Thời gian qua nhanh thật, mới đấy đã hai năm trôi qua, từ ngày giải phóng từ ngày giải phóng cũng là ngày tôi mất chồng. Người ta nói anh bị nổ bom không tìm thấy xác, chỉ có duy nhất cánh tay phải của anh nằm bên cạnh những thi thể không nguyên vẹn khác của đồng đội. Đám tang anh, tôi ôm con gái gục bên quan tài trống rỗng, ngay cả thân xác anh tôi cũng không được nhìn thấy, không được giữ lại. Suốt một năm đầu, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ anh. Vợ chồng chị Miên và anh Khánh, rồi má, ở bên liên tục an ủi vỗ về, và cũng nhờ có An Phương, nên tôi dần vượt qua nỗi đau to lớn này. Hiện tại tôi chú tâm vào công việc, chăm sóc con gái, thỉnh thoảng nhớ đến chồng, l*иg ngực tôi vẫn còn thắt lại nhưng đã thôi khóc.
- Nếu là chuyện quan trọng xin anh cứ nói, tôi bây giờ cũng đỡ buồn rồi anh à.
Tôi nghe tiếng anh Hiếu thở dài, như chuẩn bị cho một câu chuyện buồn nào đấy, chậm rãi lấy trong túi áo ra một bì thư ngay ngắn đặt ở trước mặt tôi.
- Nhờ anh Khởi mà tôi sống tới giờ đó chị... Ảnh vì cứu tôi nên không kịp chạy khỏi vùng địch, tôi nghe tiếng bom nổ ở phía sau, quay trở lại thì ảnh với mấy đồng chí hi sinh rồi. Chắc chị cũng nghe nói chỉ còn cánh tay phải của ảnh, và tôi thấy nó nắm chặt tấm hình. Tôi thề nhất định phải trao kỷ vật này lại cho chị.
Thật sự tôi không nghĩ rằng sau hai năm, sẽ có người tìm đến để trao kỷ vật của Phong Khởi cho mình, bởi nghĩ thân xác anh còn không ở lại thì sẽ có thứ gì trao cho tôi đây? Tâm trạng tôi lúc này nửa vui nửa sợ, vui vì cuối cùng cũng còn một vật mà anh để lại cho tôi từ chiến trường, sợ vì khi nhìn thấy rồi tôi khó kìm lòng.
- Lúc đó tôi bị thương nặng, nằm điều trị mấy tháng trời, đám tang anh Khởi tôi không tới dự, rồi khi khỏe lại thì tôi tìm không thấy chị, mãi tận bây giờ mới được...
Trong khi anh Hiếu giải thích lý do cho cuộc hẹn gặp hơi muộn này, tôi mở bì thư, chậm rãi lấy ra một tấm hình trắng đen bị khuyết góc bên trái, vương chút máu đã khô từ lâu, hình chụp Phong Khởi và tôi đang bế An Phương với nụ cười hạnh phúc. Tôi ngồi yên lặng khá lâu, trong tôi từng dòng cảm xúc tràn đến hệt sóng vỗ, nghĩ đến khúc cuối anh đã nắm chặt bức ảnh gia đình. Cầm một lúc như có điều gì mách bảo, tôi lật ra phía sau tấm hình, tiếp theo bất động vài giây.
- Chị có sao không?
Nuốt nước mắt vào trong lòng, tôi ngước nhìn anh Hiếu, lắc đầu: "Cảm ơn anh đã trao kỷ vật của chồng lại cho tôi...", sau đó thì không nói gì thêm. Anh ta gật đầu, lát sau anh hướng mắt nhìn ra dòng xe cộ ngược xuôi, buông câu nhẹ tênh:
- Giá mà ảnh chờ thêm chút nữa thì thấy giải phóng rồi.
Khi chia tay anh Hiếu, tôi dẫn An Phương đến sông Sài Gòn. Tôi muốn ngắm nhìn con sông chảy từ Bình Phước, qua hồ Dầu Tiếng, tới ranh giới Bình Dương và Sài Gòn, hợp nhất với sông Đồng Nai rồi đổ ra biển, ngắm nhìn những chiếc thuyền lớn nhỏ neo đậu gần bờ, từng cánh chim chao liệng hay ngọn gió thổi đến.
Tôi nhớ anh từng nói anh tên Phong Khởi, là nổi gió, ở đâu gió nổi lên thì sẽ có anh. Trong thời chiến, cơn gió đó đã bay mải miết, bay lạc đi đâu mất rồi, và lỡ hẹn không thể quay về nơi dừng chân.
Anh lỡ hẹn với tôi, lỡ hẹn với An Phương, lỡ hẹn với hòa bình.
Chỉ còn một ngày nữa thôi, mà anh cũng không chờ được lúc thống nhất.
Anh không thể trông cảnh con gái lớn lên, cắp sách tới trường, vui đùa hạnh phúc khi đất nước giải phóng, anh không nhìn thấy miền Nam lúc này, thấy một đất nước đã hòa bình như anh hằng mơ ước.
Lấy ra tấm hình kỷ vật của Phong Khởi, lật giở ở phía sau hình nơi dòng chữ viết tay bằng mực tím đã nhòe đi, lúc nãy có anh Hiếu nên tôi cố kìm nhưng bây giờ nước mắt cứ vậy mà rơi xuống những con chữ được viết thật nắn nót, khiến nó loang lỗ: "Cho em và con sống đời bình an".
Bây giờ không tiếng súng nổ hay dội bom, không khói lửa hay loạn lạc, khung cảnh trước mắt thanh bình vô cùng, vậy tại sao lòng tôi vẫn chưa bình yên?
Người đàn ông từng hứa cho tôi sống đời bình an nay đã mất rồi, liệu ở đất nước độc lập này nơi nào sẽ cho tôi bình an?
Đến giờ tôi mới nhớ lời Phong Khởi nói trong đêm tân hôn, "để em không quên anh", nỗi đau chia cắt bởi sống chết, đời này kiếp này mãi không thể tương phùng. Vì anh, em sẽ chiến đấu với thời gian, giữ hình ảnh anh vẹn nguyên trong tim!
Khi ấy, An Phương ở trên tay tôi liền đưa đôi mắt tròn xoe vô bức hình tôi đang cầm, ngón tay nhỏ xíu chỉ vào Phong Khởi, bờ môi chúm chím gọi lên: "Ba... ba" khiến tôi quay qua nhìn con.
Hồi anh đi con gái chỉ mới đẻ vài tháng làm sao nhớ mặt ba nên sau khi anh mất thì ngày nào tôi cũng ngồi thủ thỉ với con, chỉ cho con xem ba trông như thế nào, kể cho nó nghe anh đã sống và chiến đấu ra sao.
- Phương nhận ra ba Khởi hả, con má giỏi quá.
Tôi đưa tấm hình cho An Phương cầm lấy, nó cứ nhìn mặt ba mà cười.
Tôi ôm chặt con gái trong tay, nghe lòng thanh thản đến lạ.
Hòn máu năm đó anh gieo vào người tôi, trở thành đứa bé đáng yêu của ngày hôm nay, kể từ giờ sẽ là nơi chốn bình an nhất để tôi nương nhờ.
Sông Sài Gòn vẫn chảy, chiến tranh đã kết thúc, con người lại tiếp tục sống.
***
An Giang, tháng tư năm 1997.
Chiếc ô tô chạy nhanh trên con đường đất miền Tây, tôi ngồi trong xe cứ nhìn dáo dác ra bên ngoài với vẻ sốt ruột. Bên cạnh tôi ngay chỗ vô lăng là anh Khánh, phía sau có chị Miên và An Phương lúc này đã hai mươi ba tuổi. Lý do cho việc chúng tôi tất tả chạy xuống tỉnh An Giang, chính vì một tin hết sức chấn động. Chuyện phải kể lại một ngày trước, chị Miên xuống dưới này định mua một mảnh đất xây nhà cho vợ chồng chị về sau an hưởng tuổi già, tình cờ thế nào chị gặp một người đàn ông trung niên. "Nhìn ảnh giống y chang anh Khởi nghen Hoa", đấy là toàn bộ câu nói của chị khi hối hả chạy ngược lên Sài Gòn tới chỗ tôi.
- Người giống người thiếu chi hả chị? - Tôi bảo.
- Hổng phải! Nè nha, người đó cũng cao tầm thước tám, bị cụt mất cánh tay phải. Hồi đó giải phóng, người ta cũng nói ở chiến trường chỉ thấy cánh tay phải của ảnh.
- Vậy sao lúc đó chị không tới hỏi phải anh Khởi không?
- Khổ quá, chị đi nhờ xe đứa bạn, nó có việc gấp không dừng lại lâu được! Mà em biết rồi, chị được cái trí nhớ tốt lắm, dù chạy qua nhanh nhưng chị kịp thấy cái nhà nơi ảnh ở. Nó nằm gần khu rừng ô môi mà hồi trước phẫu sư đoàn mình đóng đó. Giờ mình xuống đấy hỏi người ta thử coi!
- Nhưng lỡ đó không phải ba Khởi thì sao dì Miên? - An Phương hỏi.
- Con à, dì thấy người đó giống y ba Khởi con, dù già hơn xưa nhiều rồi. Thì mình cứ tìm hiểu hỏi thăm, giả sử không phải thì thôi, còn lỡ tìm được người xưa thì tốt quá chớ con. Đâu phải ai cũng được vậy!
- Con chỉ sợ má Hoa thất vọng...
Qua kính chiếu hậu, tôi thấy ánh mắt lo lắng của con gái hướng lên chỗ mình, vẻ như nó cũng hiểu phần nào tâm tư trong tôi lúc này. Thật, khi nghe chị Miên báo, tôi không rõ mình có nên vui không, có nên hi vọng người đàn ông đó chính là Phong Khởi - người chồng những tưởng đã hi sinh hai mươi hai năm trước. Nếu phải thì vì sao ngần ấy năm anh không hề tìm kiếm hai má con tôi, vì tôi đã dọn lên Sài Gòn ư? Rồi qua nhiều năm vậy, anh có nhớ tôi, có lấy vợ khác trong khi tôi vẫn một mình, chẳng hề có ý định tiến thêm bước nữa? Rồi nếu như đấy không phải anh, có thể lần nữa khiến vết thương lòng trong tôi bị khơi dậy.
- Hoa, sao im ỉm thế? - Chị Miên dò xét - Tại chị nghĩ cho em nhưng con Phương nói đúng, thôi hay mình đừng đi nữa, dù gì người cũng chết hai mươi hai năm...
Tôi vẫn im lặng, tự dưng anh Khánh ngồi bên cạnh mới lên tiếng rằng:
- Anh nghĩ, Hoa tới đây rồi thì sẽ không dừng lại đâu. Như em nói đấy, Hoa thà biết đó không phải anh Khởi còn hơn là bỏ qua cơ hội này. Chớ anh nhớ Hoa hồi năm bảy mươi hai thà chờ anh Khởi hết một năm trời chứ không chịu lấy anh mà. Một người như thế sao dễ dàng từ bỏ chứ.
Nghe anh Khánh tường tận, tôi chỉ cười. Phải, tôi đã chấp nhận đi xuống An Giang này thì nghĩa là không từ bỏ tại đây, tôi vẫn sẽ như năm mười tám ấy, hi vọng lẫn chờ đợi dẫu thứ mình đợi thật mơ hồ! Nếu đó không phải Phong Khởi, thì tôi sẽ nhẹ nhõm biết rằng anh đã hi sinh rồi, như hơn hai mươi năm qua vẫn vậy.
Chiếc ô tô dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ, lúc xuống xe tôi không thấy người đàn ông nào ngồi ngay cửa như chị Miên từng thấy, tim tôi bỗng dưng đập mạnh. Bốn chúng tôi nhìn nhau một lúc rồi đi vào trong, tiếng chó sủa inh ỏi báo cho gia chủ biết có khách tới. Rất nhanh, người phụ nữ ngoài bốn mươi với hai đứa bé gái nhỏ xuất hiện, tôi đã nghĩ đây giống như một gia đình và người đàn ông kia có thể là chồng của cô ấy, cha của hai đứa con.
- Cho hỏi anh chị tìm ai? - Người phụ nữ lên tiếng.
Chị Miên sợ tôi bối rối quá hay sao mà nhanh chóng đáp lời:
- Ờ chị cho hỏi, ở đây có ai tên Khởi? Phong Khởi?
Tôi trông người phụ nữ nọ nghiêng đầu cau mày, tiếp theo lắc đầu bảo rõ:
- Hổng có ai tên Khởi cả, chắc anh chị nhầm nhà rồi.
Cảm giác thân thể nhẹ hẫng đồng thời tim cũng chùng xuống, tôi biết sẽ như thế! Đứng phía trước tôi, chị Miên dường như còn cố chấp, liền nói rõ ràng:
- Chuyện là vậy, cách đây một ngày, tôi có đi qua đây thì thấy một người đàn ông gần năm mươi, bị cụt cánh tay phải ngồi trước cửa...
Lần này người phụ nữ nọ ngẩn mặt ra một lúc, sau đó kêu khẽ:
- Chị hỏi anh Biển hả? Cụt tay, gần năm mươi tuổi, ở nhà tôi chỉ có anh Biển thôi.
- Biển? Tên ảnh là Khởi mà... Ủa mà ảnh là gì của chị?
- Là anh tôi.
Không phải vợ rồi, tôi đã kín đáo thở phào, nhưng vấn đề là ở chỗ Phong Khởi không hề có anh chị em gì hết, anh từng kể nhà chỉ có mỗi mình anh! Hình như chị Miên với anh Khánh cũng nhớ điều đó nên liền nhìn nhau.
- Mà anh chị biết anh Biển hả?
Đáng lý phải là người hỏi chính thì nãy giờ cứ để chị Miên nói thôi, nên bây giờ tới lượt tôi lên tiếng, giải thích cụ thể hơn:
- Chẳng là chị tôi thấy anh Biển đó giống y chang chồng tôi.
- Chồng chị?
- Chuyện cũng dài dòng, chồng tôi tên Phong Khởi, ảnh đi bộ đội chống Mỹ gần cuối năm bảy mươi và từng là Tiểu đội trưởng ở đơn vị A. Hồi mới giải phóng tôi hay tin ảnh hi sinh, người ta nói chỉ thấy cánh tay phải của ảnh ở chiến trường do bom nổ... Nhưng chắc tụi tôi nhầm người rồi, xin lỗi đã làm phiền chị.
- Khoan đã! - Người phụ nữ tỏ ra ngạc nhiên - Có khi nào là anh Biển hôn?
- Nhưng chị là em gái anh Biển trong khi anh Khởi không có anh chị em chi hết.
- Ảnh không phải anh ruột tôi.
Bấy giờ, tám con mắt lập tức đổ dồn vào nhau. Người phụ nữ liền mời chúng tôi ngồi xuống ghế, bảo cháu ngoại đi pha nước cho khách rồi lại nhìn qua tôi mà kể:
- Hồi chiến tranh, nhà tôi ở Phước Tuy ngoài Vũng Tàu. Hôm đó Quân giải phóng đánh tới rồi, ai nấy đều bỏ chạy hoặc trốn trong nhà tránh bom đạn. Thì qua hôm sau ngày hai mươi chín thì phải, ba má tôi phát hiện có người bộ đội nằm ở gần nhà, tay phải bị cụt, vài chỗ trên người bị bỏng, máu chảy nhiều lắm. Tưởng chết rồi ai ngờ còn sống nên ba má tôi đưa vô nhà luôn, ảnh hôn mê năm ngày mới tỉnh. Mà tỉnh lại rồi hổng nhớ mình là ai, hỏi chi cũng không biết, thấy tội quá nên ba má tôi cưu mang coi như con trai.
- Sau đó thì sao? - Tôi hồi hộp.
- Thì ảnh sống với gia đình tôi, ba tôi đặt tên Biển. Tính ảnh hiền, chăm làm, mà hơi lơ ngơ, má tôi nói chắc do bom nổ ảnh bị văng đi nên thành ra thế. Tụi tôi sống tới năm tôi lấy chồng thì chuyển về An Giang, rồi ba má tôi mất, vợ chồng tôi và hai đứa con sống ở nhà này. Anh Biển ở cùng, chớ ảnh một thân một mình, bỏ tội!
- Ảnh không cưới vợ hả chị? - Tới lượt anh Khánh.
- Ảnh lơ ngơ vậy, ai dám gả con gái cho? Bao năm rồi cũng không nhớ về chuyện trước đây. Mà có cái lạ, từ hồi về An Giang, cứ hễ tới hè là ảnh hay vô rừng cây ô môi ngồi. Tôi hỏi thì anh nói, chờ một người. Nhưng khi tôi hỏi chờ ai, ảnh lắc đầu bảo không nhớ nữa... Chồng tôi nói chắc hồi trước ảnh có kỷ niệm gì với chỗ này, và cứ bao năm qua ảnh ngồi miết vậy đó.
Nghe đến đấy, cả người tôi run lên, mồ hôi ra đầy lòng bàn tay. Một người bộ đội bị thương trong trận đánh cuối cùng năm bảy lăm, bị cụt một tay, lại hay ngồi chỗ cây ô môi trong rừng An Giang này, tất cả đều rất giống với Phong Khởi! Chị Miên ở bên cạnh nắm tay tôi lắc mạnh, chắc anh Khởi rồi đó Hoa ơi! Ảnh không nhớ gì hết nên mấy năm mới không tìm em! Đến nỗi An Phương cũng gật đầu, con nhớ má từng kể lần đầu hai người hẹn gặp là rừng ô môi An Giang, chắc chú Biển là ba Khởi đó má! Rồi tự dưng con gái lục tìm gì đấy trong ba lô, tiếp theo lấy tấm hình mà anh Hiếu đưa tôi hồi trước, chìa ra trước mặt người phụ nữ:
- Quên nữa, con có ảnh của ba! Cô nhìn xem, chú Biển có phải ba con?
Tôi gần như nín thở khi quan sát biểu hiện trên khuôn mặt đối diện, cuối cùng:
- Đúng rồi, anh Biển đó! Giống y cái hồi ba má tôi tìm thấy ảnh ở gần nhà!
Tôi không biết diễn tả tâm trạng của mình lúc này thế nào? Vui sướиɠ? Bất ngờ? Không thể tin vào sự thật? Chẳng ai ngờ nổi, sau hai mươi hai năm, duyên phận lần nữa đưa đẩy để tôi tìm gặp lại người chồng những tưởng đã hi sinh. Đây là phép màu sao? Tôi đặt tay lên ngực, nghe tim mình thổn thức.
- Vậy anh Khởi đang ở đâu vậy chị?
- À giờ chắc ảnh lại ngồi trong rừng cây ô môi, chị ra đấy đi, biết đâu gặp ảnh...
Chưa nghe hết câu, tôi đã đứng dậy chạy ra khỏi nhà, cứ thẳng con đường đất mà hướng ra rừng cây ô môi năm nào. Chạy ra tới nơi, tôi đưa mắt nhìn quanh, những chùm hoa ô môi nở hồng rực cả khoảng trời yên ả, nơi đây trải qua gần ba mươi năm mà vẫn chẳng hề thay đổi, cứ như thể thời gian đã hoàn toàn ngừng trôi.
Và rất nhanh, tôi đứng sững ra bởi trông thấy một người đàn ông ngoài bốn lăm, cụt cánh tay phải, mái tóc hoa râm, đang đứng dưới gốc cây ô môi ngước nhìn lên.
- Khởi... anh Khởi...
Từng bước chân tiến về phía đó là từng tiếng gọi run rẩy phát ra từ miệng tôi. Tiếp theo người đàn ông đó liền quay qua. Dáng người cao gầy trong bộ quần áo sơ mi với quần tây đã cũ sờn, gương mặt sáng sủa từng dày dạn gió sương nay già đi rồi, nơi đuôi mắt đã hằn những vết nhăn nhưng con ngươi đó luôn sáng bừng lấp lánh như ngày xưa vẫn nhìn tôi thật dịu dàng, tôi đưa tay lên môi ngăn tiếng nấc sắp vỡ òa. Đúng là Phong Khởi rồi! Chồng ơi...!
Phong Khởi cầm trên tay một cành hoa ô môi, chăm chú nhìn tôi rồi hỏi:
- Cô là ai?
- Em là người mà anh đang đợi.
- Cô có nói giỡn hôn, tôi còn không biết mình đợi ai nữa kìa...
Bỗng chốc nước mắt lăn dài, tôi khẽ khàng lấy cành hoa nở rộ ra khỏi tay anh sau đó nắm lấy bàn tay đã chai sần qua bao năm tháng, bàn tay trong thời chiến từng cầm súng và thuở xưa cũng từng ôm tôi thật nồng ấm, nhẹ nhàng áp lên khuôn mặt hạnh phúc của mình, nói rằng:
- Nhưng em biết!
Phong Khởi nhìn tôi một hồi lâu, ngón tay anh như chạm khẽ vào nước mắt tôi.
- Mà sao tôi thấy cô thân quen, chắc hồi trước tôi biết cô.
- Em tới đón anh đây. Anh Khởi, xin lỗi em tới trễ...
Cùng lúc ấy, gió từ nơi nào thổi tràn đến mang theo vô số những cánh hoa ô môi hồng rực rơi lả tả xuống chỗ vợ chồng tôi đang đứng. Truyền thuyết về loài hoa gắn liền với sự chung thủy được truyền miệng bao đời, để đến khi gặp lại người yêu đã khiến loài hoa im ắng ba năm chợt bừng nở, từng cánh hoa hồng nhạt như môi người thương khiến ai nấy đều chẳng nỡ quên.
Từng chùm hoa ô môi bay xòa trong gió, khoảnh khắc ấy lướt qua nhanh cứ như thể thời gian quay ngược, là lúc tôi và Phong Khởi hẹn gặp nhau lần đầu tiên tại nơi đây, tôi mười chín còn anh hai mươi ba.
"Đồng chí tên gì?"
"Em tên Nhụy Hoa..."
"Tôi tên Phong Khởi, là gió nổi. Đồng chí thấy ở đâu nổi gió thì ở đó có tôi."
Gió nổi thì hoa sẽ bay.
Đất nước thống nhất sau hơn hai mươi năm chia cắt, và những con người bước ra từ trong thời chiến đó, lần nữa may mắn gặp lại nhau sau hai mươi hai năm.
Kể từ giây phút này, họ sẽ không chia xa nữa.
Đời đã bình an rồi!
......
"Hãy giữ lấy tình yêu con người Dẫu cách ngăn đừng nghi ngại Mơ một hôm nắng lên sum họp Với những người đang chờ nhau Với những người biết đợi nhau..." (Trên mảnh đất tình người - Thanh Thúy)Võ Anh Thơ Thành phố Hồ Chí Minh, 08/2019