Chương 5: Bát Sữa Cứu Mạng

Từ hôm ấy về sau, mỗi ngày Cát Tường đều có ghé vào rừng thăm Tất Đạt Đa.

Những hôm nào cắt được đầy gánh cỏ thì Cát Tường ghé vào và ăn trưa với Tất Đạt Đa. Nắng càng gay gắt thì cỏ càng ít đi, vì vậy có hôm phải đến xế chiều Cát Tường mới vào thăm vị sa môn trong rừng được. Có khi Cát Tường vào rừng thì gặp lúc Tất Đạt Đa đang ngồi thiền tọa. Những lúc ấy cậu bé chỉ ngồi ngắm Tất Đạt Đa một hồi rồi lặng lẽ đi ra khỏi rừng, sợ làm phiền nhiễu đến công phu thiền tập của thầy. Chỉ khi nào vào rừng mà gặp Tất Đạt Đa đang đi kinh hành thì Cát Tường mới dám đến gần để được chuyện trò chốc lát.

Năm bảy hôm một lần, Cát Tường cùng gặp Tu Già Đa trong rừng. Hôm nào Tu Già Đa cũng đem dâng cho Tất Đạt Đa một nắm cơm và một ít thức ăn, hoặc muối mè, hoặc đậu phụng, hoặc nước sốt cà–ri, có hôm chị đem theo cả sữa hoặc đề hồ hoặc đường phèn. Hai chị em đã nhiều lần có dịp nói chuyện ở cửa rừng, bên cạnh những con trâu ăn cỏ. Có khi Tu Già Đa đi với cô em gái tên là Supriya, trạc chín,mười tuổi. Cát Tường nghĩ thầm là một hôm nào đó nó cũng sẽ đưa các em nó vào rừng thăm Tất Đạt Đa. Nó sẽ ẵm con Bhima. Bala sẽ dắt tay thằng Rupak. Thế nào chúng nó cũng lội qua được khúc sông cạn nhất gần đó.

Tu Già Đa đã kể lại cho Cát Tường nghe những gì mà chị ấy biết về vị sa môn tên Tất Đạt Đa. Chị ấy đã làm quen với Tất Đạt Đa mấy tháng nay rồi, và từ hôm ấy đến nay mỗi ngày chị đều có đem cơm cúng dường Tất Đạt Đa vào khoảng trước giờ Ngọ. Cái hôm đầu tiên mà Tu Già Đa được gặp Tất Đạt Đa là một ngày rằm. Nghe lời mẹ, Tu Già Đa mặc sari mới màu hồng, bưng một mâm đồng đầy thức cúng vào cửa rừng để cúng các thần linh. Trên mâm có bánh, có sữa, có đề hồ, có mật. Đó là vào khoảng giữa trời trưa. Trời nắng chang chang. Mới tới bờ sông, Tu Già Đa thấy một người nằm sóng soài dưới nắng. Tu Già Đa bèn đặt mâm xuống bên bờ cỏ và chạy tới quan sát. Người này còn thoi thóp thở.

Ông ta ốm lắm, chỉ còn da bọc xương. Hai mắt ông ta nhắm nghiền. Má ông ta hóp hẳn lại như người đã lâu ngày thiếu ăn. Tóc và râu của ông ta ra dài, chắc đã lâu ngày rồi không cạo. Nhìn cách phục sức của ông ta, Tu Già Đa biết đây là một ông thầy tu núi. Vốn là một cô bé thông minh, Tu Già Đa biết rằng ông này té xỉu vì đói quá. Cô bé liền cúi xuống lấy bình sữa rót đầy vào một cái bát nhỏ đem theo. Rồi cô kê bát sữa vào môi người kia và đổ xuống từng giọt. Ban đầu người ấy không đáp ứng. Nhưng sau đó đôi môi động đậy và người ấy há miệng ra. Tu Già Đa kê hẳn bát sữa vào miệng người ấy và đổ sữa vào từ từ. Người ấy bắt đầu uống. Chẳng mấy chốc bát sữa đã cạn.

Tu Già Đa ngồi xuống một bên bờ cỏ để đợi phản ứng. Người kia từ từ ngồi dậy, mở mắt. Thấy Tu Già Đa, người ấy mỉm cười. Ông kéo chiếc khăn choàng lại trên vai, ngồi xếp bằng lại trên bờ cỏ, trong tư thế hoa sen, thân hình rất thẳng, và bắt đầu thở. Thế ngồi của ông rất vững và rất đẹp. Tưởng đây là một vị thần linh của rừng núi hiện ra để thử mình, cô bé chắp hai tay để lạy xuống, nhưng người ấy đã đưa một bàn tay ra ngăn lại.

Tu Già Đa còn ngẩn ngơ thì người ấy lên tiếng nhỏ nhẹ bảo cô:

– Con rót thêm cho ta một ít sữa nữa.

Sung sướиɠ, Tu Già Đa rót sữa đầy bát dâng lên. Người ấy tiếp lấy và uống cạn. Sữa thật là mầu nhiệm. Trong chưa đầy một khắc đồng hồ, sức khỏe người ấy hình như đã được phục hồi. Mắt người đó thật sáng. Nụ cười người đó thật hiền. Tu Già Đa hỏi thăm về duyên cớ tại sao người ấy ngất xỉu giữa đường. Người ấy nói:

– Ta tu ở trong rừng này. Vì tu khổ hạnh lâu ngày nên thân thể ta yếu mòn. Hôm nay ta đã quyết định xuống xóm để hóa trai, nhưng đi đến đây thì kiệt sức. May mà con đến kịp để cứu ta.



Ngồi trên bờ sông, người ấy kể cho Tu Già Đa nghe sơ lược về cuộc đời tu hành của ông. Nhờ đó mà Tu Già Đa biết được rằng vị sa môn mà mình đã cứu thoát chết tên là Tất Đạt Đa, con của một vị quốc vương đang trị vì ở nước Ca Tỳ La Vệ. Tu Già Đa ngồi nghe rất chăm chú, Tất Đạt Đa nói với cô bé:

– Ta đã thấy rằng kềm chế xác thân không phải là con đường có thể giúp con người đạt Đạo. Thân thể không phải chỉ là một dụng cụ. Thân thể là đền thờ của tâm linh, thân thể là chiếc thuyền vượt biển. Vì vậy ta đã từ bỏ con đường kềm chế xác thân bằng sự đói khát và bằng sự chịu đựng. Ta đã quyết định mỗi ngày sẽ xuống xóm để hóa trai vào giờ Ngọ.

Tu Già Đa chắp tay:

– Nếu thầy cho phép thì mỗi ngày con sẽ đem dâng cúng thực phẩm cho thầy. Thầy cứ ở trong rừng mà hành đạo, đừng xuống xóm để khỏi mất thì giờ. Nhà con cũng gần đây thôi, và ba mẹ con cũng sẽ bằng lòng cho con mỗi ngày đem cơm dâng cúng cho thầy.

Tất Đạt Đa im lặng. Một lát sau, ông nói:

– Ta vui lòng nhận cơm cúng dường của con mỗi ngày. Nhưng ta cũng muốn thỉnh thoảng đi vào xóm để khất thực và tiếp xúc với bà con trong xóm. Hôm nào con đưa ta tới nhà con nhé. Ta muốn làm quen với ba và mẹ của con. Ta cũng muốn gặp các em bé khác trong xóm.

Tu Già Đa mừng rỡ. Cô bé chắp tay bái tạ. Cô rất vui khi nghĩ đến lúc được vị sa môn này ghé lại nhà và thăm ba mẹ của cô. Cô không nghĩ rằng cúng dường cho vị sa môn này là tốn kém. Gia đình cô là một trong những gia đình khá giả nhất ở Ưu Lâu Tần Loa. Nhưng Tu Già Đa không muốn nói điều ấy ra. Cô nghĩ đây là một ông thầy tu núi, cúng dường cho ông quan trọng gấp mấy lần cúng dường các vị thần núi thần rừng. Sau này mà ông ấy tìm được Đạo thì cuộc đời sẽ được vơi bớt bao nhiêu là nỗi khổ…

Tất Đạt Đa đã chỉ cho Tu Già Đa rặng núi Dangsiri, nơi có những hang động mà ông đã từng cư trú để hành đạo. Rồi ông nói:

– Bắt đầu từ hôm nay, ta sẽ không cư trú ở đó nữa. Bên bờ sông, có một khu rừng rất mát và có một cây Bồ Đề thật sum xuê. Ngồi dưới gốc cây ta có thể thấy được cả dòng sông. Ta đã chọn nơi ấy để tu hành. Mai mốt khi con đem theo thức ăn cúng dường cho ta, con sẽ đem tới đấy. Để ta đưa con đi xem qua chỗ ấy cho biết.

Rồi ông đưa Tu Già Đa vào thăm khu rừng êm mát bên bờ sông Neranjara. Ông chỉ cho cô bé xem gốc cây Bồ Đề mà ông thường ngồi để thiền định. Tu Già Đa ngắm thân cây rồi ngửng lên nhìn cành lá. Cây lớn quá. Cây che mát cả một vùng khá rộng. Đây là một loại cây đa, lá lớn bằng bàn tay Tu Già Đa. Lá cây giống như trái tim và có những cái đuôi thật dài. Tu Già Đa nghe tiếng chim hót ríu rít. Nơi đây quả là một nơi thanh tịnh và êm mát. Tu Già Đa cũng đã có lần tới đây với ba mẹ cô để dâng cúng phẩm vật cho thần linh.

– Vậy đây là nhà mới của thầy, có phải thế không?



Tu Già Đa nhìn Tất Đạt Đa với hai mắt to và tròn lấp láy: “Mỗi ngày con sẽ vào đây thăm thầy.”

Tất Đạt Đa gật đầu. Ông đưa tiễn Tu Già Đa ra cửa rừng, rồi trở về gốc cây ngồi thiền tọa.

Từ hôm đó, ngày nào Tu Già Đa cũng mang cơm hoặc bánh vào cúng dường vị sa môn, trước khi mặt trời đứng bóng. Có khi cô bé mang theo cả sữa, hoặc đề hồ. Có khi Tất Đạt Đa cầm bát tự mình đi vào làng khất thực. Ông đã gặp được cha mẹ của Tu Già Đa, và biết rằng cha của Tu Già Đa là vị hương cả trong làng. Tu Già Đa cũng đưa ông đi và gặp những đứa trẻ khác mà cô bé quen ở trong xóm. Cô cũng đưa ông tới nhà người thợ cạo và nhờ người này cạo sạch tóc và râu cho vị sa môn. Sức khỏe của Tất Đạt Đa phục hồi thật mau chóng. Tất Đạt Đa cũng cho cô bé thí chủ biết rằng công phu thiền quán của người đang mang lại nhiều hoa trái quan trọng. Cho đến một hôm, Tu Già Đa được gặp Cát Tường.

Hôm ấy Tu Già Đa đến sớm và đã được Tất Đạt Đa nói cho nghe về cuộc gặp gỡ với Cát Tường chiều hôm trước. Tu Già Đa vừa mới ngỏ ý muốn được gặp Cát Tường thì Cát Tường đã hiện ra trong rừng. Sau này có dịp gặp Cát Tường, Tu Già Đa đã hỏi thăm về các em của Cát Tường. Và Tu Già Đa cũng đã cùng với Purna tới nhà Cát Tường chơi. Purna là con hầu mới của Tu Già Đa. Con hầu cũ, tên là Radha, đã bị bệnh thương hàn chết cách đây hai tháng. Trong những lần thăm viếng sau này Tu Già Đa đã đem cho các em của Cát Tường một ít áo quần cũ nhưng còn rất tốt. Và Tu Già Đa đã ẵm bé Bhima trước sự ngạc nhiên của con hầu Purna. Tu Già Đa dặn Purna đừng mách cho ba mẹ cô biết là cô đã ẵm trong tay một em bé ngoại cấp.

Một bữa trưa hôm nọ, bọn trẻ rủ nhau vào thăm Tất Đạt Đa khá đông. Các em của Cát Tường đều có mặt. Tu Già Đa rủ theo Balagupta, Vijayasena, Ulluvillike và Jatilika. Bốn người này đều là bạn gái của Tu Già Đa. Tu Già Đa cũng mời được chị họ là Nandabala cùng đi. Chị Nandabala đã mười sáu tuổi. Anh Nalaka năm nay đã mười bốn. Còn Subash mới chín tuổi. Mười một đứa ngồi thành một vòng cung trước mặt Tất Đạt Đa.

Hôm ấy ngoài thức ăn đem theo để cúng dường vị sa môn, bọn trẻ còn đem theo thức ăn trưa của chúng. Sau khi dâng cơm cho Tất Đạt Đa, bọn trẻ cũng mở thức ăn của mình ra ăn trong yên lặng. Bala và Rupak đã được anh dặn dò và huấn luyện kỹ càng rồi cho nên chúng ngồi ăn thật nghiêm trang. Bé Bhima mở to mắt nhìn mọi người: chưa bao giờ bé thấy nhiều người như thế. Bé ngồi thật ngoan trong lòng Cát Tường và không hề khóc.

Hôm ấy Cát Tường đã cúng dường một ôm cỏ mới cho Tất Đạt Đa. Cát Tường cũng đã nhờ đứa bạn chăn trâu của nó là thằng Gavampati coi trâu giùm trong giấc trưa. Ngoài ruộng trời nắng gắt lắm nhưng trong rừng bọn trẻ đang cùng với vị sa môn ngồi trong bóng cây im mát. Cây Bồ Đề này lớn quá, cành lá xòe ra che mát cả một vùng lớn bằng cả mười mấy căn nhà.

Bọn nhỏ chia sớt thức ăn cho nhau. Rupak và bé Bala hôm nay được ăn bánh chappati với nước xốt cà-ri. Chúng cũng được ăn cơm trắng chấm muối đậu phụng và muối mè. Tu Già Đa và Balagupta đã đem đủ nước uống cho mọi người. Không khí ở đây thật lặng lẽ, nhưng niềm vui ở đây thật lớn lao.

Hôm ấy theo lời thỉnh cầu của Tu Già Đa, Tất Đạt Đa đã kể cho bọn trẻ nghe về cuộc đời của mình.

Bọn trẻ đã ngồi nghe say mê từ đầu đến cuối.