Chương 4: Tướng Quân Biên Ải

Kị cố gắng trấn tĩnh, giả vờ như không nhận ra kẻ nọ. Cậu chăm chú nhìn vào bức vẽ mà trong đầu hiện lên hàng trăm câu hỏi không tên. Kẻ kia sao lại biết cậu tới đây? Hắn có quen biết cậu hay không? Hắn đã theo lên từ lúc cậu nhờ xe bò lên Quảng Ninh hay từ lúc trong núi bước vào cửa mộ?

Nhưng điều quan trọng nhất là, hắn ta liệu có sát ý với cậu hay không?

Đang lúc mải mê suy nghĩ, tay cậu đã để sẵn bên hông chỉ chừng chực chờ rút dao lúc cấp thiết nhất. Vậy mà trái với suy nghĩ của cậu, hắn ta thẳng thắn mở lời:

- Bài thơ ấy của một người tên Nhật Thanh dành cho vợ mình là Nguyệt Nương.

Bất thình lình, Kị quay đầu lại, sửng sốt nhìn người đứng trước mắt. Chỉ thấy người đàn ông chừng năm mươi, mặt mày chữ điền, giọng nói dày dặn chắc chắn y như người chứng kiến câu chuyện kia vậy.

Đó… đó chẳng phải là bác Quy hay sao?

Bác Quy trên người mặc bộ quần áo kaki nâu nhạt, chân đi dép cao su, bên người mang theo một chiếc túi vải, hiển nhiên là chuẩn bị sẵn phòng bất trắc. Thế nhưng Kị không đoán được bác ta là kẻ trộm mộ như Kị hay chỉ là người trong coi giữ nơi này?

Kị nhớ lại lúc ban sáng, khi nhắc đến ngôi mộ ở hướng Nam, bác Quy có đôi nét trầm ngâm khó hiểu. Bây giờ thì cậu cũng hiểu được đôi ba phần rồi!

- Cậu Kị, tôi sợ cậu lên núi lạc đường nên đi theo, chẳng ngờ cậu lại có dũng khí vào được đến chái điện này.

Hồ Kị nhìn chằm chằm vào ông, tạm thời trong huyệt mộ không nên để hai bên gây xích mích. Nếu không, dù là ai ra tay trước thì cũng có kẻ mãi mãi nằm tại nơi này, chết không đối chứng, chẳng một ai hay!

Nhưng Kị vẫn thắc mắc lắm, ông ta tại sao lại đóng cửa huyền môn trong lúc cấp bách nghìn cân treo sợi tóc thế kia?

Bác Quy lắc đầu, mi mắt hơi cụp xuống, trầm ngâm bảo:

- Ta từ một đường khác tới đây, không phải cánh cửa cậu bước vào. Lúc nãy bất đắc dĩ mới phải đóng cửa vì sợ đàn rết bò ra ngoài rừng, ắt sẽ có họa lớn với dân làng.

Kị cũng nửa tin nửa ngờ nhưng dẫu sao động cơ theo cậu không hề rõ ràng. Nên là mặc dù trông bác ta cười điềm đạm, không có lấy chút sát khí nào cũng không làm giảm được cảnh giác của Kị với ông. Nhưng Kị cũng gật đầu đáp lại:

- Sao bác biết rõ được người trong tranh là Nguyệt Nương - vợ của người tên Nhật Thanh?

Ông bác tới gần bức họa, lại rằng:

- Đấy là cậu không biết về chữ Hán cổ và chữ Nôm ấy thôi. Nhà ta trước đây từng theo Nho học, theo thời thế đã bị mai một dần nhưng ta vẫn còn nhớ rõ những con chữ ấy.

Dừng một lát, ông bác nói:

- Người được đề tên trong bài thơ là Nguyệt Nương. Tình cảm sắt son đến mức viết thơ nhớ thương, ta nghĩ chỉ có nghĩa phu thê mới sâu đến như vậy.

Hồ Kị cũng gật đầu đồng ý. Khi nhìn nét chữ và đoán tên người lạc khoản, cậu cũng đoán ra được mối quan hệ của hai người này rồi.

- Muốn biết thân thế của họ, tốt nhất nên xem văn tế thì sẽ rõ.

Hai người đồng thời nhất trí. Kị đưa đèn lên cao nhìn rõ cảnh vật xung quanh thì thấy bốn bề bức tường hầu như đều là các nét vẽ người con gái Nguyệt Nương ấy, trong điện này cũng không hề có một vật dư thừa nào khác được.

Vậy thì chắc chắn phải có cửa nào đó dẫn đến chính điện, nơi an nghỉ cuối cùng của người đã khuất!

Hai người nhìn phía Đông có một bức bình phong thêu hoa, trên tấm lụa có thơm mùi hoa lan thoang thoảng, trải qua thời gian lâu như thế vẫn còn mùi của hương trầm bên cạnh tấm gỗ. Kị mở bình phong, cậu soi đèn vào bên trong nhìn cho rõ, chớp mắt mà ngỡ như lạc vào một thế giới khác vậy.

Bên trong điện như mô phỏng lại buồng ngủ của khuê phòng thiếu nữ thời xưa. Giữa điện là bàn tròn gỗ cứng, trên mặt bàn là bộ ấm sứ còn nguyên vẹn. Lại nhìn về phía giường, những tấm rèm thêu hoa rủ xuống mờ mờ, bên trong tấm màn dường như có chút ánh sáng như viên dạ minh châu trong đêm. Vừa rồi vì đã gặp bức tượng đá có hai viên ngọc xanh nên Kị cũng không bất ngờ lắm. Chỉ là nhìn sâu vào trong tấm rèm mờ mờ lại thấy được hình bóng của người con gái đang ngồi.

Ông Quy bước lên, soi cây nến đến bên cạnh tấm rèm để nhìn cho rõ. Rõ ràng là bóng của một cô gái trẻ, dường như chính là cô gái trong bức tranh kia rồi!

Kị nói:

- Chúng ta có nên mở tấm rèm này ra không?

Ông Quy lắc đầu bảo:

- Ta nên đọc văn tế để biết xem người bên trong là ai đã.

Kị cũng thấy phải, ít ra còn phải biết rõ gốc gác của họ thì mới dám lấy vật bên trong. Cậu nhìn bên cạnh giường, đó là một cái bàn trang điểm tinh xảo, rường gỗ chạm hoa, độ bền chắc của gỗ lim khiến sâu bọ cũng khó lòng đυ.c khoét. Thêm nữa, bây giờ Kị mới để ý từ lúc bước vào lăng tẩm này dường như có một mùi thơm rất lạ, rất nhẹ không dễ phát hiện thoang thoảng mùi trầm nhưng cũng không phải hoàn toàn là trầm hương.

Trên bàn có một cái gương đồng, tuy không sáng như gương bạc nhưng cũng đủ để nhìn rõ khuôn mặt của người phản chiếu. Bất chợt từ trong gương, Kị thấy một bóng người thậm thụt lướt qua, lúc cậu quay lại thì cái bóng ấy biến mất từ bao giờ.

Ông Quy lớn tiếng nói:

- Xuống mộ huyệt không nên nhìn vào gương, lắm điều xui xẻo!

Kị hoàn tỉnh lại, cúi đầu nhìn trên bàn thì chỉ có vài vật dụng như chiếc lược ngà voi, đồi mồi, khuyên tai bạc, trâm, vòng,... toàn là vật dụng mà con gái thời xưa chăm chút. Nhìn xuống dưới cái bàn có một cái kệ tủ duy nhất, cậu mở ra, tức thì nhìn thấy một chiếc hộp màu đen được cài khóa chắc chắn.

- Bác Quy, có một chiếc hộp gỗ.

Hộp gỗ hình chữ nhật, có một ổ khóa nhỏ khá cũ kĩ. Kị lấy chiếc chìa khóa mở ra thử, khóa mở, tiếng cạch cạch khe khẽ trong đêm khuya vắng khiến Kị mở cờ trong bụng.

Bỗng chốc trong chiếc hộp nổi lên một làn khói mờ màu trắng ngà, trong lúc Hồ Kị còn chưa kịp phản ứng thì bác Quy đã bước tới kéo cậu ra, cao giọng nói:

- Bịt mũi vào.

Hai người nhanh chóng bịt mũi, cái mùi hơi hắc và mốc tràn hết ra ngoài như khiến người ta buồn nôn. Chờ cho cái mùi kia tạm bớt mới bỏ tay ra khỏi rồi đứng dậy nhìn về chiếc hộp.

Kị đưa tay lấy chiếc hộp, nào ngờ vật trên tay bị giật mất, bóng đen ấy chạy vụt ra khỏi phòng đất. Hồ Kị sửng sốt, theo bản năng chạy đuổi theo, cậu vô cùng căm tức kẻ áo đen đã cuỗm mất đi công sức của mình. Chết tiệt! Sao ngay từ ban đầu cậu không đề phòng cái bóng in trên gương đó chứ?

Nhưng lúc này không phải là lúc hối tiếc, cậu dồn hết sức mình đuổi theo, qua hai con hang, hai lối rẽ thì đường càng lúc càng hẹp. Cái bóng tối im lìm bao phủ xung quanh, hơi thở của kẻ đằng trước dồn dập, hiển nhiên là đã mất phương hướng trong bóng đêm rồi.

Trời càng lúc càng lạnh, trong hang đá chỉ vọng lại tiếng hít thở của con người. Hồ Kị không kìm được nữa mà mở lời:

- Mau trả vật đây!

Kẻ kia cười gằn, đậm giọng nói:

- Còn lâu!

Cái giọng này sao mà quen quá, nếu cậu nhớ không nhầm thì chính là của người đàn ông mặt rám đen nhiệt tình chỉ đường cho cậu đây mà. Hóa ra ông ta đã chờ sẵn, chỉ cần cậu đến đây thì cướp mất bảo vật mà thôi!

- Ha ha ha, đến giờ mày mới nhận ra à? Chú em cũng quá kém, lạc đường mấy lần mới tìm được đến chỗ này làm tao phải đợi suốt mấy tiếng đồng hồ.

Hồ Kị đen mặt, cậu nói:

- Sao ông không tự mình tìm kiếm bảo vật lại nhân lúc tôi lên đây mà cướp công?

Ông ta nói:

- Tao tìm suốt ở trên ngọn núi này nhưng vẫn không mở được cửa huyệt, tao lại không có bom nổ nên không mở cánh cửa này ra được. Chú em có một chiếc chìa khóa rất tốt đấy.

Hồ Kị nắm chặt chiếc chìa khóa trên tay, trong bóng đêm nơi hang đá này u tối quá, cậu không thể hành động lỗ mãng mà mang vạ vào người được. Phải làm sao mới có thể lấy lại được hộp gỗ kia? Mà chú Quy đi đâu rồi, lẽ nào ông ấy vẫn chưa đuổi kịp hang đứng lại trong viện cũ?

Bóng tối thăm thẳm không nhìn rõ hành động của đối phương, Hồ Kị mở lời:

- Dẫu sao chúng ta cũng đến đây, ông không thể tham lam mà lấy hết đi đồ trong hộp được!

Ông ta cười khan, bảo:

- Ai cướp được là của người ấy. Tốt nhất thì chú em nên đi tìm thứ khác đi!

Nói rồi có tiếng bước chân di chuyển. Ông ta vừa rồi nhân lúc trò chuyện với cậu mà lần mò trong hang xem còn đường đi nào không? Chỉ chờ cho tới lúc cậu sơ ý thì lập tức nhằm hướng đấy mà đi. Hồ Kị thế mà chậm chân một bước, trong bóng tối thật sự không biết đường nào mà lần nên đành dừng lại, bất mãn quay trở lại đường cũ.

Lúc trở lại căn phòng an táng Nguyệt Nương thì thấy bác Quy vẫn thong thả đứng xem những bài thơ cổ đề trên tranh. Hồ Kị thắc mắc hỏi:

- Bác không tức giận ư?

Bác Quy lắc đầu, thản nhiên bảo:

- Trong hộp gỗ đó không có gì đâu!