Chương 40: Bao Nhiêu Tấc Đất Bấy Nhiêu Tấc Vàng

Tu Đạt Đa đi xem xét nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào đẹp đẽ và thanh tịnh bằng khu lâm viên của thái tử Kỳ Đà nằm sát thủ đô Xá Vệ. Chàng nghĩ nếu có được khu lâm viên này làm cơ sở lưu trú và hành đạo của Bụt và giáo đoàn thì đạo lý tỉnh thức sẽ được truyền bá sâu rộng trong vương quốc. Tu Đạt Đa tìm đến thái tử Kỳ Đà xin gặp.

Hôm ấy trong dinh thự của thái tử có mặt một vị văn quan trong triều mà Tu Đạt Đa cũng có quen biết. Sau khi chào hỏi thái tử và vị văn quan, Tu Đạt Đa trình bày ước muốn của mình và xin thái tử nhượng lại cho chàng khu vườn của thái tử để làm cơ sở tu học và hoằng pháp cho Bụt.

Thái tử Kỳ Đà mới có hai mươi tuổi. Khu vườn này là của vua Pasenadi ban cho chàng năm ngoái.

Thái tử nhìn vị văn quan rồi nhìn Tu Đạt Đa nói:

– Khu vườn ấy là của phụ vương tôi cho tôi, và tôi quý nó như vàng. Nếu ông có đủ vàng lá đem trải đầy khu vườn thì tôi sẽ nhường nó lại cho ông.

Thái tử Kỳ Đà nói nửa đùa nửa thật nhưng thương gia trẻ tuổi lại không cho đó là chuyện đùa. Chàng nói:

– Được rồi, tôi sẽ theo điều kiện của thái tử đặt ra. Sáng mai, tôi sẽ cho chở vàng tới.

Thái tử Kỳ Đà giật mình:

– Tôi nói đùa đó mà, tôi không bán khu vườn của tôi đâu. Ông đừng chở vàng tới.

Nhưng Tu Đạt Đa vẫn nghiêm trang:

– Thưa thái tử, ngài là một bậc vương giả, ngài đã nói ra lời nào thì chắc lời ấy không thể bị xóa bỏ.

Rồi Tu Đạt Đa quay sang hỏi vị văn quan đang ngồi uống nước với thái tử:

– Thưa đại nhân, có phải đúng như vậy không?



Vị văn quan gật đầu. Ông ta xoay về phía thái tử Kỳ Đà:

– Vị thương gia Cấp Cô Độc này nói đúng, thưa điện hạ, đã không ra giá thì thôi, một khi đã đưa giá cả thì ta không có quyền không bán.

Thái tử Kỳ Đà đành nhượng bộ. Tuy nhiên chàng hy vọng rằng Tu Đạt Đa không có đủ vàng. Thái tử chưa kịp nói gì thêm thì Tu Đạt Đa đã đứng dậy chắp tay tạ ơn và cáo biệt.

Ngay sáng hôm sau, chàng cho người chở vàng tới lót khu vườn.

Thái tử Kỳ Đà chứng kiến cảnh tượng lót vàng này và rất lấy làm kinh ngạc. Thái tử biết đây không phải là một chuyện mua bán tầm thường. Không ai bỏ ra một số vàng lớn như thế để mà mua một khu vườn giải trí. Bụt và giáo đoàn của người chắc chắn là những nhân vật lỗi lạc lắm cho nên người thương gia này mới phát tâm dũng mãnh như thế này được. Nghĩ thế, thái tử tới gần Tu Đạt Đa và hỏi thăm chàng về Bụt. Mắt vị thương gia sáng lên. Chàng kể cho thái tử nghe về con người của Bụt, về đại cương giáo lý của người và về giáo đoàn các vị khất sĩ. Chàng lại hứa ngày mai sẽ đến mời thái tử đi thăm viếng đại đức Xá Lợi Phất, một vị cao đệ của Bụt, hiện đang có mặt tại thủ đô. Nghe Tu Đạt Đa nói, thái tử Kỳ Đà cũng cảm thấy hứng khởi trong lòng. Lúc bấy giờ người của Tu Đạt Đa đã chở vàng được ba chuyến và đã lót được khoảng hai phần ba khu vườn. Khi chiếc xe sắp đi chuyến thứ tư thì thái tử Kỳ Đà đưa tay ngăn lại. Thái tử nói với Tu Đạt Đa:

– Thôi, ông lót từng ấy vàng đủ rồi. Phần đất còn lại là phần tôi hiến tặng cho Bụt và giáo đoàn. Tôi cũng muốn góp phần vào công trình lớn lao và đẹp đẽ của ông. Tôi nói như thế này, ông nghe có được không nhé: cứ xem như là ông cúng đất, còn tôi thì cúng cây cho tu viện. Sau này có ai hỏi thì ta có thể nói rằng tu viện này tên là “Vườn Cấp Cô Độc với cây của Kỳ Đà”. Ông chịu không?

Tu Đạt Đa rất hoan hỷ. Chàng hân hoan thấy thái tử Kỳ Đà chịu đóng góp vào công cuộc hoằng pháp lớn lao này.

Chiều hôm sau, chàng đến rước thái tử đi thăm đại đức Xá Lợi Phất, để thái tử được thấy nhân cách của thầy và được nghe thuyết pháp. Sau đó, cả ba người cùng đi đến khu vườn mà Tu Đạt Đa vẫn gọi là Kỳ Đàvana, dù chàng đã đứng tên làm địa chủ. Tu Đạt Đa hỏi ý kiến thầy Xá Lợi Phất và thái tử Kỳ Đà về kế hoạch xây dựng cư xá, thiền đường, nhà giảng và phòng tắm. Chàng muốn dựng một mái tam quan trước cổng tu viện trên khoảng đất của thái tử Kỳ Đà cúng dường để kỷ niệm và cũng để làm vui lòng thái tử. Thầy Xá Lợi Phất đã đưa ra nhiều chỉ dẫn rất quý báu về việc xây dựng cư xá, thiền đường, nhà giảng và phòng tắm, bởi vì thầy biết rất tường tận về những nhu yếu của các sinh hoạt tu viện. Một nơi êm mát được chỉ định để làm am lá cho Bụt. Những con đường được vạch ra, và những giếng nước được bắt đầu đào. Tu Đạt Đa khẩn khoản yêu cầu đại đức Xá Lợi Phất cư trú ngay tại Kỳ Đàvana để giúp chàng điều động công việc xây cất những tiện nghi tu viện. Có những buổi sáng gia đình Tu Đạt Đa mang thức ăn lên để cúng dường đại đức. Vào những hôm này đại đức không đi khất thực, còn vào những buổi khác, đại đức thường mặc áo mang bát đi khất thực trang nghiêm trong thành phố. Dân chúng thủ đô dần dần biết tới đại đức, và từ từ câu chuyện Tu Đạt Đa lót vàng mua đất Kỳ Đàvana đã được truyền đi khắp nơi. Ai cũng biết rằng vị thương gia trẻ Cấp Cô Độc đã mua đất của thái tử và đang xây cất tu viện cho một giáo đoàn sẽ từ Ma Kiệt Đà tới. Thỉnh thoảng vào những buổi chiều, đại đức Xá Lợi Phất thuyết pháp tại Kỳ Đàvana và dân chúng thủ đô đã bắt đầu đi nghe khá đông, Bụt vẫn chưa tới mà đạo của Bụt đã được dân chúng hâm mộ.

Bốn tháng sau, khi công cuộc xây cất đã gần hoàn tất, đại đức Xá Lợi Phất lên đường trở về Vương Xá đón Bụt.

Buổi sáng khi đại đức Xá Lợi Phất về tới Tỳ Xá Ly, thầy thấy bóng dáng rất nhiều chiếc áo vàng trong thành phố. Hỏi ra thầy biết là Bụt và trên năm trăm vị khất sĩ đã tới Tỳ Xá Ly trước đó mấy hôm. Hiện Bụt đang cư trú trong Rừng Lớn. Xá Lợi Phất lập tức tìm về giảng đường thăm Bụt. Bụt cho thầy biết là nữ cư sĩ Ambapali vừa mới tới thỉnh Bụt và giáo đoàn tới thọ trai ngày mai tại vườn xoài của bà. Người hỏi thăm về cuộc hoằng hóa của thầy ở Xá Vệ. Sau khi nghe Xá Lợi Phất kể lại những gì đã xảy ra tại thủ đô vương quốc Câu Tát La, Bụt cho thầy biết rằng hiện các đại đức Kiều Trần Như và Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đang hướng dẫn đại chúng tu học tại Trúc Lâm và tất cả các vị khất sĩ hành đạo trong vương quốc Ma Kiệt Đà đã được Bụt thông báo nên y chỉ vào hai thầy ấy.

Trong số năm trăm vị khất sĩ đi theo Bụt, hai trăm vị sẽ ở lại hành đạo tại tiểu bang Videha và tại Tỳ Xá Ly, còn ba trăm vị sẽ theo Bụt qua Câu Tát La. Mọi việc đều đã được các thầy phụ tá sắp đặt chu đáo. Bụt cho biết ngày mốt Bụt sẽ rời Tỳ Xá Ly để lên đường đi Xá Vệ và người bảo thầy Xá Lợi Phất cùng đi với người.

Được cúng dường Bụt và giáo đoàn khất sĩ tại vườn xoài của mình, Ambapali rất lấy làm mãn nguyện. Bà chỉ tiếc cậu con trai của bà là Kỳ Bà đã không có ở nhà để thừa tiếp Bụt và giáo đoàn. Cậu đang theo học ngành y khoa gần thủ đô Vương Xá. Ngày hôm qua, sau khi tới thỉnh Bụt ra về, bà gặp một số các vương tử Ly Xa ở giữa đường. Các vị vương tử này là những người có quyền thế vào bậc nhất ở Tỳ Xá Ly. Họ đi trên những chiếc xe song mã trang sức cực kỳ lộng lẫy. Họ đón đường bà. Chiếc song mã của bà phải ngừng lại. Họ hỏi bà đi đâu. Ambapali trả lời bà vừa đi thỉnh Bụt và giáo đoàn ngày mai về dùng cơm trưa. Các vị vương tử đề nghị bà hủy bỏ việc mời Bụt đi và chỉ nên mời họ. Họ nói:

– Nếu nàng chịu mời chúng tôi, chúng tôi sẽ trả giá bữa cơm ngày mai là một trăm ngàn đồng vàng.

Theo ý các vị vương tử, mời các ông thầy tu thì chẳng có ích lợi và vui vẻ gì. Ambapali trả lời:



– Quý vị vương tử chưa biết Bụt nên mới nói như thế. Tôi đã mời Bụt và giáo đoàn của người vào ngày mai rồi. Quý vị vương tử có cho tôi cả thành Tỳ Xá Ly cùng tất cả đất đai bao quanh thành, tôi cũng không đánh đổi bữa cơm ngày mai cho các vị, đừng nói là các vị trả cho tôi một trăm ngàn đồng vàng. Thôi tôi xin phép quý vị được về nhà sớm để lo cho cuộc đón tiếp ngày mai.

Các vương tử Ly Xa bắt buộc phải tránh đường cho bà đi. Ambapali đâu có biết rằng sau khi tránh đường cho bà đi, họ đã rủ nhau tìm đến Bụt để xem ông thầy tu này là ai mà Ambapali kính trọng đến thế. Họ tìm đến Rừng Lớn. Họ đậu xe ở ven rừng và đi bộ vào.

Bụt biết đây là những thanh niên có nhiều hạt giống từ bi và trí tuệ. Người mời họ ngồi và kể chuyện cho họ nghe. Người kể cho họ nghe về thân thế và lịch trình tu đạo của người. Rồi người nói về đạo lý diệt khổ, và lý tưởng giải thoát. Người biết họ cũng thuộc về giai cấp Kshatriya, cũng thuộc về hoàng tộc như người. Nhìn họ, người thấy hình ảnh của người ngày xưa. Câu chuyện người nói vì thế rất có vẻ thân mật.

Sau khi được nghe Bụt thuyết pháp, các vị vương tử Ly Xa bừng tỉnh. Họ thấy được họ. Họ thấy sự hưởng thụ giàu sang và quyền bính không đủ để đem lại cho họ hạnh phúc. Họ tìm thấy lý tưởng cho tuổi trẻ họ. Tất cả đều xin nguyện làm học trò tại gia của Bụt. Họ ngỏ lời thỉnh Bụt ngày mai đến thọ trai. Bụt mỉm cười:

– Ngày mai tôi đã được Ambapali mời rồi.

Các vị vương tử cũng mỉm cười. Họ nhớ lại cuộc đối đáp giữa họ và Ambapali trước đó. Một vị nói:

– Vậy thì chúng con xin thỉnh Bụt vào ngày mốt.

Bụt mỉm cười chấp thuận.

Tại lễ cúng dường tổ chức ở vườn xoài, Ambapali đã mời các thân hữu của bà đến để nghe Bụt thuyết pháp. Một số các vương tử Ly Xa cũng đã được mời tham dự buổi lễ này.

Ngày hôm sau, Bụt với trên một trăm vị khất sĩ tới dự lễ trai tăng tại trú sở các vương tử Ly Xa. Bụt và các vị khất sĩ được đón tiếp rất long trọng. Các thức ăn được cúng dường tuy là những thức ăn chay nhưng đều là những thức trân quý vào bậc nhất. Các loại trái cây như mít, xoài, chuối và hồng táo đều đã được hái từ vườn cây của các vương tử. Thọ trai xong, Bụt giảng cho mọi người nghe về giáo nghĩa duyên sinh và con đường của tám sự hành trì chân chính. Bài giảng của người làm rung động tâm can của người nghe. Mười hai vị vương tử đã cầu Bụt cho được xuất gia. Bụt vui lòng chấp nhận họ. Trong số những người được xuất gia hôm ấy có Otthaddha và Sunakhatta, hai vị vương có ảnh hưởng lớn trong bộ tộc Ly Xa.

Cuối buổi cúng dường, các vị vương tử trong bộ tộcLy Xa khẩn khoản thỉnh Bụt và giáo đoàn sang năm về an cư tại Tỳ Xá Ly. Họ hứa sẽ cất tu viện và giảng đường trong khu Rừng Lớn để có chỗ an cư cho Bụt và hàng trăm vị khất sĩ. Bụt chấp thuận lời thỉnh cầu này.

Sáng hôm sau, nữ cư sĩ Ambapali đến viếng Bụt rất sớm.Bà ngỏ ý muốn Bụt nhận vườn xoài của bà như một phẩm vật cúng dường của bà cho giáo đoàn khất sĩ. Bụt nhận lời.

Sau đó, Bụt cùng Xá Lợi Phất và tăng đoàn lên đường đi về thủ đô Xá Vệ.