- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Xuyên Không
- Đông A Nông Sự
- Chương 42: Nông thôn mới
Đông A Nông Sự
Chương 42: Nông thôn mới
Về đến Lê phủ, Lê Văn Hưu và Lão Đinh báo tin vui với mọi người. Đỗ lão thái thái mặt mày rạng rỡ. Nói hôm nay phải mừng Minh Tự Hoàng Bách, bày một bàn tiệc lớn. Đám Đinh Đang và Đinh Nhu thì chả hiểu chuyện gì, chỉ biết Bách được phong thưởng gì đấy.
Bách về phòng nghỉ được một lúc thì có tiếng gõ cửa. Hắn mở cửa thì thấy Đinh Tú, nàng hôm nay ăn mặc rất đẹp, một thân áo lụa vàng nhạt, tóc vấn cao, tay cầm quyển sách nhỏ:
- Có chuyện gì?
Chưa nói gì thì nàng đưa ra một cuốn sổ, mắt hấp háy:
- Viết cho ta câu cổ viên phương đồ và câu cổ khuyếch phương đồ!
- Vô công bất thụ lộc, cô làm gì mà ta phải cho cô?
- Honey! Đừng như thế mà, lúc ngươi cần gì thì cứ sai bảo, ta sẽ làm.
Nàng dạo gần đây đã phát hiện ra một việc, tên này mềm nắn, rắn buông. Nếu vô lý đòi hỏi thì không hiệu quả, nhưng nịnh nọt một chút là hắn sẽ đồng ý. Đặc biệt cứ gọi cái tiếng kỳ quái Honey kia là tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Bách chợt nghĩ đến một việc, bèn nói:
- Được rồi! ta sẽ viết cho cô. Nhưng một hai hôm nữa ta sẽ có việc cần đến tính toán, cô phải giúp ta hoàn thành.
- Nhất định rồi! Honey yên tâm.
Bách dẫn nàng vào phòng, đặt sách lên bàn để viết, lại nghĩ đến một việc. Bèn quay lại nói:
- Ta dạy cô một số ký tự nhập môn toán học, cô có học hay không?
- Ký tự toán học, có công dung gì?
- Công dụng nhiều lắm, nhưng công dụng tốt nhất là ít tốn giấy. Cô là người học toán có thấy cách viết số của chúng ta quá phức tạp không?
- Cũng có! Nhưng từ xưa đến nay ai cũng viết thế, làm sao thay đổi được.
- Khi mọi người thấy nó tiện dụng thì không cần dạy, người ta sẽ tự dùng thôi. Cách viết này của ta sẽ làm cho cô dễ dàng học toán học kiểu mới của ta hơn đấy.
- Vậy thì được!
- Cô lại đây, chúng ta bắt đầu bằng ký tự. Đây là nhất viết như thế này, nhị như thế này …
Bách dạy nàng các ký tự số đếm A rập và ký tự toán học hiện đại. Nàng là người thông minh, chỉ một thoáng là hiểu, cũng thấy ngay lợi ích thần kỳ của nó. Các cách đặt phép cộng, trừ, nhân, chia đơn giản cũng chỉ mất 1 canh giờ là hiểu. Nhưng Đinh Tú là điển hình của kiểu qua cầu rút ván. Nàng lấy được bản viết, lại học xong các ký tự là cuốn gói ngay, có lẽ nàng còn cần thời gian tiếp thu những kiến thức này nên không thèm liếc Bách một cái.
Tối đó Lê phủ lại bày tiệc, nhưng khác với lần trước, Đỗ lão thái thái nói là mừng Bách được phong tước Minh Tự, theo lệ phải mừng mâm cỗ bát với tổ tiên. Chỉ hiềm là hắn chẳng biết tổ tiên, chẳng có bài vị mà cúng bái. Bà thương lắm, nói lần này bày tiệc cho mà biết, sau này thành gia lập thất, cần nghi lễ nghiêm chỉnh ở trang viên. Chiều tối gia nhân nấu xong, đúng với danh tự cỗ bát. Mâm cơm gồm 8 bát và 8 đĩa chính. Tám bát là bát măng lưỡi lợn hầm châm giò, canh bóng bì, mực nấu, nấm thả, vây cá thủ, chim hầm, gà tần và miến nấu lòng gà. Tám đĩa được xếp quanh mâm cỗ, đĩa nọ xen đĩa kia, gồm gà luộc, gà nướng, giò lụa, chả quế, giò thủ, cá kho, lạp xưởng, thịt kho. Đỗ lão thái thái còn tự tay bày biện, dặn dò đủ điều, lại chỉ vào đĩa thịt kho nói đã vào mùa hạ nên thay thế chứ khi se lạnh thì phải dùng món thịt đông mới là đúng mâm cỗ bát.
Bách thầm cảm động, mâm cỗ này đâu chỉ là để ăn, nó còn bao hàm bao nhiêu tình cảm đầm ấm trong đấy. Bách đứng dậy, chắp tay cảm tạ Đỗ lão thái thái, lại kính rượu Đinh lão, rồi mời hai vợ chồng Lê Văn Hưu và Nguyễn Thị. Mọi người ăn uống vui vẻ, được một lúc thì Đỗ lão thái thái nói:
- Như vậy Tiểu Bách cũng sẽ thành gia ở trấn Quốc Oai, nơi này không xa không gần, đi đến Đinh gia cũng tiện mà về Kinh cũng tiện. Nhưng con người không thể quên gốc gác, các ngươi cũng phải nghe ngóng xem sao. Nếu tìm được gia quyến để nhận tổ nhận tông thì không có gì tốt hơn. Ngươi nay lại là Minh Tự, cũng xem như thành đạt, nhưng mới là tiểu hộ thôi. Có nuôi được trăm nhà trong trang viên kia không cũng là vấn đề, chứ chưa nói đến thu thuế của họ. Văn Hưu có biết tình hình trang viên kia không?
Lê Văn Hưu cũng đã nghe ngóng việc này:
- Thưa mẹ, năm trước nhà Tống xâm phạm, quân ta cự nhau với chúng, đánh trận lớn ở Bình Lệ Nguyên. Thái Thượng Hoàng phải rút quân theo đường thuỷ. Quân Nguyên thuận thế đuổi theo, tàn phá hai bên vùng Bình Lệ Nguyên và Quốc Oai này. Theo con được biết là dân cư đã trở lại an cư nhưng còn thưa thớt lắm. Trang viên này trước phong cho thân tín của Vũ Thành Vương là Triệu Cự, nay hắn đã bị bắt lại chém đầu nên phong cho Hoàng Bách, nhưng e là cũng xơ xác đi nhiều lắm.
Đỗ lão thái thái nghe thế thì thở dài, Đinh lão cũng lấy làm lo lắng, Bách vội nói:
- Không sao đâu, có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Cháu sẽ có cách làm cho thôn trang trù phú.
Lê Văn Hưu cũng tin tưởng nói:
- Với tài năng của đệ thì ta cũng không nghi ngờ, nguyên giống lúa và cách canh tác mới cũng đã giúp ích nhiều rồi. Nay lại xin thêm được 100 quân Trạo Nhi nữa thì không khó.
- Đấy chỉ là một phần thôi, để thôn trang trù phú đâu phải chỉ việc ăn no.
- Vậy theo đệ một thôn trang trù phú cần những gì?
- Khi xưa đệ nghe sư phụ nói, quốc gia của người đã thành công trong việc xây dựng các thôn trang trong cả nước. Để đánh giá một thôn trang có thành công hay không, người không nghe bọn quan lại địa phương báo cáo mà đề ra cái gọi là 19 tiêu chí, thôn làng nào tự tin đã thành công, người sẽ cho bộ phận chuyện trách xuống đánh giá, chấm điểm theo 19 tiêu chí ấy. Đạt đủ điểm mới thành công. Thôn làng nào đạt được chuẩn thôn trang sẽ được vinh danh, quan lại nơi ấy được trọng dụng, cũng từ đó càng đầu tư nhiều hơn cho thôn làng. Việc này tạo ra sự ganh đua giữa các làng, tự họ càng ngày sẽ càng gắng sức làm tốt hơn.
- 19 tiêu chí ấy là gì?
- Không nhất định là 19 tiêu chí, chỉ là do phù hợp với đất nước đấy thôi, có thể ở nước ta chưa phù hợp. Nhưng có 10 tiêu chí có thể áp dụng ngay: Quan lại phải có quy hoạch của làng xã mình, biết đất ở đâu sẽ làm gì, là điều đầu tiên, trong làng cần có đường công cộng thuận tiện đi lại mọi chỗ, là điều thứ hai, hệ thống tưới tiêu được đảm bảo đủ để canh tác cây trồng, là điều thứ ba, có thầy đồ dạy học, là điều thứ tư, có lang y, là điều thứ năm, có dịch trạm, là điều thứ sáu, có chợ, là điều thứ bảy, có sân chung cho dân làng sinh hoạt, là điều thứ tám, trong làng cứ 10 người phải có 9 người không bị đói, là điều thứ 9. Còn một điều cuối cùng, bọn quan lại sợ nhất, huynh có biết là gì không?
- Là gì?
- Bọn quan lại trong làng phải đoàn kết, nếu có khiếu kiện là không đạt?
- Điều này để làm gì?
- Huynh tự nghĩ đi!
Lê Văn Hưu ngẩn ra một lúc, vỡ lẽ ra, vỗ đùi đánh đét một cái:
- Cao minh, người nghĩ ra những tiêu chí này quả là cao minh.
Hai người đang bàn luận sôi nổi thì Đỗ lão thái thái khẽ gắt:
- Hai người các ngươi làm gì vậy, khi ăn cơm còn bàn chuyện này làm gì, thật mất cả hứng.
- Không nói nữa, không nói nữa. Ta mời đệ một ly, từ này trước triều đường phải gọi là Minh Tự Hoàng Bách rồi.
- Không dám! Xin mời đại ca.
- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Xuyên Không
- Đông A Nông Sự
- Chương 42: Nông thôn mới