Đòi tiền về kiểu gì à?
Sau này Vương Kết Hương mới biết, Ân Hiển giỏi ăn nói đến mức nào.
Anh đang làm nghề bán bảo hiểm. Một khi đeo chiếc mặt nạ “Nghề nghiệp” kia lên, anh sẽ là điển hình cho kiểu người “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Ân Hiển giỏi nhất là chiêu vừa đấm vừa xoa, tát một cái rồi cho một quả táo; anh cũng rất gan, dù không làm được, anh vẫn dám nói bốc nói phét để người ta viết séc khống. Nếu anh đã có ý lừa gạt người khác thì rất ít kẻ có thể thoát khỏi anh.
Còn về tại sao anh lại vào ngành này, thì còn có một lý do sâu xa khác.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Ân Hiển từng đi làm ở xưởng sửa chữa ô tô. Sau khi thôi việc ở đấy, anh tự gầy dựng sự nghiệp, không những không làm nên nghiệp lớn, mà còn mất hết vốn liếng tiết kiệm. Thất bại đã dạy anh rằng mình còn nhiều thiếu sót, anh không hiểu biết về thị trường, không có mạng lưới quan hệ, quan trọng nhất là, anh hoàn toàn không biết cách giao tiếp với người khác.
Về điểm này, chẳng ai có thể dẫn đường thay anh, Ân Hiển đành phải sờ lần bằng kinh nghiệm làm việc.
Anh vào ngành tiếp thị qua việc bán bảo hiểm. Nhờ công việc này, anh bắt đầu học kỹ năng bán hàng, học cách kinh doanh, rèn luyện năng lực giao tiếp.
Trong phương diện lựa chọn ngành nghề, lựa chọn của Vương Kết Hương và Ân Hiển đi ngược với nhau.
Sau kinh nghiệm từ hai công việc trước, Vương Kết Hương càng hướng tới nghề nào không phải giao tiếp nhiều với người khác, những công việc trả sức lao động là có tiền lời.
Sau một thời gian tìm việc, cô tìm được việc mới, đó là làm công nhân trong một nhà máy hải sản cỡ nhỏ.
Xe tải sẽ đưa hải sản vào nhà máy theo đợt. Số hải sản này vừa được đánh bắt, họ phải phân loại dựa theo kích thước, chủng loại. Hải sản ôi sắp hỏng sẽ bị đào thải. Sau khi bị loại ra, chúng sẽ được bán tháo, hoặc vứt luôn. Lúc đơn hàng của khách tới, Vương Kết Hương còn phụ trách cả việc gọi điện thông báo, trợ giúp đóng gói, chuyển hàng.
Đây là một công việc dựa rất nhiều vào thể lực. Ban đầu chủ xưởng thấy Vương Kết Hương gầy còm nhỏ thó, còn hoài nghi cô không vác được xẻng xúc hải sản. Vương Kết Hương nói mình từng làm việc nông ở quê, dai sức chẳng kém gì đám đàn ông.
Chủ xưởng không viện lí do nữa. Dù sao lượng công việc cố định, cô nói cô làm được, không lý gì chủ xưởng lại không cho cô làm.
Từ đó, Vương Kết Hương trải qua cuộc sống thức dậy sớm hơn Ân Hiển, về nhà còn muộn hơn anh.
Trước kia cô từng hứa hẹn nếu ở chung cô sẽ làm việc nhà, Vương Kết Hương nói được thì làm được. Ngoài giờ cơm tối cô về trễ quá Ân Hiển phải tự nấu, thì những việc vặt vãnh hằng ngày cô đều thầu cả.
Khi Ân Hiển rời giường, Vương Kết Hương đã cần mẫn phơi quần áo ở bên ngoài.
Xóm nghèo trong thành phố không giống nhà dân bình thường, ở đây không có ban công, muốn phơi quần áo thì phải kéo thừng để phơi.
Sợi dây thừng thô ngắn cột giữa hai nhà. Ai cột thừng trước, phơi quần áo lên trước thì được chiếm chỗ đấy, các hàng xóm đều ngầm hiểu trong lòng. Phải tội hai nhà trái phải sát sạt nhau, lối đi nhỏ hẹp, chỗ có thể phơi quần áo nhỏ đến thảm thương. Bởi vậy ngày nào họ cũng phải tranh nhau chỗ phơi đồ tiện nhất.
Vương Kết Hương chống sào phơi đồ, tính treo mấy món quần áo trong một lần, nhưng cây sào lảo đảo lắc lư.
Ân Hiển mở cửa đi ra, cầm lấy số quần áo cô còn chưa phơi, vươn cánh tay móc chắc dây phơi đồ lên giá treo.
Phơi quần áo xong, họ đánh răng rửa mặt cùng một lúc.
Hai người ngồi xổm song song với nhau, thay phiên sử dụng vòi nước. Vương Kết Hương rửa mặt còn nhanh hơn cả Ân Hiển. Cô dấp nước lên khăn, lau “loạt xoạt” mấy cái qua lại trên mặt là coi như xong.
Anh vắt khăn giúp cô, cô về phòng trước để nấu bữa sáng.
Bình thường buổi sáng họ sẽ ăn cháo kèm với cải bẹ, củ cải trắng, thi thoảng trong bữa sẽ có mấy loại đậu sặc sỡ: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, trộn lẫn ba loại với nhau.
Vương Kết Hương ghét đậu đen nhất, có đậu đen là cả nồi cháo đều chuyển thành màu đen. Buổi sáng cô không có nhiều thời gian để nấu nướng, lần nào cũng ninh chưa chín, đậu bỏ vào mồm vẫn còn sống nhăn. Ân Hiển hay nhai một lát rồi khựng lại.
Buổi trưa và buổi tối, nhà máy hải sản có cơm hộp.
Buổi tối tan làm, Ân Hiển ăn một mình trước.
Chỉ cần ngửi thấy mùi hải sản nồng nặc trong không khí, là anh biết Vương Kết Hương đã về tới gần nhà.
Cô không chỉ mang theo mùi hải sản, mà thi thoảng còn mang ít hải sản về: cá này, ốc này, hàu biển này…… Món cô mang về thường xuyên nhất là cua.
Những con cua bị thải loại trong nhà máy phần lớn đều trông xấu mã hoặc quá bé, nấu lên là ăn được. Lâu lâu Vương Kết Hương lại nhặt nhạnh một ít mang về.
Lần đầu mang về là cô trộm của nhà máy.
Đêm đó, Vương Kết Hương là người tan làm muộn nhất cả nhà máy. Khi dọn rác, cô thấy có mấy con cua nhúc nhích trong đống hàng thải. Cô nghĩ bụng vứt đi thì phí, bèn bỏ một con vào túi nilon mang về.
Vương Kết Hương về đến nhà, Ân Hiển chưa ngủ, cô hưng phấn khoe con cua mà mình “trộm” về cho anh xem.
Nghe cô kể về lai lịch của con cua này, Ân Hiển kiên quyết không chạm vào nó.
“Em tự ăn đi.”
Vương Kết Hương hụt hẫng rõ ràng: “Tại sao ạ, anh dị ứng cua à? Hay không thích ăn cua?”
Anh lắc đầu.
“Vậy sao lại không ăn? Em lấy riêng về cho anh ăn mà.” Cô lấy con cua ra khỏi túi.
Con cua nằm trong tay cô, trông có vẻ cực kì ngoan ngoãn.
Nhìn vẻ mặt ấm ức của Vương Kết Hương, Ân Hiển thở dài: “Ham món lợi nhỏ không phải là thói quen tốt. Dù hải sản sắp vứt, nhưng em tự tiện mang về cũng là không tuân thủ quy định của công ty. Huống hồ, nó là thứ người ta vứt đi rồi, bẩn lắm, em còn nhặt rác về nhà……”
“Ngày mai em sẽ xin lỗi chủ xưởng.”
Vương Kết Hương thả con cua về túi nilon.
Cô mở miệng, không khỏi bào chữa mấy câu cho mình.
“Chỉ là, nó còn ăn được thật. Em không tính toán sâu xa gì đâu, chỉ nghĩ có thể nấu bữa khuya nên mới mang về.
“Tuy là nhặt trong đống rác, nhưng rửa đi là sạch ngay mà…… Haizz, em hiểu ý anh rồi, em nuôi nó vậy.”
Nửa câu sau “Em nhặt rác về nhà, nhỡ đồng nghiệp thấy lại xấu hổ” của Ân Hiển không còn phù hợp với hoàn cảnh nữa.
Cô thấy anh không muốn nói gì nữa, thì ủ rũ xách túi nilon ra ngoài.
Vương Kết Hương xả nước vào xô của mình, thả con cua vào đấy.
Sau khi tắm rửa ở nhà tắm công cộng xong, cô lại giặt sạch quần áo.
Ân Hiển luôn quên không tắt đèn. Phòng bật đèn sáng trưng, lãng phí điện, nhưng được cái tốt là cô có thể nhìn rõ mọi vật khi giặt quần áo ở bên ngoài.
Rốt cuộc cũng gột rửa hết mùi tanh trên người, khi Vương Kết Hương vào phòng, Ân Hiển nằm trên giường trở mình đúng lúc ấy.
Cô ôm xô nước, đặt nó cạnh mình.
Vương Kết Hương tắt đèn đi ngủ mà không thèm nhìn Ân Hiển.
Trời lạnh, tay chân cô lạnh lẽo, sàn nhà cũng lạnh.
Cô đưa lưng về phía giường anh, cảm thấy anh đang ghét bỏ cô, và cả con cua của cô nữa.
Chờ cuối tháng được phát lương, mình phải dọn đi thôi, Vương Kết Hương nghĩ bụng.
*
Ngày hôm sau đi làm, Vương Kết Hương tìm chủ xưởng, thẳng thắn về chuyện tối qua với ông.
“Nếu cô muốn những món hải sản bị loại ấy thì cứ thoải mái mang về.” Chủ xưởng vô cùng hào phóng, hoàn toàn không đặt nặng sai lầm của cô.
Lúc gần hết giờ làm, ông thậm chí còn chủ động đề cập với Vương Kết Hương: cô có thể lấy hết chỗ tôm cá bị bỏ đi.
Vương Kết Hương cảm ơn chủ xưởng.
Cô phải về nhà Ân Hiển, vì không muốn bị anh khinh thường, nên cô mang tay không về.
Từ khi hai người ở chung một phòng, Vương Kết Hương quẹo vào con hẻm nhỏ dưới dốc là có thể loáng thoáng thấy đường. Phòng cô luôn để điện đèn trần.
Ánh đèn không sáng lắm, chỉ là một đốm nhỏ màu cam vàng.
Ân Hiển ngồi xổm đánh răng cạnh vòi nước.
Mùi nước biển mặn chát khiến anh nhận ra cô ngay.
Mắt họ chạm nhau, anh là người lên tiếng trước.
“Tối nay anh nấu thêm cháo, em ăn đã rồi hẵng ngủ.”
Vương Kết Hương đáp vâng.
Cô biết người mình có mùi khó ngửi, bèn nhanh chóng đi vòng qua anh, về phòng lấy quần áo để thay, đi tắm rửa trước.
Tắm xong đi ra, Vương Kết Hương khoác khăn lông, ra trước nhà mình, định thay nước cho con cua của cô.
Cua biến mất rồi.
Cái xô đựng cua đã được rửa sạch, để vào chỗ của nó.
Nhưng con cua không còn nữa.
Chắc là nó đã chết, bị Ân Hiển vứt đi rồi.
Nó vốn là một con cua gãy chân tàn tạ sắp chết đến nơi, còn bị nuôi trong nước máy chứ không phải nước biển, cố được một ngày không chịu nổi thì chết thôi, cũng cực kỳ bình thường.
Vương Kết Hương bĩu môi, kìm mình lại, không nghĩ theo hướng ác ý.
Lúc giặt quần áo, cô nhìn lướt qua thùng rác ngoài phòng.
Thùng vừa thay túi, rác bị vứt đi rồi.
Một cảm xúc không nói thành lời dâng lên trong lòng cô, Vương Kết Hương nghẹn đứ, vò quần áo cực kì mạnh tay.
Cô về phòng, trước khi đi ngủ, cô thấy cái nồi để trên chiếc bàn nhỏ.
——
Hình như Ân Hiển có nói anh ta nấu thêm cháo.Cô mở nắp nồi ra, ngửi thấy mùa hương ngon lành.
Vương Kết Hương đảo xẻng nấu ăn qua nồi, thấy chân cua.
Đây là một nồi cháo hải sản.
Cháo hải sản nấu với cua.
Anh ấy đã ăn con cua kia rồi!
Không phải anh ấy nói nhặt trong đống rác, bẩn rồi, không ăn được sao.
Cô quay đầu nhìn về phía Ân Hiển, anh nhắm mắt, hít thở đều đều.
Vương Kết Hương nở nụ cười.
Cô múc một bát cháo, khẽ khàng nhấm nháp rồi nuốt xuống.
Ngon ghê, thơm ngào ngạt.
Và còn vô cùng ấm áp.
Cô vừa ăn cháo, vừa thì thào lẩm bẩm.
“Tốt ghê, anh này tốt ghê……”
“Em nói gì?”
Nghe thấy tiếng cô, Ân Hiển mở to mắt.
“Khụ.”
Vương Kết Hương bị sặc cháo.
Cô lau miệng, trả lời lung tung lộn xộn.
“Em, em đang khen, cháo hải sản! Tốt lắm ạ, ý em là ngon lắm ạ.”
“Ờ.” Anh lại khép mắt lại lần nữa.
Lòng Vương Kết Hương hụt hẫng: Ngủ rồi à? Không hỏi thêm gì sao?
[HẾT CHƯƠNG 42]