Chương 6

Đám lính xồng xộc chạy ra dàn thành hàng, đứng im như tượng. Hoàng Phúc quát khẽ viên cai ngục một tiếng, gã liền vội vã cầm chìa khóa chạy tới tháo gông cùm trên người Nguyễn Trãi. Y cắn răng nén đau mà ngồi thẳng dậy, hơi nghiêng mình cúi chào. Hoàng Phúc ngồi xuống chiếc ghế mà lính canh vừa mang tới, vẻ mặt niềm nở:

- Chớ vội, tiên sinh cứ ngồi đấy. Tôi cho người theo dấu tiên sinh khắp nơi, nay mới có vinh dự được hội ngộ.

- Không dám, do quan Tổng binh và quan Thượng thư đã đánh giá tôi quá cao thôi.

Hoàng Phúc bật cười:

- Vừa qua tôi có dịp công cán đi qua vùng Nam Quan, mới thấy sông núi nước Nam cũng kì vĩ không kém gì Trung Nguyên, cũng tỏ tường rằng vùng này cũng không ít nhân tài. Ngặt nỗi bắc nam bờ cõi phân mao, khó lòng cùng chung chiến tuyến, thật lấy làm tiếc thay. Trước cảnh non xanh suối biếc như thế, cũng muốn học theo tiền nhân (1), đóng một cột đồng nơi biên ải mà ghi lại thời khắc ấy, tiên sinh thấy sao?

(1). Mã Viện cho dựng cột đồng ở Cổ Sâm. Trên trụ đó có khắc sáu chữ Hán: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (銅柱折,交趾滅) (Cột đồng mà gãy, Giao Chỉ sẽ diệt vong).



Nghe vậy, ánh mắt Nguyễn Trãi tối lại một thoáng.

- Thật là một việc làm sâu xa lắm.

- Ồ, sao lại sâu xa?

Nguyễn Trãi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Hoàng Phúc, cười nhạt:

- Đại nhân muốn học theo Mã Viện tướng quân khi xưa, định đóng cột mốc đánh dấu chiến công bình định lẫy lừng của mình trên đất Việt chăng? Hay phải nói lại là, đại nhân muốn cảnh cáo con dân Đại Việt chúng tôi rằng đừng mơ tưởng tới việc nổi dậy phản kháng, chống không nổi quân thiên triều đâu. Nếu mà còn không biết tự lượng sức, lấy trứng chọi đá, thì khi ấy ngọc đá cùng nát, chết không có chỗ chôn.

Sắc mặt Hoàng Phúc có vẻ không vui, chú ý đến những vết hằn đỏ dần chuyển sang tím do gông cùm, xiềng xích để lại trên người Nguyễn Trãi, thế mà trông ánh mắt kia như có lửa, rõ ràng không có cảm giác áp bức, mà vẫn khiến người ta kiêng dè khi tới gần. Khác với Trương Phụ, Hoàng Phúc và Nguyễn Trãi đều là người theo Nho học, thế nên hắn tự hiểu mình sẽ phải làm quen dần với tính nết của người mình vừa giận, vừa kính kia.

- Ta cũng hiểu được vì sao Trương Phụ lại nổi giận rồi.

- Tôi cũng chỉ là tên thư sinh trói gà không chặt, sao dám để quan Thượng thư bận lòng?

- Không, Trương Phụ trước nay không tốn thời gian đích thân đi tra khảo như vậy đâu. Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân (2) cũng xuất thân là văn sĩ cả thôi, vậy mà một bài thơ của Đặng Dung cũng đủ xui dân toàn cõi An Nam nổi dậy rồi. Nhất là hai câu này “Giúp chúa những mong xoay thế cục/ Rửa binh khôn kéo nổi ngân hà.”

(2): Những danh tướng dưới trướng hai vua Hậu Trần.

Đây là bài thơ “Cảm hoài” của danh tướng Đặng Dung làm trước khi chết, được mọi người truyền tụng, cũng bởi thấu được tâm trạng hùng tráng nhưng bi thương của người anh hùng mất nước khi ấy. Nguyễn Trãi lắng nghe với vẻ lơ đãng:

- Đó chỉ là lời than thở của một kẻ mất nước mà thôi, có gì mà đáng sợ?

Hoàng Phúc chăm chú nhìn dáng vẻ thư sinh không chút nguy hại của y, dò xét:

- Một ngọn bút mà sánh tựa mười vạn hùng binh, hôm nay gϊếŧ một Đặng Dung thì lại có cả ngàn Đặng Dung khác đứng lên chống lại Minh triều, Trương Phụ muốn gϊếŧ ngài là phải. Tôi hiểu rất khó để ngài nhận lời ngay được, nhưng vừa rồi Trương Phụ giận giữ tới mức nào ngài cũng biết đấy. Nếu không phải tôi thì không ai dám can ngăn đâu.

Thấy Nguyễn Trãi yên lặng, Hoàng Phúc bèn lựa lời:

- Tiên sinh vốn là người xuất thân danh gia vọng tộc, tại sao cứ phải để mình chịu lấy giày vò như vậy? Tôi là người có mắt nhìn nhân tài, biết tiên sinh là người con có hiếu. Hiện tại chắc cha và em trai ngài đang làm quan ở Yên Kinh, hưởng ân điển của triều đình. Thế nên tôi muốn mời ngài giúp cho nhân dân An Nam này thoát khỏi cảnh binh lửa chiến tranh, thế nào?

Nguyễn Trãi dựa người vào bức tường phía sau, lòng bàn tay đã siết chặt tới những đường gân xanh đều nổi lên, bỗng nhiên cảm thấy thật nực cười. Những căm tức lẫn uất hận cứ trào lên khiến y không thở nổi, nhưng gương mặt vẫn bình lặng không lộ rõ cảm xúc, bình lặng như mặt nước Da^ʍ Đàm (Hồ Tây) vào thu:

- Đại nhân cho rằng việc đánh dẹp nước Nam có phải việc lớn không?

- Nếu không phải thì tại sao thiên tử lại phái nhưng bậc văn võ đầu triều sang trấn thủ chứ?

- Ta trộm nghĩ muốn làm việc lớn thì nên lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Các ngươi nhân việc họ Hồ lỗi đạo mà sang xâm lược đất nước ta, gϊếŧ hại nhân dân ta, khiến cho khắp thôn cùng xóm vắng không thể yên sống. Đó là nhân nghĩa hay sao?

Nụ cười trên gương mặt Hoàng Phúc bỗng chốc vụt tắt, nhưng vẫn không nổi giận mà như đang trầm tư suy nghĩ điều gì đó. Lương Nhữ Hốt đứng hầu bên cạnh thấy thế bèn ghé vào tai Hoàng Phúc nói vài câu, chờ Hoàng Phúc gật đầu cho phép mới bước lại gần Nguyễn Trãi:

- Người ta hay nói kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Ngươi phải hiểu họ Hồ là bè lũ cướp ngôi gϊếŧ vua, dân chúng khắp nơi đều căm hận không chịu quy phục. Nay Đại Minh đưa quân sang đây chính là nối lại dòng đã tuyệt, phục hưng lại họ Trần, lại còn cho xây dựng lại Hàn Lâm viện, Quốc Tử Giám. Nếu ngươi còn là con cháu họ Trần thì tại sao không biết dốc lòng phù trợ chứ?

Nguyễn Trãi bật cười:

- Thái bình? Hay cho thứ thái bình còn nhuốm mùi máu tanh! Các ngươi mở miệng là nói "Phù Trần", mà các ngươi tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu, bắt dân ta nay dòng lưng mò ngọc, mai đãi cát tìm vàng, xây thành đắp đất. Các ngươi bỏ mặc con dân Đại Ngu đói khổ lầm than, người chết như ngả rạ. Đấy, các ngươi phù Trần như thế ấy!

- Nguyễn Trãi! Hoàng Phúc đại nhân đã nói hết nước rồi đấy, ngươi đừng có không biết điều.

- Kẻ không biết điều chỉ có ngươi. Bọn gian tà bán nước cầu vinh cũng chỉ có ngươi. Còn dám mở miệng nói việc phù Trần?