Lại nói, sau khi Phương Chính chạy thoát, quân Minh tan vỡ càng nhanh hơn. Phạm Thế Căng cũng truyền quân nhanh chóng giải quyết trận chiến. Quân Nam không trực tiếp hỗn chiến mà đứng bên ngoài bắn tên. Tên bay đầy trời. Quân Minh thương vong vô số. Lớp bị chết, lớp bị thương, lớp bị bắt, lớp đầu hàng. Chỉ có chưa đến 3.000 quân chạy thoát được, hoảng loạn tháo chạy về hướng thành Thiên Trường. Số này sở dĩ chạy thoát được cũng là do Phạm Thế Căng cố ý thả cho đi.
Cũng lúc này, tại một ngôi làng cách thành Thiên Trường không xa, có hai thanh niên đang ngồi uống rượu chuyện trò, cùng thảo luận quốc gia đại sự. Cả hai tư chất văn nhã, thần thái cao quý, rõ ràng xuất thân từ dòng dõi cao quan vọng tộc. Một người đưa mắt dõi nhìn về phía bắc, khẽ thở dài than :
- Giặc Ngô hại nước, biết bao giờ mới có vua hiền, cứu dân trong vòng nước lửa.
Người kia chợt hỏi :
- Nguyễn huynh thấy Phạm tướng quân thế nào ?
Người họ Nguyễn lắc đầu nói :
- Là tướng giỏi, nhưng không biết tâm tính thế nào.
Người kia gật đầu nói :
- Phạm tướng quân là đệ nhất danh tướng của Đại Việt ta, trước có công bình Chiêm, sau giữ yên Nam Trấn. Ngày trước ta còn nghĩ Phạm tướng quân là người trung nghĩa. Trong khi giặc Chiêm hoành hành, triều đình nguy cấp, nhiều đại tướng và tôn thất đã theo hàng giặc Chiêm thì Phạm tướng quân vẫn một lòng chiêu tập dân binh theo triều đình chống giặc. Thế nhưng, khi Quý Ly soán vị, Phạm tướng quân không có ý kiến gì. Khi giặc Ngô sang, Phạm tướng quân cũng không tỏ thái độ. Khi đức Giản Định Đế và Trùng Quang Đế khởi binh, Phạm tướng quân cũng không ủng hộ. Thậm chí khi đức Trùng Quang Đế thất thế, xin với Phạm tướng quân mở cửa ải để lánh về phương nam cũng bị từ chối. Rồi giờ đây Phạm tướng quân lại bộc phát, chỉ trong vài tháng đã bình định được một khu vực còn rộng lớn hơn đức Giản Định Đế lúc trước. Trong tay chỉ có 6 vạn quân mà cả Mộc Thạnh, Trần Trí, Phương Chính đều không phải đối thủ. Xem ra Trương Phụ cũng không khá hơn, nếu không đã xuất binh quyết chiến chứ đâu có giữ thế thủ chờ viện binh như lúc này.
Người họ Nguyễn nói :
- Ta càng lúc càng nhìn không thấu Phạm tướng quân. Nhưng theo như hịch văn, Phạm tướng quân có vua hiền để phò tá. Chẳng phải hịch văn có câu “Vâng Đế quốc Thánh hoàng mật chỉ” đó sao ? Chỉ không biết vị vua hiền đó là người thế nào ?
Người kia hỏi :
- Chúng ta đi gặp Phạm tướng quân chứ ?
Người họ Nguyễn nói :
- Bấy lâu nay chúng ta du lịch khắp nơi, chưa tìm thấy ai xứng đáng là vua hiền cả. Dù sao đây cũng là cơ hội.
Người kia gật đầu nói :
- Cũng phải.
Người họ Nguyễn lại nói :
- Ta xem trận chiến này như là một cơ ngộ đi. Khi nào Phạm tướng quân chiếm được Thiên Trường, chúng ta sẽ đến bái kiến. Dù sao Thiên Trường cũng là đất tổ của nhà huynh. Thiên Trường được giải phóng, cũng là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại.
Người kia nhìn ra ngoài trời, nói :
- Gió lên rồi.
Hai người họ đang yên lặng trầm tư, đột nhiên có một người hối hả chạy vào, vừa thở dốc vừa nói :
- Công tử. Công tử. Giặc Ngô nhân đêm tối đến cướp doanh trại quân ta, đại bại. Mấy vạn giặc Ngô chỉ có vài nghìn chạy thoát.
Cả hai giật mình sửng sốt, đồng bật dậy, nói :
- Đi. Chúng ta đi xem thử.
…
Nói về quân Minh do Phương Chính cầm đầu cuống cuồng tháo chạy. Quân Nam đuổi theo ở xa xa phía sau. Tiếng trống trận thùng thùng, tiếng hò reo vang dậy càng làm cho quân Minh thêm hoảng loạn. Phạm Thế Căng cho quân chậm chậm từ từ đuổi theo đằng sau, cố ý bức quân Minh chạy vào trong thành Thiên Trường.
Phương Chính cùng chúng sĩ tốt chạy đến trước cửa thành, lớn tiếng gọi thủ quân mở cửa :
- Quân đâu. Mau mở cửa.
- Ngươi, ngươi, ngươi nữa. Nhanh lên.
- Quân Nam sắp đuổi theo đến nơi rồi kìa.
- Có mau mở cửa không ? Còn chần chừ, đợi bản tướng quân vào thành rồi sẽ chém đầu các ngươi.
…
Cửa thành mở ra, quân Minh tranh nhau chạy vào bên trong. Chỗ cổng thành hỗn loạn vô cùng. Binh lính thủ thành liên tục thúc giục bại binh nhanh chóng vào thành, kẻo quân Nam đuổi đến. Mộc Thạnh ở trên thành lâu nhìn thấy cảnh đó, chỉ khẽ lắc đầu thở dài. Không ngờ quân Nam cũng có người giỏi mưu lược. Kế hoạch cướp doanh hoàn hảo như thế mà lại gặp phải cảnh thảm bại thế này, 4 vạn rưỡi đại quân chỉ chạy thoát được có vài nghìn. Thật là trời chẳng phù hộ Thiên triều a. Còn việc quân Nam đuổi tới, Mộc Thạnh cũng không lo lắm, bởi đối phương hãy còn xa, mà số quân Minh ở ngoài thành chỉ còn chưa đến hơn nghìn, chỉ lát nữa thôi là có thể vào hết và cửa thành có thể đóng lại.
Đột nhiên …
Oanh. Oanh. Oanh …
Nghe tiếng đại pháo nổ vang, quân Minh đều cả kinh thất sắc. Mộc Thạnh cũng giật mình. Hiện tại trong số tất cả quân Minh ở đây chỉ có một nhóm người không giật mình, cũng không kinh hãi. Đó là đám thủ quân đang trấn giữ ở cổng thành và số bại binh còn sót lại ở dưới thành môn. Bọn họ không giật mình kinh hãi, bởi vì đã không còn cơ hội nữa. Đạn pháo bắn ngay vào giữa cổng thành, khiến gần trăm người đang chen chúc ở đó tử thương gần hết.
Tiếp đó, lại có thêm nhiều loạt đạn pháo liên tiếp rải lên tường thành, uy hϊếp thủ quân không dám ló đầu lên. Còn ở thành môn, vẫn có từng loạt, từng loạt đạn pháo bắn vào đó, ngăn không cho thủ quân đóng cổng thành lại. Phía quân Nam, Phạm Thế Căng đã cho chuẩn bị trận địa thần công đại pháo từ trước, ngắm vào mục tiêu sẵn sàng, nên khi phát xạ cũng tương đối tinh chuẩn.
Đạn pháo bắn được một lúc thì ngừng lại. Nhưng quân Minh trong thành chẳng thấy nhẹ nhõm chút nào, bởi bọn họ phát hiện quân Nam nhân lúc bọn họ lo ẩn nấp đạn pháo đã xông đến chiếm lĩnh thành môn, và hiện đang tràn vào trong thành. Mộc Thanh thở dài, dẫn tàn quân mở cửa phía bắc rút chạy. Cổng thành đã bị chiếm, quân Nam có đến 6 vạn, trong khi quân Minh kể cả đám bại binh chỉ còn lại chưa đến 8.000, chênh lệch quá lớn, dù quân Minh có sĩ khí ngút trời cũng không thể nào chống cự nổi, đừng nói lúc này vừa mới bại trận, sĩ khí giảm sút nghiêm trọng. Biết sự tình vô vọng, Mộc Thạnh không bao giờ miễn cưỡng làm.
Mộc Thạnh đã bỏ thành rút chạy, Phạm Thế Căng nhanh chóng kiểm soát được Thiên Trường, dời đại bản doanh vào trong thành và tiến hành an dân, đồng thời phân phái các tướng lĩnh dẫn quân đi chiếm lĩnh các nơi khác. Thiên Trường đại bại, quân Minh giờ chỉ còn lại một lực lượng ít ỏi ở Thăng Long. Phạm Thế Căng nhân đó phái Trương Hổ dẫn 1 vạn quân đi chiếm lĩnh Quốc Oai, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đái (Bạch Hạc), Tuyên Quang để chặn đường viện binh của quân Minh ở Vân Nam sang; lại phái Cầm Huy dẫn 1 vạn quân đi chiếm lĩnh Kiến Xương, Tân Hưng, Thượng Hồng (Bình Giang), Hạ Hồng (Ninh Giang), Bắc Giang, Lạng Giang để chặn đường viện binh của quân Minh ở Lưỡng Quảng sang. Đích thân Phạm Thế Căng sẽ dẫn 4 vạn quân còn lại đi đánh Thăng Long. Đồng thời, truyền thư cho Phạm Đống Cao ở Nghệ An mang dân binh ra giúp.
Giữa lúc Phạm Thế Căng đang bận lo chỉnh đốn quân đội, chuẩn bị tiến đánh Thăng Long thì có tùy tướng vào báo :
- Tướng quân. Quân ta bắt được hai người hình tích khả nghi. Bọn họ bảo là từ Thăng Long vào đây bái kiến Tướng quân.
Phạm Thế Căng ngẫm nghĩ giây lát, rồi gật đầu nói :
- Có lẽ là hiền sĩ của Đại Việt ta. Mời bọn họ vào đây.
Lát sau, tùy tướng dẫn hai thanh niên khí chất văn nhã đi vào. Phạm Thế Căng nhìn hai người họ một lượt. Cả hai ước hơn ba mươi tuổi, một có phong thái thư sinh, còn người kia tuy văn nhã, nhưng thần thái nghiêm nghị, có tư chất tướng môn hổ tử. Cả hai hướng vào Phạm Thế Căng thi lễ, nói :
- Trần Văn, Trần Vũ bái kiến Phạm tướng quân.
Phạm Thế Căng khẽ gật đầu nói :
- Hai ngươi chờ một lúc. Bản tướng giải quyết quân vụ xong rồi chúng ta sẽ đàm đạo.
Cả hai người vâng dạ, ngồi vào ghế ở mé dưới. Viên tùy tướng gọi người dâng trà. Phạm Thế Căng lại tiếp tục phê duyệt báo cáo quân tình. Còn hai người mới đến lại chú ý quan sát Phạm Thế Căng. Càng quan sát, cả hai lại càng cảm thấy hồ đồ. Phạm Thế Căng tuy có đại tướng phong phạm, khí thế bất phàm, nhưng không có vẻ gì là trí tướng. Thế mà trận đánh tối quá, chiến sự oanh oanh liệt liệt, quân Nam đại thắng, tiêu diệt gần 4 vạn rưỡi quân Minh, trong khi bản thân thiệt hại chưa đến 1 nghìn, phải nói là chiến quả huy hoàng.
Hai người bọn họ tối qua khi nghe gia nhân báo tin chiến sự, lập tức chạy ngay đến gần chiến trường quan sát tình thế. Thời gian đi lại cũng chỉ mất hơn canh giờ, vậy mà khi cả hai đến nơi thì Phạm Thế Căng đã vào thành rồi. Chiến lực và hiệu suất của quân Thuận Hóa khiến cả hai đối Phạm Thế Căng càng thêm kính ngưỡng. Trước giờ, cả hai chỉ biết Phạm Thế Căng được tôn xưng là Đại Việt đệ nhất danh tướng, còn họ Phạm giỏi thế nào thì chưa nghe ai nói đến, chỉ biết rằng trận chiến nào có Phạm Thế Căng tham gia đều giành thắng lợi, vắng mặt Phạm Thế Căng, đa số thất bại, hoặc chinh chiến vô công. Thậm chí có người còn gọi Phạm Thế Căng là ‘phúc tướng’. Điều này, cả Phạm Thế Căng cũng không ngờ đến.