Chương 79: Nấm Chiên Đàn

Đại đức A Nan Đà tới gần Bụt, ngồi xuống bên người và bạch nhỏ:

– Thế Tôn, bốn mươi năm nay con chưa từng thấy người ốm đau nặng nề như kỳ rồi. Hôm Thế Tôn bệnh nặng, con cảm thấy bủn rủn cả chân tay. Đầu óc của con lúc ấy không được sáng suốt và con không thấy được sự việc một cách rõ ràng. Hôm đó ai cũng nghĩ rằng Thế Tôn sẽ không qua khỏi, nhưng con tự hỏi: Đức Thế Tôn chưa di chúc gì hết cho giáo đoàn khất sĩ thì Thế Tôn chưa nhập Niết bàn đâu. Nhờ nghĩ như vậy mà con không đến nỗi nào.

Bụt nói:

– Này A Nan Đà, giáo đoàn khất sĩ còn chờ đợi gì ở Như Lai mà thầy bảo là Như Lai phải để lại di chúc?

Chánh pháp đã được Như Lai giảng bày cặn kẽ cho mọi người, có điều gì mà Như Lai còn giấu giếm chưa dạy quý vị đâu? A Nan Đà, chỗ nương tựa của giáo đoàn là chánh pháp; các vị đừng đi tìm một chỗ nương tựa bên ngoài nào khác nữa.

Mỗi người phải lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, phải sống theo chánh pháp; mỗi người phải là một hòn đảo cho chính mình. A Nan Đà, Bụt, Pháp và Tăng có sẵn trong mỗi người: khả năng giác ngộ là Bụt, pháp môn tu học là Pháp, những yếu tố hỗ trợ cho sự tu tập là Tăng. Không ai cướp giật Bụt, Pháp, và Tăng ra khỏi tự thân quí vị được, dù đất trời có nghiêng ngả, tự tính Tam Bảo nơi nỗi người vẫn còn nguyên vẹn. Đó là nơi nương tựa an ổn nhất của mỗi người. Vị khất sĩ trở về an trú trong chánh niệm, quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý, đó là vị khất sĩ đang làm hòn đảo cho chính mình, đang có nơi nương tựa vững chãi nhất. Một người khác, dù là giáo chủ, dù là thượng thủ, dù là thầy mình, cũng vẫn không phải là chỗ nương tựa vững chãi hơn hòn đảo chánh niệm, hơn tự tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.

Vào cuối mùa an cư, sức khỏe của Bụt đã được hồi phục.

Một buổi sáng, chú tiểu Cunda, vị thị giả của đại đức Xá Lợi Phất tìm tới tịnh thất của đại đức A Nan Đà. Chú báo tin thầy của chú, đại đức Xá Lợi Phất đã viên tịch tại Nala, rồi chú trình lên đại đức áo cà sa, bình bát và tro xương xá lợi của đại đức Xá Lợi Phất, rồi chú ôm mặt khóc. Đại đức A Nan Đà cũng òa lên khóc.

Cunda kể là đại đức Xá Lợi Phất đã về đến Nala thăm mẹ vàđã săn sóc bà cho đến khi bà lâm chung. Làm lễ trà tỳ mẹ xong, đại đức triệu tập bà con và dân cư trong vùng lại, giảng giải pháp cho họ nghe, làm lễ quy y cho họ và dặn dò hành trì theo chánh pháp, rồi đêm đó đại đức ngồi lại trong tư thế kiết già và nhập diệt.

Trước đó, đại đức đã dặn Cunda rằng sau khi đại đức tịch thì chú phải đem y bát và xá lợi của đại đức về trình Bụt và xin Bụt cho đi theo người. Đại đức có nói là đại đức muốn nhập diệt trước ngày đức Thế Tôn nhập diệt.

Đại đức A Nan Đà lau nước mắt đứng dậy và cùng chú tiểu Cunda đi gặp Bụt, đem theo cà sa, bình bát và xá lợi của đại đức Xá Lợi Phất.

Bụt lặng yên nhìn cà sa, bình bát và xá lợi của vị đại đệ tử. Người không nói gì trong một lúc lâu, rồi người xoa đầu chú Cunda.

Đại đức A Nan Đà lên tiếng:

– Lạy Bụt, khi con nghe tin sư huynh đã viên tịch, con thấy bủn rủn cả chân tay và đầu óc con mất hết sáng suốt, con buồn quá.

Bụt nhìn đại đức A Nan Đà:

– Này A Nan Đà, sư huynh của thầy khi nhập diệt có đem đi theo tất cả giới, định, tuệ và sự giải thoát của thầy đâu?

Đại đức A Nan Đà trần tình:

– Không phải như thế, bạch đức Thế Tôn, con nghĩ đến sư huynh con lúc sống đã phục vụ chánh pháp đắc lực như thế nào, đã nâng đỡ anh em chúng con như thế nào, đã dạy dỗ, hướng dẫn, khích lệ chúng con như thế nào, bây giờ đây sư huynh không còn với chúng con nữa, không có hai sư huynh Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, chúng con thấy giáo đoàn trống trải một cách lạ kỳ. Các sư huynh không còn đó để hướng dẫn cho chúng con và chống đỡ cho giáo đoàn, chúng con không cảm thấy bơ vơ sao được?

Bụt dạy:

– A Nan Đà, Như Lai đã nhiều phen nhắc thầy rằng có sinh thì có diệt, có hội ngộ thì có phân ly. Các pháp hữu vi là thế đó, cho nên ta đừng nên kẹt vào các pháp hữu vi. Hãy vượt thoát lên khỏi thế giới của sinh diệt và của tụ tán. A Nan Đà, Xá Lợi Phất là một cành cây lớn đã làm xong bổn phận nuôi dưỡng một thân cây hùng mạnh. Cành cây hiện có mặt trong thân cây. Thân cây ấy là giáo đoàn khất sĩ đang tu tập theo giáo pháp giác ngộ. Nếu thầy mở mắt ra mà nhìn, thầy sẽ thấy Xá Lợi Phất trong thầy, trong Như Lai, trong giáo đoàn khất sĩ, trong những người được Xá Lợi Phất giáo hóa, trong chú tiểu Cunda, và thầy sẽ thấy Xá Lợi Phất mọi nơi. Đừng nghĩ là Xá Lợi Phất không còn nữa, Xá Lợi Phất đang còn và sẽ còn mãi với chúng ta.

A Nan Đà, Xá Lợi Phất là một vị bồ tát, nghĩa là một người đã giác ngộ và đã biết đem trí tuệ và tình thương của mình đi vào cuộc đời để hóa độ cho những người khác, đưa họ cùng về bến bờ giác ngộ.

Trong giáo đoàn khất sĩ, Xá Lợi Phất đã từng được ca ngợi như người có trí tuệ lớn, và vì thế, Xá Lợi Phất sẽ được các thế hệ tương lai tưởng niệm tới như một vị bồ tát đại trí.

A Nan Đà, trong giáo đoàn khất sĩ còn có nhiều vị bồ tát nữa có mặt trong cuộc đời để hóa độ và những vị này cũng có hạnh nguyện lớn như Xá Lợi Phất, khất sĩ Phú Lâu Na, nữ khất sĩ Da Du Đà La, nam cư sĩ Sudatta đều là những người có lòng thương lớn và hạnh nguyện lớn, luôn luôn dấn thân vào cuộc đời để cứu giúp chúng sanh, không ngại gian khổ và khó khăn.

Đó là những vị bồ tát đại bi. Nữ khất sĩ Da Du Đà La và cư sĩ Sudatta đã viên tịch, nhưng đại đức Phú Lâu Na thì vẫn đang tinh tiến và dũng mãnh trên con đường hóa độ.

Nói đến dũng mãnh, Như Lai nhớ tới đại đức Mục Kiền Liên, đó là một vị bồ tát đại dũng, chí khí và can trường rất lớn, ít ai bì kịp. Đại đức MahaCa Diếp với nếp sống đơn giản và lành mạnh là một vị bồ tát tượng trưng cho hạnh tri túc.

Đại đức Anurudha là một vị bồ tát tượng trưng cho hạnh tinh tiến.

A Nan Đà, nếu các thế hệ tương lai biết học hỏi và tu tập đạo lý giải thoát, các vị bồ tát như thế sẽ tiếp tục xuất hiện trong đời để nối đuốc chánh pháp và soi sáng cuộc đời. A Nan Đà, tin vào Bụt, tin vào Pháp và tin vào Tăng, tức là tin tưởng ở tương lai giáo đoàn. Trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những vị bồ tát mới có tầm vóc lớn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Anurudha, Da Du Đà La, Cấp Cô Độc… A Nan Đà, thầy không nên buồn về việc sư huynh Xá Lợi Phất viên tịch.

Trưa hôm ấy trên bờ sông GƯơng Già, bên thôn Ukkhacela, Bụt trầm tĩnh báo tin viên tịch của đại đức Xá Lợi Phất cho đại chúng các vị khất sĩ. Bụt khuyên đại chúng nên nỗ lực để mỗi người có thể trở nên Xá Lợi Phất, mỗi người có thể mang khả năng và đại nguyện của Xá Lợi Phất trên đường tu tập và hành hóa. Bụt dạy:



– Này các vị khất sĩ! Các vị hãy nương tựa vào chính mình, hãy tự mình làm một hòn đảo cho chính mình, đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác, như vậy các vị mới không bị đánh chìm bởi những đợt sóng của sầu đau, của thất vọng, của chới với. Các vị, hãy lấy giáo pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác. Này các vị khất sĩ! Các vị hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy lấy chánh pháp làm đuốc.

Một buổi sáng, Bụt cùng đại đức A Nan Đà đi vào thành Tỳ Xá Ly khất thực. Sau khi ra thọ trai ở một cụm rừng, Bụt nói:

– A Nan Đà, chúng ta hãy về đền Capala để nghỉ trưa.

Trên đường đi, Bụt dừng lại nhiều lần để nhìn phong cảnh và mây nước, Bụt nói:

– A Nan Đà, Tỳ Xá Ly thật là đẹp, đền Udena cũng đẹp. Các ngôi đền khác trong vùng như Gotamaka, Sattanbaka và Bahuputta cũng đều là những ngôi đền đẹp. Đền Capala mà ta sắp đến để nghỉ ngơi cũng dễ thương lắm.

Sau khi sắp đặt chỗ nghỉ cho Bụt, đại đức A Nan Đà đi ra phía ngoài để thiền hành.

Trong khi đi thiền hành, đại đức thấy đại địa rung động dữ dội và tâm thần của thầy cũng bị chấn động theo.

Đại đức tìm về đền Capala và thấy Bụt đang ngồi yên tĩnh trong đền. Đại đức A Nan Đà trình ngài về hiện tượng động đất xảy ra, Bụt nói:

– A Nan Đà, Như Lai đã quyết định rồi, trong ba tháng nữa, Như Lai sẽ diệt độ.

Đại đức A Nan Đà cảm thấy tay chân bủn rủn, mắt hoa, đầu choáng. Đại đức quỳ xuống trước Bụt và năn nỉ:

– Xin đức Thế Tôn đừng diệt độ sớm như thế. Xin đức Thế Tôn thương xót chúng con.

Bụt im lặng, thầy A Nan Đà lặp lại lời thỉnh cầu tới lần thứ ba, Bụt nói:

– A Nan Đà, nếu thầy có đức tin nơi Như Lai, thì thầy nên biết rằng những quyết định của Như Lai là những quyết định hợp thời và hợp cơ. Như Lai nói là Như Lai sẽ diệt độ trong ba tháng nữa. A Nan Đà, thầy hãy cho mời tất cả các vị khất sĩ trong vùng về quy tụ tại giảng đường Trùng Các ở rừng Đại Lâm.

Bảy hôm sau, trên một ngàn năm trăm vị khất sĩ và nữ khất sĩ tụ tập tại giảng đường Trùng Các, Bụt được thỉnh vào ngồi trên pháp tọa. Người đưa mắt nhìn đại chúng, rồi người nói:

– Các vị khất sĩ! Những gì mà Như Lai đã thực chứng và đã trao truyền lại cho quý vị, quý vị hãy thận trọng và khéo léo mà học hỏi và giữ gìn, tu tập, chứng nghiệm và truyền đạt lại cho những thế hệ tương lai. Nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì an lạc và hạnh phúc của mọi người và mọi loài.

Các vị khất sĩ! Những giáo pháp mà Như Lai đã truyền đạt lại tuy nhiều nhưng có thể được tóm tắt trong các pháp môn Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ đề và Bát Chánh Đạo. Các vị phải khéo léo học hỏi, tu tập, thực chứng và truyền đạt lại những pháp môn ấy.

Này các vị! Tất cả các pháp đều vô thường, có sinh, có diệt, có tụ, có tán. Các vị hãy tinh tiến lên để mà đạt tới giải thoát. Ba tháng nữa, Như Lai sẽ diệt độ.

Hơn một ngàn năm trăm vị khất sĩ im lặng nghe Bụt nói, uống những lời dạy dỗ trực tiếp từ Bụt. Họ biết đây là cơ hội cuối cùng để được thấy Bụt và nghe Bụt. Nghe Bụt nói sẽ diệt độ, ai nấy đều đau lòng.

Sáng hôm sau, Bụt đi vào Tỳ Xá Ly khất thực. Khất thực xong Bụt ghé vào một cụm rừng để thọ trai.

Sau đó Bụt cùng các vị khất sĩ rời thành Tỳ Xá Ly.

Ngoái nhìn lại thành Tỳ Xá Ly với đôi mắt của một con voi chúa, Bụt nói với đại đức A Nan Đà:

– Này A Nan Đà, Tỳ Xá Ly thật đẹp. Đây là lần cuối Như Lai nhìn thành phố này.

Và Bụt nhìn trở lại phía trước. Người nói:

– Bây giờ, chúng ta hãy đi về Bhandagama.

Chiều hôm ấy tại Bhandagama, Bụt thuyết pháp cho trên ba trăm vị khất sĩ về giới, định, tuệ và giải thoát.

Sau mấy hôm nghỉ ngơi và thăm viếng, Bụt rời Bhandagama và đi Matthigama, rồi Bụt đi Ambagama, Hồng Táogama.

Nơi nào Bụt cũng thăm viếng và sách tấn các vị khất sĩ.

Rồi người cùng các vị khất sĩ đi Bhoganagara. Tại đây, Bụt nghỉ ở đền A Nan Đà. Các vị khất sĩ địa phương tới thăm Bụt rất đông. Trong thời gian thăm viếng ở đây, Bụt có dặn dò các vị khất sĩ về sự cần thiết và phương pháp kiểm chứng những điều nghe được về giáo pháp, Bụt dạy:

– Khi nghe một ai nói về giáo pháp, dù người nói cho biết là đã trực tiếp nghe từ những vị đạo cao đức trọng và có thẩm quyền, các vị cũng không nên vội cho ngay đó là giới luật và giáo pháp đích thực của Như Lai giảng dạy. Các vị phải so sánh những lời ấy với kinh và luật. Nếu những lời ấy trái chống với kinh luật thì các vị nên bác bỏ, còn nếu những lời ấy phù hợp với kinh và luật thì các vị hãy chấp nhận và thực hành theo.



Sau đó, Bụt đi Pava. Tại Pava, người nghỉ trong vườnxoài của nam cư sĩ Cunda, con của một người thợ rèn. Được nghe Bụt thuyết pháp, Cunda rất lấy làm sung sướиɠ. Chàng thỉnh Bụt và các vị khất sĩ ngày mai đến nhà chàng thọ trai.

Các vị khất sĩ đi theo rất đông, có đến ba trăm vị. Trong khi người nhà và bạn bè dâng thức ăn vào bát của các vị khất sĩ, Cunda tới trước Bụt và dâng lên người một thức ăn đặc biệt đã được làm riêng cho Bụt. Đó là nấm chiên đàn – sukara maddava.

Sau khi thọ trai xong, Bụt gọi Cunda và bảo chàng:

– Cunda, chỗ còn lại của món nấm chiên đàn này, con nên đào đất mà chôn đi, đừng để cho ai ăn nữa.

Sau khi mọi người đã thọ trai, Bụt thuyết pháp cho gia đình Cunda.

Thuyết pháp xong, Bụt và các vị khất sĩ trở về vườn xoàinghỉ ngơi.

Tối hôm ấy, một cơn đau bụng dữ dội nổi lên làm Bụt đau đớn vô cùng. Người cố gắng chịu đau. Suốt đêm người không ngủ. Sáng hôm sau, người bảo các vị khất sĩ lên đường thật sớm, hướng về Câu Thi La.

Giữa đường, cơn đau bụng lại nổi lên dữ dội. Người dừng lại và tới ngồi nghỉ dưới một cội cây. Đại đức A Nan Đà lấy áo sanghati của Bụt xếp lại thành tư và trải xuống gốc cây để Bụt ngồi nghỉ.

Bụt bảo A Nan Đà đi kiếm cho Bụt ít nước để uống vì người thấy khát.

Đại đức A Nan Đà nói:

– Lạy Bụt, nước rạch ở đây đυ.c lắm vì có một đoàn xe bò cả mấy trăm chiếc vừa đi qua. Xin Bụt đợi đến khi mình tới sông Kakutha, nước ở đó trong mà ngọt lắm, con sẽ lấy để Bụt uống và rửa mặt cho mát.

Bụt bảo:

– Như Lai khát lắm, thầy cứ đi lấy nước ở đây đi.

Đại đức A Nan Đà vâng lời. Lạ quá, khi đại đức mang vò xuống tới con rạch thì nước rạch đã trở lại trong vắt.

Uống nước xong, Bụt ngồi nghỉ. Các đại đức A Nậu Lâu Đà và A Nan Đà ngồi gần bên người.

Ba trăm vị khất sĩ cũng ngồi nghỉ ngơi đây đó, có nhiều vị ngồi vây quanh Bụt.

Lúc ấy có một người bộ hành đi từ Câu Thi La tới. Thấy Bụt ngồi giữa các vị khất sĩ, ông ta tới khấu đầu đảnh lễ.

Người này tên là Pukkusa thuộc bộ tộc Mạt La, và ngày xưa cũng đã từng là đệ tử của đạo sĩ Alara Kalama, vị đạo sĩ mà vị sa môn trẻ Tất Đạt Đa đã từng đến thọ giáo. Pukkusa đã nghe nói đến Bụt.

Sau khi lạy Bụt, ông dâng lên Bụt hai tấm y mới để Bụt dùng. Nể lời Pukkusa Bụt nhận một tấm và bảo Pukkusa cúng dường tấm kia cho đại đức A Nan Đà.

Sau đó, Pukkusa xin được làm đệ tử Bụt. Bụt dạy đạo lý cho ông; Pukkusa sung sướиɠ cảm tạ rồi từ giã người.

Thấy y của Bụt đang mặc đã lấm bùn, đại đức A Nan Đà thay y mới cho người.

Sau đó, Bụt và các vị khất sĩ cùng đứng dậy và đi về phía Câu Thi La.

Đến bờ sông Kakuttha, Bụt đi xuống sông để tắm và uống nước. Tắm và uống nước xong, Bụt lên bờ, Bụt đi về một vườn xoài gần đó. Người bảo khất sĩ Cundaka xếp áo và trải xuống đất cho người nằm. Khất sĩ Cundaka ngồi hầu bên cạnh.

Bụt gọi đại đức A Nan Đà:

– A Nan Đà, bữa cơm sáng nay tại nhà của cư sĩ Cunda là bữa cơm cuối cùng của Như Lai. Sau này có thể có người làm cho Cunda có mặc cảm là đã cúng dường bữa ăn chót cho Như Lai. Vậy thầy nên tìm dịp nói cho Cunda biết là những bữa cơm mà Như Lai nhớ mãi là bữa cơm Như Lai thọ nhận trước khi thành đạo và bữa cơm Như Lai thọ nhận trước khi nhập Niết bàn. Người cúng dường một trong hai bữa cơm ấy phải vui mới đúng.

Sau khi nghỉ ngơi một lát, Người nói:

– A Nan Đà, chúng ta hãy đi qua bên kia sông Hirannavati để vào rừng cây sala của bộ tộc Mạt La.

Rừng cây này rất đẹp, nó nằm ở chỗ ngã rẽ đi vào thành phố Câu Thi La.