Chương 11: Tiếng Sáo Canh Khuya

Ưu Đà Di, Đề Bà Đạt Đa, Kim Tỳ La, Mahanama, Ca Lưu Đà Di và Anuruddha là những người bạn thường đến chơi với Tất Đạt Đa để luận bàn chính trị và đạo đức cùng với A Nan Đà và Nan Đà, họ sẽ là những người thần tử thân cận nhất của Tất Đạt Đa sau này khi chàng lên nối ngôi vua. Những cuộc đàm luận kéo dài sau tiệc rượu, và chìu ý các bạn, Tất Đạt Đa đã để cho những đoàn vũ nhạc của hoàng gia trình diễn có khi đến suốt đêm.

Đề Bà Đạt Đa thường nói thao thao bất tuyệt về chính trị. Ưu Đà Di và Mahanama là những người hưởng ứng nhiều nhất và thảo luận về những điểm Đề Bà Đạt Đa đưa ra mà không biết mệt mỏi. Tất Đạt Đa nói rất ít. Có khi giữa một hội ca vũ, nhận thấy Anuruddha ngồi ngủ gục không tỏ ý gì tha thiết với các cuộc vui, chàng nắm tay Anuruddha đưa ra vườn.

Hai người im lặng ngắm trăng và nghe tiếng suối róc rách chảy. Anuruddha là em ruột của Mahanama. Hai người đều là con trai của thân vương Amiriodana, chú ruột của Tất Đạt Đa.

Anuruddha tính tình hòa nhã, diện mạo khôi ngô, thường được các công nương để ý, nhưng chàng không để tâm tới chuyện tình duyên. Có khi Tất Đạt Đa ngồi chơi với Anuruddha ngoài ngự viên thật khuya, và khi tiếng đàn hát trong cung đã im bặt chàng mới lấy ống sáo ra thổi dưới ánh trăng vằng vặc. Lúc này các vương tử và bạn bè đều say sưa hoặc mệt mỏi nên đã được mời vào an nghỉ trong cung tại các phòng dành cho tân khách. Sau khi sắp đặt đâu đấy xong xuôi và cho bọn người hầu đi ngủ, Cù Di thường đi đốt một lò trầm nhỏ và đem ra vườn. Nàng lặng lẽ đặt lư trầm lên bệ đá rồi ngồi xuống trên một chiếc ghế gần bên để lắng nghe tiếng sáo dìu dặt bổng trầm trong canh khuya.

Thấm thoát mà đã đến ngày Da Du Đà La mãn nguyệt khai hoa. Vương phi khuyên con ở lại nội cung để sinh nở mà đừng về quê ngoại ở Ramagama, bởi chính bà cũng đang cư trú ở Ca Tỳ La Vệ. Bà bàn với hoàng hậu và sắp đặt mời các bà mụ giỏi nhất trong kinh đô về cung để giúp Da Du Đà La.

Ngày Da Du Đà La lâm bồn, hoàng hậu Kiều Đàm Di có mặt mà vương phi Pamita mẹ của Da Du Đà La cũng có mặt.

Mọi người yên lặng chờ đón giờ ra đời của em bé.

Trong cung, một bầu không khí nghiêm trọng bao phủ. Vua Tịnh Phạn không có mặt ở đây nhưng Tất Đạt Đa biết rằng phía bên kia cung điện phụ vương chàng cũng đang khắc khoải chờ đợi.

Mới vừa đây, Da Du Đà La còn ngồi với chàng, khi bắt đầu kêu đau, Da Du Đà La đã được các thị nữ vực vào phòng trong.

Bây giờ là vào giữa trưa, nhưng bỗng dưng trời tối sầm lại như có bàn tay ai che mát mặt trời. Tất Đạt Đa ngồi ngoài này, cách nàng tới hai lớp cửa, nhưng những tiếng rên siết của nàng từ bên trong đưa ra chàng đều nghe rõ mồn một. Càng lúc niềm lo lắng của chàng càng lớn thêm, rồi những tiếng đau đớn của Da Du Đà La vọng lên không ngớt. Tất Đạt Đa nóng ruột, những tiếng gào của nàng làm nát cả tâm can thái tử. Chàng không thể ngồi yên một chỗ. Chàng đứng dậy đi bộ trong phòng, có khi Da Du Đà La thét lên những tiếng lanh lảnh làm cho chàng hốt hoảng. Mẹ sinh ra chàng, hoàng hậu Mahamaya, ngày xưa vì sinh chàng mà đã mệnh chung; chàng không bao giờ quên sự thật nát lòng này.

Bây giờ đến Da Du Đà La. Bây giờ đến đứa con của chàng. Sinh đẻ là một cửa ải mà người đàn bà có chồng phải có lúc vượt qua: một cửa ải nguy hiểm khôn cùng. Qua được là sống mà không qua được là chết, mà có khi chết cả hai mẹ con.

Nhớ đến lời dạy của vị sa môn mà chàng đi thăm mấy tháng về trước, chàng ngồi lại trong tư thế hoa sen để bắt đầu điều phục tâm ý. Đây là một giây phút thử thách. Chàng phải giữ được tâm bình lặng trước những tiếng thét của Da Du Đà La. Chàng vừa ngồi lại thì bỗng thấy hình bóng của một em bé sơ sinh hiện ra trong óc. Hình bóng của đứa con chàng. Ai cũng mong ước cho chàng có một đứa con, và sẽ vui mừng cho chàng vì chàng có một đứa con. Chính chàng, chàng cũng đã ao ước có một đứa con, nhưng bây giờ đây, trong giờ phút quyết liệt này, chàng cảm thấy có một đứa con là một biến cố vô cùng quan trọng. Mình chưa tìm ra được đường đi cho chính mình, mình chưa biết mình đi về đâu, mà mình sinh con ra há chẳng phải tội nghiệp cho con lắm sao?

Bỗng nhiên tiếng la hét của Da Du Đà La im bặt. Chàng bật người đứng dậy. Cái gì đang xảy ra? Trái tim của chàng đập mạnh. Để lấy lại bình tĩnh chàng chú tâm vào hơi thở. Chính vào lúc ấy có tiếng oe oe của một đứa trẻ vọng ra. Biết là em bé đã sinh, Tất Đạt Đa đưa tay lên lau mồ hôi trên trán.

Bà Kiều Đàm Di mở cửa đi ra nhìn chàng, miệng bà mỉm cười. Tất Đạt Đa biết rằng mẹ con Da Du Đà La đã được bình yên. Hoàng hậu ngồi xuống phía trước mặt chàng. Bà nói:

– Cù Di đã sinh con trai.



Tất Đạt Đa mỉm cười, nhìn mẹ với cặp mắt cám ơn. Chàng nói:

– Con đặt tên cho nó là La Hầu La.

Chiều hôm đó, Tất Đạt Đa được vào thăm hai mẹ con La Hầu La.

Da Du Đà La hai mắt sáng ngời nhìn chàng, tràn đầy hạnh phúc.

Bên cạnh nàng là em bé. Em bé đã được bọc trong lụa, và chàng chỉ thấy được khuôn mặt bụ bẫm của con.

Tất Đạt Đa nhìn Da Du Đà La. Nàng ra dấu ưng thuận.

Chàng cúi xuống bế La Hầu La lên và ôm con vào trong hai tay.

Da Du Đà La nhìn theo.

Cũng như hồi nãy, chàng vừa có cảm giác phơi phới lâng lâng mà cũng vừa có cảm giác lo lắng nặng nề.

Da Du Đà La được tĩnh dưỡng nhiều ngày trong cung. Hoàng hậu Kiều Đàm Di săn sóc nàng thật kỹ lưỡng từ thức ăn đến lò sưởi. Mỗi buổi chiều, khi về đến tư cung, Tất Đạt Đa lại vào thăm hai mẹ con. Ôm La Hầu La trong tay, Tất Đạt Đa cảm thấy sự quý giá và mong manh của một mầm sống. Chàng nhớ lại hôm đi đám hỏa táng của em bé ở xóm nghèo. Em bé là một em bé trai chỉ chừng bốn tuổi. Xác em còn để trên giường, khi chàng với Da Du Đà La tới. Em bé không còn một chút sinh khí nào. Thân hình em vừa trắng bệch, vừa xanh xao, vừa gầy ốm. Mẹ của em bé vẫn còn ngồi bên giường vừa chùi nước mắt vừa khóc kể.

Một lát sau, ông thầy Bà La Môn tới. Mấy người láng giềng đã túc trực tại đó từ bao giờ. Họ quấn xác em bé vào trong vải hồng rồi đặt em bé vào trong một cái cáng tre mà họ đã làm sẵn để đưa em ra bờ sông. Tất Đạt Đa và Da Du Đà La đi theo sau, trong đám người nghèo khổ. Ngoài bờ sông, đã có dựng một hỏa đàn nhỏ, rất đơn giản. Theo sự chỉ dẫn của ông thầy cúng, người ta khiêng cáng xuống sông và nhúng xác em bé vào dòng nước. Đó là lễ tẩy tịnh; người ta tin rằng nước sông Banganga thiêng liêng sẽ rửa sạch nghiệp chướng của em bé. Rồi người ta đem cáng lên bờ đặt xuống để nước giọt đi bớt. Một người đàn ông đi chế dầu thơm vào hỏa đàn. Thi thể của em bé được đặt lên giàn hỏa. Ông thầy Bà la môn, tay cầm đuốc, vừa đi quanh hỏa đàn vừa đọc kinh, Tất Đạt Đa nhận ra những đoạn trong kinh Vệ Đà. Đi quanh được ba vòng, ông thầy châm lửa vào giàn hỏa. Lửa phựt cháy. Mẹ và các anh chị của đứa bé òa lên khóc. Lửa đã bắt đầu táp vào thi thể em bé. Tất Đạt Đa nhìn Da Du Đà La. Mắt nàng đẫm lệ. Tất Đạt Đa bất giác cũng muốn khóc. Bé ơi, bé ơi, bé đang đi về đâu?

Tất Đạt Đa trả La Hầu La lại cho mẹ nó. Chàng đi ra vườn ngự, và chàng ngồi ở ghế đá một mình cho đến khi màn đêm buông xuống và một cô thị nữ ra tìm chàng:

– Tâu điện hạ, lệnh bà cho con đi tìm điện hạ. Hoàng thượng ngự giá sang thăm.

Tất Đạt Đa đi vào. Đèn đuốc đã được thắp lên sáng trưng trong cung điện.