🖼️ Chương này có nội dung ảnh, vui lòng xem trên
Phiên bản đầy đủ *Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.(Ảnh: Internet)
Cuối cùng, ước mơ nhỏ bé của tôi cũng được thực hiện, bữa cơm Tất Niên vui vẻ này sẽ để lại những kỷ niệm đẹp trong mỗi con người ở gia đình chúng tôi. Không còn gì tiếc nuối, tâm nguyện mà tôi chưa thực hiện trong năm cũ cũng hoàn thành, hoàn hảo, mỹ mãn. Dọn mâm, rửa chén xong xuôi; cả nhà quây quần bên nhau đợi giao thừa tới. Đã là tám giờ tối, bốn tiếng chắc không lâu nữa đâu!
Đêm dần khuya, tiết trời mát mẻ, khô và lành lạnh. Gió xuân vẫn thổi đều, từng trận mưa hoa bên gốc mai cổ thụ đẹp mê người. Ánh đèn treo trên cây mai lung lai nhè nhẹ, phản chiếu những cánh hoa đang trôi theo gió, nửa sáng, nửa tối khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến bầu không khí có chút liêu trai.
Một con dơi con không biết từ đâu bay tới, sượt qua mặt tôi, làm tôi giật mình kinh hãi. Đâu đó trong xóm, có người say rượu cứ lè bè chửi bới. Con dê nhà ai kêu la như tiếng trẻ con quấy khóc làm tôi rợn hết da gà. Chịu không được tôi bèn hỏi nhỏ Mai Kha:
- Này, dê nhà ai kêu ghê quá vậy?
Mai Kha nghe tôi hỏi nó đổi giọng, âm thanh nhẹ tênh:
- Là dê nhà anh Hai Hiền, mà…
- Văn Hiền trưởng ấp hả? Mà sao?
Mai Kha ấp a ấp úng làm tôi khẩn trương ghê gớm. Đang lúc tôi cố nén lại nhịp tim binh binh, nó đáp một câu xanh rờn, nét mặt không đổi:
- Ảnh mất rồi, mất nửa tháng rồi!
Tôi nghe xong thì thở không nổi, vò đầu bức tóc một hồi mới ngẩng lên nói:
- Sao em không nói với chị? Chuyện như vậy mà chị chẳng biết gì hết, dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, ảnh còn là trưởng ấp Trường Tấn này, thật tình chị thấy mình tệ quá. Mà ảnh bị sao vậy?
- Ảnh cứu ai đó rồi bất cẩn bị xe tông phải. Lúc ảnh xảy ra tai nạn là trên thành phố. Ảnh vốn mồ côi mà, ở đây đâu còn ai thân thích nữa, họ hàng của ảnh ở trên đó lo hậu sự rồi đưa ảnh về quê mẹ. Xóm Trường Tấn mình chỉ nhận được một cái tin buồn như vậy thôi chị. Nhà ảnh vẫn để nguyên dưới này, còn con dê trắng ảnh nuôi thì giờ anh Khôi bác sĩ chăm hộ. – Mai Kha nói tới đó, nó cúi đầu thở dài, âm thanh nặng nề rồi từ từ chìm vào đêm xuân tịch mịch.
Tôi cũng không nói gì thêm, lặng lẽ ngồi cùng nó. Đối với xóm Trường Tấn hẳn là chỉ mất đi một trưởng ấp, rồi họ sẽ nhanh chóng bầu ra một trưởng ấp khác. Một năm, hai năm, nhiều năm sau, còn mấy ai nhớ tới Trường Tấn từng có Văn Hiền?
Phải rồi, ngày mai nhất định phải rủ anh Khôi cùng sang nhà thắp nén nhang cho anh. Sự việc khiến tôi chết chìm giữa bàng hoàng và hoang mang tột bực. Còn anh, liệu anh đanh ở đâu đó nhìn tôi hay anh đã trôi về phương trời nào xa xăm, phải chăng như anh đã khuyên tôi: “Mọi chuyện đều đã có sắp đặt, chúng ta chỉ việc chờ đợi”, anh đợi được rồi ư, Văn Hiền? Gương mặt tươi cười trong đoạn video anh gửi, nụ cười có đôi má lúm đồng tiền cùng giọng hát ngọt ngào cứ vang lên trong đầu khiến tôi không thể nào quên được. Vậy mà anh đã đi rồi, tôi còn nợ anh, nợ một lời hứa vu vơ của ngày hôm đó! Bánh mì “Mix Bread” kia miễn phí cho ai bây giờ? Trái tim trong l*иg ngực không ngừng đau đớn, nước mắt không rơi vì đã sớm chảy ngược vào trong máu.
Dê cứ kêu, người say rượu chửi lớn tiếng hơn nữa, âm thanh lúc vọng gần lúc vang xa chen vào tai nhức nhối, càng lúc càng quỷ dị.
Đột nhiên điện thoại lại reo vang bài hát “I"m your” chết tiệt. Lần đầu tiên tôi ghét cay ghét đắng giai điệu này vô cùng, tự hứa là tối nay tôi nhất định phải đổi lại nhạc chuông truyền thống, cứ thế này tôi sẽ ám ảnh mất.
Cầm điện thoại lên nhìn trân trân dãy số lạ hiện trên màn hình, lần này không phải Phương Bằng. “Có nên bắt máy không?” Do dự cả buổi, cuối cùng cuộc gọi bị nhỡ. Cầm điện đoạn trong tay xoay qua, xoay lại, nghĩ ngợi: “Nếu ai đó muốn gọi mình, thì chắc chắn họ sẽ gọi lại.” Như suy đoán, điện thoại lại một lần nữa rung lên từng hồi đòi mạng. Thôi kệ! Cứ bắt máy xem sao.
- A lô! Cho hỏi là ai đang gọi vậy?
Vẫn không trả lời. Tôi thầm mắng: “Thật là! Mấy cái người này cũng rỗi quá đi. Gọi không nói thì thôi đừng gọi. Ở nhà đón giao thừa không phải yên thân hay sao? Tên này cùng với Phương Bằng kia đúng là về chung một nhà được mà!” Cùng một kiểu người thì dùng cùng một chiêu. Suy nghĩ dứt khoát, tôi gằn giọng nói giòn tan:
- Không trả lời tôi tắt máy đây!
Vậy mà có tác dụng, đầu dây bên kia đã chịu mở miệng:
- Mai Cô! Là tao, Ngân Băng nè!
Là Ngân Băng thật rồi. Nó không thể nào biết được tôi vừa phải tiếp nhận tin buồn đến thế nào, nhờ giọng nói thân quen của nó mà tôi mới có thể thả lỏng trái tim sắp nghẹt thở của mình. Thường năm, cứ đến giờ này là nó sẽ gửi một tin nhắn cầu kỳ chúc Tết tôi. Gần mười mấy năm qua nó vẫn chưa hề làm khác. Vậy mà kể từ hôm Ngân Băng hiểu lầm tôi với Phương Bằng trong bệnh viện, nó đã gần như mất tích. Tôi đã làm mọi cách để liên lạc nhưng chẳng được. Tôi rất muốn, rất muốn quát cho nó một trận, cũng muốn trốn nó suốt đời để nó hiểu được cảm giác lúc này của tôi. Có điều giọng nói hiện tại của Ngân Băng không giống nó trước đây, không huyên náo cũng không ồn ào khiến tôi biết ngay nó gặp chuyện buồn rồi, vì hai tiếng “bạn thân” tôi sẽ cố một lần nữa bỏ qua cho nó. Tôi vội nói:
- Trời ơi, mày đi đâu, làm gì biệt tăm biệt tích vậy? Tao gọi cho cha mẹ mày cũng không ai biết mày ở đâu? Mà mày đổi số điện thoại hả, định trốn tao à? Tao nhớ mày lắm!
Ngân Băng đáp như không:
- À... Vậy hả?
- Ê con nhỏ này, mày sao thế? - Tôi bực mình đến độ dường như muốn hét lên trong điện thoại.
- Mai Cô! – Ngân Băng gọi tôi, rồi âm thanh nghẹn bứ trong cổ.
- Ừm, nói đi, tao nghe nè! – Tôi cố kìm nén lại cơn giận đang dâng lên, hít một hơi thật sâu trả lời.
Ngừng một chút Ngân Băng tiếp, giọng nó khàn hơn:
- Mày ra đây được không?
Bây giờ tôi mới biết là nó đang say. Cố sửa cho giọng nói trong và rõ hơn. Tôi lật đật hỏi nó:
- Mày uống say rồi phải không? Đang ở đâu vậy? Tao tới ngay!
Bằng cái âm thanh rề rà và lựa nhựa, nó cắt ngang lời tôi:
- À... mà thôi, không cần đâu! Tao không có say! Mày ở nhà đi, khỏi ra đây. Tao không có say thật mà!
Tôi đổi tay cầm điện thoại, nghiến hai hàm răng dường như thành tiếng, tôi tưởng tượng máu đang lên tới đỉnh đầu mình rồi bốc khói đỏ, tôi quát lớn:
- Vậy chứ gọi tao làm chi? Mày rảnh quá vậy! Rõ ràng vừa bảo tao ra mà... - Cố kiềm chế sự bực tức lúc này, tôi bấu chặt móng tay đến nổi quên đi lòng bàn tay bị làm cho đau, nhỏ giọng nói với nó. - Thôi bỏ đi. Ở đâu, tao ra đó liền?
Ngân Băng im lặng một chút, dường như nó đang nghĩ gì đó, tiếng của nó bây giờ không còn say như vừa nãy, nó bảo:
- Quán quen tao với mày thường đi đó.
Tôi hối hả đáp lời Ngân Băng:
- Okay! Ở nguyên đấy, đừng đi đâu, tao đến ngay!
Nói xong tôi tắt máy. mẹ bên cạnh hỏi tôi:
- Là con bé Ngân Băng à?
- Dạ, là nó đó mẹ. Nó say rồi, đang ở nhà hàng của chú Chín dưới thị xã. Chắc con gọi cho gia đình nó cái đã.
Mẹ nghe tôi nói cũng thấy lo lắng cho nó lắm, mẹ bảo:
- Con gọi đi, báo cho cha mẹ nó một tiếng. Để có gì đón nó về. Con gái con lứa, một mình mà còn say xỉn, bên ngoài giờ này thì nguy hiểm lắm.
- Dạ, con gọi ngay ạ! - Tôi đáp rồi bấm số.
Cả cha mẹ và em gái cũng im lặng nhìn tôi trong khi tôi vẫn còn đang chun mặt lại chờ chuông điện thoại reo.
Em gái đợi một lúc thì hết kiên nhẫn, đứng lên lấy thêm hủ đậu phộng rang muối, vặn vặn nắp, nó bắt đầu huyên thuyên:
- Nào giờ chị Ngân Băng chơi với chị có thấy nhậu nhẹt gì đâu. Mà giờ lại trở chứng. À, nhắc tới mới nhớ, từ hồi ngoại bệnh tới giờ, chỉ biệt tăm, biệt tích, mặt mũi còn không thấy. Nghĩ cũng lạ thật đó, hồi nhỏ tới lớn có khi nào mà chỉ với chị vắng nhau đâu, hai người dính nhau như hình với bóng. Tự nhiên bẵng đi thời gian, rồi nay đột ngột gọi điện chi vậy ta? Lạ thật!
Mẹ nghe nó nói thì cười nhẹ, nâng bình trà xanh rót một ly, bưng lên, từ tốn bảo:
- Chắc Ngân Băng nó bận công việc nên không có thời gian đi chung với chị con, nếu chị con mà đi làm cũng bận như nó thôi. - Hớp một ngụm trà nhỏ mẹ quay sang tới. - Mà cũng lâu rồi Ngân Băng nó không có tới nhà mình chơi. Còn bằng không... Mai Cô à! Con ra thị xã rước nó về đây, có thêm nó tối nay càng vui hơn đó con!
Mẹ vừa nói xong thì tôi cũng kết thúc cuộc gọi. Than rõ một tiếng, lầu bầu nói:
- Chắc là vậy rồi mẹ. Cha mẹ nó về nhà ngoại ăn cỗ hết rồi, nhờ con lo giùm cho Ngân Băng, hai người họ đều đã quá chén, có vẻ họ không lo lắng cho nó lắm. Thật không trùng hợp chút nào!
Cha cũng không khỏi lo, khuyên tôi:
- Hay là cha con mình cùng ra đó đưa nó về đây luôn, một mình con đi không kè nổi nó đâu. Giờ đã tám giờ tối, đường quê vắng người, không phải như trên thành phố đâu con. Con đi một mình cha không an tâm!
Nghĩ nghĩ tôi thấy cũng đúng, nhưng tôi không muốn làm phiền cha. Không để vì Ngân Băng mà bắt ông phải chạy đi chạy lại trong đêm như vậy.
Em tôi cũng xen vào:
- Ê! Em theo với, có gì em phụ chị.
Tôi vội vã nói:
- Thôi được mà! Con biết nhà mình ai cũng muốn tốt cho con, nhưng mà con lớn rồi, yên tâm đi, chuyện này con xử lý được. Không sao đâu! Cha với mẹ yên tâm!
- Vậy thì đi cẩn thận nghe con gái, mặc áo ngoài vào con, thấy vậy chứ trời lạnh lắm! - Mẹ nhắc nhở tôi.
- Con lấy xe mình đi đi, nếu Ngân Băng nó có xe thì con cứ gửi lại chú Chín chủ quán, mai nó về lấy. Lại tới đó mà nó có say quá thì gọi về nhà nghe con, cha với em ra ngay. - Ông cũng không quên nhắc nhở tôi.
Nói rồi, tôi chạy vội vô trong nhà lấy cái áo khoác len tay dài với túi xách. Lật đật xỏ tay áo vào, tôi nghiêm túc nói với em gái:
- Còn em nữa, ở nhà đi, mình chị đi được rồi!
Mai Kha khinh nhờn, hất cằm nói:
- Ừ, thì thôi! Mà chị nhanh lên đi chứ. Từ nãy giờ chắc chỉ ngủ được một giấc rồi đó!
- Rồi, rồi! Đi liền, đi liền!
Tôi nói xong, ì ạch dắt xe ra ngõ, nhanh chóng phóng xe đi. Trời đêm xuân không lạnh chỉ vừa se se, mà trong ruột bắt đầu đánh run từng đợt. Gió miết vào má, gió xé cổ họng cay xè. Lũ côn trùng lao vào đèn xe, lao cả vào mặt, vào cổ làm rát da. Tôi vẫn chạy về phía trước, tăng tốc. Lòng thầm nghĩ đến đó sẽ mắng Ngân Băng một trận cho chừa tật học đòi. Trời càng lúc càng tối, đường lại toàn ổ gà ổ vịt, lại còn phải né cái ổ khủng long đầu ngõ nên không kịp tránh chiếc xe con đen thui lù lù đang chạy ngược chiều. May thay chiếc xe đó chỉ sượt ngang hông xe tôi, chứ bằng không là tôi đo đường ngay. Tôi dừng xe lại trông theo chiếc xe chạy ẩu vừa rồi, nó đang rẽ vào lối đường rải đá nhà tôi.
- Xe ai thế nhỉ? – Tôi lẩm bẩm nói một mình.
“Hay là xe của anh Khôi bác sĩ?” Tự suy đoán một hồi, tôi thở phào. Xe ai cũng mặc, miễn bản thân không sao là được. Dứt khoát vặn tay ga, tôi cứ thế chạy thẳng một mạch.