Bảy giờ sáng hôm sau thức dậy, trưởng thôn đã bắt đầu nấu ăn, thấy các cô dậy thì chỉ vào ấm nước nóng, cười nói: “Để uống đó.”
Đường Thi thấy ấm áp trong lòng, vội nói: “Làm phiền bác.”
“Không phiền không phiền.”
Nước lúc sáng sớm lạnh đến mức có thể gϊếŧ người, nước nóng chỉ có chút ít, không thể xa xỉ lấy rửa mặt đánh răng, ba người dùng nước từ vòi, lúc súc miệng lạnh đến nổi răng đánh vào nhau.
Bữa sáng giống bữa chiều hôm qua, món chính là khoai tây, cải thảo xào, ba người trộn khoai ăn cùng với rau. Trong lúc ăn, học sinh lần lượt đến trường, cổng sắt của trường vẫn chưa mở nên học sinh đứng ngoài cổng trường nói chuyện, đứa thì dựa vào tường, đứa thì ngồi bệt dưới đất, đứa thì chạy qua chạy lại.
Trưởng thôn nói cho họ biết mấy đứa trẻ này phải đi học từ bốn giờ sáng, đi hơn ba tiếng đến đây, chiều tan học phải lần theo bóng tối về nhà, hôm nào trời mưa hay tuyết lớn thì phải dậy sớm hơn nữa. Đa số bọn trẻ phải đi một hai tiếng mới đến được đây.
Tiêu Lượng nói: “Tại sao không làm đơn xin chính phủ xây ký túc xá cho học sinh?”
“Nhiều quá.” Trưởng thôn nói, “Hầu như mỗi một trường ở mỗi dãy núi cũng gặp tình trạng này, chính phủ không xây nổi. Nếu mà xây ký túc xá, học sinh phải ở đây hơn nửa năm, giải quyết được chuyện ở, nhưng ăn thì sao? Mỗi trường chỉ có ba giáo viên, lấy đâu ra nhiều sức lực lo cho học sinh?”
Đây là một vấn đề cực kỳ thực tế, Tiêu Lượng không nói nữa.
Nhưng chuyện thực tế hơn nữa, đang bày ra trước mặt họ, chính là dạy học.
Sau khi dạy xong hai tiết buổi sáng trong vô vàn khó khăn, cả ba người có hơi hoang mang.
Họ là giáo viên đã quen dạy cho sinh viên đại học, bây giờ bảo họ dạy cho mấy đứa trẻ người Tây Tạng không biết nói tiếng Trung, dạy thế nào đây?
Ngô Anh dạy Toán, lớp 1 thì bắt đầu dạy từ số đếm, lớp 2 và lớp 3 thì bắt đầu dạy từ bốn phép toán số học, bốn phép tính là kiến thức phức tạp hơn ——càng phức tạp thì càng khó biểu đạt, Toán lại là một môn học chú trọng tính logic, giữa cô và học sinh là rào cản ngôn ngữ, dạy logic thế nào đây? Có vài đứa trẻ biết làm bốn phép tính, nhưng chúng chỉ biết dùng tiếng Tây Tạng để giải Toán thôi, học sinh không hiểu lời Ngô Anh, Ngô Anh không hiểu học sinh nói gì, phải dạy tiếp thế nào?
Tiêu Lượng dạy tiếng Anh, đã quen dùng tiếng Anh dạy cả tiết học, mặc dù trước khi dạy anh đã tự điều chỉnh lại, nhưng khi anh dạy học sinh, mỗi lần dạy một từ vựng mới là sẽ cực kỳ tự nhiên kèm theo một câu ví dụ. Anh chưa từng dạy học sinh tiểu học, ví dụ đưa ra không để đơn giản như “Tôi có một cây bút” được, mà bình thường sẽ là những câu có thành phần câu hết sức phức tạp như “Quà sinh nhật mà bố đã tặng cho tôi là một cây bút, nó vẫn đồng hành với tôi đến bây giờ”. Khi anh nhận ra điều đó, lần nữa chọn ví dụ khác, nhìn thấy hơn 50 cặp mắt hoang mang lẫn sợ hãi bên dưới, trong lòng không khỏi cảm thấy thất bại. Dạy tiếng Anh cho ba lớp, dù là 7 tuổi hay 12 tuổi đi nữa thì không có đứa nào có nền tảng tiếng Anh, cuối cùng Tiêu Lượng chỉ có thể bắt đầu dạy từ bảng chữ cái tiếng Anh. Anh dạy tiếng Anh cho học sinh, giáo viên trợ giảng người Tây Tạng cũng học cùng. Anh không chỉ giao tiếp khó khăn với học sinh, còn phải tốn sức cho giáo viên người Tây Tạng, giáo viên người Tây Tạng học hiểu rồi mới có thể truyền đạt chính xác cho học sinh.
Bên phía Đường Thi dạy Ngữ văn, đầu tiên cô dạy cho lớp 3. Cô đọc phụ âm và nguyên âm tiếng Trung cho bọn trẻ viết chính tả, vài đứa để giấy trắng, vài đứa viết được chút ít, chỉ có một mình Giang Ương Trác Mã viết đúng toàn bộ. Đường Thi bắt đầu dạy từ các bính âm cơ bản nhất. May là học sinh lớp 3 lớn tuổi hơn nên tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn nhiều so với học sinh bảy tám tuổi, Đường Thi có thể dạy hết nguyên âm và phụ âm chỉ trong một tiết.
Nhưng khi cô dạy học sinh bảy tám tuổi thì tốc độ chậm lại rất nhiều. Trẻ con ở độ tuổi này có không giỏi tiếp thu kiến thức trừu tượng, chúng không thể nhanh chóng liên kết âm “a” và chữ “a”, cũng không biết vì sao âm “bi” lại là chữ “b”, sau khi dạy được một lúc, chúng sẽ quên cách đọc của mỗi chữ cái, hoặc là râu ông này cắm cằm bà nọ. Trong một tiết, Đường Thi chỉ dạy được cách phát âm của năm chữ, đã vậy còn phải kèm với dạy bằng hình ảnh trực quan, ví dụ như “o” đọc là “o” (哦), khẩu hình phải cực kỳ cường điệu, nói cho bọn trẻ biết rằng miệng phải tròn vành vạnh thế này, chữ viết như thế thì phải đọc như thế. Bình thường đi dạy Đường Thi hiếm khi cử động tay chân, khi đứng trên bục giảng thì có thể giữ nguyên một tư thế đến hết tiết, bây giờ dạy cho nhóm học sinh tiểu học này, cô phải dùng hết tất cả ngôn ngữ cơ thể có thể dùng được, thậm chí phải khoa tay múa chân mới có thể dạy cho phần lớn học sinh hiểu được. Dạy xong một tiết còn mệt hơn chạy 1000 mét.
Sau khi dạy xong buổi sáng, cả ba cùng cảm nhận được sâu sắc rằng tình hình còn khó khăn hơn nhiều so với trong tưởng tượng.
Họ chỉ ở đây một năm, phải bắt đầu dạy từ những gì cơ bản nhất, vậy có thể dạy được bao nhiêu trong một năm đây? Chưa biết được rằng sau một năm này họ đi rồi thì liệu có giáo viên khác đến dạy bọn trẻ không, nếu có thì tốt, nếu không thì chuyện học hành của nhóm học sinh này phải tiếp tục thế nào đây?
Tiêu Lượng nói: “Đó là chuyện của một năm sau, tụi mình đừng nghĩ đến. Bây giờ bọn trẻ đã trong tay tụi mình rồi, tụi mình phải dạy đàng hoàng. Bọn trẻ muốn ra khỏi ngọn núi lớn này thì phải có khả năng giao tiếp cơ bản nhất với thế giới bên ngoài, cũng phải có trình độ học vấn nhất định.”
Ngô Anh nói: “Trình độ văn hóa phải từ từ trau dồi, nhưng mình nghĩ chúng ta cũng phải dạy cho bọn trẻ kiến thức khoa học và đời sống, khi chúng có khát khao với thế giới bên ngoài, tự bản thân muốn ra ngoài, mới có nhiều động lực học hành hơn.”
Đường Thi gật đầu, “Những kiến thức này sẽ được dạy trong lớp ‘Nghệ thuật’, kiến thức về cơ thể có thể được dạy trong lớp Thể dục. Hôm qua lúc mình và thầy Tiêu thiết kế lớp ‘Nghệ thuật’ cũng nghĩ như thế, môn này có thể dạy về lịch sử, sinh học, địa lý, âm nhạc, hội họa, dạy gì cũng được, không cần phải có hệ thống cụ thể, cố gắng dạy hết tất cả các khía cạnh, để bọn trẻ có được một vài khái niệm.”
Hai người kia gật đầu.
Đến giờ cơm trưa, vẫn là khoai tây và cải trắng. Học sinh ở đây không về nhà ăn trưa mà ăn ở trường, cũng ăn khoai tây và cải trắng như họ.
Ba người mới đến, học sinh không thân với họ nên không nói với họ câu nào, chỉ ngồi với bạn bè của mình. Ba người đang ăn giữa chừng, chợt một cậu nhóc dơ hầy chạy tới, không nói không rằng ném mấy cục đen sì về phía ba người, rơi vào người họ. Ngô Anh nhíu mày, lượm lên từ bụng mình, cậu nhóc đó đã chạy về phía đám đông, nhóm học sinh phía xa nhìn họ với vẻ lo âu thấp thỏm.
“Chắc là thịt bò Tây Tạng.” Tiêu Lượng cầm một miếng trong tay, hoảng hốt biến thành cảm động, nói với họ, “Bọn nhỏ đang làm thân.”
Ba miếng thịt bò Tây Tạng này là những thứ vô cùng quý giá ở đây, có lẽ cả năm bọn trẻ cũng chưa chắc ăn được một miếng, vậy mà ném về phía họ nhiều thế này, chắc là người lớn trong nhà biết hôm nay có giáo viên mới nên bảo con mình mang đến.
Trưởng thôn múc cơm xong bước ra, thấy ba người ai cũng cầm một miếng thịt bò Tây Tạng khô, cười nói: “Đăng Chân Đạt Ngõa cho phải không?”
Ngô Anh lắc đầu, “Không biết nữa, không thấy rõ. Ném cho rồi chạy luôn, hệt như ném bom.”
Trưởng thôn nói: “Bây giờ trong nhà mà có bò Tây Tạng chỉ có thể là nhà Đăng Chân Đạt Ngõa thôi.” Nói xong thì dùng tiếng Tây Tạng lớn tiếng xì xà xì xồ gì đó với bọn trẻ, trông như đang trách mắng. Bọn trẻ cùng nhìn về phía một người, chúng nói với nhau gì đó bằng tiếng Tây Tạng, một cậu nhóc chợt hét lên một câu bằng tiếng Tây Tạng, ba người chưa kịp nhìn rõ thì cậu nhóc đã bỏ chạy.
Trưởng thôn nói: “Tôi kêu nó lại đây giới thiệu bản thân, cho thầy cô biết nó, thằng nhóc đó mắc cỡ quá chạy rồi.”
“Sau này thân rồi là được.” Tiêu Lượng xua tay, “Đừng ép bọn trẻ.”
Đường Thi đặt miếng thịt bò khô vào tay trưởng thôn, nói: “Tôi không ăn, bác đưa cho Giang Ương Trác Mã giúp tôi được không?”
Trưởng thôn nói: “Thịt này ngon lắm, cô Đường để ăn đi.”
Đường Thi nói: “Hôm nay chỉ có một mình Giang Ương Trác Mã viết đúng hết bảng chữ cái tiếng Trung, bác nói với cô bé là thưởng cho cô bé.”
Trưởng thôn im lặng một lúc rồi nói: “Thế được.”
Giang Ương Trác Mã là trẻ mồ côi, là đứa trẻ duy nhất ở lại trường. Một năm bốn mùa chỉ có hai bộ quần áo, đều đã dơ đến mức không nhìn ra được màu ban đầu.
Ba người từ bên ngoài đến, chỉ mới hai ngày không ăn thịt mà thôi, nhưng với mấy đứa trẻ trong núi, có lẽ đã mấy tháng chưa được ăn thịt, Ngô Anh và Tiêu Lượng cũng nói theo: “Ngày mai xé cái này ra nấu với cơm, có còn hơn không.”
Chiều hôm đó dạy lớp Nghệ thuật, Đường Thi dạy học sinh vẽ tranh, Ngô Anh ở phòng bên cạnh mở nhạc trong điện thoại dạy bọn trẻ hát. Trong lớp có vài học sinh hiếu động, thính tai, nghe thấy tiếng nhạc ở phòng bên cạnh nên không tập trung. Sau đó cả lớp bên cạnh cùng nhau hát, học sinh bên này nghe thấy tiếng hát kế bên, vậy là ríu ra ríu rít thảo luận, ngoài tầm kiểm soát. Giáo viên người Tây Tạng hét lên rất nhiều lần nhưng học sinh không chịu im lặng, vậy là bước xuống lập tức đánh từng đứa. Đường Thi hoảng hốt, vội vàng bước đến nói: “Đừng đánh! Đừng đánh!”
Giáo viên người Tây Tạng quay lại, cây roi quất vào mặt Đường Thi, Đường Thi đau đến mức cúi gập người.
Trong lớp lập tức ồn ào.
Khi đó giáo viên người Tây Tạng theo quán tính định đánh thêm hai ba học sinh nữa, lúc này mới giật mình ném cây roi xuống, túm lấy Đường Thi, ngọng nghịu nói: “Cô Đường, sao cô xuống đây!”
Rồi lại mắng những học sinh vây quanh một trận, kéo cô Đường lên bục giảng, cố hết sức kêu những học sinh bên dưới “im lặng”.
Khi bị cây gậy quất vào, gò má của Đường Thi gần như lập tức sưng đỏ lên, một đường rất dài, còn bị rách da. Đường Thi đau đến mức trước mặt tối sầm lại, nhưng vẫn cố hết sức bình tĩnh: “Không sao, không sao, không đau, dạy trước đã.”
Giáo viên người Tây Tạng không nghe theo, lập tức đi tìm trưởng thôn.
Trưởng thôn nhanh chóng đến đây, đưa thuốc địa phương cho cô thoa. Lúc giáo viên người Tây Tạng thoa thuốc cho Đường Thi, trưởng thôn bắt tất cả học sinh trong lớp đứng dậy, nói một tràng gì đó, rồi bắt đầu đánh bốp bốp bốp từ hàng đầu tiên.
Đường Thi gần như đứng phắt dậy ngay khi nghe thấy tiếng gậy trúc đánh lên tay bọn trẻ, cô vội vã nói với trưởng thôn: “Đừng đánh! Đừng đánh học sinh!”
Trưởng thôn đánh cực kỳ mạnh, Đường Thi nghe mà sợ hãi. Cô đứng trên bục giảng nói chuyện nên trưởng thôn không nghe thấy, Đường Thi đành phải chạy xuống, kéo tay trưởng thôn lại, la lên: “Đừng đánh! Cô giáo vô tình đánh trúng tôi thôi.”
Trưởng thôn giận dữ: “Tụi nó quậy phá trong lớp! Phải bị đánh!”
“Học sinh là vậy mà, luôn có những lúc ngoài tầm kiểm soát, dạy dỗ đàng hoàng là được.” Đường Thi vội nói, “Không nhất thiết phải đánh.”
Trưởng thôn kêu giáo viên người Tây Tạng kéo Đường Thi về bục giảng, nói một cách cứng rắn: “Cô Đường, ở đây không giống bên ngoài, mấy đứa này lì lợm nói không biết nghe, không đánh không được!” Bốp bốp bốp, vừa đánh vừa mắng, tất cả học sinh trong lớp đều bị đánh một lần.
Đường Thi không khóc vì vết thương trên mặt, mà khóc vì nhìn thấy vết đỏ trên tay học sinh.