- 🏠 Home
- Đam Mỹ
- Đô Thị
- Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Thoát Ế
- Chương 2: Cóc, Bọ Và Dơi
Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Thoát Ế
Chương 2: Cóc, Bọ Và Dơi
"Văn Địch đi đi lại lại trong phòng, cuối cùng nghĩ ra lời nguyền rủa vô liêm sỉ, bẩn thỉu và độc ác nhất có thể."
- ----------------------------------
Thấy câu trả lời, hai mắt Văn Địch tối sầm, lửa giận xông thẳng đỉnh đầu, suýt nữa tắt thở.
Người ở Hà Thanh Uyển không là giảng viên thì cũng là người nhà giảng viên, theo lý mà nói trình độ văn hóa rất cao, không ngờ còn có loại người không nói lý này.
Chẳng lẽ giống cậu, đều là người ở chui?
Văn Địch lại bùng lên ý chí chiến đấu, tiếp tục cuộc đối thoại dạt dào cảm xúc: [Âm lượng không phải trọng điểm! Tiếng đàn của cậu suýt nữa tiễn tôi lên gặp ông bà này, cậu định bồi thường bao nhiêu cho tinh thần bị tổn thương của tôi! Có còn đạo đức không?]
Hàng xóm trả lời rất nhanh: [Cậu có không?]
Văn Địch: [?]
Người này đang xà lơ cái gì vậy? Sáng bảnh mắt nó gây rối trật tự công cộng mà còn nói mình thất đức?
Hàng xóm: [(ảnh)(ảnh) khu chung cư quy định không cho phép chất rác trong hành lang.]
Văn Địch nhìn ảnh, trong ảnh là mấy túi rác. Mấy nay cậu và bạn cùng nhà bận tối tăm mặt mày, quên vứt, vẫn chất đống trước cửa. May bây giờ đang tháng Mười, nếu là mùa hè chắc cái mùi tiễn cậu chầu trời trước cả tiếng đàn rồi.
Hàng xóm: [(phóng lớn ảnh túi rác) cậu còn không phân loại.]
Hả? Đây là trọng điểm hả?
Văn Địch mù mờ bị đối phương dẫn sang đề tài khác, bắt đầu cuộc tranh luận không phân loại rác: [Rõ ràng tôi đã để chất thải thực phẩm vào một túi và loại rác khác vào một túi.]
Hàng xóm: [Xương ống khó phân hủy, là rác khác, không phải chất thải thực phẩm. Chai thủy tinh là đồ tái chế nhưng gương là rác khô. Giấy vệ sinh dễ tan trong nước, không thể tái chế. Cậu vứt vào cùng một túi, xin hỏi cậu có thường thức không?]
Văn Địch giật mình. Người này... sao lại có hứng thú với rác nhà cậu vậy? Còn quan sát kỹ! Còn phân loại!
Văn Địch: [Khi không đi dòm túi rác nhà người khác, cậu là bi.ến thái hả?]
Hàng xóm: [Tôi đang bàn về thường thức với cậu, cậu lại nói tôi có bệnh tâm thần.]
Hàng xóm: [Có phải mỗi lần cãi không lại cậu sẽ công kích cá nhân không?]
Lửa giận bùng lên trong lòng Văn Địch. Đứa này bị tâm thần rồi!
Văn Địch: [Mấy người ngày nay có thể phân rác thành hai loại đã là tiên phong trong công cuộc bảo vệ môi trường rồi đấy! Sao cậu không giương bảng bảo vệ động vật rồi ngồi trên cây trăm tuổi luôn đi?]
Văn Địch: [Còn nữa, không có tế bào âm nhạc xin đừng làm bẩn lỗ tai của người qua đường, tìm gỗ mà cưa đi.]
Từ nhỏ đến lớn cậu cãi trăm trận trăm thắng, kết quả đối phương nhắn một câu đã chọc thủng phòng tuyến bảo hộ của cậu.
Vỏn vẹn mười mấy chữ giống như quả bom nguyên tử nổ banh đầu cậu.
Hàng xóm: [Nhìn ảnh đại diện của cậu thì chắc là thích Shakespeare hả? Bảo sao nói chuyện chẳng có tí logic nào.]
Não Văn Địch trống rỗng, lập tức bật dậy khỏi giường, hét lớn [ĐỜ MỜ!!!]
Cướp giấc ngủ của cậu, chê cách làm người của cậu, nghi ngờ tố chất của cậu, ok cậu vẫn chịu được.
Nhưng cái đứa này dám đυ.ng vào Shakespeare, tội đáng chết vạn lần, không thể tha thứ!
Shakespeare là là chủ thể nghiên cứu của cậu, là người thầy tinh thần của cậu, là tượng đài trong sự nghiệp học thuật của cậu, kẻ vô lễ với Shakespeare chính là tử địch của cậu, không đội trời chung!
Văn Địch: [Shakespeare là thần Zeus trên đỉnh Olympus của văn học nhân loại, là linh hồn của chính kịch phương Tây, mày là ai mà dám xúc phạm ngài ấy?]
Hàng xóm im bặt một lúc lâu, Văn Địch nghĩ chắc đứa đấy không thể phản bác được —– Ai có thể chối bỏ cống hiến vĩ đại của Shakespeare đối với nền văn minh nhân loại? Sau đó một đoạn tin nhắn dài tới từ đối phương.
Hàng xóm: [Thời gian trong tác phẩm của Shakespeare rất lộn xộn. Câu chuyện của "Vua Lear" lấy bối cảnh vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, nhưng vở kịch lại có đầy đủ các công tước, cận thần và hiệp sĩ mặc áo giáp, đều là những nhân vật chỉ tồn tại ở thời Trung cổ. Ngày nay, không có tiểu thuyết gia mạng hạng ba nào lại mắc sai lầm nực cười như vậy khi xây dựng bối cảnh.]
Văn Địch: [Hạng ba? Đệt mợ mày nói ai hạng ba?!]
Hàng xóm: [Logic của câu truyện cũng là một mớ hỗn độn. Lear sống cả đời bên những đứa con gái thế mà chỉ tin con gái cả và con gái thứ, không tin đứa con út mà ông ta yêu thương nhất. Gloucester cũng vậy, một đứa con trai buộc tội một đứa con trai khác, ông ta không thèm hỏi con trai mình mà định tội cậu ta luôn. Bi kịch của hai nhân vật này hoàn toàn là do những diễn biến vô lý này gây ra. Không độc giả nào có thể thông cảm với những nhân vật như vậy, và cách triển khai cốt truyện này rất ngu.]
Văn Địch: [Mày hiểu cái chó gì về Shakespeare! Phóng đại và thoát ly khỏi hiện thực chính là đặc điểm trong các vở kịch của ông, có ý nghĩa tượng trưng, mày biết tấm gương của tự nhiên không?]
Hàng xóm: [Vậy nên cậu cũng thừa nhận thời gian trong tác phẩm của ông ta lộn xộn, tình tiết được thúc đẩy bởi những hành động phi lý của nhân vật?]
Một ngọn lửa không tên như mũi tên bắn ra từ cổ họng cậu, Văn Địch tràn đầy căm phẫn, nhảy dựng lên, cầm điện thoại kích động đi vòng vòng trong phòng.
Văn Địch: [Dùng chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 21 để phê phán tác phẩm thời trung cổ. Mày chưa bao giờ đọc tác phẩm kinh điển hả? Không có gu thì đừng có sủa.]
Cậu đã viết một bài văn hùng hồn, dài hàng nghìn chữ, bàn về tính cách nhân vật và ý nghĩa biểu tượng trong các vở kịch của Shakespeare, kết quả đối phương nhất quyết cắn chặt vấn đề logic không nhả, nhằm vào cách xây dựng bối cảnh, chỉ ra mâu thuẫn giữa dự định và lời nói của nhân vậy. Lời phê bình này y chang như lời phê bình của ban biên tập tạp chí "Nghiên cứu văn học nước ngoài", lập tức khiến Văn Địch rơi vào nỗi sợ bị tạp chí C chi phối.
Hàng xóm: [Đã là thế kỷ 21 rồi, chúng ta cần phải có thái độ hoài nghi về người có tầm ảnh hưởng. Đặt sự việc khó hiểu về mặt logic này lên bệ thờ thần, không cho phép người khác phân tích và chỉ ra lỗi sai là bắt nạt văn học.]
Văn Địch: [??? Ai bắt nạt ai? Đừng có ngậm máu phun người!]
Hàng xóm: [Nếu cậu thích kiểu ngôn từ phô trương, tường thuật dài dòng, tình tiết lỏng lẻo, kết thúc vội vàng, tác phẩm tầm thường và nhàm chán, mù quáng đi theo nhóm nhà phê bình văn học tự cho mình là có thẩm quyền và tâng bốc các tác phẩm đó lên mây, thì đó mới là không có gu.]
Văn Địch điên rồi. Người này giày xéo thần tượng văn học của cậu đến mức này, có là ông bụt cũng phải hóa chằn tinh!
Cậu lao ra khỏi phòng, cầm chổi lông gà trong phòng khách đi ra cửa, muốn xông ra đại chiến trăm hiệp với hàng xóm. Ngay lúc cậu cầm tay nắm cửa thì dừng lại, giận dữ lui về hai bước, vung mạnh chổi lông gà với cánh cửa.
Bạn cùng nhà Vu Tĩnh Di đang ăn sáng trong phòng khách nhìn cậu, mặt đầy mờ mịt: "Ông bị sao vậy, sao như con gà chọi thế?"
Văn Địch dùng chổi lông gà chỉ vào cửa, tức giận nói: "Con chó kế bên sỉ nhục chủ thể nghiên cứu của tôi!"
Vu Tĩnh Di chẳng hiểu gì, Văn Địch kể từ đàn vĩ cầm, kể tóm tắt hành vi khiến cả con người và thần linh phẫn nộ của đối phương.
Vu Tĩnh Di nghe xong mặt đầy ngạc nhiên: "Đàn vĩ cầm?"
Văn Địch trợn mắt há mồm: "Âm thanh như khoan sọ người ta mà bà không nghe thấy hả?"
Vu Tĩnh Di để đũa xuống, cẩn thận lắng nghe, lộ ra biểu cảm đã được khai sáng: "Ông mở cửa phòng thì nghe được chứ trước đó chỉ nghe loáng thoáng có tiếng gì đấy thôi."
Văn Địch nhíu mày, đóng cửa phòng lại, quả nhiên âm thanh nhỏ hơn rất nhiều. Cậu đi vào phòng Vu Tĩnh Di nín thở lắng nghe, không hề có tiếng động.
Âm thanh hàng xóm chơi đàn vốn không lớn, chủ yếu là khó nghe thôi. Chả trách tầng trên tầng dưới bảo không nghe thấy. Chắc do phòng ngủ của Văn Địch ngay sát phòng người ta chơi đàn nên...
"Thì ra chỉ có tôi gặp họa?" Văn Địch một bụng lửa giận, "Sao lại như vậy được?"
"Ông định làm gì?" Vu Tĩnh Di thưởng thức bộ dáng cầm chổi lông gà của cậu, "Tìm người ta tính sổ?"
Văn Địch lập tức đặt chổi lông gà xuống: "Đừng đùa, tôi đánh thắng được ai?"
Hơn nữa, gây hấn với hàng xóm thu hút sự chú ý quá, cậu đang ở chui, vẫn nên tránh tiếp xúc trực tiếp với người cùng tầng.
"Chà, vậy nhịn xíu đi," Vu Tĩnh Di trấn an cậu, "Ông nhịn Lưu già hơn ba năm rồi, nhịn cái đứa kia một xíu chắc không vấn đề gì đâu hen."
Văn Địch vừa tức vừa buồn.
Cậu cảm thấy hình như gần đây bản thân phạm vào thái tuế, cuộc sống, tình duyên, học hành, thứ nào cũng xui.
Cậu nén giận về phòng, trước khi xoay người nói với Vu Tĩnh Di: "Sau này mua túi rác màu đen, túi sáng màu chẳng có riêng tư gì!"
Vu Tĩnh Di không hiểu: "Túi màu xanh nhạt là do ông chọn mà? Trên Taobao giảm giá, ông mua một lúc mười cuộn, giờ mà đổi thì phí phân nửa đấy."
Văn Địch xoắn xuýt giữa việc tiết kiệm đồ dùng và bị hàng xóm tra tấn một lúc lâu, cam chịu bỏ chổi lông gà xuống đất: "Được rồi, dùng hết rồi bàn, mười tệ cũng là tiền."
Vu Tĩnh Di biết cái tính kẹt xỉ này của cậu, chẳng hề bất ngờ. Cô bỏ bát yến mạch vào bồn rửa, nhìn bạn cùng nhà đang thở phì phò, do dự một lúc rồi hỏi: "Ông đổi mật khẩu tài khoản trường rồi hả?"
Văn Địch lấy lại tinh thần từ cơn giận, chớp mắt, phản ứng lại: "Ờ ha, lúc trước hệ thống có gửi thông báo nhắc đổi mật khẩu. Tôi đổi rồi mà quên nói với bà, xin lỗi."
"Không sao không sao," Vu Tĩnh Di nói, "Là tôi xài ké tài khoản của ông mà."
Đại học T chẳng có gì ngoài tiền, chi một mớ mua tài liệu tham khảo, sinh viên có thể sử dụng miễn phí bằng tài khoản trường. Mặc dù đã tốt nghiệp từ lâu nhưng Vu Tĩnh Di vẫn quan tâm tới xu hướng của tuần san ngôn ngữ học nên Văn Địch đưa tài khoản của cậu cho cô xài chung.
"Gần đây mảng ngôn ngữ học có nghiên cứu ý nghĩa nào không?" Văn Địch hỏi.
Nói tới chuyên nghành, Vu Tĩnh Di giây trước còn đang buồn ngủ, giây sau tỉnh táo hẳn: "Có một bài báo thú vị trên số mới nhất của tờ Ngôn ngữ học. Đó là về một ngôn ngữ ở Kuskoy, Thổ Nhĩ Kỳ, được gọi là ngôn ngữ huýt sáo."
Văn Địch chớp mắt: "Giao tiếp bằng cách huýt sáo?"
"Ừ, tiếng huýt sáo của dân du mục bên đấy rất vang, vào những năm chưa có điện thoại, bọn họ có thể huýt sáo xuyên núi, khoảng cách truyền âm có thể lên tới tám km."
Văn Địch nói "Ồ" rồi lấy điện thoại ra định gửi mật khẩu mới cho Vu Tĩnh Di. Nhưng nhấn mấy lần vẫn không bật màn hình lên được.
"Nó lại sập nguồn rồi," Văn Địch lẩm bẩm, "Bà sắp đi làm à? Đi trước đi, xíu nữa tôi mở được rồi sẽ gửi bà sau."
Vu Tĩnh Di khoác túi xách lên vai, cầm lấy chìa khóa trong tay, lo lắng liếc điện thoại của Văn Địch: "Tôi thấy nó sập nguồn nhiều lần rồi đấy, hay đem đi sửa đi? Lỡ đang ngoài đường mà hỏng thì sao?"
"Không sao, sạc pin là được." Văn Địch nói. "Sửa điện thoại tốn lắm, điện thoại cũ thế này chẳng thà đổi sang cái mới, tiết kiệm chi phí."
Nói vậy chứ cậu cũng không mua điện thoại mới. Nghiên cứu sinh được nhà nước trả 2.700 mỗi tháng, cộng thêm làm trợ lý, thu nhập hàng tháng là 5.400. Đồ ăn ở trường cũng rẻ, vừa đủ no. Nhưng cậu vẫn muốn tiết kiệm tiền, dẫu sao nhà cũng không có tiền tiết kiệm.
Chiếc điện thoại này thuộc về một người bạn học cấp ba của cậu, người đó đổi điện thoại mới nên cho cậu cái cũ. Vì vậy cậu cũng không biết tới bây giờ chiếc điện thoại này "thọ" bao năm rồi, hỏng hóc là chuyện thường.
Bình thường vẫn xài tốt, không cần đổi thì thôi.
Vu Tĩnh Di đi làm, Văn Địch vào phòng sạc điện thoại, quả nhiên máy lên. Cậu gửi mật khẩu mới, đọc sổ ghi nhớ, quyết định phớt lờ tên ác nhân vạch lá tìm sâu nhà bên. Cậu còn cả núi công việc phải làm và một người hướng dẫn cứ cách vài giờ là hối cậu.
Kết quả là, ngay khi cậu vừa ngồi xuống bàn làm việc, tiếng vĩ cầm cách vách lại vang lên. Âm thanh lần này còn ảo diệu hơn cả lần trước, vừa như cưa gỗ vừa như khoan giếng, đồng thời còn trộn lẫn tiếng dao cứa vào kính.
Cơn giận sôi sục trong lòng cậu như một ngọn núi lửa và mỗi một nốt nhạc như bom nguyên tử ném xuống ngọn núi này.
Văn Địch đang điền đơn ứng cử trên máy tính, bên tai vang lên tiếng ong ong. Càng viết càng bực, càng viết càng sầu, bực đến mức không thở được, lồ.ng ngực đau nhói.
Cậu quyết định đến thư viện và dành cả ngày ở đó, chắc không đến mức luyện tới tận đêm đâu.
Khi màn đêm buông xuống, cậu đi về từ trường học, quả nhiên không còn nghe tiếng đàn nữa.
Tuyệt, cũng chỉ là mỗi ngày ra khỏi nhà thôi mà.
Ai ngờ sau khi cậu bước vào, nhà bên còn đang yên ắng, nhưng vừa đặt mông xuống, tiếng đàn lập tức vang lên.
Âm thanh cót két như đinh ghim vào ghế, Văn Địch nhảy dựng lên. Đây là nhằm vào cậu đúng không! Đây chắc chắn là nhằm vào cậu!
Đêm khuya giàu cảm xúc cộng thêm sức khỏe suy kiệt, cơn tức của Văn Địch lên đến đỉnh điểm.
Cậu quẳng túi xuống đất, lấy ra một xấp giấy. Cậu phải xả cái cục tức này!
Văn Địch đi đi lại lại trong phòng, cuối cùng nghĩ ra lời nguyền rủa vô liêm sỉ, bẩn thỉu và độc ác nhất có thể.
Khi Biên Thành thức dậy vào sáng hôm sau, anh thấy hàng xóm của mình đã gửi tin nhắn cho anh vào lúc hai giờ sáng, là một tấm hình.
Bức ảnh chụp một tờ giấy, trên đó có sáu hàng chữ viết tay, nét bút phóng khoáng, cứng cáp:
"Sương độc như mẹ tôi chải khi xưa
Bằng lông quạ từ bãi lầy ô uế
Đổ ập xuống ngươi! Gió tây nam thổi
Đem đến vết rộp trên cơ thể ngươi!
Lời nguyền ta hạ! Mọi loại bùa chú
Của Sycorax, cóc, bọ, dơi, ếm lên ngươi!"
~~~~
Tên chương được trích từ:
"As wicked dew as e"er my mother brushed
With raven"s feather from unwholesome fen
Drop on you both. A southwest blow on you
And blister you all o"er.
Cursed be I that did so! All the charms
Of Sycorax, toads, beetles, bats, light on you,"
– William Shakespeare《The Tempest》
– Trích từ "Giông tố" của William Shakespeare.
- ----------------------------------
Tác giả có lời muốn nói:
Ba dòng cuối cùng là từ "The Tempest" của Shakespeare
Truyện này sẽ được cập nhật vào lúc 8 giờ sáng thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần nếu không có gì bất ngờ xảy ra.
Hy có lời muốn nói:
Cùng phận ở chui, em hiểu anh anh Địch à T.T Thụ mà không ở chui thì chắc chắn anh ta gõ cửa nhà hàng xóm đập lời nguyền cái bép vô mặt người ta chứ ở đấy mà chụp hình, gì chứ anh ta thì dám lắm!
Lời dịch kịch Shakespeare được dịch từ chính bản tiếng Anh nên sẽ có đôi chút khác biệt với bản tiếng Trung.
- 🏠 Home
- Đam Mỹ
- Đô Thị
- Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Thoát Ế
- Chương 2: Cóc, Bọ Và Dơi