Chương 20: Sếp Tưởng, đừng tùy tiện tặng cốc cho người khác giới

Suốt những ngày ở Boston, Hứa Tri Ý y như một trợ lý xuất sắc, cô tự đặt ra tiêu chuẩn cao nhất cho bản thân, không có thời gian để nghỉ ngơi.

Vì thế vào ngày cuối cùng của chuyến công tác, Tưởng Tư Tầm đặc cách cho cô nghỉ một ngày. Cô có một ngày nghỉ theo ý mình, còn anh thì rủ bạn bè kinh doanh đi chơi golf.

Cả một ngày hai người không gặp mặt nhau.

Trên đường từ sân golf trở về khách sạn, Tưởng Tư Tầm không có thời gian rảnh rỗi, anh xử lý các tin nhắn công việc cả buổi chiều chất thành đống trong nhiều nhóm làm việc trên các ứng dụng trò chuyện khác nhau.

Trong nhóm riêng cũng có rất nhiều tin nhắn, trong một nhóm nọ, có người cố tình tag @anh và Ninh Duẫn: [Hai người định tiến tới thật à?]

Trong nhóm này đều là đám con cháu của nhà họ Lộ và nhà họ Ninh, tin nhắn này khiến cho cái nhóm lâu nay im lặng bỗng trở nên sôi nổi.

Ninh Duẫn trả lời: [Vốn dĩ là giả, cái gì gọi là định tiến tới thật? (cười trộm)]

Ninh Dần Kỳ thấy nhóm chat bị spam, lo chị mình mình sẽ xấu hổ nên cố gắng hết sức để chuyển hướng chủ đề.

Có người nhân chuyện này hỏi: [Đúng rồi, khi nào đưa bạn gái cậu cùng đi ăn cơm nhé? Giới thiệu cho chúng ta làm quen với nào.]

Ninh Dần Kỳ: [Đâu có bạn gái đâu.]

[Đừng có giấu. Ngày cậu đi xem concert có mặc đồ đôi với một cô gái xinh đẹp, có người bắt gặp rồi.]

[Không phải bạn gái, đó là Hứa Tri Ý.]

[Là con gái của Hứa Hướng Ấp à? Thế thì môn đăng hộ đối quá rồi, không cần lo lắng về cái cửa này nữa.]

Hầu như mọi người trong nhóm đều lớn tuổi hơn Ninh Dần Kỳ nên bọn họ thi nhau trêu chọc cậu ấy.

Ninh Dần Kỳ nghiêm túc giải thích: [Em có người mình thích rồi, Tri Ý cũng có, mọi người đừng có tự ý ghép đôi linh tinh.]

Ninh Duẫn kinh ngạc: [Tri Ý có người mình thích rồi à? Mới hai tháng trước còn nói là chưa gặp được người thích hợp mà.]

Tưởng Tư Tầm hiếm khi nói chuyện trong nhóm, anh @Ninh Dần Kỳ: [Tri Ý có bạn trai rồi à?]

Ninh Dần Kỳ không trả lời hai người bọn họ trong nhóm lớn, có một số chuyện không tiện nói trước mặt người ngoài, vì vậy cậu ấy tạm thời lập một nhóm nhỏ gồm ba người.

Câu đầu tiên trong nhóm này là: [Nói xong em sẽ giải tán nhóm ngay.]

Ninh Dần Kỳ trả lời câu hỏi trước đó của họ: [Đã có từ lâu rồi. Em và cậu ấy thực sự chỉ là bạn bè. Sau này đừng có ghép đôi tụi em với nhau nữa, cùng đừng lấy tụi em ra đùa cho vui. Có thể anh chị sẽ cảm thấy không sao cả nhưng đùa nhiều quá lại làm em và cậu ấy xấu hổ.]

Ninh Duẫn: [OK]

Tưởng Tư Tầm hỏi: [Đã có bạn trai từ lâu rồi?]

Ninh Dần Kỳ: [Không không không. Là thích một người từ lâu rồi, một người mà không có khả năng đến được với nhau. Nói như vậy chắc anh chị đã hiểu rồi chứ?]

Lúc này Ninh Duẫn cuối cùng cũng hiểu tại sao em họ và Hứa Tri Ý lại có thể nói chuyện hòa hợp với nhau rồi, bởi vì họ có những trải nghiệm giống nhau.

“Từ lâu rồi”, “một người mà không có khả năng”, Tưởng Tư Tầm móc nối mấy câu đó lại với nhau, trong đầu anh hiện lên cái tên Tề Chính Sâm.

Tề Chính Sâm coi cô như em gái, giống như anh đối với Hứa Ngưng Vi, đã bên nhau ngay từ nhỏ thì làm sao còn nảy sinh tình cảm nam nữ được, thế nên cô mới biết là không có khả năng.

Anh dặn Ninh Dần Kỳ: [Cậu nói với Tri Ý, đã không có khả năng rồi thì không cần phải lãng phí thời gian làm gì nữa. Dùng thời gian đấy để làm việc gì đó tốt hơn.]

Ninh Duẫn không thể chịu đựng được lời nói hờ hững của người máu lạnh: “Không phải ai cũng lý trí được như anh (đồ không có tim). Thích một người, không thể buông bỏ một người là điều mà bản thân có thể tự kiểm soát được à? Nếu có thể buông bỏ thì ai mà không muốn buông bỏ chứ? Chẳng trách Tri Ý không thích anh lắm, đến giờ vẫn gọi anh là sếp Tưởng.”

Ninh Dần Kỳ vội giảng hoà: [Chị, chị, đừng công kích cá nhân.]

Ninh Duẫn cười: [Thì có làm sao?]

Ninh Dần Kỳ: [Chuyện này đến đây thôi, nói cho anh chị biết là mong anh chị sau này đừng có ghép đôi em và Tri Ý nữa (chắp tay trước ngực), em giải tán nhóm nha.]

Nhóm chat bị giải tán, Tưởng Tư Tầm xóa khung trò chuyện.

Ngón tay anh ở trên bàn phím dừng lại một lát rồi nhập số gọi thẳng qua.

Hứa Tri Ý dành cả buổi chiều để đi mua sắm, lúc Tưởng Tư Tầm gọi điện tới, cô đang ở quầy bán đồ sứ.

Anh hỏi cô đang ở đâu, mấy giờ cô sẽ về.

Cô nói anh là mình đang ở tiệm bán đồ sứ gần khách sạn, định mua mấy ly cà phê. “Sếp Tưởng, bên anh kết thúc rồi ạ?”

“Ừ.” Tưởng Tư Tầm hỏi rõ đó là tiệm nào rồi nói: “Tôi sẽ qua tìm em.” Nói xong thì cúp máy.

Cất điện thoại đi, Hứa Tri Ý tiếp tục nhìn đĩa lót và ly cà phê.

Sau khi đi dạo một vòng thì cô thích nhất là bộ “Giấc mộng đêm hè”, hoa văn được sơn mạ vàng khiến người ta yêu thích không thể buông tay.

“Em ưng bộ này à?” Âm thanh cuốn hút dễ nghe vang trên đỉnh đầu cô.

Hứa Tri Ý quay người lại, người nọ đã ở bên cạnh cô, anh đến nhanh hơn cô dự đoán.

Cô phản ứng chậm nửa nhịp, trả lời anh: “Ừm, bộ này khá đặc biệt.”

“Em dùng cho mình sao?” Anh lại hỏi.

Hứa Tri Ý không suy nghĩ nhiều, gật đầu, đặt một cái ở nhà và một cái ở văn phòng.

Tưởng Tư Tầm chưa từng đến tiệm bán đồ sứ, ly anh dùng đều do thư ký trực tiếp liên hệ với thương hiệu để thiết kế riêng, hiếm khi đi đến đây một lần nên anh cũng chọn cho mình một bộ.

Anh chỉ vào bộ mà Hứa Tri Ý đã chọn, nói với nhân viên: “Tính tiền chung.”

“Không cần.” Hứa Tri Ý nhanh chóng lấy ví trong túi ra, giải thích với nhân viên rồi nhìn người đàn ông bên cạnh: “Của người nào thì người nấy tính tiền.”

Tưởng Tư Tầm thanh minh: “Tặng quà gặp mặt cho em.”

Hứa Tri Ý từ chối: “Không thích hợp.”

Tưởng Tư Tầm lấy tấm thẻ đen ra đưa cho nhân viên thu ngân, nghiêng mắt nhìn cô: “Không có gì là không thích hợp cả. Mỗi năm sinh nhật của Ngưng Vi tôi không bao giờ quên tặng quà cho con bé. Sau này quà sinh nhật của em tôi sẽ bù cho em, hôm nay bù quà gặp mặt cho em trước.”

Trong mắt anh, cô và Hứa Ngưng Vi giống nhau, đều là em gái.

Cô không muốn anh lúc nào cũng coi cô như em gái: “Chiếc ly này không phải là món quà thích hợp.”

Tưởng Tư Tầm nhìn cô, như thể đang đợi cô giải thích tại sao việc tặng ly cà phê là không thích hợp.

Hứa Tri Ý: “Sếp Tưởng, có thể anh không biết, nhưng chiếc ly có nghĩa hài âm*. Một ly, một đời*. Loại quà này thường được các cặp đôi tặng cho nhau.”

(*)

Ánh mắt thăm dò của Tưởng Tư Tầm dừng lại trên mặt cô vài giây: “Còn có quy tắc như này sao? Lần đầu tiên tôi nghe thấy đó.”

Hứa Tri Ý nhìn anh một thoáng: “Cũng không hẳn là quy tắc gì, có người chú trọng, có người thì không. Nhưng tốt nhất không nên tùy tiện tặng ly cho người khác phái. Dù sao tôi cũng rất để ý đến quy tắc này, nên tôi sẽ không dễ dàng nhận đâu.”

Tưởng Tư Tầm cười nhẹ nhàng: “Ngay cả người thân cũng không được? Tôi tặng cho em cũng không được sao?”

Hứa Tri Ý: “Không được.”

Tưởng Tư Tầm không khăng khăng tặng cô nữa nên hai người tự thanh toán riêng.

Bước ra khỏi tiệm bán đồ sứ, anh xách theo hai chiếc túi.

Hứa Tri Ý duỗi tay: “Để tôi tự xách.”

Tưởng Tư Tầm: “Không nặng.”

Anh không đưa túi cho cô, tự mình xách đến tận xe.



Sau chuyến công tác từ Boston trở về công ty, Hứa Tri Ý hoàn thành nốt công việc đang dang dở, cô mua vé máy bay về Thượng Hải vào ngày 26 tháng 8.

Gần đây cô không gặp Tưởng Tư Tầm ở công ty, trong giờ nghỉ trà chiều, Luna mua hai cây kem rồi đưa cho cô vị khoai môn.

“Đây, màu tím sẫm bị tẩy trắng của cô đây.”

Hứa Tri Ý: “……”

Màu tím sẫm bị tẩy trắng không phải chỉ kem vị khoai môn.

Cô nhận lấy cây kem, nói cảm ơn mà không giải thích gì thêm.

Luna nói: “Sếp về Hồng Kông rồi, tuần này không tăng ca.”

Ngày thứ ba Tưởng Tư Tầm trở về Hồng Kông, Hứa Tri Ý lên chuyến bay về nước, trước khi lên máy bay cô mới thông báo với ba mẹ rằng sáng sớm ngày mai cô sẽ hạ cánh xuống Thượng Hải.

Hà Nghi An tự tin mình đã chuẩn bị chu đáo để đón con gái về nhà. Trong một tháng qua, nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, bà bảo quản gia sắp xếp lại tất cả đồ đạc và đồ trang trí trong phòng khách, cố gắng tạo bầu không khí ấm cúng thay vì sang trọng.

Nhưng khi ngày này thực sự đến, niềm háo hức vui mừng không tránh khỏi xen lẫn chút lo lắng, hồi hộp.

Vì sao lại lo lắng, ngay cả bản thân bà cũng không thể nói rõ ràng.

Bận rộn đến tận 11 giờ rưỡi tối, bà tự mình kiểm tra lại tất cả các chi tiết, kể cả một việc nhỏ như loại trái cây mà con gái thích ăn đã được chuẩn bị sẵn hay chưa.

Sau khi chọn xong trang phục cho ngày mai ra sân bay đón con gái, Hứa Hướng Ấp vẫn chưa quay lại phòng ngủ nên bà đi đến thư phòng.

“Ông vẫn chưa ngủ à?”

“Giờ đi ngủ liền.” Vừa nãy Hứa Hướng Ấp ngồi tựa lưng vào ghế, thất thần, ông nghe bà hỏi thì hoàn hồn lại, tắt máy tính.

Hà Nghi An giúp sắp xếp lại các tài liệu trên bàn: “Vừa nãy ông đang nghĩ gì thế?”

Hứa Hướng Ấp trầm mặc: “Hình như Tri Ý hơi sợ tôi, ở trước mặt tôi cho dù là nói chuyện hay là làm việc gì thì lúc nào con bé cũng cẩn thận, tôi đang nghĩ xem người ba như tôi nên làm gì thì con bé mới chịu gần gũi.”

Hà Nghi An trấn an nói: “Cứ từ từ, sau này chúng ta sẽ dành nhiều thời gian cho con bé mà.”

Sáng sớm hôm sau, trời còn chưa sáng Hà Nghi An đã thức dậy, bà trang điểm tỉ mỉ rồi đến nhà kính cắt một bó hoa tươi lớn, gói lại cẩn thận.

Trên đường đến sân bay, Hứa Hướng Ấp nhận được điện thoại của ba mẹ ông, hỏi con bé đã đến chưa.

“Vẫn chưa ạ. Ba, ba nói với mẹ con là chờ Tri Ý hết bị chênh lệch múi giờ thì sẽ qua gặp ba mẹ nhé.”

Sau khi trò chuyện thêm vài câu thì ông cúp điện thoại.

Ông quay sang vợ nói: “Tôi không ngờ ba tôi cũng thấy căng thẳng, ông ấy còn bàn bạc với mẹ xem lúc gặp Tri Ý thì nên nói gì cho thích hợp.”

Hà Nghi An hỏi: “Còn ông thì sao, có căng thẳng không?”

Hứa Hướng Ấp chỉ cười, nắm lấy tay vợ.

Hà Nghi An cầm bó hoa do chính tay mình gói cho con gái suốt cả quãng đường, hương hoa thoang thoảng dường như có thể làm dịu đi sự căng thẳng khó tả của bà.

Ở sảnh đến, Hứa Hướng Ấp thỉnh thoảng liếc nhìn đồng hồ, tính nhẩm xem con gái đã xuống máy bay chưa, có đang xếp hàng làm thủ tục hải quan hay không.

Mắt ngóng trông mỏi mòn, con gái đẩy theo chiếc vali cỡ lớn xuất hiện trong tầm mắt.

“Mẹ.”

Hứa Tri Ý không khỏi bước nhanh hơn, nóng lòng về nhà.

Hạ Nghi An cầm hoa trong tay, đành dùng một tay ôm lấy con gái: “Mệt không con?”

“Không mệt ạ.” Trên máy bay cô không chợp mắt xíu nào nhưng lại không cảm thấy mệt mỏi.

Lúc này Hứa Tri Ý mới xoay mặt nhìn người còn lại: “Ba.”

Hứa Hướng Ấp dang rộng vòng tay: “Ba còn chưa ôm con đâu đó.”

Mũi Hứa Tri Ý đau nhức, đột nhiên buồn đến độ muốn rơi nước mắt, cô tiến lên một bước.

Khoảnh khắc ôm con gái vào lòng, hốc mắt Hứa Hướng Ấp đã đỏ hoe.

Hà Nghi An nhìn thấy chồng đột nhiên quay mặt đi, lúc ông xoay mặt về, trong mắt vẫn còn ngấn lệ.

Không thể nghe được tiếng gọi “ba” đầu tiên của con gái khi con tập nói, không thể cõng con trên vai cùng con lớn lên, đó vẫn luôn là nuối tiếc cả đời của ông.

Ra khỏi sân bay, ánh ban mai rực rỡ toả chiếu.

Sau khi ra khỏi đường cao tốc, chiếc xe chạy băng băng vào nội thành hoa lệ.

Hứa Tri Ý không quen thuộc với Thượng Hải, đây là lần đầu tiên cô bước vào khu biệt thự tọa lạc tại nơi tấc đất tấc vàng, trực giác luôn có cảm nhận “cao nhân ẩn mình nơi phố thị*” vậy.

(*)

Vài phút sau, xe chạy chậm lại, cánh cửa sắt đen vàng từ từ mở ra, dưới tán cây xanh thấp thoáng hiện ra một biệt thự kiểu Pháp.

Khoảng sân rộng mấy nghìn mét vuông, có cả sân tennis và bể bơi ngoài trời.

Có lẽ là do nỗi bồi hồi khi về đến nhà, trước khi xuống xe Hứa Tri Ý không khỏi nắm chặt dây quai túi xách.

Cô đã đến rất nhiều biệt thự, trong đó có nhà của các bạn học cấp ba và nhà của anh hai Tề Chính Sâm, cô cũng đã chứng kiến sự hào nhoáng sang trọng bên trong những ngôi biệt thự đó, nhưng đó là nhà của người khác, khi bước vào là sự ngỡ ngàng và hâm mộ.

Hôm nay thì khác. Lúc bước vào cánh cửa nhà mình, cô như lạc vào một thế giới hư ảo, thậm chí còn mang theo vài phần sợ hãi.

Hà Nghi An thích phong cách Pháp nên đương nhiên việc trang trí nội thất cũng theo sở thích của mình.

Hai mươi năm đã trôi qua, dù là đồ nội thất hay là cách phối màu thì không có gì lỗi thời cả.

Phòng khách có trần cao khoảng bảy, tám mét, chiếc đèn chùm pha lê rỗng ở giữa phòng mang phong cách cổ điển phản chiếu sự sang trọng của căn nhà. Hứa Tri Ý thích nhất là cửa sổ sát đất chia ô ở phòng khách.

Ánh bình minh chiếu vào bị chia thành từng ô vuông, lặng lẽ phủ lên tấm thảm dệt thủ công có hoạ tiết dây leo kim tuyến.

Sự xa hoa kết hợp hoàn hảo với nét lãng mạn kiểu Pháp.

Hà Nghi An nắm tay cô nói: “Mẹ đưa con lên phòng trên lầu xem thử nhé.”

Bà nắm lấy tay cô giống như dắt tay một đứa trẻ, Hứa Tri Ý nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay mềm mại và ấm áp kia.

Những người làm trong nhà trông có vẻ đang bận rộn làm công việc của mình nhưng khoé mắt họ thường xuyên liếc nhìn cô.

Phòng ngủ của cô nằm trên tầng ba, là một căn phòng hướng Nam có sân thượng rộng rãi và riêng biệt.

Hà Nghi An kéo con gái vào: “Thảm hoa đặt làm riêng nên phải mất một khoảng thời gian, ba con tự chọn kiểu dáng và màu sắc đó.”

“Ba rất có mắt thẩm mỹ ạ.”

“Nếu ba con mà nghe được câu này thì chắc là sẽ vui ngất ngây.”

Hứa Tri Ý cởi đôi dép lê rồi để ngay ngắn cạnh cửa phòng ngủ, cô đi chân trần giẫm lên sàn nhà, cảm giác mềm mại truyền đến từ gan bàn chân.

Số đồ nội thất mà cô ấy lựa chọn lúc đó mang phong cách Pháp nhẹ nhàng, nhà thiết kế sử dụng thảm và rèm cửa cổ điển, kết hợp với một số vật dụng trang trí khác tạo nên sự hài hoà hoàn hảo giữa phong cách Pháp nhẹ nhàng và vẻ đẹp cổ điển sang trọng.

Đi vào phòng để quần áo và phòng tắm thì không cần phải giới thiệu, Hà Nghi An nắm tay con gái tiếp tục đi về phía trước: “Bên này là căn thư phòng nhỏ của con, không lớn lắm đâu, con dùng tạm nhé.”

Hứa Tri Ý nhìn sơ qua, cái gọi là “không lớn lắm đâu” chỉ rộng khoảng mười mét vuông, bên ngoài cửa sổ chia ô của thư phòng chính là sân thượng.

Cửa sổ mở rộng, hương hoa thoang thoảng khắp nơi.

Ngồi ở trước bàn làm việc, ngước mắt lên là có thể nhìn thấy cả một khu vườn trên cao.

“Mẹ cải tạo sân thượng thành một vườn hoa nhỏ cho con, chờ mùa xuân sang năm hoa cỏ tươi tốt sẽ còn đẹp hơn nữa.”

Để hài hòa với phong cách Pháp của nội thất bên trong phòng, giàn hoa cũng được thiết kế theo công nghệ Pháp, góc sân thượng được trang trí bằng những chiếc bình hoa vẽ tay mạ vàng đồng.

Thảo nào phòng ngủ của cô mất nhiều thời gian trang trí đến vậy, bởi vì phải chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Trên sân thượng trồng hoa mẫu đơn và hoa hồng – là những loại hoa mà cô yêu thích, kết hợp với hoa cẩm tú cầu màu tím nhạt tạo nên một khung cảnh vô cùng dịu dàng và lãng mạn. Dưới giàn hoa, những bông hoa tươi được cắm trong chiếc bình mạ vàng vô cùng bắt mắt, vẻ đẹp thanh tao và muôn màu muôn vẻ ẩn chứa chút náo nhiệt của mùa hè.

Kỹ thuật cắm hoa này đạt đến trình độ nghệ nhân luôn rồi.

Hứa Tri Ý thò một tay lấy điện thoại từ trong túi đeo chéo ra chụp bình hoa một vài bức ảnh.

Hà Nghi An cười hiền từ: “Không cần chụp đâu con, hoa này do nghệ nhân cắm hoa trong nhà làm, muốn xem lúc nào cũng có.”

Hứa Tri Ý: “……”

Trong nhà có thợ làm vườn thì không có gì lạ, nhưng không ngờ lại còn thuê riêng cả nghệ nhân cắm hoa.

Đây là chuyện mà ngay cả tưởng tượng cô cũng không thể nghĩ tới.

“Mẹ và ba con mỗi lần mở tiệc chiêu đãi bạn bè quan trọng đều là tổ chức ở trong nhà, đặc biệt là mẹ, hoa để bàn mẹ yêu cầu rất cao.” Hà Nghi An cười giải thích ngắn gọn.

Bà buông tay con gái ra: “Con đi tắm rồi ngủ một giấc đi, mẹ xuống lầu tìm ba con.” Bà đi bàn bạc thực đơn với chồng.

Bữa cơm đầu tiên đón con về nhà, bà và chồng định tự tay vào bếp. Trưa nay họ chuẩn bị nấu món Tứ Xuyên, bữa tối làm món Tây Ban Nha, con gái rất thích ăn cơm hải sản kiểu Tây Ban Nha.

Lần cuối cùng hai người nấu ăn là sau khi kết hôn không lâu, Hứa Hướng Ấp tâm huyết dâng trào học vài món ăn để nấu cho bà. Sau nhiều năm như vậy, kỹ năng nấu nướng đã trả lại cho đầu bếp từ lâu. Trong khoảng thời gian này, mỗi khi chồng rảnh rỗi thì đều chui vào bếp rèn luyện kỹ năng nấu nướng.

Cửa phòng ngủ được đóng lại, tiếng bước chân của Hà Nghi An xa dần.

Hứa Tri Ý nhìn quanh phòng ngủ, từ chiếc đèn chùm pha lê đến bức tranh vườn hoa nổi tiếng trên tường, rồi đến tấm rèm dày và phức tạp bên cửa sổ, cô vẫn có cảm giác không chân thực, giống như mình đã bước nhầm vào một tòa lâu đài xa hoa tráng lệ.

Cô cứ đứng ngẩn ngơ năm, sáu phút rồi mới lấy lại tinh thần.

Chiếc vali ở ngay cửa, cô đẩy nó vào phòng để quần áo. Trong tủ gần như đầy ắp một loạt váy ngủ và quần áo mặc ở nhà, mẹ còn chuẩn bị cả quần áo đi làm cho cô.

Bên trong cùng của tủ quần áo đều là váy vóc và lễ phục, đủ mọi kiểu dáng.

Tắm rửa xong xuôi, Hứa Tri Ý không định ngủ bù, vì cô đoán mình cũng sẽ không ngủ được. Từ trong tủ quần áo cô lấy ra một chiếc đầm không tay màu xanh đậm kiểu Pháp.

Cô không quen với cách bài trí trong nhà, từ phòng ngủ đi ra một vòng khá xa mới tìm được cầu thang đi xuống tầng dưới.

“Mẹ?”

Hứa Tri Ý không thấy ai ở phòng khách bên dưới lầu.

Người trả lời cô là quản gia, nói ông Hứa và bà Hứa đang ở trong bếp.

Hà Nghi An nghe loáng thoáng thấy tiếng Tri Ý gọi mình, bà bước ra khỏi bếp Trung, quả thực đúng là con gái.

Bà cười: “Sao con không ngủ một giấc? Từ giờ đến trưa vẫn còn sớm mà.”

“Con không buồn ngủ ạ.” Hứa Tri Ý nói dối: “Trên máy bay con ngủ nhiều rồi.”

Trong tay Hà Nghi An đang cầm một nhúm bắp cải tím thái sợi, bà đưa mấy sợi vào miệng con gái: “Không cần trộn với sốt salad cũng ngon lắm.”

Hứa Tri Ý tận hưởng cảm giác thân mật gần gũi hiếm có giữa mẹ con: “Mẹ và ba đang nấu ăn ạ?”

“Vẫn còn đang đắn đo xem nấu món gì.” Hà Nghi An cười: “Món nào ba con cũng muốn nấu cho con.”

“Con cứ tự nhiên đi dạo đi, mẹ và ba con tiếp tục bàn bạc đã.” Bà quay lại phòng bếp.

Hiện giờ Hứa Tri Ý giống như thím Lưu vào sân nhà quan lớn (*), chỗ nào cũng cảm thấy mới lạ, phòng bếp được thiết kế riêng biệt với bếp kiểu Trung và bếp kiểu Tây, có hai phòng ăn.

(*)

Phòng bếp trong căn hộ cao cấp của ba mẹ nuôi là kiểu bếp Trung Quốc – phương Tây kết hợp, cô đã cảm thấy rộng rãi rồi, hiện giờ đứng trong phòng bếp và phòng ăn của nhà mình mới cảm nhận được khái niệm rộng lớn là như thế nào.

Cô nâng bước đi vào bếp Trung, vừa đến cửa đã nghe thấy ba mẹ đang bàn bạc thực đơn.

“Ba, con cũng làm vài món, con biết nấu món Tứ Xuyên, con học nấu mấy năm đi du học, bạn cùng phòng của con nói hương vị con làm ngon bằng tiệm cơm luôn rồi.” Hứa Tri Ý buộc tóc lên.

Hứa Hướng Ấp nghe vậy thì cảm thấy đau lòng, Ngưng Vi không biết nấu ăn, thậm chí còn không phân biệt được các loại gia vị. Lúc con bé đi du học đại học, ông đã mua một căn nhà gần trường học của Ngưng Vi, tài xế, dì giúp việc, đầu bếp đều cùng bay qua đó chăm sóc chuyện ăn uống và cuộc sống hàng ngày cho con bé.

Hà Nghi An cũng trầm mặc vài giây giống chồng, thấy con gái đang lấy tạp dề chuẩn bị buộc lại, bà bước qua lấy tạp dề: “Để ba con và đầu bếp làm, hai mẹ con mình chỉ phụ trách ăn thôi.”

Hứa Tri Ý kiên trì nói: “Con sẽ làm hai món cho ba mẹ ăn thử.”

Hà Nghi An không đành lòng: “Sau này ở nhà con không cần làm nữa.”

Bà nắm lấy cổ tay con gái: “Đi thôi, chúng ta đến nhà kính trồng hoa đi dạo nhé.”

Chín giờ rưỡi, ánh mặt trời bên ngoài vô cùng chói chang.

Hà Nghi An không cho ai đi theo, bà tự mình cầm dù dẫn cô đi xem nhà kính.

Hứa Tri Ý đặt tay còn lại lên cánh tay của Hà Nghi An, nhẹ nhàng nắm lấy.

Lúc ở Manhattan cô đã muốn làm vậy từ lâu rồi, thế mà đã hơn hai tháng trôi qua.

Nhà kính nằm ở sân sau, được xây cạnh hồ nước nhân tạo.

Nhìn từ bên ngoài thì không có gì đặc biệt, nó chỉ là một căn nhà kính lớn hơn ngôi nhà bình thường một chút. Nhưng vừa bước vào, Hứa Tri Ý đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh ngay trước mắt mình, đến mức bước chân cô phải khựng lại chốc lát.

Bên trong như chốn bồng lai tiên cảnh với những cánh đồng hoa rực rỡ đan xen với thảm thực vật xanh mướt. Hoa nở rộ như gấm, cây cối xanh tốt tươi, hoa tử đằng phủ kín những khung cửa sổ gỗ trang trí, tất cả tạo nên cảnh tượng huyền ảo như mơ, đẹp như trong tranh vẽ.

Giữa những khóm hoa rực rỡ là một con đường lát sỏi nhỏ uốn lượn, trải dọc theo bờ hồ, con đường quanh co dẫn đến một nơi yên tĩnh, như thể đang lạc vào khu vườn Monet*.

(*)

Mái nhà kính được mở ra thành giếng trời, mưa sương và ánh nắng mặt trời sẽ trực tiếp tắm gội những bông hoa và cây cỏ trong đây.

Trong nhà kính còn trang bị một hệ thống thông minh để tự động điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cần thiết cho thực vật.

Hà Nghi An buông tay cô ra, đưa cho cô một chiếc giỏ đan tinh xảo: “Con hái mấy bông hồng đi, tối nay bảo đầu bếp làm sữa chua hoa hồng cho con nhé.”

Sau khi dạo quanh vườn, chụp ảnh và hái nửa giỏ hoa hồng, Hứa Tri Ý cảm thấy vô cùng hài lòng, cô ôm cánh tay Hà Nghi An chầm chậm trở về.

Hà Nghi An nghiêng cây dù về phía con gái: “Lần này con có muốn về Bắc Kinh một chuyến không?”

Hứa Tri Ý gật đầu: “Con về gặp ông bà ngoại một chuyến ạ.”

Hà Nghi An: “Nên đến thăm.”

Hai cụ thực sự rất thương Tri Ý, lần trước đưa Ngưng Vi về, gia đình hai bên chính thức gặp nhau. Lúc gần đi, bà ngoại dặn dò bà hai lần, nói là con bé Tri Ý rất tiết kiệm, không dám tiêu tiền, đừng làm con bé tủi thân.

Hứa Tri Ý nói thêm: “Lại đi gặp anh hai nữa, mời anh ấy ăn cơm.”

“Tề Chính Sâm phải không?”

“Đúng ạ, là anh ấy.”

Vừa trò chuyện, hai mẹ con vừa bước vào biệt thự.

Trong bếp, Hứa Hướng Ấp nhờ đầu bếp chỉ mình cách làm món bò mala, gà cay Trùng Khánh và hoành thánh sốt dầu đỏ.

“Thêm một phần Mao Huyết Vượng* nữa.”

(*)

“Thêm thịt heo xào hai lửa với cọng hoa tỏi non nữa, Tri Ý cũng thích ăn.”

Ông nói với đầu bếp: “Cá nướng cay hơi phức tạp, cậu làm nhé.”

Đầu bếp: “Vâng.”

Đang lúc họ thảo luận thì điện thoại di động trên bàn kính có cuộc gọi đến, Hứa Hướng Ấp đi tới nghe máy.

Người gọi là Hứa Hành: “Con và Tưởng Tư Tầm vừa mới xuống máy bay, vẫn chưa ra hải quan. Ba nói đầu bếp làm thêm mấy món cho bữa trưa nhé.”

“Tư Tầm cũng về luôn à?”

“Vâng.”

Hứa Hướng Ấp: “Hai đứa con được hưởng ké hào quang của Tri Ý đấy, hôm nay ba vào bếp.”