Cát Tường là con nhà nghèo, hồi nhỏ chưa từng được đi học.
Năm mười hai tuổi mới bắt đầu được Tu Già Đa dạy cho chút ít về văn hóa.
Chú nói năng chưa được hoạt bát, cho nên trong khi kể lại những gì mà Bụt đã kể về cuộc đời niên thiếu của người, chú đã ngập ngừng nhiều lúc và phải nhờ những người ngồi nghe chuyện đỡ lời cho.
Hôm ấy ngoài thầy A Nan Đà và chú La Hầu La, còn có hai người ngồi nghe chú kể. Đó là một ni sư tuổi đã lớn, tên là ni sư Ma Ha Ba Xà Ba Đề và một thầy khoảng ba mươi lăm tuổi tên là thầy A Thấp Bà Trí.
Chiều hôm ấy chú La Hầu La đã giới thiệu hai vị này với Cát Tường rồi. Chú rất cảm động khi biết ni sư Ma Ha Ba Xà Ba Đề chính là lệnh bà Kiều Đàm Di, dì của Bụt và đã nuôi Bụt từ khi tấm bé. Bà là người phụ nữ đầu tiên được xuất gia và gia nhập vào giáo đoàn của Bụt. Hiện bà làm ni trưởng lãnh đạo hơn bảy trăm vị nữ khất sĩ. Bà mới cùng một phái đoàn các ni sư từ miền Bắc xuống để thăm viếng Bụt và tham khảo ý kiến của người về việc tu chỉnh giới luật của ni chúng.
Chú Cát Tường nghe nói quý vị ni sư mới tới Vương Xá chiều hôm qua.
Chú La Hầu La là cháu của bà. Biết bà sẽ rất vui mừng được nghe Cát Tường kể lại những gì xảy ra trong rừng Ưu Lâu Tần Loa những ngày Bụt sắp thành đạo và những tuần lễ sau ngày Bụt thành đạo, chú Cát Tường chắp tay cúi đầu rất thấp để chào vị ni trưởng vì chú đã từng được nghe Bụt kể về bà và đã có sẵn rất nhiều cảm mến, và chú có cảm tưởng bà cũng thương chú như thương chú La Hầu La cháu ruột của bà vậy. Nghĩ như thế chú cũng tự xưng cháu với bà.
Sau khi giới thiệu bà, chú La Hầu La lại giới thiệu thầy A Thấp Bà Trí, Cát Tường không nhớ tên này dù Bụt đã có nhắc đến tên thầy trong câu chuyện mà người đã kể cho bọn thiếu nhi trong rừng Ưu Lâu Tần Loa. Mắt Cát Tường sáng lên khi chú biết thầy A Thấp Bà Trí là một trong năm vị sa môn đã tu khổ hạnh với Bụt ngay tại quê hương của chú. Chú đã từng nghe Bụt nói rằng sau khi thấy Bụt ngưng tu khổ hạnh, bắt đầu uống sữa và ăn cơm thì năm người này bỏ Bụt đi tu chỗ khác. Vậy mà bây giờ không biết trong trường hợp nào mà thầy A Thấp Bà Trí lại trở nên một vị khất sĩ đệ tử của Bụt và đang tu hành dưới sự chỉ dẫn của người, ngay tại tu viện Trúc Lâm. Chú dự tính sẽ hỏi La Hầu La về việc này.
Trong câu chuyện chú kể, chính ni sư Kiều Đàm Di đã đỡ lời cho chú nhiều nhất. Nhiều khi bà đặt câu hỏi để chú có cơ hội nói thêm về những chi tiết của câu chuyện, những chi tiết không mấy quan trọng đối với chú nhưng hình như rất quan trọng đối với bà. Ví dụ như những chi tiết về mớ cỏ kusa mà chú đã dâng lên Bụt để người trải làm tọa cụ dưới cây bồ đề. Ni sư đã hỏi: “Cỏ đó, con cắt ở đâu? Cứ mấy hôm thì con cắt cỏ mới để dâng cúng cho Bụt? Con dâng bớt cỏ cho Bụt như thế thì trâu con có đủ cỏ để ăn ban đêm hay không? Và con có bị chủ trâu đánh mắng hay không?…”
Câu chuyện chú kể đã xong đâu, còn nhiều lắm. Chú xin phép ngưng lại nơi đây. Chú thưa với mọi người là chú sẽ xin kể tiếp ngày mai, nhưng trước khi từ giã, chú muốn được hỏi ni trưởng một vài câu hỏi mà chú đã ấp ủ trong lòng gần mười năm nay, có thể là ni trưởng sẽ trả lời được cho chú. Nghe chú nói thế, ni sư Kiều Đàm Di mỉm cười nhìn chú:
– Chú cứ hỏi, nếu trả lời được, thì ta sẽ trả lời ngay.
Cát Tường muốn biết nhiều chuyện lắm. Trước hết chú muốn biết khi thái tử Tất Đạt Đa vén màn định từ giã lệnh bà Da Du Đà La thì lệnh bà đang ngủ thật hay là đang giả ngủ? Rồi khi người hầu cận thái tử Tất Đạt Đa đem thanh kiếm, chuỗi ngọc, mớ tóc và con ngựa Kiền Trắc về tới kinh đô thì hoàng thượng, hoàng hậu và lệnh bà Da Du Đà La đã nghĩ gì, nói gì và làm gì? Trong sáu năm vắng mặt, cái gì đã xảy ra cho những người thân yêu của Bụt tại Ca Tỳ La Vệ? Và ai nghe tin Bụt thành đạo trước? Ai đi đón Bụt? Và đến khi Bụt về thì cả kinh thành đón rước ra sao?
– Chú hỏi nhiều câu hỏi thật, ni sư Kiều Đàm Di mỉm cười hiền hậu nhìn Cát Tường. Để ta trả lời sơ lược cho chú. Trước hết là chuyện Da Du Đà La có thật là đang ngủ khi Tất Đạt Đa từ giã hay không. Chuyện này để cho chắc chắn, chú phải hỏi ni sư Da Du Đà La, nhưng theo ta, thì lúc ấy Da Du Đà La không ngủ. Chính Da Du Đà La đã soạn đủ nón giầy và áo dạ hành để sẵn bên hành lang. Chính Da Du Đà La đã vào bảo Xa Nặc thắng yên cương vào cho con Kiền Trắc. Vậy Da Du Đà La biết chắc là đêm ấy thái tử sẽ bỏ đi. Làm sao mà Da Du Đà La có thể ngủ trong một tâm trạng như thế được, hả chú Cát Tường? Ta nghĩ rằng Da Du Đà La đã làm như đang ngủ để tránh cho Tất Đạt Đa và cho mình giây phút khó khăn của sự giã biệt. Chú chưa biết, chứ mẹ của La Hầu La tính tình cương nghị lắm, Da Du Đà La hiểu được chí hướng của Tất Đạt Đa và đã âm thầm yểm trợ cho Tất Đạt Đa, điều đó ta biết rõ hơn ai hết ở trong cung, bởi vì ta là người thân cận và làm việc với công nương Da Du Đà La nhiều hơn ai hết.
Rồi ni sư Kiều Đàm Di kể tiếp những gì đã xảy ra trong cung điện. Buổi sáng ấy, nghe tin Tất Đạt Đa đã bỏ đi rồi, trong cung náo động, ai cũng bàng hoàng hoảng hốt, chỉ trừ có Da Du Đà La. Vua Tịnh Phạn giận dữ, quát tháo quân hầu, quát tháo mọi người, trách họ đã không giữ gìn để cho thái tử ra đi. Bà Kiều Đàm Di nghe tin vội chạy qua tìm Da Du Đà La. Da Du Đà La không nói gì, chỉ ngồi thầm lặng khóc. Quan phụ chính đại thần tổ chức nhiều toán người sai đi bốn ngả tìm kiếm thái tử. Toán người ngựa đi về phương Nam đã gặp được Xa Nặc, đang trở về với con ngựa Kiền Trắc. Xa Nặc ngăn họ không cho họ đi về phương Nam tìm thái tử. Xa Nặc nói:
– Quý vị hãy để yên cho thái tử tu hành. Tôi đã cầu xin hết lời, đã khóc lóc đã van nài, nhưng thái tử đã một lòng một chí muốn đi tìm đạo. Với lại thái tử đã đi vào chốn thâm sơn. Núi rừng trùng điệp, lại thuộc về một vương quốc khác, thì các vị đi tìm làm sao được?
Khi Xa Nặc trở về tới cung điện, anh ta dập đầu tạ tội rồi đem thanh kiếm, chuỗi ngọc và mớ tóc dâng lên vua. Lúc ấy hoàng hậu Kiều Đàm Di và lệnh bà Da Du Đà La cũng đang đứng bên cạnh vua. Thấy Xa Nặc khóc, vua không nỡ buộc tội.
Vua hỏi han mọi chuyện, than vãn hồi lâu, rồi truyền cho Xa Nặc đem gươm báu, chuỗi ngọc và mớ tóc của thái tử giao lại cho lệnh bà Da Du Đà La cất giữ. Không khí của cung điện thật là buồn bã. Vua ở luôn trong biệt điện nhiều ngày liên tiếp không chịu ra thiết triều. Quan phụ chính đại thần Vessamitta phải thay vua xử lý mọi công việc chính sự.
Con Kiền Trắc sau khi được trả về tàu ngựa từ chối không ăn uống gì. Mấy ngày sau nó qua đời. Xa Nặc rất thương tiếc. Xa Nặc nói với Da Du Đà La làm lễ hỏa thiêu cho nó.
Ni sư Kiều Đàm Di kể tới đó thì chuông thiền tọa buổi tối đã vọng lên. Mọi người đều tỏ vẻ tiếc vì phải bỏ dở câu chuyện, nhưng thầy A Nan Đà bảo không nên bỏ giờ thiền tọa, dù câu chuyện có hay cách mấy đi nữa, và thầy mời mọi người chiều hôm sau lại tới liêu xá thầy.
Cát Tường và La Hầu La chắp tay làm lễ ni sư Kiều Đàm Di, thầy A Nan Đà và thầy A Thấp Bà Trí để trở về liêu xá của thầy Xá Lợi Phất.
Đôi bạn thân đi bên nhau im lặng không nói. Tiếng chuông chậm rãi bây giờ đây đã bắt đầu dồn dập đổ hồi.
Cát Tường theo dõi hơi thở và thầm đọc bài kệ nghe chuông:
“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”