"One fading moment's mirth. With twenty watchful, weary, tedious nights." - The Two Gentlemen of Verona (Act 1, Scene 1)- --------
Thợ gõ: DờVăn Địch tính rất chuẩn, buổi hẹn hò thật sự rất thuận lợi. Sau khi vào phòng hòa nhạc, người diễn tấu cúi đầu chào xong thì Biên Thành không hề mở miệng nữa, chỉ ngồi im lặng nghe tiếng nhạc du dương.
Cảm giác ấm áp, giai điệu lãng mạn, bầu không khí êm đềm. Văn Địch tìm lại được cảm xúc rung động ban đầu ở lớp học, trái tim cậu rung lên theo từng nhịp lên xuống của người chơi đàn.
Kế hoạch này chỉ có một sơ suất, đó là... Văn Địch không có tế bào âm nhạc, cậu thậm chí còn chẳng thèm nghe những ca khúc thịnh hành chứ đừng nói là nhạc cổ điển. Cậu chỉ từng nghe tên của những bậc thầy chủ nghĩa lãng mạn, khi thật sự đến tận nơi để nghe thì cậu còn chẳng phân biệt được đâu là cello đâu là violin.
Hai tiếng đồng hồ nghe nhạc cổ điển là hai tiếng nghe nhạc thôi miên.
Xui xẻo hơn nữa là mấy ngày qua cậu liên tục chạy luận văn và đọc tài liệu nên ngủ không đủ giấc, thức trắng cả đêm, mà ghế của phòng hòa nhạc thì vừa mềm mại vừa dễ chịu, ngồi rất thoải mái.
Văn Địch cố chống mí mắt lên, lấy lại tỉnh táo để tiếp thu âm nhạc, kết quả là khi "Spring in Dresden" mới chơi được ba phút, cậu đã lăn ra ngủ.
Cậu bắt đầu nằm lệch sang một bên, vì không có điểm tựa nên cứ tụt dần xuống, cuối cùng đổ cái bộp lên vai của người ngồi cạnh.
Bả vai rộng với những cơ thịt rắn chắc, rất phù hợp để làm gối đầu.
Văn Địch say mộng đẹp đến tận khi hết hòa nhạc, cả hội trường vang tiếng vỗ tay, lúc bấy giờ cậu mới giật mình tỉnh dậy.
Vừa mở mắt ra nên tầm mắt vẫn còn lờ đờ. Cậu chớp mắt, trước mặt là đường quai hàm và sống mũi rất quen thuộc.
Tư thế ngồi của giáo sư rất nghiêm chỉnh, không hề bị làm phiền bởi sức nặng dư thừa trên vai. Nếu như Văn Địch phải giữ nguyên tư thế này hai tiếng đồng hồ thì cánh tay phế từ lâu rồi.
Cậu xấu hổ vô cùng - buổi hẹn do mình mời, vé là do mình mua, đến cuối cùng vừa không tôn trọng đối tượng hẹn hò, vừa không tôn trọng âm nhạc cổ điển.
Văn Địch dụi mắt rồi quan sát cẩn thận xem người trước mắt có dấu hiệu nổi giận hay không.
Xem ra là không giận. Nhưng mà không chắc nữa, vẻ mặt của giáo sư đã chìm vào những công thức Toán học, ổn định chính xác, vĩnh cửu bất biến.
Sau đó, cậu thấy trong tay giáo sư có một đồ vật. Khăn giấy màu trắng đã vo thành một cục.
Sao nghe nhạc cổ điển chủ nghĩa lãng mạn mà lại khóc được?
Lẽ nào giáo sư là người trong ngoài bất nhất, đa sầu đa cảm dễ vui dễ buồn?
Giọng nói vang lên ở bên cạnh: "Cậu chảy nước miếng."
Văn Địch giật mình dựng thẳng đầu lên, cổ vừa mỏi vừa tê. Cậu xoa cổ kêu au áu.
Giấc mộng đẹp đẽ bỗng chốc biến thành hiện trường đội quần, thật là nhục mặt!
Đầu cậu mau chóng vẽ ra đường thoát thân, người bên cạnh giơ tay lên rồi đưa tới gần cậu.
Văn Địch còn chưa kịp phản ứng thì bàn tay ấy đã đáp lên gáy cậu và ấn xuống một điểm.
Cảm giác tê mỏi dần tan đi, đau đớn cũng giảm bớt rất nhiều.
"Huyệt phong trì." Người bên cạnh nói.
Bàn tay ấy chưa dừng lại, tiếp tục xoa bóp tận ba phút. Giáo sư đưa tay còn lại ra nắm cổ tay Văn Địch, ngón tay cái ấn lên một chỗ lồi ra trên bàn tay.
"Huyệt hậu khê."
Văn Địch nhìn anh không chớp mắt, cơ gáy đã thả lỏng, chỉ còn lại cảm giác tê nhẹ.
Cơn đau biến mất, hai bàn tay ấy rời khỏi người cậu. Văn Địch sờ lên cổ trong vô thức, cảm giác xoa nắn vẫn sót lại trên huyệt vị.
"Nếu bị sái cổ hoặc làm việc quá sức thì xoa bóp từ ba đến năm phút, rất hiệu quả." Biên Thành nói: "Có vẻ như dạo này cậu không được ngủ ngon."
"Vâng." Văn Địch đáp. Nhiệt độ ấm áp khiến cho mặt cậu đỏ bừng lên.
Biên Thành đứng dậy bắt đầu xoay vai. Kẻ đầu sỏ gây ra chuyện đó nhìn động tác của anh, lòng cảm thấy rất áy náy: "Ngại quá, bình thường tư thế ngủ của của em nghiêm chỉnh lắm."
Biên Thành quay đầu nhìn cậu.
"Chưa bao giờ thở bằng miệng." Văn Địch thề.
Biên Thành đút hai tay vào túi áo khoác, đi ra lối đi nhỏ, sau đó dừng lại chờ Văn Địch đi theo mình. Văn Địch đi bên cạnh, cứ luôn nhìn chằm chằm vào vai anh. Hôm nay giáo sư mặc áo măng tô sẫm màu dài đến đầu gối ở bên ngoài, bên trong là blazer và một chiếc áo len lông cừu màu xanh xám. Ai mà ngờ được loại vải cao cấp như vậy lại dùng làm gối đầu miễn phí chứ?
Cậu vừa nghĩ vừa lấy khăn quàng cổ ra. Gió rét căm căm, cậu run cầm cập rụt cổ vào trong cổ áo phao. Thấy cái cổ trơ ra trước gió lạnh của giáo sư, Văn Địch hỏi: "Không lạnh sao?"
"Ra cửa quên mang theo khăn."
Văn Địch đội mũ của áo phao lên, lông tơ của chiếc mũ bay phất phơ trong gió. Cậu đưa khăn ra rồi quấn quanh cổ Biên Thành hai vòng một cách rất mất mỹ quan.
Biên Thành nhìn hành động đầy chu đáo của cậu, bỗng nhiên cất tiếng: "Thực ra cậu không thích âm nhạc cổ điển phải không."
Văn Địch đơ người, nhớ lại rằng mình đã lăn quay ra ngủ, cậu đành phải thừa nhận: "Không thích."
"Vậy vì sao lại mời tôi đi nghe hòa nhạc?"
Có gì khó hiểu sao?
"Giáo sư thích âm nhạc cổ điển mà?" Lòng Văn Địch bỗng dưng nổi trống: "Hay là em nhớ nhầm?"
"Không," Biên Thành đáp: "Tôi rất thích, âm nhạc chính là Toán học chứa đựng cảm xúc."
"Âm nhạc có liên quan đến Toán học?"
"Nếu trường độ phần rung của dây và toàn bộ dây đàn là 3:2 thì sẽ có được quãng 5 đúng; 4:3 sẽ có quãng 4 đúng." Biên Thành nói: "Giai điệu luôn luôn tuân theo quy luật Toán học."
"Nhạc của Schumann cũng có công thức sao?"
"Nhạc phổ tuân thủ các quy tắc Toán học nhất thực ra là của Bach, có tính kết cấu cao độ. Có người cho rằng nhạc của Bach dễ dàng được người ngoài hành tinh phát hiện ra, cho nên trên tàu thăm dò không gian Voyager có ba bản nhạc của Bach."
"Vậy giáo sự rất thích Bach phải không?"
"Không thích."
"Tại sao?"
"Nhạc phổ của ông ấy quá khó."
Văn Địch không nhịn được cười. Thiên tài mà cũng có lúc gặp khó khăn ư? "Giáo sư có hay chơi violin không?"
"Cũng thỉnh thoảng."
Biết ngay mà! Văn Địch vênh váo đắc thắng từ xa với Vu Tĩnh Di, quả nhiên suy đoán của cậu đã chính xác: "Chơi có hay không ạ?"
Biên Thành im lặng một lúc rồi nói: "Mỗi người sẽ đánh giá khác nhau." Dừng một lát lại nói tiếp: "Có người cảm thấy như cưa gỗ, có người lại thấy hay."
"Vậy đánh giá của giáo sư là gì?"
"Tương đối nghiệp dư."
Văn Địch cho rằng đó là những lời khiêm tốn của thiên tài, cái nghiệp dư của anh không giống với trình độ nghiệp dư của người bình thường, "Có người khen chứng tỏ là chơi rất hay rồi!." Văn Địch ám chỉ kín đáo: "Nếu có cơ hội được nghe thì tốt quá."
Biên Thành không đáp lời, lại còn nhìn cậu một cách kỳ quái: "Tốt nhất đừng nên có cơ hội ấy."
Người khác được nghe còn cậu thì không? Văn Địch ủ rũ hỏi: "Vậy giáo sư thấy trình độ của người trình diễn hôm nay thế nào? Em thấy nổi tiếng trên mạng lắm."
Cậu còn tưởng Biên Thành sẽ bắt đầu phát ngôn xằng bậy về người trình diễn nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi, nhưng cuối cùng anh chỉ nói một câu: "Rất tốt."
Văn Địch tự dưng cảm thấy mừng rỡ vì đã thành công. Có vẻ như những đánh giá trước đó về giáo sư của cậu là hoàn toàn phiến diện, hai người bọn họ vẫn có thể nói chuyện vui vẻ mà.
Sau đó Biên Thành nói: "Nhưng mà bả vai hơi mỏi, ảnh hưởng đến việc thưởng thức âm nhạc."
Nụ cười trên mặt Văn Địch đã biến mất.
Quả nhiên người đẹp trai thì ngậm miệng vào là tốt nhất.
Sảnh hòa nhạc màu đỏ dần khuất sau lưng, gió lạnh Bắc Kinh luồn lách qua khe hở quần áo, bên tai rét buốt tê tái. Hai người đi dưới tán cây ngân hạnh lác đác lá, mấy con quạ cũng đã co rúm lại không cất tiếng nữa. Đến thư viện, Biên Thành đi vào sảnh cà phê ở tầng một rồi gọi hai cốc đồ uống nóng. Bọn họ ngồi cạnh cửa sổ sát đất, bên ngoài chính là làn gió Bắc thổi vù vù, cơ thể được bao trùm trong không khí ấm áp. Cảm giác thích thú như là đã báo thù được mùa Đông.
Văn Địch nhấp cà phê, Biên Thành nhìn cậu rồi bỗng nhiên hỏi: "Cậu thường xuyên như thế này sao?"
Văn Địch vẫn còn ghim chuyện anh chê đầu của cậu nặng, trả lời với giọng điệu giận dỗi: "Cái gì?"
"Mời người khác đến nơi mình không thích, mời người khác ăn món mình không thích."
Văn Địch nhìn anh với ánh mắt âm u, uống ừng ực vài hớp cà phê. Ai rảnh mà giày vò bản thân? Chẳng phải là bởi vì thích anh hay sao!
"Đừng làm chuyện mình không muốn chỉ vì nghĩ rằng tôi sẽ thích." Biên Thành nói: "Cứ nghĩ tới việc người kia đang cố gắng không ngủ gật để làm tôi vui khiến tôi cảm thấy rất áy náy..."
"Hả?" Văn Địch kinh hãi: "Thầy thấy áy náy?"
"...Từng nốt nhạc như đập vào lương tâm của tôi..."
"Nghe nhạc của Schumann khiến lương tâm thầy bị cắn rứt?"
"Chỉ có mình tôi thưởng thức giai điệu trữ tình, dù có lãng mạn đến đâu cũng cảm thấy thê thảm..."
"Thê thảm nhất phải là em chứ?" Văn Địch nắm chặt chiếc cốc nóng trong tay, "Em trả tiền mà không được hưởng thụ, lại còn tra tấn lương tâm của giáo sư!"
"Vậy mới nói..."
"Giáo sư muốn thế nào?"
"Cậu thích cái gì?"
Văn Địch nắm chặt cốc cà phê khiến nắp của nó bị nghiêng, suýt nữa thì rơi xuống: "Cái gì?"
"Lần sau chúng ta sẽ cùng làm việc mà cậu thích." Biên Thành nói.
Văn Địch đặt chiếc cốc xuống để lấy lại bình tĩnh. Nỗi buồn và niềm vui đến quá đột ngột, cậu không kịp trở tay.
"Nói cho tôi biết đi," Biên Thành nói: "Tôi muốn biết cậu thích gì."
Cảm giác ấm áp đang chảy trong lòng là cảm động ư? Cậu thấy cảm động trong buổi hẹn hò với giáo sư?
"Đợi đã," Văn Địch cảm thấy ảnh hưởng của hiện thực mới quá nghiêm trọng, "Đầu óc em đang quay cuồng quá."
"Cậu có thể bắt đầu kể từ thứ mình thích nhất."
Văn Địch suy ngẫm một lúc rồi ngập ngừng nói: "Vậy thì chắc là không phù hợp cho hai người cùng làm."
"Cứ nói đi."
"Ngâm nước nóng."
Rõ ràng Biên Thành đã sững người, bàn tay nắm chiếc cốc giấy không nhúc nhích trong khoảng thời gian rất lâu. Anh hỏi lại giống như một cuộn băng tua ngược: "Cái gì?"
"Ngâm nước nóng," Văn Địch nói: "Hồi nhỏ ở dưới quê, em, bố mẹ, nhà chú và cả ông bà đều ở cùng nhau. Buổi tối sẽ xếp hàng đi tắm, không có thời gian ngâm mình trong nước nóng. Lớn lên rồi thì ở trọ trong trường, không có bồn tắm nước nóng."
Cái chung cư giảng viên mà cậu đang ở thì vừa cũ vừa xập xệ, nhà vệ sinh chỉ có một bồn vệ sinh và một vòi sen, cũng chẳng có cơ hội ngâm mình.
"Trong phim thường có cảnh quay ngâm nước nóng đấy ạ? Xung quanh là bọt biển và nến, nhìn rất dễ chịu." Văn Địch nói: "Lúc đi du học trao đổi em có thử mấy lần, sau này thì không có cơ hội nữa. Thật là hoài niệm."
Cậu tóm tắt xong nguyên nhân và kết quả của sở thích, Biên Thành vẫn không động đậy.
"Không phù hợp để hai người cùng làm đúng không ạ?" Văn Địch nói.
Hai người im lặng rất lâu, dường như là đều đang tưởng tượng ra hình ảnh ấy. Trong đầu Văn Địch vừa hiện ra hình ảnh của bồn tắm, cậu không nhịn được rùng mình.
Hai người đàn ông hẹn hò ở nhà tắm công cộng? Nếu như tình yêu có chuyên mục chuyện lạ thì ngày mai lên báo ngay lập tức.
"Giáo sư thấy em rất kỳ cục đúng không?" Văn Địch hỏi: "Có vẻ như thầy rất kinh ngạc."
"Không," Biên Thành nói: "Tôi cứ tưởng là cậu sẽ nhắc đến kịch sân khấu của Shakespeare."
Văn Địch phấn chấn: "Trong mắt giáo sư, gu của em cao cấp như vậy sao?"
"Chẳng phải cậu thích Shakespeare à?"
"Thì cũng không sai," Văn Địch nói: "Nhưng em có ám ảnh tâm lý với kịch sân khấu."
"Ám ảnh?"
"Chuyện từ hồi học kỳ phụ, kể ra thì dài lắm." Văn Địch nhún vai, ậm ờ giống như là có chuyện rất khó nói. Cậu vội vàng chuyển chủ đề, lúc này não đã hoạt động trở lại, cậu nhíu chặt lông mày: "Sao giáo sư biết em thích Shakespeare?"
Biên Thành im lặng hai giây rồi nói: "Hình đại diện của cậu."
"Ồ." Lông mày giãn ra. Đúng là cậu thích lấy hình chibi của Shakespeare làm ảnh đại diện.
"Tiếp tục đi," Biên Thành nhắc cậu, "Còn thích gì nữa?"
Văn Địch bắt đầu kể về khẩu vị ăn uống của mình, những trò giải trí lúc rảnh rỗi. Vốn dĩ kể về sở thích của mình bao giờ cũng rất vui vẻ, càng đừng nói là đang kể cho người mình thích. Vị đắng chát của cà phê đã tan biến trong miệng, bên tai vẫn vang vọng khúc nhạc Spring in Dresden. Có lẽ là âm nhạc đã khắc vào trong não lúc cậu chìm vào giấc ngủ say.
Sau khi điền xong bài khảo sát sở thích, hai người tạm biệt nhau dưới bậc thềm thư viện. Văn Địch cưỡi xe đạp về Hà Thanh Uyển, suốt dọc đường đều hồi tưởng về trải nghiệm được khai sáng nghệ thuật ngày hôm nay.
Còn cả bóng lưng quấn khăn quàng cổ của giáo sư.
Tổng kết lại thì ngày hôm nay coi như kết thúc trong hoàn mỹ. Có một chút khó xử nho nhỏ nhưng nhìn chung phần lớn thời gian vẫn rất hài hòa ấm áp, lại còn có một lý do để hẹn gặp lần sau.
Về phòng mình, cậu nằm lên giường rồi lấy điện thoại ra, chọn lọc từ ngữ một lát rồi gửi tin nhắn cho Biên Thành.
Một lúc lâu vẫn chưa thấy anh trả lời, Văn Địch bắt đầu lo lắng, lỡ như người ta trực tiếp chuyển tiền trả cậu thì phải làm sao đây - rất có khả năng giáo sư sẽ làm như vậy.
May sao tin nhắn đến muộn đã bật ra: "Hẹn thời gian đi, tôi sẽ trả lại khăn cho cậu."
Văn Địch nở nụ cười đắc thắng: [Vâng, lúc nào ạ? Ở đâu?]
Bên kia trả lời: [Vẫn chưa nghĩ ra, quyết định rồi báo sau. Tôi sẽ báo cho cậu qua Wechat.]
Văn Địch nhận được tin nhắn thì lăn đi lăn lại trên giường. Chỉ trả khăn thôi thì cần gì hẹn thời gian địa điểm, chắc chắn đó là hẹn hò rồi.
Điện thoại lại rung lên, Văn Địch vừa nhe răng vừa cầm lên xem, nụ cười vụt tắt.
Biên Thành: [Đã bao lâu cậu không giặt khăn rồi?]
Tâm trạng của Văn Địch trở nên phức tạp, từ lúc mua về cậu chưa giặt lần nào, nhưng mà ai lại giặt khăn quàng?
Bên kia lại gửi tiếp một tin: [Cậu không phiền nếu tôi giặt nó chứ, tôi thật sự không làm ngơ được.]
Giặt giặt giặt! Cứ giặt tùy thích! Giặt sạch hết vi khuẩn, nấm mốc, bụi bặm và một chút cảm động bé tý tẹo vừa mới sinh ra đi!
Văn Địch buông điện thoại xuống rồi thở dài thườn thượt. Nếu như lần hẹn hò trước là nhảy bungee thì lần này là tàu lượn siêu tốc. Chẳng biết là tiến bộ hay tụt lùi nữa.
Im lặng một lát, cậu sực nhớ ra một chuyện rồi bắt đầu xem lại lịch sử tin nhắn.
Người này nói là sẽ suy nghĩ lại về địa điểm hẹn nhau, một người chưa bao giờ yêu đương, không hề có thường thức về giao tiếp xã hội sẽ hẹn ở đâu?
Chẳng lẽ thật sự đi ngâm nước nóng!