- 🏠 Home
- Kinh Dị
- Việt Nam
- Gà Gáy Canh Ba
- Chương 1 : ngôi mộ trên núi
Gà Gáy Canh Ba
Chương 1 : ngôi mộ trên núi
Bóng đêm thăm thẳm, tiếng chim rừng rú lên từng hồi não nề. Trăng khuất sao thưa là thời điểm dễ mất trộm mất cắp, đối với vật trong nhà muốn giữ thì cửa nẻo phải khóa thật chặt. Thế mà trong đêm ấy, ở trong thôn Hạ lại có một điều bất ngờ xảy ra.
Ông cụ Hồ Kị mất rồi!
Nói đến ông cụ này cũng có điều huyền bí. Dân làng đồn rằng mười hai tuổi cụ đã theo cha đi đào mướn, xây đắp kênh rạch mở rộng đường xá. Mười bốn tuổi mang xẻng đi đào núi. Quay đi quay lại mà hai năm sau theo nghề bói toán, tu tập rồi tìm đất xây mộ cho người ta. Rồi những người già trong làng thời đó còn truyền tai nhau rằng ông Hồ Kị chuyển nghề, làm cái nghề thất đức - đào mộ!
Nhưng lời đồn vẫn chỉ là lời vô căn cứ. Muốn biết chính xác thì phải hỏi những người già sống cùng thời với ông cụ. Tuy nhiên trải qua năm tháng, kẻ đã yên mồ, người lại già yếu kém minh mẫn, chẳng mấy ai còn nhớ được ông Hồ Kị đã đào cái gì. Mà nói thật, dẫu có đào được thì nhà người ta cũng giàu có, nhà cao cửa rộng, cớ gì mà từ thuở trai trẻ đến lúc nhắm mắt, ông cụ Hồ Kị vẫn cứ sống trong mái nhà ngói ba gian ở dưới quê?
Trước ba ngày khi ông Hồ Kị mất, con cháu cụ từ các nơi về đông lắm. Cụ bà nay đã ngoài bảy mươi, ngồi buồn bên giường bệnh mấy hôm nay, con cháu, hàng xóm láng giềng hỏi gì cũng chỉ lắc đầu chẳng nói.
Mãi đến khi ông Hồ Kị chôn cất xong xuôi, bà cụ mới ngẩng đầu nhìn con cháu trong nhà và bảo các anh con trai và cháu vào phòng trong đưa kỉ vật mà ông cụ để lại.
Bà cụ chống gây trúc, dò dẫm từng bước đến bên chiếc hộp gỗ, màu sơn đỏ bên ngoài đã tróc vảy gần hết nhưng chất gỗ vẫn còn tốt lắm. Đôi tay run rẩy cầm chiếc chìa khóa bạc mở hộp gỗ, một mùi thơm thoang thoảng như mùi trầm tỏa ra cả căn phòng.
- Đây! Cuốn sách của ông để lại. Ông chúng mày nói để cho thằng cháu Phong.
Dứt lời, chú Sơn lại lật mở từng tờ sách. Càng lật, sắc mặt chú càng đanh lại trầm trọng.
- Mẹ, đây chẳng phải là cuốn bút kí ngày xưa cha đi hành đạo đó sao?
Bà cụ khẽ gật đầu, nói tiếp:
- Mẹ già rồi, nay sống mai chết, cũng chẳng muốn lên thành phố xô bồ làm gì. Chúng mày cứ cầm lấy sau này làm kỉ niệm cũng được.
Hồ Văn Phong - thằng cháu mà ông cụ Hồ Kị quý nhất đang đứng ở trong phòng bước lại gần, thấp giọng kinh ngạc:
- Chuông canh ba? Đây chẳng phải là cuốn bút kí ngày xưa của ông nội đó sao?
Bác cả thở dài, nhìn cuốn sách đã sờn bạc mà lòng lắm mối tơ vò. Chẳng biết ý ông cụ nhà thế nào mà lại đưa cho thằng bé Phong, từ trước tới giờ nó đâu có hứng thú với mấy chuyện đào mộ như này. Đừng nói là bác cả - một tay lão luyện trong ngành săn trầm hương còn đôi ba điều kiêng dè chưa dám thử mà trao trách nghiệm cho thằng cháu nay mới hai mốt!
Ông Hồ Văn Thượng thở dài, bảo mẹ:
- Cứ cất tạm vào trong chiếc hộp này, sau này để làm kỉ vật cho gia đình thôi.
Thế nhưng chú Sơn lại không nghĩ thế, chú sờ bàn tay lên từng tấm giấy gió, lại rằng:
- Bao nhiêu năm theo nghề mà chỉ được nghe ông cụ kể lại, nay mới được nhìn thấy vật! Phen này em phải mau chóng đọc rồi đi đào thêm vài ngôi mộ nữa mới thỏa.
Bà cụ lắc đầu, giọng bà yếu ớt nhưng sắc bén:
- Mày đừng có làm bừa! Bây giờ sống yên ổn thì cứ như vậy đi. Mày không thấy cha mày phải sống tằn tiện cả đời khốn khó đấy à?
Nói cũng thật lạ, ông cụ cả đời đi bao nhiêu nơi, trải qua bao nhiêu sương gió, gặp qua vô số bảo vật mà lại sống trong căn nhà mái ngói đơn sơ, trước vườn trồng hàng cau xanh, người ngoài sẽ cười khanh khách phán rằng chuyện đào mộ là tầm phào nói chơi. Nhưng chỉ có những ai cầm xẻng chờ canh ba đi ba tấc đất mới thấu được cảnh này!
Nhớ từ thuở vào nghề, Hồ Kị - một thanh niên mười bảy hứng khởi được thầy dạy bói toán, trong đó anh thanh niên Kị nhớ nhất lời thầy phán trong lúc say rượu:
- Mộ nào hướng Đông Nam, xung quanh núi non thoai thoải. Đông đón nắng, nam đón gió, ấy chính là mộ hoàng thân quý tộc, không thì cũng là bá chủ một phương!
Hồ Kị lúc bây giờ tuổi trẻ háo thắng, ông cùng với vài người bạn đồng môn trong lớp học đạo kháu với nhau rằng:
- Đứa nào tìm được ngôi mộ tốt nhất thì sẽ được bầu làm Anh Cả.
Sĩ khí dồn lên trong lúc say, ngay hôm sau ba người tự tìm đường chia nhau đi các hướng, hứa là năm hôm sau gặp lại nhau. Hồ Kị cùng với hai người khác là Trần Giang và Vui từ sáng hôm đấy bắt đầu dò địa thế. Ngày đầu tiên, Kị chạy lên vùng Đông Bắc tìm kiếm. Mà cái thời năm 70 ấy, phương tiện đi lại vẫn còn hạn chế, Hồ Kị phải đi nhờ xe bò của một tiểu thương lên mạn vùng Quảng Ninh.
Trời nắng chang chang, cái nắng đỏ lửa của tiết trời tháng năm cứ chói xuống da thịt, mồ hôi chảy ròng ròng mà ông Kị vẫn chưa tìm được nơi rồng cuộn hổ ngồi. Ngày đầu tiên, sĩ khí bị bào mòn vơi dần, ông Kị tặc lưỡi tự nhủ:
- Thôi thì tìm một hướng khác cũng được!
Nhưng đến ngày thứ hai, ông đi đến hướng Đông tìm cũng chẳng thấy. Trưa hè nắng, một thân phiêu bạt đến huyện xa lạ, đầu mối thì chẳng có đâu. Ông Hồ Kị lúc đó đành trèo lên cây vặt quả bầu khô ăn tạm, lại ra suối bắt cá nướng, tàm tạm cho qua ngày rồi sớm mai nhờ xe về nhà.
Nắng lên cao, từ sau triền núi có tiếng động, tiếng kèn, tiếng trống theo nhịp nặng nề. Rõ là nhà nào có người mất nên mới đi chôn. Thế nhưng tiếng trống dừng lại, tiếng nhốn nháo bàn tán càng lúc càng lớn, ông Hồ Kị cũng lấy làm tò mò, từ trong sườn núi ra trông nom thế nào.
Nào ngờ đâu đường núi đầy sỏi đá, mấy hôm trước mưa to, sạc lở cả đất đá, đường đi bình thường vốn khó khăn, nay lại trùng trùng vất vả. Nhìn qua cả đám người cũng phần nhiều là các chú, các bác lớn tuổi, Hồ Kị lúc đó cũng chẳng đành lòng, bèn gia nhập vào đội ngũ, xin được đi chôn người đã khuất về nơi suối vàng.
Cả đoàn người vui mừng lắm, bèn để một góc hòm cho Hồ Kị nâng. Mà cái thời ấy, đến ăn mặc còn chẳng đủ, thiếu thốn trăm bề nên quan tài cũng chẳng được đóng chắc đẹp như bây giờ, chỉ có một vài khúc gỗ đóng thành khung. Hồ Kị vừa đi vừa nhìn đường phía trước, đường tuy dốc nhưng cũng không quá khó đi, chỉ là lắm đá, đất bùn sau cơn lũ vẫn còn đọng lại nên mới khó khăn hơn cả.
Bác Quy lớn tuổi nhất trong đoàn hít một hơi sâu nâng đòn cán lên, lại rằng:
- Đáng lẽ ra đến giờ cũng xong cả rồi, chỉ là mấy hòn đá cản đường mới lâu thế.
Một chú khác chừng năm mươi, mặt mày rám nắng cũng góp lời:
- Đúng rồi, may quá có cậu thanh niên này giúp sức. Mà cậu Kị này, sao cậu lại lên cái vùng khỉ ho cò gáy này đấy? Đoạn này còn thoáng đường thoáng lối không dễ lạc. Nhưng mà đi sâu thêm một cây số nữa là chẳng biết lối nào ra lối nào đâu.
Hồ Kị quả thật cảm khích sự hiếu khách và dễ mến của các bác, các chú. Cậu cũng tặc lưỡi mà kể lại câu chuyện dở khóc dở cười của mình cho họ nghe. Dứt lời, chú mặt rám cười khanh khách, bảo:
- Ôi sao mà các cậu cũng nghĩ ra được trò này! Chúng tôi dân quê, chẳng biết thế nào. Nhưng mấy hôm trước trời mưa lũ, núi rừng tách lở nên cũng có nhìn thấy một ngôi mộ cũ bị hỏng.
Nghe thấy thế, Hồ Kị mừng lắm, cậu gặng hỏi thì chú ấy lắc đầu nói:
- Chúng tôi cũng xem xét một lượt mà chỉ thấy mấy cái bình gốm vỡ, chẳng có gì đáng giá. Nếu cậu trót đánh cược với bạn thì cứ lấy vài cái bát cũ, coi như cũng đỡ đi một chuyến này.
Hồ Kị nghe thấy thế tuy có đôi chút rầu rĩ vì chẳng có đồ đáng giá nhưng với một tay trong nghề đã theo học thầy gần nửa năm, cậu cũng lờ mờ đoán được ngôi mộ này chẳng tầm thường. Nếu có bình gốm, bát đĩa tùy táng, ắt hẳn là một ngôi mộ trung. Theo Hồ Kị nghĩ, người dân nơi đó chỉ đào được phần bên ngoài, còn sâu bên trong là nơi chôn cất và tùy táng nên chưa từng vào.
Trong lòng cậu thanh niên trẻ lúc bấy giờ tuy có đôi ba hi vọng nhưng vẫn cố gắng bình thản. Dẫu biết người dân nơi đây hiền lành, điềm tính nhưng nếu lỡ như có nghe có báu vật thì chắc chắn chẳng phải chuyện đùa. Nên là suốt từ khi cùng đoàn đưa tang đến lúc xuống mồ hạ huyệt, Hồ Kị đều giữ nét mặt như ban đầu.
Cuối cùng, khi trời đã trưa, huyệt mộ cũng đã đắp xong, đoàn người lục tục thu dọn ra về. Chú mặt đen rám nắng mới nhớ ra nên chỉ cho chỗ cho cậu, ngón tay chỉ hướng đằng Nam và bảo:
- Cậu cứ đi theo hướng này, đi thêm năm trăm mét nữa là tới.
Rồi đoàn người xuống núi về cả. Hồ Kị trước khi lên núi cũng đã chuẩn bị sẵn xẻng, đèn dầu, nhang và một số thứ vật dụng trong nghề để trong lều. Nhưng cậu chưa từng hạ xẻng đào huyệt bao giờ, nhớ tới thầy dạy cũng chỉ dăm ba điều qua loa, còn thực tế thì chỉ đi các mộ loanh quanh gần nhà dân, nào có đi tới mộ lớn bao giờ?
Chiều hôm đấy, cậu đi theo hướng nam tìm dấu vết ngôi mộ. Đường núi đầy dây leo, cỏ dại um tùm cao gần bằng đầu người, mỗi bước đi đều phát ra tiếng sột soạt. Càng vào sâu trong rừng, Hồ Kị chợt cảm thấy hơi rùng mình, ánh nắng bên ngoài bị tán cây che khuất làm không gian tối hơn. Nhưng cậu đã nghĩ, đến rồi mà không đi thì quả thật hèn yếu, thế nên chẳng ngại mà tiếp tục vào sâu bên trong hơn nữa.
Đôi chân cậu dẫm vào một bụi gai nhỏ, đôi dép cao su đυ.ng trúng một vật cứng cứng. Hồ Kị cúi đầu xuống nhìn, chỉ trong nháy mắt mà cả lưng ướt đẫm mồ hôi lạnh.
Đó… đó chẳng phải là một mảnh gốm cũ sao?
- 🏠 Home
- Kinh Dị
- Việt Nam
- Gà Gáy Canh Ba
- Chương 1 : ngôi mộ trên núi