ấy ông Trịnh Thọt đang học kinh nghiệm ở đấy, đã từng hai lần ăn cơm với nhân vật ấy, tất nhiên có biết. Không ai biết bây giờ nhân vật ấy ở đâu, còn sống hay chết? Đấy cũng là sự tàn khốc của nghề phá mã.
Để so sánh, tàu hỏa hoặc ô tô chạy trên mặt đất chắc chắn và an toàn hơn rất nhiều, dù có những tai nạn bất ngờ vẫn còn có cách hỗ trợ, có lối thoát, không thể mở mắt để nhìn người bị cướp. Ngồi ô tô suốt chặng đường dài là không thể, cho nên Kim Trân chỉ còn cách ngồi tàu hỏa. Bởi thân phận đặc biệt, lại đem theo tài liệu, quy định được nằm giường mềm, ở ngay ga xuất phát, cái toa giường mềm ấy tạm thời được các quan chức cảnh giới vậy chặt. Sự việc này cũng hiếm thấy, Kim Trân cũng đã gặp, tưởng như không phải là dấu hiệu tốt lành.
Một người đi cùng có bộ mặt nghiêm khắc, cao, đen, miệng rộng, mắt hình tam giác, cằm để râu dài ba phân, râu mọc thẳng rất kiên cường, trông như bờm lợn, có cảm giác cứng như bàn chải thép. Bàn chải thép dày đặc chụm lại một chỗ tạo cảm giác sát khí đằng đằng. Cho nên, nói bộ mặt người này đầy vẻ sát khí, hung dữ không có gì là quá đáng. Ở đơn vị 701, con người này tồn tại là một thứ sức mạnh, khác với sự tồn tại vì trí tuệ như Kim Trân. Anh ta còn có một vinh dự đặc biệt mà không ai có, ấy là mấy vị lãnh đạo của đơn vị mỗi khi đi công tác rất thích đưa anh ta đi cùng, chính vì vậy mà mọi người trong đơn vị đều gọi anh ta là Vasili. Vasili là bảo vệ của Lênin trong phim “Lênin năm 1918”, anh ta là Vasili của đơn vị 701.
Trong ấn tượng của mọi người, Vasili lúc nào cũng mặc cái áo gió rất mốt, hai tay thọc vào hai túi áo, bước đi dài và nhanh, vội vã, uy phong ngời ngời, dĩ nhiên có cái vẻ cận vệ, đám thanh niên trai trẻ của đơn vị 701 đều hâm mộ và kính nể anh ta, họ thường tụ tập bàn tán rất hào hứng, bàn tán về cái vẻ oai phong, bàn tán anh ta có thể đã có những chiến công hiển hách. Thậm chí họ bàn tán cả những bí mật trong hai cái túi áo anh ta, bảo túi bên phải là khẩu súng lục nhỏ B7 của Đức chế tạo, rút ra bắn gì cũng trúng, bách phát bách trúng; túi bên trái là tấm giấy chứng nhận đặc biệt đích thân một vị tướng thủ trưởng Tổng cục kí, hễ lấy ra là có thể đi bất cứ nơi nào, ngay cả Thiên hoàng cũng không dám cản trở.
Có người nói, bên nách trái anh ta còn có một khẩu súng lục nữa. Nhưng thật ra không ai trông thấy. Không ai trông thấy cho nên củng không dám nói là không có, vì có ai nhìn được vào nách anh ta? Dù thấy rõ không có, cánh trẻ vẫn không chịu thua, họ vẫn quả quyết chỉ những lúc anh ta đi làm nhiệm vụ mới đem theo.
Tất nhiên điều ấy là có thể.
Đối với một nhân viên bảo vệ trên người có thêm một khẩu súng, thêm một vũ khí bí mật cũng giống như trên người Kim Trân có thêm một cây bút, một cuốn sổ tay, chẳng có gì kì lạ. Rất bình thường, giống như người làm việc cần ăn cơm vậy.
Tuy có một nhân vật đặc biệt đi theo, nhưng Kim Trân không vì thế mà cảm thấy yên tâm và an toàn, tàu vừa chuyển bánh, anh chìm ngay vào cảm giác bất an một cách vô cớ, cảm thấy lo lắng, áy náy bị nhìn trộm, giống như ánh mắt mọi người đổ dồn vào anh, giống như anh không mặc áo quần (cho nên mọi người nhìn), cảm thấy khó xử, căng thẳng, không an toàn, không tự nhiên. Anh không biết tại sao, càng không biết phải làm thế nào để được yên tâm. Thật ra, có cảm giác không an toàn là bởi anh quá chú trọng đến bản thân, quá biết đấy là chuyến đi đặc biệt.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Như tôi đã nói, người của nước Y bị đặc công nước X bắt cóc trên máy bay chỉ là một nhân vật nhỏ, so với Kim Trân cách biệt như trời với đất. Không phải thần kinh tôi quá nhạy cảm, không phải vì Kim Trân sợ cho bản thân, lúc cậu ta đi quả là rất nguy hiểm. Có một điểm ngay từ đầu tôi đã cảm thấy kì lạ, ấy là sau khi Kim Trân phá được khóa mã tử mật, tuy rất lặng lẽ, sau sự việc ấy dù có giữ bí mật hơn, nhưng nước X vẫn biết. Tất nhiên, việc phá khóa tử mật, họ sớm biết vì có nhiều phản ứng từ rất nhiều việc, trừ phi chúng ta không dùng tư liệu tình báo của họ. Cụ thể do ai phá khóa là điều không nên để họ biết. Nhưng đối phương không những biết Kim Trân đã phá khóa, hơn nữa nhiều người cũng biết rất rõ do Kim Trân, về chuyện này, bộ phận điều tra nghiên cứu cũng đã làm việc, tìm ra mối nghi ngờ, trong đó có Hinsh. Đấy là sự nghi ngờ đầu tiên của chúng tôi đối với Hinsh, nhưng lúc ấy chỉ nghi ngờ vậy thôi, không có chứng cứ cụ thể. Cho đến một năm sau, chúng tôi ngẫu nhiên nhận được một tin tình báo, nói rằng Hinsh và nhà khoa học chống cộng Wenak chỉ là một, cho đến lúc ấy chúng tôi mới nhận ra bộ mặt thật độc ác của Hinsh.
Tại sao Hinsh từ một nhà khoa học đi đến con đường chống Cộng cực đoan, hơn nữa lại chống cộng một cách lắt léo bằng cách thay tên đổi họ, đấy là bí mật của ông ta, nhưng tấm mạng che mặt của Hinsh rơi xuống, âm mưu của ông ta đối với chúng tôi cũng lập tức hiện rõ. Có thể, không ai bằng Hinsh hiểu thiên tài của Kim Trân, với lại ông ta cũng đã từng làm công việc phá khóa mã, lúc ấy định phá khóa mật mã tử mật, ông ta đã hình dung ra, chỉ cần Kim Trân làm, chắc chắn sẽ trở thành cao thủ, tử mật khó mà giữ nổi bí mật. Cho nên, ông ta ra sức ngăn cản Kim Trân đi vào công việc phá khóa mật mã, khi ông ta phát hiện Kim Trân làm công việc này lại cố nghĩ cách ngăn cản, sau khi biết, ông ta cố ý đánh lạc hướng, đưa vào mê hồn trận. Tôi nghĩ, ông ta làm như thế là có lí do chính trị, cũng là do nhu cầu cá nhân. Vì ông ta nghĩ, nếu như Kim Trân phá được khóa tử mật, đối với ông ta sẽ rất xấu hổ, giống như bị mất cắp mà chuông cảnh báo vẫn chưa vang lên. Vai trò của ông ta lúc bấy giờ là chuông cảnh báo tử mật. Có người lại nghĩ, tại sao đối phương có thể biết Kim Trân là người phá khóa tử mật, chắc chắn là do ông ta đã đoán chính xác chín phần mười. Đúng vậy, ông ta đoán đúng! Nhưng, có một điều ông ta không nghĩ đến ấy là, việc ông ta dày công đưa Kim Trân vào mê hồn trận hoàn toàn vô hiệu! Có thể nói, trong sự việc này Thượng đế đã đứng về phía Kim Trân.
Lúc bấy giờ đài phát thanh JOG chống đối ngày nào cũng để lộ ý đồ dùng tiền tài mua chuộc người làm công tác phá khóa mật mã, người nào giá bao nhiêu tiền đều nói rất rõ, họ đặt giá cho Kim Trân là một triệu, gấp mười lần một phi công.
Một triệu!
Với Kim Trân, con số này đã nâng anh lên tận mây xanh nhưng cũng đồng thời cách xa địa ngục chỉ một bước chân. Bởi vì, anh cảm thấy mình đáng tiền, người muốn làm tổn thương anh sẽ có lí do, lí do đủ để thu hút nhiều người khác, khiến anh không chống đỡ nổi. Đấy là điều anh tỏ ra không thông minh, thật ra công việc chúng tôi bảo vệ anh còn hơn cả mức nguy hiểm mà anh có thể gặp, ví dụ lần này đi công tác, ngoài Vasili bảo vệ tiếp cận, trên tàu còn nhiều nhân viên bảo vệ thường phục, gồm cả các đơn vị quân đội dọc đường có thể vào lệnh báo động cấp hai đề phòng mọi bất trắc. Những điều ấy Kim Trân hoàn toàn không hay biết, hơn nữa lúc ấy trên toa phổ thông người lên kẻ xuống cũng làm anh căng thẳng.
Nói tóm lại, tính cách Kim Trân kiên định, học vấn uyên thâm, vận may của thiên tài có thể có được là bởi tinh thần kiên định, không nao núng, hiện tại có thêm lòng thù địch sâu sắc. Thiên tài Kim Trân dù có đọc nhiều sách, học vấn sâu rộng, có những suy nghĩ độc đáo, nhưng trong cuộc sống thường ngày lại là kẻ vô tri, không tỉnh táo, tuy rất cẩn thận nhưng lại ngớ ngẩn, thậm chí hoang đường. Trong những năm tháng ấy, anh chỉ ra ngoài một lần, ấy là lần anh về cứu chị gái là thầy Dung, đi hôm trước hôm sau về ngay. Sự thật thì, suốt mấy năm sau ngày anh phá được khóa tử mật, sức ép công việc đối với anh không lớn lắm, rất sẵn thời gian về thăm nhà, chỉ cần anh muốn tổ chức sẽ sẵn sàng phối hợp, cho xe, cử bảo vệ không vấn đề gì. Nhưng anh liên tiếp từ chối, bề ngoài anh nói về bị bảo vệ quản chặt như quản tù, không được nói chuyện và đi lại thoải mái, về cũng không có ý nghĩa. Thực tế thì anh sợ xảy ra chuyện này chuyện khác, giống như những người bị nhốt trong nhà, sợ không dám đi một mình, anh sợ ra khỏi đơn vị, sợ gặp người lạ. Vinh dự và công việc khiến anh trong suốt như pha lê, dễ vỡ, không còn cách nào, bản thân anh lại làm thổi phồng cảm giác ấy, lại càng không còn cách nào.
Như vậy, công việc và sự cẩn thận cùng tâm lí sợ hãi đối với những sự việc có thể xảy ra đã giữ Kim Trân trong hang núi, không biết đã có bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng trôi qua bên anh, anh vẫn như một con thú bị giam giữ, dựa vào địa thế hiểm yếu, sống ngột ngạt, xơ cứng với tư thế cố hữu mà mọi người đều biết, thoả mãn với việc chiếm hữu thế giới, chiếm hữu thời gian bằng sự tưởng tượng trống rỗng. Anh về họp ở Tổng cục là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng ra khỏi đơn vị 701.
Vẫn như mọi lần, Vasili vẫn mặc áo gió màu kem rộng thùng thình, rất ra vẻ, cổ áo dựng cao thêm phần bí ẩn. Tay trái của anh ta không thọc vào túi như mọi khi, vì phải xách cái cặp, cái cặp cứng còng bằng da bò, màu nâu, không lớn không bé, cái cặp có khoá bảo hiểm vẫn thường thấy, bên trong đựng tài liệu bí mật và một quả bom cháy có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Kim Trân để ý thấy tay phải của anh ta luôn thọc vào túi áo giống như bị tật, không thể để lộ ra ngoài. Nhưng Kim Trân hiểu rằng, tay anh ta không có tật nhưng luôn luôn có một khẩu súng lục. Kim Trân vô tình trông thấy khẩu súng ấy, thêm vào đấy là những điều anh được nghe, nên anh nghĩ, anh ta luôn nắm khẩu súng là do thói quen và do yêu cầu, từ suy nghĩ ấy anh cảm thấy không thiện cảm và sợ hãi, vì anh nhớ đến một câu nói “súng bên người giống như tiền trong túi, lúc nào cũng dễ bị chủ nhân đen ra sử dụng.”
Nghĩ đến bên mình luôn luôn có khẩu súng, cũng có thể là hai khẩu anh cảm thấy sợ. Anh nghĩ, một khi khẩu súng được sử dụng, điều ấy chứng tỏ đã gặp chuyện rắc rối, súng có thể dập tắt chuyện rắc rối, giống như nước dập tắt lửa, nhưng cũng có thể không, giống như có khi nước không dập được lửa. Như vậy… anh không nghĩ tiếp, bên tai chừng như có tiếng súng nổ. Sự thật thì Kim Trân hiểu rõ, chỉ cần xuất hiện tình huống ấy tức là nguy hiểm, một người không chống nổi số đông, cùng lúc Vasili cho nổ trái bom, anh ta cũng không do dự chĩa súng về phía mình mà bắn.
Gϊếŧ người diệt khẩu!
Kim Trân lẩm bẩm câu nói ấy. Tiếng súng tiêu diệt bỗng như gió thoảng qua tai.
Như vậy, cảm giác thất bại, sự ức chế về một tai hoạ bất ngờ ập xuống đầu tưởng chừng theo suốt dọc đường của Kim Trân, khiến anh phải cố gắng chịu đựng, chống đỡ, cảm thấy đừng đi quá xa, xe lửa lại chạy quá chậm. Sau khi an toàn đến được Tổng cục, tâm trạng căng thẳng và sợ hãi trong anh mới chùng xuống và cảm thấy ấm lòng. Lúc này anh mới dũng cảm nghĩ rằng, sau này (hiện thực nhất là đường về) bất luận thế nào mình cũng không được hù doạ chính mình.
Sẽ xảy ra chuyện gì? Sẽ không xảy ra chuyện gì, vì không ai biết ai, không ai biết anh đem theo bí mật trên người.
Kim Trân lẩm bẩm, coi như lời phê bình và chế nhạo sự căng thẳng dọc đường.