Khi nhìn xuống, biết bao phận đời cơi nhở, những mảnh đời bất hạnh. Không điểm tựa, không nơi chốn, không người thân, hay tệ hơn là không còn gì để mất. May thì họ được gửi đến các viện mồ côi, hoặc thì họ lớn dần lên dưới sự lầm than. "Bần cùng sinh đạo tặc" mà, vòng xoáy tệ nạn cứ bủa vây họ. Không phải là muốn hay không, đó là sự bế tắc, là chạm đỉnh giới hạn của sự cùng cực.
Những hành động móc túi cướp giật, được thực hiện bởi những con người dưới vị thành niên, thanh niên hay thậm chí là trung niên. Với bản thân họ, đó là mưu sinh. Nhưng với anh mắt của người đời, đó là tệ nạn, là những hành động ở đáy xã hội. Tiếc là hình thức mưu sinh đó được thực hiện với những phương tiện hết đỗi tiêu cực.
Mặt tối của xã hội thì nhiều vô cùng, chúng ta đâu hiểu nhiều hết về nó, càng không nên đưa ra những lời nhận xét trong nhất thời về khoảng đấy. Để mà hiểu, đó là quá trình, là sự cảm thông và hướng tới mọi điều tích cực...
Nay đã là cuối tuần, kết thúc một tuần học tập dài mệt mỏi. Trời cũng quang, mây cũng tạnh. Tôi không muốn ở nhà chút nào, bí quá. Tôi đã chuẩn bị ngày này cho mình từ đầu tuần, như là tự thưởng cho bản thân vì giữ cho kết quả học không bị đi xuống. Với tôi như vậy tạm thời ổn, chỉ cần học không tệ đi, thì vẫn còn hy vọng cho một tuần mới tốt hơn.
Tôi xin sự đồng ý từ mẹ, cái gật đầu của mẹ như thúc tôi phải nhanh lên, tôi không muốn lãng phí thời gian vốn ngắn ngủi của mình.
Tôi quyết định đi lên trung tâm thành phố bằng xe buýt, tôi cũng có một chiếc xe cúp, nhưng quãng đường mà tôi sẽ đi rất xa, nên tôi cũng không mấy tự tin. Tôi biết mẹ tôi cũng sẽ không đồng ý việc tôi lái xe máy đi xa như vậy. Dẫu sao, xe buýt cũng không phải sự lựa chọn tồi.
Cái suy nghĩ đó liền dập tắt khi tôi chỉ mới vừa bước lên xe. "Không phải mình đi nhầm xe đấy chứ." Tôi tự an ủi bản thân bằng những dòng suy nghĩ cố chấp. Nhưng ở thực tại, cái mùi khó chịu tỏa ra khắp xe lấn áp tâm trí tôi hoàn toàn. Tôi không cố ý chê đâu... "Muốn nôn quá". Vội vã, tôi lấy khẩu trang để ngăn bớt cái "ôi hương" đấy. Tôi dùng những hai cái, hơi khó thở nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn.
Tôi cũng nghe những người khác nói trên xe buýt rất nhiều thành phần phức tạp. Đây cũng là lần đâu tôi sử dụng phương tiện đi lại này.
Ngồi không lâu thì tôi thấy một bà lão, cũng khá lớn tuổi, trên tay cầm một sắp vé số với một cuốn sổ nhỏ, chắc là để ghi những con số đã trúng. Bà khập khiễng từng bước một lên xe. Tôi còn nghe tiếng bác tài vọng xuống từ phía cabin: "Lẹ chân lên ngoại ơi". "Ngoại" là cách xưng hô rất quen thuộc để gọi những người lớn tuổi, tạo sự gần gũi và thân thiện. Những tôi vẫn không thể ưa cái cách thúc giục bằng từ "lẹ chân". Dù sao bà lão ấy cũng đáng tuổi ngoại ông tài trẻ tuổi đó.
Quan sát thấy, hình như bà lão đang xoay sở tìm kiếm thứ gì đó. Tôi nhận ra chuyến xe này đã kín chỗ ngồi rồi, phía cuối xe ngay chỗ tôi ngồi còn có hai thanh niên phải đứng. "Sao không ai nhường chỗ cho bà ấy vậy"...
Bỗng tôi thấy có một người đàn ông, chắc cũng ngoài ba mươi. Ông đứng phắt dậy rồi nói "bà ngồi đi".
"Người tốt, người tốt" thoáng chốc tôi nghĩ.
Không! Không phải chứ...
Ông chú đó liền giật lấy sấp vé số trên tay bà lào, ung dụng lựa, nhanh nhảu rút lấy vài tờ rồi buông lời: "Phí chuyển nhượng ghế ngồi". Song ông chú đó ném lại sấp vé số cho bà lão.
"Trời! Vô lí vậy cũng làm được", tôi lẩm bẩm trong miệng nhỏ vậy mà dường như cô chi gái ngồi kế nghe được rồi bắt chuyện:
"Không ai làm chuyện tốt mà không muốn mình được trả ơn đâu em. Có thể họ không nói, nhưng loài người phần lớn ích kỉ lắm, thiệt thòi một chút là nhảy dửng lên à."
Chị này là sinh viên Y Phạm Ngọc Thạch. Trên áo có logo với màu xanh lá đặc trưng. Nổi bật hơn phía bên phải có hai vạch dài kẻ sọc từ vai đến đuôi áo, tuy lạ mà rất đẹp. Nhưng sao chị ấy biết tôi nhỏ tuổi hơn mà xưng hô đúng vậy? À đúng rồi, tôi mang theo chiếc balo của tường cấp ba, chắc là chị dựa vào đây...
Thật thì lời chị nói tôi cũng hiểu, nhưng tôi vẫn không hài lòng về việc làm đó. Nhìn quanh xe, không ai lên tiếng hay phản bác bất cứ điều gì về hành động bị hạn chế về đạo đức của ông chú đó. Tôi định bật dậy nói cho ra lẽ. Hình như tôi bị ghì lại bởi điều gì. Là chị sinh viên, chị ấy đang giữ và kéo tôi khỏi hành động bồng bột của mình.
"Đừng, đây không phải chuyện của em. Nếu không muốn gặp rắc rối thì đừng hành động thiếu suy nghĩ. Em nghĩ mình có thể thuyết phục được con người đó nhận ra cái sai của mình? Hay em sẽ chuộc lại những tờ vé số từ tay ông ta? Biết là em muốn giúp đỡ bà bán vé số, biết là thấy chuyện bất bình mà mình dường như không thể làm được gì thì khó chịu lắm. Nhưng không phải mỗi em có suy nghĩ đó, có thể rất nhiều trong những người ngồi đây cũng vậy, nhưng họ dường như ngó lơ và xem như không thấy gì. Đấy, em nhìn đi!"
Ngừng giây lát rồi chị ấy tiếp câu:
"Không phải họ không muốn giúp, đúng hơn là họ sợ. Nhìn gã đàn ông kia, hành động như vậy mà giữa bao nhiêu người ở đây ổng vẫn dám làm. Em thử nghĩ còn chuyện gì mà ông ta không dám. Giờ em ra giúp bà bán vé số rồi nói lí lẽ với ông ta, em nghĩ lời em nói có giá trị với ổng không. Rồi nếu ông ấy quay lại trả thù thì một thanh niên chưa có kinh nghiệm như em phải làm sao, đâu phải lúc nào bên cạnh em cũng có người bảo vệ. Phải tự bảo vệ mình thay vì ngồi đợi sự bảo vệ từ xã hội."
"Nếu vẫn không cam tâm, cứ bình tĩnh. Đợi ông ấy rời xe, rồi khi bà bán vé số đó xuống ở trạm dừng tiếp theo, em cứ làm những gì mà em nghĩ đó là lòng tốt, nếu em muốn."
Thở dài rồi chị ấy nói: "Em cứ suy nghĩ về những gì chị nói, rồi em cũng sẽ hiểu."
Tôi trầm ngâm gật đầu và không nói thêm điều gì...
Và cứ thế gã đàn ông đó ung dung bước xuống xe hả hê với những tờ vé số mà ngỡ là chiến lợi phẩm.
Rồi cũng đến lúc tôi xuống xe, trùng hợp thay thì đây là điểm đến của bà lão tội nghiệp. Tôi chào tạm biệt nữ bác sĩ tương lai rồi rời xe. Chạy nhanh tới chỗ bà lão bán vé số tội nghiệp, tôi định hỏi nhưng dường như bà lão nhận ra được ý định của tôi và cất lời trước: "Bà quen rồi cháu, vé số bà còn nhiều quá, cháu mua giúp bà một tờ"
...
"Thật sự hành động giống như gã đàn ông lúc nãy nhiều đến vậy? Đến nỗi bà lão phải bất lực không thể làm gì và xem như một phần của sinh hoạt thường ngày?... Cứ ai cũng sợ không dám lên tiếng thì hành động này rồi sẽ thế nào?..." Tôi liên tục nghĩ về nó.
Dù tôi không thích vé số nhưng tôi vẫn mua vài tờ ủng hộ cho người bà lão tội nghiệp này. Và rồi cứ từng bước, bà đi khắp nơi để tìm sự giúp đỡ. Nhìn bà rất thương, nhưng đúng thật thì tôi chẳng thể làm gì...
Và thế buổi đi chơi của tôi cứ luẩn quẩn trong đầu những suy nghĩ về những điều diễn ra thường ngày xung quanh bà lão, và cả những người đã chung phận đời giống bà.
Đúng là ở thời hiện đại như bây giờ, chất lượng cuộc sống vẫn bị phân hóa quá mạnh. Và đúng là tôi cứ đi một đoạn ngắn, rất nhiều những người bán vé số hiện trước mắt mình. Cũng có những bé cao chưa qua đầu gối của tôi nữa, người gầy gò, xanh xao, da thì ngâm đen vì cháy do phải mưu sinh dưới cái nắng gắt của Sài Gòn. Có những bé may mắn được trang bị chiếc mũ vành, cũng có những đứa trẻ phải với cái đầu trần mà đội nắng.
Họ thường đi khắp nơi để bán, nhưng thường thấy hơn cả là ở những ngã tư lớn. Tranh thủ những giây ngắn ngủi của đèn đỏ để tìm vận may của mình. Vé số thường không được mua nhiều, có lẽ vì ai cũng nghĩ xác suất trúng không đáng để ta mong đợi. Nhưng có người vẫn mong chờ vào những tờ vé số để đổi đời, và cũng có người cả đời không đυ.ng đến những trò may rủi như này. Mỗi người một suy nghĩ, nhưng hầu hết những người bán vé số đều có chung niềm hy vọng, "bán đến tờ cuối cùng". Vì đó là thu nhập, đó là miếng cơm manh áo, đó là nguồn sống...
Sau một chuyến đi dài, đến giờ cũng đã chiều. Bất ngờ, tôi gặp lại bà lão ban sáng. Bà ấy cũng nhận ra tôi, điều khiến tôi mừng là vì trên tay bà chỉ còn lẻ vài tờ vé số cuối. Đến gần tôi rồi bà cất lời: "Bà còn bốn tờ cuối thôi, cháu giúp bà vài tờ, lần nữa đi.." Nhận thấy sự tha thiết của bà, dù gì tôi cũng dư tiền về. Thế rồi tôi hỏi mua hết bốn tờ cuối. Nhưng tôi chỉ lấy một tờ, ba tờ khác tôi gửi lại bà ấy. Lúc đấy tôi nghĩ: "Biết đâu, ba tờ vé số đấy lại là vận may của bà". Tôi nghĩ đơn giản quá, nhưng tôi vẫn mong điều đấy thành thật để đỡ cho bà ấy phần nào.
Rồi thì bà ấy cũng hoàn thành công việc và quay về chốn ở. Bà lên một chuyến xe buýt khác tuyến đường tôi về. Bà ấy cũng không còn tờ vé số nào, hy vọng bà ấy không gặp tình cảnh như lúc sáng, và mong sao những người trên chuyến xe đấy là người tốt...
Một người ngồi trên xe nhìn xuống và vẫy tay tôi. Là chị sinh viên Y. Thật có duyên, tôi cũng niềm nỡ vẫy chào lại chị. Rồi xe cũng lăn bánh và chậm rãi khuất xa dần tầm nhìn của mình.
Tôi cũng đón một chiếc xe ôm công nghệ để về nhà. Tôi tự hứa nay là lần đầu, và cũng là lần cuối tôi đi xe buýt, tôi không muốn sử dụng phương tiện đấy một lần nào nữa, vậy quá đủ với tôi rồi.
Về đến nhà, tôi tiện tay ném đi cái balo vào góc bàn rồi leo thẳng lên giường nằm vì mệt. Kết thúc một ngày dài, trãi qua những điều thú ví, dằn vặt cho bản thân những suy nghĩ về những phận đời bất hạnh và... "những tờ vé số cuối cùng"....