Lại nói, sau 2 năm không có quốc vương, đến năm 1412, các quý tộc của Aragon đã quyết định nhóm họp để tuyển chọn tân quốc vương. Thế nhưng, hội nghị đã gặp rất nhiều khó khăn “do sự phân kỳ lợi ích giữa các phe phái của giới quý tộc; sự thiếu kiên nhẫn của những người ủng hộ Công tước xứ Urgel; và sự can thiệp của quân đội Castile do Fernando de Trastamare cầm đầu”.
Cuối cùng, Fernando de Trastamare được chọn làm quốc vương, tức Fernando I de Aragon. Thế nhưng, do có sự can thiệp của quân đội Castile, nhiều người đã không thừa nhận kết quả đó, và nhà Anjou vẫn tuyên bố quyền thừa kế của mình là hợp pháp (sau đó có giành lại được ngai vàng trong một thời gian ngắn, nên một số sử gia phương tây vẫn gọi Yolande de Aragon là Queen of Four Kingdom, với 4 vương quốc là Sicily, Jerusalem, Cyprus và Aragon, trong đó Aragon lại kiểm soát cả Majorca, Valencia và Sardinia nên còn có thể xem là 7 vương quốc).
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa xuân tháng 2. Đại Tây hành cung.
Tôn Lương, nguyên là Đô Đốc của Hồng Long phân hạm đội thuộc Tây Dương Hạm đội, sau khi Hải quân cải tổ thì đã được thăng làm Đại đô đốc của Hắc Long Hạm đội, phụ trách khu vực Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, có các căn cứ ở Gibraltar, Cathage và Sinai. Khi Long nhi và Đinh An Bình đến Đại Tây hành cung thì Tôn Lương cũng đến bái kiến, hồi báo tình hình.
Long nhi lúc này đã 13 tuổi. Sau gần 2 năm sinh sống ở Thần Thánh Đế quốc, Long nhi đã nói được ngôn ngữ của Đế quốc, và tính cách của cậu bé khiến cho mọi người đều yêu mến. Trong chính điện, cậu bé ngồi trên bảo tọa, Đinh An Bình ngồi bên cạnh, còn văn thần võ tướng đứng hầu hai bên. Long nhi hỏi :
- Tôn Đại đô đốc. Tình hình Pháp Lan Tây thế nào rồi ?
Cậu bé vẫn quan tâm tình hình Pháp Lan Tây, đặc biệt là Anjou, nhất là khi quân Anjou đã triển khai phản công từ mấy tháng trước. Đại đô đốc Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Điện hạ. Sau trận Agincourt, Pháp Lan Tây quân lực đại giảm, phe Armagnacs suy yếu nhanh chóng, thành Paris rơi vào tay quân Burgundy, các đạo quân Pháp Lan Tây không còn khả năng tiến hành các chiến dịch chống quân Anh Cách Lan nữa. Mùa đông vừa rồi, quân Anjou phản công, chiếm Guyenne, đánh bại Hạm đội Anh Cách Lan, rồi chiếm Calais. Sau đó, quân Anjou huy động thêm 1 vạn dân binh từ Anjou và Maine, lấy vũ khí thu được từ Calais trang bị cho dân binh, rồi tiến chiếm Flanders. Mùa xuân, Hạm đội Angers tấn công thành phố cảng Dover trên đất Anh Cách Lan, tiêu diệt Hạm đội Anh Cách Lan trú đóng ở đó. Còn lục quân đã tăng lên đến 2 vạn rưỡi, liên tục tiến chiếm các lĩnh địa ở duyên hải phía bắc Pháp Lan Tây, nằm ở khoảng giữa Calais và Anjou, như : Artois, Picardie, Eli, Longuevlle, Normandy. Đến lúc này, toàn bộ khu vực bắc bộ Pháp Lan Tây đã do quân Anjou kiểm soát.
Long nhi hỏi :
- Quân Anjou xử lý các lĩnh địa chiếm được như thế nào ?
Tôn Lương nói :
- Đương nhiên là cử người đến cai quản hoặc phân phong cho thuộc hạ. Nam tước Jean de Rais được phong là Bá tước xứ Eli, còn Đô đốc Frederick du Guesclin của Hạm đội Angers được phong làm Tử tước xứ Boulogne. Cả lão Ferdinand Caracciolo cũng được phong làm Bá tước xứ Artois.
Đối với người của Thần Thánh Đế quốc thì việc chiếm đất rồi cử người đến cai trị là chuyện bình thường. Nhưng ở Âu châu, mỗi lĩnh địa đều có chủ nhân, sử dụng vũ lực để chiếm lấy đa phần bị xem là không hợp pháp. Các vương công, quý tộc ở Âu châu mở rộng lĩnh địa hầu như đều bằng cách thừa kế, hôn nhân hay mua lại. Do vậy, Long nhi lo lắng nói :
- Làm thế có vấn đề gì bất ổn không ?
Tôn Lương ngạc nhiên nói :
- Có gì bất ổn đâu ! Đất đai chiếm được, muốn phân phong cho ai hay muốn xử lý thế nào thì đều là chuyện thiên kinh địa nghĩa mà.
Đinh An Bình mỉm cười bảo Long nhi :
- Không sao đâu ! Chỉ cần có sức mạnh, thì làm gì cũng đều đúng cả, không ai dám phản đối. Hơn nữa, quân Anjou chiếm đất từ quân Anh Cách Lan hoặc đồng minh của chúng kia mà.
Đoạn, Đinh An Bình bảo Tôn Lương :
- Phía Anjou có liên hệ với các ngươi không ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Quân Anjou đã mấy lần liên hệ với bọn thuộc hạ để mua thêm đạn dược cho thần công đại pháo. Ngoài ra, sau khi tăng quân số, bọn họ cũng đã 2 lần mua lương thự vũ khí.
Đinh An Bình gật đầu hỏi :
- Được rồi. Thế còn tình hình Napoli và Aragon thế nào ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Ngụy vương Ladislaus de Napoli đã qua đời cách nay 2 năm, chị gã là Joan II de Napoli kế vị. Bà ta thay chồng như thay áo vậy. Năm Tân Tỵ (1401), bà ta kết hôn với Công tước William de Austria (Áo) thì đến năm Bính Tuất (1406) chồng qua đời, bà ta có tình nhân là Pandolfello Alopo. Đầu năm ngoái, Bà ta vừa đính hôn với John de Aragon, con trai của Fernando I de Aragon, thì sang tháng sau đã chia tay ngay để đến cuối năm kết hôn với James de Bourbon, Bá tước xứ La Marche, nhằm nhận được sự hỗ trợ của triều đình Pháp Lan Tây. Thỏa thuận hôn nhân quy định rằng sau khi kết hôn, Joan II de Napoli phải phong cho James de Bourbon danh hiệu Vương tử xứ Taranto. Tuy nhiên, Joan II de Napoli đã thất hứa. Không nhận được danh hiệu như thỏa thuận, James de Bourbon đã gϊếŧ chết Alopo và buộc Joan II de Napoli phải nhường ngôi cho mình, sau đó giam giữ bà ta trong phòng riêng ở vương cung. Có điều, hành vi của James de Bourbon bị giới quý tộc và dân chúng Napoli căm ghét. Hiện tại, dân chúng Napoli đang chuẩn bị nổi dậy.
Nếu không có sự xuất hiện của Thần Thánh Đế quốc thì theo đúng lịch sử, cuộc nổi dậy sẽ bùng nổ trong năm nay (1416), James de Bourbon sẽ bị lật đổ và Joan II de Napoli được phục ngôi. Đến năm 1418, James de Bourbon rời Napoli trở về lĩnh địa của mình ở Pháp Lan Tây. Năm 1423, Alfonso V de Aragon tấn công Napoli, Joan II de Napoli phải chạy sang Aversa. Tại đó, bà ta gặp Louis III de Anjou, và nhận Louis III de Anjou làm người thừa kế. Năm 1424, Joan II de Napoli khôi phục được ngai vàng, và Louis III de Anjou đến sống tại một trong các lĩnh địa của mình là Calabria, chờ được nối ngôi. Có điều, Louis III de Anjou qua đời vào 10 năm sau đó, và không có con. Quyền thừa kế thuộc về Réne de Anjou, em trai của Louis III de Anjou. Joan II de Napoli qua đời vào 1 năm sau, và Réne de Anjou trở thành quốc vương Napoli.
Giờ đây, Louis III de Anjou đã trở thành Long nhi, Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, và Đế quốc đang chuẩn bị kinh lược Đại Tây chư quốc, khôi phục các tước vị mà Long nhi đang có. Đinh An Bình quay sang hỏi Long nhi :
- Điện hạ hiện đang có những tước vị nào ?
Long nhi suy nghĩ giây lát, rồi đáp :
- Quốc vương Napoli, Quốc vương Sicily, Quốc vương Aragon, Quốc vương Cyprus.
Tôn Lương nói thêm :
- Nếu vậy thì Điện hạ còn là Quốc vương Majorca, Valencia, Sardinia và Corsica; Công tước xứ Atens và Neopatria; Bá tước xứ Barcelona , Roussillon và Cerdanya. Đó là những vương quốc và lĩnh địa thuộc quyền sở hữu của Quốc vương Aragon.
Đinh An Bình lại nói :
- Joan II de Napoli cũng là thành viên của vương tộc Hungary thì phải ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Charles III de Napoli, cha của Ladislaus de Napoli, người đã cướp ngôi quốc vương Napoli của Louis I de Anjou, từng là quốc vương Hungary. Sau khi ông ta qua đời thì Mary de Hungary kế vị ngôi quốc vương Hungary, và Ladislaus de Napoli kế vị ngôi quốc vương Napoli, rồi sau đó Joan II de Napoli đã kế ngôi của Ladislaus de Napoli.
Nghe nhức đầu quá, Đinh An Bình khẽ lắc đầu, nói :
- Tóm lại là Điện hạ cũng có đủ lý do để phát động chiến tranh với Hungary.
Tôn Lương gật đầu nói :
- Vâng ạ. Không chỉ Hungary, kể cả Bourbon, Aragon, Castile và Navarre.
Đinh An Bình hỏi :
- Tình hình Aragon thế nào ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Sau khi Fernando I de Aragon lên ngôi thì tình hình Aragon vẫn ổn định. Cả Aragon và Castile tuy hai mà một, bởi Fernando I de Aragon vừa là quốc vương Aragon, vừa là nhϊếp chính của Castile. Nữ vương Castile là chị dâu của gã. Tháng trước, thuộc hạ sai người mang thư sang yêu cầu gã trả lại ngai vàng cho Điện hạ, nhưng đã bị từ chối.
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Rất tốt. Thế thì ta có lý do động binh với cả Castile. Tôn Đại đô đốc.
Tôn Lương vội ứng tiếng vâng dạ, cung kính chờ lệnh. Đinh An Bình truyền lệnh :
- Tập trung chiến hạm, phong tỏa vùng duyên hải Napoli, Sicily và Aragon. Vận hạm chuẩn bị sẵn sàng.
Tôn Lương cung kính nhận lệnh. Đinh An Bình lại gọi :
- Vương Nguyên, Triệu Quý Thường, Ngô Trấn Quốc, Lý Xương Văn.
Cả bốn người này đều là Tướng quân, thống lĩnh các đạo quân Chiêu Viễn, Chiêu Đức, Bảo Tiệp, Linh Tiệp. Quân chế của Đế quốc : 10 người thành 1 đội, có Đội trưởng; 10 đội thành 1 đoàn, có Thống lĩnh; 10 đoàn thành 1 vệ, có Vệ úy; 10 vệ thành 1 sư, có Hiệu úy; 3 sư thành 1 quân, có Tướng quân. Tướng quân có thể là Thiên Tướng quân, Tả Tướng quân, Trấn Bắc Tướng quân, Chinh Bắc Tướng quân, Thảo Nghịch Tướng quân, Chiêu Đức Tướng quân, Kiêu Kỵ Tướng quân, Long Nhương Tướng quân, …
Nghe gọi, cả bọn bước ra cung kính chờ lệnh. Đinh An Bình truyền lệnh :
- Hai đạo Chiêu Viễn, Bảo Tiệp tiến chiếm Napoli, Ngô Trấn Quốc làm chính, Vương Nguyên làm phó; hai đạo Chiêu Đức, Linh Tiệp tiến chiếm Sicily, Lý Xương Văn làm chính, Triệu Quý Thường làm phó.
Cả bọn cung kính nhận lệnh. Đinh An Bình lại truyền lệnh cho quan lại các tỉnh chuẩn bị lương thực vật tư hỗ trợ đại quân.
Có thể bà con chưa biết :
Danh hiệu quý tộc ở Âu châu
Danh hiệu quý tộc ở Âu châu có cấu trúc giống nhau :
Liên từ là ‘of’ trong tiếng Anh, ‘de’ trong tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ‘di’ trong tiếng Ý, ‘von’ trong tiếng Đức, ‘van’ trong tiếng Hà Lan, …
Ví dụ : Công tước Louis II xứ Anjou, Duke Louis II of Anjou, Duché Louis II de Anjou, Duca Luigi II di Angiò, Herzog Ludwig II von Anjou, Hertog Lodewijk II van Anjou, …
Những lĩnh địa không phải là vương quốc, công quốc độc lập thường được gọi là ‘xứ’, ví dụ : xứ Wales.
Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của giới quý tộc Âu châu. Trong các cung đình thường sử dụng tiếng Pháp. Từ chiến tranh thế giới thứ nhất đến chiến tranh thế giới thứ hai, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng (nói giọng Mỹ sẽ bị xem là nhà quê). Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tiếng Mỹ thay thế vai trò của tiếng Anh (nói giọng Mỹ mới sang).