Chương 8: Tam tiểu thư Ôn gia – Ôn Chu Hân

Ban đêm Đông Đô Đại Quốc Tự mưa xuân rả rích, từng giọt từng giọt mưa tí tách rơi trên mặt nước tạo ra xao động miên man rồi dung hòa làm một, cứ thế chảy trôi theo dòng suối, từ nơi thượng nguồn về đến hạ nguồn chân núi Lăng Sơn trở thành dòng sông Vận Thủy bao đời gắn liền với nhân sinh trên khắp vùng đất Đông Đô này. Một dòng nước sinh ra từ thâm sơn thanh cao, chảy qua đô thành hoa lệ và xa xôi hơn nữa về phía hạ lưu, liệu còn giữ lại được mấy phần thanh thuần của nguồn nước.

Một tiếng cạch phát ra thanh thúy, kéo về hồn phách của Du Tử Dạ đang trôi nổi, phiêu lãng trong vô định trở về nơi tiểu viện đơn sơ. Đưa đôi mắt mê man nhìn về phía bàn cờ, một nước cờ vô vị. Du Tử Dạ khinh thường nhìn người ngồi đối diện vừa hạ cờ, khép hờ đôi con ngươi màu hổ phách, giọng nói ghét bỏ lên tiếng: “Lão trọc đầu, đã hơn hai năm, đây là ván thứ tám mươi mốt rồi, ngươi có thể buông tha cho bổn vương không đây. Lần nào ngươi hạ cờ không phải một khắc thì là hẳn một canh giờ, bổn vương cùng ngươi đánh cờ thật cảm thấy … cảm thấy rất nhanh liền thành người thiên cổ. Hừ.”

Hai năm qua, mỗi lượt Du Tử Dạ theo mẫu thân đến Lăng Sơn, đều trước sau như một bị Vô Danh phương trượng nắm lấy, lôi kéo Du Tử Dạ theo hắn đánh cờ. Không biết đã bao nhiêu lần Du Tử Dạ bị vây hãm trong biệt viện trúc lâm này của Vô Danh phương trượng, bất kể ngày hay đêm. Dù trên gương mặt Du Tử Dạ hiển hiện dáng vẻ thập phần không tình nguyện, nhưng những ngón tay trái thon dài trắng nỏn vẫn rất thành thật, từ trong hộp gỗ bên cạnh, chọn lấy một viên cờ màu trắng bằng ngọc hoàn mỹ, hạ xuống một nước cờ hoàn hảo, cạch. Mặc nhiên, thong dong kết thúc ván cờ.

“Vương gia, ván này lão nạp cam bái hạ phong. Canh giờ đã trễ, vương gia cũng nên sớm về nghỉ ngơi. Ngày mai lão nạp lại hầu ngài đánh một ván mới.”, Vô Danh đại sư không hề bị những ngôn từ của Du Tử Dạ đả động, vừa nói vừa cẩn trọng nhặt những viên cờ trên bàn cờ thu vào hộp gỗ, cho đến khi trên mặt bàn chỉ còn lại những đường kẻ dọc ngang vô tri. Vô Danh đại sư mới bất giác ngẩng đầu lên nhìn Lạc Vương đầy thâm ý, cất lên giọng trầm ổn vốn có của bậc trí giả “Vương gia, lão nạp cùng ngài đánh qua tám mươi mốt ván cờ, mỗi một ván cờ đểu bắt đầu trên một bàn cờ trống, đến cuối cùng bất luận thắng bại, cũng đều phải thu dọn tàn cuộc mới có thể bắt đầu một ván cờ mới. Đạo lý trong đó, lão nạp tin là vương gia nhất định kiến giải minh bạch.”

Du Tử Dạ lúc này đã rời bàn cờ, một thân lục bào nho nhã đứng dưới mái hiên, nhìn ra màn mưa lất phất trong đêm tối bên ngoài tiểu viện. Tay phải phía sau lưng từ từ nắm chặt thành quyền, tay trái lại thản nhiên đưa lên, mở ra lòng bàn tay tùy ý đón lấy những giọt nước mưa lành lạnh. Không có chút ý tứ muốn cùng Vô Danh đại sư đáp lời.

“Bàn cờ này của lão nạp đã qua mấy lượt xuân hạ thu đông. Vậy còn bàn cờ của vương gia đến lúc nào mới hạ xuống một kết cục?". Nhìn vị tiểu vương gia đang chuẩn bị rời khỏi, Vô Danh đại sư buông một câu nói với theo bóng dáng của Lạc Vương. Người muốn đi đã lặng im rời đi,Vô Danh đại sư chỉ biết lắc đầu trong thinh lặng,

Mỗi lần cùng vị vương gia này đánh cờ, không khỏi khiến Vô Danh đại sư nhớ lại nước cờ vi diệu của tam tiểu thư Ôn gia năm đó.

Đại Vĩnh nhiều năm cùng Chu Quốc bất hòa, trước phải kể đến món nợ máu năm xưa huyết tẩy Đông Đô vẫn chưa tính xong. Sau phải kể đến tham vọng của Chu Quốc vẫn luôn lăm le muốn chiếm lấy Đông Đô, nơi giáp ranh giữa Đại Vĩnh và Chu Quốc. Vì vậy hai bên thường xuyên xảy ra chiến sự, liên miên không dứt,

Vào năm Tung Để đăng cơ, Chu Quốc đã nhân cơ hội này cử sứ giả lấy danh nghĩa dâng lễ chúc mừng tân đế đăng cơ, thăm dò thực lực Đại Vĩnh. Sứ giả Chu Quốc danh không chính ngôn không thuận, lại không có chỉ dụ của hoàng đế Đại Vĩnh, không thể vượt qua Đông Đô một đường bắc tiến Kinh Thành. Chỉ có thể tiến nhập Đông Đô, ở tại nơi này nhiễu loạn lòng dân.

Hoàng đế Chu Quốc vốn yêu thích kỳ nghệ, lấy lý do tạo mối giao hảo hai nước, liền để sứ giả bày ra một bàn cờ tử cục tại Đông Đô. Chỉ cần là người của Vĩnh Quốc trong vòng mười nước cờ phá được tử cục, hoàng đế Chu Quốc liền đích thân đem theo đại lễ dâng lên Tung Đế, nguyện cuối đầu xưng thần.

Bàn cờ cùa Chu Quốc bày ra giữa phố lớn Đông Đô, đã qua hơn mười ngày nhưng lại không có một người đứng ra thử phá giải. Bởi vì người không biết cách phá giải liền sẽ không đến, người đã biết cách phá giải thì lại không dám đến.

Nhìn bàn cờ không khó để có thể nhìn ra được mưu kế âm hiểm của Chu Quốc. Nếu Vĩnh Quốc không người giải được thế cờ này chứng tỏ Vĩnh Quốc yếu kém không có thực lực, Chu Quốc cũng không cần kiêng dè Vĩnh Quốc, tùy thời liền có thể xua quân gây hấn. Nhưng nếu Vĩnh Quốc thực sự có thể trong mười nước cờ phá được tử cục, hoàng đế Chu Quốc lại có thể một đường bắc tiến danh chính ngôn thuận tiến nhập Kinh Thành, vào tận Hoàng cung.

Các nước lân cận khác nếu nói sẽ cuối đầu xưng thần với Đại Vĩnh thì còn có vài phần đáng tin, riêng Chu Quốc tuyệt không có khả năng này. Hoàng đế Chu Quốc tuổi trẻ khí thịnh, Chu Quốc luôn không ngừng thao luyện binh sĩ, qua nhiều năm chỉ chờ đợi một cơ hội cùng Đại Vĩnh phân cao thấp. Chưa kể đến Chu Quốc phía đông giáp biển, đất đai hoa màu không được trời cao ưu ái, lại cũng không thể nói là trời cao bạc đãi. Nhưng Chu Quốc phía tây lại giáp với Đông Đô, trước đây từng là Kinh Đô của Vĩnh Quốc, là một mảnh vương thổ trù phú không thể không khiến Chu Quốc nổi lên dã tâm thèm khát nhiều năm.

Năm đó, kỳ nhân dị sĩ khắp Đại Vĩnh đều tề tụ tại Đông Đô nhiều như nấm mọc sau mưa. Tam khấu cửu lưu không phân biệt cao thấp cùng nhau đàm luận tìm đủ mọi phương pháp nhằm phá thế cờ tử cục, cũng như đập tan âm mưu quỷ kế của Chu Quốc, nhưng lại không một ai có biện pháp vẹn toàn.

Tam tiểu thư của Ôn gia, một vị cô nương gia mười bốn tuổi, lại có thể ung dung điểm hạ duy nhất một nước cờ không những phá vỡ thế tử cục của cả bàn cờ mà còn có thể lật ngược tình thế, giải vây cho Đông Đô. Khiến sứ giả Chu Quốc phải khϊếp sợ, hoàng đế Chu Quốc sinh lòng kiêng kị.

Phải biết bàn cờ này hoàng đế Chu Quốc đã hao tâm tổn trí, nghiên cứu bày bố mất nhiều năm, một nước cờ “tuyệt địa phùng sinh” này là hắn tâm cao khí ngạo cố tình lưu lại. Hoàng đế Chu Quốc chưa từng nghĩ tới Vĩnh Quốc sẽ có người nhìn thấu được nước cờ này trong thời gian không đến nửa tháng. Chỉ là một thiếu nữ chưa đến tuổi cập kê có thể xảo đoạt thiên công, hạ một nước cờ vi diệu. Danh tiếng của tam tiểu thư Ôn gia từ đó vang xa, trở thành tài nữ nổi danh khắp Vĩnh Quốc.

Tuy vậy, thiên hạ chỉ biết được một nửa, một nửa còn lại chỉ riêng tam tiểu thư Ôn gia – Ôn Chu Hân nàng tỏ tường. Cách thức để phá giải bàn cờ của Chu Quốc có rất nhiều, nhưng để Ôn Chu Hân nàng đập tan mưu kế âm hiểm của hoàng đế Chu Quốc chỉ bằng một nước cờ, thì phải dựa vào bàn cờ của người đã lưu lại tại Đông Đô Đại Quốc Tự.

Từ chính điện của Đông Đô Đại Quốc Tự đi sâu về phía Tây là Đạm Nhã Đình, nơi cao nhất có thể thu hết toàn cảnh Đông Đô Đại Quốc Tự vào trong tầm mắt. Nếu may mắn, vào ngày nắng tốt còn có thể từ đây nhìn thấy dòng sông Vận Thủy lượn lờ dưới chân núi Lăng Sơn, từng mảnh trắng xóa hoa linh lan dập dờn tựa như những cơn sóng đang hòa cùng một điệu với dòng sông.

Nơi vách nùi ngay cạnh Đạm Nhã Đình có một động khẩu, từ trước khi dựng lên Đạm Nhã Đình, động khẩu này từng là nơi diện bích sám hối của tăng nhân Đông Đô Đại Quốc Tự khi phạm phải giới điều. Trên vách đá bên cạnh động khẩu, ai đó đã khắc lên những dòng chữ tinh tế, hữu lực, công phu thư pháp có thể nói thuộc hàng thượng thừa.

Nhất kỳ hạ, tuyệt địa trùng sinh

Nhất kỳ hạ, đồng quy vu tận

Nhất kỳ đề, lưỡng nan kỳ giải

Nhất kỳ ngộ, vọng nhân tri tâm.

Dựa vào bốn câu thơ này, Ôn Chu Hân nàng vào năm mười bốn tuổi mới có thể dùng một nước cờ vang danh thiên hạ, trở thành tài nữ được người người ngưỡng mộ. Nhưng cũng bốn câu thơ này, cùng bàn cờ trong động khẩu kia đã trở thành tâm ma không thể đặt xuống trong lòng Ôn Chu Hân.

Suốt hai năm qua, Ôn Chu Hân vẫn không ngừng muốn phá giải bàn cờ bằng đá trong động khẩu kia. Đáng tiếc bàn cờ tựa như câu thơ kia, ý tại ngôn ngoại. Tiếp tục hạ cờ chỉ còn hai con đường để đi, hoặc hai quân cùng tái khởi, hoặc cả hai cùng thương vong, không còn con đường nào khác.

Cổ nhân từng có câu nhân sinh tựa ván cờ, rốt cuộc người đứng sau bàn cờ này từng trải đoạn nhân sinh như thế nào, là khắc cốt ghi tâm hay chấp niệm không tài nào buông bỏ. Người cùng người trong tưởng niệm của nàng phải hay chăng đồng dạng là một người. Vì sao trở lại lâu như vậy cũng không đến cùng nàng tương kiến, nếu đã không muốn tái kiến hà cớ gì trở lại. Ôn Chu Hân nàng thật tâm muốn được một lần cùng người kiến giải.