Chương 16: Trò chơi của gió biển
Ăn tối xong, La Phi quyết định một mình ra ngoài đi dạo, hóng gió biển về đêm, những lúc như thế này giúp anh đầu óc tỉnh táo hơn. Tiện thể, anh đem trả Lý Đông cuốn sách vừa mới đọc xong.
Đến nhà Lý Đông đi ra, hai người họ lại ngồi chém gió một phen. La Phi cố gắng lái câu chuyện sang chủ đề về thầy lang Tiết, theo như miêu tả của Lý Đông, thì đây là một con người học rộng, nghiêm cẩn, nhân ái và khoan dung độ lượng. Là học trò, Lý Đông ít nhiều cũng được thừa hưởng những phẩm chất ấy của ông. Tuy không thu được manh mối nào có liên quan đến vụ án, nhưng cuộc nói chuyện lần này khiến anh rất vui vẻ thoải mái. Chuyện trò đến gần cả tiếng đồng hồ xong, La Phi mới đứng dậy cáo từ ra về.
Từ trong nhà Lý Đông đi ra, trời đã tối mịt. Do không thạo địa hình, nên khi về La Phi cố gắng tránh đi đường núi, anh chấp nhận đi đường vòng qua xóm trại ở dưới chân núi. Mặc dù mấy ngày nay nhiệt độ xuống sâu, nhưng bầu trời lại quang đãng dần. Trên đường đi, tiếng sóng rì rào, ánh trăng tươi đẹp. Nếu không vì hai vụ án xảy ra liên tiếp đã làm tâm trạng anh rối bời, thì quả thật La Phi rất muốn dừng chân để tận hưởng bầu không khí thư giãn này.
Mãi đi, La Phi đã đặt chân đến thôn nhà Phó Ngọc Trụ từ lúc nào không hay. Nhớ lại những gì được chứng kiến ban trưa, anh không khỏi có chút khó chịu trong lòng, bất giác ngẩng đầu nhìn về phía “Dốc quỷ ám”.
Nhưng lần này, ánh mắt anh như khựng lại, không hề nhúc nhích, cùng lúc anh hé miệng kinh ngạc, một vẻ mặt không thể tin được.
La Phi nhớ rất rõ phiến nhũ đá hình mỏ chim ưng mà Phó Ngọc Trụ đã chỉ cho anh xem sau buổi trưa, lúc đó phía trên phiến nhũ đá chỉ nhìn thấy một dải dây leo, không hề có cái mà Phó Ngọc Trụ hình dung là “chạc cây”. Nhưng hiện giờ, một cái chạc cây to xuất hiện lù lù, ánh trăng sáng rọi chiếu qua, khiến nó để lại một bóng đen ghê rợn trên vách núi.
Lẽ nào, đây chính là cái “cây ma” chỉ xuất hiện vào ban đêm còn ban ngày thì biến mất giống như Phó Ngọc Trụ đã nói?
Gió biển thổi qua vù vù, La Phi rụt cổ theo phản xạ, một cảm giác lạnh toát lan tỏa khắp người. Kể từ lúc đặt chân lên đảo Minh Trạch, anh đã nghe rất nhiều lần những lời đồn li kì cổ quái về “Dốc quỷ ám”, nhưng anh tuyệt đối không tin vào những thứ có năng lực siêu nhiên. Đối với những điều “ma quái”, anh chỉ suy nghĩ theo mấy hướng sau: hoặc là do ảo giác của người trong cuộc nảy sinh trong điều kiện cụ thể nào đó; hoặc là do có người cố tình bịa đặt, nói quá sự thật với ý đồ nào đó. Lần phá án “Quỷ không đầu” ở núi Nam Minh đã giúp anh kiên định lập trường này của mình. Nhưng giờ đây, điều vượt ra khỏi giới hạn của lẽ thường tình lại đang xuất hiện rành rành trước mặt, khiến anh không giải thích nổi.
Sau một hồi kinh ngạc, trong lòng La Phi cũng có đôi chút phấn chấn. Lần này tận mắt nhìn thấy, ít ra cũng đã chứng minh là Phó Ngọc Trụ đã không nói dối; vả lại có điều kiện đến tận hiện trường, càng là cơ hội tốt để giải mã những điều kì bí.
Có rất nhiều chuyện trên đời không thể chỉ dựa vào suy nghĩ mà có thể hiểu rõ được, đối với những việc nghĩ mãi không ra, thì cách tốt nhất là tạm gác qua một bên, kiên trì nghe ngóng. La Phi không những hiểu rõ nguyên lí này, mà lòng kiên trì và nghị lực của anh còn mạnh mẽ hơn người bình thường rất nhiều, vì thế anh lúc nào cũng nhìn thấy nhiều hơn những gì người khác nhìn thấy.
La Phi trước tiên đến nhà Phó Ngọc Trụ mượn một cái chăn bông và một chiếc ghế. Hai vợ chồng họ đã lên giường nghỉ, tuy không biết dụng ý của La Phi, nhưng họ vẫn rất hợp tác và đáp ứng yêu cầu của anh. Sau đó La Phi đem ghế ra chỗ tầm nhìn thoáng rộng bên ngoài nhà, ngồi một mình hướng mặt về “Dốc quỷ ám”, lặng lẽ nhìn cái chạc cây trên phiến đá hình mỏ chim ưng ấy.
Gió biển gào thét, thổi càng lúc càng mạnh, La Phi quấn chặt chăn lên người, chống lại cái gió rét của đêm khuya.
Đêm dài cứ thế trôi qua, anh gần như không để ý đến cái rét, cái đói và sự cô đơn nữa. Thỉnh thoảng anh lại đứng dậy đi vài bước, xua tan đi cơn buồn ngủ khó cưỡng. Nhưng ngay cả những lúc đó, ánh mắt anh vẫn không muốn rời mục tiêu trên dốc núi xa xa, anh quyết không để cho sự lơ là của mình mà bỏ lỡ mất khoảnh khắc “cây ma” biến mất.
Hôm sau lúc trời sáng, dân làng dậy sớm phát hiện thấy La Phi. Sau một đêm thức trắng, mắt anh thâm quầng, hốc mắt cũng lõm xuống, nhưng đôi mắt anh vẫn lóe lên thứ ánh sáng sắc nhọn. Hai tay anh vô thức cầm chơi một nhành cây mềm mại, trông giống như thứ cây leo trên dốc núi. Dân làng tò mò vây quanh, vừa nhìn con người “quái nhân” này, vừa bàn tán xôn xao.
Gió biển buổi sáng xen kẽ làn hơi nước biển trong lành phả vào mặt. La Phi hít thở thật sâu, mắt chợt sáng bừng, như anh đã dự đoán, một sự biến đổi nào đó trên dốc núi phía xa cũng đang lặng lẽ xảy ra.
Khoảng một nửa tiếng đồng hồ nữa lại trôi đi, La Phi đứng lên khỏi ghế, gạt chăn ra khỏi người, uể oải dãn gân cốt. Tuy thần sắc không được tốt lắm, nhưng khóe môi anh để lộ một nụ cười đầy vẻ mãn nguyện. Lúc này, ở phía trên phiến nhũ đá hình mỏ chim ưng, cái “cây ma” đã mất tăm tích, còn anh thì rõ ràng là đã quan sát được điều gì đó.
Điều nằm ngoài dự đoán của La Phi là, thu hoạch ngày hôm nay của anh không chỉ dừng lại ở đó.
Một cụ bà ngoài sáu mươi lại gần La Phi, nhìn anh vẻ đồng cảm: “Anh canh ở đây cả đêm à? Anh định đợi con ma nữ ấy xuất hiện à?”
La Phi đưa tay xoa xoa cái mũi đã bị lạnh cứng, nói như đang lẩm bẩm một mình: “Ma nữ? Đúng là cháu cũng hi vọng nó xuất hiện.”
Bà cụ thở dài: “Mà anh đừng đợi cho mất công. Tôi biết anh là cảnh sát, nhưng anh cũng không bắt được nó đâu. Chỉ là nó nhớ con trai của nó thôi. Đợi mấy ngày nữa thằng bé ấy đi rồi, nó sẽ không xuất hiện trở lại quấy rầy nữa đâu.”
“Bà nói thằng bé nào cơ?” La Phi lúc đầu tưởng bà ta chỉ là một người dân đến xem, bây giờ nghe bà ta nói mới thấy không phải đơn giản, liền tỏ ra cảnh giác.
“Chính là thằng bé đi cùng với anh ấy. Tôi nghe Tôn Phát Siêu nói, nó là con của Vương Thành Lâm hả? Thật là, đi thì đi luôn cho rồi, còn quay lại làm gì cơ chứ? Mấy ngày nay trên đảo lại mất ăn mất ngủ vì nó.”
“Chẳng phải tại mẹ đứa trẻ không muốn rời xa hay sao?” –bà cụ nheo mắt, bộ dáng rất chi là đắc chí, “Lúc đó Phó Ngọc Trụ nói đã nhìn thấy bóng đen là một phụ nữ ôm con, nhưng người trên đảo không ai tin, chỉ có tôi là trong lòng rõ hơn ai hết. Người phụ nữ bế con, ngoài vợ Vương Thành Lâm ra thì còn ai vào đây? Bà ấy mặc dù bị nước biển nhấn chìm chết rồi, nhưng trong lòng không quên được đứa con trai lớn, nên mới ở trên dốc núi nhìn về xóm làng, không muốn rời xa. Sau đó tôi có nói với Vương Thành Lâm, sau khi ông ấy đem con rời khỏi đảo, chẳng phải là cái bóng đen ấy đã không xuất hiện nữa hay sao? Bây giờ con trai bà ấy trở về, phận làm mẹ đương nhiên là bà ấy phải xuất hiện rồi. Tối qua tôi đã nói điều này với Phó Ngọc Trụ, ông ấy gật đầu lia lịa đấy.”
La Phi gãi đầu thất vọng, những lời bà ta vừa nói hiển nhiên không phải là câu trả lời mà anh muốn nghe. Nhưng không vì thế mà anh bỏ cuộc, anh hỏi: “Bà có chơi thân với nhà ông Vương Thành Lâm không?”
Bà cụ lắc đầu: “Xóm núi gia đình họ sinh sống lúc bấy giờ là nơi thấp nhất trên đảo, sóng thần ập đến một cái là đã nhấn chìm toàn bộ. Ngoại trừ Vương Thành Lâm bữa đó không có mặt trên đảo thì người duy nhất trong xóm núi còn sống chính là thằng bé đó. Vì thế mà những người quen biết gia đình họ đều lần lượt đi gặp Diêm Vương cả. Nhưng dạo có sóng thần tôi cũng đã gặp thằng bé này rồi, nên ấn tượng khá sâu sắc.”
“Vậy à?” –La Phi lại thấy có hứng thú. “Bà gặp nó ở đâu?”
Bà cụ nhếch miệng, như thể đang chìm vào kí ức, một lát sau, bà tiếp tục kể với giọng thương xót: “Khi ấy tôi chạy lên một mỏm núi, trông thấy thằng bé ngồi trên chiếc bè của Thường Kiến. Khóc hoài đòi mẹ, khóc xé ruột xé gan, đến người dưng nước lã như tôi mà còn phải xót xa, thì hỏi người mẹ đứa trẻ làm sao mà đành lòng cho được?”
“Thường Kiến? Người này còn ở trên đảo không” La Phi đã tóm được một manh mối là không muốn bỏ qua.
“Có, nhưng bây giờ đã xuất gia làm hòa thượng rồi.”
“Một cái tên dường như cứ thế buột ra từ miệng La Phi: “Đức Bình?”
Bà cụ gật đầu xác nhận: “Kể ra ông ấy còn là ân nhân cứu mạng của thằng bé.”
“Thế trên chiếc bè đó còn người nào khác nữa không?” La Phi không muốn bỏ qua bất cứ chi tiết có giá trị nào.
“Không còn ai khác, chỉ có hai người họ.” bà cụ chép miệng, “Cái bè đó rất bé, vốn cũng chẳng chở được nhiều người.”
Lúc này La Phi đã không nén nổi sự hưng phấn trong lòng. Có được phát hiện quan trọng như vậy, anh quên là mình cả đêm đã không nghỉ ngơi, tìm thẳng đến chỗ hòa thượng Đức Bình.
Lúc La Phi có mặt tại ngôi miếu thờ nằm khuất trong bụi cây, thì thầy trò hòa thượng Đức Bình đang ngồi thiền trong căn phòng thứ hai, quan tài vẫn đặt ở giữa phòng, bên trong quan tài là thi thể đã bị tổn thương của Tiết Hiểu Hoa.
Cảm thấy có người đến, Đức Bình mở mắt, ngạc nhiên: “Cảnh sát La Phi?”
La Phi mỉm cười, gọi bằng tên thật: “Thường Kiến.”
Đức Bình hiển nhiên là không kịp phản ứng trước sự thay đổi này, ông sững người ra vì bất ngờ, phải một lúc lâu sau mới định thần trở lại, khẽ thở dài một tiếng, rồi mới quay sang bảo Huệ Thông: “Con ra ngoài một chút đã.”
Huệ Thông ngoan ngoãn vâng lời đi ra. Nét mặt cậu ta thậm chí trông như được giải phóng, như thể không muốn ở lại đây từ lâu rồi.
“Xem ra anh đã biết một vài chuyện?” Đức Bình lúc này đã lấy lại được bình tĩnh.
“Vâng. Nhưng những gì tôi biết vẫn còn chưa đủ.” Giọng nói của La Phi như đang muốn truy bức người khác, “Phần còn lại nhờ thầy nói cho tôi biết.”
Đức Bình chỉ cười nhạt: “Nhưng tôi đâu có biết là anh đang muốn nói đến điều gì?”
“Được rồi.” La Phi không còn hứng thú với trò mèo vờn chuột, “Là chuyện thầy đã cứu sống Mông Thiếu Huy trong trận sóng thần, tôi muốn thầy nói cho tôi biết, khi ấy đã có chuyện gì xảy ra với Mông Thiếu Huy?”
Nghe La Phi nói vậy, Đức Bình càng tỏ ra nhẹ nhõm hơn, ông hỏi lại La Phi: “Chắc anh đã gặp bà Tôn rồi đúng không? Thế thì những gì tôi biết, hẳn là bà ấy đã nói hết với anh rồi.”
La Phi nhận thấy mình đang gặp một đối tượng không dễ đối phó, những lời nói của ông ta nghe thì có vẻ rất dửng dưng, nhưng kì thực lại đang có ý định xoay chuyển tình thế đối thoại, dồn anh vào thế bị động. Trầm ngâm giây lát, La Phi quyết tâm đưa tình thế câu chuyện trở lại dưới quyền kiểm soát của mình. Vì thế anh vào thẳng chủ đề: “Tại sao Mông Thiếu Huy lại có mặt trên bè của thầy? Đáng ra cậu ta phải ở cùng với mẹ mới phải, lúc đó mẹ cậu ta đi đâu?”
“Tôi làm sao biết được?” hòa thượng Đức Bình vẫn giữ thái độ bình thản, “Chả lẽ lúc cứu người mà còn phải bận tâm đến nhiều chuyện như thế sao? Lúc tôi phát hiện ra Mông Thiếu Huy, cậu ta đang ôm một tấm ván vùng vẫy trên biển, còn tung tích của mẹ cậu ta, thì trước giờ chưa có người nào biết.”
Đức Bình nói có lí, rất khó phản bác. La Phi quyết định tạm thời tiếp cận bằng một hướng khác: “Vậy sao thầy lại muốn giấu giếm việc mình đã cứu Mông Thiếu Huy? Thầy đã biết mục đích đến đảo Minh Trạch của cậu ta, sao không nói cho cậu ta biết? Chả lẽ điều này lại không giúp ích gì cho cậu ta sao?”
“Nhưng sự giúp đỡ như vậy phỏng có ích chi?” trước câu hỏi của La Phi, Đức Bình cũng nghiêm mặt trả lời, “Anh là một cảnh sát, có bản năng đi tìm sự thật và khám phá bí mật. Còn tôi thì không hứng thú với điều đó, là một kẻ xuất gia, cái mà tôi quan tâm là nỗi khổ của người đời. Cảnh sát La Phi, anh đã từng chứng kiến một đứa trẻ gặp bi kịch bao giờ chưa? Anh có biết là đối với một đứa trẻ, thì có một thứ bi kịch mà chúng sẽ ghi sâu trong lòng, rất khó chịu đựng không?”
La Phi nhất thời không biết phải trả lời ra sao, đành lặng im không nói gì.
Đức Bình càng nói càng nói càng lộ vẻ xúc động: “Xem ra anh không biết thì phải. Vậy để tôi nói cho anh biết nha, đó chính là sự sinh tử chia ly với người mẹ. Với một đứa trẻ bảy tuổi, liệu còn gì đau xót hơn, thảm thương hơn? Tôi đã tận mắt nhìn thấy điệu bộ cậu ta khóc lóc, cảnh tượng ấy khiến tôi đến giờ vẫn thấy nhói lòng. Nếu như cậu ta đã quên đi mọi thứ, thì tại sao chúng ta lại muốn cậu ta phải nhớ lại? Để cậu ta một lần nữa bị tâm trí giày vò?”
La Phi chỉ im lặng thở dài, rồi đổi giọng nói: “Thầy nói cũng có lý, tôi hi vọng đây là những lời tâm can của thầy. Nhưng hiện nay trên đảo liên tiếp xảy ra án mạng, tôi buộc phải tìm ra sự thật, đưa hung thủ vào vòng pháp luật.”
“Không có hung thủ nào hết.” Đức Bình nói một cách nhỏ nhẹ, nhưng giọng nói thì không thể phản bác, “Đó chỉ là bà ấy đang bảo vệ người thương yêu nhất của mình mà thôi.”
“Thầy muốn nói đến con ‘ma nữ’ đó? Chả lẽ thầy cũng tin vào chuyện này sao?” La Phi nhìn hòa thượng Đức Bình vẻ ngạc nhiên.
“Anh quên rồi à, tôi là một kẻ xuất gia, tại sao lại không tin vào những chuyện ma quỷ chứ? Vả lại, nếu không tin vào chuyện này, thì đối với một số việc đã xảy ra, liệu anh còn có cách giải thích nào khác hợp lí hơn không?” Đức Bình vừa nói vừa nhìn ra ngôi mộ đứng cô độc bên ngoài, nhoẻn một nụ cười khó hiểu.
“Có những việc nhìn bề ngoài đúng là không thể giải thích được, đó chẳng qua là những gì chúng ta tìm hiểu được vẫn còn quá phiến diện, hoặc là do chúng ta bị một số ấn tượng giả làm cho hoang mang. Nếu chịu khó quan sát tỉ mỉ và phân tích nghiêm túc thì cuối cùng đáp án cũng sẽ phải lộ ra.” La Phi kiên định với niềm tin khoa học của mình, anh lấy ví dụ, “Như vừa nãy, tôi đã phát hiện ra một điều rất kì diệu, phát hiện này có thể giải đáp một vài nghi vấn.”
“Là gì thế?” Đức Bình nheo mắt, chăm chú nhìn La Phi.
“Một bí mật liên quan đến ‘Dốc quỷ ám.’ La Phi ngừng lại giây lát, rồi tiếp tục câu chuyện, “Theo như lời đồn, bóng đen trên ‘Dốc quỷ ám’ chỉ xuất hiện vào ban đêm, ban ngày thì biến mất, rất có thể đây chỉ là một hiện tượng bình thường, chả liên quan gì đến chuyện ma quỷ.”
“Anh tìm được nguyên nhân trong đó rồi hả?”
“Nói ra kể cũng rất đơn giản, đó chỉ là do các dây leo trên dốc núi tạo nên mà thôi. Những cây dây leo này sẽ dịch chuyển theo hướng gió biển. Tùy theo hướng gió khác nhau mà có lúc chúng che khuất một vài thứ, có lúc lại để lộ ra những thứ bị che khuất. Cách đây không lâu, tôi đã tận mắt quan sát thấy các dây leo lắc lư đã che khuất một chạc cây như thế nào. Nếu như vào mùa hè, cành lá xum xuê, che khuất một người cũng không thành vấn đề.”
“Thế ư?”
La Phi tiếp tục giải thích: “Gió biển ở trên đảo rất mạnh, mà ‘Dốc quỷ ám’ lại nằm ở một khe núi, nên cây cối trên vách núi sẽ phải chịu một lực gió thổi mạnh hơn. Những cây dây leo mảnh mai đó không đủ sức chống chọi với gió biển, vì thế tổ chức cành nhánh của chúng rất chi mềm dẻo, có độ đàn hồi lớn, nhờ đó mà chúng có khả năng tự bảo vệ mình trong các trận cuồng phong. Đêm qua, tôi đã lên núi lấy một ít mẫu vật dây leo để kiểm nghiệm phỏng đoán của mình. Nhưng mặc dầu vậy, tôi vẫn kiên trì đợi cho đến khi trời sáng mặt trời mọc, để tận mắt chứng kiến hiện tượng tôi mong đợi đó diễn ra.”
Hòa thượng Đức Bình chăm chú lắng nghe, trong ánh mắt dần xuất hiện vẻ ngưỡng mộ, có khi còn xen lẫn chút sợ hãi. Nhưng ông không dễ dàng bỏ qua, mà tiếp tục đặt ra câu hỏi của mình: “Cứ như anh nói, hoàn toàn là do sức gió, vậy tại sao lại kiểm soát được độ chính xác như vậy? Hơn nữa hiện tượng xảy ra ban ngày và ban đêm lại hoàn toàn khác nhau?”
“Đó là hiệu ứng gió biển-lục địa.” La Phi đã lường trước được tình huống này, anh trả lời ngay mà không cần phải suy nghĩ, “Loại gió này xuất hiện ở khu vực giáp ranh giữa biển với đất liền, cũng chính là hoàn lưu chung và hoàn lưu cục bộ của khí quyển với chu kì 24 giờ. Thầy quanh năm sống ở trên đảo, chắc hẳn có kinh nghiệm thực tế hơn tôi; còn tôi, tôi hiểu về khoa học, nên chỉ có thể giải đáp từ góc độ lý thuyết. Theo khí tượng học, thí gió biển-lục địa là do sự khác biệt về nhiệt lực giữa đất liền và biển tạo nên, do đất liền có dung lượng nhiệt khá thấp, nên sự biến đổi nhiệt độ của nó diễn ra nhanh hơn nhiều so với biển. Ban ngày, dưới sự chiếu xạ của mặt trời, đất liền tăng nhiệt độ nhanh hơn biển, vì thế hình thành nên sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất giữa khí quyển trên biển và đất liền, khiến tầng khí quyển thấp dịch chuyển từ biển vào đất liền, tạo nên gió biển, còn tầng khí quyển cao thì dịch chuyển từ đất liền ra biển, tạo nên gió ngược chiều với gió biển, chúng kết hợp với luồng khí tăng trên đất liền và luồng khí giảm trên biển tạo nên hoàn lưu cục bộ của gió biển-lục địa. Tương tự, vào ban đêm, đất liền hạ nhiệt độ nhanh hơn biển, giữa biển và đất liền hình thành nên sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất hoàn toàn ngược lại so với ban ngày, do đó sẽ tạo nên hoàn lưu cục bộ hoàn toàn ngược lại với ban ngày. Tôi không biết liệu thầy có hiểu hết được logic trong vấn đề này không, nhưng đó chính là khoa học. Còn hiện tượng kì quái khiến người ta khó hiểu đó thực ra chỉ là một trò chơi của gió biển đối với chúng ta mà thôi.
Đức Bình ngẩn người ra một hồi lâu, lời giải thích của La Phi từ sự thực đến lí thuyết đều đâu ra đấy, dường như không có bất cứ sơ hở nào. Mặc dù chưa chịu khuất phục cho lắm, nhưng ông đành phải chuyển chủ đề, lái câu chuyện sang một hướng khác: “Nhưng mà thế thì giải thích thế nào về người phụ nữ ôm con trên dốc núi? Bà ta rốt cục là người hay ma? Tại sao lại xuất hiện ở nơi đó? Hơn nữa lại gián đoạn mười tám năm trời? Nếu bà ta là người, thì bà ta là ai? Mười tám năm nay bà ta đã đi đâu?”
“Chuyện này tôi tạm thời cũng không thể giải thích được.” La Phi kiên định nhìn Đức Bình, “Nhưng tôi nhất định sẽ tìm ra lời giải.”
“Được rồi.” Đức Bình thở dài, quyết định không đối đầu với La Phi nữa, “Trước cùng một sự việc, anh có phương pháp của anh, tôi có phương pháp của tôi… Tối nay tôi sẽ làm lễ cúng, cầu khấn cho vong linh của những người nằm dưới mộ, cầu mong cho họ được bình yên.”
“Tôi muốn bày tỏ lòng thành kính của mình với những người đã khuất. Nhưng…” La Phi nói thẳng ra, “Tôi không cho rằng đây sẽ là một phương pháp tốt.”
“Chưa thử, làm sao mà anh biết được là không có hiệu quả? Biết đâu sau đêm nay, mọi thứ sẽ chấm dứt.” Đức Bình thủng thẳng nói, như đang suy nghĩ điều gì đó.